Chương 3 (B)

Kể thêm vài chuyện vặt biết trước của nhân vật này.
Nhân một lần ra Hà Nội, T. đang ngồi với năm ba anh em huynh đệ ở nhà ông M. một người bạn. T. vừa cười vừa bảo ông H.: “Vợ ông có một căn hộ cho thuê. Hôm trước có một cô thợ may đến gặp vợ ông hỏi thuê nhà. Vợ ông ra giá tám trăm ngàn. Cô thợ may xin thuê với giá bảy trăm ngàn. Vợ ông cuối cùng chấp nhận và bảo cô thợ may phải đặt trên cọc để nếu ai trả hơn cũng dành cho cô. Cô thợ may hỏi đặt cọc bao nhiêu? Vợ ông nói hai trăm. Cô thợ may lục túi chỉ có một trăm. Vợ ông bảo cũng được và nhận một trăm tiền đặt cọc. Chuyện này ông không biết. Chiều nay ông về hỏi vợ, nói lại những điều tôi nói xem có đúng không? Nếu đúng ông bảo vợ ông xuất một trăm đặt cọc đó xuống đây chiêu đãi anh em. Nếu sai hoặc không đúng tôi xin chịu phạt lại một trăm chiêu đãi”.
 
Chiều hôm đó, ông H. về gặp vợ nói lại những điều T. nói. Bà vợ trố mắt ngạc nhiên: "Chuyện này ngay ông cũng không biết, làm sao ông T. biết được?" Ông H. nói: "Bà chỉ trả lời ông T. nói đúng không thôi!" Bà vợ trả lời: “Hoàn toàn đúng!".
Ông H. không bảo vợ đưa tiền vì đoán chắc bà sẽ không đưa nên lấy tiền túi xuống gặp T., T. chỉ cười: “Cà rửng với các ông cho vui thôi, chứ lấy tiền bà ấy làm gì!".
Một chuyện khác. Một tuần trước khi đến gặp vợ ông H. hỏi thuê nhà, chính cô thợ may này đã đi xem một căn hộ khác. Xem xong cô về quán cơm chay trên đường Thái Hà gặp ông T. nhờ ông đi coi thử nhà này có hợp với cô không? Cô biết lúc này ông T. đang ở quán cơm chay với mẹ cô. Lúc này tôi (người viết) cũng đang có mặt tại đó. Cô thợ may vừa bước vào cửa, T. nói: “Tôi biết cô gặp tôi nhờ việc gì rồi! Cô đừng nói để tôi nói cho!".
Một lát sau. T. nói: "Cô định nhờ tôi đi xem căn hộ cô vừa đi xem về, có nên thuê không chứ gì? Tôi không cần đi, ngồi đây tôi đã xem kỹ nó rồi!". T. cười nói tiếp: “Căn hộ đó nằm ngay dưới chân một cái dốc hơi cao, nhà hai tầng, mặt bằng khoảng 30 mét vuông. Trước nhà phía bên phải có giàn giây leo rủ xuống lòng thòng. Có thể ở được nhưng không tốt lắm đối với hiệu may của cô. Nếu muốn thuê, cô phải làm các động tác tẩy uế! Tôi biết chỉ có vậy!" Cô thợ may quá đỗi ngạc nhiên, nghĩ làm sao ông biết tường tận như vậy! Cô trả lời: “Ông nói không sai một chi tiết nào!" Mẹ cô ngồi một bên nghe xuýt xoa thán phục.
Một hôm, tôi đang ngồi ở nhà T., có hai thanh niên, một nam, một nữ đến nhờ T. chữa bệnh. Bỗng T. nói luôn: “Này hai bạn không còn chỗ nào hôn nhau sao đi vào đường luồng trước nhà tôi ôm hôn nhau thắm thiết thế không sợ ai thấy người ta cười cho à!". Cả đôi nam nữ đỏ mặt tía tai ngồi im không dám có lời nào.
Chữa bệnh xong lúc chàng và nàng ra về, tôi theo ra cổng hỏi riêng chàng thanh niên: "Ông nói có đúng không?” Chàng thanh niên vừa thẹn vừa nói: "Thưa ông, bọn cháu mới yêu nhau, thấy đường luồng vắng vẻ nên có làm việc ấy thật, ông thông cảm cho!".
Một buổi sáng khác, vào lúc 11 giờ, một anh trung niên độ 40 tuổi là huynh đệ của T. đến rủ T. đánh cờ. T. cười cười bảo: "Này, ban đêm ông bận lắm hay sao, hay thiếu thì giờ mà 9 giờ sáng nay vợ chồng ông làm cái chuyện ấy giữa ban ngày, không sợ con cái nhìn thấy sao?” Ông bạn kia đỏ mặt phải thú thật: “Vợ mình nó biểu làm, không phải tại mình”. T. lại bảo: "Chuyện đó ông với vợ ông biết làm sao tôi biết được! Nhớ đừng để con biết, nó biết thì phiền đấy!".
Những chuyện vặt đó đối với T. là bình thường. Muốn biết điều gì, định thần là biết ngay.
 

*

Một câu chuyện nữa khá ly kỳ, rất khó tin mang nhiều tính huyền hoặc nhưng là chuyện có thật nên viết để các bạn rộng đường tham khảo.
Vào một buổi tối, khoảng 19 giờ, năm bảy anh em đang ngồi trong nhà với T.. bỗng nhiên T. hỏi: "Các ông đã bao giờ nhìn thấy một ngôi sao lạ trên bầu trời này chưa?". Mọi người trả lời chưa nhìn thấy và cũng không biết có chuyện đó. T. nói: trước khi chỉ cho các ông xem, tôi nói qua về chuyện ngôi sao này. Đến tháng này thì sao lạ mới xuất hiện trên đầu chúng ta. Qua theo dõi ngôi sao nhiều lần, một số chiêm tinh gia nước ngoài phát hiện ở vùng này có một nhân vật lạ. Họ cử người đến gặp nhân vật đó và tìm mọi cách thuyết phục dụ dỗ. Nếu đi với họ sẽ được trọng vọng, sung sướng, không bị trù dập, không khổ như hiện nay. Nhân vật này nói thẳng với họ là không bao giờ rời khỏi quê cha đất tổ, nơi chôn rau cắt rốn của mình. Thấy không dụ dỗ được, họ dùng đủ mọi cách họ có được để thực hiện bằng được ý định trên. Chuyện đó nói sau, bây giờ các ông ra ngoài sân nhìn lên trời đi!".
Thấy chuyện lạ, tất cả anh em có mặt đều ra sân. Nhìn lên chỉ thấy bầu trời đen kịt, đầy mây đang vần vũ, trần mây rất thấp. Ngoài ra không thấy gì khác. T. nói: "Các ông cứ yên tâm theo dõi, chốc lát rồi sẽ thấy". Nói xong, anh em thấy T. đưa cả hai tay lên trời khoác đi, khoác lại. Độ năm phút, những đám mây đen tản ra để lộ một khoảng trời xanh thẳm với một ngôi sao sáng chói. T. nói: "Thấy rồi phải không. Thôi vào nhà đi, trời sắp mưa đấy!". Anh em không ai chịu vào, đứng nhìn mãi ngôi sao cho đến khi những đám mây đen kéo trở lại che kín ngôi sao và cả khoảng trời.
Trở lại chuyện các chiêm tinh gia. Không dụ dỗ được T. theo họ, họ thuê người chờ lúc T. không có nhà giả làm người bệnh đến bí mật, yếm bùa trước cổng, chung quanh nhà. Mỗi lần có người đến đặt bùa, T. về đến cổng là biết ngay, moi lên đốt đi. Đã bốn lần như vậy. Đến lần thứ năm, cũng là lần cuối cùng thì sự việc diễn ra khác những lần trước. Diễn biến câu chuyện như sau:
Hôm đó T. đang trong nhà bỗng có một đoàn khách gồm năm người trong đó có ba người lạ mới đến lần đầu có một người làm phiên dịch. T. mời ngồi và câu chuyện bắt đầu.
Một vị đứng lên nói: "Chúng tôi ở xa, được biết ông là người có nhiều tài năng đức độ nên đến thăm sức khoẻ ông. Nếu ông đồng ý chúng ta ra ngoài vườn nói chuyện thoải mái hơn và xin phép ông cho vài người ở lại thắp hương trên bàn thờ gia tiên”. T. đồng ý. Thế là T. ra vườn với ba bị khách. Ngoài vườn, dưới hàng cau có bóng cây râm mát, có sẵn ghế nhựa để anh em đến đánh cờ.
An tọa xong, vị khách tỏ lời ca ngợi, mến mộ việc T. chữa bệnh có hiệu quả mà không lấy tiền của ai và nhiều tài năng khác. Bỗng nhiên T. đứng lên nói với một thái độ nghiêm trang. "Các ông bảo đến thăm tôi với thiện chí và tấm lòng trân trọng, vậy các ông hãy vào nhà, tôi sẽ chứng minh thiện chí của các ông". Nói xong, T. lặng lẽ đi vào nhà buộc các vị khách phải đi theo.
Vào nhà T. vọt lên bàn thờ cao lật chiếc lư hương lấy ra một gói nhỏ mở ra nói: "Đây, thiện chí của các ông đây! Tôi nói để các ông biết, từ lúc các ông vào đây tôi đã biết các ông từ đâu đến, đến đây định làm gì, không qua mặt tôi được đâu”. Các vị khách im như thóc, mặt tái ngắt, không nói được lời nào. T. nói tiếp: 'Tôi còn biết rõ lá bùa này các ông nhằm mục đích gì. Nhưng thôi lần này tôi cảnh cáo các ông, các ông về đi! Xe các ông để ngoài đường 1, tôi biết rồi!".
Trước khi ra về, các vị khách chỉ còn biết xin lỗi. Ra đường, lên xe, chạy tới cầu xe bị nổ lốp không đi được. Các vị hiểu nguyên nhân xe nổ lốp chứ lốp tốt làm sao nổ được! Để lái xe thay lốp, các vị quyết định kéo trở lại gặp T.
Gặp lại T., các vị hoàn toàn bị thuyết phục, thay đổi hẳn thái độ, thành khẩn xin lỗi thực sự. Một vị nói: "Chúng tôi tuy có biết, nhưng điều chứng tôi không ngờ là tài năng ông đã đạt đến độ cao siêu như vậy! Hết sức thành thật một lần nữa mong ông thứ lỗi cho". T. đáp: “Tôi nói rồi, tôi không làm hại các ông đâu, chỉ cảnh cáo các ông thôi, nhớ đừng bao giờ coi thường người Việt Nam. Tôi chẳng là cái gì đâu! Đất nước này còn nhiều người tài hơn tôi nhiều! Được rồi, các ông về đi, xe thay lốp xong rồi đó!".
Vậy là những vị "khách quý" ra về.
Viết những dòng này, chúng tôi càng thấy tự hào về dân tộc mình, đất nước mình. Quả là một dân tộc anh hùng, với những người con có nhiều tài năng trên nhiều mặt.