Người dịch: Nhất Như
- 4 -

Lúc bấy giờ danh môn Yoshioka có lò luyện kiếm ở Nishino Touin vẫn được giới bình dân ở Kyoto gọi thân mật là:
- Nhà Kempou
- Kempou chính trực.
Kempou (Hiến Pháp) là gia hiệu truyền đời của dòng họ này vì tổ tiên lấy sự chính trực làm gia hiến răn dạy con cháu. Tuy là lò luyện binh pháp cho cựu Tướng Quân Ashikaga nhưng dân chúng trên kinh vẫn không e ngại gì vì lúc bấy giờ ở Kyoto, ngay cả những anh hàng kẹo chỉ cần lui tới cửa quyền quý là có ngay quan vị như “Mutsu Nodaijou” chẳng hạn. Những anh như thế này đầy rẫy khắp nơi. Hơn nữa nhà Yoshioka lại không có quan vị. Nếu nhìn từ con mắt của dân chúng thì Yoshioka chẳng qua chỉ là một nhà buôn mua bán kiếm pháp mà thôi. Nhà Yoshioka này tuy mở lò luyện binh pháp nhưng bên cạnh đó cũng kiêm luôn nghề thợ nhuộm do một Hoa kiều nhà Minh là Lý Tam Quan truyền lại. Tục gọi là màu nhuộm Yoshioka. Vải nhuộm Yoshioka bền lâu không phai màu nên rất được ưa chuộng.
Ngày xưa, từ đời Tướng Quân Ashikaga Yoshimochi, ông tổ Yoshioka Naomoto đã giữ chức “Kiếm thuật chỉ nam” và đến nay đã trải qua các đời gia chủ Naomitsu, Naokata, Naotsuna. Các đời đương chủ đều là người ôn hòa thân tình, mới nhìn qua thì dễ nhầm họ với giới thương nhân.
Lúc Musashi khiêu chiến thì đương chủ là Genzaemon Naotsuna, hiệu truyền đời là Kempou.
Nhân vật này vào lúc cuối đời có giai thoại như thế này.
Vào thời Tướng Quân Tokugawa đời thứ ba là Iemitsu thì ở Edo và Kyoto có tục Tsujigiri[1] rất thịnh hành trong số những kẻ tự mãn võ nghệ. Vào một năm niên hiệu KanEi, ở Mimasaka có hai võ sĩ nhà Mori lên kinh chém người. Hai gã đã rình chém chết một số cao thủ.
Một đêm hai người chia nhau nấp trong bóng tối ở đầu đường. Đợi một lúc thì thấy một lão ẩn cư ăn vận ra dáng thương gia, vai mang thùng hành lý, chân đi dép cỏ bước tới.
- Đến rồi kìa.
Hai kẻ chia nhau ra đầu cuối đường. Đầu tiên một kẻ nhảy ra, bất ngờ vung gươm từ phía sau xông tới. Nhưng lão ẩn cư vẫn không dừng chân, nhẹ nhàng dùng thùng hành lý mang trên vai gạt thanh gươm ra mà đi tuốt. Được một lúc thì kẻ chực ở đầu đường xông ra, tuốt gươm. Lão ẩn cư vội dừng chân,
- Hượm cái đã. Đợi ta chuẩn bị một chút.
Lão nhân cẩn thận cởi dép cỏ nhét vào thắt lưng, vén vạt áo rút quạt ra thủ thế.
- Nào được rồi, xuất chiêu đi.
Gã võ sĩ nhà Mori không biết chuyện gì, giơ gươm chém xuống nhưng lão nhân nhanh nhẹn tránh được. Hắn toan chém lần nữa thì toàn thân không thể cử động nổi, cứ như là nhúng thanh gươm vào nồi kẹo đặc mà khuấy vậy. Trong lúc đó lão nhân thừa thế tiến tới, dùng quạt gõ lốc cốc vào sống kiếm đối phương mà đùa rằng,
- Chưa được, chưa được.
Hắn toan huơ kiếm lên thì lão nhân chạm vào đổ lăn ra. Chốc sau có gã kiếm khách lúc nãy chạy vội đến, lão nhân vừa buông vạt áo vừa nói
- Các ngươi đi chơi đêm mà trình độ như thế này thì có ngày thiệt thân. Hãy chăm chỉ luyện tập thêm rồi muốn làm gì thì làm.
- Các hạ là ai?
- Là Kempou.
Lão ẩn cư vừa hát vừa bỏ đi.
Khi Musashi đến khiêu chiến là trước khi chuyện này xảy ra khoảng ba mươi năm, vào năm Keichou thứ chín, thứ mười gì đó.
Lúc bấy giờ là khi chính quyền Mạc Phủ Tokugawa vừa mới thành lập ở Edo, sở ty đại[2] Kyoto là Itakura Iganokami cũng rất gắt gay trong chuyện kiểm soát thị chính.
Itakura quyết không để cho những chuyện ồn ào lộn xộn xảy ra ở kinh đô. Mà nhà Yoshioka đời đời bám rễ ở đất này cũng không ưa chuyện tư đấu nên mang chuyện tỷ thí bẩm lên sở ty đại. Iganokami bảo: “Đích thân ta sẽ giám sát”.
Thân là một quan thị chính nên Iganokami rất sợ chuyện hai bên để lại oán hận mà gây rối. Trận đấu được tiến hành trong dinh sở ty đại và theo sự giám sát của Iganokami thì “Hai bên ra đòn cùng lúc, hòa”.
Sự thật là không biết có hòa hay không. Vì quan giám sát Iganokami chỉ là một quan văn xuất thân từ tăng lữ, chẳng biết gì về binh pháp. Theo truyện “Yoshioka Den” thì trận đấu giữa Musashi và Kempou trước sau gì cũng chỉ có chừng này. Mà trong truyện “Musashi Den” thì cũng không thấy trận quyết đấu ở chùa Ichijou Ji trên cánh đồng Rendai.
Nhưng theo truyện “Musashi Den” thì gia trưởng nhà Yoshioka không phải là Genzaemon Naotsuna mà là một người tên là Seijurou. Trong khi đó theo “Yoshioka Den” thì chẳng thấy tên tuổi Seijurou đâu cả.
Có một thuyết cho rằng họ Yoshioka ở Kyouto có hai căn gồm dòng chính và dòng phụ. Dòng chính gọi là Yoshioka trước và dòng phụ là Yoshioka sau. Như vậy thì có thể Musashi sau khi đánh bại Kempou của dòng chính mới tỷ thí với Seijurou của dòng phụ. Hay đây chỉ là một kiểu tuyên truyền của hai bên Musashi và Yoshioka, trộn lẫn hư thực với nhau.
Trận đấu với Yoshioka Seijurou diễn ra ở cánh đồng Rendai phía bắc thành Kyouto. Musashi đánh một đòn, Seijurou ngã vật ra tắt thở. Musashi thu mộc kiếm nhảy lui, quay về phía môn đệ Yoshioka:
- Mạch hắn hãy còn đập, mau gọi đại phu.
Đúng như giao ước ban đầu, Musashi đã không ra chiêu thứ hai.
Yoshioka Seijurou có người em trai là Denshichirou tính tình dễ kích động nhưng tài năng võ nghệ vượt cả huynh trưởng. Denshichirou quyết tâm phục thù, mang chiến thư đến chỗ Musashi. Hắn thấy rằng nếu đấu bình thường thì khó lòng thắng nổi nên công phu được thanh mộc kiếm dài hơn năm thước, nơi mũi kiếm khoét một lỗ, trong có đoạn dây xích nối với quả chùy. Đây chẳng phải là điều bỉ ổi gì mà chẳng qua chỉ là nghĩ ra món binh khí mới, như Kusarigama vậy.
Hôm tỷ thí Musashi cố tình đến muộn giờ hẹn, Denshichirou trông thấy kích nộ:
- Musashi, ngươi sợ à!
- Ta ngủ quên mất.
Musashi tủm tỉm cười. Nụ cười còn chưa tắt thì thanh mộc kiếm hơn năm thước kia đã bổ xuống. Musashi giơ mộc kiếm lên đỡ, quả chùy vọt ra cắt đứt một đoạn tóc, dải khăn quấn đầu màu lam nhất thời biến sắc. Nhưng quả chùy này đã không đánh vỡ được hộp sọ của nhân vật dị thường này. Trước khi bị quả chùy đánh trúng thì Musashi một tay dùng mộc kiếm đập vào nửa mặt Denshichirou rồi. Đối phương loạng choạng, Musashi không bỏ lỡ cơ hội nhảy ra cướp lấy thanh mộc kiếm dài năm thước kia.
- Ngươi đã thấy chưa!
Thanh mộc kiếm bổ thẳng xuống. Đầu Denshichirou vỡ vụn.
Vứt mộc kiếm, Musashi quay sang bọn môn đệ Yoshioka:
- Hãy chăm sóc hắn.
Khi Musashi cúi chào thì Denshichirou đã tắt thở rồi.
Từ trận đấu này đã dẫn đến trận quyết đấu kinh thiên động địa dưới gốc cổ tùng Sagari Matsu chùa Ichijou Ji.
Trận đấu này, theo như ký thuật của Miyamoto Iori, dưỡng tử của Musashi viết trên văn bia “Niten koji bumi” nhằm tán dương công đức của dưỡng phụ thì:
- Môn sinh nhà Yoshioka ôm hận quyết tâm phục thù. Biết rằng nếu dùng binh thuật thì khó lòng thắng được nên bàn mưu tính kế. Yoshioka Mata Shichirou dẫn theo môn sinh mấy trăm người đến gặp ở dưới gốc cổ tùng ngoài thành.
Dĩ nhiên đây chỉ là ký thuật không đúng sự thật của Iori nhằm tán dương khai tổ. Vì mấy trăm người chẳng phải là quân số mà chỉ có chư hầu vạn hộc mới huy động được sao. Vả lại đây là kinh thành, nếu huy động ngần ấy nhân số thì há nào sở ty đại lại nhắm mắt làm ngơ. Nếu có bí mật huy động thì nhà Yoshioka sau này cũng khó tránh khỏi việc bị Mạc Phủ Edo truy tội. Nhưng lò luyện binh pháp Yoshioka vẫn bình an vô sự đến mười năm sau này, chẳng có dấu tích gì cho thấy họ bị hình phạt cả. Nhưng đúng là sau này, vào năm Keichou thứ mười chín thì võ đường Yoshioka bị phong tỏa. Nhưng đó là lý do khác. Số là vào tháng sáu năm này, trong Hoàng cung có tổ chức buổi lễ nhạc Sarugaku, lúc bấy giờ có kẻ tên là Seijirou Shigekata nổi điên rút gươm gây nào loạn. Vì sự kiện này mà Yoshioka Kempou đóng cửa võ đường, dẫn theo môn đệ đến tá túc ở nhà một người bà con là Mishuku Echizen Nokami Naganori, mấy năm không về kinh. Ba năm sau Kempou quay lại Kyouto chuyên nghề thợ nhuộm. Vào những năm cuối đời huynh đệ quy y với thiền sư Enkan, chuyên tâm học thiền và hưởng trọn tuổi trời. Truyền thuyết về Musashi và Yoshioka có khác nhau như thế. Có lẽ thịnh suy của một môn phái cũng phụ thuộc vào việc tuyên truyền giỏi dở.
Nếu những tài liệu liên quan đến Musashi là sự thật thì có lẽ nhà Yoshioka đã tập hợp một nhân số không đáng kể.
Bọn môn sinh đặt con trai của Seijurou là Mata Shichirou vào vị trí tổng đại tướng. Lúc bấy giờ Mata Shichirou chỉ là một thiếu niên chưa biết đến đao thương kiếm thuật là gì.
Hôm quyết đấu, Musashi rời kinh đô đến làng Ichijou Ji phía bắc thành khi trời đất còn mịt mờ. Lúc này bọn Yoshioka cũng chưa đến, bốn bề tối om. Đó đây vẳng lên tiếng gà gáy trong làng Ichijou Ji dọc theo sườn núi, trời Đông bắt đầu sáng dần từng chút một.
Musashi tựa lưng vào gốc cổ tùng, duỗi chân rồi quay ra ngủ. Một chặp sau đã trông thấy ánh đèn lồng lấp lánh điểm điểm phía bên kia đường, Musashi ôm chặt thanh kiếm ba thước tám phân chẳng buồn ngồi dậy.
Bọn Yoshioka cứ nghĩ rằng Musashi có thói quen hay đến muộn. Bọn chúng sơ hở ở điểm này. Cả bọn kéo đến gốc cổ tùng, sắp xếp nhân số. Lúc này trời vừa sáng tỏ mặt người. Một đứa sinh nghi bước ra.
- Người nằm kia là ai?
Bóng đen khẽ động đậy,
- Là Musashi.
Dứt lời đã bật dậy, đồng thời một chiêu chém chết Mata Shichirou đứng bên cạnh. Trong bọn môn sinh Yoshioka có kẻ chẳng hiểu chuyện gì đã xảy ra, hỏi ra mới thấy thi thể Mata Shichirou thì hoảng hồn. Trận đấu chỉ diễn ra trong chốc lát, Musashi chém chết mấy kẻ đứng trước mở đường máu rồi chạy vào trong núi. Thật là một trận đánh suông sẻ, ngoạn mục.
Đấy là vào năm hai mươi mốt tuổi. Trận đấu công khai duy nhất vào nửa đầu cuộc đời Musashi là với Sasaki Kojirou trên đảo Funashima ở Kokura vùng Buzen, lúc bấy giờ được hai mươi chín tuổi.
Sau này, trong trận chiến ở Osaka, Musashi theo bảng chiêu mộ kiếm khách giang hồ của thành Osaka mà nhập thành. Có lẽ Musashi vẫn chưa dứt được giấc mơ một nước một thành ngày nào. Binh pháp võ nghệ chẳng qua chỉ là một cái “nghệ” mà thôi. Theo như từ ngữ đương thời thì những hạng kiếm sĩ như vậy chỉ là “nghệ giả” (Geisha), “nghệ thuật giả” (Geijutsu sha), “nghệ nhân” hay những người sử “nghệ”[3]. Nhưng Musashi ôm mộng làm tướng, không cam chịu chỉ là “nghệ thuật giả”. Nhưng trên văn bia “Niten koji bumi” có viết:
- Khi Toyotomi Hideyori gây binh biến ở Osaka thì Musashi lập không biết bao danh công chiến tích, không sao kể xiết.
Nhưng theo tư liệu của cả hai đạo quân Đông, Tây thì chẳng thấy tên tuổi Musashi đâu. Danh công chiến tích chỉ là xuất phát từ hiếu tâm của dưỡng tử Iori mà thôi.
Nhưng lúc ấy có hơn sáu vạn võ sĩ giang hồ nhập thành Osaka, chắc Musashi cũng lẫn trong số đó.
Đương thời, khi có một võ sĩ giang hồ tên tuổi nhập thành như Mouri Katsunaga, Akashi Takenori, Gotou Matabei, Pandan Uemon hay Mishuku Kanbei thì khắp trong ngoài thành đều tuyên truyền đưa tin. Khi Musashi nhập thành thì chẳng ai hay. Trận đấu công khai với Sasaki Kojirou ở đảo Funashima thuộc Buzen Kokura do nhà Hosokawa giám sát chẳng phải là công lao nơi chiến trường mà chỉ là một cách nâng cao tên tuổi của một “nghệ thuật giả” mà thôi. Vì vậy mà Musashi vẫn bị xem thường. Sự bất hạnh này theo Musashi cho đến những năm cuối đời.
Ngày thành Osaka bị hạ, một lần nữa Musashi thuộc về phe bại trận phải lẩn trốn chui nhủi, sau cùng bọn võ sĩ giang hồ khác tẩu tán khắp nơi. Mấy năm vẫn không có tin tức gì.
Miyamoto Musashi Masanobu chỉ bắt đầu bước đi trên con đường cái quan khi đã quá tuổi bốn mươi vào mười năm sau. Musashi tuổi trung niên đã trở thành một người hoàn toàn khác hẳn so với thời thanh niên.
Chú thích:
[1] Tsujigiri là khi một võ sĩ muốn thử độ bén của kiếm, đương đêm nấp nơi đầu đường rình kẻ qua lại mà bất chợt nhảy ra chém chết
[2] Sở ty đại: một chức quan của Mạc Phủ giám sát tầng lớp quý tộc ở kinh đô và giải quyết tình hình ở các vùng lân cận.
[3] Những từ này không được hiểu theo cách hiểu như ngày nay