Dịch giả: Vũ Trấn Thủ
Trần Phú Thuyết
Chương 26

Mồng mười tháng Ba, từ chiều tối, sương mù đổ xuống Grêmiatsi Lốc. Trời sắp sáng thì tuyết tan trên các mái nhà rỏ xuống róc rách: từ mạn nam, từ núi đồi thảo nguyên thổi tới làn gió nồm ẩm. Đêm đầu tiên đón xuân về thoáng hơi mát gió xuân, đêm chìm trong tĩch mịch, trong màn sương bồng bềnh nom như một màn lụa đen, trùm lên Grêmiatsi Lốc. Đến nửa buổi, màn sương đã hồng lên mới tan đi, để lộ ra bầu trời và vầng thái dương; từ phương nam gió thốc tới, bây giờ thì ào ào từng đợt. Tuyết to hạt lún xuống, tan chảy thành từng dòng, chỗ róc rách, chỗ cuồn cuộn. Các mái nhà trở lại sâm sẫm, đường xá sũng lên những vũng nước đen đen. Khoảng trưa thì nước trên núi, trong vắt như nước mắt, cuộn lên sùng sục qua các khe, lũng lòng chảo, ào ào đổ xuống thành hằng hà sa số những giòng thác nhỏ chảy vào các khu đất trũng, các cánh rừng thấp ven sông, các vườn tược, ngâm sũng các nhánh rễ đắng của cây anh đào, dâng ngập những đám lau sậy hai bên bờ sông.
Ba ngày sau, gò đống đã phô trơ đất ra đón gió bốn phương, các sườn đồi được rửa sạch sáng ánh lên lớp đất sét ướt, nước khe đá đục ngầu lại, cuốn theo dòng chảy cuộn sóng sùng sục của mình những đám bọt phồng lên vàng vàng, những khóm rễ sạch bong, những túm cỏ khô còn sót trên các ruộng cày, những bụi kim ngư bị nước cuốn đi.
Con ngòi chảy qua Grêmiatsi Lốc nước dâng tràn bờ. Từ đâu đó trên thượng nguồn của nó lềnh bềnh trôi về những tảng băng xanh xanh lấp lánh ánh nắng. Ở những quãng uốn khuỷu, chúng trôi ra khỏi dòng, quay tròn và va vào nhau, như những con cá khổng lồ trên bãi đẻ trứng. Đôi lúc dòng nước hất chúng lên bờ dốc ngược, và có lúc một tảng băng trôi theo dòng lũ đổ ra sông, lao vào trong các vườn tược, lềnh bềnh giữa cây cối trong vườn, va chan chát vào các thân cây, làm gãy những cây non, làm xây xát những cây táo, vít cả những bụi anh đào rậm rạp xuống.
Ngoài làng những đám ruộng ải đã sạch tuyết nổi sẫm lên như vẫy gọi. Xế trưa, lớp đất đen màu mỡ bị lưỡi cày xới lộn lên bốc hơi nghi ngút. Một không khí tĩnh mịch bát ngát và dễ chịu ngự trị thảo nguyên vào những giờ trưa. Bên trên ruộng cày, vầng mặt trời, làn hơi nước trắng màu sữa, tiếng hót rộn ràng của con sơn ca đầu mùa, và tiếng gọi nhau của đàn sếu bay thành hình tam giác đều, lao mũi nhọn khoảng không xanh biếc của bầu trời không gợn bóng mây. Trên đỉnh các gò đống, hơi nóng bốc lên tạo thành ảo ảnh mặt nước lăn tăn; ngọn cỏ non xanh, dài và nhọn như lưỡi mác, chọc thủng thân cỏ năm qua đã chết khô, vươn lên ánh sáng. Lúa mì gieo đông gió thổi hong khô dường như kiễng chân ngỏng lên, vươn ngọn lá nhỏ hứng lấy tia nắng rực. Nhưng trên thảo nguyên sự sống vẫn còn rời rạc lẻ tẻ. Cu ly và chuột đồng vẫn còn say sưa giấc ngủ mùa đông, các giống thú vẫn ẩn náu trong rừng và khe vực. Thảng hoặc mới thấy một chú chuột đồng lủi qua bãi cỏ dại và những con đa đa chia đàn thành từng cặp vợ chồng bay về những cánh đồng ủ đông.
Đến ngày 15 tháng Ba thì ở Grêmiatsi Lốc thóc giống đã nhập xong. Nông dân cá thể giao thóc vào một kho riêng, chìa khoá kho do ban quản trị nông trang giữ, còn thóc của nông trang viên thì chất đầy ắp sáu gian kho tập thể. Người ta mang thóc ra sàng sảy bằng máy cả ban đêm nữa, dưới ánh sáng ba cây đèn bão. Trong lò rèn của bác Ipôlít Salưi, chiếc bễ miệng rộng hoác thở phì phà phì phò tới tận tối mịt, búa dọt làm bắn văng những hạt lửa vàng và đe vang rộn rã. Bác Salưi làm dấn một lèo đến 15 tháng Ba thì sửa xong tất cả những đồ mang đến cho bác: bừa, cày, máy gieo. Và tối hôm 16, tại trường học, trước mặt đông đủ bà con nông trang viên, Đavưđốp đã trao tặng bác những dụng cụ đồ nghề anh mang ở Lêningrát đến, làm phần thưởng. Anh phát biểu:
- Chúng tôi trong ban quản trị nông trang xin trao những dụng cụ này cho bác phó rèn thân mến của chúng ta, đồng chí Ipôlít Salưi, để tặng thưởng bác đã làm việc thực sự gương mẫu đáng để tất cả bà con nông trang viên ta noi theo.
Đavưđốp - để đi dự buổi lễ trao giải thưởng long trọng này cho bác thợ rèn làm việc gương mẫu đã cạo mặt nhẵn nhụi và mặc chiếc áo săngđay giặt sạch tinh tươm – cầm đống dụng cụ bày trên vuông vải đỏ nhấc lên, còn Anđrây Radơmiốtnốp thì đẩy lên bục bác Ipôlít mặt đỏ dừ.
- Thưa đồng bào, cho đến ngày hôm nay đồng chí Salưi đã hoàn thành một trăm phần trăm công việc sửa chữa nông cụ, thực tế thế! Tổng cộng đồng chí ấy đã lắp xong năm mươi tư lưỡi cày, sửa được mười hai máy gieo các loại sẵn sàng hoạt động, mười bốn chiếc cày xới.v.v. Xin đồng chí vui lòng nhận món quà anh em này của chúng tôi tặng đồng chí làm phần thưởng, và để làm sao cho sau này, lạy trời, bố già nhà ta bao giờ cũng xung phong gương mẫu như vậy; làm sao cho nông cụ của ta luôn luôn được bảo quản tốt, thực thế! Và bà con ta nữa cũng phải xung phong gương mẫu như thế trong sản xuất, có như vậy ta mới xứng đáng với tên gọi của nông trang ta, nếu không thì chúng ta chỉ là một trò cười nhục nhã cho toàn Liên bang xôviết mà thôi, thực tế thế!
Dứt lời, Đavưđốp bọc món tặng phẩm lại bằng tấm xatanh đỏ dài ba mét, trao cho bác Salưi. Bà con Grêmiatsi chưa biết vỗ tay hoan hô, nhưng khi bác Salưi đưa hai bàn tay run rẩy ra đón lấy gói xatanh đỏ thì cả hội trường nhao nhao lên:
- Đáng công đáng của lắm!
- Cũ mà sửa thành mới toanh.
- Đồ nghề để ông lão, còn xatanh thì mang về cho bà lão may áo dài!
- Ipôlít, khao đi thôi, ông nhọ chảo ơi!
- Tung nào (°)
- Thôi đi, quỷ sứ! Ông ấy tung hoành quanh đe như thế là đủ rồi!
Tiếp đó là tiếng hò hét chuyển thành một tiếng ầm ầm liên tục, nhưng rồi bác Suka cũng át được tiếng ồn ấy bằng cái giọng đàn bà the thé của mình:
- Sao đứng ỳ cục thịt ra thế, ông ơi! Mở miệng ra đi! Phát biểu tí cảm tưởng chứ! Người đâu mà lành như đất vậy! (°°)
Bà con hưởng ứng bác Suka, hò la, nửa thật, nửa tếu:
- Đêmít Miệng hến phát biểu thay đi thôi!
- Ông Ipôlít ơi, phát biểu mau lên, kẻo quay lơ ra đấy bây giờ!
- Nom kìa, chân cẳng ông ấy run bần bật!
- Mừng quá nuốt chẳng mất lưỡi rồi chắc?
- Phát biểu thì gay hơn quai búa rồi!
Nhưng Anđrây Radơmiốtnốp vốn thích nghi thức long trọng và hôm nay điều khiển buổi lễ trao giải thưởng, đã dẹp được ồn ào, đưa hội nghị đang nhốn nháo trở lại trật tự:
- Từ từ chứ nào, bà con ơi! Làm gì mà loạn lên như vậy? Mùa xuân động cỡn cả rồi hay sao? Vỗ tay cho tử tế chứ ai lại gào lên thế bao giờ! Yêu cầu im lặng, để cho người ta có vài ý kiến chứ! – Rồi anh quay sang bác Salưi, thúc ngầm cho một quả vào mạng mỡ, rỉ tai bảo: - Hít mạnh một cái lấy hơi rồi phát biểu đi, ông nội ơi. Đề nghị nói dài dài tí vào, như một nhà thông thái ấy chứ. Hôm nay bác là đầu trò của buổi lễ long trọng này đấy, phải đọc một bài diễn văn chính quy, đàng hoàng vào.
Bác Ipôlít, xưa nay vốn chẳng được đề cao, suốt đời chưa từng đọc một bài diễn văn “đàng hoàng” bao giờ cả, và làm giúp bà con làng xóm công xá thường chỉ là một chầu cay gọi là mà thôi, hôm nay trước tặng phẩm của ban quản trị và buổi lễ trao quá ư long trọng này, có bao nhiêu tinh thần bay đi đâu mất sạch. Hai tay bác ôm khư khư bọc lụa đỏ vào ngực cứ run bắn; hai cẳng chân bác xưa nay đứng trong lò rèn giạng háng ra vững như bàn thạch, cũng run bắn… Vẫn ôm khư khư cái bọc, bác đưa cánh tay áo lên quệt giọt nước mắt rưng rưng, chùi cái mặt nhân dịp đặc biệt nay đã được lau rửa kỳ cọ đến phát đỏ ửng lên. Rồi phát biểu, giọng khàn khàn:
- Dụng cụ này, đối với chúng tôi, tất nhiên là rất cần.. Xin đa tạ… Đa tạ ban quản trị, đa tạ gói tặng phẩm này… Một lần nữa xin rất là một sự đa tạ! Nghĩa rằng thì là… tôi bố mẹ sinh ra là thợ rèn và có thể… bây giờ lại làm nông trang viên rồi, tôi xin hết lòng… Còn tấm xatanh này, dĩ nhiên là để dành cho bà nó nhà tôi… - Bác nhớn nhác nhìn quanh gian lớp học chật nêm người, tìm bà lão, trung bụng ngầm hy vọng bà lão sẽ cứu nguy cho bác. Nhưng không nhìn thấy bà lão đâu cả, bác thở dài đánh sượt một cái và kết thúc bài diễn văn chẳng lấy gì làm đàng hoàng lắm của bác: - Thưa đồng chí Đavưđốp, xin rất là một sự cám ơn đồng chí, cám ơn nông trang… về cái món dụng cụ bọc trong tấm xatanh này, về sự cố gắng của chúng ta!
Radơmiốtnốp thấy bài diễn văn bối rối của bác Salưi sắp hết đến nơi rồi, cuống quýt ra hiệu hoài cho bác. Bác chẳng thèm để ý đến hiệu của anh, cúi chào hội nghị, rời khỏi diễn đàn, hai tay bưng gói tặng phẩm giơ ra đằng trước như bê một đứa trẻ đang ngủ.
Nagunốp giật vội cái mũ lông trên đầu xuống, vẫy ra hiệu; ban nhạc gồm hai cây đàn và một vĩ cầm cử hành bài “Quốc tế ca”.
---------------------------
(°) Phong tục phương Tây: để hoan hô ai, người ta xúm lại tung người ấy lên trời, đỡ lấy khi rơi xuống, tung tiếp nhiều lần. – ND.
(°°) Nguyên văn: ông ấy do hai khúc gỗ lấy nhau đẻ ra. – ND.

*

Các đội trưởng sản xuất Đúpxốp, Liubiskin, Đemka Usakốp ngày nào cũng cưỡi ngựa ra thảo nguyên xem xem đồng đã có thể cho cày, gieo được chưa. Mùa xuân tràn về thảo nguyên trên những ngọn gió khô hanh. Ngày đã đẹp trời, và đội sản xuất số 1 đã chuẩn bị sẵn sàng để cày khoảng ruộng cát xám thuộc diện tích của đội.
Tổ tuyên truyền đã được gọi về ấp Vôxkôvôi, nhưng theo đề nghị của Nagunốp, Kônđrátkô đã để Ivan Naiđênốp ở lại Grêmiatsi trong thời gian gieo hạt.
Phát phần thưởng cho bác Salưi hôm trước thì hôm sau Nagunốp cắt đứt với Luska. Cô ả dọn đến ở với bà dì họ sống riêng biệt ở một nơi, ở lì đó hai ngày không ló mặt đi đâu, rồi một bữa gặp Đavưđốp quãng gần trụ sở nông trang, ả giữ anh lại hỏi:
- Bây giờ tôi sống làm sao đây, hả đồng chí Đavưđốp? Góp ý kiến với tôi một tí.
- Thế mà cũng hỏi tôi à! Sắp tới, chúng tôi định tổ chức vườn trẻ, hay cô vào đấy mà làm?
- Cám ơn, chứ chịu thôi! Con cái chả có, bây giờ lại đi dỗ con người ta à? Anh xem còn cách nào khác không?
- Thế thì xuống đội sản xuất.
- Tôi không phải người chân lấm tay bùn, làm đồng là bị hoa mắt chóng mặt…
- Xin lỗi, cô yểu điệu quá nhỉ! Thế thì cô cứ việc đi nhởn, rồi đừng ăn nữa. Nguyên tắc của chúng ta là “không làm không ăn”.
Luska thở dài, lấy giày mũi nhọn bới bới mặt cát ẩm và cúi đầu nhìn xuống:
- Anh bạn Chimôphây của tôi có gửi cho tôi một lá thư từ Kốtlax trên miền bắc… Anh ấy hẹn nay mai sẽ về.
- Chuyện phất phơ! – Đavưđốp mỉm cười; - Và nếu hắn về thật, chúng tôi sẽ tống đi xa hơn.
- Nghĩa là đối với anh ấy thì không có khoan hồng?
- Không! Cô đừng đợi làm gì, và đừng ăn bơ làm biếng nữa. Phải lao động đi, thực tế thế! – Đavưđốp trả lời gay gắt và định bỏ đi nhưng Luska níu anh lại, vẻ hơi bối rối. Giọng ả run run có chiều lả lơi giễu cợt khi ả dài giọng ra hỏi:
- Anh có thể giới thiệu cho tôi một anh chàng ế xưng nào làm chồng được không?
Đavưđốp điên tiết nhe nanh ra, cấm cảu nói:
- Tôi rỗi hơi đi làm việc ấy! Thôi, chào cô.
- Hượm đã! Tôi hỏi thêm cái này!
- Hỏi gì?
- Thế anh không muốn lấy tôi à? – Giọng Luska rõ ra cái ý giễu cợt và khiêu khích trắng trợn.
Bây giờ đến lượt Đavưđốp bối rối. Anh đỏ dừ mặt, môi mấp máy mà không nói được câu gì.
Luska làm bộ nhũn nhặn, nói tiếp:
- Nhìn thử em một tí, đồng chí Đavưđốp ơi! Em xinh đấy chứ, để mà yêu thì cũng tuyệt… Anh xem đây: mắt em đẹp này, lông mày cũng đẹp này, đùi cẳng nom cũng hay, tóm lại là tất… - Ả lấy đầu ngón tay khẽ vén tà váy len màu hoa lý lên, uốn éo quay một vòng trước mặt Đavưđốp đang đứng ngây tán tàn: - Đẹp hay xấu? Thế nào, nói đi chứ, anh…
Đavưđốp hất ngược cái mũ cátkét ra sau gáy trong một cử chỉ tuyệt vọng, đáp:
- Cô thì mê ly rồi, khỏi nói. Đùi cẳng đẹp thật, chỉ có điều là… có điều là với đùi cẳng ấy thì cô không đi đến chỗ cần đi thôi, thực tế thế!
- Thì em muốn đi đâu thì cứ đặt chân đến đấy chứ! Thế nghĩa là em không nên hy vọng gì ở anh ư?
- Tốt hơn hết là cô không nên hy vọng.
- Anh đừng tưởng em chết mê chết mệt vì anh hay muốn bám lấy anh đâu. Em chỉ thương hại anh mà thôi. Em nghĩ bụng: “Anh chàng này vợ con chả có, sống một mình, xa lánh với đàn bà…”. Và mỗi lần anh nhìn em, em đâm ra thấy ái ngại: anh có vẻ thèm rõ dãi.
- Cái cô này, có thánh mà hiểu cô… Thôi, xin chào cô! Tôi đang bận, không có thì giờ đứng với cô. – Và tiếp thêm một câu dí dỏm: - Chờ đấy, gieo xong, lúc ấy tha hồ cho cô tấn công anh chàng cựu thuỷ binh này, có điều là phải xin phép Maka đi đã!
Luska cười khanh khách, nói đuổi theo anh:
- Anh Maka lúc nào cũng giơ cách mạng thế giới ra đánh bài lảng với tôi, còn anh thì gieo giống! Xin kiếu thôi, các ông anh ơi! Hạng như các anh tôi chả thiết! Tôi cần tình yêu rạo rực kia, còn cái kiểu này thì chán lắm! Công tác đã làm máu trong người các anh nguội lạnh đi rồi, cảnh sống này thì chán ngấy lắm rồi.
Đavưđốp đi đến trụ sở, miệng lơ đãng mỉm cười. Anh nghĩ bụng: “phải giao cho cô ả một công tác gì, kẻo cô gái yêu kiều này lại lạc đường lối. Ngày thường mà cô ả cứ diện, và ăn nói đến hay…”. Rồi chậc lưỡi, nghĩ: “Chà, thì mặc xác nó! Nó còn bé bỏng gì nữa, tự nó phải hiểu. Mình đâu phải một bà tư sản chuyên lo việc từ thiện? Mình đã xếp công ăn việc làm cho nó, nó không muốn. Thì cứ việc nhởn nhơ!”.
Gặp Nagunốp, anh hỏi gọn lỏn:
- Cắt đứt rồi à?
- Thôi, đừng hỏi nữa! – Nagunốp vừa càu nhàu vừa ngắm nghía đầu móng những ngón tay dài ngoẵng của anh với một vẻ quá chăm chú.
- Mình muốn hỏi…
- Mình không muốn trả lời!
- Quỷ tha ma bắt cậu đi! Bây giờ lại cấm hỏi nữa đấy!
- Đội một đáng lẽ phải xuất quân hôm nay rồi, nhưng họ cứ lần lữa.
- Cậu nên uốn nắn Luska, cô ấy sẽ làm bừa bãi bây giờ.
- Mình là cha cố để cứu vớt nó đấy à? Anh mặc xác tôi! Tôi nói chuyện với anh về đội một, chuyện mai phải bắt họ ra đồng…
- Mai đội một sẽ ra đồng… Cậu tưởng là đơn giản thế ư: cắt đứt, thế là hết chuyện à? Sao cậu không muốn giáo dục một người đàn bà theo tinh thần cộng sản? Cậu chẳng được cái tích sự gì cả, thực tế thế!
- Mai mình cũng sẽ ra đồng với đội một… Mà sao cậu cứ bám lấy mình như đỉa đói thế vậy? Giáo dục, lúc nào cũng giáo dục! Mình giáo dục thế quái nào được nó trong khi chính mình cũng chẳng được giáo dục tí chó nào? Mình cắt đứt với nó rồi. Còn muốn gì nữa? Cậu dai thật, Xêmiôn ạ, cứ như chão rách!... Lại còn chuyện thằng Banhích kia nữa! … Mình còn phải lo chuyện mình, thế mà cậu cứ lải nhải mãi với mình về con vợ cũ của mình…
Đavưđốp vừa định đối đáp lại thì ngoài sân trụ sở vang lên tiếng còi ô tô. Chiếc xe “Pho” của huyện lắc lư chạy vào, thanh lá chắn rẽ nước tuyết tan thành vũng. Xamôkhin, trưởng ban kiểm sát huyện, mở rộng cửa xe, bước xuống.
- Đến về việc mình đây…- Nagunốp nhăn mặt lại và hầm hầm nhìn Đavưđốp: - Cậu chú ý, đừng có nói linh tinh gì với hắn về con vợ mình, kẻo hắn đút mình vào nhà tu kín đấy! Lão Xamôkhin này, cậu có biết hắn thế nào không? Hắn sắp vặn vẹo: “Tại sao li dị, và li dị trong hoàn cảnh nào?”. Đối với hắn, một anh cộng sản mà li dị vợ là một nhát dao đâm vào tim hắn. Hắn là cha cố chứ không phải là uỷ viên kiểm sát công nông. Mình không sao chịu nổi cái con quỷ trán dô ấy! Chà, mình mà vớ được thằng Banhích bây giờ nhỉ! Quân chó má ấy, lẽ ra phải giết quách nó đi và…
Xamôkhin bước vào, tay vẫn ôm cái cặp vải sơn, chẳng chào hỏi, nửa nạc nửa mỡ hỏi luôn:
- Thế nào, Nagunốp, cậu làm lôi thôi gì vậy? Vì cậu mà trời đất thế này mình phải chạy nhông đây. Anh đồng chí nào đây nhỉ? Có phải Đavưđốp không? À, xin chào! – Anh bắt tay Nagunốp và Đavưđốp, rồi ngồi vào bàn: - Này đồng chí Đavưđốp ạ, cho chúng mình nói chuyện riêng độ nửa tiếng, mình có tí việc với con người độc đáo này (và trỏ Nagunốp).
- Vâng, cứ tự nhiên.
Đavưđốp đứng dậy đi ra, rất đỗi ngạc nhiên nghe thấy Nagunốp, vừa mới rồi còn yêu cầu anh đừng hở ra chuyện anh ta cắt đứt vợ, càu nhàu nói với Xamôkhin (chắc là sau khi đã kết luận rằng nói gần nói xa chẳng qua nói thật):
- Tôi đã đánh nhừ từ một tên phản cách mạng, đúng thế, nhưng chưa hết đâu, đồng chí Xamôkhin ạ…
- Lại còn cái gì nữa?
- Tôi đuổi cổ con vợ tôi đi rồi!
- Sa-a-ao? – Anh chàng Xamôkhin gầy nhẳng, trán dô, hoảng hốt thốt lên một tiếng, và thở phì phà phì phò, lẳng lặng lục cặp, lôi giấy tờ sột soạt…