Chương 4

Lan Kiều nổi tiếng về tài làm thơ lúc nó còn học lớp tám.
Hồi đó, khi đọc được bài thơ Trường em của Lan Kiều đăng trên tờ báo tường treo trong thư viện trường, phóng viên báo Khăn Quàng Đỏ hào hứng nhờ thầy Khải tổng phụ trách đội dẫn vô tận lớp để phỏng vấn và chụp hình Lan Kiều.
Mấy hôm sau báo Khăn Quàng Đỏ in lại bài thơ đó trong mục Mái trường thân yêu, có hình Lan Kiều cười toe toét bên cạnh lời giới thiệu trân trọng “Em Ngô Ngọc Lan Kiều, học sinh lớp 8A4 trường Tự Do, là một cây bút đầy triển vọng...” khiến bạn bè lác mắt.
Tần phải công nhận Lan Kiều làm thơ hay thật. Bài Trường em có những câu nó nhớ mãi “Anh gạch/ Đo đỏ/ Nho nhỏ/ Dễ thương/ Sắp hàng/ Trên tường/ Dựng nên/ Trường mới”. Nhưng bài thơ viết về đôi dép của Lan Kiều mới thật là tuyệt vời “Dép là/ Làn da/ Bên ngoài/ Cơ thể/ Dép là/ Chiếc ghế/ Của năm/ Ngón chân...”. Hình ảnh vừa gần gũi vừa độc đáo.
Tần mỉm cười nhớ lại việc báo Khăn Quàng Đỏ ca ngợi Lan Kiều lúc đó đã khiến “thần đồng toán” Quý ròm tức khí, ti toe làm thơ với bút danh Bình Minh. Những bài thơ ngớ ngẩn của “thi sĩ Bình Minh” Quý ròm sau đó bị “thi sĩ Hoàng Hôn” Lâm trêu chọc đến tối tăm mặt mũi, dẫn đến cuộc thách đấu xem ai “phổ thơ” các bài học dễ nhớ hơn...
Bất chấp chuyện băng “tứ quậy” (sau khi thằng Quốc Ân chuyển qua trường Thanh Niên chỉ còn là “tam quậy”) không ngừng khích bác lẫn chuyện hai đứa bạn thân là Dưỡng và Hiền Hòa tiếp tục“tẩy chay” mình, Tần vẫn sốt sắng đóng vai người giúp việc không công cho lớp phó kỷ luật, sáng nào cũng gân cổ hò hét giữ gìn trật tự vừa thấp thỏm chờ Lan Kiều làm xong bài thơ.
Chủ bút tờ báo tường của lớp năm nay vẫn là nhỏ Vành Khuyên, mặc dù nó đã thôi làm lớp phó phụ trách văn thể mỹ do lớp 10 trường Đức Trí không có chức danh này.
Giờ ra chơi nào nhỏ Vành Khuyên cũng đứng lên khỏi ghế, quay đầu ra sau, ong óng “điệp khúc”:
- Các bạn nộp bài lẹ lẹ giùm nha! Còn một tuần nữa là hết hạn rồi đó.
Ngày hôm sau:
- Các bạn nộp bài gấp gấp giùm nha! Còn sáu ngày nữa là hết hạn rồi đó.
Hôm sau nữa:
- Các bạn nhớ nộp bài nhanh nhanh giùm nha! Còn năm ngày nữa là hết hạn rồi đó.
Đứa sốt ruột nhất khi nghe thời hạn ngắn đi từng ngày dĩ nhiên là thằng Tần.
- Sao rồi, Lan Kiều? Bạn làm tới đâu rồi?
Tần hồi hộp giục, bực mình khi thấy Lan Kiều cứ tỉnh bơ:
- Gần xong rồi. Cho đến khi chỉ còn hai ngày nữa là hết hạn, tức là vào lúc ruột gan thằng Tần nóng như hơ lửa, Lan Kiều mới chìa bài thơ ra:
- Xong rồi nè!
Tần chụp lấy tờ giấy, vội vã nhét giấm giúi vào túi áo để không đứa nào nhìn thấy, rồi phi một mạch ra nhà vệ sinh.
Lẽ ra không nên thưởng thức thơ tình trong bầu không khí kém thơm tho như vậy nhưng con nhà Tần nôn nao quá. Nó không thể đợi đến lúc ra về. Nó đã đợi cả chục ngày nay rồi còn gì.
Để nguyên quần áo, Tần ngồi xuống bàn cầu đóng nắp, trịnh trọng như người ta ngồi vào ghế VIP trong một buổi đại tiệc, hấp tấp moi tờ giấy trong túi ra, chúi mắt đọc.
 
ĐÔI KHI
Muốn làm cho bạn ấy
Vui thêm được một ngày
Lại làm cho bạn ấy
Buồn thêm cả tuần nay
 
Tần lẩm nhẩm bài thơ trong miệng, trán nhăn tít, trông nó giống như đang đọc mật mã. Nó nhìn trân trân vô từng dòng chữ, nửa hiểu nửa không. Nó lờ mờ đoán hai từ “bạn ấy” trong bài thơ ám chỉ nhỏ Minh Trung, nhưng đăng bài thơ này lên để làm cho “bạn ấy” rung động thì nó chẳng tin tưởng tẹo nào.
Giờ ra về, Tần lại gần Lan Kiều. Nó chưa kịp mở miệng, Lan Kiều đã hỏi trước:
- Tần đọc bài thơ chưa?
- Rồi.
Lan Kiều chớp mắt:
- Hay không?
- Hay. - Tần gãi đầu, ngập ngừng - Nhưng tôi không hiểu gì hết.
- Có gì đâu mà không hiểu?
Tần nhăn nhó:
- Thơ gì mà giống bản kiểm điểm nộp cho thầy giám thị quá!
- Thì “kiểm điểm” chứ gì nữa! - Lan Kiều tủm tỉm - Đây là bản tự kiểm điểm của người đang “rung động đầu đời” mà.
Không đợi Tần thắc mắc, Lan Kiều hất mái tóc:
- Bạn xung phong giữ trật tự trong lớp là để cho Minh Trung vui, đúng không?
- Ờ.
- Nhưng bạn càng giữ trật tự thì lớp mình càng... mất trật tự, đúng không?
Tần đỏ mặt:
- Ờ, ờ...
Lan Kiều gật gù, kết luận:
- Bài thơ này nhằm nói lên cái ý đó. Tần loay hoay cố nhớ lại bài thơ. Bài thơ ngắn ngủn, chỉ đọc qua vài lần là thuộc. Tần lần theo từng con chữ trong đầu, cảm thấy sau khi Lan Kiều giải thích bài thơ trở nên dễ hiểu hẳn.
Lan Kiều dòm lom lom vào mặt bạn, chăm chú như nhà thiên văn học đang dò những chỗ lồi lõm trên mặt trăng:
- Bây giờ Tần hiểu chưa?
Tần nhanh nhẩu:
- Hiểu rồi. Nó đưa tay quẹt chóp mũi, phân vân:
- Nhưng đăng bài thơ này lên thì có tác dụng gì đâu! Sự nghi ngờ của thằng Tần làm Lan Kiều nổi giận đùng đùng. Nó vung mạnh chiếc cặp:
- Trời đất! Bộ Tần không tin mình hả?
- Tôi tin bạn mà. - Tần nuốt nước bọt - Nhưng...
- Không có nhưng nhị gì hết. - Lan Kiều hừ mũi - Mình hỏi Tần nè. Nếu Tần là Minh Trung thì khi đọc bài thơ này, Tần có biết được tình cảm của tác giả bài thơ dành cho mình hay không?
- Dĩ nhiên là biết.
- Tần sáng mắt lên, cảm thấy đầu óc bớt ngu đi một chút.
- Vậy Tần còn lo gì nữa! Tần gãi gáy (từ khi thích Minh Trung nó đâm ra mắc cái tật hay... gãi!), lỏn lẻn:
- Ờ há! Từ “ờ há” vốn là độc quyền của “ngốc tử” Tiểu Long. Tần là đứa lanh lợi, mồm mép, trong tự điển của nó xưa nay không có từ “ờ há”. Nhưng kể từ hôm nó bắt đầu nghĩ về nhỏ lớp phó kỷ luật, nó biến thành kẻ ngu ngơ hồi nào không hay.
 

*

Chủ bút Vành Khuyên nhận bài thơ của Tần, khẽ lướt mắt đọc, không nhận xét thơ hay hay dở, chỉ gọn lỏn:
- Ông này ghê quá há!
- Ghê gì đâu! - Tần ấp úng, cảm thấy mặt trời đang mọc trên mặt mình.
- Vậy mà không ghê! - Vành Khuyên mỉm cười, tay nhét bài thơ vô cặp - Ông làm bài thơ này tặng ai vậy?
Hoặc ánh mắt nghi ngờ của Vành Khuyên đóng đinh Tần vô tường, hoặc câu hỏi của con nhỏ khiến Tần mắc cỡ đến mức nó phải tựa lưng vào tường cho khỏi xỉu. Từ tư thế rất giống bị tra tấn đó, nó lí nhí như tiếng dế, mặt mày nóng bừng:
- Tôi làm chơi vậy thôi. Đâu có tặng ai!
Sợ chủ bút Vành Khuyên tiếp tục khai thác đề tài khó nói này, Tần liếm môi hỏi:
- Bài thơ này đăng được không?
- Được chứ! - Vành Khuyên gật đầu - Tần làm thơ hay như vậy mà trước nay giấu tài không cho bạn bè biết há!
Một lần nữa Tần lại có cảm giác đang đút đầu vô lò nướng, lần này vì tội “mạo danh” thi sĩ. Bài thơ này do Lan Kiều sáng tác, mình chỉ đứng tên thôi chứ có biết thơ thẩn gì đâu! Tội lỗi! Tội lỗi quá! Tần nhủ bụng, phân vân không biết nên cười hay nên khóc.
Đó là nói lúc bài thơ chưa được đăng lên báo. Khi tờ báo tường được treo lên, Tần biết rõ là mình nên khóc. Hoàn toàn nên khóc.