Chương Mười Tám

Một hôm, sau buổi ăn trưa, trên đường đi đến phòng vệ sinh để xúc miệng, tôi đã chạy đến gạt cánh cửa của phòng vệ sinh được mở do một người vừa bước vào trong và đang từ từ khép lại. Sở dĩ tôi làm thế là để đở phải mắc công mở cửa và có thể trò chuyện xã giao với người nữ nào đó vừa mới bước vào trong. Thế nhưng khi vào nơi có các bồn rửa mặt, tôi đã hết sức ngạc nhiên vì không thấy một người nào. thầm nghĩ người nào đó đã quá cần kíp nên thoắt một cái đã vào phòng cầu bên trong, tôi bình tâm dọn các thứ trên cái bồn rửa mặt ngoài cùng để chải răng. Vốn không thích chải răng trong cùng một phòng nên tôi đã thực hiện động tác chà xát một cách chậm chạp trong lúc chờ người đàn bà nào đó đang ở trong phòng cầu ra khỏi phòng vệ sinh. Hơn mười phút trôi qua mà chẳng có một tiếng động nào vang lên từ hai dãy cầu tiêu tiện bên trong  nên tôi phải nghiêng đầu, ghé mắt tìm hiểu. Nhăn mặt với sáu cánh cửa cầu mở toang, tôi rủa thầm:“Không biết ai mà kỳ dữ vậy! Làm gì vội đến nỗi không kịp đóng cửa!
Dãy phòng tôi ở chỉ có bốn người đàn bà và tôi thật muốn biết ai là người ở một trong sáu phòng cầu bên trong nhưng thời gian không cho phép nên đành xúc miệng thật nhanh để về phòng chuẩn bị cho buổi học ban chiều. Dọn dẹp các thứ cá nhân để chuẩn bị ra khỏi phòng vệ sinh, lòng tôi trở nên hồ nghi. Người nào đó ở một trong sáu phòng cầu kia có thể vì quá gấp nên không đóng cửa nhưng không thể quá yên lặng đến độ không gây một tiếng động nào. Để trả lời cho thắc mắc của mình, tôi đã ngồi thụp xuống, nghiêng đầu, ghé mắt vào hai khoảng trống dưới hai dãy cầu để xem xét. Ngạc nhiên vì không hề thấy một đôi chân nào, tôi tự hỏi: “Không lẽ cô nào đó ngồi trên nắp cầu?” rồi cất tiếng hỏi lớn:
“Có ai ở trong phòng này không vậy?”
Câu hỏi được lập lại nhiều lần nhưng không có tiếng đáp lại, cho nên tôi phải đi vào trong, mở từng cánh cửa khám xét. Sau khi mở hết sáu cửa phòng cầu mà chẳng thấy ai, tôi thắc mắc không hiểu ai đã bước vào phòng vệ sinh trước tôi và người ấy đã biến đâu mất tiêu. Ra khi ra khỏi phòng vệ sinh, tôi vẫn không thể ngừng thắc mắc về bóng người để lại cánh cửa mở sau khi bước vào đó trước tôi. Suy nghĩ một hồi tôi đã vin vào sự quáng gà bất chợt của mình để giải đáp thắc mắc cho cái bóng. Và khi nghĩ đến cái cửa mở thì tôi tự giải đáp thêm là cơn gió nào đó đã đẩy cánh cửa mở ra.
 Buổi chiều sau giờ học, tôi đã trở lại phòng vệ sinh. Khi tôi nắm chốt cửa để mở, khắp thân thể của tôi trở nên lạnh toát và nổi đầy da gà. Chiếc cửa này không thể nào được đẩy hay mở bởi gió vì nó được làm bằng kim loại. Với sức nặng, nó luôn bị khép chặt và chỉ có thể mở ra khi có người vặn tay nắm mở ra. Nói cách khác, cánh cửa chỉ có thể mở và kéo ra bằng sức  người chứ không thể nào bằng một cơn gió. Phân vân trọn giờ ăn chiều, tôi hỏi Lắm:
“Trại này có ma không Lắm?”
“Gặp chuyện gì mà chị hỏi như vậy?” Lắm cười cười khi hỏi như thế và tôi kể điều mà tôi thấy cho Lắm nghe. Nghe tôi nói xong, Lắm nín cuời ngay và căn dặn tôi rằng:
“Chị đừng nói gì về chuyện này với vợ em nghe! Nó sợ ma lắm! Nó mà nghe chuyện thì chắc chắn không cho em dẫn chồng chị đi tìm đồ cũ tối nay đâu!”
Nghi ngại với lối nói nửa nạc nửa mỡ của Lắm, tôi đem chuyện hỏi Đen, người mẹ độc thân có nước da trái ngược với tên gọi, đang ở căn  đầu của dãy phòng tôi ở. Cũng như Lắm, Đen chẳng trả lời câu hỏi của tôi. Cô cho tôi bức hình Phật Bà Quan Thế Âm Bồ Tát với vài cây nhang rồi nói là nhớ thắp hương mỗi ngày. Tôi rất ấm ức vì linh cảm mọi người đang giấu mình một điều gì nhưng vẫn mang hình Bồ Tát về phòng thờ lên tường và thắp hương như Đen dặn. Hôm sau, trong giờ học tiếng Nhật, tôi đã kể cho cô giáo những gì mà thấy rồi hỏi cô có tin ma không. Ngạc nhiên thay, cô ta trả lời rằng cô tin có  ma và tin cái bóng mà tôi theo vào trong buồng vệ sinh trước tôi là một bóng ma. Tôi đã sốc khi nghe cô ta nói như vậy rồi nói với những người cùng lớp là không ngờ cô giáo của nước công nghiệp tiên tiến nhất thế giới như Nhật lại tin có ma. Bạn cùng lớp, nam lẫn nữ đều nói với tôi là:
 “Ai mà không tin ma! Đi vượt biển mà không tin ma mới là chuyện lạ! Bộ chị không nghe tiếng gào rú thê thảm củq các âm hồn chết oan ở biển hả?”
Rồi mọi người thi nhau kể chuyện linh thiêng của những người chết chìm, chết đói, và chết trôi theo ghe. Sau đó họ kể chuyện về các phim ma, những ngôi nhà ma và các oan hồn ở Hirosima va Nagasaki, hai thành phố Nhật bị bỏ bom vào năm 1945. Những câu chuyện của họ tuy hấp dẫn nhưng chẳng nhập nhằng với việc xảy ra cho tôi; vì thế, tôi tự tiếp tục tìm hiểu. Một ngày kia, bà O, người thường đến chăm sóc Việt, con trai của Đen, và Đen cùng tiết lộ với tôi rằng phòng tôi ở trước đây là nơi tẩm liệm cô Th., một cô gái dậy thì bị chết vì căn bệnh u não.
 Một ngày kia, bà O, người thường đến chăm sóc Việt, con trai của Đen, và Đen cùng tiết lộ với tôi rằng phòng tôi ở trước đây là nơi tẳm liệm cô Th., một cô gái dậy thì bị chết vì căn bệnh u não. Cô Th. chết một cách bất ngờ vì ông bác sĩ Nhật ở phòng y tế không khám kỹ căn bệnh của cô khi nghe cô khai triệu chứng chóng mặt và ói mửa. Ông không biết bệnh tình cô trầm trọng đến độ cần phải đưa ra bệnh viện chữa trị cấp thời vì ông nghĩ rằng cô có bầu như một vài cô gái trong trại thường khai những triệu chứng này trước đây. Cái chết bất ngờ của cô Th. đã khiến nhân viên trại trở tay không kịp; cho nên, những người Việt tị nạn trong trại đã đưa xác cô đến một phòng trống của các dãy phòng không có người ở để tẩm liệm cô theo lối Việt Nam trước khi đưa đi an táng. Bà O nói rằng lúc đó rất ít người tị nạn trong trại nên các gia đình chỉ ở hai dãy phòng gần nhà ăn. Mọi người quyết định tẩm liệm cô Th. ở dãy phòng xa hơn nơi họ cư ngụ. Và căn phòng họ chọn chính là căn phòng mà vợ chồng chúng tôi đang ở hiện thời. Tôi đã sững sờ sau khi nghe mọi chuyện vì tôi không hề có ý nghĩ là người tị nạn nào trong trại có thể chết trong một trại đầy đủ, tối tân, và hiện đại như trung tâm Kokusai Kuyen này.  Và vì quá kinh ngạc với chuyện hi hữu vừa được nghe, tôi đã không ngừng tự hỏi: “Có thể nào cái bóng trong phòng vệ sinh là cô gái đã chết và được liệm trong căn phòng tôi đang sống không? Có thể nào linh hồn của một người chết còn vất vưởng sau bao nhiêu năm xa rời thế gian không? Tại sao người chết này còn muốn tôi thấy sự hiện diện của cô ta? Cô làm như vậy với mục đích gì?” Tôi đã tự thuyết phục mình bằng những lập luận khoa học để xua tan ý nghĩ về chuyện ma nhưng tôi không thể nào giải thích tại sao mình không hề biết chuyện gì xảy ra cho một cô gái đã chết và được tẩm liệm trong phòng mình đang ở, lại thấy bóng của cô ta ngay lúc mười hai giờ trưa. Một thời điểm mà nếu tôi tin có ma chăng nữa, không thể nào tin được là ma có thể xuất hiện. Tôi đã trầm tư mặc tưởng thêm nhiều câu hỏi là: “Mình đã làm những gì không phải? Và vì sao cô lại chọn mình mà không phải một ai khác?
Sau hai ngày đêm suy nghĩ, tôi quyết định nói chuyện với cô Th. Tối hôm đó tôi chờ chồng tôi và con tôi ngủ rồi mở cửa ra đứng ngoài trước cửa phòng một mình. Tôi đã không hề sợ dù trời lúc đó tối đen, không khí rất lạnh lẽo và hành lang hoàn toàn vắng tanh. Tôi đã thì thầm với bóng đêm rằng:
 “Cô Th.! Tôi không biết cô là ai và tại sao cô lại muốn tôi thấy cô. Nếu cô muốn dọa tôi thì cô đã chọn không đúng người vì hồi giờ tôi chẳng làm gì nên tội để bị chọc phá. Hiện tại, tôi chỉ là một người nghèo trong trại này. Tôi chẳng có thân nhân nào ở các nước khác gửi tiền cho và cũng chẳng có ai ở ngoài trại Nhật giúp đỡ. Tiền tôi có được chỉ dùng để mua tem thư cho gia đình bạn bè, thuốc hút cho chồng tôi và bánh kẹo cho con tôi, cho nên nếu vì tôi quấy nhiễu điều gì đó mà cô đòi tôi cúng kính nhang đèn cho cô thì tôi chẳng phải là người có điều kiện đâu...”
Chưa nói hết những điều mình nghĩ, tôi đã khóc nức nở rồi mở cửa chạy vào phòng. Tôi không hiểu vì sao tôi khóc đến như vậy. Lúc đó, có lẽ cảm giác sợ đã bắt đầu lan khắp người tôi. Mà cũng có thể vì sự mặc cảm xấu xí, thua thiệt và mất mát đã giải bày phần nào trong những lời  nói mà tôi vừa tâm sự với người khuất bóng.
Tôi tưởng là sự dứt khoát của mình đối với cô Th. vào đêm tối trời hôm trước đã được thỏa thuận, trôi qua và chấm hết. Nào ngờ, những ngày sau đó, tôi có được tất cả những thứ mà tôi dùng làm cớ thoái thác với người đã chết. Hôm đó, bà O cho tôi biết là chị Thủy, cháu gái ruột của bà, mời tôi đến phòng chơi. Tôi hỏi vợ Lắm:
“Em biết chị Thủy là ai không vậy?”
“Chị Thủy là một người ở lâu trong trại, không chịu định cư tại Nhật vì chờ giấy tờ bảo lãnh từ Mỹ. Chị rất đẹp, rất giàu và giàu lòng thương người. Hôm qua chị đến thăm em và hỏi em về chị. Chị hỏi là chị vượt biển có bị chuyện gì không mà cạo đầu. Chị muốn gặp chị để giúp đỡ.” Vợ Lắm vui vẻ trả lời rồi kể thêm:
 “Theo lời của những người ở lâu trong trại, chị là con gái của sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, nhờ sắc đẹp đã chinh phục trái tim của một cán bộ Hàng hải, sau này là chồng của chị. Ông ta đã đánh cắp chiếc tàu lớn do ông làm thuyền trưởng ở thương cảng Đà Nẵng để đưa toàn bộ mẹ, vợ, con cái lẫn bà con họ hàng của cả hai bên trốn ra nước ngoài.”
Tôi không hiểu tin tức trong trại đúng bao nhiêu phần trăm sau nhiều lần truyền miệng từ người này đến người kia, nhưng tôi tin rằng một đại gia đình với ba bốn thế hệ đến nước Nhật nguyên vẹn như gia đình chị Thủy ắt phải có sự chuẩn bị chu đáo và phương tiện tối tân như lời đồn đãi. Đến phòng chị Thủy hôm đó có thêm vài người mới nhập trại khác. Đa số là những người bất hạnh trong những chuyến đi kém may mắn. Chúng tôi, dù ở chung trại nhưng chưa từng tiếp xúc nhiều với nhau nên rất e dè. Khi ăn món bún riêu thì mọi người có cơ hội hỏi han và thân mật với nhau hơn. Tuy nhiên, trong khi ăn có lúc tất cả phải im lặng, buông đũa, để vỗ về người đang gục đầu vừa khóc vừa gọi tên con. Sau bữa ăn, chị Thủy chỉ giữ ba người ở lại để cho áo quần và vật dụng đó là chị H., người có đứa con gái chết chìm trong chuyến ghe bị đắm bởi tàu Nhật, T., người mất hết người thân trong chuyến vượt biển và tôi, người có cái đầu trọc đầy bí ẩn và đôi mắt u buồn. Với ý nghĩ chúng tôi là những người có hoàn cảnh đặc biệt, chị Thủy đã lưu tâm giúp đỡ nhiều hơn. Vì ngày hôm sau là chủ nhật, chị đề nghị chúng tôi ra khỏi trại chơi để khuây khỏa tinh thần. Chị hứa sẽ chi tiền xe cho chúng tôi và đưa chúng tôi đi thăm các đường phố của Tokyo trước khi ghé thăm gia đình anh chị của chị đang định cư gần đó. Ngày hôm sau, khi Chị H., T. và tôi đang chờ chị Thủy tại trạm xe buýt, một nhà sư đến hỏi thăm tôi về việc xuống tóc của tôi. Tôi thật tình cho ông biết tôi không phải là một phật tử đích thực rồi giải thích nguyên nhân. Nhà sư nghe xong, không nói không rằng, chỉ cho tôi mười ngàn Yên rồi chào từ giã. Ông làm tôi tin ông là một nhà sư Việt Nam có khả năng tài chính và nổi tiếng ở Nhật nhưng tôi đã vô tâm không hỏi tên ông hay số điện thoại của ông phòng khi cần giúp đỡ thêm. Điều mà tôi bận tâm lúc ấy là số tiền lớn mà tôi có được và nơi tôi đang đứng là khu phố buôn bán đầy hoa quả và thức ăn ven đường. Hai điều này không thể khiến tôi tiếp tục phủ định những gì mình dứt khoát với cô Th. cho nên sau khi chia tiền cho chị H. Và T., tôi quyết định mua hoa quả và bánh trái để khi đi chơi về thực hiện ngay những điều mình nói với cô gái chết trong trại.
Tôi chỉ cúng cô Th. một lần rồi thôi. Tôi vốn không quan tâm nhiều đến chuyện ma; hơn nữa,  ma hay linh hồn người chết gì đó, có hay không, không ảnh hưởng gì đến đời sống của tôi trong trại lúc đó. Vấn đề mà tôi lo lắng bấy giờ là tiếng Nhật và chuyện định cư.  Được ra ngoài trại, ngang qua các khu phố và tiếp xúc với người Nhật, tôi thấy tiếng Nhật rất quan trọng cho việc định cư tại đây. Hầu hết người Nhật, ngay cả những người Nhật nói tiếng Anh thạo, chỉ sử dụng tiếng nói của họ khi giao tiếp với người nước ngoài. Các bảng hiệu, các bảng quảng cáo và ngay cả các loại thuốc Tây đều ghi tiếng Nhật. Người Việt định cư tại Nhật nói rằng muốn có bằng lái xe phải biết ít nhất là một ngàn đến một ngàn năm trăm chữ Candi. Vì biết tư cách tị nạn của gia đình mình không thể đến Mỹ hay một nước nào khác, tôi chuyên tâm học trước khi ký giấy định cư tại Nhật. Nhờ bận rộn với bài vở ngày càng một nhiều, tôi đã không còn thời giờ trầm tư mặc tưởng về quê nhà. Hơn nữa, trong tháng chín năm đó, các dãy phòng trống sau lưng dãy phòng tôi đầy ắp những người tị nạn. Những người này là thuyền nhân của những chuyến tàu lớn xuất phát từ miền Bắc Việt Nam hay  giáp gianh với Trung Quốc. Vì những người này chỉ nói tiếng Hoa trong lúc tự xưng là người Tày Nùng, dân tộc thiểu  số Việt Nam ở biên giới Việt Trung, ban quản lý trại Kokusai Kuyen lưu giữ tạm một thời gian trong lúc điều tra tư cách tị nạn của họ. Để giải quyết việc cư trú cho hơn một ngàn người tị nạn trong trại, ban Quản Trị đã dồn hai hoặc ba gia đình sống chung với nhau. Phòng tôi có thêm cặp vợ chồng người Tày Nùng và hai mẹ con chị Lê Xuân Ảnh, bạn cùng lớp với vợ chồng tôi.
Tôi rất ngạc nhiên với số lượng thuyền nhân ồ ạt ra khỏi nước ngày càng nhiều. Trái với sự dự đoán của chồng C. Sơn, anh Thảo và chồng tôi về  sự ngừng vượt biển sau ngày Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc đóng cửa, người Việt, bất kể số phận của họ ra sao, vẫn tiếp tục tìm cách trốn ra khỏi nước. Cùng tháng chín năm ấy, qua thư gia đình, tôi được tin Thanh Ngọc, người bạn gái thân của tôi, đã vượt biên đến đảo Palawan của Phi. Chưa hết ngạc nhiên với bức thư báo tin của em gái mình, tôi đã kinh hoàng với những tin báo của những người ở trong trại thường nghe đài VOA và BBC. Họ cho biết là một chiếc ghe chở gần một trăm người vượt biển đến Phi, bị đá ngầm ở ven biển đánh vỡ, nên chỉ còn gần hai chục người sống sót. Sau tin này là tin một chiếc ghe vượt biển ở miền Nam có khoảng ba mươi người bị hải tặc hãm hiếp và giết sạch chỉ còn một thanh niên sống sót nhờ lẩn trốn. Càng nghe tin, tôi càng cảm thấy vừa thương xót vừa cay đắng cho thân phận của thuyền nhân của chúng tôi. Trong hành trình tìm tự do đầy cam go và nguy hiểm này, mỗi người chúng tôi có một phần số khác nhau; nhưng trong tất cả, sự mất mát trong tinh thần thì không một ai có thể tránh khỏi. Giữa tháng mười, tin làm cho tôi buồn nhất là a C? (anh) và a Chế (chị), cặp vợ chồng người Tày Nùng ở chung phòng với chúng tôi, có lệnh rời trại vào ngày 24 tháng 10. Họ đã khóc sướt mướt cả một ngày đêm trước ngày lên đường. Tôi không biết họ có phải là dân tộc thiểu số Nùng hay Tày ở Quảng Ninh của Việt Nam không vì họ có thể đọc tiếng Hán và hiểu được báo Nhật nhưng ngôn ngữ họ dùng chẳng khác gì người Tày Nùng ở Sông Mao, nơi tôi từng ở một thời gian. Những người Tày Nùng ở thị trấn Sông Mao của miền Nam Việt Nam là những người đã chạy trốn chủ nghĩa Cộng Sản và di cư vào miền Nam vào năm 1954. Nếu những người này có cùng hoàn cảnh như những người Tày Nùng ở Sông Mao thì quả thật là tội nghiệp khi bị trả về. Cho dù không hiểu họ sẽ bị trả về miền Bắc Việt Nam hay Trung Quốc, tôi tin rằng họ sẽ không tránh khỏi sự trừng phạt nặng nề cả hai nước đều theo khối Cộng Sản. Buổi tối, khi những người bạn của a Cố đến phòng chúng tôi, chụm đầu vào nhau và gạt lệ trong khi xì xào ngôn ngữ của họ, thì tôi khẳng định hơn những điều mình hình dungBuổi sáng hôm sau, trong cảnh người đi kẻ ở, tôi bịn rịn chia tay họ với tấm lòng thương cảm vô bờ bến. Cho dù tôi chẳng rõ họ là ai nhưng tôi tin họ là những người tốt và thật thà. Những người này đã từng giúp vợ chồng tôi chăm sóc Tinô và xếp hàng lãnh cơm cho chúng tôi khi chúng tôi đi học về trễ. Đó là những kỷ niệm mà tôi không thể nào quên. Nhìn họ trong đoàn người lũ lượt xếp hàng ra khỏi trại tôi chợt nhớ đến sự ẩu đả của một số thanh niên trong nhóm của họ và những thanh niên người Việt trong trại. Sự ẩu đả này do sự mạo danh thuyền nhân Việt của họ mà hậu quả của nó là sự bắt buộc hồi hương. Tôi không hình dung được cảnh chính phủ Cộng Sản Trung Quốc sẽ đối xử với họ ra sao nhưng tôi cảm thấy ngậm ngùi cho số phận chung của những thuyền nhân trốn chủ nghĩa Cộng Sản trong hành trình tìm tự do. Chúng tôi không những trải qua bao hiểm nguy trên biển mà còn phải qua quá trình xét duyệt tư cách tị nạn để được định cư hay không. Tôi đã nghe rất nhiều tin từ bạn bè các đảo Phi Luật Tân, Mã Lai và Thái Lan về chuyện tự vận của những thuyền nhân sau khi bị từ chối tư cách tị nạn và dọa sẽ trả về Việt Nam. Phải chăng trong tâm hồn của những người này cũng tuyệt vọng như thế?