Chương Mười Sáu

Sau hai mươi giờ dập dềnh ngoài khơi để chờ cập bến, tàu dầu Đan Mạch đã đưa chúng tôi vào cảng Misushima của Nhật lúc rạng sáng ngày 11 tháng 4 năm 1989. Khoảng mười giờ sáng, các viên chức của trại tị nạn Omura đã đến thẩm vấn, điều tra và làm đơn cho chúng tôi ngay ở trên tàu. Vì họ làm việc quá cẩn thận và tỉ mỉ cho nên mãi đến chín giờ tối cả nhóm người chúng tôi mới hoàn tất mọi thủ tục. Điều này dường như làm cho thủy thủ đoàn bất bình nên họ thường trao cho chúng tôi những cái lắc đầu chán chường hay những cái nhún vai tỏ vẻ không hài lòng khi đi ngang chỗ chờ đợi của chúng tôi. Thực ra, các nhân viên Nhật không những bận rộn với chuyện làm hồ sơ, đơn từ mà còn lo cấp phát cho chúng tôi thức ăn, áo quần và giầy vớ. Ngoài chuyện mất nhiều thì giờ vì ngôn ngữ bất đồng trong lúc điền đơn họ còn bỏ nhiều thời gian để kiểm tra kích cỡ của từng món đồ trong các thùng giấy cứng trước khi trao cho chúng tôi. Khi mặc bộ đồ đúng kích, tôi nhớ đến ngày anh Thảo đến từng phòng lấy số đo của từng người theo yêu cầu của ông thuyền trưởng. Lúc đó, anh nói là ông thuyền trưởng đã liên lạc với sở di trú Nhật và thông báo cho họ tình trạng của chúng tôi. Cũng nhờ ông quan tâm như thế mà các nhân viên Nhật đã chuẩn bị chu đáo trước khi đến đón chúng tôi. Thay những bộ đồ đồng phục dài tay màu xám nhạt xong, chúng tôi phải tập họp lại thành nhóm để chuẩn bị lên đường ngay. Chúng tôi cố gắng tìm gặp những người ân của mình, lúc này đang bận rộn với phần việc của họ, để chào từ giã. Thuyền trưởng và vài nhân viên của ông tiễn chúng tôi tận thang tàu. Nhìn chúng tôi khóc khi nói “Tạm biệt” và “Cảm ơn”, họ cũng đỏ mắt theo. Bước khỏi thang tàu, và đến tận xe buýt rồi mà chúng tôi vẫn còn ngoảnh đầu lại khóc sướt mướt. Từ lúc trốn khỏi nước, ngoài sự sợ hãi của cuộc vượt thoát, chúng tôi chẳng hề có ý niệm nào về cảnh bịn rịn chia tay như thế. Cho nên, hình ảnh những người đứng trên boong nhìn theo bước chân rời của chúng tôi chẳng khác nào thân bằng quyến thuộc lưu luyến tình cảnh trong phút chia lìa. Khi chia tay, chúng tôi không những mang theo hình ảnh của họ mà còn cả tấm lòng nhân ái của họ. Tôi biết chắc rằng không một ai trong chúng tôi có thể nào quên sự chăm sóc tận tình và ân cần của họ. Trên xe buýt, chúng tôi đã luôn miệng nhắc nhở đến những cử chỉ và việc làm của những vị ân nhân của mình rồi cùng công nhận họ đã đối xử với chúng tôi hết sức công bằng và đầy tình người. Cũng vì tình yêu thương đồng loại, họ đã chẳng hề màng đến chuyện chúng tôi thuộc thành phần nào hay đã có lý lịch trong quá khứ ra sao trong lúc chia sẻ áo quần và lương thực trong những ngày cưu mang chúng tôi  trên tàu. Sau một hồi bàn tán, chúng tôi đã cùng hứa với nhau là sẽ tìm cách định cư tại Đan Mạch để có dịp liên lạc và thăm viếng thuyền trưởng cùng những nhân viên của ông. Qua lời đối thoại của chồng tôi và anh Thảo, tôi nhẩm bẩm tên Olesen của thuyền trưởng và tên Maersk của tàu dầu Đan Mạch. Tôi nghĩ là mình sẽ không bao giờ quên mười chín trái tim đầy nhân ái và mười ngày sống trong tình nhân loại kể từ ngày 2 tháng 4 đến ngày 11 tháng 4 năm1989.
Xe buýt đi thêm vài giờ, chúng tôi lóa mắt với những ngọn đèn, những tòa cao ốc và những chiếc cầu đồ sộ. Tôi cảm thấy vui và hãnh diện vì được đặt chân trên một nước tiên tiến nhất của châu Á mà tôi luôn luôn ngưỡng mộ. Trước năm 1975, tôi từng hâm mộ Nhật và khâm phục tinh thần cầu tiến của dân tộc nước này qua những bài học sử thế giới, nay được chiêm nghiệm thực tế chẳng gì sung sướng hơn. Tôi đã biết là nhờ phong trào Minh Trị Duy Tân và những cải cách tiến bộ về chính trị, kinh tế và xã hội sau chiến tranh thế giới thứ hai, dân tộc Nhật đã đưa đất nước của họ từ chế độ phong kiến đến công nghiệp hóa phát triển, từ kinh tế lạm phát, thiếu thốn sau năm 1945 đến ổn định và phát triển. Chính nhờ nền công nghiệp thành đạt vượt mức, họ đã có nhiều cơ sở thương mại nổi tiếng trên thị trường thế giới, vượt hơn cả nhiều nước Tây Phương.Trăm nghe không bằng mắt thấy, thực tế của những chiếc cầu to cao  và chắc chắn bắt qua những đảo nhỏ đã củng cố thêm sự hâm mộ của tôi đối với nước này.Vì biết Nhật là một quần đảo thường có động đất, nay chứng kiến sự khắc phục điều kiện khó khăn của tự nhiên của người dân Nhật trong lúc phát triển nền kinh tế của đất nước họ, tôi càng khâm phục người Nhật nhiều hơn. “Phải chăng vì những người lãnh đạo của nước Nhật đi theo con đường dân chủ nên đất nước họ trở thành một nước giàu mạnh nhất châu Á? Phải chăng sự phát triển hay suy tàn của một đất nước tùy thuộc vào những người lãnh đạo và chế độ hiện hành của đất nước ấy?” Tôi đã tự hỏi như thế khi nghĩ đến sự giàu có của nước người, rồi cảm thấy buồn vì không biết đến bao giờ nước tôi mới được giàu có như vậy. Sau một hồi suy nghĩ, tôi cảm thấy quá ngờ nghệch khi nhớ ra rằng mình đã bận tâm với những điều mơ hồ và xa xôi trong lúc không còn tổ quốc. Với thân phận người tị nạn như hiện tại, ước vọng của tôi chỉ còn dựa vào lòng thương của những người khác nước để được một nơi định cư. Tôi chắc chắn rằng khi được định cư, vợ chồng chúng tôi vừa có cơ hội làm việc nuôi cho Tinô ăn học thành tài trong lúc đời sống của chúng tôi sẽ được tôn trọng một cách bình đẳng và tuyệt đối chẳng khác gì người dân bản xứ. Tôi bỗng nhớ đến nhà máy sợi Nha Trang do người Nhật làm chủ ở gần đèo Rù Rì. Nhà máy này có rất nhiều người trong thành phố biển Nha Trang làm công. Mỉa mai thay, người Việt Nam trong nước đang làm trong hãng Nhật tại Việt Nam còn tôi là người Việt Nam phải vượt qua bao nhiêu khó khăn hiểm nghèo để đến nước Nhật rồi cũng làm cho hãng Nhật, nếu gia đình chúng tôi phải định cư tại đây. Nếu chuyện xảy ra như thế, sẽ có gì khác biệt giữa tôi và những công nhân viên Việt Nam đang làm cho Nhật ở trong nước? Phải chăng tôi đã dùng tính mạng của con mình, bản thân mình chỉ vì để đánh cuộc trong chuyện kiếm việc làm ở xứ người. Mặc dù tôi vượt biển không phải vì lý do chính trị nhưng không thể qui bởi lý do kinh tế. Sự tự do và quyền làm người được tôn trọng một cách bình đẳng và tuyệt đối là những cái mà tôi muốn có cho toàn thể gia đình tôi và bản thân khi tôi quyết định đem Tinô ra đi. Chính lúc ấy, tôi mới hiểu rõ ràng hơn về ước muốn trong tiềm thức của mình. Sau bao nhiêu năm tháng sống cơ cực cả vật chất lẫn tinh thần, ước muốn này đã tiềm ẩn và khắc sâu vào trong tâm hồn tôi một cách sâu đậm và là động lực chính thôi thúc cho quyết định ra đi của tôi. Giờ đây ước mơ của tôi đã thành sự thật và tôi không còn gì sung sướng hơn khi được ở trên thiên đường của xứ tự do.
Chúng tôi đã đến trại Omura vào lúc tám giờ sáng ngày 12 tháng 4 năm 1989. Đây là trại tạm cư và chuyển tiếp cho những người tị nạn mới đến hoặc chuẩn bị đi các nước khác. Lúc chúng tôi đến, trại này chỉ mới có sáu m??i tám người; tính thêm chúng tôi, trại chỉ được chín m??i chín người. Là trại ít người nhất các trại tị nạn trong khu vực Thái Bình Dương nhưng nếu không có nhóm chúng tôi và nhóm người vào trước chúng tôi nửa tháng, thì lượng người của trại chẳng bao giờ gia tăng thêm bởi Nhật không phải là bến mà các thuyền vượt biển của người Việt chúng tôi nhắm đến và rất hiếm trường hợp ghe vượt biển Việt Nam được tàu vớt về đây. Nhóm người đến trước chúng tôi hai tuần chính là những người sống sót trong chuyến ghe bị lật úp bởi tàu Nhật mà chúng tôi nghe mọi người trong thành phố Nha Trang kháo nhau sau khi nghe lén đài BBC. Những người này, sau khi thăm hỏi chúng tôi, đã trút tất cả những thống khổ mà họ đã trải qua trong cuộc vượt biển bất hạnh của họ qua những lời tường thuật. Ghe của họ xuất phát tại Long An, gồm khoảng một trăm bảy mươi hai người, toàn dân Sài Gòn. Sau những ngày bị nhiều chiếc tàu lãnh đạm từ chối, họ đã được thuyền trưởng tàu Nhật hứa cứu sau khi ông ta được lệnh chấp thuận của cấp trên. Không may cho họ là trong lúc chờ vớt, ghe họ bị sóng lớn đánh bạt vào hông tàu Nhật và lật úp. Vì không có một biện pháp cấp thời nào cho sự c? bất ngờ trong lúc chờ lệnh của thượng cấp nên gần hai tiếng đồng hồ sau thuyền trưởng của tàu Nhật mới ra lệnh cho thả ca nô và phao xuống cứu. Rất nhiều người chết chìm vì không có vật gì bám víu để giữ nổi trên mặt nước. Có gia đình đi chín người nay chỉ còn lại hai người. Có gia đình đi cả hai vợ chồng con cái, con chết chỉ còn mỗi hai vợ chồng chơ vơ. Có một đứa nhỏ mười bốn tuổi đi với cả gia đình cha mẹ anh chị em mà chỉ còn mỗi mình nó sống sót. Nó kể là nó phải bơi đứng khoảng một tiếng, sau đó nhờ vớ được tấm ván nên bơi thêm một tiếng nữa mới được vớt lên. Số người sống sót được nhờ bám vào những mảnh ván, thùng nhựa hay biết bơi và còn sức để bơi. Sau khi thuật lại chuyến đi của mình, và nghe kể về chuyến đi của chúng tôi, họ nghẹn ngào tiếc thương cho tình trạng đáng tiếc xảy ra cho ghe của mình và luôn miệng nói chiếc ghe của chúng tôi quá may mắn. Một người đàn bà òa khóc và nức nở rằng ghe của bà lớn hơn ghe của chúng tôi, con của bà lớn hơn những đứa trẻ trong chuyến đi của chúng tôi vậy mà nó không thể sống được. Nghe bà than khóc trong khi nhìn những đứa nhỏ trong chuyến đi của mình đang đứng quanh quẩn gần đó, tôi thực sự cảm thấy rằng nhóm chúng tôi được ơn hồng của thượng đế. Để thực hiện lời nguyện với trời phật, tôi quyết mượn cho bằng được vật dụng cạo đầu. Biết được ý định của tôi, nhiều người trong chuyến ghe tôi đã hưởng ứng và chia nhau tìm dùm. Sau khi lân la đến các phòng của những người Việt ở lâu trong trại để thăm hỏi, ba người thanh niên phụ lái đã mượn được một chiếc kéo và một chiếc tông đơ chạy bằng pin. Chúng tôi hò nhau ra sân cỏ, ngồi quanh chiếc ghế để chờ đến phiên cạo đầu. Luân, được ủy nhiệm cho việc làm này, đã than là không biết đời nó sẽ ra sao sau khi xuống tóc cho mười lăm người như thế. Sáng hôm sau, chúng tôi ngạc nhiên vì nhân viên trại cho tập trung ở sân cỏ nơi có đặt một cái ghế ngay nơi mà chúng tôi đặt ghế để cạo đầu trong ngày hôm trước. Trong khi chúng tôi hoang mang lo sợ vì đã phạm luật nào đó do sơ xuất, hai nhân viên người Nhật và một người thông dịch Việt sững sờ ngạc nhiên không kém chúng tôi. Sau một hồi xì xào bàn tán, người thông dịch cho biết là nhân viên trại định xịt thuốc diệt chí cho chúng tôi nhưng vì nhiều người trong nhóm đã cạo hết tóc nên chỉ có những người còn tóc mới phải nhận phục vụ này. Chúng tôi, những người đầu trọc, được giải tán nhưng không tản hàng, lảng vảng đứng ngồi quanh quẩn để chứng kiến việc mình không được dự phần. Mười sáu người còn có tóc như anh Thảo, chị Phú, Thiện, Luân, chồng tôi, Tinô, ba đứa con của chị Hạnh, vài ba đứa trẻ và Tèo người đã cạo đầu nhưng còn để tóc chỏm như chú tiểu lần lượt ngồi xuống ghế mặc áo choàng để nhận những làn thuốc xịt màu trắng trên đầu. Ngày tiếp theo đó là ngày toàn nhóm chúng tôi được chở ra ngoài bệnh viện để khám sức khỏe và là ngày mà các cô gái trẻ trong nhóm khóc lóc thảm thiết vì tin đồn là phải trần truồng trước ông bác sĩ và hai người thông dịch cũng là đàn ông. Tại phòng chờ, trong khi các cô gái nhỏ than thở với nhau là: “Khám bệnh kiểu gì mà tuột cả áo quần lẫn đồ lót! Chồng chưa thấy người lạ đã thấy trước rồi!” thì anh Thảo cằn nhằn “Không biết mấy cô này nghĩ thế nào mà khóc lóc ầm ĩ như vậy! Đến nước văn minh rồi mà còn tính toán chuyện đâu đâu. Phận sự của người ta như thế họ phải làm thôi! Thấm béo gì mà nhìn các cô chứ!” Tôi thông cảm cho những cô gái chưa chồng này vì chính mình, đã là đàn bà, không cảm thấy tự nhiên chút nào với chuyện trần như nhộng trước những người đàn ông lạ. Tuy nhiên, hiểu rằng lý lịch sức khỏe của mình cần thiết cho những người chẳng biết quá khứ mình ra sao nên tôi im lặng tuân theo chứ không bàn cãi gì trước lời phàn nàn của anh Thảo. Thực tế không tệ hại như lời đồn đãi khi người thông dịch nghiêm trang giải thích là bác sĩ cần khám xét kỹ để lỡ có một chứng bệnh nào được phát hiện, bệnh nhân sẽ được điều trị cấp thời cho đến khi khỏi hẳn. Hai ngày sau, chúng tôi được kết quả là chẳng ai bị chứng bệnh nào ngoài chuyện mấy đứa trẻ đều bị sán lãi.
Chúng tôi thường nghe điều lệ và các thông báo mới của trại trong các buổi họp tại nhà ăn. Điều nghiêm cấm được nhắc đi nhắc lại là sự trốn ra khỏi trại, cho dù chỉ lang thang đi chơi rồi trở về. Mỗi lần nghe nói đến điều luật này, những người ở lâu thường thì thầm cho chúng tôi biết là ban đêm thỉnh thoảng họ chui rào ra ngoài để mua sắm hay đến bãi rác để kiếm các vật dụng phế thải. Họ đến bãi rác lớn của phi trường gần trại nơi mà họ đã nhặt được các vật dụng như xoong nồi, chén??a, bàn ủi, cát sét... và cả ti vi còn mới tinh.
“Rác của người nhưng là của quý của mình.”
  Một người đã nói thế khi anh kể chuyện nấu ăn thêm tại phòng anh. Anh giải thích là vào những đêm đông lạnh đàn ông trong trại thường hay bị đói. Do bữa cơm tối của trại cấp vào lúc bốn giờ rưỡi chiều, nên khoảng bảy giờ tối là họ đã đói ngay. Để chống lại những cơn đói về đêm và sự thèm nhớ những món ăn Việt, họ đã tìm cách nấu ăn thêm tại phòng ở. Nhờ trại cấp cho người lớn một trăm yên mỗi tuần và sự kiểm soát của nhân viên trại vào những ngày đông lạnh thiếu chặt chẽ nên họ thường chung tiền với nhau lại, rồi luồn ra khỏi rào trại để mua thức ăn về nấu nướng. Tôi không quan tâm về chuyện đói bụng ban đêm mà chỉ tò mò về chuyện tuyết rơi trong mùa đông nên háo hức hỏi hai người ngồi cạnh trong buổi họp chừng nào mới đến mùa đông. Một người nói là còn lâu lắm vì mùa đông vừa mới qua và giờ Omura đang ở cuối mùa xuân. 
“Cuối xuân? Sắp đến hè rồi mà còn lạnh dữ vậy sao?”
  Lời cảm thán của tôi vừa thốt ra bị chỉnh ngay bởi người thông dịch:
“Trời nóng như vầy mà chị than lạnh thì làm sao chị chịu nổi khí hậu mùa đông ở đây?”
 Tôi chưa kịp trả lời, người thanh niên ngồi cạnh tôi đáp thay:
“Đối với chúng tôi, mùa nào ở đây cũng lạnh hết cả anh ơi!”
 Lặng yên với hàm ý sâu xa trong lời nói này, tôi cảm thấy thông cảm cho cái lạnh trong tâm hồn của những người tị nạn sống lâu ở đây. Có lẽ cũng vì nhớ quê hương, nhớ thân bằng quyến thuộc và những người đã chết biển mà cái lạnh kéo dài triền miên trong tâm hồn của họ. Chính vì điều này đã khiến họ tìm đến nhau để chia sẻ nỗi buồn đau và cay đắng. Sự mất mát và cô đơn đã khiến họ quây quần với những công việc như nấu một món ăn Việt, nghe một băng nhạc Việt hay chia cho nhau những món quà nhận được từ những thân nhân đã được định cư ở các nước Mỹ, Pháp, Úc, Canada hay ngay tại Nhật.
  Là “lính mới” trong trại tị nạn, nhóm chúng tôi không hề dám vi phạm một điều lệ nào của trại. Ngoài ba buổi gặp nhau tại phòng ăn, những người trong nhóm chúng tôi thường dự các lớp học tiếng Nhật và tiếng Anh vào buổi sáng hay tụ tập ở sân chơi vào lúc chiều tối. Tôi đã được đến lớp học tiếng Nhật vài lần nhờ Hoàng Kim Hằng, cô gái đang chuẩn bị đi Pháp theo diện hôn phu, đưa Tinô về phòng trông coi dùm. Trong lớp học đầu tiên, tôi chẳng hiểu mô tê gì vì thầy giáo đứng tuổi nói toàn tiếng Nhật và không có thông dịch. Sau khi chào chúng tôi, ông bỏ sách vở trên bàn, rồi kêu từng người đứng trước lớp chỉ cách chào của người Nhật. Lối đứng nghiêm, tay thẳng, đầu cúi, người gập, lưng giữ ở góc chín mươi độ của cách chào khiến tôi hiểu rằng Omura thuộc vùng thôn quê và nghi thức tôn sư trọng đạo phải được thể hiện một cách đúng đắn và rõ ràng. Lần đó tôi chỉ học được cách chào của người Nhật và những từ cơ bản trong giao tiếp hàng ngày như: Hai (vâng), arigato (Cảm ơn) và kư đa sai (Xin vui lòng). Trong những giờ học sau, tôi chỉ học thêm được vài chữ như: sensei (thầy giáo), seito (học trò), desuka (nào?), donate (ai) và desu (là). Dù chưa biết mình sẽ dịnh cư ở nước nào, tôi vẫn mượn vở của những người ở trại trước mình để tự học. Tuy nhiên, mỗi lần tập viết chữ Candi, loại chữ nhà tầng như chữ Hán, tôi ao ước được định cư ở những nước có những loại chữ viết La Tinh giống chữ cái của Việt Nam. Ước muốn này tùy vào sự xác định tính cách tị nạn bởi bộ phận Cao Ủy Quốc tế tị Nạn Liên Hiệp Quốc tại Nhật khi tôi được chuyển đến Tokyo.