Chương 3
Chuẩn bị về lý thuyết

Trung tuần tháng mười, A-lanh đến Mô-na-cô, vào Viện hải dương học xin ghi tên làm một nghiên cứu sinh được phép sử dụng phòng thí nghiệm. Nhờ có sự giới thiệu của một nhà khoa học, anh được ban giám đốc Viện đón tiếp niềm nở, và ngay hôm đó tạo cho mọi điều kiện dễ dàng để bắt tay vào nghiên cứu. Tranh thủ thời gian, anh lao vào làm việc cật lực. Dạo ấy, những kiến thức chung quanh vấn đề cấp cứu những người bị nạn đắm tàu về đại thể có thể tóm tắt như sau: Có hai loại đắm tàu: những người bị nạn gần bờ và những người bị nạn ở ngoài khơi. Trong tổng số hai mươi vạn người hằng năm bỏ mình trên biển, hơn một nửa chết ở gần bờ. Đối với những nạn nhân này, thông thường nước nào cũng có những tổ chức chuyên lo cấp cứu. Đề tài này ra ngoài phạm vi nghiên cứu và thực nghiệm của anh. ở ngoài khơi, không có tổ chức chuyên trách. Nếu hằng năm, khoảng năm vạn người chết ngay sau khi tàu chìm, còn năm vạn kịp xuống các xuồng cấp cứu, thì điều gì sau đó sẽ đến với họ? Đến đây lại phải phân thành hai loại người gặp nạn. Một loại đi trên các tàu lớn, suốt cuộc hành trình qua đại dương, thường xuyên có liên lạc bằng vô tuyến điện với đất liền. Đó là trường hợp các tàu viễn dương lớn hoặc các chiến hạm hải quân. Nếu một chiếc chẳng may gặp biến cố, thì ngay lập tức cả thế giới biết rõ tai nạn xảy ra ở tọa độ nào. Công việc cấp cứu do đó tiến hành nhanh chóng và có hiệu quả. Vụ đắm tàu Ti-ta-ních thuộc vào trường hợp này. Chỉ cần có biện pháp giúp các nạn nhân giữ vững tinh thần và kiên tâm chờ đợi, tránh sự kinh hoàng vô lối, thì chẳng mấy chốc các "cứu tinh" sẽ tới. Vấn đề tổ chức cuộc sống và phấn đấu để sống còn một thời gian dài trên biển không cần đặt ra đối với loại người bị nạn này.
Còn có một loại tàu đi biển nữa, tuy cũng có liên lạc bằng vô tuyến điện với đất liền song theo những giờ hẹn trước, định kỳ cách nhau sáu, mười hai, thậm chí hai mươi bốn giờ mới có một lần thu và phát tin. Kể từ lần liên lạc cuối cùng trước đó cho tới khi xảy ra tai nạn, tàu đã đi được một quãng đường khá xa. Không ai rõ đích xác tai nạn đã xảy ra lúc nào và ở đâu để tổ chức tốt việc tìm kiếm những người sống sót. Đây là trường hợp phổ biến của những tàu gọi là "lang thang" như tàu đánh cá đường xa, tàu chở hàng, và các loại tàu, thuyền đánh cá nói chung. Đối với những nạn nhân thuộc loại này, cần tổ chức cấp cứu kịp thời. Song, thông thường, trong hoàn cảnh thuận lợi nhất, việc tìm kiếm cũng chỉ tiến hành tối đa mười ngày. Quá thời hạn này, người ta thường cho rằng sức chịu đựng của con người cũng như của các phương tiện đến đây là cùng. Không gì có thể tồn tại được nữa trước đói, khát, nắng rét và sóng dập gió vùi. Thế là những nạn nhân dù có còn sống ở một nơi nào đó cũng bị bỏ rơi, phó mặc cho rủi may của số phận. Mở đầu chương trình nghiên cứu, A-lanh cố gắng tập hợp đầy đủ tư liệu về năm đề mục:
1. Các vụ đắm tàu và những bài học rút ra từ những tai nạn đó.
2. Tình trạng sống sót của những người bị nạn.
3. Cá biển và thành phần cấu tạo cơ thể cá.
4. Cách thức câu cá, đánh cá trên biển.
5. Các hướng gió và dòng chảy thuận.
Đồng thời với việc nghiên cứu trên lý thuyết, anh tự mình dùng thử một số loại thức ăn kiếm được bằng những cách thức không bình thường mà những người gặp nạn sử dụng. Thời gian này, người bạn thể thao của anh cũng đã tới Mô-na-cô. Anh ta có trách nhiệm thử các kiểu xuồng cấp cứu khác nhau để chọn lấy một. Trong thời gian sáu tháng, A-lanh phải cố gắng nắm vững nhiều kiến thức, từ việc phân tích thành phần hóa học của nước biển, tìm hiểu các loại tảo và động vật phù sinh, cho đến các loại cá biển. Vấn đề đầu tiên là nước uống. Mọi người đều biết, uống quan trọng hơn ăn. Con người nhịn khát mươi ngày thì chết là điều chắc chắn, song vẫn có thể sống đến ba mươi ngày không ăn, miễn có uống. Tìm nguồn nước ngọt ở đâu giữa biển cả mênh mông? Qua nghiên cứu, anh tin tưởng chắc chắn có thể kiếm đủ nước uống ngay trong thân thể loài cá. Mười loại cá biển thường gặp nhất chứa từ 58,5% đến 82,2% nước. Nói một cách khác, nước chiếm từ hơn một nửa đến bốn phần năm trọng lượng của cá. Và nước trong thân cá không mặn như nhiều người vẫn tưởng. Chắc chắn trong chúng ta có những người từng có dịp ăn món cá biển mà người đầu bếp sơ ý không cho muối. Món cá này vô cùng nhạt nhẽo. Nạc cá chứa ít muối hơn nhiều so với thịt các loại động vật có vú. Nếu rút được nước từ thân cá biển ra, thì với ba ki-lô-gam cá mỗi ngày, chúng ta sẽ có khoảng trên dưới hai lít nước, đủ đáp ứng nhu cầu cơ thể. Trường hợp không đánh được cá thì sao?
Mà đây là điều thường xảy ra cho những người gặp nạn một hai ngày đầu, kể từ khi tàu đắm. Nếu nhịn khát một hai ngày, để cho quá trình mất nước chớm xuất hiện thì sau đó, dù có đủ nước uống với mức bình thường cũng không thể khôi phục trạng thái cân bằng của cơ thể. Bởi vậy, ngay từ những giờ đầu tiên, khi chưa đánh bắt được cá, cần giữ cho quá trình mất nước của cơ thể đừng xảy ra. Biện pháp đề phòng hiệu quả nhất là uống nước biển khi cảm thấy khát. Nhưng khoa học đã kết luận, uống nhiều nước biển, con người sẽ chết vì viêm thận. Khắc phục thế nào đây? Trong nước biển muối là chất chiếm tỷ lệ lớn nhất (27,3 gam trong một lít). Ta sẽ dùng lượng ClNa chứa trong nước biển để đáp ứng nhu cầu hằng ngày về muối của cơ thể. Có điều là không nên dùng liên tục quá năm ngày vì sau thời gian đó có thể bắt đầu xuất hiện triệu chứng viên thận. Còn các hóa chất khác chứa trong nước biển có hại cho cơ thể đến mức nào? Phân tích kỹ, ta sẽ thấy lượng các chất đó chứa trong 800 gam nước biển, tương đương trong một lít các loại nước khoáng nổi tiếng vẫn được ưa chuộng trên thị trường, như nước Vi-sy, nước Buốc bông, nước Xa-li, nước Mông-mi-rai, v.v... Vấn đề nước uống như vậy xem như tạm giải quyết một bước. Sang vấn đề ăn. Ta biết rằng thực phẩm của con người gồm ba loại dinh dưỡng chính: prô-tít (đạm), li-pít (béo), và glu-xít (đường).
Nói chung cá chứa đủ lượng đạm cần thiết cho con người. Một điều cần chú ý là nạc một số loài cá như cá đuối, cá mập chứa những chất có hại cho người, không nên ăn. Chất béo không thiếu: tuỳ theo loại cá, chất này chiếm từ 1 đến 16%. Khan hiếm nhất là đường. Nói chung biển rất nghèo đường. Chất này có một ít trong tảo, song liệu cơ thể chúng ta có hấp thụ nổi tảo không? Prô-tít và li-pít có thể chuyển hóa thành glu-xít, nhưng quá trình chuyển hóa này đòi hỏi một lượng nước khá lớn. Kiếm ở đâu ra đủ nước ngọt cho sự chuyển hóa ấy? Câu hỏi này phải qua thực nghiệm mới giải đáp được. Tuy vậy, cuộc sống cũng đã có ít nhiều thực tế cho chúng ta tin tưởng: người E-xki-mô ở Bắc cực suốt sáu tháng mùa đông ăn toàn thịt và mỡ, và chỉ uống nước mặn đã đóng băng, ấy thế mà chẳng thấy ai có hiện tượng rối loạn tiêu hóa. Vấn đề có lẽ là ở thói quen hoặc khả năng thích ứng của con người. Cái khó cuối cùng là vi-ta-min. Như đã biết, nhu cầu của cơ thể về vi-ta-min rất ít nhưng không thể thiếu. Ăn không đủ sinh tố, cơ thể con người sẽ phát sinh nhiều chứng bệnh, được gọi chung là bệnh thiếu vi-ta-min. (Thừa vi-ta-min cũng nguy hiểm chẳng khác gì thiếu). Có bốn loại vi-ta-min tuyệt đối cần thiết cho cơ thể, không thể không có dù chỉ một thời gian ngắn. Đó là các loại vi-ta-min A,B, C và D. Vi-ta-min A, D, B1, B2 có dồi dào trong nạc cá. B12 không nhiều lắm, song tai biến gây nên do thiếu B12 chưa phải đã quá nghiêm trọng. Đáng lo ngại hơn cả là thiếu vi-ta-min C. Thiếu loại này, sẽ phát sinh bệnh xcoóc-buýt, một chứng bệnh đã giết hại không biết bao nhiêu thủy thủ dũng cảm của Cri-xiốp Cô-lông và Ma-gien-lăng, khi họ đi tìm đường vòng quanh trái đất. Muốn vượt qua khó khăn này, có một cách là bắt chước cá voi: lượng vi-ta-min C cần thiết cho cơ thể khổng lồ của nó được lấy từ các loại tảo. Thế thì người bị nạn đắm tàu tại sao không dùng tảo? Khái quát lại, mọi vấn đề xem chừng đã có hướng giải quyết. Tuy nhiên, nỗi băn khoăn lớn vẫn là: liệu có đủ nước ngọt cần thiết cho sự chuyển hóa thức ăn? Chỉ có thực tiễn mới mang lại câu trả lời.