LÀM GÌ SAU CHIẾN TRANH

Tổng thống Thiệu đọc thông điệp mới, báo hiệu một chính sách mở ngõ để Việt cộng tham dự vào hoạt động chánh trị của miền Nam, các chính khách, kinh tế gia chuẩn bị đường lối chính trị và kế hoạch kinh tế hậu chiến. Quân Việt Nam bắt đầu thay quân Mỹ. Những hiện tượng dồn dập xảy đến báo hiệu về thế sống mới. Tôi cũng có những ý nghĩ “hậu chiến” cho bản thân. Hậu chiến, sẽ không còn những đụng độ lớn, Việt cộng sẽ hoạt động dưới một hình thức đấu tranh khác về chính trị, kinh tế, có thể hạ tầng cơ sở du kích vẫn được duy trì. Nhưng dù sao đi nữa, tôi sẽ không còn cơ hội để chết non. Lẽ tất nhiên vẫn có những cái chết lãng nhách như rơi máy bay, lính làm nổ lựu đạn, cướp cò, nhưng chắc chắn chẳng còn những cái chết “bảo đảm” như bây giờ. Hậu chiến đặt ra trước mặt chúng tôi những vấn đề thật rõ rệt, nhìn thẳng thì khó chịu nhưng tránh đi thì nó vẫn còn đấy, như một hiện sinh phi lý nói theo kiểu của ông Sartre. Hậu chiến, một số lính cũng như quan sẽ được giải ngũ, tôi không thuộc thành phần này, vì là lính nhà nghề, sẽ nói rõ số phận này sau. Mấy anh được giải ngũ sẽ làm gì? Chẳng làm được cái gì hết trọi. Trừ một số nhỏ bị động viên sẽ trở lại nhiệm sở cũ, đi dạy học... Tôi không dám bàn rộng đến khía cạnh kinh tế, chỉ thắc mắc mỗi điều: Xã hội lúc bấy giờ có đủ khả năng để thâu dụng số nhân lực không sản xuất đó hay không? Tôi muốn nói đến các anh đi lính từ năm mười tám tuổi, giải ngũ ra các ông đó có nghề gì? Tập họp nào thâu dụng được đám người không nghề chuyên môn, đã quen với bom đạn trên dưới mười năm.
 Hậu chiến, lính còn lại sẽ biến thành công chức; trung đội, đại đội, tiểu đoàn trưởng sẽ hàng ngày ngồi nhìn nhau tại hậu cứ, giày đánh bóng, búc nịt cũng đánh bóng kiểu như các sĩ quan ở quân trường. Lẽ tất nhiên rồi cũng sẽ quen đi. Nhưng thói quen nào được chấp nhận trong những tâm hồn đã chai cứng và cơ thể lệch lạc vì thương tích. Những người bạn thân hay không, khắp bốn vùng chiến thuật, ở các đơn vị chiến đấu, không ai không có mảnh đạn trong người. Dư và Năng ở Biệt động quân bị thương đến độ hết phương chữa, đứng bên cạnh cũng không nhận ra mặt. Gần gũi hơn là lũ bạn ở các tiểu đoàn Nhảy dù, không một thằng nào có thể gọi là mẹ tròn con vuông. Sơn “độc nhãn” người gầy như con mắm, con mắt bằng chai bỏ trong túi, vẫn hành quân chăm chỉ trong mười năm không một khóa học, phép thường niên do bệnh viện cấp. Đấy chỉ là  hư hao thể chất, còn tâm hồn, âu cũng là khu rừng hoang cho cỏ lan. Không ai có thể tưởng được cảnh nổi loạn của Mễ, thưở đi học mẫu mực vào đến trường Võ Bị nên sinh viên sĩ quan cán bộ, con cưng của “Thạc sĩ Cơ bản thao diễn” Huỳnh Bửu Sơn, nhưng đến bây giờ trông cảnh nó chơi đòn giang hồ mọi người đều ngán ngẫm. Trời mùa đông ở Mỹ Chánh mưa giăng kín mặt sông, bên kia làng địch, Mễ cởi trần đeo súng Colt ở cổ, thổi phao bơi qua sông mua rượu. Chưa bao giờ tôi nghe nó thở than một điều gì nhưng trong đêm khuya, nơi căn trại vắng ở Tam Hiệp, trong bóng tối, nó ngồi im như một nỗi cô đơn.
 Đại loại lũ chúng tôi “hư” đến như thế, trong mười thằng có đến chín sau bao nhiêu năm đi làm quan không mua được một cái đồng hồ, không biết giờ tan sở Chính phủ ấn định là mấy giờ. Như vậy làm sao kéo chúng tôi vào trong một sinh hoạt đều đặn của trại lính biến thành công sở. Rồi cũng xẩy ra những tỵ hiềm, những xung khắc ti tiện, nhòm ngó đàn bà... Chúng tôi đi lính bao nhiêu năm, lẽ tất nhiên quá quen với đời sống kỹ luật; nhưng kỹ luật này co giãn, thay đổi theo mỗi hoàn cảnh của mỗi người, không có kỹ luật nào bắt lính nhịn đói hai ngày, nhưng luật của đại đội trưởng là phải la hét, quát tháo, kích thích binh sĩ, phải dựng đứng thân thể họ dậy và đẩy về đằng trước. Lẽ tất nhiên kỹ luật của quân đội sẽ vô cùng xuống giá trước cảnh "diễn nghĩa" của Lô cùng với cả trung đội cởi truồng say khướt trong một thửa ruộng ở Vĩnh Lộc, hay của Năng lúc ở tiểu đoàn 52 Biệt động quân, nhưng ai cấm được binh sĩ của chúng cảm phục và hãnh diện vì có những đại đội trưởng sáng gia hào hùng. Kỹ luật của chúng tôi bất thành văn chỉ có giá trị cho riêng mỗi người. Thế cho nên nếu bắt chúng tôi về lại với thứ nguyên tắc cứng nhắc vớ vẩn đại diện là mấy anh quân cảnh, hỏi thằng lính tác chiến nào nuốt nổi.
Mãn sở rồi, cai, đội hồi hương
Trai lui về làm ruộng...
 Hậu chiến thưở xưa được giải quyết êm đẹp như câu hò trên, nhưng hậu chiến bây giờ chúng ta sẽ làm được gì? Trung bình chúng tôi có tú tài, tú tài năm 1969 chỉ có thể đi làm thơ ký quèn, nhưng hậu quả trên dưới mười năm lính chúng tôi đã thành loại người để chỉ huy hoặc tuân lệnh. Giải ngũ trở lại với đời sống thường, nghe những anh già lẩm cẩm, những anh trai trẻ cù lần sai bảo chịu sao nổi?
 Lũ bạn chúng tôi ngồi nói chuyện với nhau, một người đi đến, dẫn thêm một tên bạn mới. Làm gì? Làm sở Mỹ. Tôi lúng túng khổ sở không biết gợi chuyện với hắn ta như thế nào! Trường hợp gặp một anh nhà binh không ở đơn vị tác chiến tôi cũng chả biết có chuyện gì để nói với. Kể cho nghe những ngày phá phách ở Pleiku, cho biết tin một thằng ở Biệt kích chưa được lên lon, làm sao anh ta hưởng ứng với được? Chúng tôi đã có một lối sống thành nếp với một số bạn bè hạn chế, thói quen tật xấu cũng như tính tốt của mỗi người đều được biết rõ, một người lạ xuất hiện gây nên một cảm giác khó chịu kỳ quặc, cũng như cái cảm giác lạc lõng ngơ ngác khi tôi bước chân vào một sân trường để xin cho đứa em vào học. Thế giới chúng tôi kín cửa dù có nhọc nhằn phiền muộn cũng đã một chỗ ngồi quen hơi.
 “Các anh là một giai cấp sĩ quan quí tộc...” Lúc xưa Đại Tá Huyến đã thổi chúng tôi lên như vậy. Sau này trong những ngày tang thương nhất của đời lính, đóng ở đài phát thanh Sài Gòn để chống biểu tình, căng chiếc võng ngủ ở chỗ nhà để xe của nhân viên trong đài, thấy giá trị của mình còn kém xa các anh thợ hát. Tôi đã gặp lại Đại Tá Huyến trong hoàn cảnh đó để đồng ý với ông ta rằng chúng tôi chẳng có tí ti “quý tộc" nào cả! Nhưng phải nói thật, ông đã gieo vào lòng trai trẻ của chúng tôi trong những năm đầu tiên niềm hãnh diện đích thực được làm một sĩ quan tình nguyện chọn binh nghiệp làm nghề - Một nghề đầy hy sinh và cao cả. Bố khỉ, đến năm nay thì chân lý cao cả kia trông yếu quá, lương quan ba “thiên thần mũ đỏ” không nuôi tấm thân tàm tạm, nhà phải đi ở thuê, nhỏ bằng hộp quẹt thở mạnh bung cả mái...  Ở gần nhà có một bà nạ giòng, loại “nouveau riche” mở lò bánh mì, chẳng biết phát tài ra làm sao, con mẹ mua một lúc ba chiếc xe, trong đó có một chiếc Mercédes 220. Thấy cái nhan sắc hoàng hôn, trang điểm theo kiểu technicolor cuœa đào ciné già cỡ 1930 ngự trên chiếc xe, thật đau lòng cho giai cấp quý tộc của tôi quá! Chưa hết, có một ông trung tá biết bà ta buôn bán phát tài đến xum xoe xin hùn vốn. Ôi! Tôi nghĩ ra tương lai cũng sẽ là một anh trung tá đi mở lò bánh mì hay làm trại heo với điều kiện có tiền làm vốn. Nhưng con đường đã vạch ra rồi đấy, bạn bè tôi thậm chí đến cả Lô “lọ rượu” còn xúi tôi chạy áp-phe... Chạy áp-phe, chắc chắn không bao giờ có được trong chương trình huấn luyện của trường Võ Bị Quốc Gia và Đại Tá Huyến ắt sẽ vô cùng ngạc nhiên khi thấy Lã  Quý Trang, sĩ quan á khoa của khóa tôi, một thằng nghệ sĩ đầy mình hát hay chẳng kém Duy Trác vẫn chạp áp-phe đều đều. Tôi không biết rõ nó có kiếm được tí nào không, nhưng nghe lời thở than...
 - Không kiếm chác là đọi đấy mày ạ, tao vợ hai con rồi, nhà lại ở thuê...
 Thôi xong rồi, ngày nó cầm gươm đi diễn hành sao mà đẹp đến thế. Đời đã giết nét tài tử trong tâm chất của nó.
 Đấy, chưa là hậu chiến sĩ quan đã bơ vơ lếch thếch đến thế. Tưởng chỉ có ở trong tiểu thuyết Les frères của Karamazov, viên đại úy đi đòi nợ cho điếm. Hậu chiến chưa đến, nhưng con điếm trong xóm tôi đã đến nhà nhờ tôi lãnh dùm thằng chồng ma-cô của nó ra khỏi ty Cảnh sát. Xin Chúa hãy phù hộ cho con! May quá tôi cũng có vốn thanh liêm nên chối từ. Nhưng nếu hậu chiến, giải ngũ trong cảnh vợ con nheo nhóc, ai cản tôi áo hoa nón đỏ vào ty Cảnh sát lãnh hộ mấy thằng ma-cô kiếm tí tiền còm!
 
 
Cuối năm 1969