Dịch giả: Trường Vĩnh Hoa
Chương 8

Tháng Tám trời thu trong vắt, nơi ngôi nhà nông mọi người cũng bận rộn hẳn lên. Phượng Tường lúc ban ngày chẳng có việc cũng không đọc sách, có khi tiện thì theo giúp một tay, thật ra chân tay vụng về, chẳng làm được việc gì to tát; rốt cuộc thường thường là bồng Niếp niếp ngồi ở trước sân nhà, kéo dài sợi dây căng chiếc lưới, rắc ít gạo rồi mỏi mòn chờ đợi chú chim sẻ tham ăn.
Trung thu hôm ấy, vợ chồng Long Tường cùng đến vùng quê sum họp, mọi người trong nhà bận rộn chuẩn bị cúng lễ Thần Trăng. Đêm khuya trong sáng không mây, không trung một mầu xanh thẫm, một vừng trăng sáng lạnh giữa trời đêm, điểm tô vài ngôi sao lác đác thưa thớt. Long Tường sai gia nhân đem dưa nơi vườn rau thêm vào chỗ bánh Trung Thu, dưa và trái cây bày trên bàn, rồi mời tá điền và người làm thuê cùng nhau uống rượu thưởng trăng, lý do là đáp tạ khổ cực ngày thường của họ.
Giữa tiệc chuyện trò, Long Tường quay sang Phượng Tường nêu lên quyết định của anh, chờ sau khi về thành, muốn chàng theo ra ngoài cửa hàng để học cách trông nom buôn bán. Mọi người đều thay nhau gật đầu phụ họa: đúng đúng đúng, ý này thật chu đáo, người trẻ tuổi cũng phải học hỏi kinh nghiệm dài lâu. Tuy nhiên việc này với chàng mà nói đó chẳng phải là điều chính yếu, nhưng nghĩ đến từ đấy về sau cơ hội gặp mặt Canh Dương lại càng ít đi, đáy lòng không khỏi có chút nặng nề.
Đêm thu mát mẻ, côn trùng rả rít, dưới căn lều dưa vang tiếng nói cười muộn trễ. Phượng Tường xưa nay không quen ồn ào, tửu lượng cũng kém, sau khi uống hai chung rượu trắng, liền thoáng say mặt đỏ lên, thế là xin cáo lui rời khỏi buổi tiệc, một mình ra ngoài lang thang.
Giữa bờ ruộng, nơi chân không lúc ẩn lúc hiện dật dờ điểm điểm những ánh lân tinh cuối mùa, là những ngôi sao trong lúc sơ ý mà rụng xuống trần gian. Phượng Tường ngửng đầu ngắm trăng, trong lòng nghĩ đang lúc này Canh Dương nhất định cũng cùng với những người trong nhà ngồi nơi sân thưởng nguyệt chứ?
Đột nhiên nhớ lại hồi đó đến nhà anh chơi, nhìn thấy câu thơ Canh Dương luyện chữ viết trên tờ giấy: “Đãn nguyện nhân trường cửu, thiên lý cộng thiền quyên". Trên tờ giấy dầy đặc đều là tên của chàng, trộn lẫn trong giữa câu thơ. Đãn Nguyện Nhân Trường Cửu, Đãn Nguyện Nhân Trường Cửu, thì ra Canh Dương trước đây lâu đến thế, sớm đã tồn tại một trái tim như vậy. Phải là cách nhau ngàn dặm ư? Mùi vị xa nhau ngàn dặm lại là đắng cay như thế, khó nuốt đến thế ư!
Thế mà, dù cho ngàn dặm cách xa thì họ cũng không thể tránh được phần số đau thương, đường tình đến mức này, từ đây chắc là bất lực, đoạn tuyệt rồi.
Tháng Chín, sau lúc trở về thành phố, Phượng Tường bắt đầu theo Long Tường mỗi ngày đến cửa hiệu lương. Vừa bắt đầu thì Long Tường dạy chàng trông coi sổ sách, thỉnh thoảng cũng dắt chàng đi theo làm việc xã giao. Phượng Tường đối với việc này tuy rằng không hứng thú lắm, nhưng cũng không chê bai, chỉ xem như là việc học tập. Long Tường cũng nhận ra đứa em út này đối với sự nghiệp chẳng có tham vọng chí lớn gì, tuy nhiên làm việc vẫn coi như là ổn thỏa vững chắc, bèn yên lòng từng bước đem các việc lặt vặt trong hiệu lương giao cho Phượng Tường giải quyết, còn mình chuyên tâm lo về những vụ đầu tư khác.
Trong khoảng mùa thu năm 1944, thế cuộc ngoại thành vô cùng thê thảm, chiến trường Nhật Bản bị các cường quốc bao vây tiêu diệt, đã hiện rõ sự căng thẳng. Thường có danh tiếng là kho lương vùng Đông Bắc, mà người Nhật nơi đây giờ cũng bắt đầu thi hành chính sách khẩu phần lương thực, phần lớn hàng hóa và vật liệu đều chuyển ra chiến trường trợ giúp tiền tuyến, hết lòng cống hiến Thiên Hoàng Thần Chiếu Đại Đế.
Thời kỳ thế này, cửa hàng lương thực là điều chẳng đáng theo đuổi, nhưng chuyện làm giầu dễ dàng nhất cũng chính là những kẻ thương mại tinh khôn thuộc loại giống như Lý Long Tường, họ biết lợi dụng loạn lạc để chiếm đoạt. Anh có quan hệ rất tốt với người Nhật Bản nằm trong chính quyền Mãn Châu, ngoại trừ tuân lệnh giao hết lúa gạo, có ngầm hứa với người Nhật Bản tham gia việc chuyển vận quân nhu cần yếu nhất. Long Tường nói:
- Còn không lợi dụng lúc này moi vét thêm một chút béo bở của bọn quỷ Nhật Bản, xin lỗi các vị tổ tông.
Nhưng đáy lòng Phượng Tường thầm nghĩ: “Béo bổ của người Nhật Bản, còn không là vơ vét béo bổ của chính nhân dân mình, cạo sạch tới cùng khác chi là ăn của người mình”. Chẳng qua câu này quá cay nghiệt, rồi không dám nói ra, có nói ra cũng không chịu nổi. Sau cùng trong thời loạn phải cố mà tồn tại, chủ tâm của Long Tường, lại không là lo lắng về gia nghiệp tổ tông truyền lại.
Về thành sau đó một thời gian, số lần Phượng Tường và Canh Dương gặp nhau ít đi. Một là Phượng Tường thời gian nhàn rỗi không nhiều, hai là sau khi khóa học khai giảng, bài vở Canh Dương càng thêm nặng. Khó có được một lần gặp mặt, lại còn phải lén lút che đậy tai mắt người khác, suy cho cùng trong thành đông người nhạy miệng. Hai người gặp gỡ phần lớn là đi ra vùng ngoại ô gần thành phố, đáy lòng đôi bên đều có phần chua chát xót xa, cảm thấy tự mình dường như phụ bạc đối phương, danh bất chánh thì ngôn chẳng thuận, trăm đường đành chịu nỗi muộn phiền.
Mùa Đông, rồi lại đến rất nhanh.