Chương 21
Nhiệt tình và thông cảm

Anh được làng chài nhỏ ấy đón tiếp như một ông hoàng. Làng này cách thủ phủ Lát Pan-mát chừng mười hải lý về phía nam. Vừa nhìn thấy chiếc xuồng của anh, dân làng đã xô tới: họ tin rằng mình sắp đón một người đắm tàu thật sự. Bờ đảo Ca-na-ri. Lớn đầy rẫy đá hiểm hóc. Tuy đã ghé được một bãi cát, song muốn vào được bên trong, cần phải đi qua nhiều nơi có đá ngầm. Nhoáng một cái hai mươi dân chài lực lưỡng ghé vai khiêng bổng chiếc xuồng. Hai người khác giúp anh đi. Trưởng thôn mời anh về nhà ông. ở đây có cả thầy giáo trường làng và y tá của thôn cùng tiếp khách. Mặc dù buồn ngủ đến rũ người anh vẫn phải kiên nhẫn giơ tay làm hiệu, vừa dùng vài ba tiếng Tây Ban Nha lõm bõm, tường thuật cho họ nghe chuyến đi vừa rồi của mình. Họ cũng hiểu được điều anh muốn diễn đạt: anh đã đi ròng rã 11 ngày đêm trên chiếc xuồng bé bỏng này, từ Ca-da-blăng-ca tới đây. Giống như mọi nơi khác trên trái đất, dân chài bao giờ cũng mến yêu những người đi biển dũng cảm. Sáng hôm sau, một chiếc xe hơi đón anh về thủ phủ Lát Pan-mát, một hải cảng thuộc loại lớn trong số những cảng ven bờ Đại Tây Dương. ở đây nữa, anh được đón tiếp nồng nhiệt. Nhưng, cũng như các lần trước, về ý định của anh tiếp tục đi để vượt Đại Tây Dương, bạn bè mới và cũ lại chia thành hai nhóm: những người ủng hộ và những người phản đối việc làm táo bạo ấy. Một hoa tiêu trưởng khuyên anh hãy nghĩ lại cho kỹ:
-Tớ hiểu biển lắm. Những việc cậu đã làm được thật cực kỳ tốt đẹp. Cậu đã chứng minh một cách xuất sắc lý thuyết của cậu. Nhưng hãy tin lời tớ: không thể nào câu được cá giữa Đại Tây Dương để mà ăn đâu! Xưa nay các thủy thủ giàu kinh nghiệm đi biển vẫn có định kiến cho rằng ra quá thềm lục địa thì không thể nào câu được cá bằng phương tiện thô sơ.
Anh cần có thực tế để chứng minh ngược hẳn định kiến này. Anh đã tỏ rõ bằng hành động là con người chỉ ăn cá sống vẫn có thể sống còn. Giờ phải thuyết phục nữa bằng thực tiễn là có khả năng kiếm đủ cá ở những nơi mọi người vẫn cho là không thể kiếm ra. Anh không định trở về Pháp, mà chỉ muốn dành chừng bảy, tám ngày để chuẩn bị thêm về vật chất ngay tại Lát Pan-mát, rồi ra khơi luôn. Vừa lúc đó nhận được điện của vợ anh báo tin chị vừa sinh con gái. Thế là anh quyết định bay chớp nhoáng về Pháp. Không thể lao vào cuộc thực nghiệm đầy gian truân này mà chưa được nhìn thấy mặt con vừa ra đời. Nghe tin anh bay về Pháp, những người phản đối chuyện vượt Đại Tây Dương cho là họ đã thắng cuộc:
“ít ra thì bà vợ cũng biết cách giữ cho ông chồng không làm việc điên rồ". Nhưng vợ anh là một người rất hiểu chồng. Chị thông cảm với động cơ cao cả đã thúc giục anh làm việc. Chị tin ở nghị lực của anh và cũng hy vọng, kết quả cuộc thực nghiệm này sẽ góp phần cứu sống nhiều người chẳng may lâm nạn. Anh vừa xuống Pa-ri, hai viên cảnh sát đã tới tận nhà gõ cửa:
-Chúng tôi muốn nói chuyện riêng với ông A-lanh.
-Có việc gì vậy?
-ông chưa nộp cho tòa án 8000 phrăng tiền phạt. Hoặc là ông đến quỹ giao nộp ngay, hoặc là mời ông vào trại giam.
-Giam bao nhiêu ngày?
-Mười hai ngày. Vừa đáp, hai viên cảnh sát vừa chìa ra lệnh của tòa án. Hỡi ôi, anh có thời giờ đâu mà đi nghỉ ở trại giam những mười hai ngày. Đành phải bỏ ra tám nghìn phrăng, số tiền cần thiết để chi tiêu thêm cho việc khởi hành. Những ngày anh ở Pa-ri, báo chí khẳng định: A-lanh Bôm-ba sẽ không đi tiếp nữa. Trong khi đó, ở Tăng-giê, Giắc tuyên bố:
“Tiếp tục đi xa hơn quần đảo Ca-na-ri mùa này là điên rồ, là tự sát". Trên đường quay trở lại Ca-na-ri, anh ghé vào Ca-da-blăng-ca. Anh muốn lưu lại vài hôm để làm việc thêm với Viện hải sản Ma-rốc về vấn đề tảo. Ngoài ra, anh muốn tham khảo thêm về khả năng đánh bắt cá ở những vùng biển anh sẽ đi. Anh cũng còn muốn xoay xở để có một máy thu thanh. Lần này dứt khoát không dùng máy phát, dù có ai hảo tâm biếu, anh cũng sẽ khước từ. Vì chỉ có một mình, chẳng có Giắc cùng đi, làm sao một người vừa quay máy phát điện vừa đánh tín hiệu Moóc-xơ được? Đấy là chưa nói anh mù tịt về vô tuyến điện, hoàn toàn không biết sửa chữa máy. Chỉ cần một hỏng hóc nhỏ, máy ngừng làm việc là tất cả mọi người đang theo dõi sẽ cho là anh lâm nạn, anh đã chết. Và việc ấy sẽ tác động đến thần kinh những người thân trong gia đình đến đâu. Chỉ cần có một máy thu thanh thông thường là đủ giúp anh lấy giờ chính xác, không phải phụ thuộc quá vào chiếc đồng hồ đeo tay. Hằng ngày tất cả các đài phát thanh trên thế giới đều báo giờ địa phương, có so sánh với giờ kinh tuyến gốc (thường gọi là giờ GMT). Trái đất được chia làm 24 múi giờ, mỗi múi tương đương với 15 độ trên la bàn. Biết giờ GMT so với giờ địa phương, có thể suy ra kinh tuyến.
Anh hy vọng bạn bè ở Ca-da-blăng-ca sẽ giúp anh máy thu thanh, một chiếc tốt, có thể chịu đựng sóng gió đại dương.Anh tin mọi việc sẽ đâu vào đấy. Nhưng anh không khỏi bất ngờ trước sự đón tiếp quá ư nồng hậu. Cả trăm người chờ ở sân bay và tặng hoa nữa chứ! Câu chuyện về hai viên cảnh sát Pa-ri khiến tờ báo địa phương bất bình. Tòa soạn mở một cuộc quyên góp, giúp anh thanh toán món phạt vạ. Người đầu tiên hăng hái góp tiền chính là vị thủy sư đô đốc, chỉ huy hải quân Pháp ở Ca-da-blăng-ca, một người đi biển già dặn sau này sẽ tiếp tục giúp đỡ anh hết lòng. Mấy ngày tạm ghé ở Ca-da-blăng-ca, anh sống rất thoải mái. Tiệc tùng. Du ngoạn. Hòa nhạc. Thể thao. Một hôm, anh được mời đến bộ tư lệnh hải quân. Đô đốc, như một thầy giáo truy bài học sinh, dồn anh thật sự, tuy với giọng bè bạn chân tình. Anh hiểu, ông muốn qua việc này, kiểm tra kiến thức và giúp anh thêm kinh nghiệm đi biển, ở những mặt mà anh còn non kém. Cuối cùng, ông nói:
-Bây giờ chúng tôi mới thật rõ việc làm của anh. Chúng tôi sẽ hết sức giúp đỡ. Đó là một trong ba người đàn ông anh biết ơn sâu xa nhất trong chuyến thực nghiệm lớn này. Người thứ nhất là tiến sĩ Phuya-ne-xtanh. Người
Thứ ba là một thuyền trưởng sau này anh sẽ gặp trên đại dương, giữa lúc tinh thần anh sắp trải qua một cơn khủng hoảng. Thuyền trưởng ấy cũng là một người đi biển thật già dặn. Tuy mới gặp lần đầu, ông ta đã tỏ lòng mến mộ và cảm thông sâu sắc công việc anh làm. Đô đốc là một trong số ít người dám khẳng định trước lúc anh lên đường:
“Bạn sẽ thành công". Lời khẳng định ấy có giá trị biết bao cho một người sắp dấn thân vào những thử thách khó lường. Cảnh và người đều lưu luyến. Nhưng, đã đến lúc phải chia tay. Ngày 5 tháng mười, anh đáp máy bay tới Lát Pan-mát. Còn phải chờ đợi ở đây hai tuần ròng rã nữa, hai tuần cực kỳ sốt ruột, cho dù sự chờ đợi diễn ra trong tình cảm bạn bè ấm cúng và cuộc sống êm đềm với âm nhạc, thể thao, du ngoạn... Nhiều đêm thao thức anh không khỏi tự nhủ:
“Cẩn thận đấy, chú mình ơi, nếu còn nấn ná ở đây lâu, không khéo rồi không dứt nổi áo lên đường đấy". Nhưng gió thuận chưa lên cho, biết làm sao! Cuối cùng, ngày 18 tháng mười, gió bỗng đổi chiều từ đông bắc thổi tới. Đây rồi, ngọn tín phong mà anh nóng lòng chờ đợi. Lập tức anh quyết định xuất phát ngay ngày hôm sau, 19 tháng mười, một ngày Chủ nhật.