Chương 5

Chập chờn lướt bên nhau hướng về  phía Tây Bắc Hoa Thịnh Đốn khoảng hai mươi phút, Davis và Phát cùng dừng lại trước căn nhà só số 1441 đường W…Đó là căn nhà giữa dãy nhà bảy căn, cao ráo, có trụ  sơn trắng. Được trang điểm bằng chiếc ghế dài màu trắng có vân viền ngay trước cửa sổ kính, và những khóm cây cảnh thâm thấp hai bên lối đi, căn nhà có dáng vẻ rất đặc biệt và rất ưa nhìn. Đang bồi hồi trên bậc thềm cao, Phát bỗng giật thót lên vì cái đẩy nhào và lăn vòng. Trong lúc vùng khỏi cái bóng nặng nề của Davis, chàng nghe anh ta la toang toáng:
- Í trời đất ơi! Quỷ tha ma bắt cái gì đây?
Chao đảo vươn lên trong lúc tìm Davis, kẻ đang loạng choạng giữ thăng bằng, Phát bảo với giọng mỉa mai:
- Tôi quên dặn anh là phải thận trọng. Đến nhà này mà không coi chừng trong từng bước đi thì có mà u đầu xước trán.
- Gì mà ghê gớm thế? Bộ nhà chứa toàn dao búa không hả? Davis hỏi bằng giọng giễu cợt.
- Không có, chỉ vì quá sạch sẽ thôi. Căn nhà lúc nào cũng được chùi rửa chà dọn bóng loáng từ ngoài vào trong, từ  lối đi đến hiên, từ hàng lang đến phòng khách, từ bếp đến vườn sau, từ nhà dưới lên nhà trên. Khắp nơi, khắp chỗ kể cả các hóc hẻm, góc cạnh hay xó xỉnh đều được chăm chút kỹ lưỡng mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút, mỗi giây. Tôi không nói đùa đâu mà anh nghi ngờ tôi như thế! Tốt hơn là anh phải cẩn thận. Bây giờ chỉ là ở ngoài sân mà anh không giữ được thăng bằng như thế, vào trong nhà, sơ xuất như anh có mà thiệt thân.
- Làm gì mà nhà sạch sẽ đến ghê thế? Bộ nhà anh có lao công chùi rửa tẩn mẩn mỗi ngày hả? Davis hỏi tiếp trong khi  đang lớ quớ giữ thăng bằng.
- Đâu có. Chỉ có mỗi mình vợ tôi làm thôi.
- Nói vậy chắc vợ anh làm nghề quét dọn hay bồi phòng nên quen nghiệp?
- Không phải. Chỉ tại tính của cô ta thích dọn dẹp cả ngày! Nói đúng hơn là cổ thích sạch sẽ và thường khó chịu với bất cứ một hạt bụi hay cọng rác trong nhà cho nên suốt ngày lo lau chùi tất cả mọi vật trong nhà đến độ chúng trơn tuồn tuột như bôi phải dầu mới thôi. Cô ấy sạch sẽ đến mức tẩn mẩn từng chút một, cho nên cả tôi và mấy đứa con của tôi đều phải bực mình. Chẳng gì khốn khổ hơn là bị chì chiết “ Dơ dáy!” mỗi ngày. Anh có vẻ không tin lời tôi nhưng vào nhà rồi anh mới hiểu tôi nói gì.
 Phát giải thích với giọng thuyết phục mặc dù chàng cảm nhận cái nhìn bán tín bán nghi của Davis sau lưng. Nhưng rồi chàng đã làm cho Davis tin phần nào khi anh ta xém chúi mũi hai lần vào hai chiếc cửa ra vào bằng sắt đen có hình vân đủ kiểu và bằng kính có mạ vàng giả nơi tay nắm và viền xung quanh. Đi trước để dẫn lối, Phát đưa Davis vào căn phòng khách sạch đẹp và gọn gang. Nơi đây, những tấm tranh Việt Nam trên tường, những vật trang trí quen thuộc trong ánh sáng dịu dàng và lặng lẽ của đèn đêm đã đưa Phát trở lại với ký ức xưa. Chúng gợi nên một nỗi xúc động tràn ngập trong tâm hồn chàng.
Bộ ghế sô pha với bốn chiếc một dài, một ngắn và hai đơn được đặt vuông vắn ở góc phòng cạnh cửa sổ là nơi  chàng thường ngồi với đứa con riêng của vợ chàng trong những ngày đầu nhàn nhã khi chàng vừa đặt chân trên đất Mỹ. Mặt kính của chiếc bàn nhỏ hình vuông ở giữa chúng là nơi chàng thường đẩy bình hoa giả đủ màu sắc sang một bên để đặt tô cơm cho thằng bé Trung, con riêng của vợ chàng. Đây là nơi mà mỗi buổi trưa khi chỉ có chàng và nó ở nhà, chàng hay giục nó ăn hết khẩu phần hay đút cho nó ăn để chấm dứt nhanh hơn. Thằng bé gọi chàng là ba ngay từ lúc chàng được vợ chàng giới thiệu tại bộ ghế sô pha này trong ngày đoàn tụ đầu tiên sau hai mươi năm xa cách. Trong phút trùng phùng cùng với gia đình lần đầu tiên ấy, chàng cứ như là ngưòi đàn ông vừa có thêm vợ mới lại có thêm con mới. Cảm giác hoang mang và xa lạ không dừng lại ở phút giây ngượng ngùng vì sự xa cách vợ chồng quá lâu, sự có mặt  bất ngờ của một đứa bé trai năm tuổi không chút huyết thống với mình mà còn bởi sự đón chào ngượng ngập của hai đứa con gái ruột của chàng. Chơi vơi trong vui buồn lẫn lộn khiến chàng không thể nào phân tích được tâm lý của mình lúc ấy. Nhưng, lúc bấy giờ, chàng còn có thể nhớ lại toàn bộ những suy tưởng của mình khi ngồi lại trong cái phòng khách này.
 Chàng nhớ là chàng đã vin vào chiến tranh để đổ tội cho sự mất mát trong cuộc đời của chàng. Với suy luận là nếu không có chiến tranh, không có sự xa cách thì vợ chàng sẽ chẳng bao giờ bước thêm bước nữa. Rồi với lý luận là nếu không có chiến tranh thì gia đình chàng không bao giờ  trở thành nạn nhân của sự chia lìa, xa cách và đổ vỡ, chàng đã tự nhắc  nhở mình nhiều lần là nên thông cảm cho việc bất khả thi của vợ chàng trước những thử thách của thượng đế. Chàng đã tự an ủi rằng vợ chàng tuy không giữ trọn lòng chung thủy đối với chàng trong hoàn cảnh vật đổi sao dời, nhưng nàng đã đơn thân nuôi hai đứa con của chàng ngay từ lúc chúng vừa lọt lòng, lặn lội nuôi chàng trong tù học tập, chạy tiền cho chàng trốn ra nước ngoài, rồi lại phải nuôi dưỡng hai đứa con của chàng ăn học thành tài trên đất lạ quê người. Chàng đã tự  bảo là không có lý do gì oán trách nàng khi mà chàng chưa từng góp cho nàng chút nào về tinh thần, sức lực hay tài chính sau khi trốn thoát ra khỏi nước. Rồi chàng đã tự trách là chàng đã đánh mất sự tin tưởng và hy vọng của nàng trong lúc nàng luôn luôn mong mỏi sự giúp đỡ tài chính của nàng để có thể  đưa hai đứa con thực hiện những chuyến vượt biên kế tiếp. Chàng đã làm sai lời hứa ngay sau khi rời Mã Lai bởi vì đó là lúc mà các căn bệnh lần lượt xuất hiện trong cơ thể của chàng và đã không ngừng hoành hành chàng suốt thời gian định cư tại Úc. Chàng cũng đã tự cho rằng mình vô dụng vì đã không đem được lợi ích gì cho vợ con. Ngay cả việc chàng được đoàn tụ với gia đình cũng do bàn tay cố gắng và tận tụy của vợ chàng. Nàng đã lo cho chàng từ thủ tục bảo lãnh, mua vé máy bay và đón về nhà ở Mỹ một cách chu toàn. Tất cả việc làm nàng dành cho chàng hơn mức độ của một người vợ đối với chồng. Nếu thử hỏi chàng đối lại với nàng tử tế như thế trên cương vị người chồng, trụ cột chính của gia đình, chàng phải xấu hổ chào thua. Rồi bằng những lý lẽ có tình có lý trong ý nghĩ riêng tư của mình, chàng đã tha thứ cho sự bội ước của nàng và hết lòng hòa hợp với sự thật ngoài ý muốn để tạo nên hòa khí tốt đẹp trong gia đình. Chàng đã phải xoa dịu trái tim đau khổ  của mình bằng cách tự an ủi rằng gia đình chàng còn may mắn hơn những gia đình khác là không bị cảnh chồng chết trong trại học tập cải tạo, con chết trên biển hay vợ bị hải tặc hãm hiếp.
Dù là thế, sự cố gắng bằng lòng với thực tại không thể xóa hết nỗi đau buồn thầm kín trong tâm tư của chàng. Sự hiện diện của đứa con riêng của vợ chàng không phải chỉ là hình ảnh ngoài sự mong tưởng của chàng mà còn là nỗi sầu muộn triền miên của chàng. Nó đã ám ảnh chàng liên hồi và đồng thời gợi cho chàng bao nhiêu câu hỏi thầm kín. Đứa nhỏ này có là kết quả của một tình yêu thực sự, một giay phút yếu lòng, hay sự hoan lạc nhất thời. Nhiều lần tự đặt mình trong hoàn cảnh của vợ mình để thông cảm, chấp nhận và tha thứ, chàng đã cố gắng không nghĩ nhiều đến quá khứ. Thế nhưng trong thời gian chung sống với nhau, chứng kiến nhiều lần cảnh Mỹ Ngọc chăm chút bé Trung tỉ mỉ và nghe  nàng yêu cầu đối xử với nó như người cha ruột thì chàng tự giải thích được phần nào cho những thắc mắc của mình. Trung là sự kết hợp tình yêu đích thực của vợ chàng với người đàn ông tạm gọi là người chồng thứ hai của Mỹ Ngọc. Sự thật của điều phát hiện kinh khủng đến độ quật vào trong tim óc chàng không biết bao nhiêu lần và càng lúc càng đào khoét tâm hồn khốn khổ của chàng sâu rộng thêm nhưng chàng  cố gắng tự chữa vết thương tinh thần  của mình bằng những hình ảnh và việc làm tốt đẹp mà vợ mình đã dành cho mình. Rồi trong tâm trạng dằn vặt với sự oán giận và biết ơn, chàng chỉ biết âm thầm chấp nhận những gì đang có như chấp nhận một số phận đã được giáng đặt bởi đấng tối cao.
 Chàng nhớ như in là chiếc va li mà chàng đem từ Úc sang được đặt ngay bên chiếc ghế sa lông lớn nhất này chỉ chứa toàn quần áo cũ và nửa phần chứa của nó là những hộp thuốc cho các chứng bệnh thận, tim, và khớp của chàng. Những căn bệnh này không những đã đục đẽo thể xác mà cả tinh thần chàng càng lúc càng nhiều thêm bởi vì trong lúc không thể đi làm để giúp đỡ vợ con, chàng đã sống trong  mặc cảm của sự vô dụng. Nhờ làm việc cho sở Mỹ trước năm 1975, Mỹ Ngọc đã được chính phủ Mỹ bảo lãnh sang đất nước tự do bậc nhất thế giới. Tuy nhiên, nàng đã phải tự lập kiếm sống và nuôi dạy hai đứa con gái bằng những nghề nghiệp tay chân và văn phòng khác nhau như: bán lẻ, giữ trẻ, thư ký cho bác sĩ, và kiểm soát vé cho rạp hát trong suốt thời gian dài ở Hoa Thịnh Đốn. Hai đứa con gái của chàng, vốn sống xa chàng từ khi còn bé, đã nhìn chàng với vẻ tôn kính người lớn tuổi hơn là tình cảm cha con mật thiết và gắn bó. Phút gặp lại trong bốn chiếc ghế sô pha của ngày hôm ấy đã làm cho chàng hiểu rằng giữa chúng và chàng là một khoảng cách xa lạ, rằng chúng đã quen thuộc với sự thiếu tình phụ tử và những giấc mơ của chàng về chuyện đọc sách, dạo vườn Tao Đàn, đi chơi sở thú hay xem xi nê với chúng chỉ là những mộng tưởng.
- Tôi lấy làm lạ sao anh mãi trầm ngâm với u buồn trong khung cảnh đẹp đẽ và ngăn nắp như thế này. Davis nói.
Phớt ánh nhìn qua những cánh hoa trên bàn, trên tường và trên cầu thang, Phát trả lời bằng giọng u sầu:
- Những chiếc hoa nhân tạo chỉ để làm vui cho mắt người bằng những sắc màu giả tạo thôi mà.
- Vậy thì tìm cái gì đó gần gũi hơn để tìm chút thú vị hơn đi! Căn phòng mà anh thường ở chẳng hạn.
Davis nói xong luẩn quẩn nơi cầu thang chờ Phát đưa lối. Ngạc nhiên khi thấy Phát bước xuống hầm nhà, anh ta lại hỏi:
- Có phải tôi vừa nói với anh là đến phòng anh không?
Phát bình thản trả lời trong lúc tiếp tục bước:
- Thì tôi đang làm theo lời yêu cầu đây.
- Nhưng hình như anh đang đi xuống ngục tối của nhà tù chứ có phải là đến phòng của anh đâu. Phòng gì mà lạnh lẽo đến khủng khiếp thế này! Davis than trong khi anh lò dò theo Phát vào trong phòng hầm ẩm thấp, nơi có vài luồng ánh sáng nhạt nhẽo được xuyên qua những khung kính nhỏ của cửa sổ từ ngọn đèn đường.
- Đúng là vậy. Nó là ngục thất cô độc nhưng thực sự là chỗ ở của tôi trước đây. Phát nói kèm với tiếng thở dài.
- Dù sao cũng là một chỗ sạch sẽ ngăn nắp và có giường đàng hoàng. Davis phán như để đỡ lại lời giễu cợt hờ hênh của mình.
- Bởi vì vợ tôi vẫn thường xuyên dọn dẹp nơi đây mà.
- Thế vợ anh cũng ở đây sao? Davis hỏi trong khi đưa ánh nhìn đầy nghi hoặc trên chiếc giường đơn hẹp và nhỏ gọn được kê sát tường.
- Tôi chỉ ở một mình nơi đây.
- Rồi cũng nằm chết trên chiếc giường này? Davis vặn với giọng hồ nghi.
- Không. Tôi chết tại giường con gái tôi.
- Ôi! Thật là một chuyện kỳ thú chưa từng nghe trong kiếp làm người mà đến kiếp làm ma như thế này tôi mới được đặc ưu như thế!
- Nhưng đó là chuyện có thật trên đời. Nếu anh không tin, hãy theo tôi.
Phát nói xong, bước lên lầu. Bóng chàng vụt lên trên, rất nhanh. Đến hết cầu thang, giữa hành lang nối ba căn phòng ở hai bên, chàng đứng lặng nhìn chiếc phòng lớn phía bên trái một lúc rồi rẽ về phía bên phải nơi có hai chiếc phòng nhỏ cạnh phòng tắm. Vẫn như những lần trước, chàng vượt qua cánh cửa đóng một cách dễ dàng để vào căn phòng gọn, hẹp và ấm nơi chỉ có một giường nệm đơn mà trên ấy một cô gái độ hai mươi ba tuổi đang nằm ngủ.
- Ai đây?
- Là con gái út của tôi.
- Cô ta rất xinh.
- Cảm ơn anh. Không những thế, nó còn có một tâm hồn đẹp đẽ. Nó là người chăm sóc tôi tận tình trong những ngày cuối đời tại đây.
- Tại đây? Anh nói là chiếc giường cô ta đang nằm? Có thể nào mà như vậy được?
- Bởi nó học y cho nên được hội đồng y khoa chấp thuận đơn xin chăm sóc tôi tại nhà. Có lẽ mấy ông bác sĩ nghĩ tôi chẳng còn có bao nhiêu tháng trên đời nên họ cho tôi đặc ân này trước khi tôi nhắm mắt.
- Nhưng có thể nào như vậy?
- Vậy mà điều như vậy đã xảy ra cho tôi. Tôi đã nằm trên giường này trong lúc con  gái tôi kê một cái khác ngủ cạnh bên để chăm sóc tôi. Cái giường kê bằng ván và đệm lót ấy chắc đã được gỡ ra sau khi tôi tắt thở. Nhưng mà anh hỏi vậy bộ anh không chết trong nhà sao?
- Không, tôi chết ở bệnh viện. Ba tôi đã đưa tôi vào đấy khi chứng tai biến mạch máu não xảy ra.
- Thật như vậy sao?
- Không có gì đáng quan tâm. Bởi vì dù bị chết bất đắc kỳ tử tôi vẫn còn nhớ tất cả những gì trước khi lìa đời và còn tìm về nhà được.
- Đúng vậy. Vẫn còn may mắn hơn tình trạng của tôi. Nhung tôi nghĩ là có lẽ tôi đã lịm mê trong lúc chết nên đã không biết được mình đã vĩnh biệt trần thế từ lúc nào và ở đâu. Bây giờ thì tôi nhớ ra là mình đã sống bằng những sợi dây chằng chịt từ mũi, họng, cánh tay và hông trong phút cuối của cuộc đời tại chiếc giường này. Lúc ấy, vì cay đắng và buồn tủi với những điều chưa bao giờ hình dung ra trước đó nên tôi thường tập quên qua sự tưởng tượng hay vùi vào những giấc ngủ sau khi được truyền dịch. Khi thức giấc, tôi thường trở lại với những mơ tưởng tuyệt mỹ hoặc là nghĩ đến những điều nhiệm mầu. Tuy nhiên, cố gắng đến mức nào tôi vẫn không thể chữa được tâm thần bất an của mình. Hình như nó chất chứa quá nhiều vết thương đúc kết từ những thực tế phũ phàng. Tôi đang tự hỏi là có phải vì sự mâu thuẫn của những điều tưởng tượng và những vết lở loét của tinh thần mà bộ nhớ của tôi bị tiêu hủy sau khi chết không?
- Không phải đâu. Vì phải chịu đựng sự mặc cảm của đời sống không bình thường, vì không còn sống như những ngày trước đó và chẳng thể biết được sinh hoạt của gia đình diễn biến ra sao trong thời gian liệt giường nên anh phải tự đối phó với tâm lý bất ổn của mình như vậy thôi. Tình trạng bị tật nguyền của tôi cũng giống tình trạng nằm liệt giường của anh nhưng tôi có quên lãng gì đâu? Tôi tin là tinh thần bị chấn thương sẵn của anh đã bị chữa trị không đúng cách bởi các loại thuốc trị bệnh quỷ tha ma bắt ấy mà thôi.
Davis nói khi anh nhìn những sợi dây truyền dịch, kim chích và các loại thuốc trong một chiếc hộp lớn trên bàn ngủ. Đưa mắt nhìn sang chiếc giường, anh nói tiếp:
- Dù sao thì cũng thật tội nghiệp cho cô bé này. Chắc cô ta đã khóc rất nhiều khi cô không còn có anh để chăm sóc.
- Đứa con gái này của tôi cũng giống như ba của anh thôi! Họ chỉ quan tâm đến sự sống còn và hiện diện của người thân của họ trên đời chứ không nghĩ người thân bệnh hoạn và tật nguyền là những cục nợ của họ.
- Nhưng chuyện đời tư của anh rắm rối, phức tạp và khó hiểu hơn của tôi khá nhiều. Lúc thì anh nói là có gia đình, lúc thì nói ở một mình, lúc thì bảo vợ chăm sóc nhà cửa, lúc lại nói con gái chăm sóc cho anh! Chẳng con ma cừ khôi nào có thể đoán được xuôi ngọn chuyện của anh.
- Thực sự là thế. Nhưng anh chẳng cần tìm hiểu làm gì cho thêm nặng hồn. Chỉ hiểu là tôi rất biết ơn anh giúp tôi tìm về nhà là đưọc rồi
- Không có chi. Miễn là đừng rên rỉ như mấy con ma hôm nọ là tốt.
- Không. Tôi chỉ cảm thấy xúc động mà thôi. Bởi vì suốt sáu tháng nằm bất động trên cái giường này tôi chỉ có thể nhìn lên trần hay đứa con gái này của tôi lui cui chăm sóc chứ tôi chẳng thể đứng, ngồi hay di chuyển được. Giờ đây, tôi có thể thanh thản đứng nhìn nó ngủ.
Davis im lặng như cảm thông điều Phát vừa nói ra khiến chàng tâm sự tiếp:
- Tình cảnh lúc ấy đã tạo cho tôi có những ý nghĩ hoàn toàn mâu thuẫn và trái ngược nhau. Có lúc tôi muốn tận dụng bản năng sinh tồn để vượt bệnh tật để được gần gũi với người thân của mình nhưng rồi sự hành hạ của căn bệnh nan y, và sự cực khổ của người thân làm cho tôi muốn vượt khỏi thế giới người sớm chừng nào hay chừng nấy. Sớm hay muộn cũng phải vĩnh biệt nhau. Níu kéo thời gian ngắn ngủi chẳng được ích gì.
- Chờ đến phút tuyệt mệnh vẫn hơn. May là anh đã không tự tử. Chúng ta nên chấp nhận quy luật của tự nhiên hơn là đi ngược lại nó. Còn điều cần thiết hiện thời là cô gái này cần có một giấc ngủ ngon. Davis thì thầm khi thấy Hồng Nhung đang trở mình trên giường.
- Có cách nào để tôi có thể lẫn vào trong giấc mơ của nó không?
- Điều đó có thể xảy ra được nếu cả hai linh hồn chết và sống cùng muốn gặp nhau. Anh có thấy linh hồn của cô ta đang tìm đến anh không? Rất tiếc là không có. Thân xác mệt mỏi ấy hình như làm cho cô gái ấy có một giấc ngủ bình thường hơn là mộng mị.
Thuận lời khuyên của Davis, Phát nấn ná ngắm Hồng Nhung thêm một lúc, rồi lặng lẽ bước ra khỏi phòng.