Chương Bốn

Khi chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình của mình thì Tinô bắt đầu trở lại với giấc ngủ dở dang của nó. Lúc này Tinô đã quen với tư thế ngủ ngồi nên tôi có thể dùng bàn tay mình bọc đầu và ôm mông nó khi xuyên qua những nhánh cây lòa xòa. Đường đi bấy giờ chỉ còn một lối hẹp nên đoàn người chúng tôi hoàn toàn lệ thuộc vào nó khi đi theo sau người dẫn đường. Thỉnh thoảng, người thanh niên đi đầu này dừng lại bấm đèn, quét lớp sáng phớt dài về phía chúng tôi như để kiểm nhanh số mọi người sau lưng hơn là rọi đường. Còn chúng tôi bước thận trọng hơn vì trong tâm trí vẫn còn ám ảnh những lời cảnh cáo của anh. Thực tế, đường đi thỉnh thoảng có những gò đá lổn nhổn trong đất chứ không như chữ gập ghềnh mà anh đề cập trong vườn cây. Tuy nhiên, càng đi, con đường càng quanh co khúc khuỷu và hẹp hơn bởi những bụi cây cao vút và rậm rạp. Những cành lá sum sê không những che cả bầu trời mà còn chắn cả lối đi, cho nên có lúc tôi phải nghiêng mình dùng lưng tém chúng qua một bên để bước qua, cốt không để những nhánh lá đâm chọc vào lưng hay cào xước đầu Tinô. Với cách đi như thế tôi hứng chịu mọi cái va quẹt và cản trở từ những nhánh lá và những bụi gai rừng. Chúng châm vào lưng tôi và thỉnh thoảng kéo rách vài mảnh quần áo của tôi.
  Qua đoạn đường ngoằn nghèo và um tùm cây lá khoảng ba mươi phút những người đi trước bước chậm hẳn. Một lúc sau, họ cùng đứng lại và dồn vào một chỗ mà khi đến gần họ tôi cảm thấy như mình vừa mới bước ra khỏi hang động tối tăm. Trước mặt tôi là khoảng không quang đãng mà xa hơn là rừng cây đen dày dặc vừa kéo tận xuống dưới vừa vươn lên tận đỉnh cao. Rất nhiều dải mây trắng bồng bềnh xuyên qua các ngọn cây, chậm chạp trôi về đỉnh núi để hội tụ với muôn vàn cụm mây màu trắng đục cao thấp không đều. Những dải mây bàng bạc đã trang điểm cho đỉnh núi một vẻ non bồng chẳng khác gì cảnh thiên thai trong truyện thần tiên. Không những chỉ tôi, mọi người đều ngơ ngẩn trước vẻ đẹp man dại và bí ẩn của rừng đêm. Tuy nhiên, chưa kịp trọn vẹn thưởng thức tuyệt tác của thiên nhiên, chúng tôi đều phải theo tiếng hối giục giã của người thanh niên đi đầu. Lúc này, chúng tôi phải chờ nhau để tuần tự leo xuống. Trong khi chờ những người đi đầu lom khom tìm lối một cách khó khăn, tôi cảm nhận con đường mình sắp tiếp tục rất hiểm nghèo và trắc trở. Chồng tôi, có lẽ cùng cảm giác như tôi, bảo để anh đi trước thăm lối rồi chỉ đường cho tôi ẵm Tinô theo sau. Nghe lời anh, tôi nhường đường và rồi đứng chờ hướng dẫn. Lúc này chúng tôi không có thể đi lại như trên đường bằng mà phải bò hoặc leo xuống những tảng đá thấp hơn. Chúng tôi di chuyển rất chậm chạp và vất vả để vượt qua con đường gập ghềnh trong màn đêm đen tối. Những người theo sau chúng tôi thường phải chờ rất lâu vì vợ chồng chúng tôi vừa phải chuyển vật vừa phải chuyển người. Những người đi trước chúng tôi cũng chẳng thể bước nhanh hơn vì chẳng ai ý niệm được con đường mình đang bước là con đường như thế nào và nhìn rõ nó ra sao. Mò mẫm theo từng ghềnh đá, chúng tôi, người sau lần theo người trước qua tiếng nói nhắc nhở của nhau mà thôi. Trong lúc chúng tôi ở vào tình trạng khó khăn như thế, người dẫn đường không hề rọi sáng cho chúng tôi một lần nào và cũng chẳng hề hỏi chúng tôi có thấy đường không. Như người mù vô vọng với bóng tối, có lúc tôi ngước mặt lên trời mong có ánh sáng ban ơn, thế nhưng, càng nhìn lên trời cao tôi càng tuyệt vọng hơn. Đêm không trăng mà màu lam trắng của bầu trời đang chuyển dần sang màu xám. Khá nhiều đám mây che kín bầu trời khiến vũ trụ tối sầm hẳn đi. Đã vậy, càng leo xuống càng gặp nhiều ghềnh đá với độ sâu khá lớn cho nên chúng tôi di chuyển rất chậm. Tôi thường phải dò dẫm tìm chỗ an toàn và thuận tiện nhất rồi mới ôm Tinô leo xuống theo sự chỉ dẫn của chồng tôi. Có lúc tôi phải loay hoay với đôi dép trên tay vì sợ bị trượt cả mẹ lẫn con nhưng rồi phải mang trở lại vì mặt đá có khá nhiều chỗ bén nhọn như khảm dao đinh. Khi dừng trên một tảng đá mà bờ vực của nó có khoảng cách khá xa nơi chồng tôi đứng bên dưới, tôi quyết định dùng chiếc đèn pin của mình rọi xem nơi nào là chỗ an toàn để chuyền Tinô xuống cho anh. Ánh sáng vừa lóe lên, hàng khối đá gồ ghề lởm chởm bên dưới hiện ra khiến tôi choáng váng. Trong lúc chưa nhận thức rõ ràng thực tế mình vừa chứng kiến và phân vân tìm nơi an toàn để chuyển Tinô xuống dưới, tôi giật mình bởi tiếng la thất thanh:
  “Ai bật đèn đó? Tắt ngay!”
  Vội vàng làm y theo lời nhưng tôi không cảm thấy hổ thẹn vì đã vi phạm những quy định mà người dẫn đường yêu cầu trước khi khởi hành. Trái lại, tôi rất tức tối vì sự dẫn đường ngu xuẩn của người đi đầu đối với người có con nhỏ như tôi và những đứa trẻ độ tám và mười tuổi sau lưng tôi. Cùng với cảm giác bực bội trong lòng, tôi cảm thấy uổng công khi vi phạm điều quy định. Bởi vì sự lóe sáng trong chốc lát của cây đèn pin không giúp cho tôi rõ chỗ nào là nơi tôi có thể đưa Tinô xuống an toàn nơi chồng tôi đang đứng. Điều mà tôi nhớ được chỉ là hàng khối đá tảng bên dưới và  độ cao từ chỗ tôi xuống chỗ chồng tôi rất là xa.
  Từ dưới, chồng tôi nói lên:
  “Em chuyền Tinô xuống đây cho anh đi! Khi đón được con rồi anh sẽ báo cho em biết. Lúc đó em hãy thả tay ra.”
  Nghe lời anh, tôi ngồi xuống cạnh bìa ghềnh, xốc Tinô bằng hai tay ở hai bên nách của nó rồi từ từ chuyền xuống. Chồng tôi phải nhón người với tay lên mới đón được Tinô rồi hướng dẫn tôi leo xuống. Khi xuống đến cạnh anh và bế Tinô lại, tôi nghe những tiếng cằn nhằn của người dẫn đường đi đầu. Có lẽ anh ta muốn đối mặt với tôi để mắng một trận cho hả giận nhưng bởi sự leo trèo không được dễ dàng khiến anh chỉ có thể nói lầm bầm bên dưới mà thôi.
Kéo lết hai chiếc giỏ theo mình để tiếp tục leo xuống, chồng tôi căn dặn:
  “Em đừng bật đèn nữa! Người ta đã dặn thế mình đừng nên trái lời. Anh cố gắng dò nơi an toàn rồi hướng dẫn cho em đưa con xuống. Không cần phải hấp tấp làm gì.”
  Thế là theo cách đã bàn, chúng tôi chậm chạp thực hiện các động tác dò dẫm, trườn bò, chuyền đưa và trao nhau bồng bế con để lần theo những người đi trước. Tuy các bước tiến hành rất khó khăn nhưng đã không có chuyện gì đáng tiếc xảy ra. Mắt của chúng tôi dường như đã quen dần với màu đen của đêm, với những bóng người lờ mờ quanh mình và cả nền đá sắc cứng dưới chân. Sau lưng tôi, thỉnh thoảng vang lên tiếng khóc của hai thằng bé, tiếng dỗ dành của người mẹ, tiếng than van về chuyện mất dép và chuyện tìm kiếm. Tất cả nhắc nhở tôi giữ chặt đôi dép của mình hơn khi trườn bò trong cảnh mù mù tăm tăm. Với những người vượt biển như chúng tôi, chúng là vật tùy thân quý giá cho lúc phải quay trở về. Dù sao, vật bất ly thân này của tôi chỉ bảo vệ phần dưới bàn chân tôi. Mu bàn chân của tôi không tránh khỏi những vết cứa cắt khi cạ qua những tảng đá lởm chởm trong lúc trườn xuống. Có lẽ mọi người đều có chung tình trạng như tôi nên đã có không biết bao lời than vãn vang lên. Trong khi cùng nhau oán tránh người tổ chức ngu si chọn con đường đầy nguy hiểm, chúng tôi phải im bặt vì cơn mưa ập xuống bất ngờ. Như trút từ thác trời, mưa rơi một cách mạnh mẽ và dữ dội. Màn nước dày đặc của nó đã dìm chìm màn đen của tối và hình ảnh mờ mờ của vạn vật xung quanh. Đang ôm Tinô ngồi chờ chồng tôi leo xuống, tôi hốt hoảng cong lưng che cho nó khỏi ướt. Nhiều tiếng kêu trời, tiếng chửi rủa lẫn tiếng kêu giúp vang lên nhưng tất cả đều bị át bởi tiếng mưa rào rào trên lá  lẫn không gian. Xối xả trên đầu, trên người chúng tôi rồi ào ạt tuôn tràn xuống dưới, nước mưa tạo thành vô số dòng lênh láng trên mặt đá. Lúng túng, mọi người đều phải dừng các động tác leo, bò, bám hay tuột để tìm cách chống chọi sự ướt át và trơn trượt. Chồng tôi đang định leo xuống phải trườn người ngược lên trên, thụp xuống ngồi sát bên cạnh tôi để cùng che cho Tinô. Dù cố gắng biết bao nhiêu nhưng cả chúng tôi và nó đều bị ướt sũng. Hối hả lục trong chiếc giỏ lớn, chồng tôi rút bộ đồ của Tinô ra và bảo tôi thay ngay cho nó. Tôi làm y lời trong khi vẫn khom lưng cùng anh làm mái che. Bộ đồ vừa thay xong, Tinô ướt chẳng khác nào chuột lột. Còn chúng tôi, vắt tóc, vuốt mặt, giũ áo quần nhiều lần mà nước vẫn ướt đẫm từ đầu đến chân. Tôi chẳng hề dám nhúc nhích để thay đổi tư thế ngồi cho dù đôi chân rất mỏi và đôi dép bên dưới không chịu đựng được sự trơn láng của những dòng tuôn trên mặt đá. Cố gắng lắm tôi mới nghẻo đầu về phía sau và chòng chọc mắt tìm hiểu. Trên cao, vài tia chớp lóe lên rồi lịm vào trong bầu trời đen kịt. Những đám mây trắng đục trở thành màu xám đen dày đặc mang mưa giăng kín khắp mọi nơi. Phỏng đoán những dòng nước đang chảy ròng ròng dưới chân mình do kết quả từ những cơn mưa trên đỉnh, tôi cảm thấy oán giận người tổ chức vô cùng. Tôi không hiểu vì sao họ có thể ngu xuẩn đến độ chọn con đường chỉ toàn đá mà đòi hỏi chúng tôi ra đến bãi đúng giờ. Tệ hại hơn, khi trù tính dùng con đường gập ghềnh này có lẽ họ chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện phải đối phó với sự ngập tràn của nước mưa rừng như thế. Trong khi chúng tôi phải khựng lại vì nước mù mịt trong không gian và láng trơn trên đường đi, người dẫn đường đi đầu nhấp sáng đèn về phía sau, hối thúc:
  “Cố gắng đi nhanh thêm chút nữa đi anh chị ơi! Nếu mà chậm như thế này, mình sẽ bị bỏ lại vì trễ đó.”
  Nghe vậy, chúng tôi đành phải cố gắng dịch bước nhanh hơn để tiến theo gót người đi trước. Tôi giận bản thân rất nhiều vì khi chuẩn bị mọi thứ cho cuộc hành trình tôi đã không nghĩ đến chiếc áo mưa. Cũng như tôi, chắc những người trong nhóm không hề nghĩ đến nó vì đài khí tượng chẳng hề nhắc nhở gì đến chuyện mưa gió trong phần dự báo thời tiết hôm qua. Hơn nữa, những ngày này thời tiết nơi địa phương chúng tôi rất đẹp, có ai ngờ sẽ có những cơn mưa lớn xảy ra như thế đâu. “Hay bởi mây trôi về núi vào ban đêm mà nước rơi ồ ạt như thế này?”, “Hay là rừng thường có những cơn mưa khi về đêm?” Tôi đặt nhiều câu hỏi trong lúc vừa thay đồ bộ đồ khác cho Tinô vừa ôm nó trườn theo chồng tôi. Lần này chúng tôi không thể dùng phương cách người đi trước, người chuyền sau như đã làm. Trì lưng vào đá trơn láng, tôi ôm Tinô trượt đến nơi chồng tôi vừa leo xuống khi nghe hối thúc của những người đi sau. Trong cái dữ dội của mưa rơi và sự trơn tuột của đường đi, chồng tôi chỉ có thể giúp tôi lấy những bộ đồ cho Tinô và cất những bộ độ ướt của nó vào trong giỏ trong khi khệ nệ khuân chuyển hai chiếc giỏ theo bên mình. Hai cái giỏ nặng trình trịch bởi trọng lượng vốn có lẫn áo quần ướt và nước mưa khiến anh không thể làm hơn thế.  Khi bộ đồ cuối cùng của Tinô bị ướt nhẹp mà mưa vẫn chưa ngớt, tôi đành hỏi anh lấy chiếc khăn lông đã sử dụng khi Tinô bị té dưới sông để lau và quấn cho nó. Chỉ trong tích tắc, chiếc khăn ướt sũng chẳng khác gì những bộ đồ trên người chúng tôi. Nước mưa làm Tinô tỉnh ngủ nhưng nó không kêu khóc vì lạnh run. Trong tình thế hiểm nghèo ấy, tôi hoảng loạn bấm sáng đèn để xem xét tình trạng sức khỏe của con mình. Lần này, người dẫn đường đi đầu nhất định không tha tôi nữa. Anh cố gắng leo ngược lại, trực diện với tôi trên tảng đá mà tôi đang đứng, hét lớn:
  “Chị có nghe tôi nói mấy lần là không được bấm đèn sáng không vậy?”
   Tôi tắt đèn nhưng hét lại, lớn không kém:
  “Thế tại sao anh bấm đèn được? Anh đừng ỷ là người dẫn đường rồi muốn làm gì thì làm! Là thanh niên mà bấm đèn để tìm đường an toàn đi, còn tôi có con nhỏ như thế này thì không cho tôi dùng đèn! Nói cho tôi biết cách nào để tôi có thể bồng đứa nhỏ một tuổi rưỡi đi trên đường đầy đá lởm chởm, trong bóng tối mịt mùng và dưới trời mưa lớn như thế này đi!”
  Người dẫn đường bấm đèn sáng rọi vào mặt Tinô. Đôi mắt kinh hoàng của nó nheo lại vì nước mưa rơi và ánh đèn chói nhưng đôi môi nó tím ngắt của nó không thể bật nỗi tiếng khóc vì cóng. Đôi mắt của người dẫn đường kinh hoàng chẳng khác đôi mắt của Tinô. Tắt đèn, anh chửi đổng:
  “Đ. má lũ ngu! Cỡ tuổi này mà tụi nó cũng nhận cho đi! Thằng nhỏ chắc chết thôi!”
  Lúc này tôi mới nhớ lời dặn dò của C. Sơn về cái nải, miếng vải địu của những người đàn bà dân tộc thiểu số thường địu con nhỏ sau lưng khi đi lại hay làm việc. Có lẽ nàng chỉ nghĩ là tôi sẽ đem Tinô xuyên qua rừng nên căn dặn kỹ lưỡng về miếng vải địu con chứ không tưởng tượng cảnh tôi mò mẫm trong con đường đầy đá gồ ghề, lởm chởm trong lúc đứng dưới cơn mưa rừng thật lớn. Với miếng nải thượng, dù không bị mưa chăng nữa, tôi cũng không thể địu Tinô như người dân tộc thiểu số địu con bởi vì khi bò trườn tôi có thể gây thương tích cho nó bằng những cái va đầu vào đá. Dù sao thì trí óc của tôi không đủ tỉnh táo để phân tích chuyện phải trái. Tôi chỉ muốn Tinô được khô ráo để không bị rét cóng mà thôi.
  Người dẫn đường hạ giọng, nói như tâm tình:
  “Sở dĩ em không cho ai bật đèn mà em bật đèn vì em biết cách. Như lúc này, em đứng trước mặt chị, lưng che phía trước thì em có thể bấm đèn. Còn chị đứng trên cao, soi đèn xuống dưới tìm đường bước đi thì không được. Nói tóm lại, nếu bây giờ chị muốn bấm đèn soi lối để ẵm cháu đi thì có thể chấp thuận nhưng chị phải quay ngược lưng lại trước khi bấm đèn và cố gắng che ánh sáng không cho nó lóe xuống dưới.”
  Nhìn khuôn mặt ngơ ngác của tôi, anh ta nói tiếp:
  “Chị nhìn xuống đi! Trước mặt chị, dưới xa ấy là biển. Nếu nhìn kỹ chị sẽ thấy những chấm sáng nhỏ xíu lập lòe. Đó là đèn của  những chiếc ghe. Giờ này có rất nhiều ghe tuần tra của công an. Nếu thấy ánh đèn của mình trên này, tụi nó sẽ biết có người vượt biên, và phát hiện địa điểm của mình ngay.”
Không nghe tôi nói gì, anh ta nói thêm:
  “Đến nước này em không muốn giấu thêm nữa: Chúng ta đang đi theo lòng sông khô để xuống biển. Cuối con đường này là nơi ghe đón mình.”
“Lòng sông khô?” Tôi kinh hãi kêu lên “ Trời đất ơi! Hèn chi ở đây toàn những đá và ghềnh.”
  Cố căng mắt để nhìn khối đen thùi dưới sâu phía trước mặt, tôi lập bập thêm:
  “Cứ nghe anh nói ‘con đường, con đường’ nên tôi không suy nghĩ gì khác ngoài lối đi. Chả trách sao khi tuột trên đá tôi cứ thắc mắc tại sao đường đi mà cứ xuôi xuống dưới và ở trong rừng sao chẳng có bụi cây cọng cỏ nào dưới chân.”
  Quay ngược đầu về phía đỉnh núi, tôi nói to hơn, tưởng chừng như át cả tiếng mưa:
  “Tại sao mà các anh nghĩ cái lối đi khủng khiếp như thế này vậy hả? Mưa cỡ này thì làm sao lòng sông còn khô được nữa chứ? Nước tràn xuống kiểu này mà mình xuống hạ lưu thì có mà chết chìm!”
  Cúi xuống nhìn Tinô run rẩy trong tay, tôi giận dữ nói tiếp:
 “Bây giờ ai muốn đi tiếp tục thì đi, tôi không muốn con tôi chết, để mẹ con tôi về!”
  Mọi người lắng nghe cuộc đối thoại của chúng tôi từ đầu cho đến lúc tôi la lớn mà không chen lấy một lời. Trong khi người dẫn đường không thể đáp lại lời tôi như thế nào thì họ cũng im lìm như bị điểm huyệt. Sự tiết lộ của người dẫn đường đã là một tin kinh khủng vậy mà lời khẳng định cho việc tiến tới hay thối lui của tôi càng dữ dội hơn. Nếu phải đi theo dòng sông khô xa hơn nữa, bị ướt thêm nữa và tuột đá sâu hơn nữa thì mọi người vẫn còn hy vọng là sẽ được ghe đón, chứ không ai có thể bàn cãi hay khuyên nhủ cho chuyện tôi đòi đem con trở về. Không ai có thể phủ nhận rằng sức khỏe của đứa bé nhỏ nhoi như Tinô không hề thích hợp cho cuộc hành trình nguy hiểm chết người, nhưng không một ai có thể góp ý nên hay đừng khi chúng tôi đã ở ngay giữa con đường đến bãi.
  Trong lúc mọi người im thin thít trước tình trạng tiến thoái lưỡng nan của tôi, người dẫn đường đi cuối đến gần tôi giải bày: “Em thường đi lại trong vùng này nên biết rõ lắm. Con sông này dù bị mưa nhiều đến đâu cũng không hoạt động lại được. Với dốc cao như thể này bao nhiêu nước cũng đổ tràn ra biển thôi. Ở cửa sông nước sâu, ghe lớn tấp vào được, mình không cần phải bơi ra. Nếu đi tiếp tục, đến đúng giờ, ghe bốc mình sớm. Được lên ghe thì mình chăm sóc cháu chu tất hơn.”
Không được trả lời, anh nói tiếp:
  “Bây giờ đã mười giờ, chỉ cần bốn tiếng đồng hồ nữa là đến bãi. Chúng ta đi được nửa chặng đường rồi, chị cố gắng thêm chút đi!”
  Mưa vẫn rơi như xối và tôi vẫn ôm Tinô đứng yên giữa hai người thanh niên.  Suy nghĩ về thời gian mà người dẫn đường đi cuối cho biết, tôi nhận thấy thời gian trở lại hay tiếp tục chẳng khác gì trong lúc Tinô vẫn phải dầm mưa. Trong khi phân vân với sự lùi hay tiến, đầu tôi ngổn ngang không biết bao nhiêu câu hỏi với chữ nếu. Tôi đã tự hỏi là: Nếu đi trở về liệu Tinô có bớt lạnh không hay vẫn phải chịu lạnh dưới mưa? Nếu đi trở về, ai sẽ là người chịu hy sinh bỏ chuyến vượt biển để dẫn đường cho chúng tôi? Nếu chỉ có vợ chồng tôi trở về thì liệu chúng tôi có thể tìm lối về giữa núi rừng trùng điệp không? Và nếu đến được đỉnh đèo Rù Rì, liệu chúng tôi có thể đón xe trong lúc trời đêm khuya khoắt như vầy không?
Chồng tôi phá tan im lặng bằng câu hỏi đột ngột:
  “Nếu tôi dùng đèn soi đường cho vợ con tôi theo cách anh nói là không để ánh sáng tỏa xuống dưới có được không?”
  Hai người thanh niên vừa gật đầu ưng thuận, anh bảo tôi trao cho anh chiếc đèn. Rồi anh lục trong giỏ đưa cho tôi chiếc áo len của Tinô bảo thay cho nó và khuyên tôi tiếp tục lên đường.