Người dịch: ĐẶNG VĂN VIỆT
- 7 -

9. Cuộc múa kiếm

 

“Tôi luôn tin là Ngài có thể điều khiển cuộc kháng chiến”
Những ngày đầu của tháng 3-1945, những tin không vui dồn dập đến với các nước thuộc khối trục tay ba. Những cánh quân Đồng minh Âu châu, hồng quân Liên Xô khép chặt vòng vây nước Đức. Nước Italy đang trên bờ vực phải đầu hàng. Hạm đội Mỹ áp sát nước Nhật. Lực lượng không quân Nhật nhỏ bé trở nên bất lực trước những trận không kích dữ dội của không quân Mỹ - Anh vào Okinawa, vào quần đảo Marian (Mariannes). McArthur đánh chiếm Manile, ở Đông Dương, dù được thả xuống Lạng Sơn, ở Hà Nội những bàn tán bí mật của những người kháng chiến không qua được mắt của Kempetai, một tổ chức do thám của Nhật. Giờ phút phải nghĩ lại đường lối chính trị của mình đã đến, nghĩa là quân đội Nhật phải bảo vệ hậu phương của mình. Ngày 9-3, một tối hậu thư được gửi đến đô đốc Decoux, buộc quân đội Pháp phải được giải giáp, hạn trong hai tiếng phải thi hành. Trước thời hạn cuối, tất cả các đồn luỹ của quân đội Pháp đều bị bao vây trên toàn cõi Đông Dương. Trong khi ấy, thì đô đốc Decoux, tướng Aymé và một số sĩ quan cao cấp bị bắt giam trong lâu đài Norodom ở Sài gòn. Tại Hà Nội, tướng Mordant, người chỉ huy các lực lượng thì chạy trống vào một nhà bác sĩ, cuối cùng rệu rã đến tột độ, phải ra đầu hàng quân Nhật.
Chiều ngày 10-3, vua Bảo Đại vừa qua hai ngày đi săn về nhận xét thấy có những biến động bất bình thường của quân đội Nhật xung quanh Hoàng thành Huế. Hôm sau, viên đại sứ của Nhật hoàng xin yết kiến nhà vua. Cuộc gặp gỡ diễn ra thân mật, đại sứ Yokoyama nói bằng tiến Pháp với nhà vua và tuyên bố:
“Kính tâu Hoàng đế, nước Nhật chúng tôi buộc phải nắm vững trong tay xứ Đông Dương vì những hoạt động lật đổ của các lực lượng kháng chiến Pháp đang tiến hành ngấm ngần. Lực lượng này nhận những vũ khí và có ý định làm cản trở các cuộc hành quân của quân đội Nhật. Chúng tôi bắt buộc phải tiến hành mổ xẻ cái ung nhọt này, mặc dù đất nước chúng tôi đã có những cam kết duy trì chủ quyền của nước Pháp. Nhưng nước Nhật chúng tôi luôn giữ tình hữu nghị với các nước và các dân tộc ở Đông Dương.
Thưa Hoàng đế, đêm hôm qua chúng tôi đã chấm dứt chủ quyền của nước Pháp với nước ngài. Tôi được uỷ nhiệm trao cho Hoàng đế nền độc lập của nước Việt Nam”.
Với sự đồng ý của quân đội Nhật, ngày 12, Bảo Đại ban hành bản tuyên bố sau:
“Dựa theo tình hình thế giới và tình hình châu Á nói riêng, Chính phủ nước Việt Nam tuyên bố công khai là từ ngày hôm nay, hiệp ước là thuộc địa của nước Pháp (kể từ 1884) bị huỷ bỏ và đất nước Việt Nam giành lại quyền độc lập của mình”.
Ông vua trẻ Norodom Sihanouk nước Campuchia và ông vua già Sisavang Vong của nước Lào phải đành chịu từ bỏ những hiệp định ràng buộc họ với nước Pháp và buộc phải gia nhập vào khối Đại Đông Á. Những người Việt Nam thì ở thế chờ đợi. “Trời đã bỏ rơi người Pháp” họ nói vậy, họ nghĩ như là một định mệnh đã đến, “một đòn chí mạng” đã đánh vào uy tín người Pháp. Ở Nam Bộ sự bất ngờ gần như là hoàn toàn, quân đội Pháp bị giải giáp nhanh chóng. Ở Trung Bộ và ở Bắc Bộ, một số quân Pháp tránh được âm mưu của địch, chạy trốn được vào vùng rừng núi hoặc chạy được sang Trung Quốc. Một số đơn vị chống cự anh dũng, nhưng đều bị đè bẹp và bị tàn sát một cách man rợ. 50 năm sau, hình ảnh về sự tàn bạo của quân đội Nhật còn để lại sự công phẫn.
SỰ LẠM THU CỦA QUÂN ĐỘI NHẬT
Tại Đồng Đăng, đại uý Annosse chống cự với quân Nhật suốt ba ngày liền. Tên sĩ quan Nhật khen lòng dũng cảm của ông, rồi ra lệnh chặt đầu Annosse trước hàng quân. Tối đến, 52 người khác bị lính Nhật chỉ định một cách may rủi, chúng ra lệnh lột hết quần áo, bắt quỳ gối bên cạnh những cái hố rồi đều cho cùng chung số phận chôn sống, xử trảm. Trong những người trên, có một người, đó là y tá Fernand Cron. Như một tia chớp, anh nhào sớm hơn theo mũi kiếm của tên đao phủ vào đống xác người. Lưỡi kiếm chỉ sạt qua bắp thịt ở cổ anh. Khi trời tối, bọn sát nhân đã đi xa, anh kêu se sẽ. Không một tiếng trả lời. Anh ngoi ra từ đống bùng nhùng, nào là xác chết, nào là máu mê, với một sức mạnh phi thường. Anh sờ gày, tìm ra vết thương. Bằng hai tay anh ôm lấy đầu, mò theo một đường mòn đi lên núi. Anh cắm đầu chạy. Anh đến một ngôi làng thổ dân miên núi. Dân làng chăm sóc anh theo khả năng của họ, họ giấu anh vào một cái hang trong vài ngày. Anh tiếp tục cuộc chạy trốn vu vơ. Bắt gặp một đại đội của đại uý Michel, thuộc trung đoàn 3 Bắc Kỳ, đang tìm đường chạy sang Trung Quốc, anh ta xin nhập đoàn quân ấy.
Ở Lạng Sơn, quan sứ Camille Auphelle và tướng Émlile(1) bị bắt sau một sự lừa dối. Hai ông từ chối không chịu kí vào lời kêu gọi binh sĩ đồn trú ở các bốt ra hàng. Chúng đưa hai ông đến cạnh một cái hố và dùng kiếm chặt đầu. Ngày 18-11-1946, trong một cuộc đào bới ở một hố chôn người cạnh hang Kỳ Lừa thuộc thành phố, xác của Lơmônggiê được tìm thấy, hai cánh tay bị trói và còn có cả phù hiệu cấp tướng. Ngoài ra, còn đại tá Robert, một sĩ quan kiên cường dũng cảm, xứng đáng là một vị chỉ huy kháng chiến, điều mà bọn Nhật biết trước, cũng chịu chung số phận ở cạnh một cái chùa giữa thành phố. Bọn Nhật kết liễu các thương binh bằng lưỡi lê, chúng dùng bọn lĩnh đông để đi khiêng xác. Trong một số phố, để lấy cung hay làm nhục, lính Nhật dùng những cực hình như: dìm xuống nước, tra điện, đánh đập, nhốt nhiều người trong một cái lòng gỗ, bắt quỳ, không cho cựa quậy, nhúc nhích, trong 12 tiếng dưới trời nắng chói, bên cạnh những hố phân hôi thối.
Ngày 10-3-1945, hôm sau ngày đảo chính, de Gaulle đã điện cho Mordant:
“Tôi có những yếu tố để tin tưởng là ngài có thể điều hành công cuộc kháng chiến kéo dài cho đến khi những hoạt động bên ngoài của Đồng minh phối hợp đưa chúng ta đến thắng lợi”.
Và qua đài truyền thanh, ông đã công bố cho cả nước:
“Sự thật là chưa bao giờ Liên bang Đông Dương tỏ ra dám đối đầu với kẻ thù từ phương Bắc như bây giờ, cũng như dám quả đoán tự tìm cho mình, với sự giúp đơ của mẫu quốc, những điều kiện để phát triển về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, đạo đức, nơi đây là tiền đồ lớn của nó. Từ đây bức màn đã mở toang. Chính phủ Pháp sẽ thông tin liên tục những đường đi nước bước trong việc thực hiện ý đồ này”.
Những cầu nguyện cũ kỹ, những lời tốt đẹp đã đi trước bản Tuyên bố của chính phủ lâm thời về Đông Dương (24-3-1945). Theo Henri Laurentie, người phác thảo bản tuyên bố này còn thoáng hơn bản tuyên bố ngày 8-12-1943. Đối với văn bản này, phe Đồng minh không quan tâm, nhưng với Hồ Chí Minh đó là một tia hy vọng về độc lập. Trái lại, phái đoàn đại diện người Việt ở Paris, tỏ ra lo ngại. Họ không nhầm, vì băn bản này có hai điều dẫn đến những kết luận tai hại: đó là sự từ chối cho độc lập và thống nhất của nước Việt Nam mới. Trên đất Việt Nam, những đại diện của ba kỳ (Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ) không tìm ra lối thoát. Đảng của ông Hồ Chí Minh, lúc ấy đã trở thành lực lượng chính đối đầu với quân đội Nhật, vì quân Pháp đã bị loại trừ hết rồi.
Sự thiệt hại về quân sự lên đến 2.700(2) người Pháp và những người sống sót còn lại là dân thường và quân nhân sau những trận khủng bố của quân đội Nhật, đều bị tập trung vào các trại giam tù binh khủng khiếp, như trại Hoà Binh hay còn gọi là “trại chết mòn” vì nó nằm trong vùng nước độc. Những gia đình Pháp được tập hợp lại trong những thành phố đều bị dồn 4-5 người vào một phòng. Những ý thức về bạo lực, về hải ngoại, về giành độc lập được khuyến khích trên các báo và đài phát thnh. Tình trạng trên kéo dài 7 tháng ở Nam Kỳ và đến một năm ở Bắc Kỳ.
Về đội quân rút sang Trung Quốc, xin kể hai sự kiện mà ít người biết đến;
• Philippe Héluy đã kể rằng đại uý Gaucher của trung đoàn 5 lê dương, ngày 1-4 đến thung lũng Điện Biên Phủ, nơi đây có quân Nhật. Sau một cuộc chạm trán mạnh và tự thấy lường sức không chống cự được mặc cho có sự viện trợ của một đại đội của 5e RIC(3), ông phải tính chuyện rút qua đất Lào gần đấy. Chín năm sau (13-3-1945) cùng viên sĩ quan ấy, nay đã là trung tá và chỉ huy trưởng lữ đoàn 13 lê dương (của Bir Hakiem), bị tử trận ở nơi này, trong đồi A1 (Béatrice)(4) cùng với 450 lính lê dương.
• Sự kiện thứ hai: Kể lại về vụ thảm sát ngày 4-4 của quân Nhật, với các thương binh còn nằm lại ở Điện Biên, số thương binh này không sơ tán được vì máy bay hỏng, nó chuyên dùng để đưa đón một phái đoàn của DGER, trong đó có Pussy và Langlade. Theo ông Jacques de Folin, phái đoàn này do de Gaulle gửi đến, có ý nghĩa với tướng Sabartier, lúc ấy đang ở thế khó khăn, là chuyển một mệnh lệnh: “cố giữ một mẩu đất dù nhỏ để làm chỗ xuất phải cho cuộc vận động chính trị đối với toàn cõi Đông Dương”.
Dù sao, những cố gắng của tướng Blaizot cũng đi đến những kết quả nhất định. Ngày 30-4, ông được mới đến dự hai cuộc gặp gỡ: một với nguyên soái Tưởng Giới Thạch, hai với viên tướng Mỹ Wendemeyer - chỉ huy các lực lượng Mỹ ỏ Trung Quốc. Những cuộc thương lượng đã đi đến kết quả là: các lực lượng quân sự Pháp chạy trốn sang Trung Quốc được đón tiếp tử tế và sẽ được tạo điều kiện thuận lợi cho việc trở về. Quân số gồm 4.000 người.
Ngày 25-4, trước khi lên đường đi Trùng Khánh, tướng Blaizot nhận được lệnh của De Gaulle về việc thay đổi nhiệm vụ chỉ huy của ông: tướng Blaizot bị tước một phần lớn nhiệm vụ, phải nhường quyền cho tướng Sabartier đang bị cô lập và đang gặp nhiều khó khăn. Sabartier được phong làm Tổng đại diện của Chính phủ Pháp ở Đông Dương kiêm Tổng chỉ huy. Tướng Blaizot buộc phải bỏ chuyến đi, và những bạn “nô lệ vong quốc”, như người Trung Quốc hay chế giễu. Bọn này sau đấy phải lang thang gần suốt một năm. Bị bạc đãi nhưng là những con người đầy thử thách. Đến tháng 4-1946, Blaizot mới trở về Bắc Kỳ. Tháng 6 năm áy, tướng Leclerc đổ bộ xuống Điện Biên để uý lạo những người thoát nạn, mà đứng đầu là đại tá Quilichini từ Pháp sang theo đường Côn Minh, có mặt từ tháng 10-1945, là một cựu chiến binh thuộc 2èDB(5) từ Cameroun về. Leclerc với con mắt tinh đời liếc nhìn những đỉnh núi bao quanh, ông thốt lên: “Mảnh đất đáng nguyền rủa này!”.
Chú thích:
(1) Đại lộ ở Paris giữa đường Louvre và Jardin des Tuilesies, mang tên ông. Ông là người chỉ huy Lữ đoàn số 3 của Sư đoàn Đong Dương, là đơn vị có 460 người bị sát hại sau khi đầu hàng…
(2) Gồm 1 cấp tướng, 9 đại tá, 20 trung tá, 60 đại uý, 91 trung uý và thiếu uỷ, 690 hạ sĩ quan trong số này phần lớn bị sát hại bằng lưỡi gươm, lưỡi lê hay lưỡi cuốc theo cách thông thường mà quân Nhật hay dùng trong năm 1945. Về phần thiệt hại, Brêhêrê kể lại một câu mà tướng De Gaulle nói với một sĩ quan: “nước Pháp đã mất trong cuộc kháng chiến 100.000 người, không thể cho phép xứ Đông Dương được giải phóng mà đối phương không phải trả giá với số 10.000 người của họ…”.
(3) 5e RIC: 5e Régiment ìnanterie colonial - Trung đoàn bộ binh thuộc địa số 5.
(4) Đúng ra là Him Lam.
(5) 2èDB: 2è Division blondée - Sư thiết giáp số 2.