Dịch giả: Trường Vĩnh Hoa
Chương 4

Bắt đầu từ bữa đó, Phượng Tường trở nên vui vẻ đợi chờ trong sân trước nhà. Khi thì chàng đem sách ra ngồi đọc dưới bóng cây, lúc thì dứt khoát gọi gia nhân khiêng chiếc bàn gỗ ra ngoài, đồ họa tranh thủy mặc cây cỏ côn trùng. Từ nơi xó góc này, chàng có thể nhận biết động tĩnh ngoài cổng.
 
Lúc đầu, chàng còn lo lắng Canh Dương có thể mạo muội gõ cửa tiến vào tìm người, xông xáo mà sinh tai họa, nhưng Canh Dương lúc nào cũng ở ngoài cổng lấp ló lướt qua, anh dừng ở đường phố xa xa mà chờ Phượng Tường nhẹ nhàng mở cổng ra ngoài cùng anh gặp gỡ.
 
Có lúc Canh Dương đạp xe chạy qua chạy lại vài chuyến mà cũng chẳng thấy bóng hình ai đẩy cửa ra ngoài; và rất nhiều lúc, giữa trưa Phượng Tường cũng đương ngồi dưới tàng cây, ngồi đến gục ngủ say sưa, lá rơi hoa rụng, áo tà bay phất phất. Nhưng đến lúc hai người gặp nhau, không hề nhắc đến chuyện đôi bên đã đợi đã chờ, dường như đấy là một sự hiểu ngầm.
 
Hôm ấy, Canh Dương đến rất sớm, vừa ăn xong bữa trưa đã thấy tới rồi. Phượng Tường nhớ rằng Thứ mẫu vẫn còn chưa ngủ trưa, sợ sẽ ra ngoài la chàng, bèn lấy tay ra hiệu muốn anh chờ. Sau đó chừng mười lăm phút, chàng mới đẩy cổng bước ra, vừa thấy mặt liền hỏi với vẻ rất cao hứng:
 
- Hôm nay đến sớm thế này! Chúng mình đi đâu chơi đây?
 
- Ba mẹ anh bữa nay đưa em gái anh đến Phủ Thuận, anh đuổi gia nhân trong nhà ra ngoài hết rồi, đến nhà anh ngồi chơi nhé? – Canh Dương cười đáp. Phượng Tường nghe nói đến nhà anh, không cầm được sự hứng thú quá sức:
 
- Cơ hội quá khó gặp! Đi đi đi! Xem xem nhà anh hình dạng thế nào, đi thôi!
 
Nhà Canh Dương tọa lạc trong khu vực toàn là kiến trúc lối Tây phương, mới xây cất sau khi người Nhật đến. Đó là một căn biệt thự hai tầng sơn mầu trắng. Đường xá quanh vùng được tráng nhựa, san bằng phẳng, toàn bộ được trải nhựa hắc ín đen bóng. Dọc theo hai bên lề đường là những cột đèn dựng thẳng đứng, tại nơi đầu cột có bóng đèn bằng pha lê tròn phình ra với nắp chụp bên trên, sáng lấp la lấp lánh. Đằng trước nhà Canh Dương là một cái sân nhỏ, anh dừng xe nơi trước cổng nhà, đẩy xe vào trong sân. Sân này không có tường gạch, cây dâm bụt được trồng chung quanh làm hàng rào.
 
Hai người ở trước lối vào cởi giày ra, bước vào phòng khách, Phượng Tường ngắm nghía chung quanh một lúc, mới hỏi rằng:
 
- Em tưởng là nhà anh được xây theo kiểu Nhật.
 
- Ba anh thích sống trong nhà xây kiểu Tây phương, nguyên do có lẽ là vì đã ở lại trong thời gian lâu tại nước ngoài.
 
Canh Dương đưa chàng đến phòng ngủ trên lầu, phòng ngủ Canh Dương kế cận bên ngoài sân thượng, trước cửa sổ có trồng đầy dẫy những hoa păng-xê, nhiều mầu rực rỡ rất tưng bừng náo nhiệt.
 
- Lúc trước đây, anh và cha ở tại nước Đức. Một vài người Đức họ cứ trồng hoa bên song hộ như thế đấy, trông đẹp cực kỳ.
 
Trong phòng Canh Dương được sắp đặt gọn gàng, có thể nói bản tính của anh thật sự nghiêm túc trong mọi việc. Phượng Tường đang ngắm nghía một bức họa mầu treo trên tường. Trong tranh là một phụ nữ Tây-Ban-Nha đang múa; áo và váy mầu đỏ như lửa, viền đăng ten mầu đen; cằm ngẩng lên cao cao, ánh mắt vừa quyến rũ vừa khiêu khích, tay vẫy quạt vàng tay vén váy phất phơ. Phượng Tường tặc lưỡi lắc đầu:
 
- Nữ nhân ngoại quốc này! Đã xuất giá theo chồng chưa?
 
Canh Dương bật cười. Anh nói bức họa này là anh vẽ nó vào năm mà anh học vẽ tranh sơn dầu tại Đức quốc, sau khi trở về mới đóng khung treo lên.
 
- Đi đến rất nhiều tiệm làm khung hình đều chẳng có người nào chịu đóng khung cho nó đấy!
 
Phượng Tường tưởng tượng rằng mấy giáo sư họa bảo thủ mà nhìn thấy bức tranh này phải kinh hoàng thất sắc, nhịn không được cũng cười lên.
 
Trước bàn học Canh Dương, một kệ sách lớn xây lọt vào trong tường, xếp đầy những sách mà chàng xem không hiểu. Chữ Nhật chàng phân biệt được, những sách khác thì chữ viết hàng ngang, cho dù xa lạ mà rất đẹp mắt.
 
- Anh thật lợi hại, xem hiểu được chữ nước ngoài viết như cua bò này.
 
- Bọn anh học Tây Y mà, phải biết tiếng Đức và tiếng Anh mới được. Có vài vị giáo sư là người ngoại quốc, trong lớp vốn là nói tiếng nước ngoài. – Canh Dương đáp.
 
Ánh mắt Phượng Tường rơi hướng xuống dưới, bất ngờ phát hiện trên bàn vài bản tập đọc Hán tự có bán ngoài tiệm sách dùng dạy trẻ em nhận mặt chữ, tầng dưới của giá sách còn đặt hai ba tập Thi-Từ tuyển chọn. Chẳng ngăn được quá đỗi kinh ngạc, chàng ngẩng đầu xoay qua nhìn Canh Dương rồi láu lỉnh cười cười. Canh Dương mặt đỏ lên, nhưng cũng thản nhiên cười lại:
 
- Muốn học chữ Trung quốc mà, nói chuyện anh có thể nói nhưng đọc thì không, trong văn Nhật có rất nhiều Hán tự, nhưng bắt đầu học rồi mới thấy nó rất khác xa.
 
Xấp giấy trên bàn, vài trang có chữ viết, là những trang giấy bỏ mà Canh Dương luyện viết chữ. “Minh nguyệt kỷ thời hữu, bả tửu vấn thanh thiên, trường đình ngoại, cổ đạo biên, phương thảo vô tình, canh tại tà dương ngoại, lệ nhãn vấn hoa hoa bất ngữ, đãn nguyện nhân trường cửu, thiên lý cộng thuyền quyên” (trăng sáng khi nào có, đem rượu hỏi trời xanh, ngoài trạm nghỉ, bên đường xưa, hương cỏ vô tình, nơi ngoài bóng chiều tà, mắt lệ hỏi hoa hoa chẳng nói, chỉ mong mãi mãi bên người, dẫu xa ngàn dặm cũng cười người thương)… trên giấy viết vô số chữ Phượng Tường Phượng Tường Phượng Tường, chàng nhìn thấy rồi, nhưng cũng không nói gì.
 
Nhớ lại cha lúc còn sống thường hay nói với vẻ mặt khinh thường: văn tự nước ngoài, chẳng đáng để học. Phượng Tường không ưng học tiếng Nhật cũng là học theo thói kiêu ngạo giống như cha chàng, nhưng giờ đây chẳng biết tại sao, trong lòng chàng lại có chút áy náy với Canh Dương.
 
Hai người nằm trên chiếc giường của Canh Dương mà cười đùa bàn chuyện vu vơ, Canh Dương đem quyển tiểu thuyết mong mỏng bằng tiếng Tây phương ra giảng cho Phượng Tường nghe. Phượng Tường vừa nghe vừa hiểu, cảm thấy người ngoại quốc quá mới mẻ, thực là trái ngược với chủng tộc mình. Canh Dương gập sách lại, nhìn lên trần nhà rồi nói:
 
- Anh sợ là không thể đến tìm em trong thời gian khá lâu.
 
- Vì sao thế?
 
- Bên Đức có vài vị giáo sư muốn đến đây, anh phải giúp cha anh tiếp đãi đưa đón, họ sẽ ở lại chỗ này trong khoảng mười ngày tới, còn đến thăm viếng bên Cáp-Nhĩ-Tân nữa. Chờ khi nào họ đi rồi, anh đến tìm em.
 
Phượng Tường cả một lúc chẳng buồn nói năng, rồi một lúc nữa trôi qua, cũng không biểu lộ bất cứ lời nào. Canh Dương không rõ là chàng thật sự phải chăng đã giận rồi, nhưng cũng không dễ hỏi, bèn tán gẫu vài chuyện khác. Hai người nhìn theo ánh nắng chuyển di từng chút chút, bóng hoa dần dài ra, mặt trời đã ngả về tây. Canh Dương đạp xe đưa Phượng Tường về nhà, suốt dọc đường, lẳng lặng chẳng ai nói gì, không rõ đây có phải coi như là tâm tình ly biệt.
 
Phượng Tường đứng nơi góc đường vọng nhìn Canh Dương rời đi, trong lòng chàng nghĩ ngợi: cả hai người đang sống nơi thế giới khác nhau. Đã lâu lắm chàng không còn ý thức về việc ấy nữa, thật ra, Canh Dương cũng đâu phải chủng tộc mình. Sự sống anh ấy nơi đầu bên kia thành thị, cuộc đời ta tại đầu bên đây như phố giếng cổ xưa này. Sự lưu luyến chẳng thể giải bày này ta lại phải xem như là cái gì?