Người dịch: ĐẶNG VĂN VIỆT
Lời tựa
Nguyên bản tiếng Pháp: "L’Aveuglement, De Gaulle face à l’Indochine"

 
Pierre Quatreponit, thời kỳ 1940-1945, là một thanh niên yêu nước, yêu thích binh nghiệp, đã trở thành một sĩ quan của trường Saint–Cyr trong thời gian xảy ra trận đánh Điện Biên Phủ (1954). Không được tham gia chiến tranh Đông Dương, nhưng Quatreponit rất quan tâm đến những gì xảy ra nơi đây.
Hoà bình đến, sau một chuyến đi Việt Nam về, Quatreponit nảy ra ý nghĩ tại sao nước Pháp sau Chiến tranh thế giới thứ hai, đang ở trong tình trạng suy sụp kiệt quệ, lại để xảy ra một cuộc chiến tranh kéo dài chín năm, với một dân tộc có bề dày lịch sử lâu đời có khi còn lâu hơn thời gian lịch sử của nước Pháp, một dân tộc có truyền thống yêu độc lập, yêu tự do, hoà bình, hữu nghị, có sức sống mãnh liệt, có tinh thần đấu tranh liên tục giành quyền sống của mình, để rồi đi đến kết quả là mất xứ Đông Dương, một mất mát tuyệt đối: cả về quân sự, chính trị, kinh tế, văn hoá và ngoại giao.
Quatreponit suy nghĩ đã đến lúc phải đưa ra ánh sáng nhiều vấn đề mà giới báo chí, giới chính trị thường né tránh nói đến. Ông đã sưu tầm tư liệu và viết cuốn: Sự mù quáng của tướng de Gaulle đối với cuộc chiến ở Đông Dương.
Mở đầu cuốn sách Quatreponit nói đến đặc điểm của đất nước và con người Việt Nam. Ông nói đến đường đi nước bước sự xâm nhập của nước Pháp vào Đông Dương từ thế kỉ thứ XIX như thế nào - “Đạo đi trước, quân theo sau”.
Thông qua cuốn sách, tác giả đã cho chúng ta thấy một số sai lầm lớn của De Gaulle.
1. Quên bài học
Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, rút ta bài học cay đắng mà nhân dân Pháp đã phải chịu đựng dưới thời phát xít Đức chiếm đóng, đúng ra De Gaulle phải buông tha các thuộc địa, trả lại độc lập, tự do. Trái lại, ông đã chủ trương trở lại, và lập lại chủ quyền của nước Pháp trên các thuộc địa, trong đó có Đông Dương.
Đằng sau De Gaulle còn có những trùm tư sản thuộc địa, họ không muốn bỏ rơi món mồi béo bở cũ: đồn điền, hầm mỏ, nhà máy…
2. Sai lầm trong dùng người
 
De Gaulle đặt tin tưởng tuyệt đối vào d’Argenlieu một thày tu trở thành Đô đốc, một con người chủ quan, kém sáng suốt, tham chức, tham quyền không có kinh nghiệm chiến tranh thuộc địa, lại làm Cao uỷ, kiêm Tổng tư lệnh.
Cùng một lúc De Gaulle phái Leclerc làm chỉ huy quân sự, nhưng chỉ còn nắm bộ binh; đặt một tướng 4 sao dày dạn kinh nghiệm dưới một đô đốc 2 sao, hữu dũng vô mưu; mâu thuẫn giữa Leclerc và D’Argenlieu về chiến lược, sách lược không dung hoà được, cuối cùng Leclerc phải ra đi.
Blaizot và Sabatier là hai đại tướng có kinh nghiệm trong cuộc chiến tranh Đông Dương, vì không ăn cánh, de Gaulle cho thải hồi bằng những lời lẽ bóng bảy để về Pháp, ngồi chơi xơi nước trong Hội đồng Quốc phòng chờ ngày về hưu.
3. Sai lầm về bảo thủ, không lắng nghe lẽ phải
- Nếu ý kiến của Leclerc được chấp nhận, chiến tranh đã không xảy ra.
- Nếu nghe lời khuyên của Mountbatten, Tổng chỉ huy quân đội Đồng minh ở Viễn Đông - Trong khi thế giới đang có xu hướng phi thực dân hoá, thì Đông Dương là xứ đang nằm ở giữa, vẫn bị trở lại chế độ thuộc địa. Nước Pháp ở xa cách 12.000km lại với một lực lượng nhỏ bé, trở lại xam lược là một phiêu lưu khó thành công - đã không có chiến tranh Việt - Pháp và cả chiến tranh Việt - Mỹ.
4. Sai lầm về bỏ lỡ những thời cơ lập lại hoà bình
Sau chiến bại ở biên giới Việt Nam năm 1950, nếu Pháp thấy hệ thống xã hội chủ nghĩa (Trung Quốc, Liên Xô và các nước Đông Âu) đã kề vai sát cánh với Việt Nam, thế và lực đã thay đổi, nếu lúc ấy đặt vấn đề hoà bình thương lượng, thì phía Pháp còn cứu vãn được nhiều quyền lợi; sau Điện Biên Phủ nếu Pháp biết chịu nhân nhượng thì quyền lợi nước Pháp còn ít nhiều được cứ vãn. Rước Mỹ vào thay thế để đi đến thất bại, Mỹ mất hết và Pháp cũng mất hết.
5. Sai lầm về hối cải muộn màng
Từ năm 1945, de Gaulle chủ trương chiếm lại Đông Dương bằng bạo lực, mãi đến năm 1966, tại Phnom Penh sau 20 năm mới hồi tỉnh, ông tuyên bố: Chiến tranh ở Việt Nam là không thể thắng được. Ông khuyên Mỹ nên ngừng cuộc chiến ở Đông Dương.
Một hối cải muộn màng, Mỹ phải trả giá, hơn 58.000 lính Mỹ tử trận, hàng triệu người Việt Nam bị hy sinh.
6. Sai lầm về văn sử
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, de Gaulle có ảo tưởng gây những chiến thắng vang dội và dễ dàng ở các thuộc địa để kích thích sự phục hưng của nước Pháp đang bị kiệt quệ, suy sụp.
Nhưng thời thế đã thay đổi, đến năm 1945, nước Việt Nam đã qua gần 100 năm bị Pháp đô hộ. Một phần nền văn hoá phương Tây đã xâm nhập vào đời sống người dân Việt Nam. Các nhà lãnh đạo cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc Việt Nam: Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp,… phải chăng là những người đã tiếp thu nền văn hoá văn minh Tây phương, nay họ lại biết kết hợp thêm với nền văn hoá cổ truyền của dân tộc Việt Nam, nên đã đưa cuộc chiến tranh đi đến thành công. Việt Nam đã trải qua 20 lần bị xâm lược, 20 lần đã tự giải phóng, không bị thôn tính, không bị đồng hoá, không bị tiêu diệt, vẫn giữ được trọn vẹn lãnh thổ, nền văn hoá của mình.
Với truyền thống đó, trước sau, Pháp rồi Mỹ đều bị đuổi ra khỏi đất nước Việt Nam.
Pháp và cả Mỹ, nếu có phần am hiểu về lịch sử và truyền thống của dân tộc Việt Nam, thì đã có thể không phiêu lưu mạo hiểm, đi đến những thất bại thảm hại trong cuộc chiến tranh Đông Dương.

*

Cuốn sách Sự mù quáng của tướng de Gaulle đối với cuộc chiến ở Đông Dương có thể thức tỉnh một số người, về một số nhận thức chính trị:
1. Có người nói: “Chiến tranh chống Pháp là không cần thiết cứu ngồi mà đợi cũng có độc lập”. Quatreponit đã cho ta thấy ý đồ xâm lược của De Gaulle, của thực dân Pháp ngay từ năm 1945, mặc dù phía ta có kiên trì hoà hoãn, kiên trì thương lượng hoà bình, Pháp vẫn không buông tha, chiến tranh là không thể tránh khỏi. Với ai muốn trở lại đời nô lệ, mà không hiểu điều này.
2. Có người nói: cuộc chiến tranh chống Pháp đã đành, còn chiến tranh chống Mỹ là sai lầm, là một nội chiến, là “nồi da nấu thịt”. Quatreponit đã cho ta thấy rõ sau thất bại ở Điện Biên Phủ, lập tức Pháp bàn giao chiến trường Đông Dương, mời Mỹ thay thế; Mỹ nhảy vào thay thế Pháp là tất yếu, chiến tranh là không tránh khỏi.
Đế quốc Pháp và Mỹ giống nhau ở chỗ: đánh giá thấp tinh thần chịu đựng gian khổ, dám hi sinh và lòng yêu quê hương, đất nước của ngời Việt Nam; đánh giá thấp vai trò và khả năng lãnh đạo của lánh tụ và Đảng lãnh đạo; sở dĩ lãnh tụ Hồ Chí Minh làm nên được việc lớn, là nhờ biết dựa vào tiềm năng và trí thông minh của dân tộc Việt Nam, biết tập hợp mọi lực lượng đứng lên cứu nước.
3. Qua đọc Sự mù quáng của tướng de Gaulle đối với cuộc chiến ở Đông Dương giúp ta thấy rõ:
- Nguồn gốc chiến tranh nhiều khi bắt nguồn từ một ảo tưởng, từ một tính toán sai lầm của một số người lãnh đạo quân sự, chính trị cấp cao.
- Rõ ràng là, nếu De Gaulle không phạm vào “mù quáng”, thì chiến tranh đã không xảy ra.
- Rõ ráng là nguồn gốc chiến tranh không phải là do các sĩ quan cấp thấp lại không phải là các binh sĩ; hàng vạn binh sĩ theo mệnh lệnh, theo những luận điệu lừa phỉnh, lao vào một cuộc chiến, chém giết mà có khi họ không hay biết đối thủ trước mắt của họ là ai.
Nhân dân Pháp và nhân dân Việt Nam vốn không có hằn thù với nhau, không có lí do gì nhân dân hai nước lại đâm chém nhau.
Điều mà nhân dân Việt Nam không muốn, đó là chủ nghĩa đế quốc xâm lược (dù là thực dân Pháp, dù là đế quốc Mỹ…). Dân tộc Việt Nam luôn giữ tình hữu nghị với nhân dân Pháp, nhân dân Mỹ, và các dân tộc trên thế giới.
Cuốn sách Sự mù quáng của tướng de Gaulle đối với cuộc chiến ở Đông Dương của Quatreponit đã giúp cho chúng ta nhiều phát hiện mới, nhiều thông tin mới, lấy ra từ kho tư liệu của của nước Pháp, từ những lời kể lại, qua những tư liệu, sách, ghi lại của những nhân chứng lịch sử.
Tác giả không những chịu khó sưu tầm mà còn dũng cảm đưa ra những sự thực đau lòng, dám giữa ban ngày phê phán những sai lầm, buộc tội De Gaulle, một thời là cứu tinh của nước Pháp, là một thần tượng của cả nước Pháp, dám đứng về lẽ phải mà phân tích và phê phán lịch sử.
Tôi thành thực cảm ơn Đại tá Quatreponit đã viết nên một tác phẩm có giá trị với nhiều tư liệu, nhiều ý nghĩa thú vị. Một sự thức tỉnh cần thiết cho những ai còn ảo tưởng nghĩ rằng: “Cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ suốt 30 năm của Việt Nam là có thể tránh được”.
Tôi xin trận trọng giới thiệu cuốn sách Sự mù quáng của tương de Gaulle đối với cuộc chiến ở Đông Dương đến toàn thể bạn đọc trong nước, ngoài nước cùng những ai yêu sự thật, yêu lịch sử.
Hà Nội, tháng 6 năm 2006
ĐẶNG VĂN VIỆT