Dịch giả: Vũ Trấn Thủ
Trần Phú Thuyết
Chương 34

Bên đường là một ngọn đồi mộ. Trên đỉnh đồi dãi dầu sương gió, những thân cành trụi thui lụi của cây ngải và cỏ kim hoa lứa năm ngoái rì rào buồn bã. Những bụi cỏ lau nâu nâu rầu rĩ ngả rạp xuống đất. Những đám cói dại vàng vàng lông tơ phơi ra trên sườn đồi, từ đỉnh xuống đến chân. Xám xịt một màu ảm đạm, phai bạc nắng mưa, chúng rải ra trên mảnh đất cổ xưa bị phong hoá này những cành ngọn xơ xác của chúng, nom già nua héo hắt, cằn cỗi, ngay cả vào mùa xuân giữa lúc muôn loài cây cỏ tưng bừng nở hoa, và chỉ đến lúc cuối thu về chúng mới rực rỡ lên, lóng lánh màu trắng kiêu hãnh của tuyết sương. Và chỉ đến mùa thu thì ngọn đồi mộ mới dường như thức tỉnh dậy trong tấm áo giáp vẩy bạc, đứng lên sừng sững trấn giữ thảo nguyên.
Mùa hè, chiều chiều, một con đại bàng thảo nguyên từ trên chín tầng mây nhào xuống đỉnh đồi mộ. Nó vỗ cánh phành phạch buông mình đậu xuống ngọn đồi, vụng về nhảy vài ba bước, rồi lấy chiếc mỏ quặp rỉa đôi cánh nâu xoè ra như cái quạt, rỉa bầu diều phủ lông màu rỉ sắt. Rồi nó đứng lên, thiu thiu, đầu ngửa ra sau, đôi mắt màu hổ phách viền đen đăm đăm nhìn lên bầu trời xanh muôn thuở. Con đại bàng đậu không nhúc nhích, nâu nâu hoe vàng, nom như một khối ngọc nguyên sinh, nghỉ ngơi một lát trước buổi săn chiều, rồi lại nhẹ nhàng cất cánh bay đi. Và cho đến lúc mặt trời lặn, người ta còn trông thấy nhiều lần bóng xám đôi cánh oai hùng của nó lướt trên thảo nguyên.
Gió thu lạnh lẽo sẽ đưa nó tới nơi đâu? Tới dãy núi Cápcadơ xanh lam chăng? Hay tới vùng thảo nguyên Maganxkơ! Tới miền Ba Tư? Hoặc sang tận Ápganixtan?
Về mùa đông, khi ngọn đồi mộ khoác tấm áo tuyết trắng lông chồn bạc, hằng ngày, trong bóng chạng vạng xanh lam của buổi trước bình minh, một chú cáo già lông xám lại hiện ra trên đỉnh đồi. Nó đứng đó hồi lâu, như chết, nom như tạc bằng đá cẩm thạch Karakơ màu vàng lửa, cái đuôi xù xì màu hung hung buông thõng xuống mặt tuyết tim tím, cái mồm nhọn với đầu mõm phơn phớt đen vươn ra đón ngọn gió. Lúc đó, chỉ có cái mũi ươn ướt như tạc bằng đá mã não của nó là đang sống trong cái thế giới ngào ngạt của trăm nghìn mùi hương hoà quyện, đôi cánh mũi mấp máy mở rộng hít lấy hít để nào là mùi tuyết nhàn nhạt bao trùm lên tất cả, nào là mùi cay hăng hắc của cây ngải chết khô vì băng giá, nào là mùi phân cỏ tươi của ngựa từ con đường gần đó đưa tới, nào là hương vị thoang thoảng, ngây ngất lạ thường của một ổ chim đa đa giấu mình trong bờ cỏ dại xa xa.
Trong mùi chim đa đa ấy có biết bao nhiêu sắc hương quyện lại đến nỗi cáo muốn hít cho đã, buộc phải rời ngọn đồi, chân không nhấc khỏi mặt tuyết lấp lánh như sao, lê cái bụng nhẹ bỗng, bám đầy hạt băng, qua những ngọn cỏ dại, trườn đi một quãng dăm chục xagien. Và đến lúc ấy mới lùa vào đôi cánh mũi đen đen của nó luồng hương thơm đốt cháy xúc giác nó: mùi chua nồng của cứt chim tươi và mùi lông chim gồm hai mùi gộp lại; ẩm hơi tuyết, lông chim cọ xát với cỏ toả ra mùi ngải cay cay nhiễm được ở cỏ, đó là lớp ngoài, còn dưới lớp xanh xanh cho đến phần nửa dưới cắm vào thịt, nó toát lên mùi máu nồng mằn mặn…
… Lớp đất đắp bạ vào ngôi mộ bị gió hanh xỉa, bị nắng trưa nung, bị mưa rào xói lở, bị những cơn băng giá tháng Giêng xé nứt nẻ, nhưng đồi mộ vẫn trơ gan trấn ngự thảo nguyên y như xưa kia, bao nhiêu trăm năm về trước, khi nó được bàn tay ngăm ngăm đen đầy vòng xuyến của những người vợ, bàn tay của binh lính, của bà con thân thích, của nô lệ xây đắp lên trên thi hài của một vị hoàng thân bộ tộc Pôlôvétxkơ được an táng theo quân lễ…
Ngôi mộ đứng dựng trên một ngọn đồi cao cách Grêmiatsi Lốc tám dặm, và từ ngày xửa ngày xưa đã được dân kô-dắc gọi là Ngôi mộ Tang tóc. Tục truyền rằng ngày xưa một chiến thương kô-dắc đã chết dưới chân đồi này, có lẽ chính là người được nhắc đến trong bài dân ca cổ:
… Vung kiếm sắc, anh chém toé lửa,
Nhen đốt mớ ngải cứu cháy bùng
Anh đun, đun kỹ nước suối trong
Dội vào vết tử thương, anh rửa:
"Ôi vết thương, vết thương của ta máu chảy ròng ròng
Buốt tận đáy tim ta nhức nhối cả lòng!..."
… Nagunốp phi nước đại một mạch ra cách khỏi làng huyện uỷ đóng khoảng chục dặm, tới gần ngôi mộ Tang tóc mới dừng lại. Anh nhảy xuống, đưa bàn tay gạt đám bọt như bọt xà phòng trên cổ ngựa xuống.
Tiết trời ấm áp, như ít thấy vào cữ đầu xuân. Nắng hun nóng mặt đất như nắng tháng Năm. Một ráng khói lam bồng bềnh phía chân trời nhấp nhô như sóng lượn. Từ mặt đầm thảo nguyên xa xa, gió đưa về tiếng ngỗng quàng quạc, tiếng vịt giời hoà giọng, tiếng kêu rền rĩ của chim mỏ nhát.
Maka tháo hàm thiếc cho ngựa, buộc cương vào một cẳng trước của nó và nới đai bụng cho nó. Con ngựa hau háu vươn tới đám cỏ non, vừa bước vừa vặt những bụi cỏ lứa năm ngoái đã khô cháy.
Một đàn vịt giời lướt qua trên đỉnh đồi mộ, vỗ cánh rào rào. Chúng sà xuống đầm. Maka, đầu óc trống rỗng, nhìn theo đàn chim bay, nhìn chúng buông mình xuống mặt hồ như những hòn đá rơi, nhìn nước hồ quanh bãi sậy bị chúng khua lên sôi sùng sục. Liền đó một đàn ngỗng giời bị khuấy động bay vụt lên khỏi mặt đê.
Thảo nguyên chết lặng trong cảnh hoang vắng. Maka nằm hồi lâu dưới chân đồi mộ. Thoạt đầu anh còn nghe thấy gần đó con ngựa khịt mũi, gõ móng, lắc hàm thiếc lách cách. Sau đó nó đi xuống khe, nơi có cỏ mọc rậm hơn, và thế là bốn bề lặng tờ, cái lặng tờ chỉ có vào dạo cuối thu ở một vùng đất trồng trọt của thảo nguyên đã bị con người rời bỏ.
"Về nhà, mình sẽ vĩnh biệt Anđrây và Đavưđốp, mặc vào chiếc áo capốt mang ở mặt trận Ba Lan về, rồi rút súng tự sát. Chẳng còn gì ràng buộc mình với đời nữa! Và cũng chẳng thiệt hại gì cho cách mạng. Cách mạng thiếu gì người! Không mợ thì chợ vẫn đông… - Maka nằm sấp suy nghĩ. Anh nghĩ một cách thản nhiên, cứ như nghĩ về chuyện ai, mắt đăm đăm nhìn đám cỏ rối nhằng. - Chắc là đứng trước mộ mình Đavưđốp sẽ phát biểu: "Nagunốp bị khai trừ khỏi Đảng thật, nhưng anh vẫn là một đảng viên tốt. Chúng ta không tán thành hành động tự sát của anh, thực tế thế, nhưng sự nghiệp của anh đấu tranh chống bọn phản cách mạng thế giới, chúng ta sẽ đưa nó đến thắng lợi cuối cùng".
Và Maka mường tượng thấy một cách sắc nét khác thường thằng cha Banhích đang cười nụ đi trong hàng người, tay vê vê bộ ria mép trắng nhợt, miệng nói: "Sáng danh Chúa, thế là đi đứt một thằng! Chó thì chết kiểu chó!".
- Ồ không, tiên sư cha mày! Đừng hòng ông tự sát! Mày và bọn như mày, ông sẽ làm cho tới số! - Maka nghiến răng ken két, nói thốt ra miệng và đứng vùng dậy, như bị ong đốt đít. Ý nghĩ về Banhích đã làm anh thay đổi quyết định. Anh đưa mắt tìm ngựa, bụng đã nghĩ: "Mẹ kiếp! Ông sẽ chôn hết chúng mày đã, sau đó ông tịch cũng vừa! Chúng mày đừng hòng ăn mừng ông chết! Còn °°rghinxki, ồ mà chẳng lẽ ý kiến của hắn lại là quyết định sao? Gieo xong, mình sẽ lao lên khu. Khu sẽ phục hồi cho mình! Hoặc lên tỉnh, lên Mátxcơva!... Mà nếu không được thì không đảng viên mình cũng sẽ vẫn chiến đấu tiêu diệt bọn sâu bọ ấy!".
Anh đưa đôi mắt bừng sáng đảo nhìn một vòng cảnh vật quanh mình. Đến lúc này anh cảm thấy cơ sự mình không đến nỗi tuyệt vọng, vô phương cứu chữa như mấy tiếng trước đây anh tưởng.
Anh lật đật xuống khe tìm ngựa. Bị bước chân anh làm động, một con sói đẻ từ trong cỏ rậm nhô lên trên một mô cao. Nó đứng đấy một thoáng, nghiêng nghiêng cái đầu trán dô, xem xét người lạ, rồi cụp tai xuống, quắp đuôi lại bỏ chạy xuống khe. Hàng vú đen chảy xệ nhũng nhẵng lắc lư dưới cái bụng lép kẹp của nó.
Maka chưa tới sát con ngựa thì nó đã lắc lắc cái đầu một cách bướng bỉnh. Sợi dây cương buộc vào chân nó đã đứt rời từ lúc nào.
- Trrr! Vaxiốc! Vaxiốc! Trrr, đứng lại! - Maka nhỏ nhẹ dỗ dành con ngựa đang ngúng nguẩy, tìm cách mon men đến đằng sau nó túm lấy bờm hoặc cái bàn đạp.
Con ngựa lắc lắc đầu, bước rảo lên, gườm gườm liếc nhìn chủ. Maka rảo bước chạy theo, nhưng con ngựa không để anh tới gần, đá hậu một cái rồi vọt qua đường, băng mình phi lộp cộp về hướng làng.
Maka văng ra một câu chửi, rồi đi theo nó. Anh đi băng qua đồng khoảng ba dặm, cứ nhằm thẳng vào đám ruộng cày thu trông thấy ở gần bên ấp. Những con chim báo bão và những đôi đa đa bay vù lên từ trong cỏ rậm. Xa xa, bên bờ khe, một chú chim báo bão đang đi đi lại lại, canh cho con mái ấp. Không kìm được cơn thèm đạp mái, nó xoè cái đuôi hung hung có riềm màu trắng gỉ, rũ đôi cánh ra cào cào mặt đất khô hanh, để rớt xuống vài chiếc lông cuống phủ lông tơ hồng hồng…
Công việc sinh sôi nảy nở vĩ đại của muôn loài đang diễn ra trên thảo nguyên: cỏ mọc lên um tùm, chim chóc muông thú hành dục, duy chỉ có những đám ruộng cày bị người bỏ vạ vật là đang phơi ra với trời những khoảnh đất chưa gieo bốc hơi nghi ngút…
Maka bước đi trên cánh ruộng cày đất khô đóng cục lại trong bụng giận điên lên. Anh cúi vội xuống, bốc một nắm đất bóp vụn trong tay. Nắm đất đen, lổm ngổm thân cỏ chết xào xạo, khô và nóng như rang. Đất cày thu để lâu quá rồi. Không thể chậm trễ một giờ nào nữa, phải cho ba bốn hàng bừa rượt qua lớp đất cỏ lằng nhằng này, cho răng bừa xé tơi đất để lâu đã khô cứng, rồi sau đó cho máy gieo ra chạy trên những luống đất đã bở tơi, sao cho những hạt tiếu mạch vàng óng được vùi sâu.
"Muộn mất rồi! Đất đến hỏng mất! - Maka nghĩ bụng, ngao ngán đảo mắt nhìn những thửa ruộng đen đen chưa được cày bừa, trơ trụi nom mà rợn. - Chỉ hai ba ngày nữa thì phải cho nhảy ngay đi, để qua lúc ấy nó còn thiết gì đến đực nữa. Đất cần đến người cũng kiểu như vậy… Trong việc này, trừ con người chúng ta ra, mọi vật đều sòng phẳng rành mạch. Mọi con vật, lẫn cây cỏ, và đất cát đều biết kịp thời lúc nào là lúc chúng phải thụ giống, còn con người… còn chúng ta thì xấu xa bẩn thỉu hơn cả con vật bẩn thỉu nhất! Đấy, họ không chịu đi gieo hạt là vì đầu óc tư hữu đang lồng lộn lên trong con người họ… Lũ khốn kiếp! Mình về bây giờ sẽ xua hết tất cả ra đồng! Tất, không sót đứa nào!".
Anh rảo bước mãi, có lúc chuyển sang chạy. Mồ hôi rỏ xuống từ trong mũ kêpi của anh, lưng áo anh sẫm lại, môi anh khô se, và trên đôi má anh những vết đỏ lang bệnh tật hiện ra mỗi lúc một rõ…