Chương Tám

Những vết cào xước bất thường trên thân thể của tôi không thể nào qua những cặp mắt tinh tường của chị T. Phương và T. Hồng nhưng họ không phải là những người thích tố khổ chuyện người khác cho nên chẳng làm nguy hại gì đến vai trò giáo viên tiên tiến của tôi ở trường Phước Tân. Trong buổi họp hội đồng giáo viên chiều thứ năm hôm ấy, khi nghe ông hiệu trưởng ca ngợi tôi cả hai đều kín đáo trao cho tôi những ánh nhìn câm lặng chứ không hề chọc ghẹo “Siêng cho cố!” như những lần trước. Có lẽ sau khi phát hiện bí mật của tôi, họ đã đoán được phần nào sự khác biệt giữa đam mê công việc và lý tưởng của tôi. Mê hoặc với môn Địa Lý và những phương pháp đặc biệt giúp cho học sinh tiếp thu bài ngay trong tiết dạy, tôi đã ghi danh thi giáo viên dạy giỏi thành phố và đạt danh hiệu này trong ba năm liền. Vốn siêng năng, lại đạt danh hiệu giáo viên giỏi thành phố, tôi đã được bầu là giáo viên tiên tiến của trường và thường được ông hiệu trưởng coi là biểu tượng tốt.
Các giáo viên lưu dụng trong trường thì trái lại. Những câu nói xa gần của họ cho tôi biết những thành tích của tôi chỉ là vật tế cho thành quả của ông hiệu trưởng mà thôi. Tôi còn biết là chẳng ai ưa sự làm việc thái quá của tôi nhưng làm sao tôi có thể nói cho họ hiểu là những việc tôi làm chỉ do đam mê và phục vụ cho học sinh chứ không phải vì thành tích lập công với người lãnh đạo. Tôi nhớ rất rõ năm đầu tiên tôi thi giáo viên giỏi thành phố. Buổi sáng, sau khi dạy bài Biển và Đại Dương lớp sáu do ban giáo dục chỉ định, tôi xách hành trang đi vượt biển ngay chiều hôm ấy. Ra đến bãi, nhìn biển và sóng tôi ngậm ngùi nhớ đến học sinh, các giáo viên dự giờ và những lời khen ngợi về bài giảng của mình. Làm sao tôi có thể giải thích cho mọi người hiểu được việc làm đầy mâu thuẫn của tôi khi mà phục vụ, hay “bon chen” không thể thay đổi được hoàn cảnh sống của gia đình tôi. Hơn thế nữa, tôi chỉ có một ước vọng là khi có con, các con của tôi không bị phân biệt đối xử và quyền công dân của chúng được tôn trọng tuyệt đối như một thời tôi đã từng sống trong đời.
Trong buổi họp ngày hôm đó, có lẽ hai người duy nhất không còn nghĩ tôi “bon chen” hay “lấy điểm cấp lãnh đạo” là chị T. Hồng và chị T. Phương. Chuyện “vạch áo cho người xem lưng” của tôi đã làm họ đoán được cái danh hiệu giáo viên tiên tiến mà tôi đạt được là kết quả của sự cần mẫn trong nghiệp vụ chứ không ngoài mục đích gì khác. Dù sao thì tôi cũng không lo lắng gì nhiều về thái độ giễu cợt hay khích bác của đồng nghiệp. Điểm tập trung của đôi mắt tôi lúc này là khuôn mặt hớn hở của ông hiệu trưởng. Ông đang vui vẻ báo cho mọi người biết là tôi sẽ có số tiền thưởng khi đạt danh hiệu tiên tiến năm này. Nghe ông nói mà lòng tôi thắt lại vì nghĩ đến chuyến vượt biển tại đèo Rù Rì. Nếu chuyến đi không bại lộ, và tôi đã ra khỏi nước, chắc chắn những lời tốt đẹp của ông sẽ trở thành những lời oán trách và nguyền rủa ghê gớm lắm. Nếu là thế tôi cũng chẳng oan uổng gì khi chính tôi là nhân tố làm ông bị kiểm điểm và khiển trách.  Giờ đây, tôi vẫn còn được xưng tụng, và đón nhận những ánh nhìn thiếu thiện cảm vì danh hiệu giáo viên tiên tiến. Nếu số phần của tôi vẫn còn ở trong nước như hiện tại thì tôi phải đành là thế mà thôi. Suy nghĩ như vậy nhưng tôi không hề có một chút vui nào khi đạp xe trên đường về nhà. Nhớ đến lời hứa của mình với Tinô trên núi tôi bỗng thấy lòng bứt rứt, không yên. Sau chuyến vượt biển trên đèo Rù Rì, vì nhận khá nhiều thông tin xoay quanh chuyện đi và ở, tâm trí của tôi không thể tập trung như trước đây. Càng nhớ lại những điều được nghe và nghe kể lại, tôi càng cảm thấy bần thần hơn.
Trước đó ba hôm, vợ chồng C. Sơn đến nhà để thăm hỏi sức khỏe con trai tôi, đồng thời trả lại cho số vàng mà chồng tôi nhờ giao cho người tổ chức mua dầu trước khi lên đường. C. Sơn tỏ vẻ rất ân hận khi thấy những dấu cào xước trên đầu và cánh tay của Tinô. Vuốt ve nó, nàng phân bua là nàng chỉ nghe chuyến đi theo đường rừng chứ không hề biết đường đi ra sao và bãi ở chỗ nào. Nàng còn nói là nếu biết chuyến đi nguy hiểm như vợ chồng tôi kể lại thì nàng đã cản không để tôi đem Tinô đi. Tôi nói là tôi hiểu sự bí mật của các chuyến đi như thế nào nên khuyên nàng đừng lo âu gì đến chuyện cũ. Tôi cũng đã bày tỏ lòng biết ơn về chuyện nàng chạy đôn chạy đáo tìm người dẫn đường đưa chúng tôi về khi nghe báo chúng tôi bị lạc. Sau một hồi, tôi lãng sang đề tài về những chuyện xa xưa trong thời trung học. Càng tâm tình, tôi càng cảm thấy xót xa nhận ra rằng hơn mười ba năm C. Sơn và tôi đã không hề có thì giờ trò chuyện lâu như thế. Trước khi dạy trường Phước Tân, tôi đã từng dạy trường Vĩnh Thọ, nơi xóm Cù Lao mà C. Sơn cư ngụ. Tại đó, tôi đã gặp lại Trang, em Út của C. Sơn và đã nghe rất nhiều về sự thay đổi trong đời sống của gia đình C. Sơn cũng như chuyện bôn ba mua bán hàng hải sản của nàng. Ngậm ngùi với những câu chuyện được nghe, tôi vừa thương thân phận của C. Sơn vừa thương thân mình nhưng chẳng bao giờ có thì giờ để nghĩ đến chuyện gặp nhau. Điên cuồng mưu sinh kiếm sống, tôi không còn chút thời gian để nhớ đến bạn hay nghĩ đến thời hồn nhiên đã qua. Những tà áo trắng, những chiếc nón lá, những xe đạp mi ni và những khuôn mặt tươi vui trong khi cười nói vô tư tinh nghịch của những ngày thân ái xa xưa như là những huyền thoại mà giờ đây khi nhắc lại chuyện cũ, tôi tưởng như nói về một chuyện cổ tích nào đó. Làm sao tôi có thể tin được người đàn bà với biết bao đường nhăn trên trán và bộ đồ không ủi là cô bé nữ sinh C. Sơn ngây thơ trong áo dài tơ trắng năm nào. Còn trong ý nghĩ của C. Sơn, có lẽ tôi thảm hại chẳng khác gì hơn.
Chồng C. Sơn trông rất chán nản. Trầm ngâm một hồi, anh nói là vợ con ông chủ ghe quá bất cẩn nên bị công an bắt ngay trên đường đi lên đèo Rù Rì, và là cũng vì bà ta tiết lộ bí mật khi bị tra hỏi nên công an đã cho tàu lùng sục đúng ngay bãi bốc người. Nhỏ giọng hơn, anh kể là ông chủ ghe đã khá may mắn khi được người quen lái ghe ra tận khơi báo tin. Vì ông không đưa ghe vào bãi bốc người, và vì công an không bắt được đám người lạc trên núi Rù Rì để làm bằng chứng nên ông vẫn chưa bị bắt. Sau một hồi im lặng, anh nói thêm là cho dù ông chủ ghe có còn bị công an theo dõi hay xét hỏi không, ông ta cũng sẽ không bao giờ dám tổ chức vượt biển nữa. Để giải thích điều mình vừa nói, anh nói cho chúng tôi  biết là chẳng còn ai ở xóm Cù Lao còn ý định tham gia vượt biên vì chỉ còn mười một ngày là các trại tị nạn đóng cửa. Sau khi hoàn tất cuộc độc thoại, chồng C. Sơn bất động với khuôn mặt ủ dột như thể anh là người thất bại sau chuyến lạc trên núi về và đắng cay vì không đi được. Điều này khiến tôi nghĩ rằng những người tổ chức có mối quan hệ rất thân thuộc và gần gũi với anh hoặc là anh ta cũng định tham gia chung với chuyến vượt biển ấy mà không được. Chồng tôi im lìm và trầm mặc không kém chồng C. Sơn. Suy nghĩ một hồi, anh đưa cho vợ chồng C. Sơn năm phân vàng để bù vào số thất thiệt của chuyến đi sau khi bị bại lộ. Nhìn C. Sơn cầm chiếc nhẫn với khuôn mặt xúc động mà tôi cảm thấy rưng rưng. Thời trung học, chủ nhật nào mấy đứa nữ sinh trong lớp học Pháp văn của chúng tôi cũng được ba mẹ C. Sơn mời đến nhà chơi. Trong những ngày chủ nhật ấy, chúng tôi thường hồn nhiên trên những chiếc xe đạp mi ni nối đuôi nhau qua cầu Xóm Bóng, lên Tháp Bà, đến Hòn Chồng rồi  vòng lại nhà C. Sơn ở xóm Cù Lao để ăn uống vui chơi từ trưa đến tận chiều tối mới về. Lúc ấy, tính tình phóng khoáng của ba mẹ C. Sơn và sự thết đãi bạn bè đầy thịnh tình của nàng có thiết tha gì với chiếc nhẫn vài phân vàng y như thế. Phải chăng sự cơ cực của hiện tại đã nâng quá cao giá trị của loại vật chất này?
Vợ chồng C. Sơn chào từ giã chúng tôi chỉ vài phút, anh Thảo, người đàn ông có chiếc giỏ lớn trên đèo Rù Rì, đến thăm chúng tôi. Giống như thông tin từ chồng C. Sơn, anh báo cho chúng tôi là ngày 1 tháng 4 năm 1989 sẽ là ngày đóng cửa của các trại tị nạn ở các đảo trong vùng Đông Nam châu Á. Ngoài ra, anh còn báo thêm là người chủ ghe của chuyến vượt biển mà anh tâm sự với chúng tôi trên đỉnh núi Rù Rì, sẽ khởi hành vào tuần sau. Sau buổi tối hôm ấy, anh thường tới nhà chúng tôi cập nhật những tin tức mới nhất với sự tin tưởng tuyệt đối. Thực ra, đối với chúng tôi, anh chính là người mà chúng tôi tín nhiệm nhất trong những người mà chúng tôi đã tham gia vượt biên chung trước đây. Ngoài khuôn mặt vuông vắn và cái mũi thẳng của người trung trực, những vật cần thiết cho hành trình vượt đại dương của anh khiến chúng tôi kỳ vọng anh sẽ là người hoa tiêu dũng cảm, vừa có tâm vừa có tài. Chúng tôi không hề hỏi quá khứ của anh, nhưng nghe anh nói về số tuổi và thời gian học tập cải tạo hơn mười năm của anh thì đoán là anh đã từng phục vụ trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa như ba chồng của tôi.
  Vài ngày sau, mỗi khi anh Thảo đến nhà là tôi phải đi dạy. Tuy nhiên, qua những lời kể lại của chồng tôi, tôi tưởng như mình thực sự nghe những lời thông báo của anh:
  “Chị Hạnh bạn tôi đã bỏ tiền ra mua ghe và tổ chức mọi thứ cho chuyến đi này để cho ba đứa con chỉ sớm qua Mỹ gặp ba của tụi nó. Chỉ phải hy sinh ở lại để thanh toán chi phí cho chuyến đi, cho nên nếu anh muốn tham gia chuyến đi này thì không cần phải giao vàng trước.”
“Chị Hạnh nói là nếu gia đình anh muốn tham gia cả ba người, thì chỉ chi hai lượng rưỡi vàng. Anh chỉ phải giao năm chỉ còn hai lượng kia chỉ sẽ đến nhà anh nhận sau khi người nhà anh nhận điện tín của anh từ trại gửi về. Theo dự tính, chuyến đi của mình chỉ có chừng mười bốn người. Bên mình một nửa, bên ghe một nửa.”
“Bãi đánh sẽ ngay cầu Xóm Bóng chứ không leo rừng leo núi như lần trước đâu. Anh không phải lo lương thực, nước uống vì chị Hạnh đã tính toán kỹ lưỡng cả rồi. Nếu anh còn muốn mang theo vật dụng gì nữa thì bỏ vào giỏ xách đưa cho tôi nhờ chuyển xuống ghe trước. Khi đi mình không mang giỏ xách gì cả.”
“Anh em mình sẽ giả làm dân đánh cá ra ghe nằm từ chiều chờ đến khuya đón đàn bà và con nít rồi đi luôn.”
  “Luật Quốc Tế như đinh đóng cột vậy anh à! Cao ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc đã quyết định đóng cửa các trại thì chẳng bao giờ có chuyện du di đâu. Nếu mình không đi chuyến này thì không còn dịp nữa vì chỉ còn vài ngày nữa là đến tháng tư rồi. Tôi nghĩ chuyến đi lần này có thể là chuyến đi cuối cùng của những người vượt biển ở thành phố Nha Trang!”
“Đi hay ở?”  Tôi đã câu hỏi này không biết bao nhiêu lần khi đạp những vòng xe. Nghĩ đến lời hứa của mình và tình trạng nguy hiểm và khổ sở của Tinô trên núi, tôi cảm thấy lòng mình bị dằn vặt đến cực cùng. Thế nhưng vài phút sau, các vấn đề lý lịch, tình trạng cư trú, và việc làm bấp bênh của chồng tôi hiện rất rõ trong từng ý nghĩ của tôi. Chúng đã hoàn toàn chế ngự những điều bận tâm xâu xé trong ý tưởng của tôi trước đó và thôi thúc tôi nên chụp ngay cơ hội ngàn năm một thưở để đưa con tôi vượt khỏi cái hoàn cảnh cơ cực và bấp bênh mà cả gia đình chúng tôi đang phải chịu đựng. Hơn thế nữa, khi nghĩ đến những mâu thuẫn và bất công của một chủ thuyết chính trị và thực tế xã hội đang diễn ra trên đất nước mình, tôi cảm thấy ngao ngán và tuyệt vọng. Mười bốn năm trải nghiệm với cuộc sống xã hội Cộng sản đủ để tôi quyết định đưa con mình ra khỏi nơi đây. Nhớ lại vẻ mặt thông minh và thành thật của anh Thảo, tôi hoàn toàn tin tưởng anh ta sẽ là người hoa tiêu tài tình đưa cho con tôi đến một tương lai sáng lạng trong những ngày sắp đến. Tin vào chuyện ở hiền gặp lành, sự ban ơn của thượng đế, và số phận của con người trên thế gian đều được xếp đặt dưới bàn tay của Người, tôi quyết định ra đi. Dứt khoát với sự lựa chọn này, tôi đã đạp vòng xe lại, quay về phía nhà mẹ ruột của tôi thay vì về nhà chồng. Tôi muốn gặp mọi người trong gia đình mình để chào từ giã, đồng thời mượn chiếc áo khoác có hai cái túi thật lớn của em gái ruột tôi trước khi lên đường.