Dịch giả: Vũ Trấn Thủ
Trần Phú Thuyết
Chương 16

Chật vật lắm mới đẩy được bác Suka đi xong, Đavưđốp quyết định ra trường học để xác định tại chỗ xem có thể làm những gì nữa để đến chủ nhật này trường học có được cái không khí ngày hội. Ngoài ra anh còn muốn trao đổi với ông hiệu trưởng, cùng với ông ra ước tính xem cần bao nhiêu và những loại vật liệu xây dựng nào để sửa chữa ngôi trường; và đến bao giờ thì bắt đầu để vừa đảm bảo sửa chữa cẩn thận vừa không cập rập mà vẫn kịp trước lúc khai giảng.
Chỉ những ngày qua Đavưđốp mới có cái cảm giác rõ rệt mà anh đang bước vào một thời kỳ công tác căng thẳng nhất trong suốt cái thời gian anh về Grêmiatsi Lốc: chưa cắt xong cỏ thì đã sắp đến gặt; lúa tiểu mạch thu đang vàng trông thấy, đại mạch cũng chín rộ hầu như đồng thời; cỏ dại mọc tứ tung và những cánh đồng ngô và hướng dương, so với những mảnh ruộng cá thể ngày xưa thì nom thật bao la bát ngát, đang lặng lẽ đòi hỏi được dẫy cỏ vun gốc, và công việc thu hoạch lúa mì thì cũng đã sờ sờ trước mắt.
Từ nay cho đến gặt còn khối việc phải làm: chuyển vận cỏ khô về làng càng nhiều càng tốt, chuẩn bị sân đập, hoàn thành việc tập trung về một nơi các kho thóc của bọn kulắc cũ, sửa sang chiếc máy đập chạy bằng hơi nước độc nhất của nông trang. Ngoài ra còn một lô một lốc những việc lớn nhỏ nó đổ lên đầu Đavưđốp, và việc nào cũng co kéo bắt anh phải chú ý thường xuyên và chặt chẽ.
Đavưđốp bước lên mấy bậc thềm cũ kỹ ọp ẹp của cái hiên trường rộng thênh thang. Một con bé khoảng mười tuổi mũm mĩm tròn như củ khoai, chân đi đất, đang đứng ở cửa, lánh sang bên nhường lối anh đi.
- Cháu là học sinh phỏng? - Đavưđốp âu yếm hỏi.
- Vâng ạ, - con bé nhỏ nhẻ đáp và mạnh dạn ngước mắt lên nhìn Đavưđốp một cái nhìn từ dưới lên trên.
- Thầy hiệu trưởng của các cháu ở đâu?
- Thầy không có nhà ạ, thầy sang bên kia sông với cô, đi tưới bắp cải ạ.
- Chán quá nhỉ … thế trong trường có ai không?
- Có cô giáo chúng cháu, cô Liútmila Xergêyépna.
- Cô đang làm gì ở đấy?
Con bé tủm tỉm:
- Cô đang dạy thêm cho các bạn học kém. Ngày nào cơm chiều xong cô cũng dạy các bạn ấy ạ.
- Nghĩa là cô phụ đạo các bạn ấy hả?
Con bé im lặng gật đầu.
- Tốt lắm! - Đavưđốp tán thưởng và bước vào hành lang tối xâm xẩm.
Từ đâu đó trong lòng sâu của chiếc hành lang dài vọng lại những tiếng trẻ con. Đavưđốp lững thững đi ngang qua và đưa con mắt chủ nhân ông quan sát các phòng học bỏ không, và đến phòng cuối, nhìn qua cánh cửa hé mở, anh thấy khoảng mươi đứa nhỏ ngồi thênh thênh trên dãy bàn đầu kê nối liền nhau, và đứng trước mặt chúng là một cô giáo trẻ măng. Nhỏ người, gày gò, vai xuôi, mái tóc quăn vàng hoe và cắt ngắn, nom cô ta cứ như một đứa con gái mới lớn chứ không ra vẻ cô giáo.
Lâu lắm rồi Đavưđốp không bước qua ngưỡng cửa nhà trường và giờ đây, đứng trước cửa lớp học, chiếc mũ cát két bạc phếch vì nắng mưa nắm chặt trong bàn tay trái, anh thấy trong lòng dâng lên một cảm giác kỳ lạ. Một cái gì bắt nguồn từ tinh thần kính trọng lâu đời đối với nhà trường, một cảm giác bổi hổi bồi hồi êm ái trong chốc lát nhớ lại những năm tháng thơ ấu xa xôi, đã bừng dậy trong lòng anh vào những giây phút này…
Anh rụt rè đẩy cửa, húng hắng ho một tiếng mặc dầu trong họng chẳng ngứa tí nào, khẽ hỏi cô giáo:
- Cô cho phép vào?
- Xin mời vào, - một giong con gái thanh thanh đáp lại lời anh.
Cô giáo quay đầu lại, đôi lông mày ngạc nhiên rướn lên, nhưng rồi nhận ra Đavưđốp, cô lúng túng nói:
- Xin mời đồng chí vào.
Đavưđốp cúi chào ngượng ngập.
- Chào cô. Xin lỗi, tôi phiền cô một tí, một phút thôi ạ… Tôi muốn xem qua cái phòng này, tôi đến về chuyện sửa chữa trường. Nhưng tôi đợi tí cũng được.
Các em đứng dậy nhao nhao chào, và Đavưđốp nhìn cô giáo chợt nghĩ bụng: "Mình có vẻ cái ông nhà giàu nghiêm khắc làm cha đỡ đầu trường học… Đấy, cô giáo cũng đỏ mặt, cuống lên kia kìa. Rõ đến lúc nào chẳng đến, lại đến vào cái lúc này!".
Cô giáo bước tới trước Đavưđốp:
- Mời đồng chí vào, đồng chí Đavưđốp! Vài phút nữa là tôi dạy xong thôi. Mời đồng chí ngồi. Có cần đi gọi bác Ivan Nhikôlaêvits không ạ?
- Thưa, bác ấy là ai?
- Hiệu trưởng chúng tôi ấy mà, bác Ivan Nhikôlaêvits Spưn. Đồng chí không biết ư?
- Biết. Thôi khỏi phiền cô, tôi đợi cũng được. Tôi có thể ngồi đây trong khi cô giảng cho các em được không?
- Dạ được ạ, mời đồng chí cứ ngồi.
Cô gái nhìn Đavưđốp, nói chuyện với anh, nhưng không sao kìm nổi cơn bối rối; cô ta đỏ mặt lên một cách đau khổ, hai hõm vai cũng ửng hồng, còn tai thì chín rừ.
Đó là cái Đavưđốp không chịu nổi! Anh không chịu nổi chỉ vì một nỗi là hễ cứ thấy người phụ nữ nào nói chuyện với mình mà đỏ mặt thì không hiểu sao anh cũng đâm ra đỏ mặt, và vì thế mà càng thêm lúng túng ngượng nghịu.
Anh ngồi xuống chiếc ghế cô giáo chỉ cho anh, bên cái bàn nhỏ. Cô bước ra phía cửa sổ, cất giọng đọc rành rọt từng tiếng cho các em viết chính tả:
- Mẹ - nấu - bữa… Các em viết xong chưa? Nấu - bữa - cho - chúng - em - ăn. Sau chữ "ăn" chấm một cái. Cô đọc lại này…
Viết lại lần thứ hai câu ấy xong, bọn trẻ tò mò nhìn đổ dồn vào Đavưđốp. Anh làm bộ mặt quan trọng đưa ngón tay lên mép, ra vẻ như vuốt ria, và nháy mắt thân thiện với chúng. Chúng tủm tỉm cười; thế là quan hệ hữu nghị dường như đã đặt xong. Nhưng cô giáo lại đọc tiếp câu gì nữa, rành rọt từng tiếng như thường lệ, và bọn trẻ lại chúi đầu xuống vở.
Lớp học phảng phất mùi nắng, mùi bụi, mùi bí bí của căn phòng không thoáng khí. Những khóm tử dương và xiêm gai mọc chen chúc sát cửa sổ cũng không tạo nên cảm giác mát mẻ. Gió lay động cành lá, và những đốm náng nhảy nhót trên ván sàn.
Đavưđốp nhíu đôi mày lại, tập trung tư tưởng, nhẩm tính: "Cần ít ra là hai mét khối gỗ ván thông thay vào những tấm mục. Khung cửa còn tốt, nhưng những cánh cửa đôi tháo ra hồi mùa xuân thì phải xem lại tình trạng nó thế nào, và có còn không nữa kia. Kính phải mua một hòm. Kho chắc cũng chẳng còn lấy một tấm, còn như bảo trẻ con đừng đập vỡ kính thì đó là chuyện không thể làm được, thực tế thế! Kiếm được tí sơn trắng thì tốt, và chả biết cần đến bao nhiêu để sơn đủ cho trần, các khung và cánh cửa? Hỏi lại cụ thể anh em thợ mộc. Thay mới lại mấy bậc thềm. Gỗ ván không cần mua: ngả hai cây liễu, xẻ ra là xong. Công việc sửa chữa sẽ ngốn khối tiền đây… Cái nhà kho củi cũng phải lợp rạ lại mới. Việc thế là đủ bù đầu rồi, thực tế thế! Xong mấy cái kho thóc là phải ném ngay vào đây toàn bộ đội mộc. Mái trường cũng phải sơn mới lại… Nhưng tiền đâu bây giờ? Chết thì chết, nhưng mình sẽ xoay ra tiền cho trường học! Thực tế thế! Mà cũng chẳng việc gì mà chết: ta sẽ bán một đôi bò già đi, tiền đấy chứ đâu! Bán bò thì thế nào cũng phải đấu đá một phen với Uỷ ban huyện, không thế không xong… Mà bán giấu thì mình sẽ khốn nạn… Mặc, cứ liệu. Lẽ nào Nextêrenkô lại không ủng hộ mình?".
Đavưđốp rút sổ tay ra, ghi: "Trường: ván, đinh, kính - một hòm. Bột sơn xanh cho mái. Bột sơn trắng. Dầu sơn…".
Anh đang đăm chiêu ghi chữ cuối cùng thì một viên giấy nhỏ từ một ống đồng nào bắn ra đập đánh bép một cái vào trán anh và dính chặt luôn vào đó. Đavưđốp bị bất ngờ, giật mình đánh thót một cái, và liền đó có tiếng một đứa trẻ nào bít miệng phì cười. Tiếng cười rúc rích lao xao lan đi các bàn học.
- Cái gì thế hả? - Cô giáo nghiêm nghị hỏi.
Đáp lại lời cô hỏi là một sự im lặng kín đáo.
Đavưđốp bóc viên giấy trên trán ra, mỉm cười đưa mắt lên quan sát lũ trẻ: những mái đầu tóc vàng, tóc nâu, tóc đen đang cúi gằm xuống vở, nhưng trong ngần ấy bàn tay nhỏ nhán rám nắng kia, chẳng bàn tay nào viết một chữ…
- Các em xong chưa? Bây giờ cô đọc viết tiếp câu sau…
Đavưđốp kiên nhẫn đợi, đôi mắt vui vui không rờikhỏi những mái đầu đang cúi xuống. Và rồi một đứa trong bọn con trai từ từ trộm ngẩng đầu lên, và Đavưđốp nhận ra ở ngay phía trước mặt mình một anh bạn cũ: chẳng phải ai khác mà chính là thằng Phêđốt Usakốp mà hồi đầu xuân có lần anh đã gặp ngoài đồng, đang nhìn anh bằng đôi mắt híp tịt lại còn cái miệng đỏ chót thì cười ngoác ra đến tận mang tai. Đavưđốp nhìn bộ mặt láu tôm láu cá của thằng bé, và chính anh cũng xuýt phì cười ra tiếng, nhưng anh kịp nén được, rồi xé vội một tờ giấy trắng trong cuốn sổ tay, đút vào miệng nhai, mắt thì liếc vội cô giáo một cái rồi nhấm nháy ranh mãnh với thằng Phêđốt. Thằng bé giương tròn mắt nhìn anh, nhưng để khỏi lộ mình đang cười, nó đưa lòng bàn tay lên bịt miệng.
Tận hưởng cái khoái làm được thằng Phêđốt nhấp nhổm sốt ruột, Đavưđốp cứ thủng thỉnh vê vê kỹ viên giấy, đặt lên móng ngón cái của bàn tay trái, nheo nheo mắt trái lại như ngắm bắn. Thằng Phêđốt phồng má lên, sợ hãi rụt cổ lại: viên đạn to tổ bố, và nặng, chứ bỡn đâu… Chọn lúc thời cơ thuận lợi, Đavưđốp búng viên đạn đi. Thằng Phêđốt hụp vội xuống tránh và va trán đánh bốp một cái vào bàn. Rồi nó vội ngồi ngay ngắn lên, trố đôi mắt sợ hãi chằm chằm nhìn cô giáo, tay từ từ xoa cái trán đỏ ửng. Còn Đavưđốp thì nhịn cười người cứ rung lên bần bật. Anh quay mặt đi và theo thói quen úp hai bàn tay lên che mặt.
Dĩ nhiên hành động của anh là một trò trẻ con không thể tha thứ được, và cần hiểu rõ hiện anh đang ngồi ở đâu. Tự chủ được mình rồi, anh mỉm cười hối lỗi lấm lét nhìn cô giáo, nhưng thấy cô cũng đang cố nén cười, quay mặt ra phía cửa sổ. Đôi vai gầy của cô đang rung rung, còn một tay thì cầm chiếc mùi soa vo tròn đưa lên lau những giọt nước mắt trào ra vì cười.
Đavưđốp nghĩ bụng: "Đẹp mặt ông đỡ đầu nghiêm khắc chưa! Thế là mình đã phá quấy mất cả buổi học hôm nay. Phải chuồn đi thôi".
Đavưđốp làm vẻ mặt nghiêm trang đưa mắt nhìn thằng Phêđốt. Thằng bé ngó ngoáy như con choi choi, ngồi không yên chỗ; nó đưa tay chỉ lên miệng, rồi há mồm ra: ở chỗ hồi nào còn là cái lỗ hổng, thấy nhô ra hai chiếc răng bàn cuốc trắng hếu mọc chưa hết cỡ xen vào giữa hai hàng răng sữa, nom ngồ ngộ đến nỗi Đavưđốp không khỏi mỉm cười.
Nhìn những khuôn mặt trẻ thơ kia, nhìn những mái đầu đủ các màu tóc kia đang cắm cúi bên bàn, Đavưđốp cảm thấy trong lòng thư thái hẳn đi. Anh chợt thấy mình hồi nào, xa xưa lắm rồi, cũng giống hệt như thằng bé ngồi cạnh Phêđốt kia, cũng có cái thói khi viết hoặc vẽ, cứ cúi rạp đầu xuống và thè lè lưỡi, dường như cái lưỡi có thể đỡ mình trong công việc khó khăn ấy. Và một lần nữa, cũng như trong lần đầu tiên bắt quen với thằng Phêđốt hồi mùa xuân, anh thở dài nghĩ bụng: "Các con chim non ơi, đời các em rồi sẽ khá, và ngay bây giờ đây cũng đã khá rồi, nếu không thì anh chiến đấu để làm gì? Đâu phải để các em cũng lại bị trăm bề cay đắng như anh đây hồi nhỏ!".
Một lần nữa, cũng vẫn thằng Phêđốt ấy đã kéo anh ra khỏi dòng suy nghĩ: ngồi bên bàn, nó cứ múa may như con rối buộc Đavưđốp phải để ý đến nó, làm đủ điệu bộ để anh hiểu nó muốn biết tình hình cái răng của anh đến đâu rồi. Đavưđốp đón lúc cô giáo quay mặt đi, thất vọng giang hai tay, nhe răng cho nó xem. Thấy trong mồm Đavưđốp vẫn là cái răng sứt mà nó đã biết, Phêđốt rúc vào lòng bàn tay cười, nhưng sau đó nó tủm tỉm nom hài lòng ra mặt. Tất cả cái vẻ đắc ý của nó nói lên rõ hơn bất cứ lời lẽ nào: "Chú thua cháu rồi nhé! Răng cháu mọc lên rồi, còn chứ sứt vẫn hoàn sứt!".
Nhưng một phút sau đó đã xảy ra một chuyện mà mãi về sau này mỗi lần nghĩ đến, Đavưđốp không khỏi rùng mình. Một lần nữa thằng Phêđốt nghịch như ranh lại muốn Đavưđốp phải để ý đến nó. Nó gõ nhẹ xuống bàn, và khi Đavưđốp đưa mắt lơ đãng nhìn nó, nó ngửa người ra sau với một bộ dạng quan trọng, thò tay phải vào túi quần, rút ra một quả lựu đạn na, rồi đút vội lại ngay vào túi. Việc diễn ra nhanh quá đến nỗi lúc đầu Đavưđốp chỉ nheo mắt lại ngơ ngác, rồi sau đó mới tái mặt đi…
"Nó nhặt đâu thế nhỉ? Nhỡ còn kíp thì sao? Nó mà va vào ghế một cái… Trời, cha tiên nhân mày, làm thế nào bây giờ đây?!". Đavưđốp kinh hoàng nghĩ bụng, mắt nhắm nghiền, và không còn cảm thấy trán, cằm và má mình đang toát mồ hôi lạnh.
Phải xử lý thế nào đây ngay bây giờ. Nhưng xử lý thế nào? Đứng dậy, rồi đè nó ra mà lấy quả lựu đạn ư? Thế nhỡ nó hoảng lên, vùng vẫy, và rất có thể là ném quả lựu đạn đi, mà không biết rằng làm thế là nó tự giết nó và bao nhiêu người khác nữa… Không, thế không được. Đavưđốp gạt phăng ngay phương án ấy. Mắt vẫn nhắm, anh căng đầu óc ra tìm một giải pháp. Anh nghĩ rất lung, và trí tưởng tượng nhanh nhẩu của anh đã tự động phác ra trước mắt anh cái cảnh: một tiếng nổ toé lửa vàng, một tiếng kêu thét lên, những thân mình trẻ con thịt nát xương tan…
Đến bây giờ Đavưđốp mới cảm thấy mồ hôi hột trên trán anh đang từ từ lăn xuống hai bên gốc mũi, buồn buồn chảy vào đuôi mắt. Anh thò tay vào túi định lấy mùi soa và tay anh đụng vào con dao xếp, một tặng phẩm từ lâu lắm rồi của một anh bạn cũ. Đavưđốp loé ra một ý nghĩ: tay phải rút con dao ra, anh đưa ống tay áo trái lên lau mồ hôi lã chã trên trán rồi ngồi vân vê ngắm nghía con dao với một vẻ chăm chú đặc biệt, dường như mới nhìn thấy nó lần đầu. Trong khi đó mắt anh vẫn liếc theo dõi Phêđốt.
Con dao đã cũ, lưỡi mòn vẹt, nhưng được cái hai má xà cừ của nó cứ ánh biếc lên khi có nắng rọi vào,và ngoài hai lưỡi dao, cái tua-vít và cái mở nút chai ra lại có cả một cái kéo xinh xinh nom hay đáo để. Đavưđốp lần lượt biểu diễn các của báu ấy, mắt chốc chốc lại liếc vội theo dõi Phêđốt. Thằng bé nhìn con dao không rời mắt như bị thôi miên. Đó đâu phải một con dao, mà là cả một kho báu thật sự! Nó chưa từng thấy cái gì đẹp đến như thế! Nhưng đến khi Đavưđốp xé một tờ giấy trắng trong sổ tay ra, dùng cái kéo cắt luôn một hình đầu ngựa thì thằng Phêđốt cứ mê cu tơi lên!
Lát sau thì tan giờ học Đavưđốp bứớc tới chỗ Phêđốt thì thầm hỏi:
- Nom thấy con dao chưa?
Thằng Phêđốt nuốt nước bọt đánh ực, gật đầu chẳng nói chẳng rằng.
Đavưđốp ghé xuống, thì thầm:
- Đổi nào!
- Đổi cái gì cơ? - Thằng Phêđốt đáp lại, thì thầm còn nhỏ hơn anh.
- Đổi con dao lấy cục sắt trong túi quần cậu ấy.
Phêđốt gật đầu đồng ý một cách quá hăng hái đến nỗi Đavưđốp phải đưa tay giữ cằm nó lại. Anh dúi vào tay nó con dao và thận trọng đỡ lấy quả lựu đạn. Quả lựu đạn không có kíp! Đavưđốp đứng thẳng người lên, thở phào.
- Chú cháu có chuyện gì bí mật vậy? - Cô giáo đi ngang qua, mỉm cười hỏi.
- Chúng tôi là bạn quen biết cũ mà, lâu lắm chưa gặp nhau….Cô thứ lỗi cho, - Đavưđốp nói bằng giọng kính cẩn.
- Tôi rất sung sướng được đồng chí đến dự buổi học hôm nay. - Cô gái đỏ mặt nói.
Không để ý đến sự bối rối của cô, Đavưđốp đề nghị:
- Nhờ cô báo giùm đồng chí Spưn chiều nay đến gặp tôi ở trụ sở, và trước khi đến, đồng chí ấy hãy suy nghĩ xem trường cần sửa chữa những gì và dự trù chi phí cần bao nhiêu. Được không cô?
- Thưa được ạ, tôi sẽ báo đồng chí ấy. Mời đồng chí thỉnh thoảng ghé thăm trường chúng tôi.
- Vâng, rỗi rãi thế nào tôi cũng đến, thực tế thế! - Đavưđốp khẳng định dứt khoát, rồi hỏi tiếp theo luôn một câu nghe chẳng có liên quan gì với câu chuyện vừa nói: - Cô trọ ở nhà ai vậy?
- Nhà cụ Agphia Gavrilôpna. Anh biết bà cụ không?
- Biết. Còn gia đình cô thế nào?
- Còn bà cụ tôi và hai thằng em nhỏ, ở Nôvôtserkaxkơ. Nhưng đồng chí hỏi những cái ấy để làm gì?
- Tôi muốn biết qua về cô một tí, cô không cho là tôi thóc mách chuyện đời tư cô chú? - Đavưđốp nói đùa.
Ngoài thềm bọn trẻ đang vòng trong vòng ngoài xúm quanh Phêđốt xem con dao. Đavưđốp gọi ông chủ may mắn của con dao ấy ra một chỗ, hỏi:
- Ông nhỏ Phêđốt này, ông nhặt được cục sắt ấy ở đâu thế?
- Cháu chỉ cho chú nhớ?
- Thế thì tốt quá?
- Ta đi đi. Đi luôn bây giờ, không chốc nữa cháu bận, - Phêđốt khẩn trưong đề nghị.
Nó nắm lấy ngón tay trỏ của Đavưđốp và hãnh diện ra mặt được làm người dẫn đường cho đích thân ông chủ tịch nông trang chứ không phải một chú tầm xoàng nào khác, nó khệnh khạng bước trên đường cái, chốc chốc lại quay lại nhìn các bạn nhỏ.
Hai chú cháu cứ thong dong đi sóng đôi như vậy, thỉnh thoảng trao đổi với nhau một vài câu ngắn gọn.
- Chú có muốn đổi lại không? - Thằng Phêđốt chạy lên trước vài bước, lo ngại nhìn thẳng vào mắt Đavưđốp hỏi.
- Đổi lại là thế nào! Việc đã xong là xong, - Đavưđốp nói cho nó yên tâm.
Chú cháu đi với nhau dăm phút nữa trong một vẻ im lặng trầm ngâm, như hai người lớn, rồi Phêđốt không chịu nổi nữa lại dấn lên trước, tay vẫn không buông ngón tay Đavưđốp, và ngước mắt nhìn anh, hỏi bằng một giọng thông cảm: - Chú không tiếc con dao à? Đổi thế chú có xót không?
- Chả xót tí nào! - Đavưđốp đáp lại dứt khoát.
Rồi lại lẳng lặng đi. Nhưng xem ra có cái gì cứ cắn rứt trái tim nhỏ bé của thằng Phêđốt thì phải, hình như nó cho rằng trong cuộc đổi chác này Đavưđốp bị thiệt, cho nên sau một hồi lâu im lặng, nó lại hỏi:
- Cháu các thêm cho chú cái súng cao su của cháu nhé? Chú lấy không?
Đavưđốp gạt phắt đi với một thái độ cao thượng thản nhiên mà thằng Phêđốt thấy khó hiểu quá:
- Không, chú lấy làm gì! Cháu cứ giữ lấy khẩu súng cao su mà chơi. Chúng mình đã trao đổi sòng phẳng chứ gì? Thực tế thế!
- "Sòng phẳng" là cái gì?
- Nghĩa là thoả thuận ấy mà, rõ chưa?
Không, Phêđốt thấy chẳng rõ gì cả. Một chú người lớn mà lại đổi hớ như thế thì làm cho Phêđốt ngạc nhiên hết sức, thậm chí làm nó cảnh giác nữa… Một con dao lịch sự, bóng nhoáng đổi lấy một cục sắt vớ vẩn, không, có cái gì đáng ngờ đây. Một lát sau, thằng Phêđốt có đầu óc thực tế ấy lại vừa đi vừa đưa ra một đề nghị mới:
- Thế, chú không thích súng cao su thì hay là cháu đưa cho chú cái vỏ ốc nhớ? Thêm cho chú ấy mà. Vỏ ốc của cháu ác lắm nhớ! Mới toanh cơ!
- Vỏ ốc chú cũng chả cần, - Đavưđốp thở dài một cái, mỉm cười đáp. - Nếu là hai mươi năm có lẻ về trước thì vỏ ốc chú cũng chả từ chối đâu, cháu ạ. Chú sẽ đè cháu ra mà lấy nữa ấy chứ. Nhưng bây giờ thì cháu cứ yên tâm. Ông Phêđốt ơi, ông đừng lo, con dao ấy đứt đuôi con nòng nọc là của ông rồi, thực tế thế!
Rồi lại im lặng. Và vài phút sau lại một câu hỏi nữa:
- Chú ơi, thế cái cục tròn tròn cháu cho chú ấy mà, nó ở cái gì ra thế hả? Ở cái quạt hòm phải không?
- Cháu thấy nó ở đâu?
- Ở cái kho cỏ ta đang đi đến đây, dưới gầm cái quạt hòm. Cái quạt hòm cũ ơi là cũ, nằm đổ nghiêng, bục tứ tung, dưới gầm có cái cục ấy. Chúng cháu chơi ú tim, cháu chui xuống gầm nó trốn, thấy cục ấy. Thế là cháu nhặt.
- Vậy thì nó là một bộ phận của cái quạt hòm. Thế quanh đấy cháu có thấy cái gì nom như cái que sắt không?
- Không, không có gì nữa cả.
"Phúc tổ! - Đavưđốp nghĩ bụng. - Phúc tổ là không có gì, chứ nếu có thì mày đã gây ra những chuyện kinh thiên động địa khổ các bố rồi".
- Thế cái bộ phận quạt hòm ấy, chú cần lắm hả? - Thằng Phêđốt thắc mắc hỏi.
- Cần quá đi chứ!
- Cần cho nông trang hả? Lắp vào cái quạt khác à?
- Đúng, thực tế thế!
Im lặng một lát, rồi Phêđốt nghiêm trang nói giọng trầm:
- À, nếu là chuyện cần cho nông trang thì đúng là là không xót, chú đổi thế là phải rồi, còn dao thì chú sẽ mua con mới, lo gì!
Thằng Phêđốt lý sự ông cụ non đi đến kết luận như vậy, và nó yên tâm mỉm cười. Rõ ràng bụng dạ nó đã thoải mái.
Đó, hai chú cháu đi đường nói chuyện đầu đuôi chỉ có thế, nhưng câu chuyện ấy là cần để kết thúc mỹ mãn cuộc đổi chác giữa hai người…
Bây giờ thì Đavưđốp đã biết chính xác trăm phần trăm là thằng Phêđốt sẽ dẫn anh đến đâu. Và khi phía bên trái đường ngõ hiện ra khóm nhà nguyên là cơ ngơi lão bố thằng Chimôphây Mũi toác, Đavưđốp liền trỏ vào cái nhà kho lợp cói, hỏi:
- Ở đó phải không?
- Chú đoán tài thật. - Phêđốt thốt lên phục lăn và buông ngón tay Đavưđốp nó đang nắm ra. - Thôi, bây giờ chú đi một mình được rồi, cháu chuồn đây, cháu đang bận lắm!
Đavưđốp lắc lắc bàn tay bé nhỏ của thằng bé, như bắt tay một người lớn, nói:
- Phêđốt ạ, cám ơn cháu đã chỉ cho chú. Thỉnh thoảng đến chơi chú nhá, chú nhớ cháu lắm. Chú sống có một mình…
- Được, hôm nào cháu sẽ đến, - Phêđốt hứa bằng một giọng kẻ cả.
Nó đằng sau quay, đưa hai ngón tay lên mồm theo kiểu dân anh chị huýt lên một tiêng, chắc là để gọi lũ bạn nó, rồi ù té chạy, nhanh đến nỗi qua lớp bụi mù chỉ còn trông thấy loang loáng hai cái gót chân đen đen bé nhỏ của nó.
Đavưđốp không rẽ vào khu nhà Đamaxkốp mà đi thẳng về trụ sở. Trong gian phòng xâm xẩm tối nơi ban quản trị thường họp, Iakốp Lukits và anh chàng thủ kho đang ngồi đánh cờ với nhau. Đavưđốp ngồi vào bàn, viết lên một trang sổ tay: "Ông quản lý I. L. Ôxtơrốpnốp. Giao cho cô giáo L.X. Egôrôva 32 kilô bột mì, 8 kilô kê và 5 kilô mỡ lợn, tất cả trích vào tiêu chuẩn tôi". Ký xong, Đavưđốp chống nắm tay lên cái cằm bạnh, ngồi trầm ngâm một lát, rồi hỏi Ôxtơrốpnốp:
- Cái cô giáo, cô Liútmila Egôrôva ấy mà, cô ta sống thế nào nhỉ?
- Bánh mì suông ạ. - Ôxtơrốpnốp tay đi nước cờ, miệng đáp gọn.
- Tôi vừa ở trường học về, tôi đến để xem cái việc sửa chữa trường, tôi có nhìn cô ấy… Gầy nhom, xanh như tàu lá, rõ ràng là thiếu ăn! Ông chuyển ngay hôm nay cho bà chủ nhà cô ấy trọ tất cả những thứ tôi ghi ở đây. Mai tôi sẽ kiểm tra. Rõ chưa?
Để lại tờ giấy trên bàn, Đavưđốp đi thẳng đến chỗ bác Salưi.

*

Anh vừa đi khỏi thì Iakốp Lukits xoá bàn cờ đi, đưa tay chỉ hất qua vai ra phía cửa:
- Chó dái ghê không! Đầu tiên là con Luska vợ Nagunốp, rồi thì anh ta làm cho con Varia Kharlamôva chết mê chết mệt, bây giờ lại chạy sang cô giáo. Và tất cả các con chó cái của anh ta, anh ta đều bắt nông trang è cổ ra nuôi… Anh ta làm nông trang sạt nghiệp vì phải nuôi gái cho anh ta.
- Anh ấy có lệnh phát cho con Kharlamôva cái gì đâu, còn cô giáo thì ăn vào tiêu chuẩn của anh ấy đấy chứ. - Anh chàng thủ kho cãi lại.
Nhưng Iakốp Lukits trịnh thượng cười mỉm:
- Con Varia thì chắc là anh chàng cho tiền, còn những thứ cho cô giáo thì nông trang phải chịu. Và con Luska thì theo lệnh mật của anh ta tôi đây đã phải tuồn cho nó biết bao nhiêu là lương thực, thực phẩm! Nó là thế đấy!
Kể cho đến ngày thằng Chimôphây bị bắn chết, Iakốp Lukits đã tiếp tế cho nó và Luska vô khối lương thực lấy ở kho nông trang ra, nhưng lão lại nói với thủ kho:
- Đavưđốp ra lệnh gắt gao cho tôi là con bồ Luska của anh ta đòi hỏi những gì thì phải phát cho đủ, và lại còn doạ: "Tôi báo ông biết, ông và cậu thủ kho mà bép xép một câu thôi thì sẽ không thoát được Xibia với tôi đâu!". Thế thì anh bạn ơi, xin anh bạn cứ việc câm cái mõm đi, và đưa mỡ, đưa mật, đưa bột đây, không phải cân kẹo gì cả. Việc phê phán đánh giá cấp trên đâu phải việc của cái thứ anh và tôi!
Và anh chàng thủ kho đã xuất cho Ôxtơrốpnốp tất cả những thứ gì lão đòi lấy, và theo lời lão khuyên, anh ta đã khéo léo cân ăn gian cho các đội để khỏi lộ chỗ lương thực hao hụt ấy.
Vậy thì lần này tại sao Iakốp Lukits lại không vớ lấy cơ hội thuận lợi để bôi nhọ Đavưđốp một chuyến nữa?
Ngồi buồn rỗi hơi, Ôxtơrốpnốp và anh chàng thủ kho còn "bôi bác" cả Đavưđốp, Nagunốp lẫn Radơmiốtnốp hồi lâu nữa.
Trong khi đó thì Đavưđốp và bác Salưi bắt tay vào hành động: để cho bên trong nhà kho của lão Phrôn Mũi toác sáng sáng được hơn một tí, Đavưđốp trèo lên mái lấy cào cào rơm ra cho hổng một lỗ. Cào xong, anh hỏi:
- Thế nào, ông lão ơi, nhìn đã rõ chưa?
- Đủ rồi, đừng dỡ mái nữa! Sáng như ngoài sân rồi. - Tiếng bác Salưi từ trong nhà kho vọng lên đáp.
Đavưđốp bước mấy bước trên cái xà ngang rồi nhảy tót xuống mặt đất mềm mục ải.
- Ta bắt đầu từ đâu, bác?
- Nhảy múa thì bao giờ cũng nhảy từ giữa phòng nhảy đi, còn cánh ta lục soát thì phải soát từ cái tường này soát đi, - bác phó rèn ồm ồm nói.
Tay cầm hai cái thuốn sắt to, đầu nhọn hoắt, vừa rèn vội ở lò ra xong, họ song song đi lần theo bức tường, vừa đi vừa thuốn thật lực xuống đất, từ từ tiến về phía cái quạt hòm đặt phía bờ tường bên kia. Đến cách cái quạt hòm mấy bước, thuốn của Đavưđốp bỗng thụt hẫng xuống đất đến tận gần chuôi và va vào kim loại kêu đánh cạch một tiếng.
- Cái kho tàng bí mật của anh đây rồi! - Bác Salưi cười khẩy và vớ lấy cái xẻng.
Nhưng Đavưđốp tranh lấy:
- Để tôi đào, tôi trẻ hơn bác.
Ở độ sâu một mét, anh đào thấy một cái bọc to tướng. Hai người đấu sức vào lôi cái bọc dưới hố lên, lẳng lặng cởi dây, rồi lẳng lặng đưa mắt nhìn nhau: đó là một khẩu đại liên Maxim bọc kỹ trong một tấm vải sơn. Họ lẳng lặng châm thuốc hút.
Rít hai hơi rồi bác Salưi lên tiếng:
- Cha con cái thằng Mũi toác này định nắn gân Chính quyền xôviết thực đấy chứ không bỡn đâu…
- Mà bác xem, chúng nó giữ khẩu súng giỏi thật đấy chứ: không một vết rỉ, không một vết va vấp, chỉ việc lắp băng vào là chơi luôn! Nào, tránh ra tôi nhảy xuống, may ra tìm được thêm cái gì nữa…
Nửa giờ sau, Đavưđốp thận trọng đặt rải quanh miệng hố bốn cuộn băng đại liên, một khẩu súng trường, một hòm đạn súng trường dùng dở và tám quả lựu đạn có đủ kíp, bọc trong một mảnh vải sơn đã mục. Trong hố, ăn ngoàm ra dưới chân bức tường đá còn có một bao súng không, tự tạo. Theo kích thước của nó thì trước đây nó dùng để bọc một khẩu súng trường.
Đavưđốp và bác Salưi ngồi trong gian lò rèn cho đến lúc mặt trời lặn, tháo khẩu súng máy ra, lau chùi cẩn thận, cho ăn dầu mỡ. Rồi trong bóng tối xâm xẩm, trong cảnh tịch mịch êm đềm của buổi hoàng hôn đang trùm xuống Grêmiatsi Lốc, khẩu đại liên lên tiếng, một tiếng nói đổ hồi, chinh chiến, đầy đe doạ. Một loạt dài, hai loạt ngắn, và một loạt dài nữa. Rồi im lặng lại trùm lên thôn xóm, lên thảo nguyên đang nghỉ ngơi sau một ngày nóng nực, lên thảo nguyên thơm ngát mùi cỏ héo, mùi hương đất đen dãi nắng.
Đavưđốp rời tay súng đứng dậy, nói nhỏ:
- Súng tốt thật đấy! Hết ý!
Đáp lại lời anh, bác Salưi cất giọng ồm ồm ống lệnh giận dữ nói:
- Bây giờ phải sang nhà lão Ôxtơrốpnốp, mang thuốn sang, xới tung cả sân trước sân sau, vuờn trong vườn ngoài nó lên. Còn trong nhà thì lộn tùng phèo tất cả lên mà lục soát. Gượng nhẹ với hắn thế là đủ rồi!
- Ông già ơi, ông điên rồi! - Đavưđốp đáp, lạnh như tiền. - Ai cho phép chúng ta tự tiện tiến hành lục soát nhà dân, làm xáo động cả nông trang? Không, ông điên rồi, thực tế thế!
- Nếu ở nhà thằng Mũi toác ta đã tìm thấy một khẩu súng máy thì ở nhà thằng Ôxtơrốpnốp tất sẽ đào được một khẩu bảy nhăm li chôn ở một nơi nào đó trong kho cỏ của nó! Và không phải lão điên đâu, mà anh là một thằng ngốc, lão cứ nói toạc móng heo với anh như thế! Anh cứ đợi đến lúc thằng Iakốp Lukits nó đào khẩu đại bác của nó lên, nó nã cả vào buồng anh, lúc ấy anh tha hồ mà "thực tế thế!".
Đavưđốp cười phá, muốn ôm hôn ông lão, nhưng ông lão quay phắt đi, nhổ toẹt một bãi, rồi chẳng thèm chào, lừng lững bỏ về làng, miệng lẩm bẩm chửi rủa.