Chương Chín

Có lẽ chuyến vượt biển thất bại của chúng tôi trên đèo Rù Rì đã khiến cho ông nội chồng tôi không còn tin vào sự thành công của chuyến đi mới. Không nói một lời, ông chỉ thở dài khi nghe tôi thưa là chồng tôi đã rời khỏi nhà và tôi sẽ đưa Tinô đi khi có người đến đón. Những cái lắc đầu nhè nhẹ trong sự im lặng dài vô tận của ông như ngầm tỏ rằng việc làm của chúng tôi sẽ hoài công như lần trước và có nghĩa là chúng tôi sẽ trở về với người đầy thương tích nếu may mắn không bị bắt. Mẹ chồng tôi  lăng xăng muốn tìm một việc gì làm để giúp dâu và cháu trước khi lên đường; nhưng hành trang của tôi chỉ có cái túi vải nhỏ xíu nên bà loanh quoanh  một lúc rồi lặng lẽ vào phòng thờ thắp hương cầu nguyện. Tôi trở về phòng mình chứ không chào chia tay với những người bà con trong đại gia đình chồng. Cảnh bịn rịn chia tay rồi thất bại trở về của lần trước khiến tôi chán ngán sự tái diễn. Làm ra vẻ bình thản với sinh hoạt thường lệ, tôi bỏ mùng cho Tinô ngủ trưa. Tôi đã ngồi trong giường lâu hơn thường lệ khiến Tinô chăm chăm nhìn tôi với đôi mắt lạ lùng và nghi ngại khi nó nằm ôm con gấu vải. Thường thường, chẳng cần có tôi, con gấu vải do tôi chắp vải vụn may cho, cũng có thể đưa nó vào giấc ngủ dễ dàng. Tôi biết là tối nay khi không có mùi quen thuộc của con gấu và khung cảnh xa lạ ở nhà người lạ thể nào Tinô cũng sẽ phản ứng kịch liệt như lần ở trên núi. Và như thế, tôi lại phải cho nó uống thuốc ngủ trước khi đi. Nghĩ đến chuyện thuốc ngủ ảnh hưởng đến thần kinh của con mình, tôi cảm thấy rất xốn xang nhưng chẳng nghĩ cách nào hơn.
“Tôi với ảnh giả làm ngư dân ra ghe nằm trước, chiều nay chị Hạnh sẽ đến đưa chị và cháu ra sau. Nhớ trang phục như dân biể để khi xuống bãi khỏi bị công an hay du kích để ý!”
 
Ôn lại lời dặn của anh Thảo, tôi hứa với lòng là dù sao cũng phải hết sức cẩn thận để không làm ảnh hưởng chuyến đi. Hôm qua, anh ta báo cho chúng tôi biết là chiếc xách tay lương thực và áo quần của Tinô đã được chuyển đến tay người chủ ghe và ông ta đã giấu dùm ở dưới ghe rồi. Theo ước đoán của anh, chỉ cần tám ngày là ghe có thể đến đảo Phi nhưng tôi chuẩn bị các gói lương khô, đường tẩm chanh, sâm, nước và  áo quần cho Tinô khoảng hai tuần trong chiếc giỏ xách ấy. Nhìn Tinô ngon giấc, tôi ngồi cầu xin trời phật ban ơn hồng cho nó và nguyện sẽ ăn chay một tháng khi chúng tôi đến bờ bình an.
Khoảng năm giờ rưỡi chiều một người đàn bà đến trước cổng nhà tìm tôi. Chị có vóc người nhỏ nhắn và khuôn mặt hiền lành bình dân khiến tôi không thể nào tin đây là chị Hạnh, bạn anh Thảo và là người lo toan mọi chuyện cho chuyến vượt biển mà mình sắp tham gia. Khi chị giới thiệu là Hạnh, tên gọi theo tên đứa con đầu của chị, với giọng từ tốn như chẳng có chuyện gì quan trọng sắp xảy ra thì tôi khâm phục và tin tưởng lắm. Dặn chị đứng chờ xong, tôi lật đật chạy vào phòng ẵm Tinô, lấy xách tay, chào mẹ chồng, rồi trở ra cổng ngay. Vừa thấy tôi, chị vội đội nón lên đầu, xoay đầu xe ra phía đường rồi nhón người lên yên và bảo tôi mau ngồi lên yên sau. Khi chiếc xe lăn bánh, tôi có linh cảm vài cặp mắt của những người hàng xóm đang nhìn chúng tôi, hai người với hai sắc phục dị kỳ và thảm thương bởi cái nón lụp xụp và hai bộ đồ mặc không đúng lối. Chị Hạnh mặc bộ đồ bông xám và dùng vành nón che nửa khuôn mặt có lẽ để ngăn ngừa sự nhận diện của ai đó, còn tôi phải mặc cái quần vải thô và cái áo khoác có túi để có thể chứa thêm những thứ cần thiết trong lúc không thể mang chiếc xách lớn; cho nên, trang phục quái lạ này không thể nào tránh khỏi sự chú ý của những người ở hai bên đường trong xóm. Ra đến đường Phước Hải, chị Hạnh vừa đạp xe vừa than là chị đã phải đạp xe đến rất nhiều nơi trong ngày hôm ấy. Ngồi sau, nghe lời than van hòa trong tiếng thở hổn hển trong lúc nhìn cái lưng cong đang cắm cúi lái xe của chị, tôi cảm thấy rất xốn xang. Tôi không phải là người nặng cân nhưng cả tôi và Tinô với sức người nhỏ bé và ốm yếu của chị thì thật là quá đáng. Đến nhà thờ núi, chị Hạnh đạp nhanh hơn một chút và không còn thở ì ạch như trước. Để tỏ ra không quan tâm đến sức nặng của chiếc xe mà mình đang phải gồng chở, chị vừa đạp, vừa kể cho tôi nghe chuyện đã và sắp xảy ra. Chị kể tỉ mỉ là chị đã đưa ba đứa con của chị và người bạn gái của chị tên Phú đến chợ Cù Lao rồi và là khi gặp họ, tôi sẽ cùng đến tá túc tại nhà quen của ông chủ ghe để chờ người đưa ra bãi lúc nửa đêm.
Từ ngã ba Tháp Bà rẽ xuống dốc Cù Lao, chị Hạnh không nói gì nữa. Tôi cũng lặng yên rất lâu, sau đó gật đầu khi nghe chị dặn đứng chờ ở một góc đông người. Sau khi dắt xe len lỏi qua những người đang mua bán xôn xao trong chợ, chị Hạnh trở lại với một người đàn bà có thân hình tròn trịa và khuôn mặt phúc hậu. Khuôn mặt của người đàn bà này làm tôi nhớ mài mại đến người đàn bà trên dốc đèo Rù Rì với đứa con gái độ mười sáu tuổi có tên Hạnh. Sau khi chị Hạnh giới thiệu chị tên
Phú và sẽ là người giúp đỡ ba đứa con chị trong chuyến đi lần này thì tôi nghĩ chị Phú đã từng đi cùng con chị Hạnh trong chuyến vượt biên trên đèo Rù Rì. Thì thầm xã giao với nhau một lúc, chị Phú dặn tôi đứng chờ chị ngay tại nơi tôi đang đứng và nhắc nhở nhiều lần là không đi bất cứ nơi nào trong chợ. Chị nói là chị phải tìm ba đứa nhỏ con chị Hạnh vì chúng đi ăn hàng mỗi đứa một nơi và nếu tôi còn đi nữa thì chẳng biết bao giờ chúng tôi mới họp nhau lại một lúc để đếncùng điểm hẹn. Sau khi chị Phú bỏ đi và chị Hạnh chào tử giã, tôi tuân theo lời dặn dò. Không dịch một bước ở cái góc đông người qua lại rất lâu để chờ mà không thấy chị Phú trở lại, lòng tôi rất hoang mang, lo lắng. Chiều tối, dân biển thích tụ họp ở các  hàng quán để ăn hàng cho nên thật là bất tiện cho tôi khi phải đứng ở một nơi có quá nhiều người qua lại. Điều mà tôi sợ nhất là phải gặp lại những đứa học trò cũ vì Cù Lao Vĩnh Thọ Xóm Bóng là nơi mà tôi đã từng dạy học vài năm. Nếu chúng thấy tôi ở nơi này với trang phục mùa đông trong lúc hè thì chắc chắn chúng sẽ nghi ngờ về chuyện vượt biển của tôi. Ngoại trừ hình ảnh Tinô, đứa bé mười tám tháng, có thể làm giảm đi phần nào hoặc phá tan hết những thắc mắc và nghi ngờ của chúng. Dù sao tôi đã ở thế chẳng đặng đừng, nên phải ghé vào một xe nước mía gần đó gọi cho Tinô một ly. Tinô uống hết  sạch ly nước mía xong mà chị Phú vẫn chưa trở lại nên tôi đành phải gọi thêm một trái trứng vịt lộn của người ngồi bán gần đó cho nó. Tinô ăn trứng xong, tôi nấn ná ngồi ở quán thêm khá lâu mà vẫn không thấy bóng dáng của chị Phú đâu nên tôi đành ẵm Tinô đi lên dốc ngã ba Tháp Bà để đón xe về. Lên đến đầu dốc, tôi nghĩ sự trở về là việc sáng suốt cho tính mạng của Tinô và của chính mình. Nếu chồng tôi được đến bờ tự do thì sau này anh sẽ bảo lãnh mẹ con chúng tôi đi một cách an toàn hơn. Trời tối, không có xe lam nên tôi đành phải gọi xe xích lô. Khi người lái xe xích lô vừa dừng trước mặt thì hình ảnh của chồng tôi hiện ra rất rõ trong đầu tôi.“Nếu như anh không đến được bờ bên kia thì mình sẽ ra sao?” Câu hỏi này lóe lên trong ý nghĩ khiến tôi đã khựng lại. Đứng im một chỗ, tôi ngượng ngập xin lỗi người lái xe với cớ gọi nhầm. Rồi bất kể đôi mắt bực tức và giận dữ của ông nhìn tôi như thế nào, tôi đã nhanh chóng quay lưng, đi trở lại con dốc. Càng bước đi tôi càng nhớ đến những lần chồng tôi từ chối tham gia vượt biển cùng bạn bè. Thấm thía với câu “Đồng vợ, đồng chồng sướng khổ có nhau” tôi nhất quyết là sẽ không dựa vào sự liều mạng của anh để chờ hưởng lộc. Ôm chặt Tinô thay cho lời xin lỗi, tôi bước xuống dốc thật nhanh. Vừa đến góc chợ, tôi gặp chị Phú đang đi hớt ha hớt hãi từ hướng ngược lại. Chị hỏi với giọng đầy trách móc:
“Nãy giờ Lan đi đâu vậy? Làm mình tìm gần chết! Mình đã đưa mấy đứa nhỏ tới chỗ ở rồi. Đi theo mình mau lên!”
Theo chị, tôi đến căn nhà lợp tôn rộng rãi cách chợ bởi một con h?m nhỏ. Căn nhà có nhiều người ra vào nhưng mọi người chỉ chào nhau lấy lệ chứ không ai hỏi han ai. Ngồi một hồi tôi mới biết đó là nhà buôn bán cá và mực cả sỉ lẫn lẻ. Bởi có nhiều người buôn bán ra vào nên chẳng ai buồn để ý đến ai. Một lúc sau, một cô gái nhỏ đến chào tôi:
“Em chào cô.”
“Chào em.”
Tôi lúng túng chào lại, vì ngượng nghịu với bộ y phục đang có của mình nhưng con bé dường nh? chẳng để tâm. Nó giới thiệu tôi với ba mẹ của nó rồi nhắc lại những kỷ niệm trong giờ dạy địa lý của tôi. Tôi chỉ cười khi nghe nó nói rồi giả tảng hỏi liên tục những người đang có mặt tại đó về chuyện mua bán những thứ hải sản với giá sỉ và lẻ. May mắn là tôi đổi được đề tài nên con bé chỉ huyên thiên thêm một tí nữa là xin ba mẹ cho đi xem phim. Chúng tôi ở lại đến khoảng hơn mười giờ đêm thì có một người đàn bà trẻ đến dẫn đi xuống xóm chài. Len qua con hẻm đầy cát biển giữa những căn nhà tôn ván lụp xụp cận kề nhau khoảng mười phút, năm người chúng tôi được đưa vào ở một căn nhà rất nhỏ mà giường ngủ là ván cây. Tôi và Tinô được phân ngủ tại chiếc giường sát cạnh lối ra vào mà cánh cửa của nó là một liếp ván, đóng mở chỉ cần kê bên hoặc kéo ra một cách dễ dàng. Sau khi lo cho ba đứa con chị Hạnh chỗ ngủ xong, chị Phú căn dặn:
“Lan nhớ cho cháu uống thuốc ngủ!”
Tôi làm theo lời chị nhưng chỉ cho Tinô uống một muỗng cà phê. Thuốc này tôi bỏ vào chiếc xách tay rất nhỏ với đường tẩm chanh, bánh đậu xanh, sâm, một bộ đồ của Tinô và vài cái bao ni lông. Tôi thường có chứng say xe và e rằng mình sẽ bị say sóng nên phải mang theo những chiếc bao ny lông này.
Sau khi cho Tinô uống thuốc xong, tôi đặt lưng nằm với nó chỉ vài phút thì chị Phú đến giường kề sát tai tôi căn dặn:
“Ráng thức nghe Lan! Đừng ngủ quên mà họ bỏ mình lại đó.”
Nói xong chị kê người nằm chung ván với chúng tôi, đầu ngược lại. Tôi thường ngủ say khi nghe những tiếng khò khò của Tinô bên tai nhưng lúc đó vì tôi quá lo cho chuyến đi, nằm ở chỗ lạ và bị bọ chét biển cắn liên hồi nên không thể nào chợp mắt. Liên tục gãi những chỗ bị cắn chích trong người, tôi lo lắng cho Tinô lắm nhưng không thể nào kiểm được xem nó có bị tình trạng như mình không.
Khoảng nửa đêm, khi người đàn bà trẻ trong căn nhà đáp lại tiếng gọi nho nhỏ ngoài tấm liếp, chị Phú vùng dậy gọi tôi ngay “Mau lên Lan! Đừng để bị mất dấu!” Nói xong chị kêu ba đứa con chị Hạnh đi theo. Những đứa con chị Hạnh có lẽ cũng bị bọ chét biển cắn không ngủ được nên vừa nghe kêu là dậy ngay trong tích tắc. Trong khi chúng tôi sẵn sàng, người đàn bà trẻ trong nhà lật đật chào mẹ rồi ôm theo đứa nhỏ khoảng hai tuổi chạy ra trước nhà. Người báo tin cũng là đàn bà trẻ và cũng kè theo bên nách một đứa nhỏ cỡ tuổi với đứa con người đàn bà trẻ trong nhà, thì thầm bảo chúng tôi đi theo trong im lặng.  
 Chúng tôi bước nhanh theo họ xuyên qua những con hẻm loằn ngoằn và vắng tanh. Len lỏi giữa những căn nhà tôn chi chít một lúc chúng tôi đi đến những căn nhà sàn thưa thớt gần sát biển. Tại đây chúng tôi phải đứng im dưới những cây cột dưới nhà sàn để núp vì có tiếng chó sủa vang to gần đó. Nhìn hai người đàn bà xăn quần đến tận háng, chị Phú kêu mấy đứa nhỏ bắt chước làm theo. Tôi đã ngồi bệt xuống cát vừa đỡ Tinô đang nằm dài trên cánh tay vừa cố gắng xăn hai ống quần chặt trên bắp vế. Khi tiếng sủa dịu đi chút ít, hai người đàn bà trẻ ẵm hai đứa nhỏ chạy lom khom ra biển. Vội vã, chúng tôi cũng khom lưng chạy theo, bám sát, không rời. Không ai nói ai lời nào, cả nhóm chúng tôi âm thầm chạy xuyên qua các cọc phơi lưới và vài chiếc ghe đậu trên bãi cát rồi cùng hướng về phía hai chiếc ghe thúng đang bồng bềnh đưa người ra ghe lớn.  Hai người đàn bà hối hả réo tên hai người thanh niên đang chèo hai chiếc ghe thúng trong khi lội rất nhanh ra biển. Là dân biển đích thực cho nên bất kể nước cao, sóng lớn thể nào, chân trần của họ đạp nước như đi trên mặt đất. Bắt chước họ, chị Phú và tôi bỏ dép trên bờ cát ướt, lõm bõm đạp nước bám theo ráo riết. Chúng tôi, dù đã cố gắng hết sức vẫn là những người đi sau vì chị Phú phải chăm Hoan, đứa con trai Út của chị Hạnh và tôi còn phải ké né tránh những đợt sóng lớn vì sợ Tinô bị ướt. Hai người đàn bà trẻ tiếp tục lội ra xa trong khi vẫy tay gọi hai người lái ghe rối rít.
Trong lúc lái hai chiếc thúng tiến về phía của họ, hai người thanh niên nói vọng về phía chúng tôi:
“Các chị phải chờ đến phiên vì mấy chiếc ghe nhỏ này không thể chở tất cả cùng một lúc.”
Tiếp tục dắt ba đứa nhỏ lội đến sát hai chiếc ghe, chị Phú cứng cỏi trả lời:
“Vậy thì mấy anh phải chở mấy đứa nhỏ này trước. Tụi nó là con của chị Hạnh. Má nó đã trả tiền mua hẳn chiếc ghe và lo tất cả chi phí cho chuyến đi này, cho nên không thể bỏ chúng lại hay để chúng đi sau được.”
“Tụi em không bỏ ai lại hết cả. Nhưng ai cũng đòi đi trước thì làm sao chở hết được?”
“Mấy anh phải chở người có chi phần đi trước chứ đừng có dựa vào sự quen biết mà chở những người 'đi hôi'. Để chúng tôi ở lại chờ, lỡ bị công an phát hiện ghe các anh bỏ chúng tôi chạy luôn hả?”
Trong khi cuộc tranh cãi chưa được ngã ngũ ra sao, người đàn bà trẻ đến báo tin cho chúng tôi đã ôm con thót ngay lên một chiếc ghe và được đưa ngay ra khơi bởi sức đẩy của người thanh niên bơi đàng sau. Người thanh niên đang tranh cãi với chị Phú phải điều đình với người đàn bà trẻ cho chúng tôi tá túc chờ đến phiên rồi giúp ba đứa nhỏ con chị Hạnh leo lên ghe. Giống như chiếc ghe trước, người lái này chỉ dùng sức đẩy chiếc ghe thúng khi bơi sau chúng chứ không ngồi hay đứng chèo với cái dầm như khi họ lái vào bờ.
Từ xóm chài, tiếng chó sủa vẫn tiếp tục vang lên dữ dội khiến chúng tôi, những người còn ở lại, nôn nóng lội nước ra xa hơn. Chỉ được thêm một vài bước chúng tôi phải dừng lại một chỗ để nhón người cao lên vì nước biển đã chấm đến ngực và vì có quá nhiều cơn sóng lớn đang tấp vào bờ. Tưởng phải ngâm trong lòng nước đen lạnh và đối phó với những cơn sóng lâu lắm, chỉ phút chốc chúng tôi đều mừng rỡ khi thấy cả hai chiếc ghe thúng quay trở lại. Hai người thanh niên chia cho hai mẹ con người đàn bà trẻ cho chúng tôi tá túc lên một ghe còn tôi và chị Phú lên cùng một ghe. Người thanh niên được phân chở chị Phú và mẹ con tôi  có dáng người cao gầy và cử chỉ rất nhanh nhẹn. Sau khi leo ra khỏi chiếc thúng và nắm bên vành nghiêng xuống một bên, anh hối chúng tôi leo vào. Dù cố gắng trèo lên ghe thật nhanh, chúng tôi khá vất vả với sự chập chênh của chiếc thúng trên những cơn sóng tấp ngược. Một hồi sau chị Phú trèo lên trước, giúp tôi ôm Tinô để tôi leo vào theo. Vào được trong lòng ghe, tôi đón Tinô lại, ôm nó vào lòng và xoay người ngồi đối diện với chị Phú, cốt để giữ chiếc thúng thăng bằng. Người thanh niên chờ chúng tôi vào cả trong ghe, đẩy nó thật mạnh về phía trước rồi bơi theo sau. Anh phải dùng sức rất nhiều trong lúc vừa bơi vừa đẩy chiếc ghe chúng tôi vượt qua những ngọn sóng ồ ạt và liên tiếp. Để ngăn chiếc thúng tròn khỏi bị đổ nhào và dìm chìm bởi vô số đợt sóng tới tấp, người thanh niên không hề rời tay khỏi khoảnh vành thúng khi bơi. Anh đã không ngừng trườn người về phía trước để ra sức đẩy chiếc thúng vượt qua các ngọn sóng tấp ngược trong lúc đạp nước về phía sau.
Tinô thức dậy ngóc đầu nhìn quanh sau những lần bị chuyền sang đưa lại. Cố tình không để nó thấy những cơn sóng đang dập dềnh xung quanh vành ghe, tôi ghì đầu nó vào bên ngực phải và ra sức ru nó ngủ lại. Tôi, chẳng dỗ dành được bao nhiêu câu, đã phải há hốc vì trông thấy một ngọn sóng lớn đang chuẩn bị tạt nước chiếc ghe thúng của chúng tôi. Người thanh niên có lẽ đoán được hướng đi của ngọn sóng, ấn mạnh vành thúng nơi tay nắm xuống trong tư thế sẵn sàng. Vì lòng thúng trở thành một khoảnh tròn thẳng đứng nên chị Phú và tôi đều bị trượt xuống mạn thuyền, chập chênh như sắp rơi xuống biển. Người thanh niên, không để tâm xem chúng tôi thể nào, chờ đầu ngọn sóng vừa ập xuống là đẩy chiếc ghe thúng bơi vượt qua. Khi đáy thúng rớt mạnh trên mặt nước biển, chị Phú và tôi lăn cù từ mạn vành vào lòng ghe. Chưa hoàn hồn, chúng tôi bị tuột xuống trở lại mạn vành vì cái dựng đứng của chiếc ghe thúng. Vẫn như lần đầu, người thanh niên ấn một bên vành ghe xuống đón đầu sóng để tiếp tục vượt qua. Lần này, vì ngọn sóng cao hơn lần trước và vì người thanh niên chếch chiếc ghe hơi nghiêng về sau nên cả Tinô và tôi đều ở tư thế sắp bật ngược ra đằng sau. Hốt hoảng, tôi bíu Tinô chặt vào lòng, rồi ép người mình sát vào đáy thúng đang ở thế dựng đứng, hét to:
“Phật bà Quan Thế Âm ơi cứu con của con với!”
Hốt hoảng, chị Phú vừa xua tay vừa ta thán:
“Lan ơi là Lan! Lan la kiểu này là Lan giúp cho công an bắt cả bọn mình đó!”
Tôi không hề đáp lại cũng như không quan tâm chút nào đến lời trách móc của chị bởi chưa hoàn hồn với ý nghĩ Tinô rớt xuống biển vì ngọn sóng cao úp ngược. Run lẩy bẩy, tôi ôm chặt nó vào lòng hơn rồi tiếp tục cầu xin trời phật ban phước lành. Người thanh niên không nói không rằng, bình tĩnh lèo lái chiếc ghe vượt qua những đợt sóng cao còn lại và tiếp tục đưa chúng tôi ra khỏi vùng có nhiều ngọn sóng. Tôi cảm thấy an tâm hơn vì chiếc ghe đã vượt qua hẳn vùng có nhiều sóng và đang an bình lướt êm trên mặt biển; tuy nhiên, tôi đã phải chịu đựng tiếng khóc la dữ dội của Tinô và những tiếng kêu trời của chị Phú. Chị Phú than vãn liên hồi rằng:
“Trời ơi là trời! Đi với hai mẹ con hai người này trước sau cũng bị đi tù. Lan có làm ơn dỗ nó nín ngay đi không! Làm cho nó nín ngay chớ đồn công an ở ngay đàng kia kìa!”
Theo cái chỉ tay của chị, tôi quay đầu nhìn lại làng chài. Một điếm canh cao nghều và chênh lệch khá lớn với những chiếc nhà lụp xụp bên dưới, chắc hẳn phải có vài người du kích hay công an canh phòng Duyên Hải ở đó. Tôi không biết họ có nghe tiếng chó sủa, tiếng la tiếng khóc của mẹ con tôi không nhưng tôi không còn lo lắng nữa vì chiếc ghe thúng cách ra xa bờ khá nhiều.