Cảnh 3

Cổ Loa. Một lối đi hướng về phía đền thờ nỏ thần. Trọng Thủy lững thững như một người đi dạo, nhưng mắt nghiêng ngó. Khi y đi đến một góc trong cùng sân khấu, một vệ binh cầm giáo bước ra chặn lại.
 
VỆ BINH: -Thưa, hoàng tử định đi đâu?
TRỌNG THỦY: -Ngồi buồn, ta đi dạo chơi. Nghe nói khu vực này phong cảnh thanh nhã, u tịch, kiến trúc kín đáo, thâm nghiêm, ta muốn tới đó di dưỡng tinh thần cho vợi bớt nỗi nhớ quê hương.
VỆ BINH: -Thưa, nơi đó là khu cấm không ai được đến.
TRỌNG THỦY: -Thế ta mượn thuyền lướt chơi có được không?
VỆ BINH: -Hoàng tử định lướt chơi ở những đâu?
TRỌNG THỦY: -Ra đầm Cả chẳng hạn.
VỆ BINH: -Thưa, không được.
TRỌNG THỦY: -Ở đó có gì mà nghiêm cấm?
VỆ BINH: -Tôi không được rõ. Chỉ biết không ai được vô cớ chèo thuyền ra đấy.
TRỌNG THỦY (ra vẻ nổi giận): -Ta là bề tôi gần gũi đức vua đường đường được ngự trong thành nội này, sao ngươi dám cản ta?
VỆ BINH: -Đó là nghiêm lệnh của Cao tướng quân với tất cả mọi ngưòi.
 
Trọng Thủy quay lại. Vệ binh ra.
 
TRỌNG THỦY (chờ cho vệ binh đi khuất): -Chà! Cái ông đô Nỏ này! (Thủng thỉnh đi loanh quanh, rồi đến ngồi trên một hòn đá ven đường. Trầm ngâm một lúc) Xứ này cũng lạ thật! Bồn mùa xanh tươi, chỉ hiềm thủy thổ khắc nghiệt. Con người thuần hậu, chất phác, nhưng không biết theo giáo hoá Trung nguyên. Con gái vua mà có lúc đi chân đất. Một quan to như Lạc hầu lại ít biết phép tắc, điển chế triều đình mà bên Trung Quốc đã thịnh hành từ thời nhà Chu(5). Một anh nặn nồi lại dự bàn quốc sự. Tướng Cao Lỗ oai danh lừng lẫy làm khiếp đảm quân tướng Nam Việt nhà mình mà dân ở đây có khi thân mật gọi là đô Nỏ. Có vẻ suồng sã chả ra thể thống gì cả. Mà phụ vương ta cùng kì thật! Màng chi đất nước ngoại vực này? Quanh Phiên Ngung chẳng đã đất rộng của nhiều rồi ư. Mà muốn mưu đồ đế bá thì sao không tiến về làm chủ Trung nguyên có phải đáng mặt anh hùng hơn không?
ĐẶNG GIẢO (vào, cười giảo hoạt): -Ấy! thưa hoàng tử, muốn làm chủ Trung nguyên thì trước hết phải thôn tính xứ này vào nước Nam Việt ta đã. Đất nước này còn bán khai, nhưng đã khá lắm của, nhiều lương. Nó sẽ giúp cho con cọp Phiên Ngung thêm mạnh nanh, sắc vuốt để nhảy sổ vào Trung nguyên chứ! Mà nếu lòng trời không tựa đại vương ta cái chí lớn đó thì đại vương cũng được vững vàng trấn ở cõi Nam này.
TRỌNG THỦY: -Phụ vương ta bắt ta sang đây làm con tin xưng thần với Thục Phán, bao giờ mở mày, mở mặt được với Trung nguyên?
ĐẶNG GIẢO -Thế hoàng tử đã làm được những gì do đại vương ủy thác?
TRỌNG THỦY: -Tiên sinh không biết ta khó khăn như thế nào. Ta cảm thấy bị giám sát riết róng từ lão Nỏ, lão Nồi cho đến đứa cùng đinh. Ôi! Sao ta e ngại cái nhìn sắc như gươm của Cao Lỗ thế! Cứ như xuyên suốt tâm can người ta.
ĐẶNG GIẢO: -Hoàng tử chớ nên ngã lòng. Tôi sẽ tìm mọi cách lung lạc bọn quan tướng. Còn hoàng tử phải cố kết thân với con em bọn quyền quí ở đây, nhất là chiếm cho được cảm tình của mấy con chim cu Cổ Loa.
TRỌNG THỦY: -Nhưng con chim cu nào vậy?
ĐẶNG GIẢO: -Bọn Mị Châu, Nàng Sen,...
TRỌNG THỦY: -Mấy người con gái thô lậu ấy à.
ĐẶNG GIẢO: -Hoàng tử chớ coi thường. Cho chúng mang y phục Hoa hạ thì con gái trung nguyên chưa dễ mà sánh được. Làm sao cho chúng bỏ được những khăn, những váy, những áo nghịch mắt của chúng đi. (Cười đểu giả) Mà giả phỏng không được nếm đào tiên thì nếm mận dại cũng là một thứ của lạ chứ sao! Hoàng tử hãy luồn lách vào, xông vào! Đừng sợ mang tiếng. Đã là mèo hay cáo thì khoác bộ lông đen hay bộ lông trắng cũng vậy thôi, miễn là vồ được mồi.
TRỌNG THỦY (ngẫm nghĩ): -Nói cho công bằng thì phụ nữ xứ này sống bình dị hơn phụ nữ bên ta. Họ chỉ kém cái vẻ nền nã, tôn quí của các công nương Hán tộc. Họ múa hát cũng nhẹ nhàng, duyên dáng, song...
ĐẶNG GIẢO: -Thì sánh thế nào được với người của dân tộc lớn chúng ta. Ta phải làm sao cho tất cả thiên hạ đều thấm nhuần văn hoá Trung nguyên. Lúc đó, thế tất bốn phương man, di, nhung, địch(6) ắt sẽ qui phụ thiên quốc.
TRỌNG THỦY: -Giáo hoá người dị tộc chẳng dễ đâu.
ĐẶNG GIẢO: -Ta là Trung Quốc. Trung Quốc là vầng thái dương. Ánh thái dương phải xua tan mông muội. Ân đức và sức mạnh sẽ bình thiên hạ. Bình được thiên hạ, thái dương càng toả hào quang, Trung Quốc càng vĩ đại. Chúng ta ở đây sẽ ban phát ân đức, Phiên Ngung sẽ thi thố sức mạnh.
TRỌNG THỦY: -Tần Thủy hoàng chẳng đã từng thi thố sức mạnh ở xứ này rồi đó sao? Phụ vương ta chẳng đã bao phen tung sức mạnh ra rồi đấy sao? Kết quả là chúng ta phải khuất thân với lão Thục Phán cổ hủ này đây.
ĐẶNG GIẢO: -Vì ta chưa biết dùng ân đức.
TRỌNG THỦY: -Dùng ân đức như thế nào kia?
ĐẶNG GIẢO: -Đồng hoá chúng. Làm sao cho quan, tướng xứ này thích xênh xang áo mũ, hia hốt, cân đai kiểu như chúng ta. Làm sao cho bọn có máu mặt loá mắt vì lụa là, gấm vóc, bạc vàng, châu báu của người Trung nguyên ta. Làm sao cho dân xứ này thích học đòi theo ta, hướng về ta là tốt nhất. Lúc đó thì đất nào chẳng là đất nhà vua(7), dân nào chẳng là bề tôi nhà vua(7)? Vua chính thống Triệu Vũ vương ta, chứ chẳng phải vua ngụy Thục An Dương vương đâu.
TRỌNG THỦY: -Vậy thì ta còn phải làm cái việc dò xét vất vả và nguy hiểm làm gì?
ĐẶNG GIẢO: -Ồ! Hoàng tử dễ tính quá. Ân đức hoặc thu phục, hoặc phá ruỗng. Thu phục thường phải lâu dài và tốn kém. Mà không phải bao giờ cũng thành công. Cho nên thượng sách vẫn là phá ruỗng để dọn đường cho sức mạnh. Nhà Tần dựng nghiệp bằng bá đạo, chứ chẳng phải bằng vương đạo hay đế đạo, mặc dù tự xưng là hoàng đế. Vương đạo và đế đạo chỉ là huyền thoại. Đối với bọn dân đen và bọn dân man, cần ân đức giả và bá đạo thật. Ta đồng hoá chứ không khai hoá. Sách lược bình thiên hạ của thiên quốc từ xưa đã vậy. (Hất cằm ra hiệu) Lữ Phong đang đến kia, hoàng tử hãy tạm lánh đi để tôi nói chuyện với hắn.
(Trọng Thủy ra. Lữ Phong vào)
Kính chào Lữ đại phu.
LỮ PHONG: -Tôi chỉ là một bộ chúa của Âu Lạc có phải là đại phu nào đâu.
ĐẶNG GIẢO: -Ấy, tôi cứ quen như bên thiên quốc chúng ta, các quan to của các nước chư hầu vẫn thích được gọi là đại phu như thời Xuân Thu, Chiến Quốc. Tài đức như bộ chúa thừa sức làm một đại phu bên Trung Quốc.
LỮ PHONG (hơi phật ý): -Âu Lạc là lân quốc của Nam Việt, lại ở ngoài cương vực của Trung Quốc, nên không theo diển chế, triều nghi trung nguyên. Vả, không là nước chư hầu.
ĐẶNG GIẢO: -Bộ chúa quên mình là người Hoa rồi sao?
LỮ PHONG: -Tôi từ khi đem một phần bộ tộc lánh quân Tần sang đây được Thục vương dung nạp vẫn tự coi mình là thần dân Âu Lạc, tuy vẫn nhớ là người gốc Hoa.
ĐẶNG GIẢO: -Tuy bộ chúa đã hoà vào dân phiên bang này, gặp bộ chúa tôi vẫn cảm thấy như gặp người đồng hương. Phượng ở lẫn với gà nhưng phượng cứ là phượng. (Chuyển hướng tấn công) À, tiên sinh thường có được tin bên quê cũ không? Họ Lữ còn lại bên ấy được trọng vọng lắm. Phần mộ tổ tiên, tiên sinh cậy ai coi sóc?
LỮ PHONG (thở dài, giọng bùi ngùi): -Đã lạc bước lưu vong xa hàng mấy ngàn dặm thì âu đành theo mệnh trời.
ĐẶNG GIẢO: -Rồi sẽ có ngày tiên sinh vinh qui làm lễ đại tế tạ tội với các tiền nhân ngay nơi phần mộ, lo gì.
LỮ PHONG: -Làm sao có ngày ấy được?
ĐẶNG GIẢO: -Ngày ấy có được hay không, lâu hay chóng, tùy thuộc ở tiên sinh.
LỮ PHONG: -Tôi không hiểu.
ĐẶNG GIẢO: -Một khi Âu Lạc qui phụ đại quốc, tiên sinh sẽ là đại thần của Phiên Ngung, và biết đâu chẳng phải là của Tràng An(8). Chỉ có điều là tiên sinh muốn hay không muốn đó thôi.
LỮ PHONG: -Ngài muốn tôi từ bỏ Âu Lạc chăng?
ĐẶNG GIẢO: -Nam Việt vương có điều sở cậy tiên sinh.
LỮ PHONG: -Tôi được dân nước này cưu mang, Thục vương tin yêu chưa đền đáp được trong muôn một.
ĐẶNG GIẢO: -Làm bộ chúa một bộ chẳng qua chỉ như làm một huyện lệnh bên đại quốc, tiên sinh dùng chữ tin yêu e hơi quá chăng?
LỮ PHONG: -Tôi không có tham vọng cao hơn.
ĐẶNG GIẢO: -Sự thể lúc này là nếu Thục chúa không hoà với Nam Việt vương thì bọn Cao Lỗ sẽ nghi kị tiên sinh; còn nếu Thục chúa nghe theo Triệu vương thì Phiên Ngung sẽ không để yên cho một người thuộc Hán tộc phản bội Trung Quốc mà được Thục chúa sủng ái. (Ngừng một chút thăm dò tác động của những lời vừa nói) Thật ra xu thế ngày nay là Trung Quốc chăn dắt bốn phương. Tiên sinh xem: Đông di, Bắc địch, Tây nhung đều lần lượt qui phụ rồi. Các tộc Việt ở miền nam sông Dương tử, sau khi được người Trung nguyên xâm nhập, đang đồng hoá theo người Hán. Nước Nam Việt vốn không phải thuộc trung nguyên, thế mà nay đã là một bộ phận của Trung Quốc. Nếu Nam Việt cường thịnh lên lấn át được trung nguyên thì kinh đô thiên quốc ta không phải là Tràng An mà là Phiên Ngung. Nay Nam man chỉ còn mảnh đất Âu Lạc và vài xứ cực nam nữa thôi thì thấm vào đâu. Nếu tiên sinh không thức thời thì tôi lấy làm lo cho tiên sinh và bộ tộc của tiên sinh lắm vậy.
LỮ PHONG: -Tôi đã từng là nạn nhân thôn tính của Tần Thủy hoàng.
ĐẶNG GIẢO: -Thôn tính là thôn tính ngoại tộc. Tiên sinh là người Hán kia mà. Với dân man di sự bành trướng của người Hán là một thiên ân. Họ được một tộc vĩ đại che chở, tránh được cái hoạ không bảo được nhau. Nếu tiên sinh giúp cho quá trình nhất thống thiên hạ tất yếu của thiên quốc đối với nơi ngoại vực này diễn ra êm thấm, không hao tài tổn lực, thì tiên sinh vừa có công lớn với thiên quốc, vừa được ơn to với dân Nam man. Lúc ấy biết đâu người ta chẳng để tiên sinh kế vị Thục Phán làm chủ xứ này thay mặt thiên triều chăn dắt thần dân? Như Nam Việt vương vốn là người Chân Định bên trung nguyên đó.
LỮ PHONG: -Tôi tài hèn tí mọn, chưa kịp thấu triệt những lời ngài truyền dạy. Xin để cho dịp khác được nghe thêm những lẽ cao thâm. Bây giờ tôi có việc phải đi. Xin giã biệt.
ĐẶNG GIẢO: -Bái biệt đại nhân.
 Mỗi người ra một ngả.
 
MÀN
 
( Từ “Trung quốc” có từ đời Chu, nhưng chỉ một cương vực hẹp hơn ngày nay rất nhiều lần.
Bọn thống trị Trung quốc xưa cùng bọn có đầu óc đại Hán khinh các dân tộc xung quanh, gọi họ bằng những cái tên miệt thị: Nhung (phía tây), Địch (phía bắc), Man (phía nam), Di (phía đông –bao gốm cả bán đảo Triều Tiên).
Lấy ý câu “Phổ thiên chi hạ mạc phi vương thổ, xuất thổ chi tân mạc phi vương thần” của Sằn Doãn Vô Vũ dẫn trong Tả truyện.
Kinh đô nhà Hán đang thống trị nước Tàu lúc bấy giờ.