MƯỜI NĂM ĐÈN SÁCH
HỌC VĂN HOÁ TÂY ĐỂ... ĐÁNH TÂY

Đúng lúc tôi chập chững bước vào lớp Đồng Ấu (Enfantin) trường tiểu học là lúc bố tôi được bổ nhiệm về làm phó chủ sự bưu điện tỉnh lẻ, tỉnh Thái Bình. Thời gian ấy Thái Bình là tỉnh đói nghèo nhất nước và cũng là nơi được người Pháp cai trị với bàn tay sắt nhất! Lý do: quá nhiều vụ nổi loạn!
Về sau, khi đã trưởng thành, tôi mới vỡ lẽ vì sao mảnh đất “bị gậy khắp nơi tung hoành” ([1]) này lại sinh ra quá nhiều con người khác nhau, cách mạng thì cách mạng đến cuồng tín, đối kháng thì đối kháng đến cùng cực! Cũng từ môi trường này, xuất hiện những gương mặt lá phải lá trái, đổi trắng thay đen đến không ngờ: những người gặp vận may, những tên cơ hội, cách mạng giả hiệu, cả những “con rối” được cách mạng tạo nên để sau này làm khổ cho cả ngàn vạn con người!
Chính từ cái trường mang tên ông Tây Monguillot nào đó, cái trường “Primaire Supérieur de Thái Bình”([2]) đã có những học sinh sau này trở thành đủ thứ “tướng ta”, tướng địch”, nhà văn, nhạc sĩ, đạo diễn, hoạ sĩ, giáo sư… để rồi chửi nhau, đánh nhau chí chạp suốt nửa thế kỷ bằng ngòi bút và bằng súng đạn. Gặp lại nhau ở tuổi 60, 70 tất cả chúng tôi chẳng còn ai muốn nhắc lại vở bi kịch có một không hai, vở bi kịch dài nhất mà họ đã phải tham gia gần hết cuộc đời.
Hãy để cho người đã khuất được nằm yên dưới ba tấc đất ở miền Bắc, miền Nam hoặc bên Mỹ, bên Pháp. Hãy để người “gặp may” hưởng nốt những hạnh phúc “trời” cho đến cuối đời. Xét cho cùng, nhắc đến họ dù yêu, dù ghét cũng là tàn ác. Họ và tôi chẳng qua chỉ là những vai – kẻ phụ, người chính – trong vở bi hài kịch do người khác viết mà ở hồi kết chẳng ai thắng ai vì tất cả đều trở lại điểm xuất phát!
Một người bạn cũ của tôi, ông Vũ Ngọc Hoàn, thiếu tướng Việt Nam Cộng Hoà thời ông Nguyễn Văn Thiệu, sau nhiều năm chạy trốn cộng sản trở về, gặp lại tôi trên lầu 12 khách sạn Caravelle đã chỉ tay vào đám lau nhau đang ngoe nguẩy trên sàn nhảy mà nói: “Ils sont des vrais vainqueurs et nous deux…–– Họ chính là những người chiến thắng, còn hai đứa mình...” Tôi tiếp: “des vaincus! –– kẻ chiến bại”.
Trong cuộc chia tay lần cuối ấy, dường như cả hai chúng tôi rốt cuộc rồi cũng tìm được những nhận thức mới về cuộc đời, về con người...
Hoàn phá lên cười, nói tiếp: “Ước gì sống lại cái thời đi học ở trường Monguillot, chúng mình sẽ chọn con đường khác.” Tôi lắc đầu: “Tất cả là định mệnh! Không thể chọn lựa được! Mày dòng dõi nhà quan, lại là dân “làng Tây”, bố tao, công chức hạng nhì (cadre secondaire). Theo Tây là lô-gích đối với mày. Chỉ tao có quyền lựa chọn, nhưng tao đã chọn con đường mà bố tao không chọn: Đi theo cách mạng! Con đường mà bố tao đã chỉ vào mặt tao thét lên khi tao chào ông lên đường: “Đi theo cộng sản hả? Đói đừng có vác xác về, tao tống cổ ra đường đó!”
Chính câu nói này của bố tôi đã làm tôi trở thành “trung thành đến cùng” với cách mạng, dù không ít lần bạn bè vỡ mộng đã rủ tôi “trở về mái nhà xưa”! Có thể gọi nó là “lập trường kiên định” khi muốn tặng thưởng một huân chương cũng được, nhưng cũng có thể gọi đó là lòng tự ái, hoặc tự trọng, theo kiểu nhân vật bi kịch của Corneille ([3]), của Shakespeare ([4]), chứ trong chuyện này chẳng có chút chính trị, chính choẹ gì hết.
Trở lại cái trường tiểu học Monguillot, nơi con người đầu tiên trong tôi hình thành, nơi mà đến hôm nay, những kỷ niệm vẫn in đậm trong bộ não của một lão già hơn 70 tuổi, đậm nét hơn cả những kỷ niệm dọc đường gió bụi, gian khổ, nguy nan “ba vạn sáu ngàn ngày”([5]) Không thể quên buổi từ giã “nhà giam Saint Joseph” (trường Sơ) để bước vào thế giới ồn ào mới lạ của thời học trò thật sự. Vẫn còn đó mùi hăng hăng dễ chịu của cái cặp da và đôi xăng-đan mà bố tôi dắt tôi đến cửa hàng Thụy Ký để mua cho tôi những ngày chuẩn bị nhập trường. Thật lạ, khi bước vào lớp “Enfantin” (lớp Đồng Ấu) tôi lại gặp một thầy giáo già dạy trường Tây, không bận âu phục mà mặc áo dài thâm, đội khăn xếp và đi giầy Gia Định: thầy Tấn!
Trong bộ óc của thằng bé lên bảy ngay từ ngày đầu, đã thấy một cái gì đó thật nghịch lý, thật khôi hài! Phải chăng khi nắn nót viết trên bảng đen dòng chữ buổi đầu cho chúng tôi chép lại: Lundi, Le 3... Août, 1934, thầy Tấn vẫn muốn khẳng định: Các trò học tiếng Tây nhưng không được bỏ qua những gì là quốc hồn quốc tuý? Tiếc thay, ở thuở xa xôi ấy, lớp trẻ con được đến trường Monguillot hầu hết đều sinh ra từ những gia đình “có của ăn của để”, đến trường buổi đầu đều mặc quần soọc, đi giày Tây. Số còn lại có mấy chú bé mặc áo the thâm, chân đi guốc mộc (người còn lại đến hôm nay là ông “giáo sư hề chèo” Hà Văn Cầu) là dân “nhà quê ra tỉnh” hoặc dân ngoại ô, trong cặp bao giờ cũng có nắm cơm kèm vài con tép, quả cà để ăn trưa, vì thời đó học hai buổi. Thầy Tấn cùng các bạn áo the thâm hoặc “cát bá” trắng đối với tôi lúc ấy là một “hiện tượng xã hội” lạc lõng, bảo thủ, quê mùa thế nào ấy!
Tôi đến lớp học với điều đinh ninh rất sớm là chẳng có cái gì đáng học ở đây cả! Bốn phép tính cộng, trừ, nhân, chia tôi đã quá ngán khi học ở trường “sơ” St Joseph. Còn ba cái bài Quốc Văn Giáo Khoa Thư thì, lạy giời, ai thấy những thứ “Ai bảo chăn trâu là khổ” hoặc “Cơm nước xong trời vừa tối”... nó hay, nó giáo dục tâm hồn ngây thơ của học trò lên 7, lên 8 thời ấy và “đọng lại tâm hồn con người ta mãi mãi” thì thấy, chứ tôi chẳng thấy nó hay ở chỗ nào? Đơn giản là tôi đã biết cảnh chăn trâu “sướng” thế nào mỗi lần về thăm bà nội ở cái làng Đại Hoàng nghèo khổ của tôi. Anh cu Nhương, chú Rịch mỗi lần đánh trâu ra đồng chỉ có một cái khố, dắt theo mo cơm, đi từ sớm tinh mơ đến tối mịt mới về, khổ như trâu và hôi cũng như trâu. Cái đó mới thật sự làm tôi thấy rung động. Đó là tình thương những con người mà số phận nghèo hèn ngay từ lúc 5, 7 tuổi đã phải sống kiếp trâu cày thực sự. Vậy mà nói là “chăn trâu sướng lắm!” - Nói dối!
Chính ông thầy cổ hủ, khăn xếp áo the, lại là người đầu tiên dạy tôi: “Chăn trâu chẳng có gì là sướng đâu, các trò ạ!” Thầy Tấn thường rất buồn và giảng như người vô hồn những bài học thuộc lòng kiểu “chăn trâu sướng lắm chứ!” nhưng rất say mê, sang sảng khi giảng những bài luân lý về đạo làm người. Bài làm tôi xúc động nhất và nhớ nhất là bài nói lên tinh thần tôn sư trọng đạo của Sadi Carnot, viên tướng trở lại mái trường xưa để chào thầy học: “Thưa thầy, em là Carnot đây!”
Ở thầy Tấn, cái “là lạ” mà tôi cảm thấy phải chăng là nỗi buồn của một ông giáo già Việt Nam phải dạy cho lớp trẻ những điều mà bản thân ông không muốn? Còn tôi, vừa đến trường đã thấy mình phải học những cái mình không muốn học! Tất cả đối với tôi đều quá dễ, quá nhàm chán, không có gì kích thích trí tò mò, thậm chí tôi muốn đi tìm ngay một nơi nào học cao hơn, hay hơn, lạ hơn. Chính tôi đã đề nghị với bố tôi cho tôi về Hà Nội, “đi học trường Tây thứ thiệt như Albert Sarrault, Sainte Marie ([6]), chứ ở cái trường tỉnh lẻ này, chán quá!”
Thời ấy, những gia đình có khả năng đều cho con cháu học theo hệ thống Tây chính cống, nghĩa là theo chương trình học của “nước mẹ”! Không có bằng đíp-lôm (tốt nghiệp trung học) để ra làm thầy thông, thầy ký, ông phán... mà học thẳng lên tú tài, “bắc Oong, bắc Đơ” (Bac I, Bac II). Đa số các gia đình đều muốn con mình theo học hệ thống này để có nhiều tương lai hơn, học hành tấn tới hơn và triển vọng đi Tây học đại học cũng nhiều hơn. Cái gọi là “tư tưởng nô lệ”, “bám gót ôm chân” ham “bơ thừa sữa cặn” mà sau này trong các cuộc chỉnh huấn, bọn tôi thường bị chụp những cái mũ to tướng, tới hôm nay tôi có thể tuyên bố thẳng: Trừ một số rất ít (những kẻ vong quốc) lúc đó nhận thức được rằng trường học theo hệ thống bảo hộ (régime du protectorat) chẳng nhằm mục đích gì hơn là đào tạo số công thức từ sơ đến cao cấp cho chế độ thuộc địa Pháp (một số còn được bổ nhiệm cả sang Lào, Miên, Tân Thế Giới), tất cả chúng tôi đều là những người có tư tưởng “Tây học” chính cống, cũng chính là những người sau này chống Tây hăng hái nhất. Bố tôi và tôi đều nhận ra cái “vô hồn” của “trường bảo hộ” rất sớm.
Tiếc thay, lúc ấy bố mẹ tôi không thể cho tôi sống lại cái cảnh mà bố tôi đã chịu đựng cả 10 năm trời để kiếm ít chữ Tây: Làm con nuôi của một gia đình đã theo Tây cả thể xác lẫn tâm hồn. Còn việc cho đi trọ học Hà Nội, đối với gia đình tôi lúc ấy không có gì khó. Nhưng bố tôi lo nhất là cái tính ngổ ngáo và tự kiêu ngất trời của tôi sẽ mang lại cho tôi không ít rắc rối trong cuộc đời! Cuối cùng ông hứa với tôi: “Cố học hết Primaire (Sơ học) ở Thái Bình đi, sau Certificat (bằng Sơ học) sẽ cho thi vào Sixième (Đệ lục) học hệ tú tài Pháp.”
Thế là cuộc đời học sinh tiểu học của tôi trôi qua nhanh chóng, dễ dãi và buồn tẻ, nếu không có những sinh hoạt ngoài học đường làm cho tôi đỡ chán ngán. Đó là các tổ chức “Sói con” (Louveteau), “Hướng đạo”(Scout), bị nhiều nhà “kách mệnh” lên án là “âm mưu đế quốc tổ chức và giáo dục thiếu niên, thanh niên làm tay sai mật vụ” –– vì có học cả đánh tín hiệu sémaphore!
Tội nghiệp cho ông Baden Powell ([7])! Ông Tây người Ăng-lê này đầy thiện chí đối với thanh thiếu niên trong sự hướng dẫn họ tới điều Thiện, thế mà có lần tôi đã phải nhận liều rằng vì mình u mê nên đã... “tôn thờ một thằng Tây làm lãnh tụ” (!) trong một cuộc chỉnh đảng!
Sự thật thì, chính từ những tổ chức này đã nảy mầm ra biết bao người cách mạng. Hàng loạt những Lê Quân, Tuấn Sơn, Tài Khoái, Tử Giang, Kỳ Đông, Kỳ Vẩu, Biên Tâm, Bùi Lê, Lê Kim... đã từ những tổ chức này trở thành người chống Tây có tổ chức.
Có điều rất hiếm người sau này đi theo cách mạng dám “thành khẩn” khai rằng mình đã ở trong tổ chức này vào những lần khai lý lịch. Mà nào có khai ít lần đâu! Chỉ người duy nhất “dại” là tôi. Học ở đâu? Ai dạy? Tham gia hội đoàn nào? Đọc và viết được chữ Tây đến đâu? Tôi khai tuốt! Đơn giản là tôi thấy phải cảm ơn những gì mà trường của Tây đã trang bị cho tôi đi... đánh Tây!
Chẳng phải những lần đi cắm trại ở Núi Voi, Bạch Mã, các “trò chơi lớn” (grands jeux) đã hình thành trong tôi tư tưởng ưa phiêu lưu, mạo hiểm, thèm được ra khỏi thành phố, đi tìm một “vật lạ” giấu kín ở khu rừng núi xa xôi? Chẳng phải từ những tổ chức ngoài nhà trường đó đã làm nảy nở trong tôi các xúc cảm nghệ thuật đầu đời?
Đó là những buổi đi về với người nghèo, đi làm việc cứu tế, những buổi dã ngoại để tìm hiểu nông thôn, để biết cây lúa không giống cây bàng mọc ở sân trường? Và đa số những “xếp” — người dẫn đường (routier) — như thầy Đang, thầy Khoa, thầy Doãn sau cách mạng tháng 8-1945, khi vào Vệ Quốc Đoàn, tôi đã lại gặp họ. Hầu hết họ đều nắm các chức vụ phân đội trưởng, chính trị viên, xoàng thì cũng là chính trị viên đại đội! Ngoài một người tên Nguyễn Quang Luyện (về sau này hình như làm chức gì khá to ở trong Nam), tất cả lũ chúng tôi đều trở thành người chống Tây hăng hái nhất. Một số lớn đã hi sinh ngay những ngày đầu kháng chiến, một số “gặp may” còn sống sót đến ngày thắng lợi 1975! Đó là những người sớm trở về với hoạt động chất xám của mình, những giáo sư như Vũ Triệu An, Đặng Xuân Kỷ, Trần Bảng... các kỹ sư, bác sĩ, các tướng tá về hưu sớm như Trần Kiên, Trịnh Lý Thản, Bùi Xuân Vĩnh, Lê Bình (Luỹ), Vũ Tất Đắc, Trịnh Minh Quát... mà chẳng được một học hàm học vị, một danh hiệu gì. Nhưng tôi thường tự hào về các bạn học cũ ở cái trường Monguillot Thái Bình mỗi lần gặp gỡ nhau khi có một đồng hương, đồng khoá “trở về với cát bụi”. Tất cả gần như đều sống hết mình, chết trong sạch. Những người ở miền Bắc đều về hưu rất sớm nên thoát mọi ô nhiễm của nền “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Chẳng một ai trong chúng tôi bị “lên mâm” trên báo chí, chẳng một ai bị rơi vào hoàn cảnh “không ăn cắp cũng không được” để phải ra toà. Nếu có nỗi đau riêng của những con người sạch sẽ, thì chính là nỗi đau phải chịu đựng sự dè bỉu, thành kiến, thậm chí chửi bới của lớp trẻ ngày nay: “Sao thời ấy các cụ “dại” đến thế nhỉ!”
Ôi! Làm sao cãi được với lớp trẻ hôm nay rằng “xếp bút nghiên lên đường tranh đấu” là đúng? Cái nhiệt tình của chúng tôi, trước mắt thế hệ con cái của nền kinh tế thị trường là một sự “ngu dại”, một sự “lầm lẫn”. Đau lắm chứ. Nhưng không phản biện được! Chúng không thể hiểu cái tâm của chúng tôi lúc ấy không cho phép chúng tôi nghĩ khác, làm khác. Chúng tôi không có nhiều chọn lựa và đã chọn cái mà chúng tôi phải chọn: vì tình yêu đất nước.
Chẳng có gì khó hiểu khi cái chủ nghĩa “cộng sản khoa học” mà chúng tôi bị nhồi sọ một thời, ngày nay đã bị thế hệ trẻ phủ nhận hoàn toàn. Sự phủ nhận ấy diễn ra cùng lúc với sự kiện cả cái phe gọi là “xã hội chủ nghĩa” kéo dài từ Vĩnh Linh đến tận Berlin đã bị những người bị lường gạt giật đổ xụp và nhổ toẹt vào.
Trước mắt ngày nay chẳng có cái gì hết, không lý thuyết cách mạng vô sản, không đảng cộng sản, không “bác Hồ” anh minh lãnh đạo mà chỉ là một cuộc vơ vét cuối cùng của đoàn thủy thủ chuẩn bị nhảy khỏi con tầu sắp đắm với hành khách là nhân dân Viêt Nam bất hạnh!
Đoàn thuỷ thủ ấy gồm những tên lưu manh vô học, những tên giám-đốc-không-vốn, những tay cầm đầu hải quan mà buôn lậu, những tay phụ trách tư pháp, toà án, thanh tra chuyên nghề kết án người vô tội, những tên quản lý nhà đất mà cướp nhà, cướp đất để chia nhau vô tội vạ, những kẻ buôn lậu ma tuý nằm ngay trong những trung tâm đầu não chống ma túy. Và ở bậc cao nhất của cung đình là những tên đại lưu manh trơ tráo, chẳng Mác chẳng Xít gì, đang trấn áp, đe dọa người dân bằng nhà tù, súng đạn, để ăn cướp bất cứ thứ gì có thể cướp, vơ vét của cải đất nước làm của riêng, lấy tiền bỏ vào các tài khoản khổng lồ ở nước ngoài do con, cháu, bồ bịch, tay chân chúng làm chủ!
Chúng tôi, “những người ngu muội” giờ đây chẳng có đủ can đảm để lên tiếng cải chính: “Không! Đây không là tội của chúng tôi! Chúng tôi đã chiến đấu không phải để có một xã hội như thế này. Đây là một bọn lưu manh đang trưng cái bảng hiệu “cộng sản” để lừa bịp nhân dân đấy!”
Chúng tôi biết nói gì khi mọi người cứ nghe thấy hai từ “cộng sản” là đã thấy nó đồng nghĩa với cướp của, giết người, với bắt bớ, tù đầy, với chiến tranh, diệt chủng.
Đấy cũng là lý do để những người già như tôi cảm thấy hết sức lẻ loi, đơn độc. Chúng tôi chỉ có cách buồn khổ để chóng... chết, hay quay về sống với quá khứ và tìm đến nhau như tìm đến một sự an ủi bằng liều thuốc “có một thời đẹp nhất của bọn mình... ”
Viết hồi ký, đối với tôi, chính là sự tạ lỗi với đời.
Ấy đấy, cứ mỗi lần chạm tới hai từ “cộng sản” là tôi không kìm mình được, lại bị “lạc đề”.
Xin trở về với những dòng hồi ký.
Kể từ lớp “Moay-ăng Đơ” (Moyen 2) trở lên, chúng tôi được trực tiếp với nền giáo dục Tây thật sự. Cũng từ cấp học có tên Primaire Secondaire (tiểu học đệ nhị cấp), không còn ông thầy nào mặc y phục quốc hồn quốc tuý nữa. Từ đây, tất cả mọi giờ lên lớp, mọi giao dịch sinh hoạt, thầy trò bắt buộc phải dùng tiếng nước mẹ Phú-Lăng-Xa. Giã từ thầy Tấn, thầy Lô, thầy Bản, chúng tôi bước vào cuộc sống học đường “đờ-mi Tây” với cuốn Grammaire Francaise - Ngữ Pháp Tiếng Pháp của Larrive Fleury, cuốn Histoire de France - Lịch Sử Pháp. Chỉ còn lại một giờ “Annamite” mỗi tuần, coi như môn ngoại ngữ!
Một điều may mắn, hay vô phúc, cho tôi là vào năm học cuối, Cours Supérieur, trường tôi nhận được một ông thầy mới. Ông cũng mặc Tây nhưng là thứ đồ Tây hiếm thấy: Quanh năm một bộ kaki vàng nhạt, không bao giờ thắt cà-vạt. Chân thì không giống ai, đi dép xăng-đan với đôi quai hậu luôn bị dẫm lên, méo mó. Nghe nói ông có “phốt” ([8]) nên đang dạy một trường nào đó lớn lắm ở Hà Nội thì bị “đuổi” về Thái Bình! Theo lời đồn, ông mắc tội “têtu” ([9]), dám cãi lại quan Tây. Ông có bộ dạng ngang tàng, bộ tóc “bốc-xơ”([10]), cái cười nửa mép, cằm nhô ra như thách thức, càng tăng vẻ bất cần đời, rất ăn khớp với bộ đồ Tây dã chiến quanh năm của ông.
Tuy nhiên, với tôi, ông có cái gì đó thật hấp dẫn, thật đáng chiêm ngưỡng và hơn thế, cần chú ý, theo sát mà học tập. Không chỉ vì ông đã nổi tiếng trên văn đàn, không phải ông là ông thầy giỏi mọi mặt (thời đó một thầy dạy tất cả các môn cho đến cuối lớp Supérieur), mà chính là sự ngang tàng, coi khinh dư luận của ông đã mê hoặc tôi.
Ông chính là nhà văn Nguyễn Công Hoan ([11]), tác giả Bước Đường Cùng, Đào Kép Mới... Hàng loạt tác phẩm sau này, ông lấy bối cảnh ngay ở Thái Bình, xây dựng nhân vật rất Thái Bình mà 5, 10 năm sau, khi được đọc, tôi đều nhận ra là ai đã được ông điển hình hóa một cách tài tình trong những câu chuyện “bịa như thật” — theo định nghĩa của chính Nguyễn Công Hoan về thể loại tiểu thuyết. Đặc biệt, trong cuốn Đống Rác Cũ, một số tên nhân vật có thật ông chẳng thèm thay đổi, lại gồm những bộ mặt có ít nhiều quan hệ với chính ông và gia đình tôi nên tôi “liều mạng” xuống nhà in tìm tập sách mới in xong. Chưa có bìa, cuốn sách đã bị đem đi hủy ngay lập tức theo “lệnh trên”! Tôi còn giữ nó cho đến ngày vào Sài Gòn, tặng một ông bạn sắp vượt biên, hy vọng ở nước ngoài, người yêu văn sẽ được thưởng thức những “trái cấm” của nền văn học cộng sản. Tiếc thay, đến nay, hình như Đống Rác Cũ vẫn chưa được phục hồi cả ở trong lẫn ngoài nước.
Trở lại với cái Cours Superieur thời xa xưa ấy. Có thể nói nếu như tôi chú ý đến phong cách thầy Hoan bao nhiêu thì thầy cũng chú ý đến thằng “tướng cướp” là tôi không kém! Làm sao một ông thầy như thầy lại không để ý tới một học sinh “ngang tàng số một” và học giỏi cũng số một như tôi? Sau này, mỗi lần gặp thầy, thầy vẫn nhắc đến bài luận văn của tôi: “Tiền không làm nên hạnh phúc? - “Một sự lừa dối trắng trợn của những nhà triết học ăn tiền của bọn triệu phú”. Thầy Hoan cho tôi 10 điểm về cách bình luận độc đáo và cả hai thầy trò bị thầy hiệu trưởng gọi lên văn phòng cảnh báo về cách dạy và học. Sau này tôi còn bị hai lần “exclus provisoire par turbulence” ([12]) nữa.
Sự thật thì tôi đâu có du côn du kề gì trong sinh hoạt mà chỉ “du côn trong đầu”, nghĩa là phản ứng với những cái mà tôi cho là không đúng! Phản ứng công khai bằng lời nói hoặc giấy mực đàng hoàng. Tôi đâu có biết khi người ta ra một cái đề như: “Khi trò tốt nghiệp, nguyện vọng và mong ước tương lai của trò là gì?” là người ta muốn “nắm tư tưởng” học trò vì những năm ấy phong trào chống Pháp đang lên cao trong các trường trung học. Vâng! Chống Pháp và sớm thấy được cái bất công của ngay chế độ học đường, bất công ngay trong cách đối xử giữa các thầy với các thầy, giữa trường ta và trường Tây. Lòng thù ghét Tây này, có lẽ trong chúng tôi không ai không có một ít, hoặc nhen nhúm để bùng lên, bùng lên mãi hoặc... tắt phụt khi bị giám thị hoặc hiệu trưởng gọi lên cho một cái tát tai với lời cảnh cáo: “Hãy cẩn thận! Sở Liêm Phóng đang chờ mày đó! – Attention! La sûreté t’attend!” Và chính cái bài nguyện vọng làm ký giả, nhà văn để vạch trần những bất công xã hội, đấu tranh cho mọi người được hưởng ba chữ Liberté, Fraternité, Égalité -Tự Do, Bác Ái, Bình Đẳng như trong sách của chính người Pháp viết đã làm tôi bị một cái bạt tai nổ đom đóm mắt và tống cổ khỏi trường giữa năm cuối của lớp Supérieur. Năm ấy tôi mới 13 tuổi.
Nhưng chính những gì mà tôi học và đọc được ngoài học đường đã sớm hình thành trong tôi một nhận thức tự nhiên như không khí, như ánh sáng mặt trời: Học trò Việt Nam, con người Việt Nam so với thằng đội đoan Tây, thằng cẩm Tây (commissaire) chỉ là dân nô lệ! Phải chống Tây, phản đối Tây, thậm chí có dịp là đánh nhau với Tây. Tôi bị đuổi học, nhưng chỉ ít ngày thôi, bởi vì chỉ cần một cú điện thoại của ông chủ-dây-thép, bố tôi, tôi lại được “réadmis” (nhận lại) với lý do chiếu cố học sinh giỏi!
Cứ tuần tự như thế tôi học dần lên cao. Hết cấp 2, lên cấp 3 gọi là Primaire Superieur, tôi nhận được gần hết các giải thưởng học giỏi hàng năm về Pháp văn. Tôi không còn hứng thú với các trò chơi khác, ngoài đọc và đọc. Càng đọc tôi càng thu nhận thêm những gì nhà trường không hề giảng dạy, đặc biệt là thích đọc những gì cấm kỵ! Nhờ trình độ Pháp văn ngày càng khá lên, tôi sớm tiếp cận tư tưởng nhân bản, tự do cao cả của Rousseau, Voltaire, Balzac, Hugo, Zola, Stendhal ([13]).
Tuy nhiên, dù tôi là học sinh giỏi về Pháp văn nhưng bài làm, nhất là các luận văn, thường bị phê là “lạc đề”! Lỗi của tôi là hay dẫn chứng dài dòng về những vấn đề nằm ngoài bài giảng trong lớp. Thầy Phương, người thầy duy nhất sau này đã đi theo kháng chiến, thuộc lớp các giáo sư hệ Thành Chung, khi gặp lại tôi (trong cương vị lãnh đạo Khu Giáo Dục khu III, còn tôi lúc ấy đã là nhạc sĩ) đã ôm lấy tôi và nói một câu tiếng Pháp: “Chúng ta đã trở thành đồng chí! May cho mày không bị Delorges (tên của viên chánh mật thám Thái Bình) hỏi thăm!”
Kể cũng may thật, nhưng tôi chỉ chịu ảnh hưởng của sách báo tiến bộ Pháp mà bố tôi nhận được hàng tuần từ Pháp gửi sang (để chuyển cho các quan Tây), ngoài ra chẳng có ma nào giác ngộ giác nghiếc gì cho thứ hăng máu vịt như tôi cả.
Bên cạnh những cái hay, cái có ích, mà tôi đọc được, cần phải kể đến hàng mớ hổ lớn những thứ lãng mạn rẻ tiền như hồi ký của Cassanova, truyện ngắn của Bocasse, những thứ thuộc loại dâm thư của Maurice de Kobra, hay Marcel Prévost... Thậm chí cả những tạp chí như Paris Magazine, Vivre-Santé (một loại Playboy thời ấy) tôi đều đọc tất tật. Nguyên nhân chính gây ra những bài làm lạc đề của tôi là do biết quá nhiều mà chẳng hiểu bao nhiêu, luôn nhảy từ chân lý này sang chân lý khác! Một thứ “không kiên định lập trường” ngay từ thiếu thời (!?)
Có lẽ vì thế mà chẳng ai lôi kéo tôi vào một tổ chức có màu sắc chính trị. Chứng cớ là ngay tên “Lũy môi đỏ”, ngồi sát cánh cùng bàn, nhiều năm về sau tôi gặp lại dưới cái tên Lê Bình, hoặc tên Trần Văn Trọng, tên Nguyễn Quang Luyện về sau tôi mới biết là những người có tên tuổi trong các tổ chức làm tôi té ngửa. Kẻ theo Việt Minh, người theo Quốc Dân Đảng, Đại Việt đàng hoàng, đều hoạt động có tổ chức!! Anh nào gặp tôi cũng ngạc nhiên: “Cái thằng Tô Hải mà lại đi theo cộng sản à? Lạ thật!” Vâng! Tôi đã theo cộng sản vì các động cơ đầy nghịch lý.
Tôi và nhiều bạn bè đồng khóa, đồng niên, chúng tôi đều yêu nước trong vô thức, cùng giác ngộ tinh thần tự hào dân tộc một cách tự phát nhờ sự hiểu biết xã hội thuộc địa qua thực tế, qua sách báo. Nhưng chúng tôi phần nhiều chỉ ghét Tây một cách yếu hèn, nghĩa là không dám tham gia một tổ chức nào, dù chỉ là một tổ chức như “Hội Chuối” ở trường Bưởi! Cái gương tầy liếp của Nguyễn Đình Thi, năm nào cũng bị “xe xà-lách” của mật thám đến xích tay đưa về ”thẩm vấn” đến mặt mũi xưng vù. Những người khác còn gãy cả xương sườn hoặc mất tích luôn, đã làm nhiều người hết vía. Đặc biệt các gia đình, trong đó có gia đình tôi, những năm 1943-1944 ấy rất lo lắng cho số phận những đứa con mình, chẳng gì cũng sắp thành cậu tú, cậu cử, với một tương lai “sáng rượu sâm banh tối sữa bò!”, vậy mà, chẳng mấy đứa còn chú ý tới học hành, thi cử. Tất cả cứ rối tung rối mù với các thứ phong trào yêu nước, chẳng biết con đường nào, lý tưởng nào là đúng?
Không phải lũ chúng tôi không thấy được việc nhà trường thuộc địa bắt chúng tôi phải hâm nóng tinh thần “yêu nước... mẹ” bằng bài hát Marechal, nous voilà! ([14]), đọc những bài viết ca ngợi tinh thần hy sinh vì nước mẹ của đại uý Đỗ Hữu Vị, chẳng qua chỉ là những mánh khoé tự vệ thuộc bản năng sinh tồn của một chế độ đang lụi tàn. Nhưng nên làm gì thì chúng tôi không biết. Anh nào anh nấy cứ ngơ ngơ ngác ngác như kẻ quáng gà đi giữa cơn tranh tối tranh sáng của thời cuộc. Mà thời cuộc thì đang đảo lộn nháo nhào. Đấy là điều giải thích cho hiện tượng vì sao lớp thanh niên mang tinh thần yêu nước chung chung như bọn tôi thời ấy dễ bị cuốn vào bất cứ phong trào nào, dù giả hiệu, dù mị dân, thậm chí phản động nếu nó được dán nhãn hiệu vì dân tộc!
Bản thân tôi, hết theo phong trào Ducouroy ([15]), Khỏe Vì Nước đến phong trào Đại Đông Á, Á châu của người châu Á được quân đội Thiên Hoàng quảng bá, lại đến phong trào Khất Thực, dưới thời khâm sai đại thần Phan Kế Toại ([16]), cầm cờ quẻ Ly đi biểu tình ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim ([17]). Chúng tôi mặc com-lê, xách bị đến các nhà xin vài bát cơm cứu sống những bộ xương người đang thoi thóp, la liệt khắp các nẻo đường trong nạn đói khủng khiếp tháng ba Ất Dậu mà tưởng đâu đã dấn thân vào con đường cách mạng
Cho tới nay, nghĩ về cái “khúc quanh rối rắm” đó của lịch sử, tôi không khỏi xấu hổ cho sự ngây thơ đến đáng thương của lớp trẻ chúng tôi. Tôi càng hiểu ra rằng cái vốn văn hóa dù dày đến mấy cũng không sao bì được với cái khôn, hay nói đúng hơn là thủ đoạn, của các nhà chính trị! Lợi dụng hai chữ yêu nước họ có thể lôi kéo bất kỳ ai đi theo mình. Mà họ biết cách lợi dụng lắm.
Nhiều bạn thân thiết của tôi hồi ấy bỏ cả nhà lầu, xe hơi, đồn điền, nhà máy, bỏ cha mẹ, anh em lên rừng chống Pháp. Một số bỏ xác dưới cờ một trong những thủ lĩnh Quốc Dân Đảng - Đỗ Đình Đạo! Số khác may mắn hơn, nhập vào dòng lũ cách mạng đang dâng, bám lấy cán cờ Việt Minh, để rồi sau này, khi cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc, thành đạt trên hoạn lộ. Những người này khéo giấu biến cái lý lịch Tây học, diễn tuồng “vô sản hóa” rất đẹp, đã leo tót lên những ghế lãnh đạo cao nhất trong một số ngành nghề, thậm chí một vài ghế bộ, thứ trưởng.
Có thể họ đã giác ngộ cách mạng chăng? Có thể họ đã thực sự ”tiến bộ” trong đấu tranh cách mạng, với lập trường vững vàng? Có thể khi ca ngợi cái nước Pháp của thống chế Pétain ([18]) họ bị nhầm lẫn chăng?
Tôi không muốn nêu tên họ ở đây, vì theo tôi, họ đã tìm được một sự trung thành mới chứ không hề phản bội một lý tưởng, một chủ nghĩa nào! Mà thay đổi một niềm tin, một cách nhìn, thậm chí cả một tình yêu khi nó đã không còn mang đến hạnh phúc, tại sao lại gọi là phản bội?
Chẳng phải chính những Trần Văn Trọng, Nguyễn Bá Lai, Tô Đáng... và sau này, cả Bùi Tín ([19]) nữa từng “lên lớp” cho tôi về “chủ nghĩa cộng sản khoa học”, về “duy vật biện chứng” với “duy vật lịch sử”, từng “góp ý” cho tôi về cái “lập trường thiếu kiên định”, “tiểu tư sản cố hữu” của giai cấp tiểu tư sản, đã giới thiệu tôi vào Đảng, chính những người ấy sau này lại trở thành những kẻ “phản bội” đó sao? Đứa “dinh-tê”, đứa chiêu hồi, đứa trở thành chủ tiệm ăn ở Marseille, đứa gửi nắm xương tàn ở California...
Còn những kẻ theo cách mạng đến cùng, trong đó có tôi, dù được coi là triệt để giác ngộ cách mạng, hoặc đóng kịch giỏi để được coi là như thế, dù không bao giờ được tin yêu, tín nhiệm, hôm nay đây, còn sống hay đã chết, hoặc sống cũng như chết, khi gặp lại nhau lúc cuối đời, trong mọi cuộc hàn huyên đều đi đến một kết luận: Chẳng qua là có số cả! Số thằng Định là chết bỏ xác ở những ngày đầu Nam tiến, số thằng Trang là chết ở mặt trận Tây Tiến, số thằng Việt là quanh năm bán sới ở nước ngoài…
Có một điều lạ làm tôi tới giờ vẫn không thể nào tự giải đáp: Những tên chẳng có một tí tẹo năng khiếu văn nghệ nào, học hành dốt đặc cán mai mà đi theo cách mạng lại trở thành văn nghệ sĩ, giáo sư, nghệ sĩ nhân dân, thế là thế nào? Chẳng lẽ có cả cái “số” làm nhà văn, đạo diễn, nhạc sĩ, giáo sư, tiến sĩ cho những người chưa học hết cấp trung học, chẳng một lần học qua một lớp sơ cấp đồ, rê, mi hay sao?
Nghĩ cho cùng, nó chẳng kỳ lạ chút nào, và cũng chẳng khó để có được cái số đó, một khi người ta muốn hoặc bị phân công làm kỹ sư tâm hồn cho giai cấp vô sản.
Thời học sinh 12 năm (chấm dứt với cuộc Cách Mạng Tháng Tám 1945) cuối cùng cũng mang lại cho tôi cái vốn quý nhất là nắm bắt được chìa khóa của văn hóa đích thực, nói theo ngôn ngữ Voltaire. Nó đã giúp tôi đi sâu vào nhiều lãnh vực văn học, nghệ thuật, triết học. Nó cũng giúp tôi hiểu rõ nước Pháp, nước Mỹ, hiểu rõ cả Marx, Engels, tìm đến những chân trời lạ qua đọc, đọc và đọc.
Nhưng cái đam mê này đã hơn một lần suýt đưa tôi đến chỗ chết, chết về cả thể xác lẫn tâm hồn, suốt chặng đường dài làm anh lính Vệ Quốc. Những chuyện cười ra nước mắt này tôi sẽ kể trong cuộc “phiêu lưu” của một cậu tú nửa mùa, không biết ăn cà, ăn mắm, dám rời bỏ gia đình, khoác áo lính lên đường đánh Pháp, với niềm tin học được ở những nhà cách mạng... Pháp!
Tôi phải trả giá nhiều lần cho sự ngộ nhận này, nhất là thời “giặc Pháp chạy rồi đánh ai đây?” Đối tượng cách mạng đã thay đổi? Các cuộc cách mạng mới “long trời lở đất” như “cải cách ruộng đất”, “chỉnh đốn tổ chức”, “cải tạo tư sản”, các cuộc “chỉnh huấn”, “chỉnh quân” chống tư tưởng “văn hóa thuần túy”, chống “xét lại”, chống “nghệ thuật đơn thuần”, “kỹ thuật tư sản” nhập cảng từ thiên triều của Mao sếnh xáng. Chúng diễn ra liên tục và khốc liệt, đầy nước mắt, máu, và cả xác con Lạc cháu Hồng!
Là đảng viên, người lãnh đạo một đoàn nghệ thuật quân đội, dù cố gắng đến mấy để đóng kịch là kẻ vững lập trường, tôi vẫn không sao tránh khỏi bị những cơn lốc điên cuồng đó dập lên vùi xuống! Bên cạnh những “thành phần cốt cán”, tôi chỉ là một “phần tử phức tạp”, xuất thân từ “thành phần tạch tạch sè”, “chuyên đọc và tàng trữ sách Tây”! Hơn nữa, gia đình tôi lại là những “phần tử theo địch” vì bố mẹ tôi đã cùng 6 đứa em vào Nam năm 1954. Chuyện bố mẹ tôi đều là công chức chính ngạch, phải đi theo Sở làm, chỉ là cách nói không có giá trị biện bạch.
Trong những cuộc đấu tranh điên cuồng, với khí thế cách mạng “hừng hực” người ta đã làm những việc có thể nói là dã man nhất đối với những người từng vào sinh ra tử suốt 9 năm đánh Pháp như tra tấn, bỏ tù, đưa đi cải tạo hàng loạt “đồng chí” với các tội danh hết sức vu vơ. Chính tôi cũng bị đấu tố, o ép, bị bắt phải nhận những “tội” tôi không hề phạm phải.
Sau này, khi những thiệt hại đã sừng sững trước mắt, không thể chối bỏ, không thể che giấu, Đảng buộc phải sửa sai thì bao số phận đã tan nát, không thể nào sửa được nữa! Chưa kể những sai lầm không có tên và những nạn nhân do chúng gây ra chẳng bao giờ được sửa.
Một số đã mất gia đình, sự nghiệp, nhất là tinh thần và lòng tin để có thể tiếp tục kề vai sát cánh với những kẻ xưa kia nhờ đấu tố mình đã leo lên những cương vị mà chúng chẳng bao giờ đảm nhiệm nổi. Chính vốn liếng học vấn của những người thuộc tầng lớp “tạch tạch sè” chúng tôi đã khiến bọn cơ hội nhân danh Đảng ganh ghét, tìm mọi cách loại trừ. Dù căm tức trong lòng, ngoài mặt chúng vẫn thơn thớt nói cười, vỗ vai vỗ vế, vẫn phải cắn răng xử dụng chúng tôi, chừng nào “chanh chưa hết nước”.
Chính hoàn cảnh đó tạo nên nhân cách của lũ tiểu tư sản lạc loài là đầu hàng, cam chịu, chấp nhận tất cả, cúi đầu nghe lệnh, làm việc qua quít, im lặng để yên thân, để kiếm miếng cơm manh áo, thậm chí, nếu giỏi đóng kịch, giỏi lừa dối, kể cả phản bội bạn bè, có khi còn được thăng tiến vì đã “tiến bộ” (!)
Riêng tôi, trong hoàn cảnh tiến thoái lưỡng nan, tôi đã chọn con đường thứ hai, con đường sống hèn!
Nhưng làm sao cóc có thể im mãi khi trời đổ hết cơn mưa này đến cơn mưa khác? Hơn nữa, con cóc Tô Hải lại không chịu ngồi đáy giếng mà cứ hay nhảy đây, nhảy đó để ngóng trời! Chính cái vốn tiếng Pháp ngày càng được cập nhật do hoàn cảnh hòa bình trở lại đã giúp tôi hiểu rằng trời không chỉ sắp mưa mà còn mưa lớn, còn giông bão nữa. Tôi bỗng hiểu ra hà cớ những thằng bạn cũ của tôi sau ngày chiến thắng lại bỏ ngũ, xuống Hải Phòng, vào Nam để trở thành kẻ chống cộng đến cùng bằng ngòi bút và cả súng đạn! Trước lúc chọn “con đường mới”, khi chia tay tôi, cậu Tâm, nguyên trung đội trưởng trong tiểu đoàn Ký Con, còn nói với tôi một câu bằng tiếng Pháp làm tôi ớn lạnh nhưng suốt đời không thể quên: “Chúng ta đã lầm đường. Không có chủ nghĩa cộng sản ở cái đất nước này đâu! Sẽ đến lượt mày là “đối tượng” để các nhà chính trị phát động một cuộc cách mạng mới cho mà xem!”
Và thật trớ trêu: sau 30 năm vắng bóng, hắn trở về giữa Sài Gòn trong bộ cánh Việt kiều Canada, chủ một hàng ăn lớn ở Québec, có con là bác học nguyên tử sắp về giảng dạy gì đó ở cả Hà Nội, Sài Gòn, Đà Lạt. Gặp lại tôi với tư cách bạn học cũ, lính cụ Hồ cũ, hắn hể hả nhắc: “Tu vois? Pas de communisme dans ce pauvre pays!”([20])
Với những chứng minh thực tế của nền kinh tế mở... toang hoác, với sự cách biệt giàu nghèo sờ sờ trước mắt, cụ thể là căn hộ thuê của Nhà Nước lủng củng những đồ vật tầm tầm vứt không ai nhặt của tôi, với sự xâm nhập chưa từng có của lối sống, của nghệ thuật, của chữ nghĩa, quảng cáo, mốt áo, váy, tóc tai, thời trang quậy phá còn hơn cả Mỹ ở ngoài căn hộ ấy, hắn vạch ra cái “đúng” của hắn — chủ nghĩa cộng sản hứa hẹn một thiên đường ở Việt Nam là cái chưa từng có và sẽ không bao giờ có hết.
Như một võ sĩ về già bị dồn tới góc võ đài, tôi chẳng dám gật mà cũng chẳng dám lắc! Hắn nhắc tới một số bạn đồng khóa, đồng niên giờ đã về hưu với đồng lương “khôi hài” mà hắn đã đi thăm ở Hà Nội, Sài Gòn, tất nhiên có cả tôi trong đó, rồi nhận xét rằng hầu hết các bạn đều sống có nhân cách nhưng quá cực nhọc những ngày cuối đời.
Hắn ước sao là triệu phú để có thể mời tất cả bạn bè cùng lớp, cùng đơn vị sang tham quan Canada một tháng, để thấy được con đường hôm nay của Việt Nam đang đi chính là con đường mà Canada đã đi cách đây cả 100 năm. Chỉ có cái khác là nền kinh tế thị trường ở đấy không có các nhà “tư bản đỏ”, nghĩa là những nhà “tư bản không cần vốn”. Các nhà tư bản thứ thiệt ở các nước văn minh phải nhảy từ lầu 32 hoặc bắn một phát súng vào đầu khi xí nghiệp của mình phá sản. Họ không biết “vén tay áo xô đốt nhà táng giấy” khi bỏ ra cả trăm triệu để chiêu đãi một nhà đầu tư “dỏm” nước ngoài, mong chấm mút được “số huê hồng” khi ký kết hợp đồng! Sau khi đưa ra những chứng cớ không thể chối cãi, hắn kết luận: “Tao là một người yêu nước không gặp thời! Vì, tao không chấp nhận cái “đạo” của chúng mày nên tao trở thành một kẻ yêu nước lưu vong!” Ôi! Cái thằng Tâm học dốt như bò, cái thằng từng bị thương vì đạn Tây trong một đơn vị lừng danh một thời ở mặt trận Đông Bắc, hôm nay không hổ thẹn chút nào về hai tiếng “phản bội”. Hôm nay trở về hắn còn lên lớp cho tôi nữa, mà lên lớp toàn bằng tiếng Pháp. Hắn nhớ khi còn học chung tôi giỏi tiếng Pháp nên muốn thử lại cái vốn tiếng Pháp của tôi đấy! Tôi chỉ biết ngậm hột thị trước thực tế quá phũ phàng mà hắn đã tích lũy từ bao giờ không biết về thực trạng nền kinh tế “thị trường bập bẹ” ở Việt Nam những năm cuối thế kỷ thứ 20.
Đến câu hỏi cuối cùng “Mày hãy chỉ cho tao cái gì là xã hội chủ nghĩa ở nước này?” thì tôi bị đo ván. Tôi đành tìm cách chặn lại: “Cẩn thận! Ở đây không thiếu người biết tiếng Pháp đâu!” Hắn ré lên cười, kết luận: “À! Phải! Đó là cái còn lại của chủ nghĩa xã hội: “Cấm nói sự thật!”
Và chúng tôi rẽ sang chuyện bạn bè cũ. Té ra hắn có điều kiện để nhớ tới bạn bè đồng khóa, đồng ngũ hơn tôi. Hắn đọc vanh vách, địa chỉ thằng còn sống, thằng đã chết, rồi buông một câu: “Chữ nghĩa thằng Tây “nhồi nhét” cho chúng ta đi lính cụ Hồ thì phải giấu giấu diếm diếm. Ngày nay nước nhà yên bình thì khắp nơi... tiếng Mỹ, văn hóa nghệ thuật Mỹ...công khai tràn lan, chẳng ai đụng đến! Mày biết không? Ngay ở Pháp, ở Anh, sang thế kỷ 21 sẽ không còn Shakespeare, Montesquieu, Voltaire, Balza… đâu, văn chương nghệ thuật Hollywood đang và sẽ tràn ngập khắp hành tinh. Có thánh mới chống được!”
Tôi cũng buông một câu cho sớm kết thúc: “May mà lúc ấy tao với mày chẳng còn sống để mà phải quan tâm! Après nous, le déluge!” ([21])…Một cách tối ưu để cắt đứt câu chuyện bỏ dở và cái kết cũng sẽ có nếu cả hai đứa tiếp tục sống được đến năm 2010! Lẽ phải, chân lý thuộc về nó là cái chắc rồi, nhưng làm sao tôi cứ thấy nhục ơi là nhục? Chẳng lẽ tôi đành thú nhận: “Đúng! Mày đúng. Từ khi rời ghế nhà trường đi Vệ Quốc Đoàn, tao, và những thằng như tao đều “mất” nhiều hơn “được”.
Thế mà không ít thằng già tay trắng trong thế hệ chúng tôi hôm nay vẫn cố nắm chặt cái “thẻ đảng”, khư khư ôm mớ huân chương bạc phếch ngong ngóng chờ dịp nào đó được lớp “cộng sản kiểu mới” thương tình bố thí cho một khoản “trợ cấp người có công”. Sự sống khốn khó sau cuộc chiến đấu trường kỳ cho độc lập, tự do và hạnh phúc đã đưa cả lũ chúng tôi vào trạng huống hèn hạ suốt đời là như vậy đó!
Ôi! Cái đầu biết nghĩ, trái tim biết xúc động làm khổ những con người có học như tao, như chúng mày đấy, các bạn của tao ơi! Thằng giàu có bên xứ người cũng như thằng trắng tay trong lòng tổ quốc đều có nỗi đau tự đánh mất hết tuổi trẻ của mình. Chúng mày cảm thấy lạc lõng giữa trời Âu, Mỹ. Còn tao, đau hơn, thấy mình lạc lõng trên chính đất nước mình, ngay giữa lòng con, cháu mình. Một cuộc tha hương trên đất mẹ.
Phải chăng tội của tao và chúng mày là chẳng may đã là người có học? Những kẻ vô học hãnh tiến với cái túi đầy ắp đô-la đâu phải đau nỗi đau của bọn mình? Chúng nào thấy gì khi học đòi tất cả mọi cái của nước ngoài, kể cả những mốt xấu xa nhất?
Ngày xưa, chúng ta gọi những tên hay xì xồ tiếng Tây, hay “toi, moi” ([22]) ầm ĩ là đồ “lọ”(!) Hôm nay chẳng ai dám lên tiếng, thậm chí còn cười hô hố khuyến khích khi thấy các cháu mẫu giáo sớm “Ai, Y-u” từ tuổi lên 3.
Cái mà ông già Nguyễn Xuân Khoát ([23]) nói là “mất nước về âm nhạc” thì hôm nay đã nhỡn tiền. Mất nước về văn hóa, về kinh tế, về phong cách sống, là mất cả linh hồn lẫn thể xác. Điều mà súng đạn, nhà tù không làm nổi, thì hôm nay đồng đô-la làm nổi. Không cách nào cứu vãn được tâm hồn, đạo đức của một dân tộc khi cả dân tộc đó chạy theo một cuộc thi kỳ quái được công khai khuyến khích: Làm giàu!  Đáng sợ hơn là người ta thi nhau làm giàu trên cơ sở...hai bàn tay trắng và cái đầu...rỗng tuếch, cái mồm sẵn sàng nuốt tất cả sắt, thép, nhà, cửa, gỗ, quặng, xi măng...
Tiền, vàng, đất đai là của “trời ơi”, “của chùa”, giờ đây nằm gọn trong tay kẻ có chức, có quyền! Cái chủ nghĩa “tư bản rừng rú”, cái thị trường tự do định hướng xã hội chủ nghĩa có một không hai trong lịch sử loài người đã đẻ ra những quái thai “tư bản đỏ”, không tài, không vốn và hầu hết không đầu! Té ra cái gọi là “lương tâm”, chỉ có lớp chúng ta mới được học đến nơi, đến chốn — Lương tâm đối với nghề nghiệp, đối với đồng loại, đối với lời hứa, lời thề và trước hết trên hết, đối với bản thân mình!
Chúng ta mới dại dột làm sao! Chúng ta đã đánh đổi lương tâm trong sáng ấy lấy một thứ lương tâm đen tối không phải của mình. Lương tâm thời buổi đánh nhau của tao, của chúng mày, ơi các bạn của tôi, đều là lương tâm của...người khác! Lương tâm của ông Diệm, ông Thiệu chống cộng sản, lương tâm của ông Mác, ông Lê, ông Mao, ông Hồ không khoan nhượng với kẻ thù giai cấp!
Cái lương tâm thuở ấy của chúng ta cao đẹp biết bao! Nhưng các nhà cách mạng giả hiệu, cả quốc gia lẫn quốc tế, đã lợi dụng sự khờ khạo của chúng ta để nhào nặn nó thành thứ “lập trường giai cấp” hoặc “lập trường chống cộng”. Bất cứ ai đã đứng vào một trong các lập trường ấy là mất béng cái “lương tâm” đúng nghĩa nhân bản. Chỉ còn lại cái u mê đến ngu độn: Lao vào thịt nhau cho đến khi bị người khác thịt vì không cùng một “lương tâm” với họ!
Trải hơn nửa thế kỷ đi tìm con đường hợp với trái tim, khối óc, đã biết bao thằng học trò thuở 18 như tôi là nạn nhân của sự u mê, đã lầm đường lạc lối và trả giá bằng đủ mọi cách. Có những tên ghét Tây đến cùng cực, lấy mạng sống ra đuổi quân xâm lược, để rồi chết đi với ô danh “phản động”. Có những tên gục xuống trước mũi súng của bên đối lập về tư tưởng vẫn hô đả đảo thực dân Pháp bằng tiếng Tây. Đó là trường hợp Phó Bá Hùng, trường hợp cả đội tuyên truyền xung phong của Đạo, của Nở, hy sinh ngay từ ngày Hải Phòng mới nổ súng. Không một tấm huân chương, không một danh hiệu anh hùng…
Đúng vậy. Những gì làm chúng tôi sớm có trái tim yêu nước, yêu tự do và độc lập chẳng phải do một anh Hai, anh Ba, hay bác Hồ, bác Tôn nào, chẳng phải do Đảng Cộng Sản hay Đảng Lao Động nào tuyên truyền, giác ngộ cho cả. Chính những nhân vật của Corneille, của Racine ([24]), Molière, của Hugo, Daudet ([25]), Anatole France và thậm chí cả những nhân vật tích cực và tiêu cực trong lịch sử Pháp, những Jeanne d’Arc, Richard Coeur de Lion, kể cả Robespierre, Danton, đã hằn sâu vào tâm hồn đầy sức sống và khát vọng của lớp học trò chúng tôi. Chính văn hóa Pháp đã giúp chúng tôi thấy được cái đáng yêu, cái đáng ghét, đã mở đường cho chúng tôi đến những lý tưởng chân, thiện, mỹ. Cũng chính vì cái vốn nhân văn được giàu có thêm nhờ tự học, tự đọc, nhất là được thực tế cuộc đời dạy thêm, đã đưa lũ chúng tôi đi theo Cách Mạng, lòng phơi phới như cờ gặp gió.
Nào ai ngờ...
Chính cái vốn học thức cỏn con đó đã gây bao khó khăn cho cả cuộc đời bọn tôi sau này. Vào thời ấy thậm chí chẳng ai hiểu cái “lập trường vô sản” nó ra sao, ngoài cái ghét Tây và mong muốn nước nhà độc lập, tự do. Những con người đi tiên phong, sớm lên đường cũng sớm hy sinh đó chính là lớp trẻ cùng thời với tôi. Tất cả những ai đã dám bỏ cả sự nghiệp lẫn tương lai để lên đường “làm cách mạng” sau này có dịp tâm sự khi gặp nhau đều thừa nhận một điều là chúng tôi đi với cách mạng là nhờ những gì tiếp thu từ nền văn học nhân bản Pháp.
Đấy là nói về lớp người có Tây học sau này bị khinh miệt gọi là “tạch tạch sè”, bị hành hạ khốn khổ vì cái sự học ấy. Cũng như mọi người Việt Nam, chúng tôi đi với cách mạng giải phóng dân tộc đơn giản vì không thể chịu đựng thân phận nô lệ.
Nhớ tới những ngày đầu cách mạng, đứng vào đội ngũ những người cầm súng đánh Tây, tôi không khỏi nghĩ tới những chàng trai tài hoa, đẹp trai, học khá đã ra đi, kẻ Nam Tiến, người Tây Tiến... Hàng loạt đã bỏ xác không tờ giấy báo tử, một số ít, nay còn sống, mỗi khi có dịp gặp nhau đều nhắc đến những bè bạn đã vĩnh viễn ra đi: Vũ Đang, Minh Thái chết ở Tiên Yên, Ba Chẽ; Tài Kính, Đăng Ích chết ở Thị Nghè, Biên Hòa; Kỳ Năng, Tử Thanh, Tử Giang, Kỳ Vẩu... chết ở mặt trận khu III, đường 5... Những người còn sống đến nay chẳng anh nào leo lên quá cái chức trung đoàn trưởng như Lê Quân, Tuấn Sơn mà đều lẹt đẹt ở cái “đại tá chiếu cố” trước khi về hưu là hết mức.
Tất cả đều là những phần tử “chậm tiến bộ” với một lý do duy nhất: Họ hiểu quá nhiều, biết rõ từng... con “rận” trong chăn nên “chết” vì sự hiểu biết quá nhiều đó! Vẫn là cái “lương tâm” học được ở 12 năm đèn sách, nó không cho phép nghĩ và nói theo cái đầu và cái mồm của người khác. Tư cách của một con-người-có-học không cho phép nói đen thành trắng, không cho phép khuất phục, quì gối, thậm chí nô lệ để đổi lấy một chỗ ngồi bình an mà họ từng có quá đủ và từng vứt bỏ tất cả để ra đi.
Tấn bi kịch dài của những cậu tú, cậu cử đi theo cách mạng (về sau mới biết là vô sản) bắt đầu từ chỗ đó. Có thể tóm tắt là chính cái vốn kiến thức, cho dù là Tây học, đã giúp họ vươn tới khát vọng độc lập tự do và đã hình thành một lớp tiểu tư sản trí thức đầy nhiệt huyết với tổ quốc. Nhưng cũng chính những gì họ mang trong đầu, trong tim suốt 18 năm đã ngăn cản bước đường thăng tiến, thậm chí không thể dung hòa với một bọn lãnh đạo, luôn coi họ là thành phần “tiểu tư sản trí thức không đáng tin cậy”, thậm chí là “đối tượng cần theo dõi”, “cải tạo”, đôi khi cần thẳng tay trấn áp nữa.
Những cuộc rời bỏ cách mạng, dứt áo ra đi của Ngọc Bích ([26]), Phạm Duy, Canh Thân ([27]), thậm chí của cả một số chỉ huy quân sự cao cấp thời chưa có sư đoàn như Hai Giá, Hai Trí, Trần Ích, Chu Đằng (tức Trụ) mà tôi có dịp sống gần đều do cái nguyên nhân rất cơ bản: Họ không được lòng tin của những người nhân danh cách mạng, do họ không muốn và không thể nói và làm theo cái đầu của người khác.
Vậy mà tôi, một thành phần cũng chẳng kém cứng cổ, cứng đầu, tại sao tôi lại trụ lại đến cùng trên cương vị một người lính cách mạng? Con đường rẽ ngang sang làm âm nhạc đã tránh cho tôi khỏi bỏ xác nơi chiến trường như bao đồng niên, đồng khóa, đồng hương. Nhưng chính con đường văn nghệ, văn nghệ quân đội nữa, đã biến tôi thành một con người khác, đẩy tôi vào một cuộc phiêu lưu đầy bi kịch suốt đời. Tôi đã thành một kẻ hai lập trường: một lập trường của tôi đích thực mà tôi cố giấu giếm, và bên cạnh nó, lập trường của anh lính văn nghệ đảng viên Cộng Sản Việt Nam mà tôi phải chìa ra trong mọi sinh hoạt và sáng tác hàng ngày. Nói trắng ra, tôi đã phải sống hai mặt, phải đóng kịch hoan hô những cái tôi không muốn hoan hô, im lặng, thậm chí gật đầu trước những gì tôi không tán thành.
Nhưng hỡi ôi! Làm sao đóng kịch mãi mãi khi cuộc chiến tranh và đời sống quân ngũ cứ kéo dài như tưởng chừng chỉ có chết mới kết thúc. Và thế là, trước sau rồi cũng bật ra cái “mất lập trường” trên từng vấn đề cụ thể, trên những sáng tác riêng tư và nhất là trước các sự kiện chính trị trọng đại như Cải Cách Ruộng Đất, Sửa Sai, Cải Tạo Tư Sản… Nhất là sau này, từ sau những hội nghị các đảng cộng sản và công nhân họp hết lần này đến lần khác để tìm một đường lối chung mà vô phương, thay vì đoàn kết, chỉ là lớn tiếng cãi vã, thậm chí choảng nhau, và tôi đã thấy cái được gọi là “phe ta”([28]) không còn là “một khối thống nhất từ Bá Linh đến Vĩnh Linh” nữa rồi.
Khi chính ở những nước chủ nghĩa cộng sản ra đời cũng như lần đầu tiên được áp dụng, người ta đã kêu lên “Vô sản tất cả các nước, buông nhau ra!” (đối lập với khẩu hiệu: “Vô sản tất cả các nước, liên kết lại” của hai ông tổ Marx - Engels), thì phàm ai không mù cũng thấy tương lai của các nước gọi là xã hội chủ nghĩa trước sau rồi cũng... đi đứt!  Nhưng đến được lúc ấy thì không ít người đã là vật hy sinh cho viễn kiến của mình! Lại một lần nữa người ta nhớ đến câu nói của người xưa: “Ceux qui ont raison trop tôt, ont tort!” ([29])
Với tôi, nó là chặng đường dằng dặc đầy bi hài của một kẻ ngu dại, một thằng ngốc, một thứ nhân vật của Dostoevsky vừa đáng thương vừa đáng ghét, vừa đáng khen vừa đáng trách, vừa đáng nể vừa đáng khinh! Gần 60 năm, đứng trong hàng ngũ những người làm cách mạng, rồi chiến sĩ văn nghệ, đảng viên cộng sản, chiến sĩ văn hóa vô sản, “kỹ sư tâm hồn”...tâm hồn tôi luôn bị rầy vò bởi sự phân thân bất đắc dĩ trước thực tế phũ phàng. 
Chú thích: 
([1]) Thái Bình nổi tiếng vì có nhiều hành khất lang thang trên cả nước.
([2]) Trường tiểu học.
([3]) Pierre Corneille (1606-1684) một kịch tác gia vĩ đại của Pháp.
([4]) William Shakespeare (1564-1616), kịch tác gia vĩ đại, người Anh.
([5]) Thời gian của cuộc kháng chiến chống Pháp, thơ Tố Hữu.
([6]) Hai trường Tây nổi tiếng ở Hà Nội thời đó.
([7]) Robert Stephenson Smyth Baden-Powell, trung tướng quân đội hoàng gia Anh (1857-1941), người sáng lập tổ chức Hướng Đạo Sinh.
([8]) Faute (tiếng Pháp = lỗi).
([9]) Têtu (tiếng Pháp = bướng bỉnh, cứng đầu).
([10]) Boxeur (tiếng Pháp = võ sĩ).
([11]) Nguyễn Công Hoan (1903-1977), nhà văn nổi tiếng trên văn đàn Việt Nam từ thập niên 30 thế kỷ 20.
([12]) Đuổi học tạm thời vì tội phá quấy, tiếng Pháp.
([13]) Các triết gia, nhà văn, học giả Pháp: Jean-Jacques Rousseau (1712-1778); Voltaire, tên thật là François-Marie Arouet (1694-1778); Honoré de Balzac (1799-1850); Victor Hugo (1802-1885); Émile François Zola (1840-1902); Stendhal, tên thật là Marie-Henri Beyle (1783-1842).
([14]) Hỡi Thống chế, có chúng tôi đây! Bài hát ca ngợi thống chế Pétain, người hùng Pháp gian với chính phủ bù nhìn Vichy theo phát-xít Đức.
([15]) Phong trào thể thao do đại tá Pháp Ducouroy khởi xướng, rất sôi nổi với cuộc đua xe đạp Vòng Quanh Đông Dương.
([16]) Phan Kế Toại (1892-1992), nguyên Khâm Sai Bắc Bộ của chính phủ Trần Trọng Kim (Đế Quốc Việt Nam), phó thủ tướng Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa nhiệm kỳ 1955-1961.
([17]) Trần Trọng Kim (1883-1953), học giả danh tiếng, từng đứng đầu chính phủ Đế Quốc Việt Nam (thân Nhật) năm 1945.
([18]) Henri Pétain (1856-1951), người hùng trong trận Verdun (thế chiến thứ nhất), sau này cộng tác với phát xít Đức trong thế chiến thứ hai, đứng đầu chính phủ Vichy.
([19]) Bùi Tín (1927), nhà báo quân đội CS, ra khỏi quân đội với hàm đại tá, tác giả nhiều cuốn sách chống chế độ CSVN, hiện sống tại Pháp.
([20]) Mày thấy chưa? Làm gì có chủ nghĩa cộng sản ở cái xứ khốn khổ này! ––tiếng Pháp.
([21]) Ta chết rồi thì có hồng thuỷ cũng bằng không! –– tiếng Pháp.
([22]) Đọc: toa, moa (tiếng Pháp).
([23]) Nguyễn Xuân Khoát (1910-1993) nhạc sĩ, chủ tịch đầu tiên của Hội Nhạc Sĩ Việt Nam (miền Bắc)
([24]) Jean Racine (1639-1699) cùng với Molière và Corneille là 3 nhà soạn kịch vĩ đại của văn học Pháp thế kỷ 19.
([25]) Alphonse Daudet (1840-1897) nhà văn Pháp. 
([26]) Ngọc Bích, nhạc sĩ trong kháng chiến chống Pháp với những ca khúc Mộng Chiều Xuân, Tình Khúc Chiều Mưa…
([27]) Canh Thân, nhạc sĩ trong thời kỳ được gọi là “nhạc tiền chiến” với những ca khúc Cô Hàng Cà Phê, Vĩ Dạ Đò Trăng…
([28]) Phe xã hội chủ nghĩa, gồm các nước do đảng cộng sản cai trị.
([29]) Những kẻ có lý quá sớm là kẻ sai lầm! –– tiếng Pháp.