Dịch giả: Trường Vĩnh Hoa
Chương 1

Thời tiết đầu xuân, băng tuyết nơi đất Bắc vừa tan hết. Trong ngôi thành cổ Phụng Thiên tại nước Mãn Châu, vào lúc ban mai, những cành nhánh thưa thớt trên cây cổ thụ phần lớn vẫn còn treo các trụ sương đông lại đêm qua, nhưng nơi đầu cành đã có vẻ hối thúc không thể đợi chờ, nhô nhú đầu ra trong ý xuân tràn ngập.
Sớm mai hôm ấy nơi con đường Phúc An tại phía Nam thành, sắc trời còn chưa tỏ rạng, đã dội lên những rối động nho nhỏ không được bình thường. Nơi khu cư ngụ to lớn tại phía Tây đường lộ, bắt đầu từ đêm qua đã náo nhộn với hai ngọn đèn lồng đỏ như son, buông xuống những tua sắc vàng biếng nhác xòe xoạc, trông dễ thương hết mức. Thường ngày hai cánh cửa của trang viện cổ xưa rêu xanh phủ đầy, lại lần nữa được đánh sơn bóng loáng sáng rỡ, phản ánh vào đôi sư tử bằng đá ngồi trang nghiêm trước cửa như tràn đầy sức sống. Trên con đường đá xanh, lớp sương mỏng nơi phiến đá lẫn lộn với vết móng chân ngựa; mũi của những con la, con ngựa đã đọng lại những giọt ẩm ướt; hơi người trong nắng sớm thấm dần vào bầu không khí giá lạnh đầy ánh bình minh, ngưng tụ thành mù sương.
Hôm đó là ngày vui của đại thiếu gia họ Lý, một gia đình giầu sang uy thế buôn bán lương thực nơi thành nội.
Trước năm mới, nhà họ Lý mới tháo xuống hai ngọn đèn lồng mầu lam cho sự phục tang ba năm. Thiếu chủ nhà họ Lý vừa mãn hạn tang cha, tuổi mới hai mươi hai, thông minh lão luyện. Năm ấy ông chủ tiệm lương thực họ Lý thình lình thọ bệnh mà mất; trong thành không rõ có biết bao người cùng nghề xoa tay xắn áo dự định uy hiếp con côi, hòng phân chia nuốt trọn miếng bánh to ngon béo bổ này; ai ngờ Lý gia thiếu chủ tuổi chưa đến đôi mươi, tiếp quản nghiệp nhà một chút cũng không hàm hồ sai lạc. Ba năm tiếp đó, chẳng những sự phát triển của cửa hàng lương thực hơn xa ngày trước, người tuổi trẻ lòng đầy tham vọng, thêm kế hoạch đầu tư lâm nghiệp và mỏ than mới phát nơi vùng Đông Bắc, lập tức triển vọng không cùng tận, chẳng ngăn được khiến người ta phải ngưng lại lòng xem thường, cảm thán cho con nghé mới sanh, anh tài trong giới trẻ. Vốn là tấm lòng như mắt cọp rình rập đã lâu, toàn là những việc tiêu xài làm thắt chặt sự giao tiếp với toan tính thân cận. Hôm ấy, một nơi khác trong thành, có gia đình sang giầu nọ sắp tiễn đưa cô con gái đi lấy chồng, từ sáng sớm mà Đất Trời hoan hỷ dường như nghênh đón dáng rồng trong bầu khí phận dạt dào niềm vui.
Mặt trời ló dạng và ngày dần sáng rõ, tiếng kèn loa cùng tiếng trống thập thùng vang lên, đoàn người đón dâu theo lối cổ nâng cao chiếc kiệu hồng vàng chói tô rồng thêu phụng, nghênh ngang qua lộ, dọc đường hấp dẫn người xem vây quanh để ngắm nhìn cô dâu mới lấy chồng được công kênh trở lại giữa tiếng trống kèn inh ỏi. Cửa son mở rộng, đón vào trong trang viện với khoảnh sân thăm thẳm, rợp bóng cổ thụ. Trong vầng dương rực sáng, là một ngày đẹp trời giữa mùa xuân ấm áp, khách đến chúc mừng tấp nập không dứt, khuấy động sự tĩnh mịch đã lâu, nơi trang viện liền bừng lên những tiếng ồn ào náo nhiệt.
Giữa lúc tiệc rượu, từ trong chái nhà bên phải đại sảnh, bước ra một chàng trai tuổi chừng mươi tám. Sau khi chàng ta lặng lẽ từ trong bàn tiệc lui về, bèn từ chái nhà bước quanh đến hành lang, tản bộ trên lối đi lót sỏi vụn trong sân, hướng về chỗ cây cối um tùm tiến bước.
Một chút bối rối như bám chặt giữa đôi mi, lòng chàng cảm thấy buồn chán, một nỗi muộn phiền không phân rõ là gì. Chàng không chịu nổi sự huyên náo ồn ào trong buổi tiệc mừng, thừa lúc rãnh rỗi bèn lẻn trốn ra ngoài. Hôm nay là ngày mừng cưới của đại ca chàng, chàng chẳng ngờ bữa tiệc lại hào hứng quá mức.
Lý gia tại Đông Bắc gốc rễ đã có mấy đời, truyền xuống từ đời này sang đời khác, con trai ngày càng ít. Vị đương gia đã mất là hàng thứ hai, tên gọi Lý Vân Hải. Lúc còn trẻ, đã từng đi xa vào Quan nội để học trường theo lối mới. Từ khi tốt nghiệp đại học Yên Kinh tại Bắc Kinh trở về, cùng huynh trưởng phân chia gia sản, mỗi người tự sinh nhai, vẫn làm nghề cha ông để lại là bán buôn ngũ cốc. Họ Lý ruộng đất mênh mông, cảnh nhà giầu có, việc cấp bách bây giờ là nối dõi tông đường, tiếp dòng hương hỏa. Lý Vân Hải lấy người vợ chánh có hơn một năm, lại lập thêm phòng nhì, một thê một thiếp tổng cộng sanh cho ông ba người con trai. Con trưởng do người thiếp sinh ra, lấy tên là Long Tường; con thứ gọi là Bằng Tường, nhưng sinh ra hơn tháng thì chẳng may chết yểu. Cách vài năm sau đó, người vợ chánh mới sanh cho ông thêm một người con trai, đặt tên là Phượng Tường. Vốn là dự tính cứ như thế mà có thêm con trai, nảy sinh lá cành tươi tốt, làm lớn rộng dòng tộc họ Lý, ai mà biết được sau đó lại chẳng có động tĩnh gì nữa, việc này khiến trong lòng Vân Hải lúc nào cũng cảm thấy quá đáng tiếc. Ba năm trước, thình lình lâm bệnh, mộng đẹp tiêu tan thành mây khói, mà đành vĩnh viễn buông xuôi.
Lý Phượng Tường năm nay tuổi vừa mười bẩy, thuở còn thơ đã để tang mẹ, thứ mẫu thành ngôi chánh thất. Từ bé, phụ thân và huynh trưởng càng thêm thương mến. Người mẹ ruột tuy mất sớm, may mà lúc sinh tiền có quan hệ tốt đẹp với thứ mẫu, tình cảm hòa thuận, kế mẫu không ức hiếp con côi, đối xử như con mình sinh ra, vì vậy, cũng xem như là lớn lên trong sự bình an yên ổn. Thông thường mà nói, mấy chàng trai cậu ấm con nhà giầu thường khó tránh khỏi tính tình khinh bạc, hay chơi bời phóng đãng, nhưng gia giáo nhà họ Lý xưa nay nghiêm khắc, Lý Vân Hải lại tự nhận là người học thức, là dòng dõi nho gia, không muốn con cưng học đòi thành kẻ đê tiện, do đó Phượng Tường cho dù được chiều chuộng mà buông thả một chút, song tính tình vẫn hiền lương. Bản chất của chàng này là ít nói, tận cốt tủy đã hàm chứa chút thanh tĩnh trời sanh, từ bé đến giờ kín cổng cao tường không được phép tùy tiện ra khỏi cửa; đến khi lớn lên, lại là tự lẽ loi cách biệt không nguyện cùng người giao tiếp. Ba năm trước, phụ thân lìa đời, về sau, trong mười ngày thì chàng đã có hết bảy tám ngày ẩn núp ở nhà.
Long Tường đối với người em nhỏ này gần đây thêm nhiều thương mến, nhưng khác nhau đến năm tuổi, dẫu sao cũng hơi có khoảng cách. Long Tường sau mười chín tuổi đã ra tay làm việc kinh doanh, càng uy nghiêm giống như là quyền huynh thế phụ; Phượng Tường còn trong tuổi xuân độ trăng tròn, một người mà sự cô quạnh cứ chồng chất thêm theo ngày tháng. Bình thường chàng thật chẳng có người bạn nào rất thân thiết, chỉ có Quý Trụ Nhi là con trai cao lớn của nhũ mẫu mà từ bé đã cùng chàng bú mút chung bầu vú sữa, thỉnh thoảng cậu ta lại đến làm bạn chơi đùa với chàng. Sự qua lại giữa hai người, vẫn không vì thân phận địa vị hoặc tuổi tác lớn dần mà có chút đổi thay.
Phượng Tường ngắt một mầm non mọc nơi gốc cây, cắn vào trong miệng rồi nhìn bâng quơ. Khuôn viên nhà họ Lý rất rộng lớn, gian nhà tọa lạc tại giữa khu vườn, hai bên đều là rừng cây dày đặc. Một nửa bên này của khu vườn là một vùng to lớn trồng toàn cây hòe. Đến mùa hoa hòe, hoa sẽ nở mù đặc khắp trời. Nhưng hiện tại chỉ là một khung cảnh đìu hiu trơ trọi. Trong rừng cây có một chiếc ao, bên cạnh ao trồng vài cây mai vàng, giờ lại ngang nhiên nở rộ rất nhiều hoa.
Vừa đúng lúc Phượng Tường rời khỏi tiệc rượu đi vệ sinh, cách bức tường đất nhà xí chợt nghe có tiếng thở dồn dập, trầm đục nặng nề, thoang thoảng truyền đến. Nhất thời hiếu kỳ, chàng bước ra nép vào góc tường nhìn trộm một cái, thoáng thấy một gã trai trẻ cường tráng đang ôm Uyển-nhi - con tỳ nữ hầu hạ trà nước lặt vặt trong nhà - lẩn giữa lùm cây. Thân ảnh đó, rập rà rập rờn phải là Quý Trụ Nhi. Hai người như mê như say, chưa nhận biết bên cạnh có người. Phượng Tường sững sờ ngay tại chỗ một lúc thật lâu, rồi như bừng tỉnh cơn mộng, một cơn thẹn thùng dâng lên hồng đôi má, chàng quay người nhẹ tay nhẹ chân rời khỏi nơi ấy.
Trong lòng chàng sầu muộn buồn buồn, không biết rõ thứ cảm giác bứt rứt khó chịu ấy là gì. Thứ bí mật này trong lúc tình cờ nhìn thấy, chàng nghĩ thà rằng mình không biết. Chàng chỉ cảm thấy trong lúc này - bất kể là trong Hỷ đường đại ca Long Tường với vẻ mặt phấn khởi, hoặc gần đây Quý Trụ Nhi đã nở những nụ cười ngốc nghếch khờ khạo - tất cả đều cách biệt chàng rất xa xa lắm, tách ra một nơi khác của đời người rồi mất hẳn. Đường ranh giới ấy, chắc là chàng vượt không qua được, mặt khác của sự việc này, cũng là điều chàng không hiểu rõ, điều mà chàng chẳng thể chen chân. Một sự cô quạnh, cảm giác lẽ loi còn sót lại, ôm chặt lấy chàng.
Tự thuở lên mười ba, xương cốt chàng tựa như chồi non của cây cối mùa xuân, cứ kéo dài ra ngày ngày. Nam nhân vùng Đông Bắc phần lớn đều cường tráng thô kệch, thân hình Phượng Tường cũng kéo giãn cao lều khều thẳng tắp, chỉ không giống như Quý Trụ Nhi lao động giữa ruộng đồng, nói khoa trương ấy là như con nghé. Tuổi tác thêm dần lên, việc đời dần thấu hiểu, song hãy khoan bàn về sự trưởng thành nội tâm hay thân thể, có thể nói rằng tính tình chàng chẳng vui chẳng buồn lúc nào cũng thế, bình bình đạm đạm.
Bên bờ ao, mai vàng rơi rụng, có một bóng hình xa lạ đang ngồi xổm. Người ấy ước chừng nghe được có tiếng bước nhân, quay đầu nhìn lại. Phượng Tường vừa rồi trong đại sảnh cùng theo đại ca và thứ mẫu hướng về quan khách mời rượu, người này nhận ra được, liền vội vươn người đứng dậy, xong hết sức cong người xuống tận eo mà hành lễ theo đúng quy củ khuôn phép; với dáng tươi cười đượm chút thẹn thùng, nhưng lại có vẻ đáng yêu.
Là một người Nhật Bản. Trong lòng Phượng Tường nghĩ ngợi, nét mặt thoáng vẻ ngại ngùng. Chàng nhớ lại lúc nãy trong tiệc rượu, có một vị quan Nhật bản bụng to phệ ngồi nơi bàn. Tổ Quốc bất lực, bị người Nhật Bản chiếm làm tổ riêng, đưa Hoàng đế cựu triều lên làm bù nhìn, rồi họ vung tay nắm quyền hành nội bộ, giả xưng là Nước Mãn Châu. Người Trung Quốc liên can trong thành, ngoài mặt thì giả vờ làm dân theo giặc, mà đáy lòng sao khỏi toàn sự căm giận miệt khinh. Thế nhưng, việc kinh doanh của họ Lý là bán buôn ngũ cốc, nên thường phải kết giao với vài người quyền quý là mấy tên ác quỷ Đông Dương thao túng quyền hành trong Chính phủ; vướng mắc chuyện làm ăn thì cũng phải quyền biến để mà hoạt động, nói theo cách khác ấy cũng là sự đành chịu của bao người trong giang hồ tứ xứ.
Lý Long Tường tự thân từng theo học tại trường của người Nhật Bản, trong lòng anh không mong muốn người em nhỏ bé đi học trường trung học của Nhật, và người cha đã mất cũng không muốn như thế. Tự mình đã ở nơi thế gian ô trọc không được thanh tịnh, dù sao cũng cần phải bảo vệ em nhỏ tránh khỏi sự lây nhiễm bùn nhơ, đây vốn là sự khổ tâm của người anh cả.
Phượng Tường không thể nói tiếng Nhật, đành phải gật đầu mỉm cười. Trong lòng trù trừ cả một lúc, chẳng biết tốt hơn nên rời đi hay lưu lại nữa.
- Chào Cậu. – Người Nhật bản trẻ tuổi đó mở miệng, giọng Nhật bản đậm đặc trong câu nói Đông Bắc của anh ta, giọng mũi càng hiển lộ rất trầm nặng, Phượng Tường nghe trong tai có một thứ thú vị lạ lùng. Người ấy mỉm cười rồi khẽ nói:
- Khu vườn này của các cậu đẹp quá!
- Tại sao không ở bên trong uống rượu? – Phượng Tường hỏi.
- Rượu uống nhiều rồi, ra ngoài đây thư thả. – Trên gương mặt sạm nắng của chàng trai người Nhật ấy quả nhiên có mờ mờ ánh hồng say chất rượu. Phượng Tường đoán rằng anh ta có lẽ theo quan chức Nhật Bản đó mà đến, trong lòng cảm thấy người này và những cậu học sinh trung học người Nhật ngỗ ngược ngang tàng kiêu căng thường gặp trên đường phố thật quá khác nhau, chẳng qua, nhà cậu ta ở vùng này, cho đến giờ rất ít người Nhật đến đây. Phượng Tường thuận miệng hỏi thăm anh tên gì, người Nhật Bản đó liền vội lễ phép tự mình giới thiệu, họ Địch Dã. Địch Dã Canh Dương. Anh ta như sợ Phượng Tường không nghe rõ khẩu âm của mình, nhặt lấy một nhánh cây, trên mặt đất bùn viết ra bốn chữ này bằng Hán tự.
“Địch Dã Canh Dương”. Phượng Tường lẩm bẩm đọc, không có ý nghĩa gì cả. Hai người cứ ngơ ngẩn nhìn hoa mai.
Chỉ như thế, cũng chẳng ra làm sao, Phượng Tường nghĩ chắc phải quay về đại sảnh giúp việc chào hỏi tiếp khách, bèn mỉm cười xoay người cáo từ. Canh Dương mãi nhìn theo chàng ta suốt trên đường đi vào nhà, nhìn lâu thật lâu, đến khi chàng bước vào trong nhà, mới ngẩng đầu lên; một con chim én đen đen từ giữa rừng cây vụt ngang qua.