Đánh máy: Trúc Diệp Thanh, Trúc Nhi
Hồi 4
Không Cốc U Lan

Cùng một thời điểm ấy, Thiết Trung Đường đang gặp cơn phong ba bão táp.
Thiết Trung Đường bị rơi xuống vực thẳm khiến mắt hoa đầu váng, bên tai chàng như vọng lại tiếng hát.
Tiếng hát dịu dàng trong trẻo:
- Chàng tên gì? Người thuộc phương nào? Tại sao chàng lại hôn mê, mong sao cho chàng tỉnh lại, chàng hiểu cho rằng lòng ta rất nôn nao chờ đợi!
Một thiếu nữ tóc dài đang ngồi một bên Thiết Trung Đường, nàng ngửa mặt ngắm nhìn khoảng trời xanh mênh mông, rồi tiếp tục cất tiếng hát.
Thiết Trung Đường phóng tầm mắt nhìn từ dưới lên trên nhưng chàng không nhìn rõ gương mặt của nàng, chỉ thấy trên mình thiếu nữ mặc chiếc áo vải rất thô sơ rồi chàng gối đầu lên đùi nàng. Thiếu nữ ấy tạm dừng tiếng hát cúi mặt xuống.
Tiếng hát của nàng thật trong trẻo ngọt ngào nhưng mặt nàng hình như đã lâu ngày không rửa chỉ còn lại đôi mắt trong sáng.
Thiết Trung Đường cảm thấy vô cùng kỳ lạ, ai dè thiếu nữ lại cất tiếng hát:
- Chàng tên chi và người ở nơi nào?
Thiết Trung Đường càng thấy kỳ dị hơn, chàng nhìn sửng vào nữ nhân ấy, tiếng hát lại vang lên:
- Ta xin hỏi chàng, tại sao chàng không trả lời ta, có lý nào chàng không nói được, có lý nào chàng là người câm.
Thiết Trung Đường nghe xong chàng cảm thấy lạ lùng lại vừa buồn cười:
- Cô nương đang nói chuyện hay là đương hát, tại hạ vốn chưa nhận ra.
Thiếu nữ ấy mỉm cười:
- Điều ta muốn nói chính là ca xướng, nếu chàng không đáp lời ta, ta sẽ mang chàng lên vách núi.
Tiếng cười của thiếu nữ trong như tiếng chuông ngân rồi nàng bồng Thiết Trung Đường dậy.
Thấy dáng dấp của nữ nhân. Thiếu Trung Đường nói ngay:
- Tại hạ họ Đường tên Trung.
Thiết Trung Đường vốn là người cẩn thận nên trong lúc này chàng không dám nói ra tên thật.
Thiếu nữ ấy nghe xong cười khanh khách rồi hát tiếp:
- Ta tên là Thủy Linh Quang, từ nhỏ được sinh ra ở chốn này.
Đó là một cái hang sâu, chung quanh toàn dãy núi và cỏ cây, kiếm từng giọt nước họ mới sống còn đến hôm nay. Ở đây, không ai lại chọn làm nơi sinh sống.
Đôi mắt thiếu nữ hiện rõ nét u uẩn hát:
- Suốt ngày ta đứng trên tảng đá núi, nào biết chi đến thế giới bên ngoài, nếu em được nhìn thấy một lần dù có chết cũng yên lòng.
Lời ca thật ai oán khiến người nghe cũng thấy thương cho nàng.
Thiết Trung Đường cũng không sao tránh được nổi lòng trắc ẩn, chẳng biết nàng sống như thế nào trong cái cảnh hoang sơ như thế này.
Thiếu thốn vật chất thì đương nhiên. Đời sống tinh thần thì thật là cô đơn đáng thương.
Trải qua hơn mười năm nàng đã sống trong cái cảnh khốn cùng ấy, làm cho nàng trông thoáng vẻ ngây thơ đến khờ dại, muốn nói chuyện với ai chỉ cất tiếng hát.
Thiết Trung Đường không dằn nổi, hỏi:
- Chỉ một mình cô nương sống ở đây?
Thiếu nữ Thủy Linh Quang thở dài rồi hát:
- Từ tấm bé ta chỉ có mẫu thân, không có phụ thân và cũng không biết tại sao lại đến nơi này.
Hát vừa xong trên đôi mắt Thủy Linh Quang cũng vừa rơi hai giọt lệ. Thiết Trung Đường nhìn quanh thấy hai bên là vách đá cao hơn một trăm trượng, phía dưới toàn rêu xanh chim cũng khó mà bay qua.
Ở đây không có một con đường nào, có lý nào ta cũng ở đây suốt cuộc đời như Linh Quang?
Vừa nghĩ tới đó, Trung Đường cảm thấy lo sợ. Chàng thấy Linh Quang đứng dậy mới biết rằng toàn thân nàng đầy bùn dơ.
Thủy Linh Quang vươn hai tay dáng dấp bi thương được thay vào nụ cười rồi vỗ tay hát:
- Một con heo mập cắm vào cây sắt, rồi lấy cành cây mà quay nó. Ôi mỡ chảy tràn ra, và da nó một màu vàng, ta sẽ dùng dao cắt một miếng mời chàng ăn.
Thủy Linh Quang vừa cười vừa làm bộ như có miếng thịt heo quay trao cho Trung Đường, nàng lại hát:
- Xin mời chàng thử một miếng.
Hát xong mặt nàng chợt buồn, chợt vui trong lòng Thiết Trung Đường vừa lấy làm lạ vừa không nhịn được cười.
Thủy Linh Quang thấy Trung Đường cười, nàng rất vui mừng, nàng lại cười lại hát:
- Mẫu thân muội từng căn dặn con người đừng quá bi thương, mỗi ngày muội chỉ buồn chừng một khắc, qua khắc ấy muội lại ca hát!
Rồi nàng nhảy xung quanh Thiết Trung Đường:
- Thịt heo quay muội chưa bao giờ được ăn, mỗi ngày muội chỉ hướng ánh mặt trời, muội cố ảo tưởng rằng trong ánh dương quang ấy có thịt heo quay, xin lòng chàng đừng quá đau buồn.
Nghe vậy, Thiết Trung Đường than thở:
- Con người sống ở đây nếu không biến chuyển nổi khổ thành niềm vui thì suốt ngày làm sao chịu nổi, nhưng mẫu tử nàng tại sao lại đến đây?
Chàng đoán chắc mẫu tử Thủy Linh Quang đều là những người có võ công. Nếu là người không có võ công thì làm sao dám sống ở chốn này, hay là họ vì trốn lánh kẻ thù nên tới đây?
- Kẻ thù của họ là ai? Lai lịch của họ như thế nào?
Những câu hỏi ấy vừa thoáng qua trong đầu óc Thiết Trung Đường thì xa xa vọng lại tiếng gọi:
- Linh nhi, sao con chưa về lo cơm nước?
Tiếng nói thật trầm, nhỏ nhưng khi lọt vào tai thì nghe rõ mồn một. Đó là tiếng nói của những hảo thủ có nội công thâm hậu khiến Trung Đường thất kinh, lúc này Thủy Linh Quang đã cúi mình nói:
- Đi … đi … mang huynh … đi … đến … thăm má má!
Chỉ một câu nói ngắn gọn nhưng Thủy Linh Quang nói thật lâu cứ cà lăm cà cập.
Nghe xong, tự nhiên Thiết Trung Đường chợt hiểu:
- Thì ra Thủy Linh Quang bị cà lăm, hèn gì cô nàng không muốn nói.
Nếu có mười người bị cà lăm trong đó có đến chín người khi hát khi ca thì chẳng bị cà lăm. Đó là chuyện Trung Đường đã nghe. Bây giờ chứng kiến quả không sai chút nào. Mới chuyển mình, chàng đã bị Thủy Linh Quang cõng đi.
- Muội … rất hiếm có … người chơi … với muội, muội nói … nói … sở dĩ … không được! Huynh đừng cười … - Tại hạ đâu dám cười, từ nay tại hạ sẽ thường xuyên chuyện trò với cô nương, bệnh cà lăm của cô nương chắc chắn sẽ hết.
Thủy Linh Quang nhướng mày nói:
- Huynh … huynh tốt quá!
Thân pháp của Thủy Linh Quang thật nhẹ nhàng trông nàng chẳng khác gì chim hải yến, điều đó chứng tỏ võ công của mẫu thân nàng phải thuộc hàng cao thủ.
Nàng chạy nhảy giữa đám cây cỏ hang khe nhưng chẳng thấy mệt nhọc, Thiết Trung Đường tự nghĩ nếu chàng không bị trọng thương cũng không có khinh công được như nàng.
Phái Đại Kỳ huấn luyện đệ tử rất nghiêm khắc. Chàng được luyện võ từ tấm bé nên võ công của Thiết Trung Đường cũng có hạng trong giới võ lâm giang hồ.
Nhưng Thủy Linh Quang chỉ từng ấy tuổi thế mà võ công của nàng còn cao hơn cả Thiết Trung Đường, đó là điều lạ lùng. Trung Đường nghĩ không biết nàng đã học võ công như thế nào.
Trung Đường chỉ thấy một tảng đá cao chừng bốn trượng, trên mặt tảng đá rất sạch, so với bốn phía thì khác xa.
Vừa đến đó, Thủy Linh Quang chậm bước, nàng đi bước thấp bước cao lên vùng cây cỏ bùn lầy xem chừng như võ công của Thủy Linh Quang giảm đi chín phần.
Khi đến đây Thủy Linh Quang giả bộ thở hổn hển. Thấy thế Trung Đường cảm thấy lạ lùng hơn.
Có lý nào Thủy Linh Quang lại không học võ công của mình với mẫu thân. Vậy thì võ công ấy nàng đã học được ở đâu?
Nghĩ đến đó, Thiết Trung Đường không chịu nổi, hỏi:
- Võ công của cô nương… Trung Đường chưa hỏi hết câu, Thủy Linh Quang đã vội lấy tay bụm miệng chàng, gương mặt nàng tỏ ra sợ hãi, cúi đầu ghé tai Trung Đường nói nhỏ:
- Đừng … đừng nói … Thật khó mà giải thích những nghi ngờ của Thiết Trung Đường, chỉ thấy Thủy Linh Quang đi qua tảng đá xanh. Phía sau tảng đá ấy là một thạch động, tảng đá màu xanh được dùng như bức bình phong của thạch động. Thạch động hẹp mà sâu, cảnh u ám cỏ cây như thế nhưng lại được dọn dẹp quang đãng.
Từ ngoài cửa động, Thủy Linh Quang đã lau sạch bùn trên đôi hài dệt bằng vỏ cây, nàng dáng dấp thật cung kính bước từng bước vào, chừng hơn hai chục bước, thấy nàng rẽ về bên trái một đoạn, tại đây hang động rất lớn và quang đãng hơn. Một cái hang chừng bốn năm trượng vuông, bốn mặt dây leo, một số đã khô và có cả cây thuốc tự sinh. Trên một sợi dây cột ba con chim đã khô. Bên mé đông có đặt một cái thau chứa nước từ trên nham thạch từng giọt nhỏ xuống nghe thánh thót xua tan cảnh lặng lẽ của thạch động. Bên cạnh thau nước có một cái lò bằng đá.
Dưới ánh sáng yếu ớt thấy có một chiếc giường bằng gỗ lót lá làm nệm, có một lão phụ tóc bạc khô cằn mặc chiếc áo vỏ cây. Lão bà ốm đến nổi chỉ còn da bọc xương, hai lưỡng quyền cao nhưng đôi mắt thì trong xanh sâu hút, chiếu tia nhìn chẳng khác gì của loài dã thú, cảnh tượng ấy đập vào mắt Thiết Trung Đường chẳng khác nào một hồn nơi địa ngục.
Một điều đáng sợ là hai con mắt của lão bà tỏ ra thù hận với người đời. Lão bà chợt hỏi:
- Người này từ đâu đến?
Thiết Trung Đường như bị chấn động, không ngờ một lão bà ốm tong teo như thế lại có tiếng nói đầy lực làm rung cả thạch động.
Thủy Linh Quang cũng phát run:
- Người … người này … từ trên núi … Thủy Linh Quang vốn đã cà lăm, bây giờ vì sợ hãi lại nói không ra lời.
Trông Thủy Linh Quang, Thiết Trung Đường cũng không ngờ nàng lại sợ mẫu thân đến thế. Vừa nghĩ đến đấy, Trung Đường vội đứng lên:
- Tại hạ bị trọng thương, bị rơi từ trên núi xuống, may nhờ cô nương đây cứu nên mới bảo toàn tính mạng.
Lão bà nhìn Thiết Trung Đường từ đầu xuống chân rồi hỏi:
- Ngươi là ai? Tại sao lại bị thương?
- Tại hạ họ Đường tên Trung bị kẻ thù bức bách, một mình không thể cự với số đông.
- Đường Trung, ngươi có phải là con cháu họ Đường ở Tứ Xuyên? Kẻ thù của ngươi là ai?
Thiết Trung Đường vội vàng phủ nhận:
- Tại hạ là đệ tử của Hình Ý môn, kẻ thù của tại hạ là Ngũ Độc bang ở Tây Hà.
Thiết Trung Đường đinh ninh rằng bà ta ở đây lâu ngày sẽ không biết gì những chuyện của giang hồ nên chàng bịa ra cái tên Ngũ Độc bang để che giấu lai lịch của chàng.
Lão bà nói tiếp:
- Ngươi đã đến đây, sau này ngươi sẽ làm như thế nào?
- Tại hạ bị kẻ thù gia hại, vết thương hơi nặng đâu dám nghĩ gì nữa. Đến khi vết thương lành rồi sẽ hay.
Chàng chưa dứt lời đột nhiên lão bà hét như điên:
- Lương thực ở đây hai mẫu tử còn chưa đủ, chỉ một việc nước trong đã rất quí, ngươi nghĩ đến chuyện ở lại để dưỡng thương, có phải ngươi đang nằm mộng.
Nghe lão bà nói ậy, Thiết Trung Đường thấy lạnh người, còn Thủy Linh Quang cũng lo sợ.
Nàng bước nhanh tới đỡ Trung Đường rồi đứng trước chàng thưa với mẫu thân:
- Phần của … con … nhường … cho người này.
Thái độ của Thủy Linh Quang như một thiếu nữ ngây thơ chứ hoàn toàn không hề biểu lộ một mảy may tình dục, nàng chỉ biết gã thanh niên này do nàng cứu nên bảo vệ chàng, đó chỉ là bản năng của một nữ nhân có từ khi còn ở trong bụng mẹ.
- Có phải mi muốn nhường một phần thức ăn và nước cho hắn?
Thủy Linh Quang mở rộng hai mắt gật đầu.
Lão bà vỗ tay vào vách giận dữ:
- Còn mi thì sao?
- Con … con không … cần lắm.
Thủy Linh Quang nói chưa dứt thì bà lão đã nhanh như điện chớp phi thân đến tát vào mặt Linh Quang hai cái rồi cũng nhanh như chớp phi thân trở lại giường.
Thủy Linh Quang cứ cúi đầu đứng yên chỉ nghe lão phụ mắng:
- Tốt ghê! Mi không ăn cũng không uống, thế là mi tình nguyện chết đói thay hắn. Mi muốn con mụ già này phải làm gì đây?
Một lão bà tàn phế mà lại có thân thủ nhanh như gió. Chợt bà quay mặt nhìn trừng trừng vào Thiết Trung Đường:
- Nữ nhi ta muốn nhường thức ăn cho ngươi, còn hắn chịu chết. Ngươi có nghe không?
- Hảo ý của Thủy cô nương, tại ha rất cảm kích nhưng tại hạ không thể nhận.
- Dĩ nhiên là không thể nhận, nhưng ngươi phải chết mau chóng!
Thủy Linh Quang thất sắc la to:
- Mẫu thân … mẫu thân nhẫn … tâm.
- Tại sao lại không nhẫn tâm? Trên đời này huynh đệ tương tàn, nam nhân giết vợ cũng rất nhiều, hà huống hắn với ta nào có quan hệ gì, hắn có chết thì quan hệ gì đến ta.
Thủy Linh Quang rất kinh hoàng, nàng chưa kịp nói thì Thiết Trung Đường đã nói trước:
- Vết thương của tại hạ không nặng chẳng qua vì quá mệt, chỉ cần nghỉ ngơi vài ngày sẽ làm việc được. Khi ấy tại hạ sẽ tìm thức ăn hoàn lại cho tiền bối.
- Ngươi tưởng dễ dàng lắm sao? Ngươi nên biết thức ăn ở đây quí hơn cả vàng ngọc.
Rồi bà nói tiếp:
- Thức ăn đã khó nhưng còn tìm được, khó khăn nhất là nước … nước … ngươi hãy nhìn xem từng giọt nước rỉ xuống, từng ấy nước liệu có đủ cho ba người không?
Từng giọt nước nhỏ vào bồn trông chẳng khác gì từng giọt nước mắt, thậm chí còn ít hơn giọt nước mắt.
- Không có nước mưa sao?
Thiết Trung Đường thở dài nhìn về Thủy Linh Quang, chàng mới hiểu vì sao cô ấy để dơ đến thế.
- Đã như vậy rồi thì thôi!
- Mẫu thân … chỉ cần mẫu thân …đừng rửa mặt … người này dùng một ít.
- A! Con a đầu thối tha! Mi không cho già này rửa mặt để lấy nước cho tiểu tử thối tha? Mi … mi là một đứa a đầu bất hiếu, tại sao mi lại học phụ thân mi. Phụ thân mi vì mẫu thân mà đành lòng giết vợ?
Trong chớp mắt, trong đầu óc Thiết Trung Đường thoáng ý tưởng, chàng không cần phải do dự hét lớn:
- Thịnh đại ca, đại ca đâu rồi?
Quả nhiên lão bà giọng run run:
- Ngươi nói gì vậy?
Thiết Trung Đường thầm mừng. Thì ra mình phán đoán có phần đúng.
Chàng cố ý lắc đâu:
- Dạ không có gì.
- Ngươi có nói không?
- Tại hạ đoán như vậy, chỉ sợ rằng không đúng.
- Nói mau, nói mau, đúng hay sai cũng chẳng hề gì.
- Miệng tại hạ khát nước quá, không thể nói được.
Thủy Linh Quang vô cùng ngạc nhiên, chàng thiếu niên này chỉ một câu nói đã đánh động lương tâm của mẫu thân mình. Nàng chạy đến chỗ bồn nước lấy một gáo nước cho Thiết Trung Đường.
Thiết Trung Đường cười mỉm:
- Xin mời cô nương uống trước.
Lão bà giục:
- Uống đi!
Thủy Linh Quang uống một hơi cạn, nàng múc gáo khác cho Thiết Trung Đường.
Tuy nàng không nói nhưng trong đôi mắt nàng thoáng chút tình ý đối với Thiết Trung Đường.
Chờ khi Trung Đường uống xong, mẫu thân Thủy Linh Quang lại nhắc:
- Cho hắn một chút gì ăn để ta hỏi chuyện.
Có được cái ăn, Thiết Trung Đường phục hồi sức khỏe mau chóng.
- Bây giờ ngươi nói được chưa?
- Tiền bối vốn là người nữ nhân ôn nhu, dịu dàng, ngày nay đã biến thành như vậy, chắc chắn tiền bối đã trải qua nhiều đau khổ.
- Làm sao ngươi biết chuyện của ta?
- Tại hạ chỉ đoán mò nhưng … - Đoán mò à! Hãy nói thật đi, ngươi có phải là người của Thái Bà phái đến đây tìm kiếm mẫu tử ta?
Thiết Trung Đường vẫn bình tĩnh:
- Tiền bối vừa mới nói đến Thái Bà phải chăng là Thịnh đại nương?
- Ngươi thật là đáo để?
Bà chỉ vừa nghe ba tiếng “Thịnh đại nương” tựa hồ như bà quá sợ hãi, người lão bà run rẫy.
- Tiền bối chớ lo. Thịnh đại nương là kẻ thù của tại hạ, gặp được tiền bối thật là ý hợp.
- Ta có gặp ai đâu, tại sao ngươi biết ta gặp gỡ?
- Trước kia trong giới võ lâm có một vị nữ kiếm khách danh truyền là Nhu tình thủ Thủy Nhu Tụng ắt chính là lão tiền bối.
Lão bà đầu bạc giật mình:
- Thủy Nhu Tụng … Thủy Nhu Tụng.. Chợt bà vung song chưởng vùng dậy.
Thiết Trung Đường chỉ thấy như đóa hoa trước mặt chàng đã bị bà lão nắm áo.
Thủy Linh Quang không hiểu họ đã nói những gì. Nàng thấy mẫu thân như vậy thất sắc, giọng run run gọi:
- Mẫu thân … mẫu thân … mẫu thân … - Hãy nói mau, tại sao ngươi biết ta là Thủy Nhu Tụng?
Hai chân của Thủy Nhu Tụng không nhúc nhích được, trong lúc ấy bà ta té xuống đất nhưng chưởng phong của bà ta thật kinh hồn xé rách áo của Thiết Trung Đường. Ba ngón tay của Thủy Nhu Tụng nắm chặt vào hung cốt của Thiết Trung Đường, chỉ cần bà ta nhấn mấy ngón tay thì ngực của Thiết Trung Đường bị dập ngay.
Ai ngờ Thiết Trung Đường vẫn bình thản:
- Tiền bối cứ bức bách như vầy, tại hạ thở còn chưa được thì làm sao mà nói tiếp?
- Ngươi nên biết chỉ vì ta muốn nghe nên cố ý hành động như thế.
- Quả nhiên tiền bối biết ý của người khác.
Thủy Nhu Tụng nhìn trừng trừng Thiết Trung Đường một lát bà mới nới tay:
- Nói nhanh, nếu ngươi không chịu nói rõ ràng ta sẽ đập ngươi ra thành tan thành mấy mảnh.
- Tâm lý của tại hạ không được thích ứng nên chưa muốn nói.
Chàng liếc nhìn Thủy Nhu Tụng thấy bà dùng hai tay ôm ngực như để dằn cơn tức giận, bà nói miễn cưỡng:
- Được, được, ngươi nói nhanh lên.
Thủy Linh Quang đứng cạnh thấy thế nàng hết sức lạ lùng. Nàng có ngờ đâu mẫu thân mình lại có ngày nhẩn nhịn với một người khác như vậy, nàng lại càng khâm phục Thiết Trung Đường.
Thiết Trung Đường kể:
- Việc ấy nói ra cũng chẳng lạ lùng gì. Tử tâm kiếm khách Thịnh Tồn Hiếu lúc mới mười bảy tuổi, trước sau đã có ba người vợ kế tiếp nhau chết. Theo lời đồn đãi trong giới giang hồ về Thịnh đại nương. Nói rằng ba bà Thịnh phu nhân đều chết bởi Đại Kỳ môn, nhưng gia sư vô cùng giận dữ bởi ông ta cùng đệ tử Đại Kỳ môn tuyệt nhiên không hạ thủ ba vị phu nhân.
Gương mặt Thủy Nhu Tụng nhăn nhó:
- Tiên Lập Sách, Hoa Hướng Minh là không phải do Đại Kỳ môn giết?
- Đại Kỳ môn mấy lần vào Trung Nguyên nhưng chưa được rửa hận khốn đốn, trong giới giang hồ có không ít bọn võ lâm đạo chích, bọn chúng biết rằng Đại Kỳ mỗi lần đánh không trúng kẻ thù thì rút lui an toàn, thế là bọn chúng lấy chuyện xấu xa đổ lên đầu Đại Kỳ môn.
Chàng tiếp:
- Lúc ấy gia sư đã nghi ngờ mọi chuyện đều do Thịnh đại nương cả, suốt đời bà ta chỉ sợ nàng dâu cướp mất tình thương của con thế là bà hạ độc thủ giết chết nàng dâu của mình, bàn tay thủ đoạn gian ác của Thịnh đại nương chẳng qua chỉ che mắt thiên hạ chứ làm sao che mắt của Thịnh Tồn Hiếu.
- Hèn gì cho tới nay hắn vẫn không cưới vợ khác. Hắn thật là một người con có hiếu.
Thủy Nhu Tụng cúi đầu:
- Xưa nay Thịnh Tồn Hiếu vẫn không tục huyền … Bỗng nhiên bà hỏi:
- Nhưng tại sao ngươi lại biết ta là Thủy Nhu Tụng?
- Cô ấy họ Thủy, tại hạ lại thấy tiền bối tất có điều gì đau khổ, nhờ linh cơ nên tại hạ thử hô “Thịnh đại ca” quả nhiên thấy sắc mặt tiền bối thay đổI, chỉ còn một vấn đề duy nhất. Ban đầu tại hạ cứ tưởng tiền bối tuổi rất cao nhưng sau đó tại hạ nghĩ lại do gian khổ tháng năm, tâm tình thù hận tự nhiên làm cho con người chóng già, khi ấy tại hạ mới đoán rằng ngươi bị Thịnh đại nương ám hại chính là Nhu tình thủ Thủy Nhu Tụng.
Dưới ánh sáng mờ ảo, thấy sắc mặt củ Nhu tình thủ Thủy Nhu Tụng buồn bã ngồi xuống đất đầy bi phẫn.
Thủy Linh Quang mở hai mắt nhìn Thiết Trung Đường rồi lại nhìn sang mẫu thân, nàng bỗng ngồi xuống ôm mặt khóc.
Một hồi lâu Thủy Nhu Tụng từ từ hỏi:
- Ai ngờ ngươi lại thông mình như thế, ngươi … ngươi đoán đều không sai.
Bà nghiến răng giận dữ:
- Hai mươi năm trước cũng trên đỉnh núi này, năm gia đình ta cùng với Thiết Kỳ môn đã khổ đấu mấy ngày, ta hơn chân ở thế thượng phong, nhưng lúc đó người đã mệt mỏi hết sức, vả lại đang mang thai nên mới cầu Thịnh đại nương đưa ta về trước, ai ngờ sau khi mụ nghe ta nói mụ cười. Mụ tuyệt đối không để ta sinh con đoạt tình thương của con mụ, ta vừa giựt mình thì mụ đã liệng ta xuống hang sâu, tuy ta không bị chết, nhưng hai chân đã … Gương mặt Thủy Nhu nhăn nhó, bỗng nhiên bà ngưng nói, trong ánh mắt tỏa ra tia nhìn thù hận.
- Tiền bối ở trong hoàn cảnh gian khổ nhưng vẫn sống, vãn bối xin bội phục vô cùng.
Thủy Nhu Tụng nói với giọng hận thù:
- Đúng là một giai đoạn mà người khác không thể chịu đựng nổi, nó đã khiến cho ta nông nỗi này nhưng chắc chắn ta sẽ sống.
Rồi đôi mắt hận thù ấy nhìn vào Thiết Trung Đường, bà nói tiếp:
- Lúc đó, ta cũng như ngươi bây giờ, mệt mỏi, bị thương mà lại bị trọng thương.
Thủy Nhu Tụng nở nụ cười ác độc hướng về Thiết Trung Đường:
- Nhưng ta chỉ là người nữ nhân, bụng mang dạ chửa lại bị tàn phế, tình huống tuyệt vọng hơn ngươi rất nhiều. Ở trong hoàn cảnh cô đơn mà vẫn tồn tại. Còn ngươi là một nam tử hán. Sao lại không tồn tại được?
- Ý của tiền bối … Thủy Nhu Tụng nói to:
- Tuy ta không giết ngươi nhưng ta cũng không muốn ngươi, ngươi hãy mau đi ra, còn không … ta chỉ có ra tay Thủy Nhu Tụng bay về giường và không thèm nhìn Thiết Trung Đường, con Thủy Linh Quang cứ ngồi xuống đất mà khóc, nàng cũng không có ý ngăn trở.
Thiết Trung Đường sửng sờ một lúc, chàng đã vận dụng hết trí tuệ, tưởng rằng đánh động được tâm lý của Thủy Nhu Tụng. Nhưng bây giờ chàng tự biết là hoàn toàn tuyệt vọng. Thiết Trung Đường nắm chắc song quyền, cố đứng dậy đi ra, chàng vừa ra khỏi động thì té ngay.
Chỉ vì mạng sống của chàng còn có ích nên chàng lấy hết sức mạnh và trí tuệ mà phấn đấu. Nhưng chàng tuyệt đối không cầu khẩn van xin.
Được ăn uống nên khí lực của chàng được phục hồi, chỉ một đoạn đường từ trong động ra cũng đủ tiêu hao khí lực.
Thiết Trung Đường nằm ngửa xuống đất, duỗi tay chân thoải mái, rồi chàng tập trung tinh thần điều hòa hơi thở.
Chàng ngửa mặt nhìn trời, ánh hoàng hôn sắp buông xuống, lại một giai đoạn phấn đấu sắp mở đầu. Phấn đấu để sinh tồn, chẳng những gian khổ mà còn tàn khốc.
Chàng biết rõ trước khi màn đêm buông xuống chàng phải có một chỗ gửi thân để tránh rắn rết, sài lang.
Mặt trời đã khuất sau rặng núi, từng đám sương mù bắt đầu xông lên. Thiết Trung Đường tìm mấy sợi dây rừng cột vào bụng, lấy lại hơi thở, quan sát một vùng để tìm đường. Chàng rất cẩn thận không để sơ suất một chút nào. Trên nền trời xanh thẳm, mặt trăng bắt đầu ló dạng.
Sương mù dày đặt, khiến trời như tối hơn phía trước, không trông rõ đường.
Thiết Trung Đường thở dài nhìn quanh rồi ngồi xuống vũng nước. Bây giờ Thiết Trung Đường không còn cách nào nữa. Đúng là chàng đang ở nơi sơn cùng thủy tận.
Chàng nghe có tiếng gió từ đàng sau tạt tới, thì ra Thủy Linh Quang đã đứng trước mặt chàng, nàng không nói một lời bước tới đỡ chàng. Trong thời khắc ấy, tâm tư của Thiết Trung Đường cũng không nhận ra cảm giác gì chỉ nói:
- Thủy cô nương, cô nương … Thủy Linh Quang lắc đầu nên Thiết Trung Đường cũng ngưng nói.
Đang ở cái chỗ sơn cùng thủy tận mà lại có người giúp đỡ, nếu không phải là một người trong cảnh ngộ ấy thì không thể hiểu nổi tâm tư chàng hiện tại như thế nào.
Thiết Trung Đường nghĩ rằng Nhu Tình thủ Thủy Nhu Tụng đã đổi ý, ai ngờ Thủy Linh Quang đưa chàng đi hướng khác. Trung Đường hỏi:
- Đến chỗ nào?
Thủy Linh Quang mỉm cười, lấy tay che mắt Thiết Trung Đường rồi cất tiếng hát:
- Ta để chàng đoán thử, chàng cứ suy nghĩ, nhưng chàng sẽ không bao giờ đoán đúng bây giờ ta đưa chàng đến nơi nào.
Trong phút giây ấy, Thiết Trung Đường nghe tiếng hát ngọt ngào làm sao. Chàng chỉ thấy mình như bay bổng bởi vì Thủy Linh Quang đã cõng chàng.
Đi một chặng nữa, Thủy Linh Quang vẫn cõng chàng, một tay nàng che mắt Trung Đường tiếp tục đi. Chợt Thủy Linh Quang nói:
- Không nên nhìn, nhất định ta sẽ đưa chàng đến một nơi thần kỳ.
Tiếng hát sao mà thân thiết, với một Thiết Trung Đường đầy bão táp, tiếng hát ấy như có chút ngọt ngào nhưng cũng hàm một chút khổ tâm.
Thiết Trung Đường biết rằng ở cái chốn hoang sơ này làm gì có một nơi thần kỳ, chàng nghe như càng đi càng có mùi ẩm thấp, địa hình cũng càng lúc càng lạ lùng, rồi lại thấy Thủy Linh Quang vào một thạch động chỉ nghe toàn tiếng gió. Khi tiếng gió nhẹ dần, Thủy Linh Quang mới lấy tay xuống. Nhưng Thiết Trung Đường vẫn không dám mở mắt mà chỉ nghe nàng hát:
- Chàng hãy mở mắt mà nhìn xem đâu là chốn nào?
Thiết Trung Đường vừa mở mắt nhìn, chàng liền thất kinh. Chỉ vì Trung Đường nhìn thấy ở đây có vô số ngọc ngà châu báu mà người đời thật khó thấy, rất nhiều viên ngọc chiếu vào mắt chàng khiến đôi mắt chàng như có hoa đốm.
Ở mỗi góc đều có một cây san hô cao mấy thước. Trên cây san hô lại có vô số mã não, ngọc xanh, trân châu trắng cùng với nhiều báu vật mà Trung Đường chưa hề thấy.
Ở một góc xa có một chiếc giường nệm, tuy hơi cũ nhưng rất đẹp, một bên có nhiều vò mỹ tửu. Chàng mở to đôi mắt nhưng chàng không thể nào ngờ đến. Ở cái chỗ như địa ngục, tại sao lại có một nơi như thiên đường, một nơi quá thần kỳ.
Đôi mắt Thủy Linh Quang như có nét vui mừng đặt Trung Đường vào giường rồi cười:
- Lạ … lùng không?
Thiết Trung Đường sững sờ trong giây lát rồi thở dài:
- Quả thật quá lạ lùng!
Thủy Linh Quang cười nhẹ rồi phóng mình chạy ra. Phía sau động này còn có một cái thạch động nữa, nghe có tiếng nước chảy từ sau vọng lại nghe thật vui tai.
Thiết Trung Đường đứng tựa vào giường, chàng có cảm giác tất cả những gì chàng đã thấy ở nơi đây chẳng khác gì trong mộng, bản thân chàng cũng không tin nổi.
Sau một hồi ngạc nhiên, Thiết Trung Đường lấy lại bình tĩnh để phán đoán:
- Đây có lẽ là nơi Thủy Linh Quang luyện võ. Có lẽ Thủy Nhu Tụng không bằng lòng cho nàng học võ và nàng cũng không dám chống ý của mẹ, nên nàng không dám nói ra.
Còn bao nhiêu việc nữa, Thiết Trung Đường không thể nghĩ ra.
Chỗ này thuộc của ai? Người ấy còn sống hay đã chết? Những thứ báu vật ấy từ đâu đưa đến đây? Do nguyên nhân nào mà Thủy Linh Quang lại đến nơi này? Những ý tưởng này chợt đến trong đầu Thiết Trung Đường thì tiếng hát từ sau vọng lại:
- Xin chàng hãy nhắm mắt, còn có một sự kiện nữa em muốn để chàng ngạc nhiên.
Thiết Trung Đường vội nhắm mắt. Trên cuộc đời này điều mà có thể đánh động được chàng là tình cảm thân thiết và thuần chân. Chàng nghe có mùi thơm kỳ lạ, sau đó là một âm thanh ngọt ngào của Thủy Linh Quang.
- Được rồi!
Thiết Trung Đường từ từ mở mắt, nhưng bị ngợp choáng. Đầy động toàn là hào quang lấp lánh của các thứ báu vật, người đứng trước mắt là một cô gái tuyệt đẹp với làn da trắng như tuyết, trên mình cô gái đeo đầy châu báu, mình mặt chiếc áo thật sang, trong ánh hào quang lấy lánh của ngọc ngà trông chẳng khác gì là một tiên nữ, khiến Thiết Trung Đường không tin vào đôi mắt của mình. Chàng không tin người đẹp đang đứng trước mặt chàng chính là Thủy Linh Quang trước đó đầy dơ dáy, nhưng sự thật vẫn là sự thật.
Thiết Trung Đường cho rằng Thủy Linh Quang cũng như hạt ngọc quí ở trong bùn lâu ngày nên bị che kín cả vẻ đẹp, một khi đã lau sạch lớp bùn thì vẻ đẹp sẽ lộ ra.
Thiết Trung Đường như ngơ như ngẩn, bỗng nghe Thủy Linh Quang hỏi dịu dàng:
- So … với người khác … muội xấu … hay không xấu?
- Có lý nào cô nương không tự biết?
Thủy Linh Quang lắc đầu:
- Dáng dấp của muội hiện giờ … xưa nay chưa có ai nhìn qua, cho đến hôm nay.
Thiết Trung Đường gật đầu. Một hồi lâu Trung Đường mới khen:
- Đẹp lắm … Nghe Trung Đường khen mình đẹp, Thủy Linh Quang tỏ thái độ rất mừng, nàng uốn éo thân mình nói:
- Muội đẹp thật à?
- Tự nhiên là đẹp thật!
Thủy Linh Quang chạy đến ôm Thiết Trung Đường vui mừng:
- Cám ơn đại ca. Đại ca là người tốt.
Câu nói này Thủy Linh Quang nói rất rõ ràng, chứ không lắp bắp như trước.
- Bệnh cà lăm của cô nương đã qua rồi?
- Đúng vậy!
- Thủy cô nương, cô nương chỉ cần giữ tâm lý đừng để khẩn trương, tại hạ xác tín thế nào bệnh của cô nương cũng khỏi.
Thủy Linh Quang ngồi xuống bên mé giường, nàng cúi đầu một lát rồi chợt than:
- Nếu mẫu thân … thấy dáng … dấp của muội thì … tốt biết bao nhiêu … - Tại sao cô nương lại không muốn bà nhìn thấy? Rốt lại nơi này thuộc về ai?
Thủy Linh Quang nhớ lại một quá khứ đau thương, nàng lại cất tiếng hát:
- Vào một đêm, lúc muội còn bé, trong ánh trăng vàng lồng lộng … Thiết Trung Đường cắt ngang tiếng hát:
- Tại hạ mong cô nương kể hết những gì đã xảy ra trong thời gian ấy, mà không cần phải hát có được không?
- Muội … nói … không được.
- Nói từ từ, đừng ngại, không có ai cười đâu.
Thủy Linh Quang nhìn đôi mắt của Thiết Trung Đường như an ủi, khích lệ nàng nên nàng rất tự tin. Chỉ có niềm tự tin của bản thân cùng với sự khích lệ của người khác là vị thuốc hay chữa trị được chứng cà lăm. Thế là Thủy Linh Quang bắt đầu kể lại những sự kiện thật lạ lùng trong quá khứ.
Thuở nhỏ nàng rất ốm yếu, khi còn ở trong bụng mẫu thân đã bị chấn động. Đến lúc Thủy Linh Quang lên bảy tám tuổi mà vẫn chưa biết nói.
Thủy Như Tụng thì vô cùng thù hận Thịnh đại nương nên bà cũng chẳng yêu thương gì đến giọt máu của họ Thịnh. Chẳng những Thủy Nhu Tụng hận Thịnh đại nương, hận đứa con gái, hận cả chính mình, thậm chí bà hận cả cuộc đời.
Nàng lớn lên trong lạnh nhạt và hận thù. Từ bé Thủy Linh Quang đã học được nhẫn nhục và cô đơn. Suốt ngày nàng đi tìm một nơi thật vắng vẻ ngồi khóc một mình.
Khi ấy nàng vừa bảy tuổi, cũng trong thời gian này nàng gặp một cuộc kỳ ngộ.
Một đêm dưới trăng vằng vặc, Thủy Linh Quang trốn vào thạch động ngồi khóc bỗng đâu nàng thấy hai luồng nhỡn quang như hai luồng điện đang nhìn nàng. Thế là cũng từ đó trở về sau mỗi khi nàng đến đó để khóc thì hai luồng nhãn quang lại nhìn nàng.
Vào một hôm, bất chợt nàng phát hiện một lão nhân tàn phế đang đứng trước mặt nàng.
Hai chân của lão nhân bị cụt tới háng, cánh tay trái cũng bị tàn phế. Toàn thân lão nhân chỉ còn lại một cánh tay phải mà thôi. Hình dung thật đáng sợ, nhưng người đó thì lại rất nhân hậu nên Thủy Linh Quang không còn sợ hãi nữa, ngược lại lão nhân tàn phế hết sức thương nàng. Rồi từ đó, mỗi ngày nàng dành thời gian đến bầu bạn với lão. Hơn mươi ngày sau, lão nhân tàn phế đưa nàng đến hang động thần kỳ.
Thủy Linh Quang tôn thủ lời dặn của lão nhân không bao giờ được kể cho mẫu thân nàng, chỉ vì lão nhân ấy chỉ thương nàng.
Ông lão ra sức truyền kiến thức và võ công cho nàng. Dạy cho Thủy Linh Quang học chữ. Mẫu thân nàng khống chế thức ăn và nước uống thì nàng đến đó bổ sung.
Thủy Linh Quang chỉ sợ mẫu thân nàng phát hiện, nên nàng không dám lấy nước ở đây tắm. Bởi nước ở đây rất đầy đủ nhưng thức ăn cũng rất hiếm.
Ba năm sau, cuối cùng lão nhân tàn phế đã kết thúc cuộc đời đau khổ. Trước khi chết lão nhân có nhiều điều muốn nói với Thủy Linh Quang, nhưng ông chỉ nói được có nửa câu mà thôi:
- Tai họa ở trong hộp là … Rồi tắt thở.
Lão nhân chết rất đau đớn. Tuy Thủy Linh Quang còn nhỏ tuổi, nhưng nàng cũng thấy được. Nàng hiểu rằng chắc chắn lão nhân đã có một quá khứ đau khổ, hận thù nhưng không nói được.
Khi lão còn sống, thấy nàng còn nhỏ cho nên chờ khi Thủy Linh Quang lớn lên thì nói ra. Nào ngờ lão nhân không thể chờ bởi cái chết đã đến.
Vừa kể đến đó, hai má Thủy Linh Quang nước mắt chảy ràn rụa.
Nhìn Thủy Linh Quang, Thiết Trung Đường cũng không tránh được nỗi buồn.
Chàng cúi đầu suy nghĩ một hồi lâu mới cất giọng hỏi:
- Lão nhân ấy tên họ gì?
- Muội … muội không rõ?
- Còn ba chữ “hộp tai họa” là ý như thế nào? Cô nương cũng không hiểu à?
Thiết Trung Đường không ngờ Thủy Linh Quang vui vẻ nói:
- Muội biết.
Thủy Linh Quang vừa nói xong liền quày quả bước ra. Chỉ trong chốc lát nàng ôm ra hai chiếc hộp, bề cao chừng một thước, vuông vức mỗi cạnh chừng hai thước na ná như hộp son phấn của nữ giới.
Cả hai hộp đều giống nhau nhưng trang trí và màu sắc thì lại khác nhau.
Bên trong của một hộp chứa đầy trân châu, đá quí lóng lánh hào quang. Hộp còn lại thì màu đen, trên nắp hộp không có trang trí và cũng không rõ chế tạo bằng thứ gì lại rất nặng.
Thủy Linh Quang mang hai chiếc hộp đặt trên giường, nàng mở chiếc hộp đầy báu vật. Thấy thế, Thiết Trung Đường hỏi:
- Đây là chiếc hộp tai họa?
Nàng lắc đầu:
- Đá quí bảy màu tỏa hào quang là chiếc hộp hạnh phúc.
Thấy trong chiếc hộp này có mấy mảnh lụa đầy chữ, hai chiếc bình bằng ngọc và một củ nhân sâm ngàn năm. Thiết Trung Đường vừa trông thấy, chàng hiểu ngay rằng chắc chắn mấy báu vật trong giới võ lâm giang hồ đều mong mỏi được làm chủ, bởi đó không khác gì là “bí kíp và linh dược” nhất là thiên niên sâm là một báu vật của thế gian. Chàng nhìn qua chiếc hộp đen với lòng hiếu kỳ, chàng đoán rằng đó là bí mật của sự tàn phế suốt đời của ông lão.
- Chắc chắn đây là chiếc hộp “tai họa” Chàng vừa muốn mở nắp chiếc hộp đen thì Thủy Linh Quang liền ngăn lại:
- Không, không được động đến!
- Chiếc hộp này từ trước đến nay chưa hề mở nắp hay sao?
- Tất cả báu vật ở trong thạch động đều có thể rờ mó, duy chỉ có chiếc hộp này thì không được động tới bởi chiếc hộp này một khi mở nắp thì tai họa sẽ đến ngay, chúng ta không thể đương nổi. Đã trải qua mười ba năm rồi, chưa lần nào muội dám mở nắp.
Gương mặt Thủy Linh Quang thoáng vẻ kinh hoàng, tiếng hát của nàng cũng trở nên thận trọng lạ thường.
Thiết Trung Đường đành rút tay trở lại. Thủy Linh Quang liền nở nụ cười tươi:
- Linh dược ở trong chiếc hộp may mắn có thể chữa trăm bệnh. Thiên niên sâm rất thần diệu nếu uống vào thần khí gia tăng khác thường và không còn lo lắng gì về bệnh tình.
Thủy Linh Quang nài ép Thiết Trung Đường nên uống ngay. Thấy nàng rất thành ý, nên Trung Đường không hề từ chối. Thế là Thủy Linh Quang lau sạch vết thương, rồi đặt linh dược vào, nàng lại lấy một ít thiên niên sâm chưng ép Trung Đường uống. Chờ một lát sau, Trung Đường đã ngủ say, nàng đứng bên giường nhìn Trung Đường, chợt nàng cúi mình xuống hôn nhẹ vào trán Trung Đường. Sau đó, Thủy Linh Quang mặc chiếc áo dơ, bôi bùn khắp mình, miệng mỉm cười phi thân như gió.
Khi Thiết Trung Đường tỉnh dậy, không thấy nàng đâu cả, chàng cảm thấy hình như sức khỏe được phục hồi, tinh thần phấn chấn hơn xưa. Chiếc hộp may mắn còn để lại, nhưng chiếc hộp tai họa thì Thủy Linh Quang đã mang đi, có một mảnh lụa trắng đề mấy chữ:
“Đại ca chỉ cần ngủ hai ngày hai đêm, muội trở về hầu hạ mẫu thân muội. Khi nào đại ca tỉnh dậy thì hãy đọc những dòng chữ trên mảnh lụa trắng trong chiếc hộp may mắn.”.
Nét chữ của Thủy Linh Quang tuy không đẹp lắm nhưng rất nghiêm túc, mỗi nét mỗi chữ như mang tình cảm của nàng đối với chàng trai họ Thiết.
Tình ý chân thành như thế, bút tích chân thành như thế, báu vật hình như cũng thành thật tỏa hào quang óng ánh khiến chàng có cảm giác như người trong mộng.
Sau một thời gian Thiết Trung Đường bị nguy khốn thập tử nhất sinh, rồi lại tiếp đến chàng gặp những sự kiện cũng như những báu vật mà bất cứ người nào cũng mơ ước, bí kíp, linh dược, người đẹp và giàu sang.
Số phận thay đổi quá lớn lao, sự gặp gỡ cũng là một việc hết sức kỳ lạ. Trung Đường không khỏi thở dài suy nghĩ, rồi đây ông trời sẽ an bài những gì cho chàng nữa.
Thiết Trung Đường lật một mảnh lụa dưới hào quang của báu vật, chàng đọc ở trang đầu ghi lại phần công phu cơ bản nhập môn của một chính phái. Chàng càng đọc càng kinh hãi, mồ hôi toát ra như tắm. Võ công được ghi trên mảnh lụa chính là võ công của phái Đại Kỳ môn, nhưng lại tinh diệu hơn nhiều.
Có những chỗ thường ngày chàng tập luyện nhưng vẫn còn mối nghi ngờ, ngay đến sư phụ của chàng cũng không giải thích nổi, thì ở đây đều có đáp án.
Phải chăng lão nhân tàn phế có liên quan đến Đại Kỳ môn? Phải chăng lão là một trong các vị tiền bối của Đại Kỳ môn?
Trung Đường nhớ lại những gì mà sư phụ đã nói, phái Đại Kỳ môn đã một thời xưng hùng trong thiên hạ, có cả một kho tàng châu báu còn để lại ở Trung Nguyên.
Khi Đại Kỳ môn bị kẻ thù gia hại. Vị chưởng môn bấy giờ cùng tất cả các vị chấp sự đều chết sạch. Thế là cả một kho tàng báu vật không còn một tí gì ở chỗ cất giấu.
Đã mấy chục năm nay, đệ tử của Đại Kỳ môn không ngớt tìm kiếm, nhưng vẫn không tìm thấy. Trung Đường cũng nhớ lại những gì mà sư phụ đã nói với chàng:
- Phụ thân của con là một kỳ tài, người đã tìm thấy một chút tông tích về kho tàng ấy, chỉ tiếc rằng người cũng bị giết chết.
Những ý tưởng ấy vừa thoáng qua trong óc chàng, bầu máu nóng trong Thiết Trung Đường như sôi lên sùng sục, chàng không thể tự chủ, vội vùng dậy đi tìm chiếc hộp tai họa. Trung Đường tin tưởng những bí mật trong chiếc hộp này sẽ là lời giải thích. Không cần nghĩ đến tai họa có thể đến, nhất định chàng phải nhìn thấy tận mắt.