Chương 8
Giã từ cuộc sống bình yên

Hai người không ai nói một lời. Những ngày trước mắt chứa đựng bao nhiêu bất ngờ đang chờ đợi họ. Buồm chưa được kéo rộng hết cỡ. Cần làm từ từ để thăm dò sức chịu đựng của vải cũng như của cột trước sức gió mạnh. Để tránh bị giạt trở lại đất liền, hai người buông neo nổi. Dụng cụ này rất quen thuộc với các nhà đi biển thời xưa, rồi bị xem nhẹ. Gần đây một thuyền trưởng sử dụng trở lại, và nó tỏ ra có tác dụng rất tốt. Bất cứ vật gì nửa nổi nửa chìm, buộc vào mũi thuyền bằng một sợi dây, đều có thể coi là neo nổi. Gọi là neo vì nó luôn luôn giữ cho mũi thuyền hướng vào ngọn sóng. Trường hợp gặp bão, buồm phải cuốn, chiếc thuyền sẽ bị giạt theo hướng đẩy của gió. Nếu thuyền quay ngang thì chỉ cần một ngọn sóng lớn tạt sườn, nó sẽ bị lật. Neo tạo nên một lực ghì trở lại, khiến cho chiếc thuyền lúc nào cũng chỉ giạt theo chiều dọc mà thôi. Neo nổi của Ngược đời có hình dáng một chiếc dù, nó phồng lên khi có lực kéo và nước cản, đại khái như không khí tác động vào dù, làm giảm tốc độ rơi của người nhảy từ máy bay. Mặt trời xua tan sương mù.
Bờ biển hiện lên, rõ mồn một. Vì nó gần kề cho nên nguy hiểm. Chiếc xuồng theo chiều gió đang giạt song song với bờ. Phải mau chóng tìm cách ra xa, càng xa bờ càng tốt để tránh những mỏm đá ngầm. Trên chặng đường sẽ đi, còn nhiều mũi nhô ra biển, và mũi nào cũng chứa đầy cạm bẫy. Phải đi quá đảo Lơ-văng, từ đây bờ biển lượn về phía tây thì mới đỡ lo, vì trước mắt lúc đó sẽ là biển rộng. Tới đây, nguy cơ bị giạt trở lại bờ hoặc xô phải đá sẽ ít hơn. Gió dịu bớt. Hai người quyết định giương buồm. Công việc này cũng khó khăn, vì xuồng hẹp mà cột buồm thì ở tận đầu mũi. Toàn bộ chiếc xuồng na ná một cái bồn đựng nước trong buồng tắm, nửa trước có bạt che, nửa sau để trống. Diện tích sử dụng, bao gồm nơi hai người sống và chỗ xếp mọi vật liệu, dài hai mét, rộng1,1 mét. Chỉ có vậy thôi. Đã tự nguyện làm người đắm tàu thì hãy liệu mà xoay xở. Buồm căng lên. Chiếc Ngược đời rùng mình một cái, rồi hùng dũng lướt đi trên mặt sóng. Tốc độ dĩ nhiên không lớn, nhưng dù sao những người ngồi trong xuồng cũng có cảm giác rõ rệt là mình đang tiến lên, nhằm mục tiêu đã định. Tuy nhiên, cảm giác thích thú ấy kéo dài chẳng được bao lâu. Chưa tới mười một giờ trưa, gió bỗng tắt. Lúc này mới ở ngang mũi Phe-ra, một trong năm điểm khó phải vượt qua trước khi ra được ngoài khơi. à, muốn ra cho tới được ngoài xa để làm người đắm tàu thật sự, cũng không phải là chuyện dễ -A-lanh tủm tỉm khi nghĩ thầm. Cảnh vật im ắng nặng nề tới mức cả Giắc và A-lanh đều cùng một lúc cảm thấy cần làm một việc gì đó để phá vỡ sự quá vắng lặng khó chịu. Không hiểu sao, cả hai người có khuynh hướng cứ mở miệng là nói thầm thì. Lúc này, một điều quan trọng là giữ cho giọng nói được bình thường. Hai người đều đã có kinh nghiệm đi biển: nếu cứ tiếp tục thầm thì như thế này thì cái sợ sẽ xuất hiện ngay tức khắc. Một vấn đề: cắt phiên trực. Ban ngày thì đơn giản: trong khi một người giữ mái chèo lái, thì người kia nghỉ. Cuộc sống càng không bình thường, càng cần có nhiều thời gian thư duỗi. Phải giữ cho thần kinh đỡ căng thẳng. Ban đêm, cần có sự chú ý nhiều hơn. Địa Trung Hải là một biển tàu bè qua lại hết sức tấp nập. Nhất thiết phải thay nhau trực. Họ nhất trí, đêm chia thành hai ca. Một ca từ tám giờ tối đến một giờ sáng. Ca sau, từ một đến tám giờ. Mỗi thứ đồ đạc đều được xếp gọn vào một chỗ nhất định, khi cần là có thể với tay lấy, ngay cả ban đêm cũng không cần phải sờ soạng kiếm tìm. Phần trước chiếc xuồng, nơi có tấm vải bạt che, cất máy ảnh, máy quay phim cùng mọi dụng cụ về ảnh, các tài liệu chỉ dẫn và sách tham khảo về hàng hải, dụng cụ xác định tọa độ, túi thuốc cấp cứu cùng thực phẩm dự phòng đã được niêm phong trước khi xuất phát. La bàn được đặt đúng tầm mắt người giữ chèo lái. Vị thuyền trưởng này có trách nhiệm thường xuyên giữ cho đúng hướng đi. Đã đến bữa mà chẳng có con cá nào chịu cắn câu cho. Đành phải cất neo nổi và thay vào đó chiếc lưới để kiếm một ít sinh vật phù du làm thức ăn tạm, dù chưa mang lại đủ chất dinh dưỡng, ít ra cũng có chút gì dằn bụng. Cái lưới này đồng thời cũng làm được chức năng của neo nổi. Chờ đợi suốt một giờ mới vớt được chừng hai thìa một thứ sền sệt nhìn đáng ngại nhưng cố thì vẫn nuốt trôi, và sau đó nó để lại trong họng mùi vị của tôm, cua sống. Giắc đưa đôi mắt ngại ngùng nhìn A-lanh ăn phần thức ăn của anh.
Không muốn lộ vẻ ghê sợ, anh bắt chước bạn. Tuy không giấu được vẻ mặt của một công tử con nhà bỗng dưng buộc phải ăn món "mắm ngóe", anh vẫn nuốt trôi, và nuốt xong, thấy mùi vị của món cá sống chẳng đến nỗi nào. Qua những giờ xúc động đầu tiên, sự bình thản trở lại dần. Và khi mặt trời lặn, kết thúc một ngày tuyệt vời, thì cả hai đều có cảm giác là cuộc sống trên chiếc xuồng trôi giạt theo chiều gió này thật ra cũng chẳng có gì ngược đời lắm. Mọi lo âu tan biến. Lý thuyết của A-lanh đang được kiểm nghiệm. Chỉ cần qua được những ngày đầu, con người sẽ thích ứng dần với hoàn cảnh. Xưa nay người ta vẫn cho rằng nước biển có tính chất nhuận tràng. Hiệu ứng ấy có lẽ do sul-fát can-xi và sul-fát ma-nhê chứa trong nước gây nên. Nhưng ấy là đối với con người sống trên đất liền, trong điều kiện bình thường. ở ngoài khơi, sau khi dùng thử, A-lanh nhận ra hoàn toàn không phải như vậy. Khác với A-lanh, Giắc rất ngần ngại khi phải giải khát bằng nước biển. Dù đã khát khô cổ, anh vẫn cố nhịn với hy vọng sẽ bắt được một con cá và uống nước ngọt ép từ thân nó, hoặc biết đâu trời sẽ chẳng đổ xuống một trận mưa rào. Rõ ràng thành kiến lâu đời khiến anh không sao yên tâm uống nước biển, mặc dù anh không bài bác lý thuyết của A-lanh. Trên đất liền, Giắc hoàn toàn nhất trí với A-lanh về mọi điểm. ấy thế mà khi vào cuộc, định kiến lâu đời của con người về cái hại của việc uống nước biển vẫn ngự trị trong tâm trí anh và ngăn cản anh xử sự khác với người đời. Hóa ra bất cứ người đắm tàu nào, dù là đắm tàu với sự tự nguyện sâu sắc, vẫn không thoát khỏi những hành động theo định kiến và thói quen. Chợt Giắc cất tiếng:
-A-lanh à, đúng ba giờ. Lúc này đất liền đang chờ buổi phát tin đầu tiên của hai ta. Và cũng nên tranh thủ lúc đang lặng gió.
-Hãy thử xem
-A-lanh nhất trí.
Khốn khổ cho hai anh, cụm phát tin này chỉ là một dụng cụ thô sơ, dùng trong phòng thí nghiệm còn tàm tạm, làm sao chịu đựng được sóng gió biển khơi. Riêng hơi ẩm của nước mặn thôi cũng đủ làm cho nó ngừng hoạt động. ấy thế mà, tin theo lời ngọt ngào của những người có "lòng tốt" biếu đội du hành, A-lanh đã quyết định bỏ bớt lại cả một thùng nước ngọt sự phòng, để chiếc xuồng nhẹ bớt và có chỗ đặt cụm máy này. Trước lúc khởi hành, giải đáp nỗi băn khoăn của anh: lấy gì làm ăng-ten, người ta đáp:
“Nếu ăng-ten cần không bắt được thì nên dùng một chiếc diều". ại, những người chưa từng đặt chân xuống thuyền bao giờ! Xưa nay có ai từng ngồi yên trên một chiếc ghế mà có thể thả một con diều thực sự bay bổng lên không? Mà hai anh lại đang chen chúc trong một chiếc xuồng bồng bềnh như chiếc lá, không dám cử động mạnh, thì làm sao thả được diều cơ chứ. Cố gắng mấy lần, rốt cục chiếc diều bằng giấy rơi tõm xuống nước, ướt sũng. Giắc vội vã dựng chiếc cần câu lên thay ăng-ten, và quay máy phát. Có nguồn điện. Nhưng A-lanh loay hoay cả chục lần, vẫn không sao phát ra tín hiệu. Đó là thất bại đầu tiên. Cũng may là nó không do hai anh gây nên. Điều làm cho A-lanh băn khoăn nhiều hơn là đúng vào giờ này, biết bao người chơi vô tuyến điện nghiệp dư đang lần tìm làn sóng của chiếc Ngược đời. Và bao nhiêu bạn bè cùng người thân của hai anh đang nóng lòng chờ tin. Giắc ngừng tay quay máy. Bốn mắt nhìn nhau. Thôi nhé, chấm dứt mọi liên hệ với đất liền. Chỉ còn dựa vào sức lực và trí thông minh của mình mà thôi. Dù sao, đêm đầu tiên lênh đênh trên biển, hai anh vẫn còn được ánh hải đăng soi sáng. Đối với những người đi biển, không có gì thay thế được hải đăng trong đêm tối. Gió từ đất liền bỗng nổi lên. Chiếc Ngược đời ra xa bờ hơn. A-lanh rất mừng. Trước đây nhiều người đánh cuộc với anh: họ quả quyết nội trong mười hai giờ, chiếc xuồng cao su sẽ bị tấp ngược trở lại, chẳng xa nơi xuất phát mấy. Với ngọn gió này, họ thua cuộc. Anh đã thắng được một keo đầu, tuy nhỏ thôi, nhưng thật đáng khích lệ. Đêm đầu tiên, A-lanh trực ca đầu, từ tám giờ tối đến một giờ sáng. Sau đó, Giắc sẽ thay. Tối mai, trình tự ngược lại.
Ban ngày, ai muốn ngồi theo tư thế nào cũng được. Đêm, phải quy định rõ. Người trực ngồi đằng lái, lưng tựa vào một vòng phao cấp cứu, hộp la bàn kẹp giữa hai chân. (Làm như vậy rất không thoải mái, nhưng được cái lợi là khỏi ngủ quên). Người chưa đến lượt trực thì nghỉ. Để có chỗ nằm, vật liệu được xếp gọn lại về bên trái, theo chiều dọc của mạn xuồng. Xoay xở khéo, mới soạn được một khoảng dài đúng một mét tám mươi, rộng sáu mươi xăng-ti-mét. Giường ngủ đấy! Chăn là một tấm vải bạt vừa đắp vừa chắn nước biển hắt vào xuồng. Gối là một cái túi đựng đồ mềm.