Người dịch: ĐẶNG VĂN VIỆT
- 18 -

21. Sự thờ ơ kiêu ngạo

 

Sự coi thường với Hội nghị Fontainebleau
Được sự cổ vũ của tướng de Gaulle trong cuộc họp ở Marly cùng các văn bản, ban hành của chính phủ trung ương, d’Argenlieu tự đặt cho mình nhiệm vụ phục hồi lại sự thống trị của nước Pháp ở Đông Dương. Ông lập mưu định đánh lừa Hồ Chí Minh: Ông viết cho Sainteny là ông muốn có một cuộc gặp gỡ với Chủ tịch Hồ Chí Minh và hi vọng rằng cuộc họp chính thức này sẽ có một kết quả khả quan như mong muốn.
Cuộc gặp gỡ được quyết định vào ngày 24-3 tại vịnh hạ Long trên chiến hạm Émile Bertin. Đô đốc kể lại:
Ngày chủ nhật 24-3-1946, dưới một bầu trờ mây phủ kín, biển lặng, gió đông hiu hiu thổi.
Lễ nhà thờ bắt đầu từ 8 giờ trên bãi biển ở phía sau. Tôi đến tham dự, tất nhiên là ở hàng đầu. Tôi cảm thấy dễ chịu và đáng ghi lại những giây phút quan trọng của buổi lễ cầu kinh cho vận mệnh tương lai của xứ Đông Dương này.
Vào lúc 9 giờ 35, vị Chủ tịch lên tàu từ phía đuôi, đón chào bằng 21 phát đạn đại bác. Đáp lại lời chúc mừng của tôi, ông nói: “Thưa Cao ủy, xin chúc cho quan hệ giữa hai dân tộc chúng ta mãi mãi là tình hữu nghị”. Ẩn ý của ông là hai dân tộc phải luôn ở tư thế bình đẳng.
Hai vị đứng đầu đã có những phút đối diện, đối thoại trực tiếp.
Tiếp theo là xem duyệt binh các chiến hạm. Trong cuộc tiếp xúc tiếp theo, đô đốc cảm thấy có nhiều khúc mắc lớn về đối phương của mình khi nhắc đến lời tuyên bố ngày 24-3-1945 nói về Liên bang Đông Dương. Những cố gắng để thuyết phục của ông đã trở nên vô ích.
Sau bữa cơm, đến dự có tướng Leclerc, và một số người có mặt. Tiếp theo lại xem duyệt binh của các chiến hạm. Đô đốc kể tiếp:
Các chiến hạm diễn qua trong một đội hình tuyệt đẹp trước chiếc Émile Bertin, tuần dương hạm Tourville dẫn đầu, lá cờ lệnh của phó Đô đốc Battet phấp phới bay trước gió. Chiến hạm lướt qua mặt chúng tôi cách chừng 100 thước, hãnh diện và kiêu hùng. Chiếc cuối cùng lướt qua và xa dần trên biển cả. Vào khoảng 15 giờ, tàu Émile Bertin của chúng tôi nhổ neo lên đường về đảo Norway. Nó theo luồng lạch sâu đi vào vịnh Hạ Long. Tôi tranh thủ thời gian đi thăm chiến hạm trên boong tàu cùng với các khách quý Việt Nam và Pháp. Sau đấy 15 giờ 30, hội nghị lại tiếp tục cuộc đàm phán lần thứ ba. Ngoài Chủ tịch Hồ Chí Minh có ông Nguyễn Tường Tam, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Hoàng Minh Giám, người tâm phúc của Hồ Chủ tịch, Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Về phía Pháp có Cao uỷ Sainteny, Chánh Văn phòng Longeaux. Tôi giải thích cho mọi người hiểu vì sao tôi có sáng kiến mới(1) này để thúc đẩy tốt hơn mối quan hệ giữa hai dân tộc… Đúng 16 giờ 50, ban tham mưu và thuỷ thủ đoàn của chiến hạm, hàng ngũ chỉnh tề xếp thành hai hàng danh dự, để tiễn khách. Các khách quý của tôi rời tàu Émile Bertin vào lúc 17 giờ, với 21 phát đại bác để tiễn biệt.
Đô đốc d’Argenlieu tự giải thích trong những ngày sau: … từ ngày 15 đến ngày 19-3, tôi phải nhân nhượng trong việc tổ chức một chuyến đi của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua Paris. Nếu không mọi đổ vỡ có thể xảy đến. Cho đến ngày 26-3, chúng tôi vẫn nắm quyền chủ động, và tình thế vẫn yên tĩnh. Nói chuyện về Hồ Chí Minh, d’Argenlieu kết luận: Ông không có dáng là một nguyên thủ quốc gia, mà là một lãnh tụ cách mạng. Thông minh, hiểu biết nhiều, ông biết tự thu nhỏ mình, khiêm tốn… chiều người. Ông nhạy cảm với mọi thái độ. Sự đón tiếp long trọng ở vịnh Hạ Long và cuộc duyệt bỉnh của hải quân Pháp làm ông thích thú. Khi ông ngỏ lời cảm ơn, ông tỏ ra thành thật và xin lỗi đã làm tôi bận rộn”…
Ngày hôm sau Chủ tịch Hồ Chí Minh viết cho d’Argenlieu một bức thư tỏ lời cảm ơn chân thành và mong muốn có một sự hợp tác chặt chẽ giữa nước Pháp và nước Việt Nam. Nhưng cũng ngày hôm ấy, trên chiếc thuỷ phi cơ về Hà Nội, ông Hồ nói riêng với tướng Leclerc và tướng Salan: Ông ta muốn kéo tôi. Trái lại tôi sẽ kéo ông ấy. Ông Hồ nói: Ông Đô đốc muốn làm tôi dao động vì những chiếc chiến hạm của ông, ông ta đã lầm.
Ngày 1-4, Leclerc đã viết cho d’Argenlieu: Ngài Đô đốc, cho phép tôi được nói, ngài đã dùng những phương pháp tương tự với những đối tác là người Pháp, nghĩa là trong thảo luận, người ta luôn đồng tình với nhau, nhưng khi gửi điện tín, hay khi đọc bức điện gửi về Paris, người ta thấy là những chi tiết về cách viết, những cách hạn chế, những ý nghĩa đã bị thay đổi sâu sắc. Cách làm trên đối với người Pháp đã có những tác hại xấu, với con người cách mạng như ông Hồ Chí Minh thì lại càng tác hại lớn hơn… Tôi đề nghị điểm đàm phán tiếp theo là Đà Lạt, một địa danh không có trong Hiệp định sơ bộ 6-3, trong ấy chỉ nói đến Hà Nội, Sài gòn, Paris…
Maja Drestrem kể lại:
Tướng Leclerc phát biểu là ông muốn có một thái độ thẳng thắn với người Việt Nam. Thái độ mơ hồ của Cao uỷ là ông lo ngại. Ông muốn có những kiến nghị rõ ràng làm theo các đièu khoản của Hiệp định sơ bộ 6-3.
Từ ngày 4 đến ngày 7-4, Leclerc ở lại Hà Nội. Tình hình diễ biến thuận lợi. Quân Tàu Tưởng đang rút lui dần. Tướng Salan được chỉ định đi dự Hội nghị trù bị ở Đà Lạt, một cuộc họp mà không ai tin sẽ có kết quả.
Leclerc tỏ ra tức giận, mệt mỏi. Ông biết trước sau vị Đô đốc cũng sẽ đến Hà Nội và một cuộc va chạm sẽ xảy ra giữa hai người.
Ngày 17-4, d’Argenlieu đến Hà Nội.Ông không kìm nổi sự tức giận khi thây quân đội Pháp và quân đội Việt Nam đóng cùng chung một doanh trại, ngay cả cùng chung canh gác, bảo vệ trật tự. Mỗi khi có cơ hội, đô đốc đều tỏ ra bực tức về thái độ bị động và bất động cảu quân đội Pháp ở Hà Nội. Ông nói: Tôi lấy làm ngạc nhiên, đúng vậy, tôi lấy làm ngạc nhiên, là nước Pháp ở Đông Dương đang có một đội quân viễn chinh hùng mạnh, thế mà những cấp chỉ huy của nó chỉ thích điều đình hơn là thích chiến đấu.
Gặp những người hay cộng tác với Leclerc, d’Argenlieu đều phàn nàn sự nhượng bộ của Leclerc trước ông Hồ Chí Minh. Ông coi như một sự biểu hiện của đầu hàng. D’Argenlieu bộc lộ là ông sẽ áp dụng một đường lối cứng rắn hơn đường lối của Leclerc. Ông này từ khi đặt chân lên đất Đông Dương, đã tỏ ra đứng ở hai đầu của hai cực. Ông tỏ ra lơ lửng đối với việc phải bỏ rơi Đông Dương, và cả với phái chủ trương phải đàn áp không thương tiếc đối với mọi bạo loạn.
Vào giữa tháng 4-1946, tướng Juin có nhiệm vụ qua Trung Quốc vì một chuyến công du hữu nghị. Đô đốc d’Argenlieu phái tướng Salan sang Calcutta đẻ đón chào trên bước dừng chân của vị Đại tướng. Leclerc bị lãng quên, bất chấp là không có lệnh, ông tìm đến gặp phái đoàn của tướng Juin.
Ngày chủ nhật 14-4, tướng Juin mời Leclerc và Salan cùng dùng cơm. Trong bữa ăn, tướng Aubouyneau, thay mặt Đô đốc, đến xin gặp riêng tướng Juin. Tướng Leclerc và tướng Salan buộc phải tạm cáo lui. Ôbainô ở lại trao đổi với tướng Juin gần một tiếng. Sau khi Ôbainô ra về, tướng Juin lại cho mời hai khách quý trở lại. Ông mời hai tướng ngồi hai bên, trên một chiếc ghế salon. Vấn đề tướng Juin nói tiếp có nhiều tế nhị. Đô đốc Cao uỷ vừa viết cho chính phủ trung ương một bức thư: trong ấy ông phàn nàn là Leclerc và Salan không chịu phục tùng mình. Ông đề nghị hồi chức hai ông trên. Tướng Juin đề nghị Obaino chỉ đưa bản báo cáo cho chính phủ trung ướng sau khi đã gặp de Gaulle, vì ông này giữ quan hệ rất gần gũi với Đô đốc Cao uỷ.
Khi biết được có sự vận động này, Leclerc tức giận kêu lên: Salan mà còn bị đánh, mặc dù ông này luôn hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc. Salan đang xin trở lại nước Pháp, ông ấy sẽ lên đường sau Hội nghị trừ bị Đà Lạt. Riêng tôi, tôi cũng không muốn ở dưới quyền con người này. D’Argenlieu không có trí thông minh, lòng ngay thẳng, sự trung thực tối thiểu. Ông ta không dám nói thẳng với tôi trước mặt. Ông dùng một Đô đốc mang thư có dấu ấn… Tôi đã hoàn thành nhiệm vụ với đất nước tôi. Tôi cũng sẽ ra đi thôi…
Tướng Juin báo cho Leclerc là ông ta muốn bổ nhiệm Leclerc sau khi ông từ Đông Dương trở về, giữ chức Tổng thanh tra quân đội Pháp ở Bắc Phi. Tướng Juin cũng đề nghị hai tướng tiếp tục ở lại cho đến hết Hội nghị trừ bị Đà Lạt.
Hội nghị mà ông d’Argenlieu bày ra là để ông ta công bố sự ra đời của nước Cộng hoà tự trị Nam Kỳ. Nền cộng hoà này sẽ được công bố ngày 1-6-1946 ở Sài gòn, tại công viên Pigneaux de Béhaine. Ông Hồ Chí Minh vừa đến Paris, được tin này, ông nói ngay với Sainteny: “Việc nước Pháp công bố nhận Chính phủ Nam Kỳ tự trị, làm cho Hiệp định sơ bộ (6-4) trở nên vô ích”.
Hội nghị bắt đầu từ 6-7-1946 ở Fontainebleau: Đô đốc có một quan điểm tế nhị, ông muốn cách li phái đoàn Việt Nam xa với Thủ đô Paris. Điều đó không đạt được, vì lẽ ông Hồ Chí Minh không chủ trì phái đoàn, ông ở nhà khác Royal Monceau, sau đấy, thấy nơi ở quá lộng lẫy, ông Hồ chuyển về nhà ông bà Lucie và Raymond Aubrac gần Montmorency, ở đây ông Hồ tự do bình luận thời cuộc trước các nhà báo. Trong thời gian ông Hồ ở Pháp đã xảy ra những sự việc ngẫu nhiên. Khi vừa mới đến đã xảy ra một cuộc khủng hoảng chính phủ, buộc ông Hồ phải chờ đợt mất ba tuần. Sainteny mới tiếp ông tại nhà riêng ở Biarritz… Ông Massu kể lại: “Trong khi ở Hà Nội, tướng Giáp, khi được những tin trên đã cho củng cố các vị trí và tăng cường những hành động phòng vệ”.
Ở sây bay Bourget, khi vừa xuống sân bay, Hồ Chí Minh đã tuyên bố: “Trong cả cuộc đời, tôi đã chiến đấu chống chủ nghĩa thực dân Pháp, nhưng tôi luôn yêu mến và cảm phục nhân dân Pháp, tôi muốn sự hợp tác giữa hai dân tộc chúng ta sẽ thẳng thắn, tự do và hữu nghị. Tôi tin là chúng ta sẽ thành công… Hiện nay một trở lực lớn làm cản trở việc đi đến kết quả: đó là vấn đề Nam Kỳ”.
Ở những phim thời sự ông Hồ xuất hiện trên khán đài danh dự bên cạnh tướng Juin, tướng de Lattre, trong cuộc diễn binh ngày 14-7, và một vài ngày sau ông đến đặt vòng hoa ở đài chiến sĩ vô danh.
Trong quá trình Hội nghị, phái đoàn Việt Nam tiếp xúc với tướng Legentihomme, Tổng chỉ huy quân sự thành Paris. Phái đoàn nhận thấy ở Hồ Chí Minh, một con người có khả năng lập lại quan hệ tin cậy lẫn nhau giữa hai dân tộc Việt - Pháp. Được phép Georges Bidault,
Legentihomme có một tiếp xúc trong hai tiếng với Chủ tịch Hồ Chí Minh; ông nhận thấy Hồ Chí Minh là con người rất cởi mở. Chủ tịch đã tuyên bố: Sự thành công của những thoả hiện đạt được trong quá trình Hội nghị Fontainebleau tuỷ thuộc vào con người có trách nhiệm thực hiện đúng. Tiếc thay Đô đốc không phải là con người như vậy”.
Một bức thư kể lại những sự việc trên đã được chuyển đến cho ông Boissieu đang làm việc ở Bộ Tổng tham mưu để ông này chuyển đến cho cha vợ của ông ta. Được sự đồng ý của tướng Juin, Boissieu lên đường đi Colombey. Ông chuyển giao những lời căn dặn của tướng Juin:
Tôi không muốn bàn cãi những vấn đề về Đông Dương với tướng Legentihomme mà với Đô đốc d’Argenlieu. Tôi không nhận được tin tức về tình hình bên ấy ngoài những gì tôi được đọc ở báo. Tôi không còn có trách nhiệm nữa. Tôi không tin là chế độ hiện hành vượt qua được những vấn đề khủng hoảng Đông Dương. Ông Hồ Chí Minh có thể tác dụng được với tướng de Gaulle nếu tôi còn tại chức. Ông Hồ Chí Minh ngỏ ý muốn gặp tôi, tôi không muốn gặp vì lẽ: một chế độ như hiện nay không thể đương đầu với một lực lượng cách mạng. Mấy ông già Đảng Xã hội đang nắm quyền về công tác hải ngoại đều là những ông bảo thủ. Khi tôi nói đến chữ độc lập cho Đông Dương trong Hội đồng về Đông Dương, chúng tôi chỉ có ba người trong bàn tròn đồng ý về giải pháp này. Toi cảm thấy các vị khác trong Hội đồng, đặc biệt là vị Bộ trưởng Hải ngoại, đều giục ông Tổng thư ký không đề từ ấy vào biên bản.
Làm thế nào được, khi Laurentie nói với Gilbert Pilleul năm 1981 là de Gaulle trong tháng 8 năm ấy đã nhắc thêm: Không được đem xứ Nam Kỳ cho ông Hồ Chí Minh.
Jacques de Folin nhắc lại một ví dụ trích từ cuốn hồi kí của de Gaulle:
Ngày 15-8-1945, nói về “lập lại chủ quyền nước Pháp ở Liên bang Đông Dương”, trong tập hồi kí “Hi vọng”, tác giả đã viết: Tôi đã giao cho d’Argenlieu và Leclerc mà tôi bổ nhiệm ở Đông Dương, một lực lượng lớn, chỉ để chiếm đóng lại miên Nam. Trừ khi có lệnh, không được đưa quân ra miền Bắc nơi mà Hồ Chí Minh đang lãnh đạo. Ở đây, tôi đã phái Sainteny làm nhiệm vụ đặc phái viên để mở màn cho những thương lượng. Ông đã nhắc lại như vậy năm 1970, những điều mà ông công bố trong một cuộc họp báo ngày 30-6-1954. Người ta không tìm ra những dấu vết về những chỉ thị như vậy trong hồ sơ lưu trữ, khonagr thời gian từ ngày 15-8-1945 đến ngày 20-1-1946. Ngoài ra Leclerc còn đưa cho Salan xem một mệnh lệnh của de Gaulle, đề ngày 25-9-1945: Nhiệm vụ của ông là lập lại chủ quyền của nước Pháp ở Hà Nội, và tôi lấy làm ngạc nhiên tại sao ông chưa có mặt tại đây?
Về phía tướng Juin, năm 1953 ông đã có nhận xét (về Leclerc) như sau: Tôi nhận thấy là tướng Leclerc hoạt động ở Đông Dương, mặc dù trong tay có rất ít phương tiện, nhưng ông luôn hoạt động với sự cố gắng của một quyết tâm có đắn đo và của một lòng dũng cảm.
Tháng 4-1946, trong một cuộc gặp gỡ với de Gaulle, tướng Buis, lúc ấy là quan tư, đã kể lại; tướng de Gaulle hỏi: Tại sao ta lại đợi đến 8-3 năm ấy, mới đổ bộ lên xứ Bắc Kỳ? Không thể tha thứ sự quá chậm trễ này!
Ông Buis trả lời: “Phải đợi có LCM(2) mới đổ bộ được”. De Gaulle đáp lại ngay: “hàng ngàn năm nay người ta vẫn đổ bộ mà không có LCM”.
Sau này ông Antoine Pinay đã tóm tắt thái độ của de Gaulle bằng câu: “Cái gì tốt đều do tôi, cái gì xấu đều do những người khác”.
Ngày 13-9-1946, Hội nghị Fontainebleau
 kết thúc. Người Pháp khước từ một cách cương quyết việc bàn đến nền độc lập và sự thống nhất của ba kỳ.
Ngày 18-10, đoàn Việt Nam về nước. D’Argenlieu đón đoàn trên chiến hạm Suffren. Ông gợi ý một số nhân nhượng nhân ngày ngưng súng 30-10. Ông Hồ Chí Minh từ chối không nhận lợi. Trở về Việt Nam, ông Hồ thể hiện quyết tâm: Cuộc chiến tranh chống Pháp nhất định sẽ xảy ra.
Những sai lầm liên tiếp về chính trị làm cho nước Pháp phải trả giá bằng những chi tiêu tài chính khổng lồ. Đối với quân đội viễn chinh, với các chiến sĩ trong các trận đánh, Đông Dương trở thành một giá treo cổ, nhất là sau nay trong các trại tù binh: tỉ lệ tử vong vượt cao hơn cả trại tập trung của phát xít Đức ở Buchenwald hay ở Dachau. Với dân tộc Việt Nam thì bên cạnh sự thiếu thốn vật chất về mọi mặt, công thêm số người đã ngã xuống sau chín năm chiến tranh, tinh thần phải vươn lên để giành chiến thắng phải nhân lên gấp bộ lần. Trong những buổi đàm phán hồi tháng 3-1946, tướng Giáp có tâm sự với tướng Salan: Mục đích của chiến tranh là tiêu diệt đối phương, bởi vậy để đi đến đích trên, có khi không có giới hạn về sự tàn khốc.
Nhà báo Robert Guillian, cựu chiến binh của chiến tranh Triều Tiên, và là người có mặt ngày 14-3-1954 ở Điện Biên Phủ, trong cứ điểm Gabrielle, đã viết trên báo “Le Monde”: “Không bao giờ tôi cảm thấy ở mức ấy sự căm thù. Một sự căm thù tràn ngập khắp nơi, nó xiết chặt và nó tiêu diệt hết những gì nó nắm chắc được trong tay. Không bao giờ tôi quên được sự tức giận tột độ bốc lên từ đám rừng khi ta đụng đến nó”.
Cuối năm 1946, những đụng độ tiếp diễn ở Nam Bộ, và nhất là ở Bắc Bộ. Ngày 20-11-1946, một việc trục trặc xảy ra ở thuế quan Hải Phòng, đã đưa đến một cuộc đọ súng, và đã biến thành một trận đánh kéo dài trong 5 ngày, gây cho phía Pháp 26 ngươi chết, 80 người bị thương. Còn về phía Việt Nam, dưới làn mưa đại bác, 300 người tử trận. Còn ở Lạng Sơn, ngày 21-11, một đơn vị có nhiệm vụ bốc hài cốt những lính Pháp bị quân Nhật hành hình trong cuộc đảo chính, trong đó có hài cốt của tướng Lomongnie (Émlile), của quan sứ Auphelle. Một trận phục kích đã xảy ra, làm hơn 10 người thiệt mạng.
Sự căng thẳng ngày một tăng. Đêm 19-12-1946, vào lúc 20 giờ, quân Việt Nam mở cuộc tiến công vào các lực lượng quân sự và cả dân sự của Pháp ở Hà Nội. Lực lượng đồn trú của chúng ta phải đương đầu với một lối tiến công khôn khéo. Nhờ có lực lượng cơ giới, ta vẫn làm chủ được thành phố sau một ngày chiến đấu. Cao uỷ Sainteny từ Paris mới sang, với nhiệm vụ làm dịu bớt sự căng thẳng, trong khi ngồi xe để chạy vào thành, ông bị trúng mìn và bị thương nặng. Cả xứ Bắc Kỳ và xứ Trung Kỳ cháy rực lửa. Chính phủ kháng chiến Việt Minh đã biến mất. Có muốn thương thuyết cũng không có ai để mà thương thuyết.
Tướng Gras viết: “Léon Blum cho gọi Leclerc về để báo cáo tình hình mà ông ít am hiểu. Ông không cho gọi d’Argenlieu, vì sợ ông này chỉ trình bày một mặt, một khía cạnh nào mà thôi”.
Thực vậy, lúc ấy, ngày 17, Leclerc đang ở Pháp. Ông nhanh chóng nhận định tình hình và chớp nhoáng đến thăm Henri, cậu con trai của ông bị thương lần thứ hai trong năm(3). Ông nhận xét tính nghiêm trọng của sự bất đồng ý kiến giữa ông và d’Argenlieu. Ông viết một bản báo cáo và tóm tắt nhận định của ông trong ba câu sau:
Vấn đề cốt lõi ngay bây giờ vẫn là vấn đề chính trị. Đến năm 1947, nước Pháp không nên dùng vũ lực để đè đầu đè cổ một dân tộc có 24 triệu người, một dân tộc có một đầu óc quốc gia và một tinh thần bài ngoại mạnh. Muốn chiến thắng phải dùng đòn bẩy lâu dài đó là chiêu bài “chống cộng”.
Lần nữa mãi về sau (27-1), chính phủ lâm thời mời ông làm Cao uỷ, Leclerc đặt ra điều kiện là phải cho ông toàn quyền cả quân sự lẫn chính trị trong ba năm… Sau vài lần hẹn hò, Leclerc đi Colombey để gặp de Gaulle. Tướng Crépin (Crespin) kể lại cuộc gặp gỡ như sau: Leclerc nói:
Tôi đến gặp de Gaulle. Ông bắt đầu bằng một trận xỉ vả như thường lệ. Không đợi tôi nói một lời, ông tuyên bố đình chỉ thi hành kỷ luật vị Đô đốc. Với tôi ông trách là đã nhận lời, nhận lời rồi để buông trôi tất cả. Tôi phản ứng và cãi to. Sự căng thẳng đã đến mức chưa từng có, tôi tuyên bố là ông chỉ hiểu vấn đề thông qua ông Đô đốc và ông chỉ có nghe ông Đô đốc mà thôi. Tôi hỏi ông cái gì sẽ xảy đến. Một khi Đông Dương đã bị mất, ông có hối cải thì lúc ấy đã quá muộn. Trong tranh luận, ông vẫn bộc lộ những quan điểm cứng rắn như: Đông Dương phải nằm trong khối Liên hiệp Pháp. Với giọng bình tĩnh ông nói: Ông không cho một nhân nhượng nào về vấn đề Nam Bộ. Tuy vậy, cuộc tranh luận cũng ít nhiều làm ông phải suy nghĩ. Cuối cùng, trước khi rời phòng, ông nói với: “Dù sao, tôi thấy cuộc tranh luận hôm nay rất bổ ích”(4).
Ramadier thay thế Léon Blum. Ông đề cử Leclerc làm Cao uỷ. Cuối cùng Leclerc cũng nhận lời. Nhưng chính phủ trung ương không chấp nhận những yêu sách của ông.
Ngày 13-2, một nhân vật quan trọng có thể doán biết xin rút lui. Đó là tướng Juin. Cuối cùng chính phủ đã quyết định Émile Bollaert thay thế d’Argenlieu. Trước khi đi, ông này đến hỏi ý kiến của Leclerc. Leclerc trả lời: “Hãy thương lượng, thương lượng bằng mọi giá”. Ông Cao uỷ mới đến Sài gòn ngày 1-4-1947, quanh ông có Pierre Messmer và Paul Mus.
Chú thích:
(1) Nhận xét của d’Argenlieu: “Cái sáng kiến đề xuất, trong việc giao một nhiệm vụ đi Paris đã nhấn mạnh ý định của tôi muốn đưa Leclerc thoát khỏi ngõ cụt mà ông đang chui vào để làm việc trên, mới sắp xếp đã thực hiện để vị thống soái tối cao không dính vào các cuộc hội thảo của tôi với Hồ Chí Minh. D’Argenlieu khong nói đén ý định của ông muốn tổ chức một hội nghị ở Đà Lạt để quyết định số phận của xứ Nam Kỳ. Nhưng tranh cãi bắt đầu hôm 19-4 kết thúc bằng một thất bại ngày 5-5.
(2) LCM: Landing craft mechanized - sà lan đổ bộ cho xe cơ giới bánh xích.
(3) Henri Leclerc de Hauteclocque mất ngày 4-1-1952 trong vùng Phát Diệm (Bắc Bộ), trong đợt hai sang Việt Nam.
(4) Cuộc nói chuyện đã gợi ý cho ông là hối cải “Nền hoà bình của những dũng sĩ” sau 12 năm ở Algerie.