Người dịch: Nhất Như
(4)

Mùa thu năm Keichou thứ mười, nhà Yoshioka nhận được thư thách đấu của kiếm khách ở Banshu là Shinmen Miyamoto Musashi.
- Shinmen!
Kempou hay tin bất giác thốt lên, rồi lại trầm ngâm một hồi.
- Hắn là người như thế nào?
Musashi không hề gặp trực tiếp người nào trong nhà Yoshioka mà chỉ đưa cho lão gác cổng một phong thư rồi bỏ đi.
- Hắn cao năm sáu thước bảy, tám thốn, gò má nhô ra, mép không râu, tròng mắt vàng như lòng trứng.
- Đúng là dị tướng. Thế khoảng bao nhiêu tuổi?
- Chừng hăm mốt, hăm hai.
Như vậy là Kempou đã hiểu rõ hành động của Musashi. Hắn sợ rằng nếu xuất hiện trước mặt người nhà Yoshioka thì sẽ bị nhìn thấu tâm can, thói quen nên chỉ nói rằng mọi việc sẽ được quyết định ở địa điểm thách đấu. Tuổi hãy còn trẻ nhưng đã khôn ngoan lọc lõi như người già. Theo như bức thư thì Yoshioka phải mang thư trả lời đến người quét cổng ở chùa Diệu Pháp (Myouhou Ji) núi Higashiyama. Nếu phái Yoshioka không đáp trả, chẳng những khắp kinh đô mà người trong thiên hạ đều biết sự hèn kém của Yoshioka.
Kempou hoảng hốt khi nghe đến họ Shinmen này là vì trong đời Kempou trước, nhà Yoshioka cũng nhận được lời thách đấu từ kiếm khách mang cùng họ đến từ Banshu là Munisai. Trận ngự tiền tỷ võ diễn ra trước mặt Tướng Quân cuối cùng thời Muromachi là Ashikaga Yoshiaki, đấu ba hiệp thì Munisai đã thắng hai hiệp.
Nhà Yoshioka được gọi là lò luyện binh pháp, kiếm thuật của Tướng Quân Muromachi và được phong danh hiệu “Fusou Daiichi Heijutsu sha” (Phù Tang đệ nhất binh giả). Nhưng sau trận tỷ thí này, hình như Munsai đã được phong danh hiệu “Hinoshita Musou Hyouhou Jutsusha” (Nhật hạ vô song binh thuật giả), tức là binh pháp giả vô song dưới bầu trời và đi rêu rao quảng bá danh hiệu này.
Munisai không những tinh thông đao thuật kiếm pháp mà còn thạo cả lối đánh Jitte nhưng cuộc đời sau này ra sao thì ở kinh đô không nghe nói đến.
- Hay là Musashi này có họ hàng gì với Munisai?
Kempou thầm nghĩ. Sau này mới biết rằng Musashi chính là con ruột của Munisai nhưng lúc bấy giờ vẫn chưa hay điều này. Kempou rất sợ cái họ Shimen này. Đối với nhà Yoshioka thì đây là họ mang đến nhiều điềm gở không gì bằng.
- Hãy điều tra chỗ ở của hắn.
Kempou chợt trở nên cẩn trọng nghiêm chỉnh như một người hoàn toàn khác. Đầu mối chỉ là một người quét cổng ở chùa Diệu Pháp như Musashi nói, khi cho bọn môn đệ đến dò la tin tức thì lại chẳng thu được điều gì quan trọng. Theo như lời người quét cổng thì một hôm có người cốt cách vạm vỡ như Musashi đến bảo:
- Nhà Yoshioka ở Nishino Touin có bức thư muốn giao cho ngươi, hãy giữ hộ ta.
Nói rồi đưa cho hai đồng bạc rồi bỏ đi mất.
- Chỉ như thế thôi sao?
Kempou thất vọng.
- Nhưng nếu là người tướng mạo dị thường như thế thì có vào kinh cũng dễ nhận ra thôi. Hãy tìm thêm đi.
Bọn môn đệ chia nhau ra tám hướng sục sạo khắp kinh thành nhưng rốt cuộc chẳng có kết quả gì. Đối phương dường như đã biến mất. Trong khi ấy, Kempou chưa hề trông thấy dung mạo của đối phương nên tưởng tượng ra một hình ảnh Musashi to lớn, ngày đêm bị hình ảnh đó ám ảnh. Thật là thất sách, chưa đấu mà đã thua mất rồi.
Đối với trận tỷ thí này thì chỉ có cách chấp nhận mà thôi. Chừng nào nhà Yoshioka còn mở lò luyện binh pháp cho thiên hạ thì không có cách nào khác ngoài việc chấp nhận.
Theo thủ tục, Kempou đem chuyện này bẩm lên sở ty đại, nhưng đột nhiên Itakura Iganokami lại hứng chí:
- Trận đấu này sẽ được tổ chức trong vườn sở ty. Đích thân ta sẽ giám sát.
Hẳn là quan thị chính Itakura đã sanh tâm tò mò, hứng thú với võ sĩ giang hồ Musashi dị hình dị tướng và chưa rõ tông tích này. Vì vậy mà trận đấu này được tổ chức công khai, không như trận tỷ thí với Asayama Santoku lần trước để hai bên tự quyết định mọi chuyện.
Kempou về nhà đem chuyện này thuật lại với Mata Ichirou:
- Tuy đối phương chỉ là một tay kiếm quê mùa nhưng đối với ta, đây lại là một trận đấu công khai. Này Mata.
Kempou lặng lẽ nói:
- Trận này đích thân ta sẽ đấu.
- Huynh trưởng sao?
Mata Ichirou nghe rồi buột miệng thốt lên:
- Liệu có thắng được không?
Kempou vẫn không hề thay đổi sắc mặt.
- Có thể là thua. Nhưng nếu là ngươi thì thua chắc.
- Huynh trưởng, cho dù có là phụ tử huynh đệ đi nữa nhưng trong binh pháp tuyệt đối không có nhường nhịn. Giữa huynh và đệ thì ai hơn ai?
- Ta cao hơn một bậc.
- A vậy thì mời huynh ra võ đường, đệ lãnh giáo một chiêu.
- Đâu cần gì phải động đến mộc kiếm mới phân định thắng thua chứ. Đêm nay ngươi hãy đến chỉ quán ở khu rừng nhà Isshiki thử xem. Nếu là ngươi thì bọn chim chóc chẳng thèm cất nửa lời.
- Thế là chuyện gì?
Mata Ichirou đợi đêm đến liền cất bước đến khu phế tích nhà Isshiki. Vầng trăng khuyết đã treo lơ lửng trên đỉnh núi Higashiyama xa xa.
Dưới đám cỏ trong khu rừng, lũ côn trùng kêu râm ran dưới ánh trăng thu nhưng mỗi bước chân Mata Ichirou giẫm lên cỏ là tiếng côn trùng chung quanh lại im bặt. Hắn sờ soạng trong đêm rồi leo lên một tảng đá, ngồi xuống thu chân vào thế kiết già.
Bề ngoài thì phương pháp chỉ quán trông không khác gì với tọa thiền nhưng đây vốn không phải là hành pháp của Thiền môn mà xuất phát từ các hành giả của Mật giáo[1] và phái Thiên thai. Nếu mục đích của tọa thiền là làm cho mọi loạn tưởng tạp niệm quy về cái “không” thì ngược lại, chỉ quán làm cho mọi tưởng niệm thống nhất vào trong một niệm. Các phái võ nghệ trước đây chịu nhiều ảnh hưởng của Phật giáo Thiên thai, sau có phái Yagyu Ryu kết hợp với Thiền tông, dùng chỉ quán làm phương pháp tập luyện tâm can.
Chẳng hạn, trong chỉ quán có phương pháp thủy quán.
Hành giả tập thủy quán ngồi nơi bờ sông đến mấy ngày, mấy tháng, nhìn dòng sông trôi đi mà thực quán kiếp nhân sinh cũng chẳng khác gì dòng sông kia. Đối với hành giả đạt đạo thì không cần nhìn thấy dòng sông, cho dù có nhắm mắt thì cũng có thể thấy được như đang đứng ở bờ sông. Nghe nói vào một thời vương triều xa xưa có hành giả ngồi trong phòng thực hành chỉ quán. Lúc ấy có người bên ngoài vô ý mở cánh cửa ra thì nước trong phòng cuồn cuộn tuôn ra suýt chết đuối. Dĩ nhiên đây chỉ là ảo giác nhưng người ta nói rằng nếu tu luyện đến một mức nào đó thì không chỉ đối với bản thân mà còn có thể kéo người khác vào ảo giác nữa.
Mata Ichirou ngồi chỉ quán đã lâu, khi trăng đã lên đến đỉnh đầu thì bất giác cảm thấy sau lưng có khí người.
- Này Mata.
Thì ra là Kempou.
- Chẳng phải là chim chóc đang ngủ sao.
Bóng đen cất tiếng cười. Mata Ichirou bỗng thấy máu chảy ngược, nổi xung lên. Từ trước đến nay hắn vẫn luôn kính trọng huynh trưởng của mình nhưng không hiểu sao trong giây phút này hắn hận Kempou đến xương tủy.
- Rút kiếm ra!
Mata Ichirou thét rồi nhảy xuống tảng đá, tuốt gươm vào thế thủ thượng đoạn như chực bổ xuống đầu Kempou.
- Thắng thua trong binh pháp chẳng qua là do kỹ thuật kiếm pháp quyết định. Ngày xưa huynh luôn bảo rằng hãy xông vào huynh như muốn chém. Vậy thì hôm nay ta sẽ thực hiện điều đó ở đây!
- Được.
Bóng đen của Kempou khẽ động đậy. Có tiếng tuốt gươm ra khỏi vỏ rồi ánh thép lóe lên dưới trăng. Rồi mũi kiếm từ từ hạ dần xuống dưới, dừng lại ở thế hạ đoạn.
- Sao không xông lên.
- Ta, ta thua rồi.
Mata Ichirou định dò xét hơi thở của Kempou nhưng không hiểu vì sao, mỗi lúc hắn lại thấy khó thở hơn. Kết cục hóa ra chính hô hấp của hắn đang loạn, toàn thân ướt đẫm mồ hôi.
- Huynh, huynh trưởng, đây là cái gì?
Lúc đó lũ chim bỗng nháo loạn, cất tiếng kêu như xé nát màn đêm rồi bay tứ tán. Thình lình Kempou nhảy lùi ra sau.
- Huynh trưởng!
- Đừng ồn ào. Bây giờ thì ta có thể chém chết ngươi như trở bàn tay. Ngươi đã hiểu cốt lõi của binh pháp chưa? Binh pháp võ nghệ, nếu giỏi quyền cước kỹ thuật thôi thì chưa đủ. Để hạ được đối thủ thì còn cần một thứ quan trọng hơn cả kỹ thuật nữa.
- Là... là cái gì?
- Khí.
Kempou dịu giọng, tức thời lũ chim không còn xao động nữa mà toàn thân Mata Ichirou cũng cảm thấy như được buông lỏng. Thật là kỳ quái.
- Theo ta thấy thì kỹ thuật nhà ngươi có phần hơn ta nhưng xét về khí thì chẳng thể nào bì được. Chẳng phải là ngươi không thể nào làm lũ chim thức giấc được đó sao. Như thế thì tuyệt đối không thể thắng được Musashi. Bây giờ ta đã biết được một điều về hắn. Nghe lão gác cổng Yobei kể lại thì khi đến gần Musashi, toàn thân lão run cầm cập mà chẳng thể cất nổi tiếng. Hẳn kẻ đó lúc mới sinh ra đã được trời phú cho cái khí như loài mãnh hổ.
Chú thích:
[1] Phật giáo Mật tông