Chương 19
báo chí đưa tin:“Ngược đời" lâm nạn

Mục tiêu đầu tiên của anh là nhanh chóng vượt qua eo biển, nhanh chóng ra được ngoài khơi để lợi dụng dòng hải lưu Ca-na-ri. Vốn không phải là một nhà đi biển thành thạo, anh rất sợ gặp những trắc trở ven bờ. Rời Địa Trung Hải vào Đại Tây Dương đâu phải chuyện đùa. Chỉ cần ra quá ngoài kia mươi hải lý nữa, ta sẽ đi vào một không gian khác, và thời gian ở đó cũng khác. ở đó không tính ngày mà tính tuần. Không đếm từng hải lý mà hàng trăm hải lý một. Hơn nữa, tất cả sự cô đơn... Sự thật lúc này A-lanh chưa có nhiều thời giờ để suy nghĩ về những cái đó. Anh chỉ mang máng biết rằng rồi đây chắc chắn mình sẽ phải đấu tranh quyết liệt để khắc phục cảm giác cô đơn. Lúc này đây, để vào được Đại Tây Dương, phải tập trung sức lực và trí tuệ vượt qua cho được một thử thách: dòng chảy của eo Gi-bran-ta ngược với hướng đi của chiếc Ngược đời. Nước ở eo biển này chảy với tốc độ nhanh như lũ. Để chống lại đối thủ nước, anh có bạn đồng minh: ấy là gió. Gió thổi theo hướng đông tây. Xuôi gió nhưng ngược nước, phải vượt qua thử thách trong những điều kiện ấy. Nhớ lại kinh nghiệm chơi thuyền hồi còn nhỏ tuổi: muốn đi ngược nước, phải đi sát bờ, có như vậy mới lợi dụng được dòng nước cuộn trở lại. Làn nước ngược đối với A-lanh thật sự là một cứu tinh. Nó giúp chiếc xuồng cao su thoát sức cuốn hút của cái eo tai ác, để tới nơi hò hẹn với đại dương. Đại Tây Dương đây rồi. Mệt lử, nhưng sung sướng. Và càng sung sướng, càng cảm thấy cô đơn.
Thật ra, lúc này còn ở ven bờ. So sánh với những gì A-lanh sẽ chịu đựng sau này, chặng đường vừa qua chỉ là một cuộc dạo mát. Vấn đề đặt ra trước mắt: ghé vào đâu? Ca-da-blăng-ca hay quần đảo Ca-na-ri? Trong thâm tâm, anh muốn ghé vào Ca-da-blăng-ca hơn. Nhưng lại băn khoăn: không rõ việc anh liều lĩnh ra đi một mình đang gây phản ứng như thế nào? Nếu dư luận cho anh là một thằng điên, thì anh ghé vào đấy có nguy cơ bị tịch thu mọi phương tiện, thu hồi giấy phép đi biển... Ngược lại, nếu được dư luận đồng tình thì ghé vào Ca-da-blăng-ca là cơ hội báo tin cho gia đình. Vợ anh lúc này chắc đang hết sức lo âu khi biết anh ra đi không có bạn đồng hành. Cũng còn một hy vọng thầm kín nữa: biết đâu Giắc chẳng nghĩ lại, và đã đến sẵn đấy chờ nhập bọn với anh? ại, giá có được một người như Giắc cùng đi thì quý hóa biết bao nhiêu! Gió bắc-đông bắc đang thổi mạnh về nam-tây nam. Nếu giữ được mũi thuyền theo đúng hướng gió thuận này, tức là anh đi đường dây cung của vòng cung Tăng-giê -Ca-da-blăng-ca. Đúng hướng rồi, chỉ còn thẳng tiến nữa mà thôi. Nhưng, việc hệ trọng lúc này là phải học cho thành thạo cách đi biển. Tham khảo những cuốn sách mang theo và nghiên cứu các sổ tay của Giắc, A-lanh mò mẫm tìm ra công thức đo vị trí của mặt trời so với đường chân trời để tính toán xác định tọa độ theo vĩ tuyến.
Việc này đối với anh lúc đầu tưởng phức tạp quá mức, song học mãi rồi cũng lần ra. Thời giờ còn lại trong ngày, anh say sưa câu cá. Anh câu được nhiều cá lớn, nhờ vậy thừa nước uống và thức ăn. Gặp một chiếc tàu đánh cá trên đường đi, các thủy thủ ngạc nhiên sao một mình anh mà đánh được nhiều cá đến thế. Tiếc rằng lúc này không có Giắc, cho bõ những lúc đói khát. Nhiều máy bay chở khách vút qua trên không, cùng một hướng: dấu hiệu chiếc Ngược đời đang đi đúng đường, vì các máy bay ấy chắc chắn đáp xuống sân bay Ca-da-blăng-ca. Mọi việc trôi chảy. Nhưng lúc này anh mới đi men theo bờ đại dương thôi. Nhìn ra phía tây, anh kinh hoàng trước sự mênh mông. Thật thà mà nói, những gì Giắc và anh vừa làm được thời gian qua chẳng thấm tháp gì nếu đem ra so sánh với tầm cỡ của Đại Tây Dương.
Thông thường gió bắc-đông bắc nổi lên vào cữ giữa trưa và thổi đến khoảng tám giờ tối thì lặng. Ban đêm cố định chèo lái và buộc thật chặt dây buồm xong, anh ngủ kỹ. Mỗi đêm chỉ thức dậy vài ba lần, để ghé mắt nhòm vào la bàn, kiểm tra dây buồm và quan sát bờ biển xem có gì bất thường chăng, rồi ngủ lại. Sáng 18 tháng tám, anh hơi giật mình khi tỉnh giấc, thấy mình bị vây bủa trong một làn sương mù dày đặc. Không thấy bờ đâu cả. May sao lúc ấy một chiếc tàu từ sau vượt lên, đi sát bên anh.
-Có phải hướng này đi Ca-da- blăng-ca không?
-anh hỏi.
-Đúng rồi. Chúc thuận buồm xuôi gió!
các thủy thủ hét to, đáp. Chế độ gió làm anh hơi sốt ruột. Mỗi ngày đêm chỉ được có tám giờ, còn lại là lặng hoặc có gió nhưng không thuận. Được cái, máy bay trông thấy mỗi lúc một dày chuyến hơn, chứng tỏ hướng đi không sai lệch. Cá vẫn câu được dồi dào. Tinh thần anh phấn chấn. Hai giờ rưỡi chiều 18 tháng tám, bắt đầu trông thấy những bể chứa dầu trên bờ biển. ánh kim loại lóe lên dưới ánh mặt trời, không thể nào lầm lẫn bể chứa dầu với gì khác. Tám giờ rưỡi tối, chiếc Ngược đời đến cách con đập chắn sóng bên ngoài cảng Ca-da-blăng-ca chừng một trăm mét. Tuy vậy, lúc này đã muộn. Sóng lại cao, che lấp các ngọn đèn tín hiệu trên bờ. Đành ngủ đêm trên biển. ở quá gần bờ, đêm nghe sóng vỗ ầm ầm vào thân đập, chẳng yên tâm chút nào. Ra đối với những người đi biển, gần đất liền đáng lo ngại hơn ở ngoài khơi. Sáng hôm sau, khi anh thức dậy thì biển đã lặng. Phấn khởi, anh vớ mái chèo, chèo thật lực, và ít lâu sau cập bến riêng của Câu lạc bộ du thuyền thành phố, trước sự sửng sốt của nhiều người. Một anh bạn đưa anh xem tờ báo địa phương vừa phát hành sáng nay. Báo nêu bật trên trang nhất, với đầu đề lớn, một tin sốt dẻo:
“Xuồng Ngược đời đang lâm nạn ở vịnh Ca-đi".