Chương Mười Bảy

Ngày 14 tháng 5 năm 1989 xe buýt đưa nhóm chúng tôi đến trại Kokusai Kuyen thuộc quận Shinagawa của Tokyo. Là trại lớn nhất của Nhật, Kokusai Kuyen có khoảng một trăm sáu mươi bốn người tị nạn Việt Nam. Phần lớn những người tị nạn này là những người ở lâu trong trại, không đủ tư cách để đi định cư các nước khác, không muốn định cự tại Nhật và đang chờ đi định cư các nước khác theo diện bảo lãnh của thân nhân. Do được trại thông báo trước, nhiều người trong trại và vài người Việt đã định cư tại Nhật chờ đón chúng tôi ở sân trại vào ngày chủ nhật hôm ấy. Bước xuống xe, đi giữa vòng người, giữa ngôn ngữ Việt thương yêu, tôi cảm tưởng như mình trở lại quê nhà sau chuyến du hành xa. Bồi hồi xúc động khi đi ngang những đôi mắt kiếm tìm trong khao khát, tôi chợt nghe những giọng nói đầy tinh nghịch vang lên:
“Toàn là sư cụ và sư cô không hà!”
“Chuyến đi của mấy người này chắc 'chằng' dữ lắm nên họ mới cạo đầu nhiều như vậy. Cả thằng bé kia cũng bị húi trọc lóc.”
“Phái Thiếu Lâm Tự bà con à!”
Vòng người bàn tán xôn xao khi dồn mắt nhìn chúng tôi, những người đầu trọc, và chăm chú cái đầu láng bóng của Vương, con của người đàn bà trẻ tên Vô, còn tôi thì ngơ ngác với những chữ mà họ đang dùng. Một lúc sau, tôi mới nhớ ra phái Thiếu Lâm Tự là một môn phái võ lâm của Trung Hoa thường có trong sách của Kim Dung và những phim kiếm hiệp mà tôi đã được đọc và xem qua trước năm 1975. Lòng tôi reo vui với ý nghĩ là mình sẽ được đọc và xem lại những loại sách và phim mà sau năm 1975 bị coi là văn hóa phản động và đồi trụy. Điều thú vị nhất trong hôm ấy là Liên, người đàn bà trẻ cho chúng tôi tá túc trước khi vượt biên gặp lại chồng của cô ta, người vượt biên trước cô hai năm, được tàu Nhật vớt và đã định cư tại Nhật. Sự trùng phùng của họ thật là hi hữu và cảm động chẳng khác nào phim truyện. Tôi chợt nhớ đến những đốm sáng lập lòe của những cây nhang và mùi thơm của nó khi mẹ của Liên thắp trên bàn thờ phật bà Quan Âm trước lúc chúng tôi rời nhà của cô ta. Chắc hẳn bà rất đỗi sung sướng khi biết tin này và càng tin tưởng hơn về sự phù hộ của ơn trên. Nghĩ như vậy, tôi cảm thấy vui vui.
  Chúng tôi đã được nhân viên trại đưa đến phòng sinh hoạt để nghe nói sơ về lịch làm việc và nhận đồ dùng, rồi được đưa về các phòng ở. Các phòng dành cho chúng tôi là những phòng trống được sử dụng bởi những người đã đi định cư hay những phòng còn mới toanh. Gia đình tôi được ở trong phòng chưa hề có người ở qua nhưng cạnh những phòng đã có người. Kích thước và cấu trúc của các phòng hoàn toàn giống nhau. Rộng khoảng mười lăm mét vuông, phòng nào cũng có nền đất trống hẹp bằng xi măng ở gần cửa ra vào dành cho chỗ để giày dép, có sàn lót chiếu cao hơn chỗ để giày khoảng ba tấc, và bốn ngăn hộc lớn với bốn cánh cửa kéo ra vô. Các hộc lớn này có thể sử dụng như hộc giường để ngủ, tủ đựng áo quần, vật dụng hay chỗ để núp khi có động đất. Theo sự sắp xếp và cấu tạo của loại phòng như thế, chúng tôi đã dung hòa ngay với tập tục của người Nhật là khi bước vào phòng phải bỏ dép ngay trước cửa, đi chân trần trên mặt chiếu, ngồi bệt trên mặt chiếu, và nằm trên tấm trải hay nệm đặt trên mặt chiếu của sàn. Theo chuyện kể của những người ở lâu trong trại, có một ông giận vợ thể nào không biết nhưng khi ông quẳng cái đĩa thì nó chem. vách xuyên qua phòng bên cạnh. Câu chuyện có lẽ được phóng đại cho tính xốp nhẹ của các vách ván còn thực tế của đặc tính này là đúng thực vì công dụng của nó nhằm để bảo đảm sự an toàn nhân mạng của chúng tôi đối với hiện tượng động đất thường xuyên xảy ra ở đây. Ngay từ trại Omura, chúng tôi đã được huấn luyện để đối phó với hiện tượng tự nhiên này. Chúng tôi đã quen với chuyện không đặt các vật nặng hay dễ vỡ ở trên cao, và đã biết cách chuẩn bị như thế nào khi thấy có động đất. Theo lý thuyết, mỗi khi chúng tôi thấy đồ vật quanh mình rung rinh và mặt đất rung chuyển khá mạnh là chúng tôi phải mở cửa ra vào để phòng khi phải chạy ra ngoài sau đó núp dưới ghế hay bàn, những vật có thể bảo vệ đầu và thân. Thực tế, mỗi khi ở tình trạng lắc lư, tôi thường cảm nhận những gì đang xảy ra quanh mình một cách trầm tĩnh. Tôi có cảm tưởng rằng mặt đất chẳng khác gì mặt biển, có lúc yên bình có lúc gầm gừ, nhưng dù sao chăng nữa, tôi không hề sợ động đất như từng sợ bão biển. Có lẽ chưa từng chứng kiến sự thịnh nộ dữ dội của mặt đất ở Nhật nên trong tiềm thức của tôi, chẳng có sự hung tợn nào hơn sự hung tợn của những ngọn sóng lớn ở đại dương.
Kokusai Kuyen không những là trại tị nạn lớn nhất của Nhật mà còn là trại có đầy đủ tiện nghi và có số lượng nhân viên rất lớn. Với các khu nhà, đường đi, cây cối, vườn hoa và sân cỏ, trại bề thế chẳng khác gì một khu chung cư qui mô trên một diện tích đất khoảng mười mẫu tây trong khu vực có rào lưới xung quanh và cổng gác. Dưới mắt tôi, trại có vẻ chia thành ba khu: khu hành chánh giáo dục, khu sinh hoạt ăn uống và khu cư ngụ vệ sinh. Trong thực tế, văn phòng, các lớp học Nhật ngữ, các lớp học về đời sống phong tục tập quán xã hội Nhật, nhà trẻ, trạm xá, phòng sinh hoạt, nhà bếp, và các dãy phòng ở của người tị nạn cận kề, liên tục và kéo dài tận hàng rào sau. Chúng nối liền nhau bằng hai dãy hành lang dài có mái che ở hai bên hông. Nhờ hai hành lang có mái che này mà chúng tôi có thể đi lại từ nơi này đến nơi khác trong trại vào những ngày có mưa hay tuyết. Ngoài hai hành lang này là đường nhựa lớn dành cho xe chạy. Con đường nhựa này kéo dài từ trạm gác của trại bọc toàn bộ khu trại song song với vòng rào lưới hình chữ nhật. Nó là nơi di chuyển của những chiếc xe ra vào trại và những chiếc xe tuần ban đêm. Các nhân viên tuần tra có thể làm việc tốt hơn nếu không có hai khu nhà chứa quần áo và dãy nhà tắm được xây song song với lưới rào. Đây là nơi nấp an toàn cho những người trốn trại trước khi leo rào ra ngoài. Người trốn trại chỉ vì mục đích dạo loanh quanh xem cảnh lạ, mua sắm hay kiếm đồ phế thải chứ không phải vì bỏ đi luôn vì đời sống khó khăn hay khổ sở trong trại. Qua tin tức và thư từ của bạn bè của chồng tôi từ các đảo, tôi tin Kokusai Kuyen là trại tối tân và đầy đủ tiện nghi nhất trong các trại tị nạn ở Thái Bình Dương. Mỗi dãy phòng ở của chúng tôi đều có phòng rửa giặt với những bồn rửa, máy giặt và máy xấy tối tân. Phòng vệ sinh rộng và ngăn nắp với những bồn rửa mặt trắng tinh và những phòng cầu sạch sẽ. Gần khu sinh hoạt tập thể có cột điện thoại công cộng có thể dùng thẻ gọi ra ngoài. Nhà bếp lớn ngay trong phòng ăn rộng rãi có rất nhiều bộ bàn ghế và cả các tủ đá bán các loại nước uống và bánh kẹo. Vì trại có nhiều phòng và nhiều khu phục vụ, số lượng nhân viên phục vụ của trại gần bằng số lượng với người tị nạn: khoảng một trăm năm mươi người. Ngoài những người lãnh đạo và quản lý trại và giáo sư dạy lớp, còn có rất nhiều nhân viên làm cho phòng y tế, nhà trẻ, ban thông dịch, nhà bếp, ban bảo vệ và vận chuyển. Trong số nhân viên trại, các giáo sư dạy Nhật Ngữ là nhóm chủ lực, kinh nghiệm và kỳ cựu. Phương pháp dạy đặc biệt của họ đã giúp cho người tị nạn Việt hiểu và nói tiếng Nhật thông thạo sau năm tháng học. Khi còn ở Omura, tôi đã nghe tiếng về tác dụng của phương pháp giảng dạy mà họ áp dụng.Đến khi vào lớp học, tôi hoàn toàn đồng ý với lời đồn và thực sự ngưỡng mộ hiệu lực của phương pháp giảng dạy tổng hợp trong lớp. Đồng thời với các bài dạy đặc biệt của mình, các giáo sư dạy tiếng Nhật còn cấp nhiều loại sách Nhật Ngữ, máy cát sét và băng học để chúng tôi tự học thêm tại phòng vào ban đêm.
Trong nhóm tôi chỉ có anh Thảo là người không phải học Nhật Ngữ. Sau cuộc phỏng vấn của Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc, anh được xét là có đủ tư cách được chính phủ Mỹ bảo lãnh nên được chuyển đến trại khác tìm việc làm trong khi chờ đợi ngày lên đường. Gia đình ông chủ ghe, có lẽ được những người quản lý trong trại lưu tâm đặc biệt, được cha xứ của một nhà thờ cử người đến rước đi sau hai tuần cư ngụ trong trại. Trước ngày họ lên đường, vợ chồng tôi có đến thăm nên được biết là họ được cấp một căn nhà riêng biệt gần nhà thờ tại một vùng nông thôn. Ông chủ ghe cho biết thêm là sau khi nhận nhà ở, vợ chồng ông sẽ được người của nhà thờ cử đến giúp làm đơn xin việc làm và giúp kiếm nhà trẻ và trường cho các con của ông. Khi chúc gia đình ông lên đường may mắn, tôi vội hỏi ông về những điều mà tôi thắc mắc từ ở dưới ghe nhưng không thể nào tự giải đáp được:
“Anh Hùng à! Khi ghe mình lạc hướng không thể chèo đến chỗ đèn sáng, em ghe tiếng rột roạt ở chỗ ván ghe nơi em tựa lưng sát vào đó. Lúc đó em không dám nhìn ra ngoài vì ghe chạy nhanh quá nhưng em thấy anh dọi đèn dọc mạn ghe chỗ ấy để thăm dò cái gì bên ngoài. Anh thấy gì lúc đó vậy anh?”
“Tui thấy lưng của con kình hay con ngư gì đó. Nó lấy lưng đẩy ghe mình đi.”
“Có phải vậy không? Em nghi rồi! Đâu phải là ghe mình vướng vào nước ròng! Ghe mình nhỏ xíu mong manh như vậy chịu sao nổi với  giòng chảy xiết của đại dương!”
Tôi reo lên gần như hét khi nói như vậy, rồi trách ông: “Vậy sao lúc đó anh không nói cho ai biết hết cả vậy? Phải chi biết vậy em cũng cố gắng nhìn ra ngoài rồi.”
“Nói để làm gì? Nội cái chuyện ghe được tàu cập đến vớt rồi mà mọi người còn tranh nhau đi rần rần, nghe nói có cá đẩy ghe cho họ rần rần tranh nhau xem cho 'ổng' lật ghe hả?”
Lời phán có lý trong cách nói điềm đạm của ông khiến tôi bật cười. Tôi đáp:
“Em nghi là phải có vật gì cạ vào ghe nên thành của nó mới có tiếng rồn rột như vậy. Hơn nữa, chiếc ghe nhỏ hư máy của mình lúc đó làm sao có thể chạy nhanh hơn lúc còn máy và buồm để vượt qua trận bão biển kinh khủng như vậy?”
Ngẫm nghĩ một lúc tôi hỏi tiếp:
“Con kình, con ngư là loại cá gì vậy anh? Cá heo hay cá voi?”
“ ñó là cá voi. Còn gọi là cá Ông hay Ông.”
“Cá voi?  Loại cá này thường đi từng đàn mà?”
“Cũng có lúc mấy ổng đi lạc một mình chớ đâu phải lúc nào cũng đi theo đàn.”
“Nhưng cá voi là loại cá lớn, nếu ghe mình mà bị nó đội lên thì phải chìm chứ? Hơn nữa em nhớ cá voi ở trong hình có nước phun ở trên đầu mà?”
“ñó chỉ là một ông kình con thôi. Ổng đỡ ghe mình lên thì làm sao cô thấy nước trên đầu ổng như trong hình? Hơn nữa lúc đó nước bắn tứ tung rồi còn đòi nước gì nữa?”
Tôi lại cười khì nghe lời nói có lý này nhưng không hiểu sao tôi chỉ tin con vật đẩy ghe chúng tôi là cá heo con chứ không phải là con cá ông con như ông nói. Những người cùng chuyến  ghe tôi thì không hề tin con cá nào giúp chiếc ghe của chúng tơi khi tôi thuật lại lời ông chủ ghe kể. Họ chỉ tin chuyến đi được may mắn là nhờ trời Phật cứu giúp và phước đức ông bà mà thôi. Còn chồng tôi thì dửng dưng với chuyện đã qua. Cuộc sống khốn khó của anh ở Việt Nam đã làm anh đã lạnh lùng chấp nhận số phận sống chết khi quyết định ra đi và hình như anh chỉ nghĩ đến chết nhiều hơn sống.
Sau khi gia đình ông chủ ghe rời trại, nhóm chúng tôi vẫn thường xuyên lui tới qua lại với nhau và lân la làm quen thêm những người ở lâu trong trại. Đến các phòng của những người ở lâu, tôi ngạc nhiên rất nhiều trước sự trưng bày đẹp mắt, gọn gàng và đầy đủ. Chẳng khác gì căn hộ, phòng nào cũng có tủ đựng ti vi, dàn máy nghe nhạc, bàn ăn, bếp nấu điện, bình thủy, xoong chảo và cả tô, chén, đĩa, ly tách. Trước phòng họ còn có các chậu rau húng, hành, rau răm và ớt. Phòng của gia đình tôi là phòng thứ tư trong dãy phòng có người ở mà trong đó phòng đầu tiên là của mẹ con cô gái độc thân, rồi đến phòng thứ hai là của đôi vợ chồng trẻ chờ định cư tại Nhật trong khi chờ người vợ sinh và phòng thứ ba là của một cặp vợ chồng có hai con nhỏ sắp đi Úc. Tiếp theo bốn phòng ở của chúng tôi là những phòng trống rồi đến nhà rửa giặt và phòng vệ sinh cuối dãy. Vì số lượng dân tị nạn trong trại quá ít so với số lượng lớn của các dãy phòng ở, rất nhiều dãy phòng trống sau lưng dãy phòng chúng tôi vẫn còn mới toanh dù đã xây lâu năm. Những buổi chiều tan học, khi nhìn dãy phòng phía sau qua màn kính của cửa sổ, tôi thường trầm ngâm nhớ đến quê nhà. Khi nỗi nhớ tràn ngập tâm hồn, tôi chợt nghĩ đến những người đơn độc và những người mất mát người thân hiện ở trong trại rồi cảm thương họ vô cùng. Tôi nghĩ là gia đình tôi may mắn đến bờ tự do cả vợ chồng con mà tôi còn nhớ nhà đến như thế, không hiểu tinh thần của những người bị mất người thân hay đơn độc còn khổ tâm đến mức nào. Phải chăng họ đã và đang tìm quên bằng nhiều phương cách khác nhau? Như tôi đây, tôi đã tìm quên nỗi nhớ nhà bằng phương cách học tiếng Nhật. Tôi đã cố gắng rất nhiều nhưng những bài tập Nhật Ngữ  không là phương cách tốt giúp tôi đè nén nỗi nhớ mình trong những ngày chủ nhật buồn lê thê và dài đằng đẵng. Chủ nhật là ngày chúng tôi không phải đến lớp học và là ngày chúng tôi được phép đi ra khỏi trại nên hai dãy hành lang và nhà bếp rất vắng vẻ. Số ở lại trong trại họp thành nhóm nấu ăn hay xem phim bộ tại một phòng nào đó của người ở lâu trong trại. Vợ chồng tôi, vì không có tiền đi xe buýt để ra ngoài, thường dắt Tinô đi trên con đường nhựa để đến khu nhà trẻ của nó để tắm nắng sáng rồi đến những khóm cây cảnh trước cổng trại nhìn người ra vào. Chúng tôi thường lảng vảng qua các lớp học vắng người hay quanh quẩn qua các dãy phòng chưa có người ở rồi về lại phòng mình. Có lúc chúng tôi đi ngang các dãy phòng của những người ở lâu trong trại nhưng không hề dừng lại hay ghé vào một phòng nào. Những lúc như thế, tiếng cười nói, tiếng ca cải lương, và tiếng hát từ những ô cửa sổ mở thường làm cho chúng tôi tăng thêm nỗi nhớ quê hương, gia đình và bà con hàng xóm. Thấu hiểu tình cảnh buồn chán của chúng tôi, cô vợ có bầu sắp sinh của căn phòng thứ hai của dãy tôi ở rủ chúng tôi đến phòng xem phim kiếm hiệp. Lắm, chồng của cô ta đã rủ chồng tôi kiếm vật dụng cho các phòng trống rỗng của chúng tôi. Sau vài đêm chồng tôi cùng Lắm dạo các chỗ chứa rác, phòng tôi có đầy các thứ chẳng khác nào các phòng cận kề.