Chương 9
Sóng gió trớ trêu

Gió vẫn thổi đều. Xuồng lướt chậm trên mặt nước. Giắc đã ngủ yên. Vừa mới tối, quanh chiếc xuồng, đã có hoạt động sôi động của biển. Dường như mọi động vật ở gần đều lần đến đây để quan sát hai nhà hàng hải hiếm thấy. Có những âm thanh phì phò như hơi thở biển. Có tiếng động do những con cá bay vọt lên khỏi mặt nước rồi rơi xuống. Tiếng sóng vỗ mạn xuồng, nỉ non, lào thào. Thoạt nghe, A-lanh không tránh khỏi cảm giác rờn rợn. Nhưng khi tai đã quen thì mọi tiếng động hầu như biến mất, chỉ còn lại sự lặng yên mênh mông của biển. Đêm đầu tiên này, gió thuận từ đất liền thổi ra mãi cho đến sáng. Giắc và A-lanh hy vọng mau tới được vùng có đều đặn chế độ gió đất -biển và biển -đất xen kẽ, mà nhiều nhà thơ từng gọi là hơi thở phập phồng của đại dương. Quả vậy, buổi sáng biển thở ra gió từ khơi thổi vào bờ. Sau khi dừng lại một chốc vào ban trưa như thể để lấy hơi, biển hít vào: lúc này gió từ đất liền lại thổi ra khơi. Nguyên nhân của hiện tượng ấy là: buổi sáng, sau khi mặt trời mọc, đất liền hấp thụ nhiệt và được hun nóng lên nhanh hơn biển; không khí nóng bốc lên cao nhường chỗ cho không khí mát hơn từ mặt biển thổi vào, hình thành gió biển. Nhưng nếu biển hấp thụ nhiệt chậm hơn đất thì đêm đến, nó lại giữ hơi nóng lâu hơn, tạo nên một sự chuyển động không khí theo chiều ngược lại. Như vậy, chiếc Ngược đời cần tranh thủ hướng gió ban đêm, còn ban ngày thì theo dõi chặt chẽ để lái chiếc xuồng sao cho khỏi bị giạt vào bờ.
Đêm đầu tiên cho thấy việc thay nhau thức để trực là rất cần. Riêng một đêm đầu này đã gặp cả chục chiếc tàu, chở khách có, hàng có. Chiếc xuồng nhỏ bé lại quá thấp, là là mặt nước, thường bị sóng che, từ các tàu khác khó nhìn thấy, dễ xảy ra tai nạn do va chạm. Mỗi lần thấy xuất hiện một con tàu, và nhìn hướng đi của nó có thể nguy hiểm cho mình, người trực dùng đèn pin chiếu ánh sáng lên cánh buồm. Hình ảnh một vệt sáng chợt lóe lên giữa biển rồi chợt tắt biến đâu chẳng gợi lên trong đầu óc những thủy thủ còn ít nhiều mê tín, huyền thoại xa xưa về những con thuyền ma lênh đênh trên sóng? Sáng hôm sau, đúng như quy luật, gió đổi chiều. Hai người thả bánh lái phụ, hy vọng cho xuồng tiếp tục trôi chênh chếch so với bờ biển, dĩ nhiên là chậm song ít ra cũng đỡ lo phải giạt vào quá gần đến mức chạm đá ngầm vùng ven. Cái đói bắt đầu hành hạ. Cảm giác đói mới đầu chỉ giống như khi ta chờ đợi một bữa ăn nấu muộn. Bây giờ nó đã trở thành một ám ảnh thường xuyên, và biểu hiện cụ thể bằng những cơn co thắt ở dạ dày, "cồn cào ruột gan" như người ta thường nói. Ngoài cảm giác khó chịu ấy ra, A-lanh vẫn thấy người thoải mái. Xem chừng Giắc có nôn nao hơn.
Tiến hành cuộc kiểm tra sức khỏe đầu tiên trên biển. Lưỡi Giắc hơi khô. Mạch chậm nhưng đều. Chưa có dấu hiệu nghiêm trọng về mất nước cơ thể. (Dù A-lanh hết lời khuyên nhủ và đã uống trước để làm gương, Giắc vẫn chưa chịu dùng nước mặn). Cả hai người đều bị táo bón. Nếu A-lanh không cảm thấy khát và Giắc tuy khô họng nhưng vẫn còn chịu được, thì cả hai đều bị cái đói giày vò. Cả hai đều nghĩ tới khúc bánh mì giăm-bông họ đã không thiết ăn trước lúc lên đường. Tiếc ơi là tiếc. Tiếc và thèm. Miên man, một ý nghĩ không hay chợt đến: tại sao đang yên lành, lại vô cớ mang thân ra hứng lấy cảnh này? Những con hải âu đáng yêu bay quanh quẩn gần xuồng, cách chừng mươi mét, như gửi lời thăm hỏi. Sự xuất hiện của nhiều hải âu làm hai chàng tin tưởng. Chim bắt được cá, tại sao ta lại không? Hôm ấy rất đẹp trời, biển lặng. A-lanh quay phim được khá nhiều cảnh kỳ thú. Điều buồn duy nhất là vẫn chưa kiếm ra được một thứ gì cho vào miệng, trừ vài thìa tảo. Cũng có thể kiếm nhiều tảo hơn, nhưng chiếc lưới thả xuống vớt tảo làm cản tốc độ của xuồng lúc này chưa xa bờ là mấy, hai anh còn ngay ngáy lo gió không thuận kéo dài. A-lanh kiên trì nói với Giắc:
-Nếu lúc này anh không chịu dùng nước mặn, nấn ná ít nữa, khi quá trình mất nước của cơ thể đã bắt đầu thì lúc ấy uống nước biển không những chẳng có tác dụng mà còn nguy hiểm nữa là khác.
May sao, Giắc nghe ra, và bắt đầu nhấp một ngụm. Sự kiện nhỏ nhặt ấy làm hai người bạn đồng hành cùng vui hẳn lên. Một sự bất ngờ thú vị xảy đến: đêm ấy cũng như những đêm tiếp sau, sáng ra thu được chừng nửa lít nước ngọt đọng ở đáy xuồng. Đo độ ẩm không khí rất cao, hơi nước ngưng tụ, và cũng nhờ các vật liệu trong xuồng đều còn mới, chưa bị nhiễm mặn, hai anh có thể dùng một miếng bọt xốp thấm hút từng tí một. Lượng nước ấy chẳng đáng là bao so với nhu cầu của hai con người cao lớn. Dù sao, đó cũng là một nguồn phụ trợ; hơn nữa nó ngọt ngào thật sự, nuốt xuống đến đâu, thấm mát ruột gan tới đó. Suốt ngày không nhìn thấy bờ. Nhưng họ biết mình cách đất liền chẳng bao xa. Sở dĩ không nhìn thấy là vì một lớp sương mù do hơi nóng bốc lên là là mặt biển. Khoảng sáu giờ chiều bờ lại hiện ra. Hai người chưa kịp xác định tọa độ thì mặt trời đã lặn. Nhưng vừa lúc ấy, ánh sáng hải đăng rọi tới. Qua ánh sáng và nhịp độ của luồng chiếu, hai người nhận ra mình chưa cách xa điểm xuất phát được bao nhiêu. Còn có thể gặp nguy hiểm vì đá ngầm ven bờ khá nhiều ở quãng này. Qua đêm Thứ hai, hai nhà đi biển vẫn còn hết sức lạc quan, tuy bụng đói cồn cào. Điều bất thường không may là gió hướng biển -đất tự nhiên nổi mạnh. A-lanh ghi nhật ký:
“Chiếc Ngược đời cứ quanh quẩn ở đây, chứ không thể nào ra nổi ngoài khơi ư? Và như thế, nó sẽ thất bại như những người bi quan tiên đoán." 27 tháng năm quả là một ngày đáng ghi nhớ. Khoảng xế chiều, A-lanh đang mơ màng, sợi dây câu quấn quanh cổ chân, chợt có cảm giác chân mình bị giật mạnh. Anh rút kinh nghiệm ngay: từ nay, không thể làm chuyện ngu ngốc như vừa rồi. Nếu chẳng may con cá cắn câu ấy thật lớn, thì có phải cổ chân anh đã bị dây câu cứa đứt mất rồi không? Một chú mê-ru vừa cắn câu. Hai người kéo con cá quý lên, vừa cảm tưởng như mình đang đi giữa sa mạc bỗng kéo được gàu nước ngọt đầu tiên từ giếng thơi. Thân cá được ép, rút hết nước, sau đó xẻ làm đôi. Ăn nửa đuôi, còn nửa đầu dành cho bữa sáng mai. Thoạt tiên, đưa miếng cá sống phơn phớt hồng lên miệng, cả hai người đều có cảm tưởng buồn nôn, Giắc có vẻ còn lợm giọng hơn A-lanh, vì A-lanh dù sao cũng đã từng nếm món cá sống khi còn ở trong phòng thí nghiệm. Anh thấy mình có trách nhiệm ăn trước, làm gương cho bạn. Nào! Hãy cho rằng cá sống ngon đi. Miếng đầu tiên trôi qua khỏi họng. Thắng lợi. Định kiến lâu đời của con người đã vượt qua. Hai người tiếp tục ăn cá sống, bất chấp mọi kiến thức và tập tục của con người văn minh. Và kỳ lạ sao, càng ăn càng cảm thấy món này vừa ngon vừa bổ. Nửa con cá còn lại được mang đặt trên tấm bạt phơi khô để dành. Từ đó trở đi, ngày nào câu được cá, hai anh đều ăn sống một cách tự nhiên. Cũng chẳng có gì lạ. Mỗi nền văn hóa đều có cách ăn uống riêng, và cũng có những thứ kiêng cữ nhất định. Có bao giờ người châu Âu ăn châu chấu hoặc nhộng tằm? Nhưng ai dám bảo nhộng tằm không bổ?
Người theo đạo hồi không động đến thịt lợn. Nhiều bộ tộc ấn Độ lại có thái độ như vậy đối với thịt bò. Có những người không ăn được thịt ngựa, thịt mèo, thịt chó. Nhưng, nếu nấu nướng thật thơm tho, rồi bảo đấy là thịt cừu hoặc thịt thỏ thì họ vẫn chén đàng hoàng và có khi còn nắc nỏm khen ngon là khác. Có những dân tộc rất thích ăn cá hon khói, trong khi nhiều người khác lại sợ món đó. Xét cho cùng, quan niệm về ăn uống chẳng qua do hoàn cảnh, thói quen cũng như định kiến lâu đời tạo nên mà thôi. Ngày hôm ấy trời nắng, gió nhẹ. Dạ dày bớt trống rỗng, hai chàng trai càng thêm lạc quan. Gặp một chiếc tàu của hải quân đi tuần tra bờ biển, viên chỉ huy tủm tỉm cười mời hai vị đắm tàu uống bia ướp lạnh. Hai anh tươi cười từ chối. Đêm đến, may quá, gió từ đất liền lại nổi lên. Chiếc Ngược đời xa bờ hơn nữa. ánh đèn lửa trên đất heo hút dần rồi lần lượt tắt. Chiếc xuồng đã đưa hai chàng ra được ngoài khơi. Ra đến đây, sẽ không có nguy cơ bị giạt trở lại bờ nữa, như những người bi quan vẫn quả quyết.