Chương 25
cá mập! Cá mập!

Lần đầu tiên từ khi rời quần đảo Ca-na-ri, anh nhìn thấy một con cá mập.. Nhưng chỉ thoáng qua thôi, nó biến mất rất nhanh. Còn cá đô-rát thì nhiều vô số. Chúng trở thành thân thuộc với anh như bạn bè. Và anh cũng thích ngắm chúng bơi lượn. Ban đêm thức giấc, anh thường sửng sốt trước cảnh đẹp: những con cá bơi cùng hướng với chiếc xuồng tạo thành những vệt lân tinh lấp lánh song song. Không hiểu điều gì xui anh nảy sinh tính tò mò: muốn thử xem đàn cá phản ứng thế nào khi có ánh sáng rọi vào. Thế là anh bấm đèn pin soi xuống biển. Anh đang thú vị ngắm cá làm trò, chợt chiếc xuồng cao su chạm phải một vật gì khiến nó tròng trành, buộc anh vịn vào mạn. Hóa ra là một con cá mập. Một con cá mập lớn, mà đặc điểm không thể nào nhầm lẫn được là phần trên cái đuôi của nó to hơn nhiều so với phần dưới. Nó quay ngoắt lại và đuổi theo anh. ánh đèn pin chiếu rõ hàm răng lấp lánh của nó đang nhe ra thèm khát. Anh nhìn rõ đầy đủ không thiếu chiếc răng nào. Da phần dưới mình nó trắng hếu.. Nó cứ gí mõm vào thành xuồng. Có phải nó đang muốn đớp anh chăng? Không biết. Nhớ lại lời người ta thường bảo: mỗi lần cá mập quay vòng trở lại là lúc nó đớp mồi, anh sợ quá. Lần đầu tiên anh gặp một con vật hung dữ thế này. Trước đây, trên chặng đường từ Ca-da-blăng-ca đến quần đảo Ca-na-ri, anh cũng đã từng gặp cá mập. Nhưng nó chỉ lẽo đẽo theo sau, cách chiếc xuồng một quãng khá xa. Anh tắt đèn pin, hy vọng không nhìn thấy ánh sáng nữa, cá mập sẽ lảng đi. Nhưng một thời gian khá lâu, nó vẫn quanh quẩn sát chiếc xuồng. Tiếng quẫy đuôi của nó chát chúa như roi quất làm bắn nước lên ướt người anh. Thỉnh thoảng cái bụng trắng hếu của nó lại lộ ra giữa vùng lân tinh lấp lánh tựa pháo hoa do sóng biển tạo thành. Cuối cùng, có lẽ thấy anh chẳng động tĩnh gì, nó đâm chán và bỏ đi. Cũng có thể là tối hôm ấy nó muốn thịt anh, nhưng miệng nó không sao cắn nổi một vật to tròn và bơm căng như quả bóng đá. Nghĩ vậy, anh yên tâm dần và thề từ nay không dại dột chiếu đèn pin xuống biển nữa. Và cũng từ hôm ấy, biết chắc sẽ chẳng gặp một tàu viễn dương nào qua lại trên đường đi của mình, mặt khác cũng để tiết kiệm dầu, anh bỏ luôn cả chiếc đèn hiệu treo ở cột buồm. Tinh thần anh còn vững, mặc dầu cơ thể bắt đầu thấm mệt. Ngồi yên một chỗ không cử động là một cực hình. Nhật ký anh ghi:
“Tôi bị rụng mất móng ngón chân út bàn chân phải. Mu bàn tay phồng lên, có lẽ do dầm nước mặn. Một cái nhọt nổi ở mông, đau kinh khủng. Có thuốc kháng sinh nhưng chưa muốn chữa, trừ phi đến lúc không chịu nổi. Nếu không, sau này những kẻ đắm tàù thật sẽ trách: chúng tôi làm gì có thuốc kháng sinh mang sẵn theo mình". Ngày 30 tháng mười, anh vẫn còn rất lạc quan (về sau mới biết sự lạc quan này không có căn cứ): "Còn hai mươi ba ngày nữa -như vậy ta sẽ tới đích vào 23 tháng mười một". Dù sao, sự lạc quan cũng có một ít dè dặt, vì tiếp đó, anh ghi thêm: “nếu mọi sự đều diễn ra suôn sẻ".
Nhật ký: “Cẩn thận, cẩn thận. Mình đang tính ngày chi li quá đấy. Như vậy thời gian, sẽ có vẻ dài thêm. Không phải câu nhiều như trước, vì thường bắt được cá to. Ngày nào cũng có đủ uống, mà chỉ cần xẻ dọc thân cá rồi hứng nước chứ không phải ép. Và cũng chẳng cần thái nhỏ phơi khô để dành như trước. Ngày
Thứ năm 30 tháng mười này quả thật là một ngày đẹp trời. Tín phong đang yếu dần, biến thành một ngọn gió nhẹ tiếp tục đẩy con xuồng của ta đi đúng hướng. Lúc này có lẽ ta cũng đang ở vào điểm khớp với sự ước đoán trước đây, tính theo thời gian, tức là khoảng 24, 28 độ kinh". Mãi lâu về sau anh mới biết mình nhầm. Thật ra lúc này anh mới tới khoảng 18 hoặc 19 độ kinh thôi. Anh tưởng chỉ còn phải đi 35 độ theo hướng tây và 4 độ về phía nam, tức là khoảng 1800 -1900 hải lý nữa, vì cho rằng mình đã qua được một phần tư hành trình. Vì gió thổi đều, hầu như không phải điều khiển chiếc xuồng. Chỉ cần cố định lái sao cho hướng đi khớp với hướng la bàn.
Thỉnh thoảng, chừng hai giờ một lần, anh ngó lại và điều chỉnh nếu hướng có chệch đi chút ít. Ban đêm ẩm ướt, cho dù ban ngày nắng đẹp. Anh ngủ chừng mười hai giờ mỗi đêm. Có người hỏi: tại sao có thể ngủ nhiều đến thế trong những điều kiện ấy? Trước hết chính vì anh tin tưởng. Anh biết chiếc xuồng bé bỏng của mình có thể đương đầu với mọi ngọn sóng đang tiến công từ bốn phía. Cho dù chẳng may có một ngọn sóng quá giận dữ nào ập vào xuồng, nó cũng sẽ không lật úp, tuy nó bị thiệt hại. Anh lý luận như sau, hơi quá đơn giản thật, song có tác dụng làm yên lòng: ban ngày dài đằng đẵng đã không có tai nạn gì, sao lại lo điều ấy xảy ra ban đêm cơ chứ? Anh không dám đọc sách nhiều, vì pin đã yếu dần, sợ đến lúc cần thì nguồn điện cạn mất chăng. Ngày 2 tháng mười một, anh phạm một sai lầm về sau cứ hối hận mãi. Do chế độ ăn uống thay đổi và không khí ẩm ướt thường xuyên, da anh bắt đầu nổi lên nhiều mụn nước. Để tránh làm giập mụn, anh thường ngồi lên một chiếc gối bơm hơi. Một cử chỉ không chính xác làm chiếc gối tuột xuống biển. Khi nhận ra thì nó đã lềnh bềnh cách xuồng mấy trăm mét. Anh hạ buồm, buông neo nổi rồi nhảy xuống biển. Vốn là một tay bơi cừ, chỉ mấy phút sau anh đã vớt được chiếc gối. Quay trở lại, anh lạnh sương sống khi thấy chiếc xuồng đang lao vun vút như muốn chạy trốn, và anh không có cách nào đuổi kịp. Thì ra chiếc neo nổi, đáng lẽ phồng ra như một chiếc dù thì lại bẹp gí. Thế là không có gì kìm bớt, chiếc xuồng tha hồ cho gió thổi giạt về tây. Một ý nghĩ đau xót lóe lên trong trí anh: mình sẽ không bao giờ đuổi kịp. Chiếc xuồng sẽ tiếp tục cuộc hành trình, sẽ tới đích, có điều... vắng anh! Hai năm trước, vào lúc sung sức nhất, luyện tập để bơi qua eo biển Măng-sơ, có lần anh bơi hai mươi mốt giờ liền không nghỉ. Nhưng bây giờ người anh yếu quá, và đã lâu chẳng luyện tập, liệu sẽ bơi được bao lâu? Đành vứt bỏ chiếc gối cao su cho đỡ vướng, anh cố hết sức bơi nước rút đuổi theo chiếc Ngược đời.
Anh đã bơi thi nhiều lần, nhưng có cảm giác chưa bao giờ mình bơi nhanh như lần này. Thoạt đầu, khoảng cách giữa anh và chiếc xuồng có rút ngắn một ít; về sau khi anh càng thấm mệt, thì khoảng cách lại doãi ra. Giữa lúc gay go, bỗng dưng anh thấy chiếc xuồng chậm hẳn lại. Anh đuổi kịp và cố hết sức leo được lên xuồng. Như có phép thần kỳ, các dây rợ của chiếc neo nổi tự nhiên hết mắc rối vào nhau. Chiếc dù phồng lên, cản nước, hãm bớt tốc độ của xuồng. Kiệt lực hoàn toàn, cả thể xác lẫn tinh thần, anh ngồi thở và thề từ nay cho đến hết chuyến đi, sẽ chẳng bao giờ nhảy xuống biển nữa (trước đây thỉnh thoảng anh vẫn xuống tắm).