Chương Sáu

Chúng tôi đều bất động nhìn theo hai người dẫn đường khi họ quay gót bước đi. Có lẽ mọi người, cũng như tôi, đang chịu cảm giác bị bỏ rơi lan tràn trong cơ thể nên đều hy vọng họ quay trở lại. Bởi vì dù được ghe đón đi hay phải trở về, chúng tôi vẫn cần có người hướng dẫn như rắn cần đầu. Niềm hy vọng mong manh của chúng tôi tan biến trong phút chốc khi hai cái bóng ẩn ẩn hiện hiện một lúc rồi biến mất. Con đường họ đi qua chỉ còn lại một luồng đá lam xám giữa hai rừng cây đen thẫm, kéo dài từ đỉnh núi xuống tận chỗ chúng tôi đang đứng và tôi đã rùng mình khi tưởng tượng khoảng không của con đường lam xám ấy được ắp đầy bởi nước. Nếu thế, nó thực sự là một dòng sông lớn với hàm lượng nước kinh hồn đổ xuống biển mà trung lưu của nó sẽ có những con thác cao nghều với sức nước vô kể. Tôi không biết vì sao hai người dẫn đường phát hiện được lòng sông khô này cũng như không hiểu vì sao họ chắc chắn là nó không còn hoạt động được. Tôi không biết tên của họ là gì và cũng không biết họ phải đích thực là người tổ chức chuyến đi không; nhưng họ đã để lại cho tôi một ấn tượng rất sâu sắc về chuyện dùng lòng sông khô để định hướng ra đến bãi. Nếu không phải đi cùng trẻ con, cách đi này thực sự tuyệt diệu cho việc thoát khỏi sự phát hiện của công an.
Nghĩ đến công an, tôi vội hối chồng tôi đi lên cao thêm chút nữa để tìm chỗ an toàn hơn. Mọi người đã họp thành nhóm riêng nhưng vẫn quây quần gần kề nhau. Trong khi chờ đợi, chúng tôi đã vắt khô áo quần và phơi chúng trên những cành cây. Chúng tôi không ở xa bờ lắm vì hình như ai cũng tin rằng vùng đất lầy đầy cây thấp trước mặt là khoảng cách đủ để chạy thoát khi thấy công an cập bờ. Thực sự là tôi không nghĩ nhiều đến điều tệ hại ấy. Mong tưởng trong tâm trí tôi vẫn là một chiếc ghe nào đó cập bờ rồi vài người bì bõm chạy vào với những cánh tay vẫy và những tiếng gọi í ới rộn ràng. Đã quá ba giờ mà không gian vẫn yên tịnh. Không một tiếng người kêu gọi cũng không có chiếc ghe nào xuất hiện từ vùng biển xa xa ở trước mặt. Thỉnh thoảng chúng tôi mới nghe được những tiếng sóng rì rào và tiếng gió vi vu đâu đó. Bầu trời càng lúc càng sáng trưng và mặt trời đã xóa hết niềm hy vọng của chúng tôi. Từ xa, màu xanh của mặt biển hiện rõ ràng và rất nhiều chiếc ghe qua lại ngoài khơi xa. Lúc ấy, mọi người đều hiểu chẳng có ghe nào dám rước người vượt biển trong thời điểm như thế nên tất cả đều đồng lòng cuốn xếp rồi lặng lẽ đi thành đoàn trở lên con đường cũ.
Cũng trong lòng sông khô này, nếu tối hôm trước, chúng tôi vất vả vì bóng tối và nước mưa khi đi xuống biển thì sáng hôm ấy chúng tôi chật vật khá nhiều với độ cao và sức nóng của không khí khi leo lên núi. Những khối đá cao nghều là những bức vách chắn tàn nhẫn đối với những đứa thiếu niên và người đàn bà mang theo con nhỏ như tôi. Lúc này hàng nút áo của tôi đã được cài kín và Tinô cũng có bộ đồ khô ráo nhờ gió biển và không khí ấm áp. Những tia nắng của mặt trời càng lúc càng nóng dần lau sạch các mặt ướt của đá tảng và làm ráo hoảnh cả lòng sông. Mọi người chuyện trò thân mật hơn vì nhìn thấy mặt nhau rõ ràng khi kề cận. Tôi có thể đếm được những người còn lại trong nhóm như người đàn ông với chiếc giỏ khổng lồ, người đàn bà và đứa cháu gái mười sáu, người đàn bà với hai đứa con trai tuổi thiếu niên, người đàn ông với đứa con trai nhỏ, một thanh niên trạc hai mươi lăm tuổi và ba người trong gia đình chúng tôi. Những người đàn ông thay nhau cõng những đứa nhỏ và cùng giúp chúng chuyền lên phía trên trong khi người thanh niên đi một mình thường xuyên giúp tôi cõng Tinô leo lên những khối đá. Trên đường đi tôi đã may mắn tìm được đôi dép rớt của mình.Vì đã quen đi chân không, tôi giữ nó trong giỏ như báu vật phòng khi phải quay trở về. Nghĩ thì nghĩ vậy, nhưng tôi vẫn hy vọng là ghe sẽ ra đón chúng tôi vào khuya ngày hôm sau như người đàn ông có chiếc giỏ khổng lồ nói. Càng leo lên cao, mồ hôi của chúng tôi đổ ra như tắm. Khi biết mình đã xa bờ biển khoảng sáu tiếng đồng hồ và đồng thuận là công an không thể nào đuổi bắt được nữa, chúng tôi bảo nhau tìm chỗ thuận tiện để nghỉ chân và ăn uống. Vợ chồng tôi đã chia thức ăn cho vài người trong nhóm và người thanh niên giúp tôi vận chuyển Tinô nhưng không hề cho ai một giọt nước nào. Vì vận động nhiều, hơn nữa trời khá nóng nên chúng tôi đều khát khô cuống họng nhưng vợ chồng tôi nhất định dành hai chiếc bình nước cho Tinô. Để chống khát, chúng tôi chỉ bỏ vài miếng chanh tẩm đường vào miệng. Tinô thì vẫn được ăn uống như yêu cầu.
Ăn uống xong, mọi người trong nhóm quyết định đi lên cao hơn. Khi tôi ẵm Tinô đứng dậy định theo mọi người, nó đã ré lên kinh hãi và đấm thình thịch vào ngực tôi. Lo lắng, tôi vội ngồi xuống khám toàn thân nó xem có bị hề hấn gì không. Mặc dù đã mười tám tháng tuổi, Tinô không phải là đứa nói thạo nên mỗi lần nó khóc tôi đều phải làm như thế. Tôi chưa kịp mở áo Tinô ra để kiểm tra, nó đã im phăng phắc nên tôi yên tâm ẵm nó đứng lên định bước đi tiếp. Tuy nhiên, chưa kịp bước được bước nào, tôi lại bị nó đánh thùm thụp vào ngực trong khi la hét kịch liệt. Chưa bao giờ Tinô có lối khóc và hành động kỳ lạ như vậy cho nên chồng tôi ngạc nhiên lắm. Anh cố gắng tìm hỏi nguyên nhân mà không thể tìm ra giải đáp, nên đành vò đầu bứt tai nhìn mọi người leo xa. Dù là thế, anh đã kiên nhẫn bảo tôi ngồi xuống an ủi, vỗ về xem Tinô muốn gì. Lạ lùng thay, giống như lần trước, hễ chúng tôi ngồi xuống là nó im như người đá. Đoán được là Tinô quá sợ hãi khi cảm nhận sự nguy hiểm của đường đi, nhưng tôi nhất định ẵm nó đi theo mọi người vì sợ lạc. Và như thế, đoàn người chúng tôi phải mang theo tiếng la khóc của nó trong lúc lần lượt theo nhau leo lên cao. Khi chúng tôi lên chóp núi, mặt trời vừa ngay trên đỉnh đầu. Trong lúc vừa lau mồ hôi vừa tìm bóng mát, chúng tôi phát hiện là người đàn ông có đứa con trai và người thanh niên không còn ở trong nhóm. Biết mình lạc tận trên cao trong khi ba người kia đã tẽ vào con đường nào đó bên dưới, chúng tôi rất hoang mang nhưng chẳng ai nghĩ đến chuyện đi xuống lại để tìm đường về. Trên đỉnh cao chót vót của núi, chúng tôi thấy rõ ràng những chiếc ghe có cờ đỏ đang luẩn quẩn qua lại quanh cửa biển của con sông khô. Thì ra bãi của chúng tôi đã bị động như sự loan báo của hai người dẫn đường. Sợ hãi, mọi người quyết định tìm chỗ núp trên cao chờ đến chiều tối mới tìm đường về.
Quá trưa, trời càng lúc càng nắng chang chang. Sức nóng của không khí làm ai cũng rát khô cuống họng. Vợ chồng tôi, vẫn như lần trước, chỉ dùng chanh tẩm đường để cầm khát chứ nhất định không dám uống một giọt nước nào. Những trái chùm ruột mà tôi để dành trong túi không còn nữa. Có lẽ do tôi bị té nhiều lần mà chúng đã rơi rớt lúc nào từ đêm hôm qua. Tinô đòi uống nước nhiều hơn thường ngày vì la hét quá nhiều và vì đầu trần ngoài nắng khá lâu. Sau khi nó uống xong bình nước nhỏ, chúng tôi đành phải lấy bình lớn ra cho nó uống luôn cho dù chúng tôi vẫn nghĩ đó là số nước dành dụm cho nó trên biển nếu còn được ghe bốc đi vào tối hôm ấy. Khi thấy Tinô tu nước, hai đứa con trai của người đàn bà kêu khóc đòi bà xin cho. Cầm lòng chẳng đặng tôi đã chuyền chiếc bình sang chỗ bà ngồi và căn dặn chỉ cho hai đứa nhỏ uống mỗi đứa hai hớp thôi. Người đàn bà không hề giữ lời hứa; bà đã nốc ừng ực sau khi cho hai đứa con bà uống thoải thích. Nhìn bình nước chẳng còn được là bao, chồng tôi bất bình ra mặt. Anh đã cằn nhằn là tôi không biết giữ của cho con. Tôi không phản ứng gì trước thái độ giận hờn của anh vì tôi hiểu sự lo lắng của anh là chính đáng; tuy nhiên, tôi cũng có lý do riêng của mình khi làm ngược lại điều lo toan của anh. Tôi biết là nhiều người lạc trong rừng đấu tranh với sự khát chẳng khác nào những người không có nước khi lênh đênh trên biển nhưng tôi không thể nào làm ngơ trước cảnh hai đứa nhỏ khóc la xin xỏ khi mình có bình nước trong tay. Càng nghĩ, tôi càng lo lắng chuyện không tìm được đường và tình trạng không còn bao nhiêu nước cho Tinô, rồi rủa thầm người đàn bà đoảng vị, có con nhỏ mà không chuẩn bị gì cho chuyến đi. Giận người thất hứa và giận mình quá tin người, tôi ngồi im, không hề đáp lại lời trách cứ nào của chồng tôi.
Người đàn ông có chiếc giỏ lớn, có lẽ đã quan sát mọi chuyện, lân la đến chỗ chúng tôi ngồi. Ông nói:
“Tôi thấy tham gia những cuộc mạo hiểm như vầy cần có tinh thần tương trợ và đoàn kết thì mới thành công được. Tối hôm qua thấy chị ẵm cháu lội mưa vượt núi tôi phục lắm. Thực tình là lúc đó tôi muốn giúp anh chị phần nào nhưng kẹt là tôi phải mang chiếc giỏ nặng quá.”
Đến ngồi gần chúng tôi hơn, ông rất nhỏ:
“Thú thực với anh là trong giỏ tôi chứa toàn hải bàn và hải đồ. Nhờ biết sử dụng mấy thứ này mà nhiều người tổ chức vượt biển cần tôi lắm. Tôi đã hợp tác với một tổ chức vượt biển khác rồi nhưng vì chuyến đó tính 'đánh' vào tuần tới lận nên tôi nhận lời chuyến này ai dè ra nông nổi như vầy. Chuyến này về, nếu anh chị muốn đi tiếp thì cho tôi địa chỉ liên lạc. Tôi nghĩ anh chị muốn đem theo thằng nhỏ của anh chị cũng không sao vì người tổ chức chuyến đó cũng lo mấy đứa con của họ đi.”
Chồng tôi nghe vậy thì mừng lắm. Sau khi nói chuyện với nhau một lúc, cả hai người kéo ra một chỗ riêng biệt để tâm tình thêm.