Biên dịch: Nguyễn Lư Trần Gia Anh
Chương 3
Kiến Thức Về Cãi Nhau Và Trò Chuyện

Có một cặp vợ chồng yêu thương nhau lắm, bao năm nay vẫn giữ được quan hệ gắn bó keo sơn, khi giới thiệu kinh nghiệm cho bạn bè họ chỉ nói hai điều:
1 Cần biết cãi nhau
2 Cần biết chuyện trò.
Cãi nhau ở đây không phải là tuôn ra những lời độc địa, càng không phải là thượng cẳng tay hạ cẳng chân. Chuyện trò ở đây cũng không có nghĩa là nói những lời lẽ trao đổi tư tưởng với nhau khi bình thường mà là chuyện trò cụ thể những việc chỉ hai vợ chồng biết với nhau nhằm mục đích tăng thêm sự thân thương giữa hai vợ chồng. Có thể nói đó cũng là trò chơi tình yêu.
Ta hãy xem kiến thức về cãi nhau trước. Không có gia đình nào lại không có mâu thuẫn, cũng không có cặp vợ chồng nào lại không có mâu thuẫn, cũng không có cặp vợ chồng nào lại chưa bao giờ cãi nhau. Cãi nhau cũng giống như thêm mắm muối cho thức ăn, không có mắm muối là kém ngon, nhiều quá sẽ mặn chát khó nuốt, mức vừa phải thì ngon lành dễ ăn. Biết cãi nhau là biết cách nắm lấy mức độ đó, biến nó thành một thứ gia vị cho sinh hoạt vợ chồng
Cặp vợ chồng nào biết cách cãi nhau thì đều biết giữ bí mật. Nội dung cãi nhau rất phức tạp, có khi thuộc vấn đề nguyên tắc lớn, cũng có khi là vấn đề cảm tình ân oán, cũng có khi là chuyện vặt trong sinh hoạt. Trong trường hợp không phải là vấn đề nguyên tắc, không cần kết luận rõ đúng sai rõ ràng cho cuộc cãi nhau, thế là xong chuyện. Đã như vậy thì chớ có để cho người khác biết, không những không để thân thích, bạn bè, hàng xóm biết mà còn không để tất cả bố mẹ và con cái biết. Bảo mật như vậy sẽ tạo ra cơ sở tốt để nhanh chóng xóa bỏ mâu thuẫn vợ chồng. Sau đó nói một lời xin lỗi, làm một cử chỉ nhận sai, thậm chí chỉ một cái liếc mắt, một nụ cười cũng có thể làm tan đám mây mù giữa hai vợ chồng. Nếu không làm như vậy mà hơi một tý đã lu loa công khai chuyện cãi nhau, có người tốt bụng đến khuyên can thì tốt, có người hiếu sự thì lại ngầm khoái chí thừa cơ đồn đại nhảm nhí làm cho lòng tự tôn của hai vợ chồng đều bị tổn thương, đồng thời còn làm rách việc thêm, khiến cho khả năng xoá bỏ mâu thuẫn làm lành với nhau giảm sút hẳn.
Rất nhiều người biết được điều đó nhưng số người thực hiện được không phải là nhiều. Một số người cứ cãi nhau là nổi cơn điên khùng, càng nói càng hăng tiết, đầu bốc hoả ngày càng nóng, quên bẵng mất yêu cầu bảo mật. Lại có người chuyện gì cũng đòi hỏi phải phân rõ đúng sai, vợ chồng cứ cãi nhau là gọi người khác đến phân xử. Lại có người, chủ yếu là phụ nữ, cứ cãi nhau xong là bỏ về nhà bố mẹ đẻ. Nhưng cách làm đó đều là thiếu khôn ngoan, dễ làm công khai hoá mâu thuẫn vợ chồng, và cũng dễ làm cho quan hệ vợ chồng căng thẳng thêm, việc làm lành với nhau càng thêm khó khăn.
Những cặp vợ chồng biết cãi nhau còn biết giữ đúng giới hạn, tuỳ cơ xử trí, nghĩa là khéo giữ cho cuộc cãi nhau ở một giới hạn nhất định, khi thấy tình hình nóng bỏng rồi là lập tức cuốn cờ thu trống, hạ giọng ngay. Vợ chồng tuy cãi nhau nhưng thường thấy trong lòng vẫn không có gì thù oán nhau. Điều này cho phép có thể dùng phương pháp tuỳ cơ xử trí làm chuyển biến tình hình căng thẳng. Ví dụ khi chồng đã nói năng gay gắt thì vợ nên thay đổi thái độ ngay, làm ra vẻ tươi cười càng tốt, nếu không làm được như vậy thì cũng nên nói năng nhẹ nhàng hoặc tỏ ra quan tâm đến chồng, người chồng cũng vậy, khi thấy tình hình có vẻ căng thì nên lập tức áp dụng biện pháp cấp cứu, ví dụ đưa cho vợ chiếc khăn và nói: "Em lau mặt đi rồi hãy nói", hoặc rót một chén nước trà mời vợ: "Em uống đi”. Cũng có thể nói một câu đùa cợt vô thưởng vô phạt làm dịu bầu không khí căng thẳng. Có khi chỉ nói khéo một câu là làm cho vợ đang mếu máo phải bật cười, gia đình lại vui vẻ đầm ấm ngay.
Có người nói, khi cãi nhau hai bên đều đã tuốt gươm ra khỏi vỏ, giận dữ điên người, làm sao còn có đủ lý trí khống chế được tâm tình. Nói như vậy cũng không phải là vô lý nhưng ở đây có vấn đề nặng - nhẹ, khoan - gấp. Khi thấy đối phương điên giận, nếu bạn không kịp thời hãm phanh thì khẳng định không thể nào kìm nén được tình hình xấu đi. Và chính lúc đó lý trí con người đang lu mờ, có nổi nóng cũng chẳng được việc gì. Thà cứ nín nhịn một chút lại hay hơn. Đợi khi đã bình tĩnh trở lại mới chuyện trò nhẹ nhàng nói rõ tình đầu.
Muốn khống chế được độ dừng trong cãi nhau, cần chú ý đến một số tín hiệu nguy hiểm. Nó là triệu chứng cho biết tình hình sẽ xấu thêm, khi phát hiện ra là phải đình chiến ngay và tích cực dùng biện pháp cấp cứu. Có mấy tín hiệu nguy hiểm thường thấy như sau:
1 Ném đồ đạc, đặc biệt là ném những thứ mà hai bên đều ưa thích.
2 Câm lặng và thu xếp hành lý.
3 Đột nhiên ngồi xuống làm một việc vớ vẩn nào đó.
4 Cười nhạt, tỏ ra khinh rẻ đối phương, cự tuyệt chuyện trò và trao đổi tình cảm.
Các cặp vợ chồng biết cách cãi nhau còn có một bí mật không nói ai cũng biết, đó là dù cãi nhau thế nào cũng không nói ra những câu làm tổn thương tâm tình của đối phương. Tục ngữ nói: "Ác khẩu mất tình người", những lời nói độc địa sẽ gây ra vết thương lòng khó mà lành được, cần hết sức chú ý tránh. Những lời lẽ làm tổn thương tâm tình đối phương có ba loại:
1 Nói cái xấu của đối phương, lời sẽ đó sẽ như con dao sắc khía vào chỗ đau của đối phương, tỏ ra thiếu tôn trọng nhân cách của họ.
2 Chê đạo đức phẩm hạnh của đối phương, quy kết một biểu hiện xấu ngẫu nhiên của đối phương thành một vấn đề bản chất, ví dụ nhiếc mắng đối phương là ích kỷ, tiểu nhân v.v...
3 Kể lể moi móc chuyện cũ, cứ cãi nhau là lại moi móc mọi chuyện cũ để tự cho mình là phải và chiếm lấy ưu thế. Ví dụ có cặp vợ chồng khi lấy nhau có cha mẹ một bên không đồng ý nhưng vẫn cứ kết hôn với nhau, đến khi cãi nhau mới nói "Mẹ tôi nói đúng mà, không nên lấy cái hạng người này, có mù mới lấy như vậy".
Bài bản cãi nhau còn có nhiều bí quyết, ví dụ khi một bên nổi nóng thì bên kia phải nhường nhịn; nói năng không được la, hét toáng lên, dù mình có phải mười mươi cũng vẫn phải nói năng ôn tồn, không nên bới móc cái sai cũ của nhau, chớ có đập bàn, đập ghế, quăng quật đồ đạc. Nếu mình sai cần xin lỗi đối phương. Tuy cãi nhau là hai bên đều sai nhưng ai nói nhiều là người đó sai nhiều hơn. Sau khi cãi nhau vẫn nên ngủ chung một giường.
Nếu đã nắm hết được nghệ thuật cãi nhau thì sẽ có thể biến bị động thành chủ động, biến tiêu cực thành tích cực, biến cãi nhau ác tính thành cãi nhau lành tính, dùng phương pháp nghịch đảo để truyền đạt cảm tình lành tính. Ví dụ vợ có tiền lẻ nhưng lại cứ bắt chồng mua quà ăn vặt. Chồng bận nhiều việc, tối khuya mới về, vợ lại cứ giục giã về sớm mà nghĩ ngơi. Những chuyện cãi nhau “tình cảm" như vậy không những không phá hoại quan hệ vợ chồng mà còn là một thứ thuốc kích thích ái ân làm cho cuộc sống phẳng lặng nổi sóng lăn tăn.
Dưới đây xin nói về kiến thức chuyện trò. Những cặp uyên ương đang yêu nhau say đắm có nhiều chuyện nói lắm, không bao giờ cạn. Sau khi kết hôn, chuyện trò như vậy ít lắm, chỉ có nhiều chuyện mắm muối tương cà, chuyện học tập, công tác, chuyện nuôi dạy con cái. Tất nhiên cần nói những việc đó nhưng không thể thiếu chuyện trò tình cảm, có như vậy thì cuộc sống sau khi lấy nhau vẫn xanh rờn như thời kỳ luyến ái.
Đáng tiếc, có những cặp vợ chồng sau khi kết hôn đã thay đổi hẳn. Trước khi cưới nhau thì chuyện trò đằm thắm, sau khi cưới nhau ít khi thấy nói chuyện tình cảm, ngay một câu rất thông thường như “cưng ơi, yêu lắm" cũng khó mà nghe thấy nữa. Thiếu trao đổi những lời lẽ dạt dào tình cảm là căn bệnh thường thấy của vợ chồng sau khi kết hôn, ngay cả những cặp vợ chồng quan hệ với nhau rất tốt cũng như vậy. Nguyên nhân gây ra căn bệnh này là do tư tưởng. Rất nhiều cặp vợ chồng sau khi đã kết hôn cho rằng nói chuyện tình cảm là việc của đám thanh niên, đúng như một nhà triết học nào đó đã nói: "Chuyện trò tình cảm là lời lẽ nói ra khi tình cảm dạt dào, giống như lời nói mê trong giấc mộng, không phải là lời lẽ bình thường”. Những lời lẽ đó nếu nhằm vào cái ấu trĩ đơn thuần của đám người trẻ tuổi thì tuy có phần lệch lạc nhưng cũng không phải là vô lý. Đối với vợ chồng, thiếu chuyện trò tình cảm là có hại. Tình yêu làm cho người ta tràn đầy nhiệt tình còn hôn nhân làm cho người ta bình tĩnh, tỉnh táo. Luyến ái là thời kỳ manh nha của yêu đương, còn hôn nhân là thời kỳ chín muồi của yêu đương. Càng tỉnh táo, càng chín muồi thì tình cảm sôi động càng ít. Cuộc sống sau khi đã kết hôn không sôi nổi dạt dào tình cảm như thời kỳ đang yêu, nguyên nhân là ở chỗ đó. Và chính vì vậy mà cuộc sống sau khi kết hôn lại càng cần dùng chuyện trò tình cảm để điều chỉnh lại. Vợ chồng nói chuyện tình cảm khác với chuyện yêu đương tình tứ của những người đang yêu. Nó không đòi hỏi quá lãng mạn mà đòi hỏi một cảnh giới hoà hợp tình cảm. Vì vậy lời lẽ tình cảm của vợ chồng ít khi dùng đến chữ Yêu nhưng lại chứa chan Tình Yêu. Ví dụ gặp trận mưa tuyết đầu Đông, hai người yêu nhau đi chơi tuyết, có thể vì tình yêu của mình trong trắng như tuyết, còn cặp vợ chồng lại chuyện trò nhắc nhau mặc ấm, đừng để bị cảm lạnh. Đều là chuyện tình cảm cả, nhưng lời lẽ của vợ chồng thì hơi kém thi vị nhưng lại thâm trầm hơn. Ví dụ đó cho thấy chuyện tình cảm của hai vợ chồng là chuyện bày tỏ một cách tự nhiên sự quan tâm, lo lắng cho nhau. Nói chuyện tình cảm như vậy thì giữa hai vợ chồng không còn gì là khó nghĩ nữa.
Chuyện trò giữa hai vợ chồng tự nhiên sẽ hình thành cảnh kẻ nói người nghe. Kiến thức về mặt này có yêu cầu khác nhau đối với hai bên. Bên nói phải luôn luôn thể hiện được cảm thụ tốt đẹp qua ngôn từ, bên nghe phải chú ý để tâm lắng nghe. Bên nào làm được việc gì hay hoặc có tiến bộ đều rất thích được nghe đối phương khen ngợi. Ví dụ mẹ chồng đi viện, vợ vào vỉện chăm nom, đấm lưng, rửa chân, chồng bèn nói các bệnh nhân đều khen mẹ có con dâu hiền thục, bản thân anh cũng thấy mát mặt. Người vợ nghe chồng nói vậy tất nhiên sẽ vui lòng. Có thể chị ta rửa chân cho bà cụ cũng chẳng thích thú gì, chẳng qua là chuyện bất đắc dĩ, nhưng nghe chồng ca ngợi thế là vui vẻ làm mọi việc. Có một số cặp vợ chồng lại không làm như vậy, họ luôn luôn kìm giữ cảm thụ tốt đẹp ở lại trong lòng, toàn nói chuyện làm người khác không vui, kéo dài mãi làm người ta chán ghét.
Nếu một bên nói ra cảm thụ tốt đẹp mà bên kia không chú ý nghe thì cũng là vô ích. Có một chuyện sau: một anh chồng nghiện tiểu thuyết, cứ cơm tối xong là bê truyện ra đọc, vợ nói chuyện, anh ta mồm thì ầm ừ trả lời nhưng lòng dạ để đâu đâu. Chị vợ cáu lắm, một hôm cố ý nói: "Em mua cho con mấy con ngựa đồ chơi, ai ngờ ngựa ăn thịt con rồi". Anh ta lơ đểnh trả lời "Thế thì hay lắm” rồi lại vùi đầu vào đọc tiểu thuyết. Những chuyện như vậy tuy không phải là nhiều trong cuộc sống nhưng đâu đâu cũng thấy có người không chú ý nghe bạn đời chuyện trò. Họ ngồi hoặc xem ti vi với nhau, hoặc ngồi nhâm nhi chén trà điều thuốc, đọc báo chẳng để chuyện trò của bạn đời lọt tai. Họ có thể nói lấy nhau bao nhiêu năm rồi, còn chuyện gì mà nói. Họ đâu có biết, vợ chồng càng ái ân đằm thắm càng có chuyện nói vô tận và ngược lại, chuyện trò càng vô tận, vợ chồng càng ái ân mặn nồng. Không chú ý nghe bạn đời tâm sự là có thể dựng nên một hàng rào ngăn cách đôi bên khiến cho tình cảm vợ chồng xa cách.
Về ngôn từ, phàm là cặp vợ chồng tình cảm đằm thắm với nhau thì đều có đặc điểm chung, đó là “ăn nói ngọt ngào”. Quan sát các cặp vợ chồng thờ ơ với nhau cũng thấy có một đặc điểm chung, đó là nội dung trao đổi tình cảm nhạt nhẽo, vô vị. Họ coi những lời nói ngọt ngào là giả tạo, vênh mặt lên nói chuyện mới là nghiêm chỉnh, qua thời gian dài tình cảm tự nhiên sẽ nhạt nhoà.
Muốn duy trì được nhiệt độ tình cảm, ngôn từ phải có nhiệt. Những lời lẽ dùng khi yêu nhau như: yêu cưng lắm, nhớ cưng lắm, cưng đẹp quá, nên tiếp tục được sử dụng. Ngoài ra còn nên thêm một số lời lẽ khích lệ, an ủi vỗ về, động viên, quan tâm. Ví dụ tối đi làm về thấy vợ đã nấu nướng xong, chồng nói luôn: "Tuyệt! Cơm canh em nấu khéo quá!”. Anh chồng diện bộ quần áo mới, chị vợ nói luôn. "Anh mặc bộ này đẹp lắm". Những lời đó bề ngoài như có vẻ là thừa, tầm phào nhưng chính nó lại là sợi đây thắt chặt tình cảm nồng ấm vợ chồng.
Vợ chồng còn cần biết nói dối. Tất nhiên nói thật là một tiêu chí của lòng tin nhưng thật thà triệt để quá không nhất định đã có lợi cho quan hệ vợ chồng. Ví dụ vợ bạn hơi lùn, chị ta có thể nói với bạn: "Anh chắc chỉ thích cô nào cao ráo chân dài thôi". Đúng là bạn nghĩ như vậy nhưng cứ thực lòng mà nói ra chắc chắn sẽ làm vợ chạnh lòng. Để tăng thêm tình cảm vợ chồng bạn nên biết nói dối một cách đáng yêu. "Anh mà thích thế đã chẳng lấy em. Em tuy không cao lắm nhưng lại có nhiều phẩm chất đáng yêu”.
Nếu bạn đã từng có chuyện yêu đương bí mật người khác trước khi lấy vợ, tất nhiên là chuyện đã qua nhưng trong lòng vẫn cứ áy náy, vậy bạn cứ gắng chịu như vậy, không nên chia xẻ với vợ làm gì, nói với vợ là kém khôn ngoan.
Giả dụ bạn không may bị goá chồng, nay bạn tái hôn với người khác, tuy vẫn nhớ tiếc chồng cũ nhưng nếu chồng hỏi chuyện cũ thì bạn vẫn nên biết nói dối một chút. Thật thà quá chẳng ích gì, chỉ làm cho người ta thương cảm vô bổ, bạn nên nói hai tình yêu đó có khác nhau, không thể so sánh được.
Bạn thử nghĩ xem, gặp những chuyện như vậy nên nói thực tốt hay nói dối một cách vô hại tốt hơn. Người thông mình chắc sẽ chọn cách nói thứ hai.