Hồi 2
Vân Ảnh Thần Cái

Đường vào trấn thành càng lúc càng có nhiều người qua lại tấp nập. Và như gã tinh mắt nhìn thấy thì có nhiều người sắp đi đến đối đầu với gã, bỗng họ dịch bộ bước tránh sang một bên. Thoạt nhìn, gã cứ tưởng họ là người tử tế nên cố tình nhường lối cho gã.
Nhưng sau một lúc quan sát, gã bắt gặp có đôi ba người nhìn gã với ánh mắt khinh bỉ, sau đó hành vi bước tránh của đôi ba người này rõ ràng là họ không muốn phải đối mặt với gã.
Sư phụ từng bảo gã là ngỗ nghịch cũng có phần nào đúng. Gã nhận định thật nhanh tình hình với những gì gã vừa nhìn thấy. Từ đó, gã cúi đầu nhìn lại bộ dạng của chính gã.
Chưa hết, gã còn vờ quay đầu qua một bên, nhổ một bãi nước bọt. Nhân đó, gã nhìn vào hình hài của gã từ phía sau. Và gã hiểu tại sao có quá nhiều người tìm cách bước tránh gã.
Sau khi hiểu, gã tuy vẫn tiếp tục bước vào trấn thành nhưng kể từ lúc này trở đi chính gã là người tự dịch bộ tránh lối cho những người khác. Gã không muốn bị mọi người khinh bỉ gã nữa.
Vừa đi gã vừa suy nghĩ tìm kế.
Đến trấn thành, gã dừng lại và nhanh nhẹn đảo mắt nhìn quanh. Gã phát hiện lần lượt ba điểm gã cần phải đến.
Tự mỉm cười hài lòng, gã tạt người vào một góc khuất cạnh đó.
Và từ góc khuất đó, nếu có ai chịu để tai lắng nghe ắt sẽ phát hiện gã đang có những hành vi kỳ lạ. Rồi những hành vi kỳ lạ này đã tạo ra một vài tiếng động khả nghi, như gã đang cố sức đập gãy một vật gì đó vẫn được làm bằng kim loại.
Từ góc khuất bước ra, gã xăm xăm đi đến địa điểm đầu tiên, một trong ba địa điểm khi nãy gã đã thấy.
Khi đến nơi, để phù hợp với nhân dạng của gã lúc này, gã bắt đầu bước đi với bộ dạng rụt rè. Gã tiến chậm rãi vào hàng tơ lụa, tay cho vào bọc áo và cứ thủ mãi trong đó.
Người trông coi hàng tơ lụa là một phụ nhân đã đứng tuổi.
Phát hiện có người bước vào, phụ nhân nọ ngẩng mặt lên:
- Khách quan… a … Gã cố nặn một nụ cười thảm não, giải thích ngay mà không chờ phụ nhân nói tròn câu:
- Lần đầu vãn sinh lạc bước tới đây. Vì không thông thuộc địa hình nên vô tình chạm trán một bọn thảo khấu… Ra vẻ người sành sõi, phụ nhân lên tiếng:
- Hoá ra công tử không phải người địa phương này? Nhìn bộ dạng là biết ngay.
Thế nào? Công tử định sắm sanh lại y phục? Loại nào đây? Tơ thượng hạng hay gấm lụa loại tốt?
Gã nhăn nhó, lấy tay ra khỏi bọc áo:
- May mà vãn sinh còn giấu được chút ít bạc vụn này. Thôi thì tùy đại nương, bán cho vãn sinh loại y phục nào cũng được, miễn tinh tươm là tốt. Chứ còn y phục hiện giờ của vãn sinh… Gã không nói tiếp. Thay vào đó gã làm ra vẻ kinh tởm, đúng với cách mà mọi người đã dành cho gã lúc nãy.
Thấy gã còn kinh tởm với chính y phục gã đang khoát trên người, phụ nhân nọ được dịp trề môi:
- Phải, phải! Dáng người nho nhã như công tử đâu phải để khoát thứ y phục rách rưới chỉ dành cho lũ ăn mày này? Công tử chỉ còn đôi ba đồng cân như thế này thôi sao? Mà không sao! Đây! Bộ nho phục này gần đây có người chê là may vụng nên không nhận. Nếu công tử không chê… Nhìn bộ nho phục đang được vị phụ nhân vứt bừa ra, như một phế vật, gã nhanh nhảu bảo:
- Có may vụng đến thế nào đi nữa vẫn hơn thứ rách rưới vãn sinh đang khoát trên người. Xin đa tạ đại nương.
Tay trao bạc, tay nhận bộ nho phục, gã lại đảo mắt nhìn.
Hiểu ý gã, vị phụ nhân đưa tay chỉ vào một góc khuất:
- Công tử có thể vào đó để thay đổi y phục. Nhân tiện, những gì công tử trút ra xin ném bỏ luôn trong đó cho.
Thái độ của phụ nhân càng làm cho gã thấm hiểu sự miệt thị của mọi người dành cho gã. Tất cả chỉ vì bộ y phục vừa cũ vừa nát của gã.
Sau đó, thái độ của phụ nhân đương nhiên phải thay đổi. Phụ nhân xum xoe:
- Phải như thế chứ. Tuy không mấy vừa vặn nhưng với bộ nho phục này công tử đã lấy lại vẻ văn nho tao nhã.
Gã cười thầm, vì có bao giờ gã được vận nho phục để có dáng vẻ gọi là văn nho tao nhã?
Với dáng dấp một văn nhân công tử, gã đĩnh đạc bước đến địa điểm thứ hai, sau khi rời gian tơ lụa.
Gã bước vào liền được sự chào đón niềm nở của một chưởng quỷ:
- Công tử muốn ký thác ngân lượng hay muốn mua bán trao đổi châu báu? Ngân Tài Tiền Trang này xin sẵn lòng hầu tiếp công tử.
Gã lấy trong người ra một vật sáng lấp lánh.
Đặt mạnh lên quầy, gã gằn giọng:
- Liệu báu vật này của ta đổi được bao nhiêu ngân lượng?
Chưởng quỷ nhìn chằm chằm vào vật nọ:
- Trên vật này có ghi năm chữ Phi Tuyết Cung Hàn Lệnh, cho hỏi vật này quý báu ở chỗ nào?
Gã đã định sẵn câu trả lời:
- Đây là vật báu ở mãi tận Thiên Trúc, cũng là cống vật do phụ thân ta tiếp nhận.
Còn quý báu ở chỗ nào ngươi là chưởng quỷ của Ngân Tài Tiền Trang không lẽ ngươi không nhận ra?
Chưởng quỷ lộ vẻ ngơ ngác như chưa tin lắm vật nọ là vật quý.
Gã mỉm cười:
- Vậy thì thôi. Để ta bước sang bên kia đường, đến với Kim Tài Tiền Trang vậy.
Gã định chộp lại vật nọ nhưng vị chưởng quỷ đã nhanh tay hơn:
- Chậm đã, công tử. Hay công tử chờ cho một lúc, đợi Lục lão trang chủ đến rồi sẽ định giá.
Gã gật đầu:
- Được! Chờ thì chờ. Nhưng không quá một tuần trà đâu nhé.
Nghe nhắc đến ba chữ trà, vị chưởng quỷ vội khom người vâng dạ:
- Một tuần trà? Được! Một tuần trà. Trong lúc chờ đợi, tiểu nhân xin mạn phép mời công tử một chun trà Long Tỉnh. Mời!
Tuy là lần đầu tiên được biết thế nào là trà Long Tỉnh nhưng gã vẫn vừa nhấp vừa lo. Nhỡ vị Lục trang chủ nào đó đến và nhận ra mảnh Phi Tuyết Cung Hàn Lệnh hoàn toàn không là vật quý báu như gã bịa thì… Tiếng vị chưởng quỷ chợt vang lên:
- A! Lục lão trang chủ đến rồi!
Gã giật mình nhìn lên.
Từ phía sau, Lục lão trang chủ chính là một lão nhân đã xấp xỉ lục tuần không hiểu đã bước ra từ lúc nào.
Gã cố giấu tiếng thở phào nhẹ nhõm khi bất ngờ nghe Lục lão trang chủ hỏi:
- Sao vật này chỉ còn một nửa, công tử? Nửa mảnh còn lại đâu?
Vậy là đúng với ý gã. Gã tươi cười:
- Vì sợ người khác biết chuyện, gia phụ đã chia làm hai mảnh. Nhưng khi nãy vãn sinh đã giao cho Kim Tài Tiền Trang.
Gã vừa nói dứt lời bỗng thấy nhột nhạt khó tả. Và cảm giác này, nếu gã nghĩ không lầm thì đó là do gã vừa mơ hồ nhìn thấy hai tia mắt sáng quắc chợt phát ra từ hai khóe mắt của Lục lão trang chủ.
Hai tia mắt đó chỉ hiển hiện một thoáng rồi biến mất. Thay vào đó, gã nghe Lục lão trang chủ hỏi lại:
- Xin lượng thứ, chẳng hay lệnh tôn là người ở đâu? Tánh danh như thế nào?
Gã tuy thầm lo ngại nhưng vẫn cố trấn tĩnh, đáp theo sự chuẩn bị sẵn của gã:
- Kim Tài Tiền Trang cũng từng dò hỏi điều này và trước sau vãn sinh chỉ có một lời đáp:
Gia phụ nguyên là mệnh quan của triều đình, chuyện để lộ danh tánh là điều không nên. Mong Lục lão trang chủ miễn thứ.
Kết quả thật bất ngờ, gã nghe Lục lão trang chủ hạ lệnh cho chưởng quỷ:
- Ngươi giao cho công tử đây năm trăm ngân lượng. Vật này sẽ do ta cất giữ.
Vô tình có một lúc những năm trăm ngân lượng, một số bạc quá lớn khiến gã mãi vui mừng nên không nhận ra thái độ khá kỳ quặc của Lục lão trang chủ. Lão bước nhanh ra phía sau, và hai mắt cứ nhìn gườm gườm vào Kim Tài Tiền Trang như đang suy tính chuyện gì đó.
Đã có bạc, gã ngông nghênh tiến đến địa điểm thứ ba, nguyên là một tửu lâu sang trọng mà từ đó mùi thịt thức ăn thơm lừng vẫn cứ ngào ngạt tuôn ra, gợi cho gã phải nghĩ kế để bằng mọi giá gã phải được bọn người ở tửu lâu nghinh tiếp gã với kết quả như bây giờ.
Có lẽ ngửi thấy hơi ngân lượng từ người gã, ba tên tửu bảo lăng xăng chạy đến miệng chào mời huyên thuyên:
- Sao đã lâu không thấy khách nhân đến?
- Mời nào, mời công tử nào. Công tử đến chỉ có một mình thôi sao?
- Đến một mình vẫn là thượng khách. Bên trên vừa thoáng mát vừa sạch sẽ hơn, lại có thể ngắm nhìn khắp nơi, tiểu nhân xin đưa công tử lên lầu.
Bọn tửu bảo nhanh miệng quá hoá nên giả dối, đây là lần đầu gã đến đây, nào phải như chúng vừa bảo.
Tuy nhiên, gã thầm nghĩ, đây là sự giả dối ngọt ngào đáng hưởng thụ. Và có được điều này gã lại nghĩ, tất cả là nhờ dáng vẻ ngoài đã hoàn toàn thay đổi của gã. Chứ như ngược lại, nếu gã bước đến tửu lâu sang trọng này với dáng dấp như lúc đầu, có lẽ thái độ của bọn tửu bảo sẽ trái ngược hẳn, nghiệt ngã hơn và tàn nhẫn hơn.
Đặt những bước chân lên sàn gỗ của căn lầu, thái độ săn đón của bọn tửu bảo dành cho gã ngay tức khắc làm cho năm thực khách có mặt trước đó phải có phần nào đố kỵ.
Vờ như không thấy, gã đưa tay chỉ vào bàn ngoài, nơi có thể nhìn rõ nhất cảnh quang bên dưới tửu lâu và đồng thời có thể nhìn bao quát khắp nơi bên trong căn lầu:
- Mọi khi ta vẫn ngồi ở đây?
Ba tên tửu bảo lại được dịp tâng bốc:
- Công tử là khách quen, bàn này vẫn luôn dành sẵn cho công tử.
Mỉm cười đắc ý chàng ném cho bọn tửu bảo một đĩnh bạc khá nặng:
- Thưởng cho bọn ngươi nếu bọn ngươi dọn thật nhanh cho ta tất cả những thức ăn bọn ngươi cho là ngon nhất.
Vơ gọn đỉnh bạc, cả ba tên tửu bảo đều rối rít đáp ứng:
- Tiểu nhân xin phục dịch ngay.
- Đa tạ công tử đại gia. Bọn tiểu nhân sẽ quay lại thật nhanh hầu công tử.
Bằng khóe mắt, gã không thể không nhìn thấy ánh mắt có phần ngưỡng mộ của một nữ lang, là một trong năm thực khách ngay từ đầu gã đã nhìn thấy. Diễn biến này khiến gã càng thêm tự phụ, cho rằng làm một vị công tử hào hoa cũng là điều thích thú.
Gã ngồi xuống, miệng luôn điểm nụ cười, và chốc chốc gã không quên phóng ánh mắt về phía nữ lang nọ.
Nếu ánh mắt nhìn của gã chưa có dấu hiệu làm cho nữ lang kia khó chịu thì ngược lại, bốn vị thực khách còn lại đã bắt đầu có phản ứng.
Nguyên bọn họ ngồi chung một bàn nên đương nhiên phải có hai người ngồi hai bên tả hữu nữ lang kia. Và hai người này đang từ từ nghiêng đầu vào nữ lang.
Có lẽ cả hai đang thầm thì gì đó với nữ lang, gã tự đoán như thế khi thấy nữ lang nọ vừa mỉm cười vừa khẽ lúc lắc đầu.
Thái độ của nữ lang khiến hai nhân vật nọ phải thở dài ngồi ngay lại. Để che giấu tâm trạng bối rối, cả hai vờ nhìn chằm chằm vào phần thức ăn trước mặt, như họ chưa từng nhìn thấy chúng bao giờ.
Chỉ cần nhìn qua cảnh trạng này, gã hiểu, thái độ hào hoa của gã càng làm cho nữ lang tán thưởng bao nhiêu thì càng làm cho hai nhân vật nọ đố kỵ bấy nhiêu. Điều đó khiến gã thêm đắc ý, thêm thán phục kế mưu gã vừa thực hiện. Nếu gã không nhanh trí, không thay lốt đổi dạng và nếu gã không nhờ nửa mảnh Phi Tuyết Cung Hàn Lệnh chẳng biết có phải là báu vật thật hay không, gã đâu có được sự đắc ý như bây giờ.
Vì thế, gã càng thêm tâm đắc với điều đã nhận định, mọi người chỉ biết đánh giá gã qua dáng vẻ bên ngoài bần hàn dù gã có nhiều tài cán đến đâu thi cũng bị mọi người khinh khi. Ngược lại, gã có là người vô dụng đến thế nào đi nữa, một khi gã đang mang lốt một vị công tử phong lưu, ngân lượng đầy túi, mọi người vẫn phải dành cho gã một biệt nhãn rõ rệt.
Được mọi người kính trọng, đương nhiên gã phải tỏ ra đại lượng hơn người. Đó là điều gã đang làm, ngay khi nghe hai vị thực khách còn lại do đang ngồi đối diện với nữ lang nên dễ dàng ném cho gã ánh nhìn căm ghét, kèm thoe một đôi lời khó nghe. Một thực khách cố tình lẩm bẩm đủ lớn:
- Không ngờ ở một nơi như thế mà vẫn cứ bốc lên mùi tanh khó ngửi.
Vị thực khách kia phụ hoạ:
- Mỗ chỉ ngỡ duy nhất một mình mỗ ngửi thấy mùi tanh, hóa ra Thạch nhị huynh cũng có cảm giác tương tự.
Đó là những lời cố tình ám chỉ gã. Gã biết nhưng vẫn mỉm cười độ lượng. Biết làm sao được khi gã có cốt cách nho nhã hơn họ và rất có thể là tuấn tú hơn hẳn bọn họ?
Và thật là tốt, thái độ đại lượng của gã ngay lập tức nhận được sự đồng tình của nữ lang kia. Gã nghe nữ lang kia bảo bọn người ngồi chung bàn:
- Nếu mọi người cảm thấy không chịu nổi thì cứ tùy tiện. Đừng làm hỏng bữa ăn của ta.
Đúng lúc đó, ba tên tửu bảo lúc nãy đã đồng loạt quay lại. Chúng nhanh nhẹn sắp đủ loại thức ăn, bày lên bàn trước mặt gã.
Gã đang đói nhưng vẫn cố giấu. Gã chỉ dám dùng mắt thưởng thức các món sơn hào hải vị chừng nào bọn tửu bảo chưa sắp bày xong và chưa lui đi.
Đúng lúc bọn tửu bảo sắp bày xong, gã chợt nghe ở bàn bên kia có tiếng quát:
- Vậy là hỏng bữa ăn của bọn ta rồi. Đi!
Gã đưa mắt nhìn qua thấy bọn họ cả năm người đều đứng dậy. Chưa hết, gã cũng phát hiện nữ lang nọ có ném cho gã cái nhìn đầy hàm ý nhưng bốn người còn lại thì cứ nhìn đăm đăm qua bên kia đường, phía ngoài tửu lâu.
Nhìn bọn họ xăm xăm bỏ đi, gã nghi hoặc, cũng quay đầu nhìn ra ngoài tửu lâu.
Và gã không thể không nhìn thấy ở bên kia đường đang có một đụn khói bốc lên cao ngất. Đồng thời, gã cũng nghe nhiều tiếng người hô hoán loạn:
- Có đạo tặc!
- Đạo tặc phóng hỏa đốt nhà. Kim Tài Tiền Trang bị lửa thiêu rồi.
Đến lượt bọn tửu bảo, lúc này cũng nhìn thấy đụn khói, đang kêu la hốt hoảng:
- Nguy tai! Kim Tài Tiền Trang nếu bị phóng hoả, khắp trấn này ắt bị vạ lây.
- Nguy thật rồi! chúng ta chạy thôi.
Như minh họa cho những lời này ở bên dưới tửu lâu, gã nhìn thấy nhiều người nhốn nháo bỏ chạy và gào la toán loạn:
- Chạy ngay thôi! Nếu để bọn Kim Tài Tiền Trang kéo đến, chúng ta e khó thoát.
- Đúng thế! Thế lực Kim Tài Tiền Trang không thể xem thường. Chạy thôi Càng nghe càng hoang mang. Bất chợt có một tên tửu bảo đến nắm tay gã:
- Sao công tử không chạy đi? Phen này Kim Tài Tiền Trang ắt sẽ đụng độ với Ngân Bào Bang, công tử có lưu lại chỉ tổ chuốc họa.
Gã nhăn nhó:
- Kim Tài và Ngân Bào, họ là ai?
Sắc mặt của tên tửu bảo càng tái nhợt:
- Đây là hai bang phái bấy lâu nay vẫn tranh giành thế lực ở vùng này. Công tử cứ nhìn thì biết, ở bên này nếu có Kim Tài Tiền Trang thì ở bên kia đường nhất định phải có một tiền trang của Ngân Bào Bang. Nếu công tử không chạy, tiểu nhân … Gã ngăn tên tửu bảo lại:
- Chậm đã! Họ vẫn thường đụng độ như thế này sao?
Tên tửu bảo chỉ chực chạy nên lời đáp càng thêm vội vàng:
- Thường khi họ vẫn đối đầu nhưng cố tránh công khai lộ diện. Riêng lần này e họa lớn đây. Công tử cũng nên chạy thôi.
Một lần nữa gã ngăn tên tửu bảo lại:
- Vậy còn tiền thanh toán bữa ăn thì sao?
Tên tửu bảo xua tay:
- Công tử bất tất phải quan tâm vào lúc này bọn tiểu nhân tự lo sinh mạng còn chưa xong, còn nghĩ gì đến những việc ngoại nhân?
Dứt lời tên tửu bảo lật đật tháo chạy.
Lâm vào cảnh này, gã đương nhiên cũng hốt hoảng phập phồng. Nhưng vì đang đói và chính vì đói gã mới cố tình thay lốt đổi dạng để mong được bữa ăn ngon và được sự kính trọng của mọi người, gã nhìn quanh và cũng lẹ làng cắp lấy nguyên con gà đã được nấu chín hãy còn bốc khói.
Gã cũng bỏ chạy và sau đó dễ dàng hoà lẫn vào dòng người đang nhốn nháo chạy bỏ tiểu trấn.
Cũng may, bọn Kim Tài Tiền Trang hoặc Ngân Bào Bang gì đó như bọn tửu bảo nói vẫn chưa thấy xuất hiện, đủ thời gian cho gã chạy đến một khu vực hoang vắng nằm bên ngoài tiểu trấn.
Gã dần dần định thần và nhận ra bản thân đang đặt những bước chân mệt lừ ở một khu mộ địa hoang vắng.
Nhìn quanh quất, gã mỉm cười chua chát. Xung quanh chỉ là những mồ mả, không còn ai nhìn thấy để gã xênh xung hợm mình là một công tử hào hoa.
Sực nhớ tay đang cầm thức ăn, gã ngồi bệt xuống đất, dựa ngửa vào một tấm mộ bia, bất kể việc đó sẽ làm y phục gã dơ bẩn.
Xé con gà làm đôi, bất chợt gã mỉm cười đắc ý. Rốt cuộc gã có nhiều ngân lượng, con gà trên tay gã vẫn là vật đánh cắp một cách bất chính.
- E hèm!
Một tiếng hắng giọng chợt vang lên làm gã giật mình.
Ngoảnh đầu nhìn lại, bên cạnh gã, từ lúc nào đã xuất hiện một lão khất cái vừa già nua vừa dơ bẩn.
Lão khất cái nuốt nước bọt ừng ực, mắt thì nhìn chằm chằm vào nửa mảnh gà bên tay tả của gã, vốn rất gần với lão khất cái.
Phản ứng của gã rất đương nhiên. Đầu tiên là gã ném cho lão khất cái ánh mắt nhìn khinh bỉ. Sau đó, gã quay đầu qua bên hữu và định nhổ nước bọt.
Nhưng tức khắc, gã nhớ lại thái độ của mọi người dành cho gã, lúc gã chưa có bộ y phục tinh tươm khoát trên người.
Gã thở ra và ngoảnh đầu lại.
Và lão khất cái phải kinh ngạc khi thấy gã chìa nửa mảnh gà cho lão:
- Nếu lão trượng không ngại mời dùng bữa chung với vãn sinh cho vui.
Không ngờ lão khất cái lại là hạng người biết tự trọng. Vừa bước lùi lại, lão khất cái vừa lên tiếng:
- Nếu công tử muốn dùng hành động này để đuổi khéo lão hoá tử, giúp công tử khỏi phải ghê tởm vì nhìn thấy lão hoá tử và làm hỏng bữa ăn ngon, lão hóa tử… Gã nghĩ vị tất gã dám nói thẳng những lời này nếu gã đang đói và lâm vào cảnh ngộ tương tự như lão khất cái đang gặp. Vì thế, gã cảm thấy mến phục lão khất cái:
- Lão trượng bất tất phải nghi ngờ. Vãn sinh sẽ ngon miệng hơn nếu có lão trượng cùng dùng chung.
Lão khất cái vụt chớp mắt:
- Đây là lời nói thực tâm?
Gã mỉm cười:
- Không còn gì thật hơn! Mời… Gã cố tình ấn nửa mảnh gà vào tay lão khất cái.
Lão khất cái bất chợt lùi ra xa một bước:
- Nếu là vậy lão hóa tử ta càng không thể nhận.
Gã kinh ngạc:
- Hay lão trượng chê ít? Nếu không phải vãn sinh cũng đang đói, ắt vãn sinh sẽ nhượng luôn phần của vãn sinh cho lão trượng.
Lão khất cái nghẻo đầu nghiêng ngó:
- Công tử đói thật ư?
Gã phì cười:
- Đói mà còn có giả với thật sao? Nếu lão trượng còn khách khí, được vãn sinh sẽ dùng hết hai phần này cho lão trượng xem.
Dứt lời, gã kéo tay tả về đồng thời cho luôn vào miệng đang há rộng.
Gã ngoạm một miếng thật to. Vừa ngồm ngoàm nhai gã vừa gật gù:
- Ngon…ngon lắm! Lão trượng, ực, không ăn thật sao?
Lão khất cái cũng nuốt nhưng nuốt nước bọt. Vì thế, khi nghe gã hỏi lão khất cái lập tức chồm đến và… Vút!
Bằng cái chộp thật nhanh, gã không biết lão khất cái đã làm như thế nào, tay hữu của gã chợt chấn động và nửa mảnh gà bên tay hữu gã, nghĩa là ở một quãng xa ngoài tầm với của lão khất cái, bỗng lọt vào tay lão.
Gã chưa kịp định thần, tai đã nghe tiếng lão khất cái ngoạm vào mảnh thịt:
- Ực…! Phì …Ngon thật!
Nhìn lại, thấy lão khất cái cũng nhai nuốt ngấu nghiến như đã lâu chưa được ăn, gã bật cười thích thú:
- Lão trượng ăn chậm thôi. Kẻo mắc nghẹn đấy! Ha…ha… Lão lườm gã, miệng vẫn ngoạm lấy ngoạm để mảnh thịt.
Gã lại cười:
- Được! Để xem vãn sinh và lão trượng, ai ăn xong trước nào.
Gã cũng ngồm ngoàm ngoạm, ngồm ngoàm nhai. Mọi việc diễn ra đều rất thật, do gã ít lắm cũng hơn hai ngày chưa có miếng gì cho vào bụng.
Gã mãi ăn nên không để ý thấy lão khất cái cứ luôn nhìn gã.
Ném bỏ những mảnh xương đã trơ nhẵn, gã chùi miệng và thòm thèm nhìn mảnh thịt vẫn còn non hơn nửa tên tay lão khất cái:
- Lão trượng ăn chậm hay đã no rồi?
Lão khất cái hấp háy mắt:
- Còn công tử thì sao? Vẫn chưa no à?
Gã vỗ bụng:
- Bõ bèn gì nếu chỉ có nửa mảnh gà?
Do gã vỗ, chỗ ngân lượng trong người gã phải chạm nhau, kêu lên thành tiếng Lão khất cái cười lạt:
- Nếu là vậy sao công tử không mua nhiều hơn?
Gã chép miệng tiếc rẻ:
- Nếu có thể mua thì còn nói làm gì! Đây là phần thức ăn vãn sinh đã đánh cắp đó.
Lão khất cái trợn mắt:
- Công tử cũng am tường thuật diệu thủ?
Gã phì cười:
- Cần gì phải am tường. Chuyện là thế này… Chờ nghe gã nói xong chuyện xảy ra ở tửu lâu, lão khất cái cũng cười khùng khục:
- Vậy thì không sao. Nếu xét lại, cho bọn tửu bảo một đỉnh bạc để đổi lấy một con gà, công tử vẫn là người chịu thiệt. Xem ra cũng phải đến mấy ngày công tử chưa ăn gì?
Gã gật đầu:
- Đúng vậy! Nếu không có chuyện loạn ẩu xảy ra, giờ này vãn sinh có lẽ vẫn còn đang tha hồ đánh chén.
Lão khất cái trao chỗ thịt gà còn lại cho gã:
- Lão hóa tử ta thì khác, ngày nào cũng có cái ăn. Nếu công tử không ngại bẩn… Gã bật cười, tay chộp lấy:
- Cái này là do lão trượng nhượng đấy nha. Đừng bảo vãn sinh là người khiếm lễ, đã mời còn đòi lại.
Lão khất cái gật đầu, định đáp lời. Bất chợt, lão khất cái nghiêm mặt:
- Có nhiều người đang đi về phía này. Để khỏi phải chuốc vạ, ta và công tử đừng nên gây kinh động.
Gã không tin, định nhổm lên để nhìn. Lão khất cái nhanh tay giữ gã lại:
- Họ đến gần lắm rồi. Không tin, công tử cứ lắng nghe sẽ rõ.
Nửa tin nửa ngờ, gã lắng nghe. Nhưng phải một lúc lâu sau đó, nhờ có một tiếng quát bất chợt vang lên, gã mới nghe và mới tin vào lời lão khất cái.
- Bàng Kính Nghiệp! Nếu hôm nay lão không giải thích rõ nguyên ủy, thì đừng trách bổn bang Kim Tiền thị đông hà hiếp bọn lão chỉ có mấy người.
Tiếp theo sau là một tràng cười nghe đến lồng lộng, có lẽ là tràng cười của nhân vật có tên Bàng Kính Nghiệp.
- Ha…ha …! Bàng mỗ đâu phải ngẫu nhiên dẫn dụ bọn Kim Tiền Bang các ngươi đi đến nơi này? Biết điều thì nên ngoan ngoãn giao vật kia cho Bàng mỗ, bằng không, nơi này sẽ là mồ chôn cho bọn ngươi.
Gã nghe đến đâu thì run sợ đến đó. Gã cố tình thì thào vào tai lão khất cái - Chính bọn họ Kim Tiền Bang và Ngân Bào Bang.
Lão khất cái vẫn tỏ ra thản nhiên:
- Lão hóa tử ta cũng nhận ra chúng rồi. Càng tốt, chúng ta sẽ được xem tấn tuồng hay.
Lại thêm một điều nữa khiến gã mến phục lão khất cái. Tuy nhiên, gã nghĩ nếu cả hai có mệnh hệ gì, lão khất cái do đã già, có chết cũng không lấy gì hối tiếc, phần gã … Có một tiếng quát vang lên làm đứt mạch suy nghĩ của gã:
- Bàng Kính Nghiệp! Lão nói rõ xem nào. Vì vật gì đã khiến lão gây sự, phóng hỏa thiêu rụi Kim Tài Tiền Trang của bổn bang?
Bàng Kính Nghiệp lại cười:
- Bọn ngươi có muốn chối quanh cũng không được. Hãy nhìn kìa! Người của bổn bang đã đến, để xem bọn ngươi còn chạy chối được bao lâu? Ha…ha… Người của Kim Tiền chợt gầm vang:
- Tam tiểu thư! Bọn Ngân Bào Bang đến thật rồi. Chúng ta động thủ thôi, đừng chần chờ nữa.
Lập tức có tiếng nữ nhân hạ lệnh:
- Đánh! Phải mở huyết lộ về hướng Bắc! Mau!
Việc xảy ra càng làm gã thêm hoảng sợ. Vì lúc bấy giờ, ngay sau mệnh lệnh của nữ nhân kia, hàng loạt những tiếng chấn động kinh hồn bạt tụy liền vang lên, kèm theo đó là đủ những tiếng hô hoán sát phạt nhau, đòi lấy mạng nhau của hai bang Kim Tiền và Ngân Bào.
Đây là lần đầu tiên trong đời gã được nghe những lạt thinh âm váng động này.
Và nếu gã không biết đó là do những nhân vật võ lâm giao đấu thì với thinh âm này gã chỉ có thể nghĩ gã đang rơi vào vùng có địa chấn.
Mặt gã đương nhiên phải nhợt nhạt vì hoảng sợ, do đó, dù gã có nhợt nhạt hơn cũng không ai hay biết hoặc hiểu rõ nguyên do. Đó là lúc gã nghe Bàng Kính Nghiệp bật cười cuồng ngạo:
- Bọn ngươi đang giữ nửa mảnh Phi Tuyết Cung Hàn Lệnh, hoặc giao ra hoặc phải chịu chết! Ha…ha… Gã nhận ra lão khất cái đang lẩm bẩm thành tiếng:
- Lạ thật! Đã ngoài trăm năm, sao bỗng dưng bây giờ danh xưng này lại xuất hiện?
Qúa kinh tâm, gã thì thào hỏi:
- Phi Tuyết Cung Hàn Lệnh là vật gì, lão trượng?
Lão khất cái nhìn gã, chưa kịp giải thích, bỗng nghe tiếng Bàng Kính Nghiệp quát to:
- Kẻ nào dám nấp lánh, dò xét chuyện bổn bang?
Hồn phi phách tán, gã định đứng lên bỏ chạy. Bất ngờ, người gã bị chấn động, sau đó bỗng bay đi thật nhanh. Bên tai gã chỉ có tiếng gió thổi ước ù, cứ như gã vừa bị một luồng quái phong nào đó cuộn bay.
Và gã chợt hiểu, khi nghe có tiếng Bàng Kính Nghiệp léo nhéo đuổi theo phía xa:
- Tróc Long Vân Aûnh? Là Thần Cái đó sao?
Vút!