- 21 -
MẸ MARIA DÂNG CHÚA HÀI ĐỒNG TRONG ĐỀN THỜ.

 Nhân tính cực thánh của Chúa Kitô thuộc về Thiên Chúa Cha hằng hữu không những chỉ vì nhân tính đó được tạo dựng như mọi người, mà vì (nhân tính) đó là sở hữu đặc biệt của Chúa do việc kết hợp nhân tính với Ngôi Lời Thiên Chúa, vì Ngôi Lời Thiên Chúa, Con Một Thiên Chúa, Đấng mang bản tính này, là Thiên Chúa thực bởi Thiên Chúa thực. Thiên Chúa Cha hằng hữu đã ấn định Con Một Ngài phải được hiến dâng trong đền thờ âm thầm chu toàn lề luật, mà theo đó Chúa Cứu Thế là người cuối cùng thi hành luật hiến dâng (Rom 10:4). Luật hiến dâng này được đặt ra không có mục đích nào khác hơn là các người công chính thời Cựu Ước phải thánh hóa thường xuyên và dâng hiến cho Thiên Chúa con trai đầu lòng của họ, với hy vọng người con được dâng hiến như thế có thể được chứng minh là Con Thiên Chúa và Con Đức Hiền Mẫu Chúa Cứu Thế muôn dân trông đợi (Xh 13:2).
Thánh ý Thiên Chúa Cha, hợp với thánh ý Chúa Con, được thông báo cho Đức Hiền Mẫu đời sống và bản chất loài người của Ngôi Lời. Mẹ Maria thấy mọi hành động bề trong của Chúa Kitô hiệp nhất với thánh ý Thiên Chúa Cha. Mẹ đã dành cả đêm trước  ngày hiến dâng Chúa Hài Đồng trong đền thờ để nói chuyện với Thiên Chúa. Mẹ nói với Thiên Chúa Cha: “Lạy Chúa và Thiên Chúa Tối Cao, Cha của Chúa của con, ngày vui mừng cho trời đất sẽ là ngày con dâng lên Chúa trong đền thờ Bánh Thánh hằng sống, đồng thời cũng là Kho Tàng của Chúa. Lạy Chúa và Thiên Chúa của con, việc hiến dâng này giàu sang biết chừng nào, để đổi lại, Chúa sẽ đổ tràn lòng thương xót xuống cho nhân loại. Xin Chúa tha thứ kẻ tội lỗi, an ủi người đau khổ, giúp đỡ người khó nghèo, cho kẻ bần hàn được phú túc, cứu giúp người yếu đuối, soi sáng kẻ mù lòa, đón tiếp người lạc đường. Lạy Chúa, đây là điều con xin khi dâng lên Chúa Con Một yêu dấu của Chúa, Đấng mà do lòng thương xót của Chúa cũng là Con của con. Nếu Chúa ban Chúa Con cho con là Thiên Chúa, con trả lại Chúa Hài Đồng cho Chúa là Thiên Chúa và người trần gian, giá trị của Ngài vô cùng, và những điều con xin thì kém nhiều. Trong sự giàu có, con trở lại đền thờ Chúa mà con đã tự do ra đi trong khó nghèo, linh hồn con sẽ chúc tụng Chúa đến muôn đời, vì Chúa đã ban cho con quá sức đại lượng.”
Bình minh hôm sau, Mặt Trời thiên đàng sẵn sàng hiện ra từ Hừng Đông trinh khiết nhất là Đức Trinh Mẫu Maria. Chúa Hài Đồng nằm trong cánh tay Mẹ, sắp sửa xuất hiện rõ ràng giữa thế gian. Đức Nữ Vương thiên đàng, đã chuẩn bị sẵn đôi chim gáy và hai cây nến, bọc Chúa Hài Đồng trong khăn, đi cùng với thánh Giuse tới đền thờ. Các thiên thần tháp tùng Thánh Gia, lần nữa đạo binh thiên quốc hiện ra rõ ràng, sóng hàng rất đẹp như trong hành trình từ Nazareth tới Bethlehem. Trong dịp này các thiên thần thêm nhiều ca khúc du dương tuyệt vời chúc tụng Chúa Hài Đồng. Không kể muôn ngàn thiên thần tạo thành đoàn diễn hành, vô số thiên thần khác từ trời xuống cùng với các thiên thần mang khiên có khắc Tên Cực Thánh GIÊSU hợp thành đoàn quân danh dự hộ vệ Ngôi Lời nhập thể trong dịp dâng hiến trong đền thờ. Tới cổng đền thờ, Mẹ Maria lại ngút lửa yêu mến tận hiến nồng nàn. Cùng với các phụ nữ khác, Mẹ quì gối cúi đầu thờ lạy Thiên Chúa trong tinh thần và chân lý. Mẹ Maria, cùng với Con cực thánh trong tay, trình diện trước Thiên Chúa Uy Nghi cao cả (Gioan 4:23). Lập tức Mẹ Maria ngây ngất trong thị kiến và nghe tiếng Thiên Chúa Cha phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hết sức hài lòng vì Con” (Mt 27:20). Thánh Giuse, người được hạnh phúc nhất trong mọi nam nhân, cùng lúc đó cũng cảm nghiệm sự ngọt ngào mới, niềm hân hoan và ơn soi sáng Chúa Thánh Thần đổ đầy tâm hồn ngài.
Thầy cả thượng phẩm thánh thiện Simeon, được Chúa Thánh Thần soi dẫn, lúc đó cũng đi vào đền thờ (Lc 2:7). Ngài thấy Mẹ Maria và Chúa Hài Đồng trong hào quang rực rỡ. Nữ tiên tri Anna cũng tới; bà thấy Mẹ Maria và Chúa Hài Đồng được bao phủ trong ánh sáng lạ lùng. Hết sức vui mừng, thầy cả thượng phẩm đón Chúa Hài Đồng từ tay Mẹ Maria. Nhìn lên trời, ngài dâng Chúa Hài Đồng lên Thiên Chúa Cha hằng hữu, đồng thời nói lên lời huyền nhiệm: “Lạy Chúa, bây giờ xin cho tôi tớ Chúa ra đi bằng an theo lời Chúa hứa. Chính mắt con đã nhìn thấy Ơn Cứu Độ đã được Chúa chuẩn bị trước mặt muôn dân: ánh sáng cứu độ các dân ngoại và vinh quang Israel dân Chúa” (Lc 2:29). Nghe những lời ca tụng này, Đức Hiền Mẫu Maria và thánh Giuse bỡ ngỡ vì mạc khải cao siêu chứa đựng trong đó. Thánh Sử nói Cha Mẹ của Hài Nhi bỡ ngỡ vì những lời đó nói ra trước mặt mọi người hiện diện tại biến cố này. Tiên tri Simeon nói tiếp: “Con Trẻ Này được đặt làm cớ để nhiều người vấp phạm và cho việc phục sinh của nhiều  người trong dân Israel, và là dấu bị chống báng. Một lưỡi gươm bén sẽ xuyên thấu tâm hồn bà, để những tư tưởng thầm kín của nhiều con tim sẽ bị phơi bày ra ánh sáng” (Lc 2:33-35). Thánh Simeon, vì là thầy cả, đã chúc lành cho Cha Mẹ hạnh phúc của Chúa Hài Đồng. Khi đó nữ tiên tri Anna, được ơn Chúa Thánh Thần, cũng nhìn nhận Ngôi Lời nhập thể và nói về các mầu nhiệm Chúa Cứu Thế với nhiều người, những người đang trông chờ ơn cứu độ dân Israel (Lc 2:36-38). Hai tiên tri lão thành Simeon và Anna đã công khai làm chứng về Chúa Cứu Thế trước thế giới.
Chúa Hài Đồng gật đầu khi tiên tri Simeon nói đến lưỡi gươm và dấu chỉ của sự chống báng: những lời tiên tri về khổ hình và cái chết của Chúa Cứu Thế (Lc 2:35). Do việc đó và nhiều hành động vâng lời thầm kín, Chúa Giêsu đã phê chuẩn lời tiên tri của thượng tế Simeon, chấp nhận đó như là lời Thiên Chúa Cha phán được thừa sứ của Ngài loan báo. Mẹ Maria ghi nhận và hiểu mọi điều này (Lc 3:51b). Ngay lúc này Mẹ Maria cảm thấy bị thương tích do lưỡi gươm được tiên báo. Như trong một tấm gương, linh hồn Mẹ Maria thấy mọi mầu nhiệm gồm trong lời tiên tri này: Con cực thánh của Mẹ sẽ là nguyên cớ khiến nhiều người vấp phạm như thế nào, sự trầm luân của những kẻ không tin, Ơn Cứu Độ cho những người tín trung, việc thiết lập Giáo Hội giữa các dân ngoại. Mẹ Maria nhìn thấy trước cuộc khải hoàn vinh thắng chống lại ma quỉ và sự chết, nhưng Mẹ cũng thấy trước giá phải trả cho cuộc khải hoàn đó, như sự phiền sầu khủng khiếp và chết trên thập giá (Col 2:15). Mẹ Maria nhìn thấy trước những chống đối thù nghịch Chúa Giêsu sẽ phải chịu nơi bản thân Chúa và Giáo Hội (Gioan 15:20). Đồng thời Mẹ Maria cũng thấy sự vinh quang tuyệt vời của các linh hồn được tiền định. Mẹ biết tất cả những điều này và, được khơi dậy do những lời ông Simeon tiên tri cùng các mầu nhiệm tiềm ẩn, Mẹ đã thực thi nhiều hành động nhân đức anh hùng trong niềm vui nỗi buồn của linh hồn cực trinh khiết. Tất cả mọi lời nói và các sự việc xảy ra đều được ghi khắc trong trí nhớ Mẹ Maria không khi nào phai (Lc 2:51b). Mẹ Maria luôn nhìn Con cực thánh với lòng ưu phiền sinh động, mà chúng ta, những con người với trái tim vong ân bội nghĩa, sẽ không bao giờ có thể cảm hiểu được. Thánh phu quân Giuse cũng được những lời tiên tri này làm cho hiểu nhiều trong số các mầu nhiệm Ơn Cứu Chuộc và những vất vả thống khổ Chúa Giêsu sẽ phải chịu. Nhưng Thiên Chúa không tiết lộ các mầu nhiệm này cho thánh Giuse tường tận, vì đối với ngài các mạc khải này phục vụ mục đích khác, hơn nữa, thánh nhân không được là chứng nhân các mầu nhiệm này khi còn ở trần thế.
Nghi lễ hiến dâng đã hoàn tất, Đức Maria hôn tay thầy thượng tế và xin ngài chúc lành. Mẹ Maria cũng thi hành như thế đối với tiên tri Anna, thầy cũ của Mẹ. Địa vị Mẹ Thiên Chúa, địa vị tột đỉnh đối với các thiên thần và cả loài người, không cản trở Mẹ thực thi các hành động khiêm tốn này. Rồi cùng với thánh phu quân và đạo binh thiên quốc sóng hàng hộ vệ, Mẹ Maria và Chúa Hài Đồng trở lại nơi tạm trú. Mẹ Maria và thánh Giuse quyết định nán lại Jerusalem chín ngày để có thể mỗi ngày viếng đền thờ hầu lặp lại lời hiến dâng Nạn Nhân Thánh, Con Thiên Chúa của Mẹ, để như thế, dâng lên lời cảm tạ xứng đáng vì hồng ân bao la mà nhờ đó Mẹ và thánh phu quân đã được tách rời khỏi loài người. Đức Hiền Mẫu Maria đặc biệt quí con số chín này, vì trong chín ngày Mẹ Maria đã được Thiên Chúa chuẩn bị trang điểm cho việc nhập thể của Ngôi Lời, và cũng ghi nhớ chín tháng cưu mang Chúa Giêsu nơi lòng dạ trinh khiết Mẹ. Chúa Giêsu, Mẹ Maria và thánh Giuse khởi sự việc tận hiến tuần chín ngày, mỗi ngày từ trước giờ thứ ba (khoảng sáu giờ sáng), cầu nguyện trong đền thờ cho tới khi trời tối. Thánh Gia chọn một nơi khuất yên tĩnh nhất, như thế xứng đáng với lời mời của vị chủ tiệc trong Phúc Âm: “Hỡi bạn, hãy lên ngồi ghế cao hơn”  (Lc 14:10b).
Để đáp lời cầu xin của Đức Maria, Thiên Chúa ban cho Mẹ nhiều đặc ân vĩ đại mới, trong đó có đặc ân, bao lâu thế giới này còn tồn tại, Mẹ Maria sẽ được tất cả mọi điều Mẹ xin cho những ai nhờ (xin) Mẹ cầu bầu cho. Những người tội lỗi nặng nề nhất sẽ tìm được Ơn Cứu Độ, nếu họ xứng đáng với lời Mẹ cầu bầu. Trong Giáo Hội mới và Luật Phúc Âm, Mẹ Maria sẽ là Đấng Đồng Công, là Thầy dạy về Ơn Cứu Chuộc cùng với Chúa Kitô Con cực thánh Mẹ. Đây sẽ là đặc ân dành cho Mẹ Maria đặc biệt là sau khi Chúa về trời. Khi còn ở lại trần gian, Mẹ Maria là Nữ Vương vũ trụ, Đại Diện, Máng Chuyên mọi quyền năng Thiên Chúa nơi trần thế.
Ngày thứ năm của tuần chín ngày, khi Mẹ Maria ở trong đền thờ, ẵm Chúa Hài Đồng trong tay, Thiên Chúa hiện ra với Mẹ, mặc dầu không phải trực diện, Mẹ Maria được nâng lên và đầy ơn Chúa Thánh Thần. Trong thị kiến không trực diện này, Đấng Tối Cao thăm viếng, chuẩn bị Mẹ Maria chịu đựng những gian khổ cực nhọc đang chờ đợi. Thiên Chúa nói: “Người Yêu Dấu và Chim Bồ Câu của Ta, các ước nguyện và ý muốn của Người đẹp ý Ta, Ta luôn hài lòng vì những điều đó. Nhưng Người không thể hoàn tất chín ngày tận hiến đã bắt đầu, vì Ta có sẵn những việc khác cho tình yêu của Người. Để bảo vệ mạng sống và nuôi dưỡng Thánh Nhi trưởng thành, Người phải rời khỏi nhà và quê hương, cùng với Thánh Nhi và phu quân Giuse chạy trốn sang Ai Cập và ở đó cho tới khi Ta chỉ dạy cách khác vì Herode đang tìm giết Thánh Nhi (Mt 1:13-14) Cuộc hành trình lâu ngày vất vả mệt nhọc nhất, Người hãy chịu những thứ đó vì Ta. Ta luôn ở với Người.”
Bất cứ đức tin và lòng can đảm nào chắc chắn cũng đã bị làm cho bối rối xáo trộn khi thấy Thiên Chúa toàn năng chạy trốn một thụ tạo bằng đất khốn nạn, mà Thiên Chúa phải làm như thế để cứu mạng sống mình, chẳng khác gì Chúa, Đấng vừa là Thiên Chúa vừa là người, có thể sợ chết. Nhưng Đức Maria đã vâng phục không chút chống đối hoặc hoài nghi. Không chút bối rối nao núng vì lệnh truyền bất ngờ này, Mẹ đáp: “Lạy Thiên Chúa và Chúa của con, xin hãy nhìn nữ tì của Chúa với trái tim được chuẩn bị sẵn sàng chết vì yêu Chúa. Xin hãy phân định cho con theo thánh ý Chúa. Con chỉ xin Chúa vì lòng nhân từ vô cùng mà bỏ qua sự không xứng đáng và bạc bẽo của con. Xin Chúa đừng để cho Con và Chúa của con phải đau khổ. Xin Chúa trút mọi đau đớn vất vả lên con.” Thiên Chúa nói với Mẹ Maria về thánh Giuse, truyền cho Người nghe theo các chỉ dẫn của thánh nhân trong mọi sự liên quan đến cuộc hành trình. Tới đây Mẹ Maria ra khỏi thị kiến mà không mất đi việc sử dụng các giác quan ngoại tại trong khi vẫn ẵm Chúa Hài Đồng. Chỉ có phần thượng của linh hồn Mẹ Maria được đưa lên trong thị kiến này. Nhưng từ đó chảy tràn đầy ân sủng thánh hóa các quan năng và cho biết linh hồn Mẹ sống nhiều trong tình yêu hơn là nơi thân xác.
Do tình yêu khôn sánh Mẹ Maria dành cho Con cực thánh, trái tim hiền mẫu hết sức đau đớn vì nghĩ đến những vất vả nhìn thấy trước trong thị kiến đang đe dọa Chúa Hài Đồng. Nước mắt chan hoà, Mẹ Maria rời khỏi đền thờ trở về nơi tạm trú mà không nói cho thánh phu quân biết lý do sự đau buồn. Thánh Giuse nghĩ Mẹ Maria đau buồn vì lời ông Simêon tiên tri. Vì thánh Giuse trung tín yêu thương, hết lòng lo lắng cho Mẹ Maria, ngài bối rối khi thấy Mẹ nước mắt chan hòa quá sức đau buồn nhưng lại không nói cho ngài biết nguyên cớ. Sự bối rối của linh hồn thánh Giuse là một trong những lý do để các thiên thần nói với ngài đang khi ngủ, tương tự khi nói về việc thai nghén của Đức Nữ Vương thiên đàng. Cũng đêm đó, khi thánh Giuse đang ngủ, thiên thần Chúa hiện ra nói với ngài như thánh Mátthêu ghi lại: “Hãy chỗi dậy, đưa Con Trẻ và Mẹ Ngài trốn sang Ai Cập, và ở lại đó cho tới khi tôi trở lại cho biết lời chỉ dạy khác; vì Herode đang tìm giết Con Trẻ” (Mt 1:13-14).
Thánh Giuse lập tức chỗi dậy trong lo âu buồn rầu, ngài cũng đoán được sự đau khổ lo âu của hiền thê hết sức yêu quí. Đi vào phòng Mẹ Maria, thánh Giuse nói: “Thưa Bà Chủ của tôi, Chúa muốn chúng ta chịu đau khổ. Thiên thần Chúa báo cho tôi biết sự vui lòng và quyết định của Đấng Toàn Năng muốn chúng ta chỗi dậy đem Chúa Hài Đồng trốn sang Ai Cập vì Herode đang tìm giết Chúa. Bà Chủ của tôi, xin Người can đảm chịu đựng những gian khổ trong cuộc hành trình này, xin cho tôi biết tôi có thể làm gì để Người bớt cực khổ, vì tôi chỉ sống để phục vụ Con của Người và chính Người.”
Mẹ Maria đáp: “Thưa phu quân và chủ nhân của thiếp, chúng ta đã nhận được từ tay Đấng Tối Cao các ân sủng cao cả, và điều chính đáng là chúng ta vui vẻ chấp nhận những đau khổ tạm bợ (Gióp 2:13) Chúa gởi cho. Chúng ta đưa đi với chúng ta Đấng tạo thành trời đất, nếu Chúa để chúng ta ở sát bên Ngài thì quyền lực nào có thể làm hại chúng ta, cho dù là quyền lực của Herode?
Chúng ta đưa đi với chúng ta tới bất cứ nơi nào Đấng cực tốt lành, Đấng là kho tàng thiên đàng tối cao, Chúa chúng ta, là Người Dẫn Đường và Ánh Sáng của chúng ta thì không nơi nào có thể là hoang địa được. Chúa chính là nơi chúng ta nghỉ ngơi, phần phúc và quê hương chúng ta. Chúng ta có mọi sự tốt lành khi có Chúa đồng hành, chúng ta hãy tiến hành để chu toàn thánh ý Chúa.” Mẹ Maria và thánh Giuse đến bên nôi Chúa Hài Đồng. Đức Hiền Mẫu mở mền đắp cho Chúa ra mà không làm Chúa thức giấc; rồi Mẹ Maria, quì gối, đánh thức và ẵm Chúa lên. Chúa Hài Đồng, để làm cho Mẹ Maria tiến tới tình yêu vĩ đại hơn nữa và để tỏ ra Chúa là người thực, đã khóc lên một chút (Kỳ diệu thay Đấng Tối Cao trong những điều mà đối với sự suy xét của chúng ta cho là qúa nhỏ bé)! Nhưng Chúa Hài Đồng đã sớm nín khóc, khi Đức Hiền Mẫu rất thánh và thánh Giuse xin Chúa chúc lành, Chúa đã cho Hai Đấng thấy cử chỉ rõ ràng. Sau khi gom hết các hành trang nghèo nàn vào một cái giỏ và chất lên lưng con lừa được đem theo từ Nazareth, Thánh Gia ra đi lúc sau nửa đêm một chút.
 LỜI MẸ MARIA 
Con của Mẹ, điều đặc biệt con phải học trong chương này là làm quen với việc khiêm nhượng tạ ân về các hồng ân con nhận được. Trong nhiều thế hệ, con được ưu ái quá sức đặc biệt bằng những ân sủng dồi dào do việc Con của Mẹ và Mẹ đến thăm mà không vì một chút xứng đáng nào của con. Mẹ đã thường lặp lại nhiều lần lời vua David: “Con sẽ dâng gì lên Chúa để đền đáp tất cả những ơn Chúa đã ban cho con?” (Tv 15:12). Với những ý nghĩ như thế Mẹ đã hạ mình thành bụi đất, coi mình hoàn toàn vô dụng giữa mọi tạo vật. Nếu con biết Mẹ đã làm những gì với tư cách là Mẹ Thiên Chúa, con hãy suy xét xem con phải làm gì và với hết lòng chân thành con thú nhận rằng con không xứng đáng với những ơn đã được, con đã dâng những lời cảm tạ đền đáp quá sức nghèo nàn. Con phải bù đắp sự bất toàn nghèo nàn của con bằng việc dâng lên Thiên Chúa Cha hằng hữu bánh hằng sống là Con Một yêu dấu của Ngài, nhất là khi con rước Chúa Giêsu trong Phép Thánh Thể và Chúa ở trong con. Trong trường hợp này, con phải bắt chước lời thánh David, sau khi ông hỏi Chúa ông phải dâng lại gì để đền đáp các hồng ân Chúa ban: “Con sẽ uống chén cứu độ, và con sẽ kêu thánh danh Chúa” (Tv 115:13). Con phải nhận ơn cứu độ, làm cho nở sinh hoa trái bằng sự trọn lành của các việc con làm, kêu cầu Thánh Danh Chúa, dâng lên Chúa Cha Con Một yêu dấu của Ngài. Vì Chúa Cứu Thế chính là Đấng ban ơn cứu độ, Đấng giành được ơn đó, Đấng mà chỉ một mình Ngài có thể là sự dâng trả lại xứng đáng đối với những ân sủng được ban cho loài người, đặc biệt là cho con. Mẹ đã cho Chúa thân xác để có thể đối thoại với loài người, trở nên tài sản riêng của từng người. Chúa Giêsu ẩn mình dưới hình bánh và rượu để thích hợp với nhu cầu từng người, để mọi người có thể coi Chúa là của riêng mình, thích hợp để dâng lên Thiên Chúa Cha hằng hữu. Theo cách này, Chúa Giêsu ban cho từng người lễ vật dâng hiến mà không một ai có thể dâng thứ khác được, và Đấng Tối Cao hài lòng với của lễ hiến dâng đó, vì không thứ gì đáng được chấp nhận hơn, cũng không thứ gì quí giá hơn mà nhân loại có thể có được.
Thêm vào với hiến lễ này là sự hoàn toàn ký thác và nhẫn nại bình tĩnh chịu đựng những vất vả khó khăn trong cuộc sống đời này. Con chí thánh Mẹ và Mẹ là những Thầy vĩ đại dạy việc thi hành giáo lý này. Con của Mẹ bắt đầu giảng dạy giáo lý: ký thác chịu đựng vất vả đau khổ từ khi bẩm thai trong lòng Mẹ. Ngay từ ngày đó, Chúa bắt đầu chịu đau khổ. Khi sinh xuống trần gian, Chúa Giêsu và Mẹ đã bị Herode xua đuổi chạy vào sa mạc, và Chúa cứ tiếp tục chịu mọi đau khổ cho tới khi chết trên thánh giá. Mẹ cũng đã vất vả cho tới ngày cuối đời, như con sẽ được cho biết ngày càng nhiều khi viết lịch sử này. Chúa Giêsu và Mẹ đã chịu đau khổ quá sức vì loài người để cứu độ họ. Mẹ muốn con bắt chước Chúa Giêsu và Mẹ thi hành thánh ý Chúa với tư cách người yêu dấu của Ngài và là con gái Mẹ. Con hãy chịu đau khổ với trái tim đại lượng để đem về cho Chúa và Phu Quân của con các linh hồn vô cùng quí báu, được chuộc bằng chính máu Chúa. Con không bao giờ được trốn chạy những vất vả, khó khăn, cay đắng và đau khổ, nếu nhờ đó con giành được một linh hồn cho Chúa, hoặc nếu có thể khuyên được linh hồ đó từ bỏ đường tội lỗi mà đi vào con đường sự sống. Đừng để cho con bị quá vô dụng nghèo nàn, hoặc các ước vọng và vất vả của con đem lại ích lợi quá ít ỏi khiến con nản lòng. Con không thể biết Chúa sẽ chấp nhận những việc đó như thế nào và Chúa cho rằng Người được phục vụ chừng nào. Ít nhất con hãy ước ao làm việc chuyên cần và không ăn bánh mà không xứng công ở trong nhà Chúa (Cn 31:27).