Chương Hai Mươi

Vì hành trình vượt biển là một sự ám ảnh kinh hoàng đối với tinh thần những người trong trại nên chúng tôi hiếm khi nhắc nhở đến chúng. Mỗi khi có dịp nói chuyện với nhau chúng tôi thường nhắc  những kỷ niệm khi còn ở Việt Nam, những món ăn Việt Nam, hoặc chuyện học tiếng Nhật, phong tục tập quán của Nhật, các thức ăn của Nhật và những vấn đề liên quan đến chuyện định cư ở Nhật. Ngoài ra, chúng tôi thường hay so sánh đời sống của những người Việt định cư ở các nước trên thế giới rồi bày tỏ ước muốn mình.
   Trong một buổi tối tâm tình và nhắc lại những kỷ niệm khi còn ở quê hương, Lắm hỏi chúng tôi:
  “Anh chị ở Nha Trang chắc thường ăn đồ biển lắm phải không?”
Chồng tôi vui vẻ đáp:
“Còn nói gì nữa! Có tiền là có hải sản tươi ngay.”
“Vậy giờ anh có thèm ăn đầu cá thu nấu canh chua không vậy?”
“Có đâu mà ăn? Ăn cánh gà tẩm bột chiên ngán muốn chết.”
“Bởi vậy mới nói con người mình mâu thuẫn lắm! Ở dưới ghe không có thức ăn thì  sợ chết đói. Nay được ở trại có thịt gà ăn lại than ngán. Anh chờ ăn đủ ngàn cánh gà rồi bay ra khỏi trại định cư!”
Lắm vừa nói vừa cười, rồi nghiêm trang nói thêm “Nhưng mà em nói thật đó. Nếu anh chị muốn ăn canh chua thì em nấu cho ăn. Ngày mai anh em mình xin ra trại dạo bến cá, ghé chợ mua đồ về nấu canh chua.”
Sáng chủ nhật hôm đó, Lắm rủ chồng tôi ra khỏi trại như đã hứa. Tôi và Tinô cũng được tháp tùng theo. Chúng tôi lấy xe buýt, đáp tàu điện ngầm rồi đi bộ đến khu chợ mà Lắm dẫn đường. Khi ngang qua những gian hàng có hoa trái tươi roi rói ở các vỉa hè, tôi đã có dịp nhìn thấy những trái Ki Wi, loại trái mà hình dạng và màu da của chúng làm tôi lầm tưởng trái Sa Bu Chê ở Việt Nam. Chúng tôi đã mua thơm, cà chua, giá, rau, ớt, tỏi, dưa leo và hành ngò. Sau đó, Lắm dắt chúng tôi đến gian hàng cá. Ông bán hàng đã lấy một chiếc đầu cá thu to theo yêu cầu của Lắm rồi gói nó trước ánh mắt ngạc nhiên của chúng tôi. Lắm nói:
“Bộ anh chị tưởng em không biết nói tiếng Nhật khi hỏi mua đầu cá thu hả? Không biết nói, ra dấu một hồi, muốn mua gì cũng có. Trước đây tụi em thường mua đầu cá thu nấu canh chua hoài. Tại vợ em mới sanh nên em không mua ăn đó thôi.”
Đi chợ về, chúng tôi xúm lại phân nhau rửa, nấu rồi cùng nhau hì hụp ăn đến tận đêm. Đó là lần đầu tiên, kể từ lúc xa quê hương, tôi được thưởng thức lại món ăn Việt Nam mà tôi thích. Ngoài những lần được ăn canh chua do Lắm nấu, tôi vẫn thường được ăn những món ăn Việt Nam ở phòng của chị Thủy luôn. Sau lần giao tiếp đầu tiên, chị Thủy tỏ ra mến vợ chồng chị H. và vợ chồng tôi nhiều hơn những người khác nên thường mời chúng tôi đến phòng chị chơi mãi khi gia đình chị tổ chức ăn uống. Chị  Thủy  không những cho chúng tôi thưởng thức lại món ăn Việt Nam như bún riêu, bún bò Huế, và thịt bò nhúng dấm, còn cho chúng tôi nếm những thứ đặc sản của Nhật như Sasimi, các loại bánh và các loại mì thập cẩm của Nhật. Đây là những loại thức ăn cao cấp mà những người mới đến trại hay nghèo như chúng tôi không thể nào có tiền để mua ăn. Càng tiếp xúc, chị Thủy càng tỏ ra thương mến chị H. và tôi như bạn nên đã cho chúng tôi áo quần, giày dép và mỹ phẩm hợp thời trang và đắt tiền mà chị đang dùng. Cách chi tiêu và sự đãi đằng quá mức rộng rãi  và phóng khoáng của chị đã khiến cho nhiều tin đồn về những vận may mà chồng chị đạt được trong các lần chơi Pa chí cồ. Pa chí cồ  là một hình thức cờ bạc hợp pháp tại các sòng bạc ở Nhật mà khi thắng cuộc người chơi có thể đạt đến triệu Yên. Tôi không hiểu vợ chồng chị Thủy có phải là người thường gặp vận may và là triệu phú ngầm trong trại như những lời đồn không nhưng tôi biết rõ là chị Thủy là người có uy tín rất lớn đối với những người thân thuộc và bạn bè có danh tiếng của chị hiện cư ngụ tại Tokyo. Chỉ cần một lời đề nghị của chị thôi là mọi người đều cố gắng thực hiện ngay. Ví dụ như khi chị bày tỏ nguyện vọng giúp vợ chồng chị H. và vợ chồng tôi có tiền thì anh Đạt, anh ruột của chị, ra công kiếm việc làm thích hợp với giờ giấc và hoàn cảnh cho anh Kh., chồng chị H. và chồng tôi. Việc làm mà anh Đạt khổ công tìm cho họ là cắt các mẫu áo da cho một công ty may áo khoác. Để giúp anh Kh. và chồng tôi làm công việc này, anh Đạt phải vận chuyển những cuộn da về nhà rồi chờ anh Kh. và chồng tôi đến cắt. Sau khi anh Kh. và chồng tôi làm xong, anh Đạt còn phải ra công giao thành phẩm cho hãng, rồi nhận tiền lương dùm cho họ. Từ khi có việc làm này, anh Kh. và chồng tôi thường bí mật hẹn nhau sau những giờ tan học hoặc sau những bữa cơm tối để cùng leo rào ra ngoài đi làm. Đó là lúc thuận tiện cho họ trốn trại vì những người bảo vệ trại ít khi tuần tra vào lúc sau bữa ăn chiều hay giờ tắm của trại viên.
Tôi tin là những người bảo vệ trại biết rõ chuyện những học viên nam thỉnh thoảng leo rào trốn ra ngoài chơi. Các người quản lý trại và thầy cô giáo cũng vậy. Tuy nhiên, tất cả đều đã phớt lờ làm ngơ. Vấn đề mà họ tập trung là chuẩn bị cho chúng tôi sớm có việc làm và an ổn định cư tại Nhật. Cho nên, mãn khóa học Nhật Ngữ, chúng tôi được học ngay những vấn đề cơ bản và cần thiết cho việc hội nhập và sinh sống tại Nhật. Trong khóa học Phong Tục Tập Quán và Đời Sống Nhật, chúng tôi được hướng dẫn tận tình cách giặt giũ, nấu ăn, làm đơn từ xin việc làm, sử dụng các phương tiện công cộng và thuê nhà. Thoạt đầu, chúng tôi nghĩ buổi học dành cho cách giặt áo quần bằng máy giặt không cần thiết vì chúng tôi đã sử dụng máy giặt khá nhiều lần. Thế nhưng, khi được chỉ dẫn tường tận cách đọc các nhãn hiệu của các loại áo quần khác nhau thì chúng tôi mới hiểu ra rằng mình đã giặt lộn xộn các loại áo quần mà bất kể là len hay vải, loại vải dày hay mỏng, màu lạt hay đậm, và loại vải phải giặt khô hay nước cho nên có áo bị xù lông, có áo bị dãn cổ, có quần bị rút ngắn đi. Rồi chúng tôi cười ngất khi cô giáo giới thiệu công dụng của chiếc túi lưới là để bỏ đồ lót hay vớ khi giặt chung với các quần áo khác trong máy giặt cho khỏi bị thất lạc. Ngày đầu tiên đến trại, chúng tôi nhận những chiếc túi vải lưới này cùng các vật dụng cá nhân khác, đã không hiểu công dụng của chúng nên đều cùng nhau bắt chước dùng làm vật chứa sách vở đi học trong suốt khóa học Nhật Ngữ; thế mà, chẳng có thầy cô giáo Nhật Ngữ nào chỉnh dùm cho. Qua khóa Phong Tục Tập Quán và Đời Sống Nhật, sự hiểu biết của chúng tôi được mở mang nhiều hơn về trong việc gửi tiền vào trong ngân hàng, bỏ thư ở bưu diện, cách thức mua sắm, và nhiều lãnh vực khác trong đời sống xã hội tại Nhật. Chúng tôi được biết là những người Nhật ở các khu nhà thuê rẻ tiền, thường phải ghé tắm Ofurồ khi tan sở làm trước khi về nhà. Mặc dù chúng tôi đã khá ngạc nhiên khi nhìn sự giăng mắc áo quần phơi khô khi đi ngang qua các khu chung cư ở Tokyo, không thể ngờ các phòng thuê của các khu chung cư ấy chỉ có nhà cầu chứ không có nhà tắm. Đồng với lý thuyết, các thầy cô  giáo đã tạo cho chúng tôi làm quen với loại tắm trần truồng tập thể theo giới tính này. Sau khi tắm chung trong hồ nước ấm, mỗi người xả nước trong buồng tắm cá nhân theo ý riêng. Khi đưa chúng tôi đi thực tế, thầy cô đã dùng tiền của trại để trả chi phí. Ngoài ra họ còn trả tiền cho các phương tiện đi lại mà chúng tôi sử dụng và những thực phẩm mà chúng tôi mua để thực tập nấu những món ăn của Nhật. Thầy cô giáo đã tận tình chỉ dẫn chúng tôi từ chuyện nhỏ đến việc lớn như: Trưng bày đồ dÍ vỡ thì để dưới thấp để ngừa  trường hợp bị xây sát bởi đồ vật rơi từ trên cao xuống vì động đất và thuê phòng ở các khu chung cư thì nên chọn phòng ở các tầng thấp để khi có động đất dễ chạy ra ngoài hơn. Qua sự chỉ dẫn của họ chúng tôi còn biết giá tiền thuê của các phòng ở khác nhau tùy vị trí ở tầng cao hay thấp và hiểu là người khả năng tài chính hoặc con nhỏ thường cư ngụ ở những tầng thấp của chung cư. Ngoài ra, chúng tôi còn học các lÍ nghi xã giao của Nhật như mua quà biếu cho hai người hàng xóm bên cạnh khi vừa dọn đến chỗ ở, cách mua các loại quà  thích hợp cho người bệnh, và cách trao quà như thế nào.
  Sau ngày 2 tháng 11 năm 1989 chúng tôi nhận bằng tốt nghiệp hai khóa học Nhật Ngữ và Phong Tục và Đời Sống của Nhật nên được tự do ra ngoài trại từ chín giờ sáng đến chín giờ tối. Tôi thường lấy xe buýt đưa Tinô đi dạo các siêu thị để nó có thể tiếp xúc nhiều với thế giới ngoài trại và để tôi sắm sửa các vật dụng chuẩn bị cho định cư. Theo thường lệ, chỉ một lần phỏng vấn việc làm là học viên tốt nghiệp có thể rời trại để định cư ngay, mà vợ chồng tôi đã được thông báo là sẽ có chung một cuộc  phỏng vấn việc làm vào ngày 7 tháng 11 năm 1989. Hôm ấy, chúng tôi gửi Tinô cho chị Xuân Ảnh xong, sửa sang y phục chỉnh tề rồi mang bản tóm tắt kinh nghiệm nghề nghiệp, đã được hướng chỉ dÅn của thầy cô của khóa Phong Tục Tập Quán và Đời Sống Nhật, đến trước văn phòng trại để chờ đến lượt phỏng vấn của mình. Sau một giờ trả lời những câu hỏi, vợ chồng chúng tôi đều được hai người phỏng vấn của một tiệm bánh ở Tokyo thâu nhận. Tôi rất sung sướng với sự chấp thuận của họ bởi vì công việc mà tôi sắp đảm nhận  là công việc tôi đã từng làm qua, rất nhẹ nhàng và được làm chung với chồng tôi. Bước xuống các bậc thềm trước của văn phòng hành chánh, tôi càng thấy tâm hồn mình lâng lâng như đang bay. Xuyên ánh nhìn qua những vạt nắng chiều đang chạy dài trên những hàng cây trước mặt, tôi bỗng nhận ra chị Nguyệt Ánh đang thấp thoáng ở góc ngoặc của hàng cây cảnh bên phải. Chị Nguyệt Ánh là nhân viên của Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc, đã từng bác đơn chúng tôi không cho gặp phái đoàn Mỹ vì tư cách tị nạn của chúng tôi thấp hơn thành phần sĩ quan của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, và là bạn quen biết của chị Thủy mà nhiều lần chị Thủy hứa sẽ nhờ chị giúp đỡ cho chúng tôi gặp phái đoàn Mỹ.
  Tôi, có lẽ quá vui vì sự may mắn đang có của mình, không nhớ đến lần nài nỉ chị cho được tiếp kiến với phái đoàn Mỹ trong buổi phỏng vấn đầu tiên khi vừa đến trại Kokusai Kuyen, mau mắn nói với chồng tôi:
“Chị Nguyệt Ánh kìa anh! Mình đến chào chỉ đi!”
“Thôi đi em. Không khéo chỉ nghĩ mình tiếp tục làm phiền. Lại một màn năn nỉ như lần trước.” Chồng tôi nói thế rồi dượm bước về phía bên trái.
Kéo tay anh đi dọc dãy cây cảnh trước mặt văn phòng về phía bên phải, tôi vừa đi vừa nói:
“Chỉ nghĩ gì thì mình cũng phải chào. Dù gì chỉ cũng là bạn của chị Thủy.”
Thế là chúng tôi đến trước mặt chị Nguyệt Ánh và tôi nhanh nhảu hỏi:
“Chị Nguyệt Ánh có khỏe không? Hôm nay phỏng vấn nhiều chắc mệt lắm hả?”
Chị Nguyệt Ánh vui vẻ đáp:
“Hơi bận nhưng khỏe. Cảm ơn Lan. Còn Lan Hiệp thì thế nào?”
  Chồng tôi cười cười không nói. Còn tôi nói nhanh:
“Tụi em học xong rồi chị à. Tụi em vừa phỏng vấn việc làm xong và được một tiệm bánh nhận rồi.”
“Thế Lan có còn muốn gặp phái đoàn Mỹ nữa không?”
“Còn chứ! Chẳng thà tụi em gặp phái đoàn Mỹ, có bị họ từ chối cũng cam lòng. Còn hơn là bây giờ vợ chồng em vẫn ấm ức về tư cách tị nạn của mình.”
“Vậy thì mình sẽ ghi thêm tên hai vợ chồng vào đợt phỏng vấn cuối cùng.”
“Ồ! vậy thì em cảm ơn chị nhiều lắm.” Tôi reo lên sung sướng trong lúc chồng tôi chào từ giã chị với ánh mắt biết ơn.
Về đến “nhà”, tôi khoe ngay với chị Xuân Ảnh và Tuấn những điều may mắn mà chúng tôi có được. Hai người vui không kém gì chúng tôi. Tinô thì cười nắc nẻ khi gặp mặt bố mẹ.
Hai hôm sau, văn phòng kêu chồng tôi đến nhận một bộ đơn do Cao Ủy gửi, bảo điền vào để chuẩn bị cho cuộc tiếp kiến với phái đoàn J.V.A vào sáng ngày mai. Ngày thứ sáu 10 tháng 11 năm 1989 chúng tôi được phỏng vấn bởi một người đàn bà Mỹ với sự thông dịch của một chị người Việt có tên Phương Thúy. Qua lời tự giới thiệu của chị Phương Thúy, chúng tôi được biết chị là bạn của anh Đạt và chị Thủy. Sau buổi phỏng vấn hôm ấy chúng tôi được biết hồ sơ mình sẽ được chuyển đến phái đoàn I.N.S và ngày phỏng vấn của chúng tôi với phái đoàn này sẽ vào ngày thứ sáu tuần sau. Lần này, vì tôi quá hạnh phúc với sự may mắn bất ngờ nên tôi đã không những báo cho cho chị Xuân Ảnh mà còn đi kể cho hầu hết những người trong trại tin vui của mình. Sau vài ngày chia sẻ niềm vui của mình với mọi người, tôi đã ủ dột trở về phòng mình với những chuyện kể của họ. Những người đã tiếp kiến với phái đoàn I.N.S cho tôi biết I.N.S là một cửa ải khó qua. Trong mười bảy hộ được tiếp kiến của một ngày thì khoảng mười một hộ bị bác rồi. Một trung úy không quân của quân đội Việt Nam Cộng Hòa đã bị bác. Những thanh niên, con của sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa nhưng không có thân nhân ở Mỹ cũng bị bác. Những người có thân nhân ở Mỹ và không hề dính dáng gì với chế độ Cộng sản sau 1975 cũng bị bác. Không ai hiểu vì sao sự từ chối nhiều hơn chấp nhận nên đã có nhiều sự phỏng đoán khác nhau về người phỏng vấn. Một người cho rằng người phỏng vấn là người có đạo Tin Lành nên rất coi trọng đến vấn đề giáo dục và bằng cấp của người nhập cư ở Mỹ. Người khác thì nói Mỹ là nước khá tự do và tự do cả vũ khí nên ông ngăn ngừa sự hư hỏng và phạm pháp xảy ra cho những thanh niên Việt không có thân nhân bên Mỹ. Người khác nữa thì nói là nước Mỹ đã có quá nhiều di dân từ các quốc gia khác đến nên điều gì cũng trở thành vấn đề để ông ta từ chối được. Những lời bàn bạc của họ đã làm tôi mất hy vọng hoàn toàn vào sự chấp thuận của một người có tôn giáo khác với tôn giáo mà tôi ghi rõ trong đơn. Tuy nhiên, vào đêm trước ngày phỏng vấn tôi chợt nhớ đến sự linh thiêng của cô Th. nên đã ra ngoài hành lang tối cầu xin cô giúp đỡ.
  Sáng ngày 17 tháng 11 năm 1989 chúng tôi được xe buýt chở đến tòa đại sứ quán Mỹ để tiếp kiến với phái đoàn I.N.S. Theo lịch, hai thanh niên có thân nhân tại Mỹ sẽ được tiếp kiến trước, sau đó là gia đình tôi rồi đến những người khác. Trong khi chờ đến phiên mình, tôi hồi hộp cầu mong kết quả của hai người thanh niên khác hẳn với những lời đồn đãi trong trại. Thế nhưng, khi họ bước ra phòng chờ với những cái lắc đầu thất vọng tôi hiểu rằng họ đều bị từ chối chẳng khác gì những tin đồn đã nghe. Sự chán nản của họ đã theo tôi vào tận trong phòng phỏng vấn và đánh mất hoàn toàn niềm hy vọng của tôi. Tôi không  tin tưởng chút nào đến sự chấp thuận từ người đàn ông Mỹ trắng đang ngồi uy nghiêm cạnh chị Nguyệt Ánh sau một cái bàn khá lớn. Mời chúng tôi ngồi xong, người phỏng vấn lẳng lặng mở tập hồ sơ của chúng tôi ra coi. Ông đọc khá chăm chú đến độ tôi nghi ngại không hiểu là ông đang lưu tâm đến những lời khai của vợ chồng tôi trong đơn hay chỉ vờ đọc. Nếu ông chỉ giả vờ  hay đọc lướt qua thì ông sẽ không thể  hiểu sâu xa cảnh sống bấp bênh của vợ chồng tôi khi chồng tôi ở trong tình trạng không hề có tên trong một hộ khẩu nào ở Việt Nam. Thời gian trôi qua rất lâu mà ông vẫn bình tâm đọc như đang đọc sách và cố tìm nội dung khó hiểu trong ấy. Trong khi chờ ông lên tiếng hỏi, tôi có khá nhiều thời gian để nhìn ông kỹ hơn. Ông khoảng ngoài ba mươi, tóc chải gọn, áo thẳng nếp và cách ngồi ngay ngắn. Diện mạo và phong cách toát nên một vẻ đàng hoàng và mẫu mực của người thiên về ngành giáo dục như sự tưởng tượng tượng của tôi trước đó. Duy có một điều mà tôi không hình dung ra là sự lạnh lùng quá đổi của ông. Ông đã không hề ngẩng đầu lên một lần nào khi lật và đọc từng trang giấy, kể cả lúc Tinô ngọ nguậy trong lòng tôi. Sự lạnh lùng của ông biểu lộ là ông không đếm xỉa  sự hiện diện của ai trong phòng đã khiến cho Tinô bày tỏ sự thắc mắc của nó. Chồm người đến sát cạnh bàn rồi nghiêng đầu trên mặt bàn để nhìn vào mắt ông, nó nói một tràng dài thật to với ngôn ngữ của nó, những từ  khó hiểu và vô nghĩa được kết hợp bởi tiếng Nhật và tiếng Việt. Hành động bất ngờ của nó làm tôi hốt hoảng vội lấy tay che miệng nó lại rồi đưa ngón tay ngăn giữa miệng mình với tiếng suỵt khe khẽ. Chồng tôi khiếp đảm, trố mắt khổ sở nhìn nó trong lúc chị Nguyệt Ánh phì cười. Người đàn ông Mỹ trắng, có lẽ đã giật mình vì tiếng nói vang dội khắp phòng của Tinô, ngửng đầu lên nhìn mặt nó.  Ánh mắt của ông thoáng một nét cười và sự lạnh lùng trên khuôn mặt của ông  trở dịu hơn rồi vẻ như tan mất. Ông nhờ chị Nguyệt Ánh hỏi chồng tôi đã làm gì và ở đâu tại Việt Nam và chị thông dịch lại cho ông những lời khai của chồng tôi. Chăm chú nghe chị nói xong, ông cúi xuống đọc tờ đơn của chúng tôi một lúc rồi ngẩng đầu nhìn thẳng vào mắt chồng tôi và hỏi về học lực của anh. Lần này, chị Nguyệt Ánh hỏi chồng tôi có muốn trực tiếp nói với ông bằng tiếng Anh không rồi chị để hai người trao đổi với nhau. Người phỏng vấn đã nghe chồng tôi nói một cách chăm chú như khi nghe chị Nguyệt Ánh nói, rồi hỏi anh vài câu nữa, rồi lại nghe một cách chăm chú, xong lấy mộc  đóng nhanh vào tập hồ sơ của chúng tôi và bảo chúng tôi ra ngoài. Nước mắt tôi chảy dài khi tôi bồng Tinô theo chồng tôi ra khỏi phòng. Tôi đã miễn cưỡng nhận những thỏi kẹo Sô cô la của một người đàn bà Mỹ trao cho khi chúng tôi trở lại phòng đợi, rồi nói với chồng tôi trong nước mắt:
“Như vậy là mình phải học thêm tiếng Nhật và chuẩn bị sức lực để làm việc ở Nhật rồi anh à.”
Chị Nguyệt Ánh, đang đi sau để tiễn chân chúng tôi và đón lượt người khác, hỏi tôi với giọng ngạc nhiên:
“Ủa? Vậy Lan không biết là ông phỏng vấn đã nói là chấp thuận cho gia đình Lan đi Mỹ sao?”
Tôi quay lại, sửng sốt hỏi lại:
“Ủa thật vậy hả chị? Em có nghe rành tiếng Anh đâu mà biết! Thấy ổng hỏi ảnh mấy câu rồi bỏ hồ sơ qua một bên em tưởng ổng từ chối chớ!” Rồi hét lên:”Trời ơi! Em không ngờ ổng chấp thuận cho tụi em đi, không ngờ gia đình em được đi Mỹ!”
Tôi đã reo liên tiếp với nh»ng chữ “Được đi Mỹ!” một cách điên cuồng bất kể phòng đợi yên lặng và trang nghiêm như thế nào. Mọi người trong phòng đều nhìn tôi nhưng mỉm cười chứ không trách móc lời nào. Về trại, tôi mua thức ăn cúng tạ cô Th. ngay.