Chương 29
xin đừng vì cái chết của tôi mà vội tuyệt vọng

Chủ nhật 30-11. Vừa vặn một tuần, gần như ở yên một chỗ. Thật đáng ghét biết bao những kẻ vẫn bảo tôi rằng tín phong thổi qua Đại Tây Dương đến tận đất liền. Tám ngày biển lặng rồi. Chẳng nhìn thấy chi cả. Tôi lại đau bụng đi ngoài nữa chứ. Mỗi ngày ít nhất hai mươi bận ngồi xổm lên mạn xuồng. Tín phong là một tên bịp bợm, nó đưa ta đi ba phần tư đường rồi bỏ ta lại. Đành kiên nhẫn vậy thôi. Nếu hơn bù kém từ đây đi được ba mươi hải lý một ngày, tức là trung bình khoảng 55 hải lý/ngày kể từ hôm khởi hành, với nhịp độ đó may ra sẽ tới đích vào chủ nhật 7 tháng mười hai. Kiên tâm nhé. Một tuần nữa thôi. Nhưng đến hôm ấy mà chưa tới đích, là tôi bỏ cuộc.
Thứ hai 1-12. Thế là tháng mười một qua rồi, mà vẫn chưa trông thấy đất. Tôi bị chấn động bởi nhiều thứ quá. Theo giờ trăng mọc thì tôi đang ở vào kinh độ 50. Theo giờ trăng lặn thì ở kinh độ 60. Chẳng hiểu ra làm sao cả. Đêm nay trăng tròn. Thử xem: ta đang ở cách bờ 40 hay 1200 hải lý? Oi bức ghê gớm. Chân trời trống rỗng và mờ mờ. Chao ôi! Âớc gì biết cách tính kinh độ cho chuẩn xác.
Âớc gì có một bộ pin mới để nghe đài, và một chiếc đồng hồ bấm giây cho tốt. 11 giờ. Vừa mệt vừa lo. Tôi bắt đầu kiệt sức vì chứng bệnh đi lỏng này. Phân có vết máu. 15 giờ. Vĩ độ đúng tuyệt vời. Gió đã lên một chút. Trông thấy một con chim "tàu buồm", con
Thứ tư trong năm ngày vừa qua. Nó đến động viên ta đấy. Bởi vì chim ấy ra xa bờ tối đa là ba trăm hải lý, mà tôi trông thấy nó đã năm ngày rồi. Có nghĩa là dù sao thì cũng chỉ phải đi một trăm hải lý nữa mà thôi. Hy vọng! Hy vọng! 18 giờ. Giá mà trông thấy được một chiếc tàu. Giá mà nghe được đài tôi sẽ đỡ cô đơn hơn.
Thứ ba 2-12. (tinh thần anh xuống thấp tới mức chữ ghi rất khó đọc). Vẫn không trông thấy gì. Hãy tính toán những yếu tố thuận và không thuận đối với dự kiến đã đến gần đất... Theo giả thiết tốt nhất, thì hiện ta đang ở vào khoảng giữa kinh tuyến 59o và kinh tuyến 60o, xấu nhất là 50o. Nếu vẫn có gió thuận như những ngày đầu, thì ta đã cập bờ tám ngày nay rồi. Nhưng hiện nay mỗi ngày chỉ có năm, sáu giờ gió, kém hơn hồi sắp đến Ca-da-blăng-ca. Vậy ra chẳng bao giờ có thể đi nốt hai hoặc ba trăm hải lý cuối cùng hay sao? Không có gì đáng bực mình bằng chuyện đã đi được 2500 hải lý trong một tháng, mà còn phải mất những ba mươi ngày nữa để đi nốt ba trăm hải lý còn lại. Tuyệt không có một ngọn gió nhẹ. Tôi bi quan thật sự. Cuộc thực nghiệm này đã tiến hành trôi chảy 44 ngày, thật là khỉ nếu nó thất bại đã sắp gần tới đích. Giá có cách gì báo tin cho mọi người biết nhỉ.
Thứ tư 3-12. Chán chường quá rồi. Đã có tí gió đông bắc, nhưng yếu lắm. 11 giờ. May quá, gió lại lên, và mạnh nhất từ tám ngày nay. Mong rằng nó kéo dài cho. 15 giờ. Dự trữ nước bắt đầu cạn tới mức đáng lo ngại. Lại mong trời mưa. Nhưng xin đừng mưa to quá. 18 giờ. Lại trông thấy một con chim "tàu buồm". Tôi chả buồn đếm xem nó là con thứ mấy kể từ tám ngày nay. Vì nếu những lời chỉ dẫn trong sách mà đúng thì tôi đã lên bờ từ tám hoánh rồi. Đau bụng quá. Và khát nước, uống bao nhiêu cũng không vừa. ại, giá mà được nốc một hơi cả một lít sữa nhỉ.
Thứ năm 4-12.Không trông thấy gì. Vẫn không trông thấy gì. Cơ thể tôi bắt đầu suy nhược thật sự. Vừa có một con bươm bướm đến thăm. Ban sáng trông thấy một sợi tơ trời. Dù sao, với tất cả những dấu hiệu ấy, đất không thể nào xa. Nhưng, cả tàu thủy và máy bay vẫn là con số không.
Thứ sáu 5-12. Có thể chỉ cách đất mấy chục hải lý thôi mà không sao cập bờ được vì không có gió. Chứng đi ngoài ra máu làm tôi mệt và lo quá. Không dám ăn nữa. Nếu cứ tiếp tục thế này, chiếc xuồng sẽ tới nơi nhưng người đi đã chết ở bên trong. Nắng như thiêu như đốt. Không một gợ mây. Chẳng hiểu mình đang ở đâu. Tôi có một yêu cầu, là nếu chiếc xuồng đến nơi mà tôi đã chết rồi, thì mong rằng một người nào đó sẽ cho tác giả cuốn sách Chỉ dẫn dành cho những kẻ đắm tàu một bạt tai. Hắn ta nói láo. Hắn khẳng định những điều sai. Và như vậy chỉ tổ càng làm mất tinh thần những người lâm nạn. Hắn viết:
“Thấy nhiều chim "tàu buồm" có nghĩa là chỉ còn cách đất một trăm hải lý". Từ tám ngày nay, tôi đã thấy khá nhiều giống chim đó, và trong thời gian ấy đã đi thêm ba trăm hải lý nữa. Thật là đồ bất lương! Bài toán đặt ra: ta chỉ nhích được có một trăm mét một giờ, vậy phải mất bao nhiêu thời gian nữa để vượt nốt chặng đường 150 ki-lô-mét từ đây tới đất -nếu quả là còn có mặt đất? Tôi sẽ chết rồi, chết trước khi cập bờ, chết vì bị nắng thiêu, chết đói, chết khát. Quả là mọi thứ tội vạ về hùa với nhau để làm tội thằng bé này. Nắng như đổ lửa. Chỗ tôi không hề có một bóng mây, ấy thế mà cách chiếc xuồng chừng tám trăm mét lại có một đám mây dày đặc. Những cụm mây nhỏ bay từ từ, tôi có cảm tưởng như chúng đi vòng, lánh mặt tôi. Chúng không chịu bay ngang qua bên dưới mặt trời để che đỡ nắng cho mình một chút. Kiệt sức rồi. Nếu tôi thất bại, ấy là tại mọi thứ đồng tình chống lại tôi. Không có gió. Nắng thì dữ dội quá. Hôm qua, chung quanh mưa như trút nước, thế mà ở chỗ này chẳng có lấy một giọt. Thế có đau khổ cho tôi không? Cánh buồm rủ lủng lẳng: thế này mà dám gọi đây là vùng có tín phong chăng? Định nghĩa vùng có tín phong: vùng trên thực tế chẳng bao giờ có gió!
...Bây giờ tôi hiểu: nếu có bão, tôi sẽ chẳng buông neo nổi làm gì, phó mặc cho trời ra sao thì ra. Tôi đã làm gì vậy? Tại sao không chấm dứt cuộc thực nghiệm khi đã tới được quần đảo Ca-na-ri? Bạn J. L. ơi, nếu chiếc xuồng này tới nơi mà tôi không còn nữa, xin bạn hãy căn cứ vào những dòng ghi chép này, viết và xuất bản một cuốn sách. Đó cũng là tấm lòng của tôi để lại cho Gi-nét vợ tôi... Tôi vừa ném xuống một liều thuốc nhuộm màu nước biển, để xem thử ttrong thời gian bao lâu vẫn còn trông thấy nó. Thế là đã 32 ngày đêm không hề gặp lấy một con tàu. 21 ngày không nhìn thấy một máy bay. Tôi cực kỳ tuyệt vọng, nhất là vì trước đây Giắc lại khẳng định: chúng ta sẽ thất bại vì gió to quá, bão tố quá nhiều. Bây giờ trên thực tế tôi thất bại vì trời quá yên, biển quá lặng. Chao ôi! Giá có cách gì đánh đi một tín hiệu S.O.S. Thật không thể nào hiểu nổi: trên kia có những vầng mây thấp bay nhanh như lốc cuốn, thế mà ở dưới này, mặt biển lặng như chưa từng thấy bao giờ, kể cả những ngày lặng nhất ở Địa Trung Hải.
Thứ bảy 6-12. Gió bắc thổi khá mạnh. Dù sao có gió cũng vẫn còn hơn chẳng có gì. Sáng nay lại trông thấy ba con chim "đuôi trắng miền xích đạo" bay cùng với nhau. Người ta bảo đấy là dấu hiệu chỉ còn cách bờ từ sáu mươi đến tám mươi hải lý.
Có thể nào tác giả một cuốn sách dành cho những kẻ đắm tàu lại cứ nhằm mỗi một điểm ấy mà phạm sai lầm nghiêm trọng như vậy? Nếu không, chẳng hóa ra chỉ ngày mai hoặc ngày kia tôi nhìn thấy đất ư? Dù sao, tôi cũng ghi lại ở đây những ý nguyện cuối cùng của mình, bởi có thể là tôi sẽ không còn sống khi xuồng cập bờ.
1) Tôi muốn ghi chép này được dùng để biên soạn một cuốn sách. Tiền nhuận bút sẽ trả cho vợ tôi là Gi-nét Bôm-ba. Về phần khởi thủy của chuyến đi này, xin tham khảo thêm... (tên một số người).
2) Xin giúp đỡ đời sống vợ và con gái tôi.
3) Tôi cần phải nói rằng, tuyệt đối không nên làm cho những kẻ đắm tàu bị giết chết về mặt tinh thần bởi những tác giả cứ khẳng định những dấu hiệu sai về việc sắp tới đất. Như vậy chỉ làm cho họ dễ tuyệt vọng và chóng đi đến chỗ chết mà thôi. Hơn nữa, tôi cho rằng những kẻ đã gây trở ngại khiến cho tôi lúc này không có được một máy phát tín, là những người chịu trách nhiệm về cái chết của tôi. Kết thúc, tôi xin nói: cuộc thực nghiệm có giá trị trong phạm vi kéo dài được cuộc sống trên biển năm mươi ngày trở lại.
Vậy xin chớ nên vì tôi chết trước lúc cập bờ mà những người đắm tàu sau này vội thất vọng. Lâu hơn năm mươi ngày là vượt quá giới hạn chịu đựng của con người. Có lẽ ở trường trung học nên dạy môn vũ trụ học và nên có những giờ ngoại khóa thực hành đi biển.
Chủ nhật 7-12. (chữ viết hôm nay có khá hơn). Vẫn chưa nhìn thấy gì, song chắc bờ chẳng xa đâu. Vì vợ con và vì những người thân, tôi cần phải sống và tới bờ cho bằng được. Nhưng cố gắng đến mức ấy thì ghê gớm quá. Nắng gay gắt. Khát. Nước để dành sắp cạn rồi, có lẽ chỉ còn chừng dăm lít. Nghĩ lại, có lần đã đổ xuống biển bao nhiêu là nước ngọt, tiếc làm sao! Tôi đánh cá ít thôi, nhưng cũng đủ dùng. Nghĩ tới lúc sẽ phải uống lại nước ép từ thân cá mà kinh! Nhất là giữa lúc bụng đang đau thế này.
Thứ hai 8-12. Chỉ còn ít nước ngọt nữa thôi, mà tôi không chịu đựng được nước biển, vì đang đi tháo dạ. Cá thì khỏi lo. Cho dù không câu được, cũng đã có những con cá chuồn sa vào xuồng. Cần nữa thì còn nguyên tất cả thức ăn dự phòng đóng hộp đấy. Tôi sẽ ăn hết rồi có chết mới chết... Những ai sau này có ý định viết sách chỉ dẫn dành cho những người đắm tàu, cần phải nói cho chính xác: trông thấy chim này, chim nọ là đến gần bờ, song ít ra cũng còn cách xa những mấy trăm hải lý. Tôi thất vọng lắm, song lại cần phải cố giữ cho vững tinh thần. Cái ghê gớm là ở chỗ ấy. Giá mà biết được chính xác hiện mình đang ở vào kinh tuyến nào. Tôi có cảm tưởng, nếu biết tọa độ chính xác, thì dù còn xa, tâm trạng mình sẽ khác. Sắp chịu đựng một ngày nắng thiêu nữa đây. Trời tịnh không một gợn mây. Thật tôi chịu đủ thứ không may. Chung quanh mưa to như thế mà chẳng có một giọt nào rơi vào xuồng. Bốn bề có mây mà chỗ này lại nắng như nung như đốt. Dạo này là mùa tín phong đều đặn, thế mà thỉnh thoảng mới được một ngày có gió, chen vào giữa hai ba ngày lặng như tờ. Trên thực tế, chiếc xuồng không nhích lên được mấy tí. Đã ba ngày rồi, vệt nước biển pha thuốc nhuộm màu hãy còn trông thấy kia...