Chương 8

“Anh đến đây làm gì?” Mỹ Ngọc hỏi với giọng sắc lẻm.
“Anh vừa hay tin anh Phát mất nên muốn đến chia buồn cùng em.”Người đàn ông trả lời với giọng buồn sâu thẳm.
“Chứ không phải là để kiểm tra sự thật về cái tin đang loan trong cộng đồng người Việt vùng này hả? Đúng là anh Phát đã chết cách đây hai hôm rồi. Bây giờ anh có thể về báo cho vợ anh tin này để bà ta hả dạ thêm đi.”
Lời đay nghiến vừa dứt, Mỹ Ngọc ngoe ngẩy bước nhanh đến chiếc ghế sa lông dài, đánh phịch.
Lúng túng đứng giữa nhà một lúc, người đàn ông quay ra sau khép vội cánh cửa ra vào, rồi đến ngồi trên chiếc ghế sa lông nhỏ đối diện Mỹ Ngọc. Im lặng nhìn nàng một lúc, ông cất giọng bi thương:
“Anh biết em đang đau khổ nhưng đời của anh cũng chẳng còn ý nghĩa gì.”
Như vừa bị mũi dao đâm từ người đàn ông, Mỹ Ngọc gào lên trong khi ném cho ông ta ánh nhìn tóe lửa:
“Đau khổ? Anh còn lo đến sự đau khổ của tôi sao? Nếu anh quan tâm đến thế thì đã không để mẹ con tôi rơi vào tình trạng như thế này.”
Gã cúi đầu:
“Tất cả những điều xảy ra cho chúng ta đều ngoài ý muốn của anh.”
“Phải mà! Tôi biết anh đang ám chỉ tôi chính là người gây nên hậu quả như thế này. Cũng như bao nhiêu lần trước, anh luôn luôn đổ tội là vì tôi viết thư báo cho bà ta biết anh đã có vợ có con bên Mỹ nên bà ta mới liều mạng đưa ba đứa con anh vượt biển. Tôi công nhận là vì lá thư của tôi mà họ không sợ chết biển, trốn ra khỏi nước để đến các trại tị nạn trên đất Thái và được anh phải bảo lãnh sang đây. Nhưng mà anh có hiểu vì sao tôi phải viết thư báo cho bà ta biết anh đã có vợ con bên Mỹ không? Bà ta quá tham lam! Cứ tưởng anh ở đây hốt đô la dễ dàng nên chưa đến tháng đã réo tiền xài chứ có bao giờ biết tôi đã chung sức với anh lo toan bao nhiêu thứ trong gia đình như thế nào đâu! Làm sao tôi có thể đáp ứng những lá thư vòi tiền hàng tháng của bà ta kiểu như thế? Anh còn biện minh là không nỡ bỏ rơi họ trong trại tị nạn và bơ vơ trên đất Mỹ vì trách nhiệm của người cha và vì tình nghĩa vợ chồng! Chỉ có họ là vợ con của anh thôi sao? Tôi và Trung là gì của anh mà anh nỡ nhẫn tâm bỏ rơi như vậy? Biết bao lần anh nói Trung là đứa giống anh nhất trong những đứa con mà anh có, sao anh nỡ đành lòng bỏ nó đi? Trách nhiệm làm cha như anh vậy đã công bình chưa?”
Người đàn ông lắc đầu:
“Mọi chuyện đã qua, anh không muốn nhắc lại. Anh chỉ biết mình không thể làm khác hơn. Em và vợ anh không hạp nhau. Cả hai đều không cho anh có cơ hội thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình. Em trở lại với chồng cũ thì còn gì nữa đâu. Hôm nay sở dĩ anh đến đây là chỉ muốn chia buồn trước sự mất mát của em mà thôi.”
Mỹ Ngọc chau mày:
“Mất mát? Chia buồn? Anh nghĩ là sau khi anh bỏ tôi, tôi được đầy đủ và vui vẻ hay sao mà đến lúc này mới tìm đến tôi để chia buồn?”
“Mong em hiểu cho tình cảnh của anh mà quên hết mọi chuyện đi. Xin đừng nhắc lại chuyện cũ! Hãy tin là anh chỉ yêu mình em và rất thương nhớ Trung. Nó là đứa con mà anh thương nhất nhưng vì hoàn cảnh anh phải đành thế thôi.”
“Nhưng vì sao anh phải sợ con đó như vậy? Nam tính của anh đâu mà anh không thẳng thắn cho nó biết Trung là đứa con mà anh yêu quý nhất? Tại sao phải trốn nó khi thăm Trung? Tại sao không nói cho nó hiểu Trung là con ruột của anh và thằng bé cũng cần anh chăm sóc như mấy đứa con của nó?”
“Trước đây anh vẫn luôn nghĩ đến cách tạo điều kiện cho tất cả những đứa con của mình có mối quan hệ mật thiết với nhau nhưng chưa thực hiện được thì bao chuyện dồn dập xảy ra. Đáng kể nhất là chuyện em bảo lãnh anh Phát sang đây.”
“Không thể làm khác hơn nếu anh ở trong trường hợp tôi. Tôi không thể chịu cảnh đơn độc trong khi anh bỏ rơi tôi để trở lại với vợ con anh. Tôi đã đánh mất tuổi xuân của mình cũng vì anh.”
“Anh biết. Em đã từ chối bao nhiều lời cầu hôn của những người có chức vụ hơn anh. Nhưng bởi chúng ta đã yêu nhau...”
“Yêu nhau? Anh yêu tôi đến độ để tôi rơi vào cảnh tình như thế này.”
“Em không thể làm gì khác hơn nếu em ở hoàn cảnh của anh.”
“Khác chứ. Đã làm cha thì phải công bình. Nếu không, mẹ đứa nhỏ sẽ đi kiện tòa để lấy sự công bình cho nó. Ít ra cũng là tiền trợ cấp hàng tháng.”
“Em có thể làm bất cứ việc gì em muốn vì anh sẽ chẳng trốn tránh trách nhiệm của mình đâu. Anh biết em chẳng bao giờ hiểu được tình cảm của anh đối với Trung như thế nào. Ngày sinh nhật của nó, anh gọi hẹn và chờ em dưới chân cầu sư tử nhưng em không đến. Anh không dám gọi đến đây nhiều lần và cũng không dám đến đây gặp anh Phát nên anh đành phải bỏ quà sinh nhật của con đi. Chính vì vừa sợ vợ anh vừa sợ anh Phát cho nên thương Trung bao nhiêu anh cũng không có điều kiện biểu lộ với nó. Nếu em là anh như thế, em có vui không?”
Mỹ Ngọc cúi đầu, không đáp. Người đàn ông nói tiếp với giọng đầy ân tình:
“Anh rất nhớ em. Anh làm sao vui được khi phải xa em?”
Giọt nước mắt lăn dài trên má Mỹ Ngọc và người đàn ông rời chiếc ghế đang ngồi. Ông ta đến bên cạnh nàng, ngồi lau từng giọt nước mắt của nàng. Sau đó ông ân cần nắm lấy hai bàn tay của nàng, nhẹ nhàng nâng cằm nàng lên, rồi hôn vào mắt, vào má, và vào môi của nàng. Mỹ Ngọc khước từ với cử chỉ yếu ớt một vài giây, rồi đáp lại đôi môi đói khát của ông ta một cách âu yếm và nồng nhiệt. Nàng đã ngã lưng ra sau, ngửa người, nằm xoải dài lên trên tấm phủ của chiếc ghế bởi cái ghì mạnh của người đàn ông. Ông ta đã trườn lên người nàng và bám chặt lên thân nàng. Trong lúc nụ hôn của ông không rời môi nàng, ông sục sạo trong áo quần nàng bằng những ngón tay đói khát. Sự cuồng nhiệt của ông khiến Mỹ Ngọc ngây ngất đầu hàng. Quên cả giận hờn lẫn oán trách, nàng đã đáp lại những nụ hôn dài rồi cùng ông đắm sâu vào cuộc mây mưa vô tận.
- Thực tế có phải vậy đâu! Anh làm ơn bỏ hết những hình ảnh quái dị trong trí của anh để chú tâm nghe họ nói gì kia kìa!
Lời cảnh báo của Davis khiến Phát bàng hoàng bừng tỉnh. Hóa ra chàng đã trở lại thế giới tưởng tượng của mình như những ngày nằm trên giường bệnh. Lắc đầu xóa hết những mộng ảo, chàng cố gắng sử dụng tất cả khả năng thấu thị của mình.
- Gia đình tôi đang có chuyện buồn. Chúng tôi không muốn tiếp người khách nào cả. Mỹ Ngọc nói với giọng lạnh băng khi nàng chặn người đàn ông đứng tại cánh cửa ra vào khép hờ.
- Anh biết là em không muốn gặp anh nhưng vì vài ngày nữa thôi là gia đình anh sẽ dọn sang bang khác, nên anh đành đến đây thăm hỏi và báo tin luôn. Trước khi xa nơi này, anh muốn nói với em là anh sẽ gửi tiền chu cấp hàng tháng cho Trung.
- Không có tiền phụ cấp của anh trong bao nhiều năm qua Trung vẫn sống được. Xin anh hãy bước ra khỏi nhà của tôi!
- Anh không ngờ em tàn nhẫn đến vậy. Lẽ nào em đành tâm như thế này?
- Trái tim tôi chai đá từ lúc anh để tôi vào tình trạng cảnh sát cảnh cáo tôi phải xa anh một trăm thước kia. Giai đoạn ấy rất khủng hoảng đối với tôi nhưng cũng là lúc tôi khẳng định giữa tôi và anh không còn gì với nhau. Trung, con tôi, chỉ có một người cha duy nhất là anh Phát và anh ấy đã chết. Ngày hôm nay Trung sẽ để tang người cha duy nhất của nó để báo hiếu những ngày ba nó chăm sóc nó. Còn anh không còn là gì của nó thì đừng đến đây làm phiền chúng tôi nữa.
- Em nỡ lòng nào... Phan chưa dứt lời phải quay ra sau bởi cánh cửa ra vào đẩy vào lưng chàng. Hồng Nhung xuất hiện với đôi mắt đầy ngạc nhiên. Tích tắc, đôi mắt ấy phừng lửa rực đỏ vì tức giận. Hất khuôn mặt đầy khinh bỉ, nàng mỉa mai:
- Tôi không hiểu sao có nhiều người trên đời không biết nể nang ai là gì? Đừng viện vào chữ tự do của xứ này mà muốn làm gì thì làm. Thật là gai mắt!
- Chú ấy đến chỉ để hỏi ngày giờ và địa điểm của lễ tang ba - Mỹ Ngọc ấp úng giải thích rồi quay sang người đàn ông nói thật nhanh- Nếu anh muốn dự tang lễ của anh Phát thì hãy đến nhà quàn C. tại góc đường D. và đường U. tại Maryland chiều nay khoảng sáu giờ tối đến chín giờ đêm.
Không nói nên lời, đôi môi người đàn ông như bị dính chặt bởi keo cứng. Trên khuôn mặt đầy kinh ngạc của ông, đôi mắt thất vọng trở nên lo âu khi chúng dõi theo những bước chân giận dữ của cô gái trên những bậc thang lầu. Kể từ ngày ông sống trong căn nhà này cùng với mẹ của cô ta cho đến ngày gặp lại hôm ấy, lần đầu tiên ông thấy cô mang giày lên thang lầu và cũng là lần đầu tiên ông chứng kiến thái độ hết sức vô lễ của cô đối với mẹ cô. Bàng hoàng đến quên cả chào tạm biệt, ông vội quay bước ra ngoài. Khe hở của cánh cửa chưa kịp khép kín đủ làm ông nghe tiếng hét của Mỹ Ngọc:
- Mày nói với ai như thế hả con kia? Mày làm mẹ của tao hay sao vậy?
Một tiếng hét khác vọng xuống lớn không kém:
- Tôi không muốn làm mẹ của ai nhưng tôi chỉ muốn làm con của người mẹ có đạo đức. Người mẹ nói và làm đi đôi với nhau kia. Chứ người mẹ nói một đường mà làm một nẻo, tôi không trọng đâu. Nào là sạch sẽ, nào là đạo đức, nào là kiến thức, nào là bằng cấp... Giá trị gì những thứ ấy khi chúng xuất phát từ những lời răn dạy vô nghĩa chứ. Tôi ước là bà không cho tôi đi học để tôi không phải chịu cảnh như bây giờ. Càng hiểu nhiều tôi càng đau khổ vì có một người mẹ như bà mà thôi.
- Mẹ ơi! Mẹ ơi! Mẹ ở đâu?
Tiếng khóc thất thanh của một đứa bé trai bị ngắt quãng khi cánh cửa ra vào đóng chặt kín. Hình như những âm thanh ầm ỹ đã hoàn toàn cắt đứt theo sự lặng ngắt bất chợt ở trong nhà như cái tĩnh mịch đang có ở bên ngoài.