Người dịch: Nhất Như
- 5 -

Ngày mồng bảy tháng ba, từ lúc trời đất còn tờ mờ thì Tsuji Heinai đã theo huynh đệ Sugita rời võ đường ở khu phố ngoài đến trường ngựa Takada ở thành bắc. Ba người nhằm hướng Tây đi dọc theo con sông Edogawa, đến khu đất cao ráo Mejiro thì rẽ phải. Khi đến khu Waseda, đi qua mấy mẫu ruộng và rừng cây tạp thì trường ngựa cũng chẳng còn xa nữa.
Trường ngựa Takada là một dải đất dài, đông tây hơn sáu trăm mét, nam bắc hơn năm chục mét, được Tướng quân đời thứ ba là Tokugawa Iemitsu xây dựng vào những năm Kan Ei để làm khu luyện ngựa và nơi tập bắn cung. Ở giữa là một ụ đất chia trường ngựa làm hai.
Ở một góc trong dãy cây tùng chạy dọc theo phía bắc trường ngựa có quan giám sát Meshida Shige Uemon của phiên Ono dẫn theo khoảng mười tùy tùng chủ trì trận đấu. Yamana Gengoro dẫn theo người trợ lực đồng thời cũng là môn đệ của hắn, tên là Kawai Saibei đến nơi vào giờ khắc đã định.
- Sau khi ta đánh lui bọn Sugita thì mọi mối phiền hà cho các vị sẽ được giải tỏa. Mà ta cũng lấy làm phấn khởi.
Quả nhiên, Yamana Gengoro không chút mảy may nghi ngờ về thắng lợi của mình.
Màn sương dày đặc bắt đầu tan dần.
Không khí buổi sáng đậm đặc, mặt đất bốc lên cái mùi nồng nặc đặc trưng của mùa xuân.
Đến giờ khắc quyết định, ….
Huynh đệ Sugita nai nịt gọn gàng dẫn theo Tsuji Heinai, đầu đội nón lá rách sùm sụp xuất hiện ở phía Tây trường ngựa. Cả bọn tiến đến thi lễ trước quan giám sát Shimeda Shige Uemon rồi:
- Nào!!
Shozaemon giơ cao cây gậy vào thế thủ. Gengoro trông thấy nở nụ cười nhạt rồi thong thả rút gươm.
- Đồ ngu ngốc!…Định thắng ta bằng vật đó sao…
Theo luật lệ thì là một đối một. Nếu Shozaemon thất thế thì Yaheiji sẽ lên thay nhưng Gengoro lại ngạo mạn bảo “cả hai cứ xông lên cùng lúc”.
Đến khi tên môn đệ Kawai Saibei tiến lên xưng danh thì lúc này, Heinai mới lặng lẽ bỏ chiếc nón ra.
- Mỗ là Tsuji Heinai vùng Kouga, trợ lực cho huynh đệ Sugita.….
Nhìn thấy mặt Heinai, cả Yamana Gengorou lẫn Kawai Saibei đều trố mắt, “A!” lên một tiếng rồi há hốc mồm, đứng thất thần một lúc.
Hai hôm trước, ngày mùng năm tháng ba, Tsuji Heinai bỗng nhiên xuất hiện trước võ đường Yamana mà không ai hay biết. Trưa hôm đó, Heinai đến xưng danh:
- Tại hạ là người ở Kouga, tên là Sugutani Uhei, mong được thỉnh giáo với tiên sinh Yamana một chiêu.
Gengoro trông thấy nghĩ rằng chỉ là một tay kiếm ăn mày lang thang nên bảo tả hữu “cho nó ít tiền rồi đuổi đi”, nhưng dù thế nào Heinai cũng không chịu nghe, cứ nằng nặc xin đấu.
Rồi một tên môn nhân ra đấu với Heinai như đùa bỡn. Heinai mượn thanh mộc kiếm, đứng thất thần vào thế thủ hạ đoạn.
- Được chưa, chuẩn bị xong chưa. Ta đánh đây.
Heinai gật đầu, tên môn nhân ra đòn với vẻ khinh bỉ…. Trong nháy mắt, Heinai bỗng khuỵu một chân. Rồi… không biết bị đánh trúng chỗ nào mà tên môn nhân bị ném văng ra như quả bóng, đập vào tường bên kia la thất thanh. Hắn đau đớn giãy giụa. Cánh tay trái đã gãy mất.
Cả võ đường xao động.
Tên môn nhân tiếp theo lên thay, Heinai nghênh đón mà vẫn cứ đứng khuỵu chân như lúc nãy. Hắn vừa đánh tới, Heinai liền nhẹ nhàng đứng lên. Kết quả không khác trước, tên này cũng bị hất văng ra.
Tên tiếp theo vừa ra đòn, Heinai bỗng khuỳnh chân.
- Á!!
Một tiếng kêu cất lên. Trong nháy mắt hắn đã bị Heinai đánh trúng cổ.
- Những kẻ còn lại cứ lên cả đây.
Heinai vừa dứt lời thì bảy tên còn lại biến sắc, nhất tề nắm mộc kiếm xông vào. Chỉ trong nháy mắt, thân thể Heinai trông thì xiên xẹo lạ lùng nhưng lại nhanh nhẹn như con chim lao vào giữa đám đông.
- Khốn kiếp!!!
Bốn kẻ còn lại lồng lộn, vừa toan đổi hướng thì thanh mộc kiếm của Heinai đã lao tới, chạy ngang dọc lên xuống giữa bốn thanh kiếm kia. Chỉ trong chốc lát mà bốn người lộn nhào đổ vật ra.
Lúc bấy giờ, Yamana Gengoro đứng quan sát từ đầu chí cuối lấy làm kinh ngạc. “Thật ghê gớm”, nghĩ rồi không biết hắn bỏ đi đâu.
Bọn môn nhân xanh mặt không dám hó hé nửa lời trước kiếm pháp quỷ khóc thần sầu của Heinai.
- Hahaha… Đã trốn mất rồi sao?
Heinai bật cười rồi rời khỏi võ đường Yamana.
Vì vậy khi thấy kiếm sĩ ăn mày này theo trợ lực cho huynh đệ Sugita thì cả Yamana Gengoro và Kawai Saibei đều không khỏi hoảng hồn.
Bắt đầu trận đấu giữa Sugita Shozaemon và Yamana Gengoro.
Shozaemon huơ vun vút cây gậy sáu thước quay vun vút như chong chóng, mắt trừng trừng nhìn thẳng vào địch không hề lộ vẻ sợ hãi.
- Khốn kiếp!
Yamana Gengoro cầm kiếm vào thế thủ, toan đón đánh nhưng lại phát hiện ra ánh mắt như luồng điện của Heinai từ sau lưng Shozaemon. Cứ mỗi lần nghĩ đến đấy là thân thể hắn cứng đờ không động đậy được. Cho dù có hạ được Sugita…. “Thì tiếp theo gã kia sẽ xông lên”, nỗi sợ hãi ấy chiếm ngập đầu óc hắn. Vì vậy mà Gengoro sớm bị đòn đánh của Shozaemon áp đảo.
- Eitt!!!
- Yatt!!!
Dường như Shozaemon đã lâm vào trạng thái vô ngã, tay huơ cây gậy lục giác liên tiếp giáng đòn không ngớt. Đúng là quái lực. Rồi chẳng mấy chốc, Gengoro hứng trọn một gậy vào đỉnh đầu, thổ huyết chết tại chỗ.
Huynh đệ Sugita báo thù được cho phụ thân Hansuke liền trở về phiên Ono xứ Echizen, còn Heinai lúc trước tung hoành ở võ đường Yamana, được người mục kích là Ariyoshi Tanomo, gia thần của chúa Hosokawa Etchu Nokami, thành chủ Kumamoto năm mươi tư vạn hộc xứ Higo chú mục.
- Đúng là bậc danh nhân kiếm thuật.
Thế là tiếng tăm nổi lên như cồn, năm sau Heinai nhận được sự bảo trợ của chúa Hosokawa, được chúa dựng cho một căn võ đường đàng hoàng ở khu phố Koji. Cái tên Gettan của phái kiếm Mugai Ryu từ đó vang dội khắp thiên hạ. Gettan là hiệu của Heinai sau khi được phép của ân sư Ito Daizen lập ra phái Mugai Ryu.
Nửa năm trôi qua.
Vào ngày mười một tháng hai năm Genroku thứ bảy …
Vùng Shibata xứ Echigo có võ sĩ Nakayama Yasubei Taketsune vì nghĩa mà rút gươm trợ lực cho Kanno Rokuro Zaemon, trong trận đấu với bọn năm người Murakami Saburou Uemon cũng tại trường ngựa Takada này. Trước trận đấu, Nakayama Yasubei có đến võ đường Tsuji và được Tsuji Gettan chỉ điểm cho nhiều điều, lúc này “ông rái cá” mới nói:
- Trong trận đấu thì ống Hakama tới gối.
Tức là khi chiến đấu thì nên cắt vạt áo Hakama cao lên đến đầu gối, như thế sẽ dễ dàng di chuyển hơn. Và Yasubei đã làm đúng như lời Gettan dặn. Yasubei này sau đổi thành Horibe Yasubei, di thần của chúa Asano cùng bốn mươi sáu người đồng chí khác tập kích vào dinh thự Kira, báo thù cho chủ rồi mổ bụng tự sát trong sự hoan nghênh của dân chúng. Câu chuyện bốn mươi bảy võ sĩ báo thù cho chủ thời Genroku này trở nên nổi tiếng và là đề tài cho không biết bao vở kịch, thơ ca và ngày nay là phim ảnh.
Lúc bấy giờ Sugita Shozaemon đã trở về phiên Ono xứ Echizen bỗng trở lại Edo.
- Xin tiên sinh nhận vào hàng môn đệ cho.
Shozaemon nài nỉ. Rồi từ đó ở lại võ đường Tsuji chăm sóc lo lắng cho Gettan. Khi Shozaemon nhường lại nghiệp nhà cho Yaheiji đến Edo theo Tsuji thì Gettan mới hỏi:
- Thế còn quý đệ thì sao?
- Nhờ ơn tiên sinh mà chúa Doi cùng các vị đại lão không còn cái nhìn ác cảm nữa và hiện giờ hắn đang hết mình phụng sự.
- Ồ, thế thì tốt quá. Tốt quá, tốt quá.
Võ đường Tsuji cùng với võ đường của Horiguchi Gentarou phái Ittou Ryu ở Koishikawa được xem là hai căn thịnh nhất trong số các võ đường ở Edo. Môn đệ của Tsuji Gettan lên đến con số hai trăm nhưng mọi thứ phẩm vật, tiền bạc ông nhận được từ họ đều mang ra chia đều cho những người khốn khó hết. Tsuji Gettan không vợ không con cùng với Sugita Shozaemon độc thân sống đến ngày mười ba tháng hai năm Kyohou[1] thì mất. Hưởng thọ bảy mươi chín tuổi.
Chú thích:
[1] Niên hiệu kéo dài từ năm 1716-1736.