Chương 2

Kế hoạch Quý ròm vạch ra thật sáng suốt. Nhưng sau hai ngày dò hỏi vòng vo, bọn trẻ chẳng thu lượm được một kết quả khả quan nào.
Những đứa học thêm tại nhà cô Trinh hầu hết là những học sinh ngoan ngoãn và xuất sắc. Chúng tìm đến với cô để nhờ cô dạy thêm và ôn luyện những bài tập mà thời gian eo hẹp trên lớp không cho phép cô mở rộng như ý muốn. Mỗi tuần cô dạy thêm hai buổi chiều, học phí hai chục ngàn một tháng. Nhưng với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, cô không bao giờ thu tiền. Cô xem như đó là cách giúp đỡ những học sinh nghèo hiếu học.
Tới ngày thứ ba, Quý ròm lắc đầu nói với nhỏ Hạnh:
- Chịu! Tôi chẳng tìm ra được kẻ khả nghi nào.
Thú nhận của Quý ròm chẳng khiến nhỏ Hạnh băn khoăn nhiều. Nó gật gù:
- Hạnh cũng nghĩ vậy. Thủ phạm chắc chắn không nằm trong số những học sinh học thêm với cô.
Quý ròm ngạc nhiên:
- Vậy theo Hạnh, ai là kẻ đã lấy cắp sổ sách giáo án của cô?
Nhỏ Hạnh lắc mái tóc:
- Hạnh không biết đích xác. Nhưng Hạnh nghĩ đó là một trong những học sinh bị xếp loại yếu trong học kì một vừa qua.
Quý ròm càng chưng hửng:
- Những học sinh bị xếp loại yếu?
- Ừ! – Nhỏ Hạnh thản nhiên – Chính những bạn này mới dễ nảy sinh ác cảm với cô.
Quý ròm gãi cằm:
- Nhưng đó là những đứa nào?
Nhỏ Hạnh không mù tịt như Quý ròm. Là lớp phó theo dõi học tập, việc xếp loại học lực nó nhớ như in.
- Có tất cả bốn bạn xếp loại yếu. – Nhỏ Hạnh bật từng ngón tay – Lâm nè, Quới Lương nè, Quốc Ân nè. Nhỏ Kim Em nữa.
Quý ròm khịt mũi:
- Thế Hạnh nghi ai trong số bốn bạn này?
Nhỏ Hạnh lắc đầu:
- Hạnh đã nói rồi. Hạnh không biết.
- Hạnh đừng có làm bộ. – Quý ròm “xì” một tiếng – Chắc chắn Hạnh đã có trong đầu một cái tên nào đó rồi.
Nhỏ Hạnh thoáng đỏ mặt trước kiểu nói đón đầu của Quý ròm. Nó nhăn nhó:
- Tất nhiên Hạnh đã có nghĩ tới một người. Nhưng Hạnh không muốn nói ra trong lúc này.
- Sao thế?
Nhỏ Hạnh thở dài:
- Nhỡ mình nghi oan cho người ta thì phải tội chết.
- Ôi dào! – Quý ròm đưa hai tay lên trời – Đây chỉ là phỏng đoán thôi. Có phải kết tội thật đâu mà Hạnh ngại.
Rồi thấy nhỏ Hạnh chẳng tỏ vẻ gì bị lung lạc, cứ im ru bà rù, Quý ròm liền thủ thỉ gạ:
- Hạnh cứ nói cho tôi biết đi. Nói nhỏ nhỏ cũng được.
Sự láu cá của Quý ròm khiến nhỏ Hạnh phì cười:
- Đã nói thì lớn nhỏ gì cũng thế thôi.
Quý ròm cũng toét miệng cười:
- Vậy thì nói đi! Hạnh nghi bạn nào vậy?
Bị Quý ròm dồn ép một hồi, nhỏ Hạnh đâm lưỡng lự. Sau một thoáng nhíu mày, nó mím môi:
- Quới Lương!
- Quới Lương? – Quý ròm bật kêu.
- Ừ.
Quý ròm thắc mắc:
- Hạnh căn cứ vào đâu mà nghi Quới Lương là thủ phạm?
Nhỏ Hạnh buông thõng:
- Học kì một vừa rồi Quới Lương bị xếp loại yếu.
Quý ròm có vẻ thất vọng trước cách giải thích đơn giản của bạn. Nó nhún vai:
- Thì những đứa khác cũng bị xếp loại yếu vậy. Sao Hạnh không nghi thằng Lâm, thằng Quốc Ân hay nhỏ Kim Em?
Giọng nhỏ Hạnh ráo hoảnh:
- Nhưng Quới Lương bị xếp loại yếu là do môn văn của cô Trinh. Điểm trung bình học kì của Quới Lương là 5,5 nhưng vì môn văn chỉ được 3,4 nên bị đánh tụt xuống loại yếu. Có thể vì vậy mà nó “cay cú” cô Trinh.
Lần này, những “tư liệu” do nhỏ Hạnh cung cấp đã thuyết phục được Quý ròm. Nó gật gù:
- Ừ, có thể lắm.
- Còn một điểm khả nghi nữa. – Nhỏ Hạnh tặc lưỡi – Từ hôm cô Trinh bị mất trộm đến nay, Quới Lương không hề đến lớp.
Nhận xét của nhỏ Hạnh làm Quý ròm giật thót. Nó quay phắt người lại phía sau. Quả nhiên, dãy bàn chót chỉ có thằng Lâm và nhỏ Bội Linh. Chỗ ngồi thường ngày của Quới Lương bị bỏ trống.
Quý ròm lẩm bẩm:
- Như vậy đích thị là thằng Quới Lương rồi.
Tiểu Long ngồi bên tay phải Quý ròm, từ đầu đến cuối mải lẩm nhẩm ôn bài sử cho tiết sau nên không để ý đến cuộc đối đáp của hai bạn mình. Nhưng đến khi thuộc xong, vừa gấp tập lại định nhét vào ngăn bàn, nó chợt nghe Quý ròm lầm rầm, liền quay sang:
- Thằng Quới Lương sao?
Quý ròm hạ giọng:
- Tao và Hạnh nghi nó lấy cắp sổ sách của cô Trinh.
Mặt Tiểu Long lập tức thuỗn ra:
- Sao tụi mày biết?
Trước cặp mắt giương tròn như mắt ếch của thằng mập, Quý ròm chẳng có cách nào khác hơn là nhăn nhó kể lại từ đầu.
Tiểu Long đầu óc vốn đơn giản. Nghe xong, nó chẳng nghĩ ngợi gì sâu xa, bộp chộp hiến kế ngay:
- Vậy tụi mình đi báo với cô Trinh.
- Báo thế quái nào được mà báo. – Quý ròm gắt – Cô hỏi chứng cớ đâu, mình lấy gì mà đưa ra?
- Cần gì chứng cớ. – Tiểu Long vẫn bướng bỉnh – Nếu cô biết thủ phạm là thằng Quới Lương, cô sẽ có cách bắt nó thú nhận. Và thế là cô sẽ thu hồi lại được những thứ đã mất.
Thấy Tiểu Long cứ khăng khăng đòi báo cô Trinh, Quý ròm đã định sửng cồ. Nhưng nó chưa kịp sừng sộ thì nhỏ Hạnh đã chen ngang:
- Long nói phải đấy. Bọn mình nên báo cho cô Trinh biết.
Bị hai mũi giáp công, Quý ròm đâm nóng gáy. Nó trợn mắt nhìn nhỏ Hạnh:
- Hạnh có điên không?
- Chả điên tí nào cả! – Nhỏ Hạnh trả lời bằng giọng điềm nhiên – Hạnh nghĩ nếu cô Trinh biết, cô sẽ đỡ lo lắng. Và sớm muộn gì cô cũng sẽ nghĩ ra giải pháp thu hồi lại sổ sách và giáo án của mình.
Quý ròm chỉ quen bắt nạt Tiểu Long. Với “nhà thông thái” Hạnh, trong mười cuộc đụng độ thì nó đã chịu lép đến chín. Lúc này cũng vậy, giọng nó bỗng chốc xụi lơ:
- Báo thì báo!
Hôm đó lớp 8A4 không có tiết văn nên phải đợi đến giờ ra về, bọn Quý ròm mới gặp cô Trinh được.
Cô vừa dắt xe đạp ra khỏi cổng, chưa kịp ngồi lên yên, bọn trẻ đã trờ tới ngay.
- Cô ơi cô! – Nhỏ Hạnh cất tiếng gọi
Cô Trinh quay lại và thấy ba đứa trẻ đứng sát ngay sau lưng, mặt mày đứa nào đứa nấy lộ vẻ căng thẳng.
- Gì thế các em? – Cô hỏi.
Nhỏ Hạnh ngập ngừng:
- Tụi em có chuyện này muốn nói với cô.
- Em nói đi! – Nhận ra vẻ nghiêm trọng trên gương mặt các học trò mình, cô mỉm cười ra ý khuyến khích.
Nhưng vẻ dễ dãi và nụ cười thân thiện của cô chẳng giúp nhỏ Hạnh bớt lúng túng chút nào. Nó cứ ngắc nga ngắc ngứ:
- Em… em…
Cô dịu dàng đặt tay lên vai đứa học trò bé bỏng:
- Em sao?
Cảm thấy sự ấm áp từ bàn tay cô, nhỏ Hạnh bình tĩnh hơn. Nó chớp mắt:
- Tụi em đã đoán ra bạn nào lấy trộm sổ sách của cô.
Cô Trinh tỏ vẻ bất ngờ trước câu nói của nhỏ Hạnh:
- Bạn nào thế?
Đã định báo với cô nhưng tới phút chót không hiểu sao nhỏ Hạnh lại đâm ra ngần ngừ. Thấy vậy, Quý ròm liền vọt miệng:
- Thưa cô, bạn Quới Lương ạ!
- Bạn Quới Lương?
Cô Trinh kêu lên, giọng không giấu vẻ sửng sốt.
Quý ròm gật đầu:
- Đúng là bạn ấy ạ!
- Sao các em biết? – Cô Trinh hỏi lại, mặt vẫn chưa hết bàng hoàng.
Quý ròm gãi gáy:
- Thưa cô, tụi em… đoán ạ!
- Ồ, thì ra thế!
Thú nhận của Quý ròm khiến cô Trinh thở phào. Và cô nói, giọng nhẹ nhõm:
- Nhưng chuyện như thế này không thể đoán càn được. Nếu không có chứng cớ thì các em không nên nghi oan cho bạn.
Lời nói hàm ý trách móc của cô làm bọn trẻ đỏ mặt. Quý ròm vùng kêu lên ấm ức:
- Thưa cô, tụi em không đoán càn đâu ạ. Tụi em đã suy xét kĩ lưỡng.
Lúc này cô Trinh đã lấy lại vẻ thư thái. Điệu bộ hăm hở của Quý ròm khiến cô phải cố lắm mới khỏi phì cười. Cô nheo mắt nhìn nó:
- Thế em đã suy xét như thế nào?
Tất nhiên Quý ròm không đọc được ý nghĩ của cô giáo. Thấy cô quan tâm, nó hùng hồn trình bày:
- Thưa cô, từ ngày mất sổ sách đến nay, bạn Quới Lương không dám đến lớp ạ.
- Sao em biết là bạn Quới Lương không dám đến lớp? – Cô Trinh nhẹ nhàng hỏi lại – Thế nhỡ bạn ấy bận chuyện gì hoặc đang ốm thì sao?
Câu hỏi vặn của cô Trinh làm Quý ròm chết đứng. Mặt nó đỏ nhừ nom đến tội. Thấy vậy, nhỏ Hạnh liền vội vàng lên tiếng “cứu bồ”:
- Thưa cô, còn một điểm đáng nghi nữa ạ.
- Ối chà, lại còn thế nữa. – Cô Trinh vờ rùn vai – Thế em tìm thấy điểm đáng nghi gì nữa thế?
Mặt nhỏ Hạnh vẫn nghiêm trang:
- Thưa cô, học kì một vừa rồi bạn Quới Lương bị xếp loại yếu ạ.
Cô Trinh tròn mắt:
- Thế thì sao? Có gì đáng nghi trong chuyện này đâu?
Nhỏ Hạnh bối rối đẩy gọng kính. Nó nói một cách khó khăn:
- Nhưng bạn ấy bị xếp loại yếu là vì… môn văn ạ.
Đến đây thì cô Trinh bắt đầu hiểu ra. Cô khẽ “à” một tiếng và gật gù:
- Chính vì vậy mà các em nghi ngờ bạn Quới Lương là thủ phạm?
Cô Trinh hỏi bằng giọng dịu dàng nhưng không hiểu sao Quý ròm và nhỏ Hạnh lại cứ có cảm giác như đang nghe một lời quở trách nghiêm khắc. Vì vậy không đứa nào dám mở miệng trả lời. Quý ròm đánh rơi đâu mất tật liến thoắng hằng ngày, nó cứ ngọ ngoạy đầu và dí dí chân xuống đất.
Trong một thoáng, bầu không khí bỗng trở nên nặng nề một cách khác thường.
- Thưa cô! – Cuối cùng, chính Tiểu Long, người chưa hề nói một câu nào từ nãy đến giờ, lên tiếng phá tan sự yên lặng ngột ngạt – Vì biết cô rất lo lắng về chuyện không may vừa rồi nên hễ bất chợt nghĩ ra một điều gì tụi em đều nóng lòng báo cho cô biết, hi vọng cô sẽ nhanh chóng tìm lại được sổ sách của mình, chứ thật ra tụi em cũng chẳng muốn nghĩ xấu về bạn Quới Lương đâu ạ.
Tiểu Long không phải là đứa giỏi mồm mép. Nó chỉ nghĩ sao nói vậy. Và hôm nay nó”nói vậy” nghe được quá xá. Thấy tâm trạng của mình được thằng bạn lù khù tự dưng thông minh đột xuất này giãi bày hộ, nhỏ Hạnh và Quý ròm thầm cảm ơn nó không để đâu cho hết.
Ngay cả cô Trinh cũng không nén được cảm động trước lời lẽ mộc mạc chân thành của Tiểu Long. Cô nhìn ba người học trò trước mặt bằng ánh mắt trìu mến và nói, giọng âu yếm:
- Cô rất cảm ơn các em!
Nói xong, cô quay mặt đi chỗ khác như để che giấu cảm xúc của mình.
Một lát, cô quay lại, giọng thoắt trở nên nghiêm nghị:
- Nhưng dù sao cô vẫn nghĩ các em nên dồn tâm trí vào chuyện bài vở hơn là vào các chuyện khác. Đừng lo cho cô. Cô tin là mình có thể tự xoay xở được.
Lần này, bọn Quý ròm chưa kịp nói một tiếng nào thì cô đã nhoẻn miệng cười và ngồi lên yên thong thả đạp xe đi.