Chương 11
Điều bí ẩn ở Cô-lum-brét

Chiều 30 tháng năm, hai chàng hết sức mừng rỡ. Sau bảy mươi hai giờ kể từ khi tầm mắt không còn trông thấy bờ biển nước Pháp, bắt đầu xuất hiện giữa bầu trời hoàng hôn đỉnh núi Tô-rô, điểm cao nhất trên đảo Mi-noóc. Từ trưa, Giắc đã dự kiến việc này, sau khi xác định tọa độ của xuồng. Ngay trong những điều kiện bình thường, dựa vào độ cao mặt trời lúc đứng bóng để xác định tọa độ, đối với A-lanh đã là việc khó hiểu nổi. Trong hoàn cảnh dập dềnh trên chiếc mảng cao su đầu ngọn sóng, làm được việc đó, anh cho là một kỳ tích tuyệt vời. Anh càng mừng là mình có một bạn đồng hành dồi dào kinh nghiệm.
-Đảo Mi-noóc đấy! Đất đấy!
Niềm vui thấy đất nhói lên trong tim những người đắm tàu, gần như một cảm giác đau đớn. Có lẽ cũng đã đến lúc cập bờ, vì đã hai ngày hai người đến bữa chỉ có nuốt vẻn vẹn mấy thìa tảo vào bụng. Than ôi, đâu đã đến lúc hết gian nan như hai chàng vội tưởng. Nhìn thấy đất, tưởng như nó đã trong tầm tay, ấy thế mà còn phải mất mười hai ngày đêm ròng rã nữa, tức là gấp đôi thời gian kể từ khi xuất phát cho đến lúc này, chiếc xuồng mới vào được tới bờ. Đắm tàu là như vậy đó. Giá biết trước, có lẽ lúc này họ tuyệt vọng chứ không mừng vui. Nhưng họ đâu đã ý thức được hết khó khăn. Mỗi người còn nhẩm tính trước những việc mình sẽ làm khi đặt chân lên bờ. Sẽ đánh những bức điện cho ai, nội dung ra sao. Bữa ăn đầu tiên trong một quán ăn đầy vẻ thôn dã ven bờ biển lạ, được hình dung với những chi tiết mê ly. Giữa lúc viễn cảnh tươi đẹp đang được vẽ nên thì bỗng dưng gió lặng, cũng đột ngột như khi gió nổi lên. Mảnh vải buồm ủ rũ. Hai người ngó quanh. Bầu trời sập tối. Phía đông nam, mây đen vần vụ: sắp có cơn giông. Hai người vội vã chuẩn bị đón những thử thách đầu tiên.
Hạ buồm. Buông neo nổi. Kéo tấm bạt che xuồng. Rồi ngồi nghỉ, chờ cho giông tố tan. Giông tố cùng với đêm đen lúc này cũng vừa xộc tới. A-lanh và Giắc ngồi sát vào nhau, chân co lại, một tư thế không lấy gì thoải mái song tránh được những cơn gió quật thẳng vào người. Sóng lớn thi nhau ập xuống chiếc Ngược đời. Ngồi trong xuồng, hai người nghe biển gào thét không phải bên cạnh mà ngay trên đầu. Chiếc xuồng cao su vẫn bám được mặt biển. Qua những giờ phút này, mới thật sự tin tưởng về sự đằm ổn tuyệt vời của nó. Sóng to, song trong xuồng không vật gì bị lay động, thậm chí A-lanh có thể mở sổ ghi nhật ký. Trong khi đó, bên ngoài sóng vẫn điên cuồng. Suốt thời gian dài dằng dặc chờ đợi cơn giông tan, hai người bạn không nói nhiều với nhau, nhưng đều nhẩm tính xem cơn giông này sẽ giạt chiếc xuồng đến tận đâu. Giắc lấy một tờ giấy, tính tính toán toán, rồi tuyên bố:
-Chắc chắn chúng ta sẽ giạt vào bên trong vịnh Va-lăng-xơ. A-lanh mở cuốn Chỉ dẫn hàng hải ra, tham khảo về vùng này. Vịnh Va-lăng-xơ là một vùng khá nguy hiểm, ở đó có nhiều hướng gió mạnh và lộn xộn. Hai người vốn biết rõ điều đó, cho nên cố hướng hành trình của mình sao cho khỏi bị giạt vào vịnh này. Nhưng, trước giông bão, với thân phận những kẻ đắm tàu, họ còn biết làm gì hơn lúc này. Chỉ còn một cách là bình tĩnh đương đầu với rủi may, hơn nữa cũng còn phải giữ cho thần kinh thanh thản để hồi phục sức khỏe đã giảm sút ít nhiều. Thời gian trôi qua trong sự thấp thỏm mong chờ, trong khi chiếc xuồng vô tình có lẽ đang tiếp tục đưa hai nhà du hành càng chệch xa mục tiêu ban đầu. Đến sáng, biển vẫn động. Sương mù dày đặc, tới mức ngồi đằng lái không nhìn rõ mũi xuồng. Cũng may dần dần nó mỏng bớt. Hai người giật mình nhìn theo một chiếc tàu lớn, cách Ngược đời có mấy trăm mét, đang mở hết tốc lực chạy về phía cảng Bác-xơ-lon. Đúng trưa, mặt trời ló. Giắc đo tọa độ, hy vọng biết chính xác vị trí của chiếc xuồng, nhưng không đạt kết quả. Anh cho rằng nó đã vào bên trong vịnh, ở một vùng có cơ man là đảo nhỏ, gọi là quần đảo Cô-lum-brét. Như vậy có nghĩa là đang giăng ra trước hai người không chỉ một, mà là hai cái bẫy: gió dữ và đá ngầm. Đột nhiên, một âm thanh lạ tai vọng tới. A-lanh và Giắc vội ra khỏi nơi đang ngồi tránh gió, sẵn sàng đối phó với mọi bất trắc.
Cả hai chợt lặng người trước một nỗi lo sợ bất thần. Cách chiếc xuồng khoảng một trăm mét, về mạn trái, một khối trắng phau trông tưởng như mơ hồ nhưng lại hiển hiện, thân hình đồ sộ của một động vật thời tiền sử đang lừ đừ tiến đến. Bất giác, A-lanh với khẩu súng chuyên bắn dưới nước và nạp đạn. Lúc này, cái khối trắng đã tới gần hơn, hai người kinh hoàng nhận rõ đó là một con cá voi trắng, thuộc loại hiếm thấy ở Địa Trung Hải, dài đến ba mươi mét. Sau phút thảng thốt, A-lanh vứt súng, chộp máy quay phim, cố thu vào ống kính hình ảnh con vật khổng lồ đang tiếp tục bơi tới. Hai người nín thở, chờ đợi điều không may có thể xảy ra. A-lanh chăm chăm hướng ống kính vào đôi mắt đỏ ngầu của con vật, trong khi Giắc lo lắng theo dõi từng động tác của đuôi nó. Chỉ cần con vật cáu tiết, cái đuôi ấy sẽ. quét khỏi mặt biển chiếc xuồng tí tẹo. Hai người động viên lẫn nhau: đã từng gặp cả một đàn cá voi, mà có điều gì không may xảy ra đâu. ấy thế mà vẫn chẳng làm sao yên tâm được trước con vật đơn độc khổng lồ. Nhưng, tới sát chiếc xuồng, nó hiền lành ngụp xuống rồi lại ngoi lên và lượn quanh một vòng, như muốn khoe với hai chàng làn da bụng trắng phau. Thế rồi, nó rẽ quặt và chậm rãi khuất dần trong sương mù. Chưa hết xúc động, A-lanh và Giắc đang bàn tán về con vật hiếm thấy, thì bỗng dưng cả hai cùng vểnh tai nghe ngóng. Phải chăng con cá voi là vật báo hiệu nhiều hiện tượng quái dị sẽ diễn ra, hai là chỉ vì nó đã tác động quá mạnh vào thần kinh hai người? Khoảng một lát sau khi cá voi đi khuất, qua sương mù, hai người nghe rõ mồn một tiếng rúc còi báo động.
Tiếng rúc làm hai người cùng đứng phắt dậy. Thật ra, trước đó nhiều lần tai A-lanh đã nghe, nhưng lúc ấy tiếng rúc còn xa xôi, mơ hồ. Không tin hẳn thính giác của mình, anh chưa nói cho Giắc rõ. Có lúc anh suy nghĩ: hay là chiếc xuồng bị giạt đến một nơi nào đó gần bờ? Song anh tự bác bỏ ý kiến của mình ngay. Anh cho vì lúc này quá trông mong được tới bờ, cho nên liên tưởng như vậy. Bây giờ thì tiếng rúc ấy rõ quá, không có gì đáng hoài nghi nữa. Hai người cùng nghe. Và đương nhiên tiếng rúc ấy chỉ có thể phát ra từ một nơi có người, có lúc nó lớn tới mức át cả tiếng hai người trao đổi với nhau. Trong sương mù, rất khó xác định vị trí xuất phát của một tiếng còi. A-lanh cho rằng tiếng rúc từ tây nam vọng đến. Giắc lại nghĩ nó từ hướng tây bắc. Hai người cố bình tĩnh mở bản đồ ra xem. Theo dự đoán của Giắc về vị trí của chiếc xuồng lúc này, thì điểm đất gần nhất là một hòn đảo nhỏ xíu, thuộc nhóm Cô-lum-brét, cách đây chừng mươi hải lý về phía nam. Bỗng dưng, không hiểu sao, cả hai người đều cùng có chung một cảm giác là đang bị một tai họa đe dọa: đột ngột dội lên tiếng máy nổ ầm ầm, át cả tiếng còi lúc này vẫn tiếp tục rúc. Chết rồi, chắc là một con tàu đồ sộ nào đó sắp bổ nhào vào chiếc Ngược đời. Gần tới mức này thì khó có cách nào tránh khỏi tai họa.
Không ai bảo ai, hai người vội vớ lấy bất cứ vật gì trong tầm tay có thể phát nên tiếng. A-lanh cầm một cái đinh sắt -nó vốn là ốc vít của dụng cụ ép hoa quả, được mang theo để rút nước trong thân cá -gõ vào một cái nồi. Giắc thì dùng một nắp hộp đập vào chiếc cà mèn. Như lên cơn sốt, hai người đập, gõ liên hồi, tạo nên những tiếng chát chúa giữa tiếng máy nổ và còi rúc liên hồi. Những âm thanh kỳ dị đang hòa lẫn hoặc đối chọi nhau ấy bỗng dưng im bặt. Im lặng đến se lòng. Im lặng đến bất ngờ làm cho cả A-lanh và Giắc đều sửng sốt khó chịu. Hai người cùng ngừng tay. Đột nhiên, tiếng động cơ, rồi tiếp ngay sau đó là giọng rền rĩ của chiếc còi một lần nữa lại dội vang. A-lanh ý thức, nếu hiện tượng này cứ tiếp tục một hồi nữa, dễ thường anh đến phát điên mất. Tuy vậy, anh vẫn còn đủ tỉnh táo để theo dõi và suy xét. Nhìn đồng hồ: mười phút. Đã được mười phút, mười phút dài chưa từng có trong đời anh, kể từ khi những tiếng động kỳ dị vang lên thì tất cả cùng tắt đột ngột. Im lặng.
Im lặng trở lại cũng bất thần như khi các tiếng động cất lên. Đúng vào lúc ấy, như có phép thần, một làn gió xua tan hẳn sương mù, mặt biển lúc này quang đến tận chân trời hiện ra mồn một mênh mông, vắng lặng. Không có gì, tuyệt đối không có một vật gì trong vòng bán kính ba mươi ki-lô-mét. Hai người tưng hửng. Không, không thể nào giác quan của hai anh đã rối loạn tới mức cùng sinh ra ảo giác. Nhưng, giữa lúc đầu óc đang rối bòng bong, thần kinh căng thẳng, thật khó dùng lý trí phân tích hiện tượng mà từ đó trở đi hai người mỗi lần nhắc đến lại gọi là "điều bí ẩn ở Cô-lum-brét". Hai người nhất trí, ngay sau phút thảng thốt ấy, hãy cố quên đi cơn ác mộng vừa xảy ra, cho dù nó có thực, để trong đêm tới, khỏi bị ám ảnh một lần nữa. Việc cấp bách lúc này là phải giữ cho thể lực đừng sút kém thêm. Về sau, đối chiếu cảm giác của từng người lúc đấy, hai người nghĩ đến khả năng có một chiếc tàu ngầm nổi lên mặt nước lấy không khí. Nhưng tàu ngầm không trang bị loại còi rúc để báo hiệu khi có sương mù, như các tàu đi biển thông thường. Và do đó, điều bí ẩn vẫn còn là bí ẩn. Có lẽ ở thời đại nào cũng vậy thôi, những người đắm tàu vẫn chịu mọi sự trớ trêu ma quái của biển làm tội làm tình.