Chương 2
SINH TỬ VÀ SỐ MỆNH

CHẾT LÀ TRỞ VỀ LÚC ĐẦU  I.4

(Tử Liệt tử thích Vệ)

 
Thầy Liệt tử đi qua nước Vệ, vừa đi vừa ăn. Môn đệ đi theo thấy một sọ người đã trăm năm, bèn vạch cỏ, chỉ cho Liệt tử thấy. Liệt tử quay lại nói với (môn đệ là) Bách Phong: “Ta với cái sọ này, biết rằng không có gì thực là sinh, thực là tử[1]. Cái sọ đó có thực cho chết là buồn không? Ta có thực cho sống là vui không?”[2][3] Sách Hoàng Đế có câu: Hình mà động thì không sinh ra một hình khác mà sinh ra cái bóng; thanh âm mà phát ra thì không sinh ra một thanh âm khác mà sinh ra tiếng vang; cái “vô” mà động thì không sinh ra cái “vô” mà sinh ra cái “hữu”.
 
Đã là hình thì phải có chỗ tận cùng, mà trời đất có tận cùng không? (Có vẻ như trời đất cùng tận cùng với ta. Nhưng như vậy có thật là tận cùng không thì ta không biết được. Đạo[4] có tận cùng không? Nó vốn không có khởi thuỷ, làm sao có tận cùng được? Nó có hết không? Nó vốn không có (vô) thì làm sao mà hết được?
 
Cái gì có sinh thì lại trở về cái bất sinh (tức cái chết); cái gì có hình thì trở về cái vô hình. Nhưng cái bất sinh vốn không phải là bất sinh; cái vô hình vốn không phải là cái vô hình.
 
Theo lí, cái gì sống thì phải hết (chết); cái gì phải hết thì không thể không hết được, cũng như cái gì sống thì không thể không sống được; vậy kẻ nào muốn sống hoài không chết là kẻ mê muội, không hiểu lẽ trời.
 
Tinh thần thuộc về trời, hài cốt thuộc về đất; thuộc về trời thì trong mà tán, thuộc về đất thì đục mà tụ. Khi tinh thần lìa thể xác rồi thì mỗi cái đều trở về nguồn gốc riêng của mình, cho nên gọi là “quỉ”. “Quỉ (ma quỉ) tức là “qui”[5], là về, về cái gốc của nó.
 
Hoàng Đế bảo: “Tinh thần về nhà cửa của nó rồi, hài cốt về cội nguồn của nó rồi, thì làm sao ta còn tồn tại được nữa? ”.
 
Con người từ lúc sanh tới lúc chết, trải qua bốn sự biến hoá lớn: tuổi thơ, tráng niên, già rồi chết. Trong tuổi thơ, khí và chí chuyên nhất, thực là hoà hợp, cho nên ngoại vật không làm thương tổn được, mà các đức[6] thật đầy đủ; tới tráng niên, khí huyết tràn trề, dục vọng và tư lự phát lên mạnh, bị ngoại vật tấn công, cho nên đức suy; tới tuổi già, dục vọng và tư lự giảm đi, muốn nghỉ ngơi, không cạnh tranh nữa nên ngoại vật không tranh thắng với mình; tuy không được như tuổi thơ, nhưng cũng khác tráng niên rồi. Tới lúc chết thì là nghỉ ngơi, trở về lúc đầu[7].
 

VUI SỐNG  I.5

(Khổng tử du ư Thái Sơn)

 
Khổng tử đi chơi núi Thái Sơn, gặp Vinh Khải Kì bận cái áo lông bằng da hươu, quấn dây lưng bằng thừng, vừa gảy đàn cầm vừa hát, lang thang trên cánh đồng Choanh[8].
 
Khổng Tử hỏi: Cụ có cái gì mà vui vậy?
 
Đáp: Ta có nhiều cái vui lắm. Trời sinh ra muôn loài, chỉ có người là quí, mà ta được làm người, đó là một cái vui. Đàn ông so với đàn bà, đàn ông được trọng, đàn bà bị khinh, vậy đàn ông là quí, mà ta lại là đàn ông, đó là hai cái vui. Có những kẻ sinh ra không thấy mặt trời, mặt trăng, còn bọc trong tả đã chết rồi, ta nay đã được chín chục tuổi, đó là ba cái vui. Nghèo là cảnh thường của kẻ sĩ, và chết là là số phận của mọi người. Ở vào cảnh thường mà được số phận chung của mọi người, có gì mà buồn?
 
Khổng Tử bảo: Đạt quan như vậy, sáng suốt thay![9]
 

VUI CHẾT  I.6

(Lâm Loại niên thả bách tuế)

 
Lâm Loại[10] đã trăm tuổi. Đương mùa xuân, bận áo lông, đi mót lúa ở những ruộng đã gặt rồi, vừa đi vừa hát. Khổng tử trên đường qua nước Vệ, thấy Lâm Loại ở trên một cánh đồng, quay lại bảo đệ tử:
 
- Nên hỏi chuyện ông lão đó. Ai muốn đi nào?
 
Tử Cống[11] xin đi, bắt kịp ông lão ở trên cái đồi, đối diện ông lão, thở dài, hỏi:
 
- Cụ không có điều gì ân hận sao mà vừa mót lúa vừa ca hát?
 
Lâm Loại vẫn vừa đi vừa hát. Tử Cống lại hỏi nữa. Sau cùng Lâm Loại ngừng lại đáp:
 
- Ta có gì phải ân hận?
 
Tử Cống bảo:
 
- Hồi trẻ cụ có siêng năng không? Lớn lên cụ có sống không kịp thời không?[12] Già mà không có vợ con, và bây giờ cái chết sắp tới, có gì đâu mà vui, mà vừa mót lúa vừa ca hát?
 
Lâm Loại cười đáp:
 
- Cái ta cho là vui thì mọi người cho là buồn. Hồi trẻ ta không siêng, lớn lên ta sống không kịp thời, cho nên ta mới thọ được như vầy; già ta không có vợ con, cái chết nó sắp tới, cho nên ta mới vui như vầy.
 
Tử Cống bảo:
 
- Ai cũng muốn sống lâu, ai cũng ghét chết, sao cụ lại cho chết là vui?
 
Lâm Loại đáp:
 
- Sống với chết như qua với lại. Chết ở đây biết đâu chẳng phải tái sinh ở nơi khác? Làm sao[13] ta biết được rằng hai cái đó không như nhau? Ta lại làm sao biết được đau đáu khó nhọc cầu sống chẳng phải là mê muội? Lại làm sao biết được bây giờ chết đi chẳng hơn là hồi trước được sống?
 
Tử Cống nghe xong không hiểu, về thưa với Khổng tử. Khổng tử bảo: “Ta biết trước rằng nên hỏi chuyện ông lão đó, quả nhiên như vậy. Nhưng ông ấy mới hiểu một phần thôi, chưa hiểu hết lẽ”.
 

CHẾT LÀ NGHỈ  I.7

(Tử Cống quyện ư học)

 
Tử Cống học mệt rồi, thưa với Trọng Ni (Khổng tử):
 
- Con muốn được nghỉ.
 
Trọng Ni bảo:
 
- Sống thì đâu có được nghỉ.
 
Tử Cống hỏi:
 
- Vậy thì con không có lúc nào được nghỉ sao?
 
- Có chứ. Nhìn những nắm mồ ngổn ngang cái thấp cái cao kia, chỗ nghỉ ngơi đó.
 
Tử Cống bảo:
 
- Sự chết lớn thay, người quân tử chết là được nghỉ, kẻ tiểu nhân chết là hết, không làm bậy được nữa.
 
Trọng Ni nói thêm:
 
- Tứ[14], anh hiểu rồi đấy. Người ta đều biết sống là vui mà không biết sống là khổ; biết già thì mỏi mệt mà không biết già là an nhàn; biết chết là buồn mà không biết chết là nghỉ.
 

CHẾT LÀ VỀ  I.8[15]

(Án Tử viết: Thiện tai!)

 
Án tử[16] nói: “Sáng suốt thay quan niệm của cổ nhân về cái chết: người nhân (hiền) chết là được nghỉ, kẻ bất nhân chết là hết làm bậy”.
 
Chết là được về[17]. Cổ nhân bảo những người chết là “những người trở về”. Bảo như vậy tức là bảo rằng người đương sống là “người đi đường”. Đi đường mà không biết lối thì sẽ lạc nhà, không có nhà. Một kẻ không có nhà thì mọi người chê; vậy mà khắp thiên hạ, không có ai có nhà cả thì không ai chê! Có người bỏ quê hương, rời cha mẹ, anh em, vợ con, phá tán tài sản, đi lang thang bốn phương trời mà không về, thì người đó ra sao? Người đời chắc cho hắn là cuồng đãng. Lại có kẻ quá trọng hình hài và đời sống, muốn được tài giỏi, tiếng tăm, khoa trương với đời mà không biết ngừng, hạng đó nữa ra sao? Người đời chắc khen là kẻ sĩ đa trí, đa mưu. Hai hạng trên đều lầm lẫn cả, mà hạng trên bị chê, hạng dưới được khen. Chỉ bậc thánh nhân mới biết khen chê cho đúng thôi.
 
 

SỐNG LÀ GỞI  I.12

(Thuấn vấn Chưng viết)

 
Thuấn hỏi ông Chưng[18]:
 
- Có thể đạt được, nắm được đạo không?
 
Đáp:
 
- Ngay cái thân anh cũng không phải của anh, thì anh làm sao nắm được đạo?
 
Lại hỏi:
 
- Thân của tôi không phải là của tôi thì là của ai?
 
Đáp:
 
- Đó là cái hình hài trời đất giao cho anh đấy. Đời sống không phải là của anh, nó là sự điều hoà của trời đất giao cho anh đấy. Tính mệnh không phải là của anh, nó là sự kết hợp của trời đất giao cho anh đấy. Con cháu không phải là của anh, chúng là sự lột xác của trời đất giao cho anh đấy. Cho nên khi đi, chúng ta không biết đi đâu, khi ở, không biết ở đâu, khi ăn, không biết ăn gì[19]. Trời đất là cái khí nó vận động. Làm sao nắm được làm của mình?[20]
 

CÁI THẾ KHÔNG THỂ KHÁC ĐƯỢC  VI.3

 

(Chúng tôi bỏ phần đầu về tình tri kỉ của Quản Di Ngô (tức Quản Trọng) và Bão Thúc Nha mà nhiều độc giả đã biết và Tư Mã Thiên đã chép trong bộ Sử kí (trang 335-337 bản dịch của nhà Lá Bối)

Dưới đây chúng tôi chỉ dịch từ: Thử thế xưng Quản, Bão thiện giao giả)

 

°

 
Người đời đều khen Quản Trọng và Bão Thúc là những bạn tốt và Công tử Tiểu Bạch biết dùng người tài năng. Nhưng thực ra không phải vậy (…) Bão Thúc không phải có cái đức đề cử người hiền (tức Quản Trọng), ông ta không thể không đề cử người hiền được. Công tử Tiểu Bạch không phải có cái đức dùng kẻ thù của mình (tức Quản Trọng), ông ta không thể không dùng kẻ thù của mình được[21].
 
Đến khi Quản Di Ngô đau, Tiểu Bạch[22] hỏi:
 
- Trọng phụ đau nhiều, phải nói thẳng như vậy[23]. Nếu trọng phụ không qua khỏi thì quả nhân biết giao việc nước cho ai?
 
Di Ngô hỏi lại:
 
- Nhà vua muốn giao cho ai?
 
Tiểu Bạch đáp:
 
- Giao cho Bão Thúc Nha được không?
 
- Không được. Ông ấy là bậc sĩ hiền và liêm khiết. Những người nào không được như ông ấy thì ông ấy coi như không phải là người; nghe thấy ai có lỗi thì suốt đời không quên; nếu giao việc nước cho ông ấy thì ở trên gây khó khăn cho vua, ở dưới làm cho dân bất bình, thế nào cũng mang tội với vua, không bền đâu[24].
 
Tiểu Bạch hỏi:
 
- Vậy thì lựa ai?
 
- Không có ai khác thì lựa Thấp Bằng. Ông ấy ở chức cao mà quên mình ở chức cao cho nên người dưới không chống đối, thẹn rằng mình không có đức bằng vua Hoàng Đế mà thương những người không bằng mình. Đem cái đức của mình chia sẻ với người khác[25] thì gọi là thánh nhân; đem tiền của mà chia sẻ với người khác thì gọi là hiền nhân. Cho rằng mình minh triết hơn người thì không bao giờ được lòng người; cho rằng mình minh triết kém người thì không bao giờ không được lòng người. Ở trong nước cũng như ở trong nhà, ông ấy không muốn nghe thấy, trông thấy mọi điều[26]. Không có ai khác thì lựa Thấp Bằng.
 
Như vậy Quản Di Ngô không phải bạc tình với Bảo Thúc, (cái thế) không thể không bạc tình được; cũng không phải là có hậu tình với Thấp Bằng, (cái thế) không thể không hậu tình được. Có người lúc đầu mình quí trọng rồi sau lơ là; có người lúc đầu lơ là rồi sau quí trọng. Quí trọng hay lơ là lúc vầy lúc khác, cái đó không tuỳ thuộc ta[27].
 

MỆNH TRỜI  VI.5

(Khả dĩ sinh nhi sinh)

 
Có thể sống được (một cách vui vẻ) mà sống, đó là được trời thương. Tới lúc nên chết mà chết, là được trời thương. Có thể sống được mà không sống, là trời phạt. Tới lúc nên chết mà không chết, là bị trời phạt.
 
Có thể sống, có thể chết mà được sống được chết, là do mệnh trời. Không nên sống, không nên chết mà sống hoặc chết là do mệnh trời. Vậy thì sống sống chết chết, không do ta hay do ngoại vật, đều là số mệnh hết, trí óc ta không sao hiểu được. Cho nên bảo:
 
Đạo trời tự tạo nên, sâu xa không biết tới đâu là cùng.
 
Đạo trời tự vận hành, mênh mông, không phân biệt.
 
Trời đất không phạm được nó.
 
Thánh nhân không nghịch được nó.
 
Ma quỉ không lừa dối nó được.
 
Cái “tự nhiên” im lặng mà gây nên mọi vật,
 
Làm cho mọi vật quân bình, yên ổn, nó tự đưa đón nó[28].
 

BỐN HẠNG NGƯỜI  VI.10

(Mi si, chiến sất…)[29]

 
Bốn hạng người sống với nhau trong đời: hạng thâm hiểm, hạng nông nổi, hạng thận trọng, hạng nóng nảy; hạng nào cũng hành động theo ý mình mà suốt đời không hiểu nhau, và đều tự cho trí tuệ mình là sâu sắc nhất.
 
Bốn hạng người sống với nhau trong đời: hạng khéo nịnh, hạng ngu mà trực, hạng hay câu nệ, hạng ngớ ngẩn; hạng nào cũng hành động theo ý mình mà suốt đời không giao du với nhau, và đều tự cho mình là khéo léo hơn hết.
 
Bốn hạng người sống với nhau trong đời: hạng tinh ranh, hạng vô sỉ, hạng phán đoán vội vàng, hạng mỉa mai; hạng nào cũng hành động theo ý mình mà suốt đời không giác ngộ lẫn nhau, và đều tự cho tài của mình là hơn cả.
 
Bốn hạng người sống với nhau trong đời: hạng giả dối, hạng hay thêu dệt, hạng dũng cảm, hạng khiếp nhược; hạng nào cũng hành động theo ý mình mà suốt đời không phê phán nhau, và đều tự cho con đường của mình mới đúng.
 
Bốn hạng người sống với nhau trong đời: hạng chiều đời, hạng tự chuyên, hạng tàn bạo, hạng đứng một mình không cần tới ai; hạng nào cũng hành động theo ý mình mà suốt đời không thèm ngó nhau, và đều tự cho mình là biết theo thời.
 
Thái độ và hành trạng mỗi người khác nhau, không ai giống ai, nhưng đều theo con đường số mệnh cả.
 

NÊN TRỊ MỆNH AN THỜI  VI.11

(Quỉ quỉ thành giả, tiếu thành giả)

 
Cái gì gần thành thì có vẻ thành rồi, nhưng chưa phải là thành; cái gì gần bại có vẻ bại rồi, nhưng chưa phải là bại. Vì thấy nó có vẻ gần giống nhau, nên người ta lầm lẫn, mê muội[30]. Không mê muội về chỗ giống nhau thì không sợ cái hoạ ở ngoài, không mừng vì cái phúc ở trong. Ngay những bậc sáng suốt cũng không biết tuỳ thời mà hành động, tuỳ thời mà ngừng lại.
 
Người nào tin ở mệnh trời thì không mừng, không sợ[31]. Nếu mừng và sợ thì không thể so sánh với người bịt mắt, bịt tai, quay lưng vào sườn núi, nhìn xuống vực thẳm mà cũng không sợ té[32].
 
Cho nên bảo rằng sống và chết do mệnh trời cả, nghèo khổ là tại thời vận. Oán ghét sự chết yểu là không biết mệnh trời, oán ghét sự nghèo khổ là không biết thời vận. Chết mà không sợ, nghèo mà không buồn, là người biết trị mệnh an thời[33]. Dù là người rất thông minh mà lượng lợi và hại, xét hư và thực, dò lòng người thì cũng chỉ đúng một nửa thôi, còn một nửa sai. Còn người ít thông minh, không lường lợi và hai, không xét hư và thực, không dò lòng người thì (kết quả cũng vậy) đúng được một nửa, còn một nửa sai. Vậy lường hay không lường, xét hay không xét, dò hay không dò, có khác gì nhau đâu? Chỉ có người nào không lường gì cả mà là lường tất cả, giữ được trọn mà không mất. Nhưng (thực ra) người đó cũng không biết đâu mà giữ được trọn, đâu là mất. Tóm lại, còn hay mất, có hay không là sự việc tự nhiên xảy ra, chứ không dụng tâm mà được.
 

MUỐN SỐNG HOÀI LÀ BẤT NHÂN  VI.12

(Tề Cảnh Công du ư Ngưu Sơn)

 
Vua Tề Cảnh Công đi chơi núi Ngưu Sơn, khi tới phía bắc quốc đô, thì ứa lệ, than thở:
 
- Đẹp thay nước ta! Cây cỏ tươi tốt, sum suê, dầm dề sương mai kia. Rồi đây ta phải chết mà bỏ nước này ư? Nếu tự cổ không ai chết (mà ta cũng sống hoài) thì ta quyết không bỏ nước này mà đi nơi khác[34].
 
Viên sử quan họ Khổng và Lương Khâu Cứ[35] đi theo hầu, đều nhỏ lệ, tâu:
 
- Bọn hạ thần chúng tôi đội ơn đại vương mà ăn rau và thịt, thường được ngồi xe xấu ngựa còm, mà còn không muốn chết, huống hồ đại vương.
 
Duy có Án tử đứng bên mà cười. Cảnh Công chùi nước mắt, quay lại hỏi Án tử:
 
- Hôm nay quả nhân đi chơi mà xúc cảm sinh buồn. Khổng và Cứ đều khóc theo quả nhân, riêng ông cười là tại sao?
 
Án tử đáp:
 
- Nếu bậc hiền tài cứ sống hoài thì đức Thái Công và Hoàn Công còn sống đến ngày nay. Nếu những người dũng cảm mà sống hoài thì các đức Trang Công, Linh Công[36] còn sống đến ngày nay. Nếu tất cả các vị đó còn sống đến nay thì nhà vua tất bận áo tơi, đội nón lá mà đứng ở giữa đồng, lo việc ruộng nương[37] chứ đâu được nhàn hạ mà nghĩ tới chết như vậy? Nhà vua đâu được lên ngôi như vậy? Nhờ cái lẽ thay phiên nhau kẻ ở người đi, nên ngôi vua mới tới đại vương. Đại vương chỉ vì vậy mà khóc thì quả là bất nhân quá. Thần thấy một ông vua bất nhân, lại thấy những bề tôi nịnh hót này, mới riêng cười thầm.
 
Cảnh Công xấu hổ, nâng chén rượu lên uống để tự phạt mình, rồi phạt hai người bề tôi kia mỗi người hai chén.
 

CON CHẾT MÀ KHÔNG BUỒN  VI.13

(Nguỵ nhân hữu đông môn Ngô dã)

 
Nước Nguỵ có một người họ Ngô ở Đông Môn, con trai chết mà không buồn. Người quản lí trong nhà hỏi:
 
- Ông yêu con không ai bằng, nay cậu ấy chết mà ông không buồn là tại sao?
 
Họ Ngô đáp:
 
- Có hồi ta không có con, lúc đó ta không buồn. Nay nó mất thì như hồi ta chưa có nó. Vậy có gì mà buồn?
 

PHÉP DƯỠNG SINH VÀ TỐNG TỬ  VII.7

(Án Bình Trọng vấn dưỡng sinh)

 
Án Bình Trọng hỏi Quản Di Ngô[38] về phép dưỡng sinh. Quản Di Ngô đáp:
 
- Cứ sống buông thả, đừng ngăn cản, cấm kỵ.
 
Án Bình Trọng hỏi:
 
- Cách thức ra sao[39]?
 
Di Ngô đáp:
 
- Tai muốn nghe thì cứ nghe, mắt muốn nhìn thì cứ nhìn, mũi muốn ngửi thì cứ ngửi, miệng muốn nói thì cứ nói, thân thể muốn gì thì cứ tuỳ thích, lòng muốn làm thì cứ làm.
 
Tai thích nghe âm nhạc, mà không được nghe, thế là ngăn cấm thính quan; mắt muốn nhìn sắc đẹp mà không được nhìn, thế là ngăn cấm thị quan; mũi thích ngửi hương thơm (như mùi lan, mùi tiêu) mà không được ngửi, thế là ngăn cấm khứu quan; miệng muốn nói việc phải việc trái, mà không được nói, thế là ngăn cấm trí óc; thân thích đồ ngon, đồ đẹp, mà không được như nguyện, thế là ngăn cấm sở thích; lòng muốn phóng dật mà không được phóng dật, thế là ngăn cấm bản tính. Những sự ngăn cấm đó đều là chúa tàn bạo. Bỏ những chúa tàn bạo đó đi mà vui vẻ đợi chết, (dù sống) một ngày hay một tháng, một năm hay mười năm, tôi cũng cho là biết dưỡng sinh. Kẻ nào bị chúa những tàn bạo đó câu thúc, mà không cởi bỏ được, đau đáu lo lắng, thì dù có sống lâu trăm năm, ngàn năm, vạn năm, tôi cũng không cho là biết dưỡng sinh.
 
Quản Di Ngô nói thêm:
 
- Tôi giảng phép dưỡng sinh cho ông biết rồi, còn phép tống tử thì ông nên ra sao?
 
Án Bình Trọng đáp:
 
- Phép tống tử không quan trọng, có gì đâu mà bàn?
 
- Nhưng tôi cũng xin được nghe.
 
- Mình chết rồi, việc tống tử đâu có do mình nữa[40]. Hoả táng cũng được, thả trôi sông cũng được, chôn cất cũng được mà phơi ra giữa trời cũng được, bó thây bằng cỏ mà liệng xuống cái hầm cái hố nào đó cũng được, liệm bằng áo lễ, áo thêu mà cho vào quách bằng đá cũng được, sao cũng được hết.
 
Quản Di Ngô quay lại bảo Bão Thúc[41]:
 
- Hoàng tử nói[42]: “Cái đạo sinh tử, hai ta đều rõ rồi vậy”.
 

KHÔNG GÌ BẰNG HƯỞNG LẠC  VII.8

(Tử Sản tướng Trịnh)

 
Tử Sản[43] làm tướng quốc nước Trịnh, cầm quyền được ba năm, người tốt thì vui vẻ chịu sự giáo hoá của ông, còn kẻ xấu thì sợ những nghiêm cấm của ông. Nhờ ông, nước Trịnh thịnh trị lên và được chư hầu kính nể.
 
Tử Sản có một người anh là Công Tôn Triêu và một người em là Công Tôn Mục. Triêu thích rượu mà Mục hiếu sắc.
 
Nhà của Triêu chứa ngàn hũ rượu, men rượu chất thành đống, cách nhà trăm bước đã thấy nồng nặc mùi hèm. Khi say, Triêu không còn biết thế đạo an hay nguy, tình lí phải hay trái, trong nhà có những gì, bà con họ hàng thân sơ ra sao, kẻ còn người mất, vui buồn ra sao, dù có tai hoạ lụt, cháy, binh đao ở trước mắt, cũng không biết nữa.
 
Phía sau nhà của Mục cất mấy chục phòng liền nhau, phòng nào phòng nấy đều chứa đầy những gái tơ mỹ miều. Khi đắm mình vào sắc dục thì Mục không tiếp xúc với người thân, không tiếp đãi bạn bè, trốn ở vườn sau, suốt ngày thâu đêm, ba tháng mới ra ngoài mà còn cho là chưa thoả. Thấy trong miền có gái tân nào diễm lệ[44], thì tặng đồ để mời lại, nhờ mối manh dụ dỗ, cho tới khi chiếm được mới thôi.
 
Tử Sản ngày đêm rầu rĩ vì ông anh và ông em đó, ngầm bàn tính với Đặng Tích[45], bảo:
 
- Kiều tôi nghe nói “Tu thân rồi mới trị được nhà, trị được nhà rồi mới trị được nước”, nghĩa là phải tiến từ gần tới xa. Kiều tôi trị nước cũng là được mà nhà thì loạn như vậy? Thế ngược đường sao? Làm cách nào cứu hai người đó được? Xin ông dạy cho?
 
Đặng Tích đáp:
 
- Điều đó từ lâu tôi đã lấy làm lạ, mà không dám nói ra. Tại sao ông không răn bảo hai người đó ngay từ đầu, nhắc họ phải coi tính mệnh là trọng, khuyên họ phải coi lễ nghĩa là quí?
 
Tử Sản nghe lời Đặng Tích, gặp lúc rảnh, lại thăm anh và em, mà bảo:
 
- Con người sở dĩ quí hơn cầm thú là nhờ biết suy nghĩ; suy nghĩ thì phải nhờ vào lễ nghĩa; có lễ nghĩa rồi mới có danh vị. Nếu tình ý phóng túng, đam mê thị dục thì nguy tới tính mệnh. Anh và chú mà nghe lời tôi thì sáng tự hối, tối đã được hưởng lộc (làm quan) rồi.
 
Triêu (và Mục) đáp:
 
- Chúng tôi đã biết lẽ đó từ lâu, đã lựa lối sống từ lâu, đâu có phải đợi chú giảng giải. Hạnh phúc ở đời là điều khó gặp mà cái chết thì dễ gặp. Đem cái hạnh phúc khó gặp mà đổi cái chết dễ gặp, nghĩ xem có nên không? Tôn trọng lễ nghĩa để khoe đức với người, làm trái tính tình của mình để cầu danh, thì bọn tôi cho là thà chết còn hơn. Bọn tôi muốn tận hưởng hạnh phúc ở đời trong khi còn sống, chỉ sợ bụng đầy rồi không ăn uống thêm được nữa cho khoái khẩu, sức kiệt rồi không hưởng sắc dục được nữa cho sướng thân, chẳng lo cái chuyện mang tiếng xấu hoặc nguy tới tính mệnh. Vả lại chú lấy tài trị nước mà khoe với đời, muốn biện thuyết để làm rối loạn lòng của bọn tôi, đem tước lộc để dụ bọn tôi, chẳng phải là bỉ ổi mà đáng thương sao! Để tôi giảng cho chú nghe này: người nào tự cho khéo trị ngoại vật, ngoại vật vị tất đã trị mà thân người đó đã khổ rồi; còn kẻ khéo trị nội tâm, thì ngoại vật chưa chắc đã loạn mà tính tình mình được yên vui. Cách trị ngoại vật của chú có thể tạm có kết quả trong một nước, nhưng chưa hợp với lòng người; còn cách trị nội tâm của bọn tôi, có thể áp dụng rộng ra khắp thiên hạ, (nếu theo đúng) thì không còn cái đạo vua tôi nữa. Bọn tôi đã tính giảng cho chú cái thuật đó, ngờ đâu ngược lại, chú đòi đem thuật của chú thuyết bọn tôi!
 
Tử Sản hoang mang không biết đáp sao. Hôm sau cho Đặng Tích hay, Đặng Tích bảo:
 
- Ông sống với những bậc chân nhân mà không hay, vậy mà người ta cứ khen ông là bậc trí. Nước Trịnh mà được thịnh trị là ngẫu nhiên đấy, đâu phải là công của ông[46].
 
III. ĐẠO
 

HIỆU NGHIỆM CỦA THUẬT VÔ VI  II.1

(Hoàng Đế tức vị thập hữu ngũ niên)

 
Hoàng Đế lên ngôi được mười lăm, mừng rằng thiên hạ tôn thờ mình. Ông giữ gìn tính mệnh (sinh lực), hưởng cái vui thanh sắc, hương vị, vậy mà nước da ông khô và đen sạm, tâm hồn ông mờ ám mê loạn. Thêm mười lăm năm nữa, ông lo lắng nhận thấy rằng nước muốn loạn; ông gắng sức, dùng hết trí lực sáng suốt để trị dân, nước da ông vẫn khô và đen sạm, tâm hồn vẫn mờ ám mê loạn. Ông thở dài than rằng:
 
- Ta lỗi lầm quá lắm! Nuôi riêng cái thân ta thì tai hại như vậy, mà muốn trị dân thì cũng tai hại như vậy.
 
Thế rồi ông bỏ hết cơ mưu, rời cung điện, đuổi kẻ hầu đi, hạ các chuông xuống, giảm các thức ăn, lui ra ở yên tĩnh trong một ngôi nhà tại giữa sân lớn của ông, trai tâm để làm chủ được hình hài, như vậy ba tháng không trông nom việc nước nữa.
 
Một hôm ông nghĩ trưa, nằm mộng thấy lại chơi nước Hoa Tư Thị. Nước này ở phía Tây Yểm Châu, phía bắc Thai Châu, không biết cách nước Tề bao nhiêu vạn dặm. Không thể đi xe, đi thuyền hay đi chân mà tới nước đó được, chỉ có thể tới bằng tinh thần (thần du) mà thôi. Nước đó không có vua, tự nhiên mà trị, dân không thị dục, tự nhiên mà sống. Họ không ham sống, không ghét chết, cho nên không có ai chết yểu. Họ không yêu mình mà lãnh đạm với người, cho nên không yêu không ghét. Không ác cảm với người trái với mình, không thiện cảm với người thuận ý mình, cho nên không có lợi, không có hại, không thích, không tiếc. Họ không uý kỵ cái gì cả, xuống nước mà không chìm, vô lửa mà không cháy, bị đánh không thấy đau; gãi mà không nhức, ngứa; bay lên không như đi dưới đất, nằm trên không như nằm trên giường; mây và sương mù không che được mắt, tiếng sấm sét không làm điếc được tai, cái đẹp cái xấu không làm động lòng, núi hang không ngăn được bước chân, họ đi đi lại lại như thần linh vậy.
 
Hoàng Đế tỉnh dậy, vui vẻ, giác ngộ, cho vời Thiên Lão, Lực Mục, Thái Sơn Kê[47] lại, bảo:
 
Ta nhàn cư ba tháng, trai tâm mà làm chủ được hình hài, suy nghĩ về cách dưỡng thân và trị nước mà không tìm ra được thuật nào cả. Mệt mỏi, ta ngủ thiếp đi, nằm mộng thấy vậy. Bây giờ biết rằng không thể nhiệt tình cầu đạo mà được đạo. Ta hiểu được rồi, đạt được rồi, nhưng không thể giảng cho các khanh được.
 
Hoàng Đế giữ ngôi hai mươi tám năm nữa, thiên hạ thật bình trị, gần như nước Hoa Tư Thị vậy. Rồi Hoàng Đế qui tiên. Trăm họ đều khóc, trên hai trăm năm không dứt.
 

KHÔNG PHÂN BIỆT MÌNH VỚI VẠN VẬT  II.3

(Liệt tử sư Lão Thương)

 
Liệt tử học ông Lão Thương, làm bạn với ông Bá Cao tử, khi đã biết được nhiều về đạo của hai ông đó rồi thì cưỡi gió mà về[48]. Doãn Sinh hay tin lại ở gần nhà Liệt tử, mấy tháng không được dạy bảo điều gì cả, một hôm nhân lúc Liệt tử nhàn rỗi, xin Liệt tử truyền đạo cho. Mười lần qua hỏi, mười lần không được Liệt tử chỉ bảo. Doãn Sinh giận, qua từ biệt Liệt tử, Liệt tử làm thinh.
 
Doãn Sinh mấy tháng không qua nữa, nhưng lòng vẫn thắc mắc muốn biết đạo, sau lại trở qua. Liệt tử hỏi:
 
- Bỏ đi rồi lại trở lại mấy lần là nghĩa gì vậy?
 
Doãn Sinh đáp:
 
- Trước kia Chương Đái[49] xin thầy dạy bảo, thấy chẳng buồn dạy, nên con bất bình với thầy. Bây giờ hết rồi nên con trở lại.
 
Liệt tử bảo:
 
- Trước kia ta tưởng anh thông minh, không ngờ tầm thường như vậy. Ngồi đó, ta sẽ chỉ cho ta đã học được gì ở thầy ta. Từ khi ta là môn đệ của thầy ta, là bạn của Bá Cao, sau ba năm, lòng không dám cân nhắc đến phải trái, miệng không dám nói đến lợi hại, lúc đó mới chỉ được thầy ta liếc mắt nhìn thôi. Sau năm năm, lòng ta mới lại cân nhắc phải trái, miệng ta lại nói đến lợi hại, lúc đó thầy ta mới tươi tỉnh cười với ta. Sau bảy năm, lòng ta tự nhiên suy tư, không thấy gì là phải trái nữa; miệng ta tự nhiên nói ra, không biết gì là lợi hại nữa, lúc đó thầy ta mới cho ta ngồi cùng chiếu. Chín năm sau, giải thoát được ý nghĩ trong lòng và lời nói ngoài miệng, đã không phân biệt cái phải trái lợi hại của ta ở đâu mà cũng không phân biệt cái phải trái của người ở đâu, cũng không phân biệt thầy ta là thầy, bạn ta là bạn nữa.
 
Hết phân biệt nội và ngoại (mình và vạn vật) rồi, thì cảm giác của mắt cũng như cảm giác của tai, của tai cũng như của mũi, của mũi cũng như của miệng, hết thảy đều hoà đồng với nhau. Lòng ta ngưng lại, hình hài ta được giải thoát, xương thịt như tan rã, ta không cảm thấy thân thể ta dựa vào cái gì cả, không cảm thấy chân ta đạp đất nữa. Ta theo gió mà qua đông qua tây, như lá lìa cành, như hạt lìa cây; không biết ta chở gió hay gió chở ta nữa.
 
Còn anh, anh ở nhà thầy chưa được bao lâu mà đã hai ba lần tỏ ra bất mãn. Cái mảnh thân thể của anh, không khí không chịu nhận, một khúc xương cốt của anh, đất không chịu chở, như vậy làm sao anh cưỡi gió bay trong không khí được?
 
Doãn Sinh rất xấu hổ, nín thở hồi lâu, không dám thốt một lời.
 

HOÀ ĐỒNG VỚI VẠN VẬT  II.12

(Triệu Tương tử suất đồ thập vạn)

 
Triệu Tương tử[50] thống suất trăm ngàn người đi săn ở núi Trường Sơn. Họ dùng cỏ khô đốt rừng, cháy hừng hừng cả trăm dặm. Bỗng thấy một người từ trong vách đá chui ra, cùng bay lên đáp xuống với ngọn lửa và tàn lửa, mọi người đều cho là quỉ. Lửa tắt rồi, người đó ung dung bước ra, như không có chuyện gì xảy ra cả.
 
Tương tử lấy làm lạ, giữ lại, xem xét kỹ lưỡng người đó, hình sắc, mặt mũi, đúng là người, hơi thở tiếng nói cũng đúng là người, rồi hỏi:
 
- Anh có cái đạo (thuật) nào mà ở trong đá được, vô lửa được?
 
Người đó hỏi lại:
 
- Đá là cái gì kia? Lửa là cái gì kia?
 
Tương tử đáp:
 
- Đá là chỗ lúc nãy anh chui ra; còn lửa là chỗ lúc nãy anh vượt qua đó.
 
Người đó nói:
 
- Tôi không biết đấy.
 

°

 
Nguỵ Văn hầu nghe chuyện đó hỏi Tử Hạ[51]:
 
- Người đó là hạng người nào vậy?
 
Tử Hạ đáp:
 
- Tôi được nghe thầy tôi (Khổng tử) dạy rằng người nào hoà đồng với vạn vật thì hoá đồng với vạn vật, vạn vật không làm thương tổn, trở ngại được mình, mà có thể đi xuyên vô kim thạch, đi trong nước lửa.
 
Văn hầu hỏi:
 
- Sao thầy không làm như vậy?
 
- Diệt lòng, bỏ trí, Thương tôi chưa làm được; nhưng nếu nhàn thì cũng xin bàn về điều đó.
 
Văn hầu bảo:
 
- Thế còn phu tử (Khổng tử) sao không làm?
 
Tử Hạ đáp:
 
- Phu tử làm được mà không cần làm.
 
Văn hầu rất mừng.
Chú thích:
[1] Ý muốn nói: Xét bề ngoài thì có sinh có tử; nhưng xét cho tới cùng thì chỉ là biến hoá, không có sinh, không có tử.
[2] Đoạn này có trong thiên Chí lạc của Trang tử.
[3] Ở đây chúng tôi bỏ một đoạn dùng nhiều tên cây, tên vật; đại ý rằng trong vũ trụ chỉ có sự biến hoá mà thôi.
[4] Chữ Đạo ở đây như chữ Đạo trong Đạo đức kinh, trỏ bản thể của trời đất, cái lẽ tuyệt đối, chứ không có nghĩa chúng ta thuời dùng.
[5] Người Trung Hoa thường hay dùng hai tiếng phát âm giống nhau để định nghĩa; như y giả, ý dã, nghĩa là phép chữa bệnh (y) phải lấy ý mà đoán; hoặc nghĩa giã, nghi dã: việc nghĩa là việc đáng làm (nghi).
[6] Trước Liệt tử, Lão tử cũng nói: Hàm đức chi hậu, tỉ ư xích tử: nuôi cái đức cho dày, như đứa con đỏ. Họ trọng đức hồn nhiên của trẻ.
[7] Bài này có trong Nam Hoa kinh, thiên Chí Lạc. [Bài Chí lạc 6 chỉ có đoạn này: “Liệt tử trong khi qua Vệ, ngồi ăn bên đường, bỗng thấy một cái sọ người đã được một trăm năm, bèn vạch cỏ, trỏ nó, bảo: “Chỉ có ông và tôi hiểu rằng không có gì thực là sinh, thực là tử. Ông có thực là khổ không, mà tôi có thực là sướng không?” (Goldfish)]
[8] Thuộc nước Lỗ, nay ở Sơn Đông.
[9] Bài này có trong Cổ học tinh hoa, bài 60: Tự làm khoan khoái. (Goldfish).
[10] Trong cuốn Cao sĩ truyện, ghi Lâm Loai là ẩn sĩ người nước Nguỵ.
[11] Một môn đệ của Khổng tử, tên là Đoan Mộc Tứ (Cống là tên tự) có tài biện thuyết, thích buôn bán, làm quan ở nước Lỗ, nước Vệ).
[12] Nghĩa là không ganh đua cho bằng người.
[13] Có bản không có chữ an là làm sao, và nghĩa ngược lại: Ta biết được rằng hai cái đó như nhau.
[14] Tên tục của Tử Cống.
[15] Bài này có sách sắp chung với bài I.7.
[16] Án tử tên là Anh làm tướng quốc nước Tề ở đầu thế kỉ thứ 6 trước công nguyên, có độ lượng, giỏi trị nước. Có bộ Án tử Xuân Thu nhưng không chắc của Án tử viết.
[17] Nguyên văn: Tử dã giả, đức chi kiếu dã. Trương Trầm giải nghĩa: chữ đức đó là đắc (được), kiếu nghĩa là về. – Đường Kính Cảo giải nghĩa: đức là đắc, kiếu là giới hạn. – Benedykt Grynpas dịch khác hẳn: chết làm cho cái đức rõ rệt ra.
[18] Thuấn là vua Thuấn, minh quân thời cổ (-2255 -2206). Chưng không rõ là ai. Có lẽ đây chỉ là một một chuyện bịa làm ngụ ngôn.
[19] B.G dịch là: Không biết ăn ra sao.
[20] Truyện này có chép trong thiên Trí Bắc du.
[21] Ý nói hành động đó do hoàn cảnh hay số phận đã quyết định rồi, Bão Thúc, Tiểu Bạch, cũng như mọi người khác không có ý chí tự do. 
[22] Tiểu Bạch đã lên ngôi, tức Tề Hoàn Công.
[23] Nguyên văn: Bất khả huý vân. Trương Trầm giải nghĩa là không cần kiêng mà không nói thẳng ra. B.G dịch là: nhưng không có gì đáng lo. 
[24] Trong Cổ học tinh hoa, bài 44. Tri kỷ chép theo Thuyết Uyển: “Bão Thúc chết, Quản Trọng thương tiếc, khóc như mưa, ướt đầm cả vạt áo…”, nghĩa là Bảo Thúc Nha chết trước Quản Trọng. (Goldfish).
[25] Nghĩa là mình cải thiện người khác, khiến họ cũng có đức như mình.
[26] Đoạn này có trong Nam Hoa kinh. [tức từ “Đến khi Quản Di Ngô đau…” đến “…nghe thấy, trông thấy mọi điều.”, nhưng có bản Nam Hoa kinh cũng chép đoạn này và cả câu tiếp theo: “Không có ai khác thì lựa Thấp Bằng”. (Goldfish)].
[27] Ý nói: Sự thể khiến như vậy, ta không thể hành động khác được.
[28] B.G. dịch là: nó cứ thẳng đường mà đi.
[29] Bài này có nhiều tiếng cổ, Từ Hải, Từ Nguyên không ghi, chúng tôi theo B.G mà dịch phóng chừng.
[Trong bản chữ Hán, bốn chữ trong dấu ngoặc không phải là bốn chữ đầu bài. Theo bác Vvn thì bốn chữ trong dấu ngoặc đó đọc là: “Mị (chứ không phải là Mi) si, chiến xấc (sấc)”; còn bốn chữ đầu bài đọc là: Mặc sợi, đan chí (墨杘. 單至). (Goldfish)].
[30] Chưa thành, mới chỉ gần thành; chưa bại, mới chỉ gần bại, những tình trạng đó gần giống nhau, khiến cho người ta lầm lẫn.
[31] Nguyên văn: “ư bỉ ngã vô nhị tâm”. Trương Trầm chú giải bỉ ngã đó là mừng và sợ. B.G. dịch khác hẳn: …thì đối với người cũng như đối với mình, không hai lòng.
[32] Ý nói: nếu mừng và sợ thì sẽ nguy.
[33] Nghĩa là biết mệnh trời mà thích nghi với hoàn cảnh.
[34] Nguyên văn: Sử cổ vô tử giả, quả nhân trường khứ tư nhi chi hà? B.G. dịch khác hẳn: Nếu quả nhân phải từ biệt nước này thì sẽ đi đâu?
[35] Nguyên văn bản chữ Hán: 史孔, 梁丘據 (Sử Khổng, Lương Khâu (Khưu) Cứ). Trong Cổ học tinh hoa, bài 158- Cười người ta khóc, chép là: “Lã Sử Không, Lương Khưu Cứ”; còn trong Cái cười của thánh nhân, bài 45- Cười người khóc, chép là: “Lũ Sử Không, Lương Khưu Cứ”. (Goldfish).
[36] Thái Công, Hoàn Công, Trang Công, Linh Công đều là những vua trước của Tề, tức tổ tiên của Cảnh Công.
[37] Nguyên văn: duy sự chi tuất. B.G. dịch là: trong cái cảnh đáng thương như vậy.
[38] Án Bình Trọng tức Án tử, sống sau Quản Di Ngô non 200 năm, cũng làm tướng quốc nước Tề (coi bài Quản Án liệt truyện trong Sử kí của Tư Mã Thiên), không hiểu sao hai người đó có thể nói chuyện với nhau được. Hai bản chữ Hán đều không hiệu đính hay chú giải gì hết.
[39] Nguyên văn: Kỳ mục nại hà? Có hiểu là: điều kiện hoặc cốt yếu ra sao?
[40] B.G. dịch là: Tôi chết rồi thì sao cũng được.
[41] Bão Thúc là bạn thân của Quản Di Ngô. Có lẽ cả phần trên nên đổi Án Bình Trọng ra làm Bão Thúc?
[42] Hoàng tử là ai? Không sách nào chú thích. Có lẽ nên bỏ ba chữ đó như B.G. đã làm.
[43] Tên là Công Tôn Kiều, học rộng giỏi trị dân, sống giữa thế kỉ thứ VI trước T.L., mất năm -552 khi ông làm tướng quốc nước Trịnh rồi, (khoảng -554), Khổng tử mới sanh.
[44] Trong sách, cả hai bản, đều in: “Thấy trong miền gái tân nào diễm lệ”, ở trên tôi đã sửa chữ “cô” thành chữ “có”. Bản chữ Hán chép: 鄉有處子之娥姣者 Hương hữu xử tử chi nga giảo giả. (Goldfish).
[45] Đặng Tích: coi chú thích bài IV.11
[46] Về vấn đề Sinh tử và Số mệnh nên coi thêm các bài: VI.6, VI.8, VII.2, VII.3, VII.6, VII.7, VII.10, VII.11.
[47] Ba vị đại thần của Hoàng Đế.
[48] Sách Trang tử, thiên Tiêu dao du cũng nói: Liệt tử cưỡi gió mà đi (ngự phong nhi hành).
[49] Tên của Doãn Sinh.
[50] Vua nước Triệu (thế kỉ thứ V trước TL).
[51] Tên là Bốc Thương, học trò Khổng tử, đốc tín, thận trọng, hay bàn luận về những vấn đề tinh vi.