- 4 -

Hoài Ân ngó theo rồi quay sang Thơm “ chị cô hả?” Thơm cười nhẹ “ không, khách hàng” Hoài Ân nhìn quanh, khách hàng sao chẳng mua gì hết đã đi mất rồi. Lòng xao xuyến anh ngắm lại lẵng hoa, đẹp quá, nhưng thua nét duyên dáng của nàng.
Hoài Ân đã đi làm, với cương vị phụ tá trưởng đại diện công ty mẹ tại VN chuyên mainboard và phụ kiện máy tính. Vài tháng nữa ông này về hưu về nước luôn, Hoài Ân sẽ thay ông. Công việc mới mẻ hào hứng trong môi trường toàn những người trẻ năng động. Hoài Ân đẹp trai, ngoại hình đạt điểm mười, lương tháng hàng ngàn đô, quan trọng nhất là chưa vợ, quan trọng hơn nữa là hình như cũng chưa có người yêu. Bấy nhiêu đó đủ khiến cho anh tuy mới vào làm mà nửa số nhân viên nữ đã..nộp số di động của mình cho anh. Hoài Ân quen tính tự do. Quan điểm của anh là.. chậc! ai thích anh chìu! Hoàn toàn tự nguyện chẳng ai ràng buộc ai. Sao lại phải bận tâm khi hai bên đều hài lòng?
Rồi cũng tới ngày Bình Minh về, vừa giơ tay định bấm chuông cô lẩn ngay sang một bên rồi đi thẳng ra lề đường như đón xe. Hoài Ân đang lên xe chắc chuẩn bị đi làm. Cô không hiểu sao mình làm vậy, nhưng chạm mặt Hoài Ân liền cô không có dũng cảm. Hoài Ân thoáng thấy cô gái đó, lái xe đi anh nhìn vào kính chiếu hậu, hơi nhíu mày khi thấy Ông Tư lăng xăng xách dùm đồ cho cô ta vào nhà. Chắc là Bình Minh. Hoài Ân thở ra. Nhiều đêm, mỗi khi tạm dừng tay lướt Web, anh ra hành lang, nhìn căn phòng vắng lặng có giàn hoa im lìm, những trái lựu xanh bơ vơ, lòng cứ ngạc nhiên tự hỏi, đúng là trước đây có một cô gái ở đó không? Gian phòng cô ấy và phòng anh lẽ ra đã thông nhau. “ Hai năm trước tự nhiên bà ngăn phòng rồi bảo tụi tôi gọi mợ hai là cô ba. Bà nói vì cậu lấy vợ khác rồi. Tụi tôi thương cô hết sức..” Ông Tư lầm rầm khi giúp anh sắp đồ trong vali ra. “ Bữa chia đồ đạc của cậu qua đây, bà khóc quá trời. Bộ đồ này chính cô đem qua treo lên đó..”. Hoài Ân cay cay sống mũi nhìn theo tay ông chỉ bộ đồ cưới ngày xưa. Phải, cô đó là vợ anh, chính anh đã rước về. Vợ! Hoài Ân không tài nào nhớ nổi mặt mũi vợ, chỉ biết “nó” nhỏ xíu, tóc cháy loe ngoe..
Sáu năm rồi, “ nó” ra sao nhỉ? Nhiều khi anh chạnh lòng thầm thương xót, mười bốn tuổi, theo anh về đây. Hai mươi tuổi, lại một thân một mình. Con gái mà, lên xe hoa một lần rồi, kể như mất duyên! Ờ, bây giờ nó thế nào nhỉ? Anh bâng khuâng nhớ lời bà Tư kể chiều qua, khi bà lên tưới cây, dọn dẹp phòng. “ Mai cô ba về rồi” bà bảo. Vốn nhiều lời, bà lan man kể chuyện về cô ba yêu quí của hai ông bà “.. hồi đó cô hay ra đây lắm, đêm nào cũng ra nằm đây, hai tay gối đầu, nhìn trăng nhìn sao.. ờ ờ.. chắc suy nghĩ.. Tôi phải lên ngó chừng hoài..” “ sao vậy?” bà cười tủm tỉm “ hồi đó cô còn nhỏ, cô.. mơ mộng một hồi rồi ngủ quên luôn, tôi phải đánh thức cô vô nhà. Có lần cô nhiễm lạnh bị bệnh, bà la quá, cô mới thôi không ra đây ngủ nữa” Hoài Ân chỉ giàn hoa “ hoa tên gì vậy? đẹp quá” bà cười đắc ý “ hoa vàng là kim đồng, hoa trắng nhụy đỏ là ngọc nữ. Cô trồng đó..”. Hồi còn ở xa, anh bỏ cô mà lòng chẳng hề áy náy. Anh cương quyết lấy lại tự do cho mình. Anh mặc nhiên coi như mình chưa vợ, thoải mái hò hẹn cặp bồ. Tuy chưa yêu ai nhưng anh vẫn bảo mình đã có người yêu rồi, dứt khoát chuyện xưa cho xong. Mẹ đầu hàng, và con nhỏ đó cũng đầu hàng! Thế nhưng chiến thắng của anh không có gì.. vẻ vang lắm vì thái độ cam chịu, có vẻ.. hửng hờ thờ ơ của con nhỏ đó. Ờ, nó thế nào nhỉ?. Bất giác Hoài Ân quay xe lại ngay. Ông Tư còn ngoài sân cười nói với hai bà hàng xóm, thấy cậu hai vội mở rộng cửa. “ Tôi để quên tài liệu”.
Cô gái đó ngồi bên mẹ, bộ đồ chiến sĩ mùa hè xanh và chiếc mũ tai bèo sau lưng, khuôn mặt đỏ ửng với mái tóc tém, đang cười tươi tắn, duyên ơi là duyên. Hoài Ân sửng sờ nhận ra cô gái ở hàng hoa... Mẹ vẫy tay, Bình Minh quay lại và nín bặt. Mẹ cười “ thật may, con lại đây. Hoài Ân, đây là Bình Minh”. Hoài Ân chưa kịp trấn tĩnh, Bình Minh đã gật đầu “ em chào anh hai”. Hoài Ân ngượng ngập “ chào cô” mắt anh không dứt ra được. “ Trưa nay con về sớm một chút, sẽ có một bữa cơm đặc biệt mừng Bình Minh về”. Hoài Ân gật đầu, thấy Bình Minh đứng lên, anh nói nhỏ “ lên phòng phải không, anh xách dùm cho, anh cũng lên lấy tài liệu”. Bình Minh lúng túng, đưa túi xách cho anh rồi cùng lên lầu.
Họ đứng bên dàn hoa im lặng nhìn nhau nảy giờ, không biết nên nói gì. Vợ chồng gặp lại sau sáu năm xa cách mà như vậy đó. Giọng Hoài Ân thật nhẹ “ Minh, em.. nhận ra anh phải không?” Chưa ai gọi tên cô cụt ngủn như vậy, nghe lạ tai làm sao! Bình Minh mỉm cười “ thế anh nghĩ người vẫn gửi mail cho anh là ai?” “ anh biết. Lẽ ra khi anh tặng lẵng hoa, mẹ khen đúng ý bà quá, bà Tư bảo sao giống kiểu cô ba hay cắm.. anh phải nghĩ ra..” Anh lại nhìn cô, ánh mắt dịu dàng “ em thay đổi nhiều quá Minh ạ!” Bình Minh rưng rưng, câu nói gợi lại biết bao nổi niềm “ anh cũng thay đổi vậy. Sáu năm rồi còn gì”. Hoài Ân thở ra “ Ừ, sáu năm, nếu ai bảo anh có chuyện lọ lem biến thành công chúa, anh không tin. Ý anh không nói ngày xưa em.. là lọ lem, nhưng quả là không còn nhận ra.. con bé anh.. cưới hồi xưa”. Bình Minh nhói lòng “ nhắc làm gì chuyện xưa ấy, thôi em vào đây”
Hoài Ân vào phòng, ngả người giang hai tay ra giường, nằm im một lát rồi bật ngồi lên, cười khan. Bình Minh, con bé Búp!. Không thể ngờ được. Anh lắc đầu. Anh hai! cô ấy gọi anh là anh hai. Một cô em gái ngang xương!
Hoài Ân xuống sớm, rót trà cho mẹ, tự pha cho mình tách cà phê, thong thả nhấp một ngụm. Anh liếc lên lầu hai ba lần, rồi mới làm bộ lơ đảng “ Bình Minh chưa xuống à?” mẹ cười “ em con tới trường sớm, tổng kết chiến dịch” “ chiến dịch gì vậy mẹ?” bà Thông bưng tách trà uống từ từ “ Mùa hè xanh, cứ tới hè là mấy ông đoàn phát động thanh niên tình nguyện tới mấy vùng sâu vùng xa giúp đỡ bà con, mẹ chỉ biết loáng thoáng. Bình Minh năm nào cũng đi, vừa rồi về quê nó dạy học nên nó hăng lắm”. Hoài Ân hiểu, hồi đó anh cũng là cây phong trào. “ Gần giỗ ba rồi, mẹ tính thế nào”. Bà Thông gật đầu “ để chờ Bình Minh về rồi bàn luôn”. Hoài Ân cười “ con trai mẹ xem ra nhẹ ký hơn con gái” Mẹ cũng cười “ mọi năm nó sắp xếp hết. Chắc con không biết, giỗ ba má nó cũng làm cùng ngày với giỗ ba con” “ sao vậy mẹ?”. Bà Thông nhìn tấm hình ông Thông treo trên tường “ cha con và cha Bình Minh kết nghĩa trên chiến trường, thề không cùng ngày sinh, nhưng sẽ cùng ngày giỗ, ai chết trước thì sẽ lấy ngày đó làm giỗ chung cho hai người. Ba con có dặn mẹ, mà ba Bình Minh lúc gần tắt hơi cũng có nhắc khi nhờ mẹ chuyển lời.. gửi con gái cho con” giọng bà hơi nghẹn. Hoài Ân lúng túng. “ mẹ, con.. con nghĩ.. Bình Minh là.. con gái mẹ cũng tốt. Con sẽ.. ờ ờ.. chăm sóc cô ấy.. như..ờ ờ..” Bà Thông phì cười xua tay “ còn một thứ mẹ muốn nghe con bàn. Bao giờ mới cho mẹ thấy mặt cô đó?” “ con chưa tính” “ vậy sao hồi đó viết thư về nói như là..” Hoài Ân làm thinh. “ Thì hôm nào dẫn cổ tới nhà xem sao?” Hoài Ân nhíu mày, lát sau anh gật đầu “ vậy chủ nhật sau con mời hai anh em Thủy Tiên tới chơi ” “ mời anh cô ấy làm gì?” “ cho vui, anh Thủy Tiên là nhạc sĩ, lè phè phất phơ lắm, với lại để.. Bình Minh cũng có bạn nói chuyện ”. Bà kín đáo nhìn con “ nếu vậy để mẹ bảo Bình Minh mời Phong tới” “ Phong?” “ ờ, bạn trai Bình Minh đó, được lắm” Hoài Ân phật ý! coi bộ mẹ thoải mái khi Bình Minh có bạn trai. “ Phong là kiến trúc sư, chững chạc từng trải lắm, có điều nó lớn tuổi hơn Bình Minh nhiều. Mẹ có hỏi tình cảm hai đứa đến đâu rồi, Bình Minh nói chúng chỉ là bạn. Bình Minh tính tình kín đáo, nếu yêu ai mẹ không chắc nó chịu thố lộ. Hoài Ân à, mẹ thật tiếc cho con, nói thật đi, con chê Bình Minh chỗ nào?”. Hoài Ân nhíu mày “ có chê gì đâu. Nhưng con tin vợ chồng là duyên nợ, như con và Bình Minh đó, cưới rồi, động phòng rồi mà còn.. chưa thành. Duyên nợ sẽ tới với những người có duyên nợ. Bình Minh muốn mời Phong thì tuỳ..” Tay lơ đãng lần giở một cuốn album trên tủ đầu giường mẹ. Bỗng Hoài Ân chú ý một tấm hình, Bình Minh mặc đồ sơn nữ dễ thương không chịu được bên cạnh mẹ, hình như anh có cái hình tương tự, nhưng chỉ có mẹ với thác nước!. Anh nhăn nhó hiểu ra. Cô đã chủ động ra khỏi đời anh từ lâu. Anh đứng lên mượn mẹ mấy cuốn album rồi định ra. Mẹ vói theo “ vậy chủ nhật mời Thủy Tiên tới chứ?” Hoài Ân quay lại cười cười “ mẹ có con gái rồi còn mong con dâu chi nữa?” Ủa, thằng này ngộ, nó làm như con gái với con dâu là một vậy!
Hoài Ân chậm chạp giở từng trang album, anh nhận ra ngay. Không có tấm nào mẹ chụp một mình. Anh nhận ra thêm mấy tấm quen thuộc nữa. Không cần mở laptop kiểm chứng nhưng anh chắc chắn cô em này đã dở trò gì với mấy tấm hình trước khi gửi cho anh. Cũng tinh quái đấy, dám qua mặt mẹ! Hoài Ân mở cuốn album mỏng mỏng. Chính là ảnh cưới. Anh chăm chú lật từng trang. Như một cuốn phim quay chậm, cái đám cưới chạy tang não lòng không một lần Hoài Ân nhớ tới, dần dần sống lại. Đây là Bình Minh, anh muốn cười mà không cười được. Nét mặt sợ hãi âu lo của đứa trẻ gầy gò trong hình làm Hoài Ân nhói lòng. Lúc đó bác Kha bệnh nặng lắm. Ông đây rồi, người đồng đội thân thiết của ba, tuy nghèo nhưng lúc nào cũng lạc quan, người chiến binh cười nói sang sảng ngày nào, giờ ốm đau khắc khổ, gắng gượng đưa con gái về nhà chồng, nét mặt ông như thể đưa con vào đất địch!.