Chương 12
Lễ hội cồng chiêng và vũ điệu kì bí của con ma H’ Nhiêu

Duy về Sài Gòn vài ngày thì gọi điện thoại cho Y Moan thông báo sẽ tiến hành thực hiện hợp đồng thứ hai như đã kí kết. Hợp đồng thứ hai sẽ thiết kế, lắp đặt hệ thống cáp internet và nối mạng máy tính nội bộ cho những văn phòng làm việc cả công ty Ban Mê của Y Moan tại thành phố Buôn Ma thuột. Khi Duy gọi điện cho Y Moan thì Y Moan đang ở Buôn Ma Thuột. Hắn cũng cho biết là đang muốn thực hiện nhanh hợp đồng này. Bởi hợp đồng đã kí kết rồi và công trình thứ nhất cũng đã thanh toán tiền bạc xong cho bên công ty Duy rồi. Bây giờ Duy cứ đem công cụ, máy móc và nhân viên của mình lên Buôn Ma Thuột mà làm thôi.
Bọn Duy có sáu người vào đăng ký ở một khách sạn nhỏ gần công ty của Y Moan để tiện cho việc đi lại làm việc. Sau khi sắp xếp nơi ăn chốn ở cho nhân viên của mình xong, Duy đến công ty Ban Mê gặp Y Moan. Ở đây, Duy cũng gặp Y Ru. Y Ru nhớ ra là đã gặp Duy ở suối buôn Lung cũng nháo nhác đi tìm H’ Nhiêu như hắn. Hắn ghé tai Y Moan nói nhỏ:
- Thằng này với H’ Nhiêu có quen biết nhau!
Y Moan trố mắt nhìn Y Ru, rồi nhớ lại sự nghi ngờ của hắn trước đây khi nghe Loan nói Duy có yêu một bóng ma ở trên Đắc Lắc này. Nhưng làm ra vẻ chẳng có gì quan trọng, Y Moan nói với Duy:
- Tui muốn anh làm xong sớm đó! – Y Moan nói - Bởi vì cuối tháng này ở Buôn Ma Thuột có lễ hội công chiêng và công ty tui là nhà tài trợ chính nên cần đến hệ thống mạng và máy vi tính nhiều lắm. Nhân viên làm việc trong công ty tui đã nói như vậy. Người ta cần cái thông tin, cái quảng cáo, cái liên hệ đó mà!
- OK, bọn tôi sẽ cố gắng nhanh để về chứ ở đây làm gì cho tốn kém. – Duy nói.
- Anh có về thăm quê ngoại và vào buôn Lung gặp A Ma Yun không?
- Có!
- Vậy có nói cho A Ma Yun biết cái cặp ngà voi tui đem tặng gia đình Loan không chớ?
- Tôi thấy không cần thiết phải nói chuyện này, vì Ma Rớt đã đổi nợ cho anh rồi nên anh tặng ai là quyền của anh chứ.
- Đúng đó, anh hiểu như vậy là đúng đó chơ.
Y Moan không phải vì sợ Duy nói cho A Ma Yun biết cặp ngà voi của Ma Rớt được đem về Sài Gòn tặng người khác. Đúng ra thì lúc đầu Y Moan cũng lo sợ như thế thật. Điều hắn lo là sợ Duy nói cho A Ma Yun biết cái chân đế cặp ngà voi là một tài sản lớn khiến A Ma Yun tức giận rồi làm lớn chuyện. Nhưng sau đó Y Moan lại nghĩ: Duy chưa có một bằng chứng, cơ sở nào để chắc chắn cái chân đế là một loại đồng đen quý hiếm cả nên Duy cũng không thề nói cho A Ma Yun đâu. Nhưng hắn nghĩ trong đầu Duy đã có nghi ngờ về điều này thì cũng rất nguy hiểm cho hắn.
Duy ra khỏi công ty Ban Mê rồi đón xe buýt về nhà ngoại mình. Ông bà ngoại chẳng ngạc nhiên lắm vì bà Lâm đã điện thoại cho biết trước Duy sẽ về làm việc ở Buôn Ma Thuột một thời gian. Biết bé Chim đang chăn bò trên rẫy, Duy chạy nhanh vào rừng buôn Lung. Đến thung lũng bên dưới suối buôn Lung, nơi mà bé Chim thường cho bò ăn cỏ với bạn bè mình, thì Duy đã thấy bé Chim.
- A..anh Duy! Em nghe nói hôm nay anh lên đây làm việc há?
Duy gật đầu rồi hỏi nhỏ:
- Mấy hôm nay H’ Nhiêu có về hỏi anh không?
Bé Chim lắc đầu nguầy nguậy:
- Tự nhiên khi không..Tự nhiên khi không hỏi con ma làm em sợ quá! Em có ra khỏi nhà ban đêm nữa đâu mà gặp.
- Sao em không ra?
- Không..sợ lắm!
- Em nói con ma đẹp mà!
- Ư, nhưng..nhưng em cũng sợ!
Duy buồn quá phóng chạy đến suối buôn Lung, tuy biết ban ngày thì không hy vọng gì gặp được H’ Nhiêu. Nhưng tự nhiên Duy cảm thấy muốn nhìn tảng đá mà mình cùng với H’ Nhiêu bên nhau ở trên đó. Thật tình cờ, vừa xuống suối lại gặp ông Hiếu, Thành và Sa ở đây.
- Ô! - Hiếu reo lên - Lại gặp chú em ở đây nữa à?
- Dạ, em mới từ Sài Gòn lên…
- Mới lên đã thấy nhớ con ma H’ Nhiêu nên chạy vào đây phải không? - Hiếu cười, nói.
Duy cười thẹn. Ông Hiếu nói tiếp:
- Lên làm hợp đồng gì đó phải không?
- Dạ!
- Làm ở đâu vậy?
- Dạ làm ở công ty của Y Moan ạ.
Ông Hiếu trố mắt nhìn Duy. Duy vừa nói vừa móc túi đưa cho ông Hiếu, Thành và Sa mỗi người một cái danh thiếp:
- Có gì đâu ạ? Công ty Ban Mê của Y Moan thuê công ty em làm một công trình thì tụi em làm chứ!
Sau khi xem danh thiếp của Duy, Hiếu nói:
- Kỹ sư, giám đốc há?
Duy cười, nói:
- Dạ, cũng muốn bon chen làm ăn với người ta đó mà.
Hiếu nhập số điện thoại di động của Duy vào máy mình rồi “nhá” máy cho Duy và Duy cũng lưu số điện thoại của Hiếu vào máy mình. Xong, Hiếu đến vỗ vai thân thiện với Duy và nói:
- Ở Sài Gòn chú em biết gì về Y Moan nói cho anh nghe với được không nào?
- Em cũng chẳng biết gì nhiều về Y Moan đâu ạ.
- Thì chú em biết gì cứ kể nấy cho anh nghe đi có sao đâu!
- Y Moan về mở cơ sở kinh doanh ở Sài Gòn. Còn em làm việc cho một công ty có ông giám đốc quen với y Moan. Rồi ông giám đốc nhờ em đến lắp đặt máy vi tính cho cơ sở của Y Moan. Thế là Y Moan biết em rồi sau đó kí hợp đồng với em lên đây làm.
- Thế khi quen H’ Nhiêu ở rừng buôn Lung này, chú em đã biết Y Moan chưa?
- Chưa ạ! Hồi đầu em thấy có nhóm người chuyên đi bắt H’ Nhiêu. Em nghĩ chắc H’ Nhiêu là con ma bị nhiều lời đồn đoán ghê gớm nên họ truy bắt.
- Vậy chú em có tin con ma như thế không?
-Không thể tin được! – Duy nói như bực tức dồn nén – H’ Nhiêu ngoan hiền như thế thì làm sao mà có lòng dạ xấu xa được chứ. Theo em nghĩ, H’ Nhiêu không đủ khả năng và không dám thực hiện những điều táo tợn như thế đâu!
- Thế chú em không tin H’ Nhiêu là con ma à?
- Em đã..hôn cô ấy, thậm chí em đã cắn cô ấy! Cô ấy cũng nhạy cảm và biết đau đớn như người bình thường. Em không tin cô ấy là ma đâu!
- Thế chú em nghĩ những nhóm đi bắt H’ Nhiêu là ai?
- Sau này nghe người ta nói Y Moan lúc nào cũng muốn bắt H’ Nhiêu về làm vợ. Hành động của Y Moan rất mờ ám. Có lần em thấy hành động lén lút của Y Ru, ai cũng biết Y Ru làm việc cho Y Moan đó mà, thế là em theo sau hắn để thử xem có thấy H’ Nhiêu đâu không. Nhưng không thấy H’ Nhiêu đâu mà thấy chỗ bọn hắn giấu gỗ lậu.
- Ở đâu? – Ông Hiếu tỏ vẻ vui.
- Ở gần đầu nguồn con suối này.
- Dẫn bọn anh tới đó ngay bây giờ nhé!
Duy gật đầu rồi dẫn Hiếu, Thành và Sa đi ngược lên con suối buôn Lung.
- Anh không hiểu sao chú em ở Sài Gòn mà lên đây dám vào rừng nửa đêm để gặp được con ma H’ Nhiêu xinh đẹp chứ. - Hiếu cười, nói.
- Lúc đầu em chạy theo con bò của ông bà ngoại bị sổng chuồng nửa đêm, rồi bị lạc trong rừng buôn Lung. Nhưng sau đó vì..nhớ H’ Nhiêu quá!
- Thì ra tội của chú em là tội quá nhớ con ma H’ Nhiêu chứ gì!
Cả Duy, Thành và Sa đều bật cười vì câu nói của ông Hiếu.
Khi đến nơi, Duy vén những bụi cỏ lau rậm ở trong hốc suối lên và nói:
- Mấy hôm trước em, A Ma Yun và Y Bơ có đến đây xem lại nhưng không còn gỗ nữa mà chỉ thấy một cái máy phát điện nhỏ bị hư nằm dưới gốc rễ cây đa.
Sa chun vào gốc cây moi móc rồi lấy ra một cái máy phát điện nhỏ bị móp hư.
- Mang về! – Ông Hiếu nói với Thành và Sa.
- Qua cái hốc suối này vào sâu bên trong có một cái hang nữa thủ trưởng ạ! – Sa nói.
- Đâu? – Ông Hiếu nói – Chun vào xem thử!
Cả ông Hiếu, Thành và Sa chun vào sâu trong hang xem thử một lúc rồi chun ra. Ông Hiếu nói:
- Không có gì, có lẽ bọn chúng giấu gỗ lậu vào sâu trong hang nhưng đã chuyển đi hết rồi.
Duy bắt đầu nghĩ ông Hiếu, Thành và Sa là nhân viên an ninh. Bởi những hành động và công việc của họ sao giống như những công an điều tra đang đi thu lượm chứng cớ quá. Nhìn ánh mắt nghi ngại của Duy, Hiếu cười và vỗ vai Duy:
- Em biết thêm gì về bọn Y Moan thì cung cấp cho anh nhé! Em chỉ ra chỗ này và cái máy tang vật này là một chi tiết rất đắt cho bọn anh để tìm ra manh mối phạm tội đấy.
- Thế Y Moan phạm tội gì anh?
- Trong vòng điều tra thì chưa biết ai vi phạm pháp luật cả. Có khi đó không phải là Y Moan.
- Trước đây người ta đồn H’ Nhiêu nầy nọ nhưng em không tin một chút nào!
- Em yêu H’ Nhiêu thì em tin như thế thôi, chứ biết đâu được!
Duy lắc đầu tỏ vẻ không phục câu nói của ông Hiếu:
- Không phải yêu đâu mà bằng suy nghĩ của mình chứ!
Hiếu, Thành và Sa nhìn nhau cười rồi Hiếu trêu Duy:
- Chú em mù quáng rồi! Bị con ma H’ Nhiêu dễ thương ám rồi!
Biết là các anh này đùa vui với mình nên Duy cũng cười theo.
- Nhưng chú em giữ kín nhé! - Hiếu nói – Vì chú em cung cấp chứng cớ, thông tin cho bọn anh nên bọn anh tin chú em đó.
Duy gật đầu:
- H’ Nhiêu thì em không thể gặp được rồi. Coi như em đang yêu một ảo ảnh. Còn Y Moan là đối tác làm ăn nên chẳng liên quan gì đến chuyện riêng của hắn thì nói với hắn làm gì chứ! Nhưng Y Moan làm gì ảnh hưởng đến H’ Nhiêu là không được với em đâu!
- Ha ha…- Hiếu cười oà lên – Chú em làm gì hắn chứ? Hắn quen toàn quan chức lớn đó!
- Chẳng lẽ công lý đồng loã với cái sai? Nếu Y Moan bắt H’ Nhiêu về làm vợ mà không có sự đồng ý của cô ấy thì em sẽ kiện hắn!
- Ha ha…- Hiếu lại cười lớn nữa – Y Moan làm đúng với luật lệ của sắc tộc mình. Có cả một tập thể dân làng các buôn đồng thuận đó nghe! Nhưng sao chú em không tin H’ Nhiêu là ma nhỉ? Ai lại đi kiện cáo cho một con ma chứ!
Duy lặng thinh, bởi khi nói đến luật tục là như đề cập đến một nét văn hoá, một tín ngưỡng được lưu truyền từ xưa và ăn sâu trong tiềm thức của một dân tộc rồi thì rất khó mà làm thay đổi được. Chỉ hy vọng vào một tình yêu mãnh liệt thôi. Nhưng cái tình yêu mà Duy muốn bảo vệ cũng thật mong manh và ảo tưởng. Duy đã nhiều lần tự hỏi, phải chăng tình yêu thật ra là một ảo giác: Có khi nó mang đến hạnh phúc và rồi cũng chính nó lại mang đến đau khổ. Nếu như không yêu H’ Nhiêu thì Duy có luôn ám ảnh điều tuyệt vọng không? Và nếu con tim Duy không thổn thức thì liệu Duy có được sự nhớ nhung khao khát H’ Nhiêu không? Khi ấy chắc là một sự dửng dưng vô tình giữa người với người! Có lẽ chính quá sợ hãi về sự lạnh lùng tình người này mà cho dù biết tình yêu là một ảo ảnh, một ảo giác mù quáng nhưng con người tự nhiên phải tìm đến nhau, phải quyến rũ nhau chăng? Có phải vì thế mà biết yêu là khổ nhưng người ta cứ lao đầu vào để yêu chăng?
Hiếu, Thành và Sơn xách cái máy phát điện đi trở lại suối buôn Lung rồi vào lấy hai chiếc xe mô tô được giấu trong một đám tre lồ ô rậm. Duy cũng theo họ cho đến khi họ nổ máy xe phóng đi.
Định đi tìm gặp A Ma Yun mong biết thêm gì về H’ Nhiêu nhưng thấy trời gần chiều mà Duy phải trở lên Buôn Ma Thuột để xem nhân viên của mình đã lo những thứ cần thiết và lên kế hoạch làm việc cho ngày mai chưa, Duy chạy ra ghé vào nhà ngoại một chút rồi vội ra đón xe lên Buôn Ma thuột.
Sau hai tuần thực hiện công trình thiết kế, lắp đặt máy tính tại công ty Y Moan, Duy nay mới tự cho mình thư thả đôi chút. Mỗi đêm về, Duy rất muốn đến nấp ở ngoài ngôi nhà Y Moan để xem thử có thấy hoặc liên lạc được với H’ Nhiêu không, nhưng công việc dường như cứ níu chân không cho Duy đi. Nhân viên thì cứ chờ Duy lên kế hoạch làm việc cho ngày mai và xem lại những gì đã làm trong ngày coi có sai sót chỗ nào không. Nhân viên kế toán ở Sài Gòn thì gởi qua email bảng chi tiết báo giá dài hàng chục trang của một công ty ở Bình Dương muốn công ty Duy hồi đáp sớm để nếu được sẽ kí kết thuê công ty Duy thiết kế lắp đặt mạng máy tính nội bộ. Nhưng nhờ thế mà Duy bớt nhớ H’ Nhiêu hơn, bớt ngong ngóng đến ngôi nhà của Y Moan hơn. Hôm nay đã đi được hơn 1/3 công trình. Theo hợp đồng thì công ty Y Moan cũng phải thanh toán trước 1/3 tổng số tiền của công trình. Duy cũng ứng trước cho anh em một số tiền để tiêu xài thoải mái trong ngày nghỉ chủ nhật này.
Thấy thời gian rảnh nhiều, Duy gọi xe ôm đi Quốc lộ 21. Đến gần đầu hẻm vào ngôi nhà Y Moan, Duy xuống và vào quán cà phê có anh Hiếu tạm trú, ngồi uống cà phê với hy vọng gặp anh Hiếu. Duy biết ban ngày H’ Nhiêu không xuất hiện thì vào ngôi nhà của Y Moan làm gì, rồi không khéo mà có thể xảy ra những điều không hay. Nhưng ngồi rất lâu, Duy cũng chẳng thấy ai trong nhóm anh Hiếu cả. Buồn quá, định đứng dậy trở lại phố thì Duy nghe phảng phất một mùi hương thơm dịu dàng quen thuộc. Duy mừng quá buột miệng thốt lên: “H’ Nhiêu!”. Một cô gái người dân tộc Êđê đang ngồi uông cà phê với bạn bè mình bên bàn đối diện với Duy, chợt ngước lên nhìn Duy với ánh mắt kinh ngạc. Sau khi quan sát chung quanh từ ngoài vào trong quán, Duy chẳng thấy bóng dáng H’ Nhiêu đâu thì chợt nhớ đến lần gặp H’ Thi trong quán cà phê Văn Khoa bên trường ĐH – KHXH & NV ở Sài Gòn mà Duy cũng lầm tưởng như thế. Duy chợt vui khi nghĩ có thể H’ Nhiêu cũng tặng một ai trong quán này một lọ nước hoa như đã tặng cho H’ Thi. Thế là Duy và cô gái đang nhìn Duy với ánh mắt kinh ngạc cùng có một linh cảm như đã quen nhau rồi. Duy cười chào cô gái. Cô gái mặc váy đen, sọc ngang đỏ, màu truyền thông của dân tộc Êđê, nhưng phong cách, dáng vẻ và trang điểm của cô ta trông hiện đại hơn nhưng cô gái làm rẫy. Thấy Duy cười chào mình, cô gái nói:
- Anh nhìn lầm tui với ai đó chơ?
Duy gật đầu:
- Nhưng không lầm với mùi nước hoa đâu phải không?
- …
- Tôi quen một cô gái tên là H’ Nhiêu, có mùi thơm giống cô!
- Anh là ai…Anh..làm tui sợ quá mà! Bạn tui cũng tên H’ Nhiêu, nhưng đã.. đã…
- Đã chết rồi phải không? – Duy cười nói – Và có cho cô một lọ nước hoa phải không?
Cô gài sửng sốt và gật đầu.
- Tôi là Duy! Có quen rất thân với H’ Nhiêu của bạn đấy!
- Ơ Giàng..Có phải anh là Duy ở Sài Gòn không?
Duy gật đầu. Cô gái reo lên:
- Em là H’ Lang đây mà!
Duy mừng quá vì đã gặp được một người thân thiết với H’ Nhiêu:
- H’ Lang đang làm việc ở phòng cấp cứu bệnh viện Đắc Lắc, bạn học cùng lớp với H’ Nhiêu đúng không?
- Đúng mà! H’ Lang vui lắm đó!
H’ Lang tách bạn bè qua ngồi bên bàn Duy:
- Có phải anh lên Buôn Ma Thuột để tham dự lễ hội sắp đến không?
- Lễ hội gì?
- Lễ hội cồng chiêng mà. Anh không thấy phố Buôn Ma thuột tự nhiên đông vui hơn đó sao chớ! Du khách khắp nơi lên đông vui quá mà!
- À! Duy lên đây mấy tuần rồi. Chỉ làm việc một thời gian rồi về lại Sài Gòn. Đúng là mấy hôm nay phố xá vui hơn. Du khách các nước cũng đến nhiều. Băng rôn, biểu ngữ giăng mắc khắp nơi nên Duy cũng biết. Nhưng cứ mải miết làm công trình nên không nhớ.
- Sao anh lên mà không kêu H’ Thi đi cùng cho vui. H’ Thi mai mốt cũng lên mừng vui lễ hội đó!
- Chắc là không rủ đi được đâu, H’ Thi còn bận đi học phải không? – Duy nói.
- Anh Duy làm việc ở đâu chơ?
- Làm cho công ty Y Moan!
- Ơ giàng ơi! Sao lại làm cho Y Moan chớ? – H’ Lang tỏ vẻ không hài lòng – Cái thằng Y Moan này lúc H’ Nhiêu mới bị sốt, ghẻ lở mặt mày thôi, chưa chết, thì đã nói H’ Nhiêu là con ma rồi mà. Để tội nghiệp cho H’ Nhiêu phải chạy trốn lên rừng đó. Sau khi H’ Nhiêu chết rồi hắn cũng không buông tha mà cứ đòi đi bắt cái hồn H’ Nhiêu về làm vợ đó chơ!
Nghe H’ Lang nói, Duy thấy tim mình như ai bóp nghẹt lại. Tại sao trời lại đày đọa H’ Nhiêu bất hạnh đến như thế rồi mà bây giờ lại xoay vần cho H’ Nhiêu phải chung sống với Y Moan nữa.
- Công ty Y Moan thuê thì mình làm chứ! – Duy nói – Còn Y Moan như thế nào thì đâu có liên quan đến mình phải không?
- Ừ! – H’ Lang nói – Y Moan bây giờ giàu lắm đó. Nếu H’ Nhiêu chưa chết mà cưới hắn thì sướng chơ!
Duy định nói H’ Nhiêu đang ở với Y Moan trong một ngôi nhà gần đây thì bạn bè của H’ Lang gọi cô ta đi.
- Hẹn anh Duy vào ngày lễ hội cồng chiêng gặp lại thôi. Đêm đó đông lắm nghe. Chắc chắn là có dân làng buôn Lung lên tham dự nữa đó.
Càng gần đến ngày lễ hội, phố Buôn Ma Thuột càng nhộn nhịp hơn. Nhất là các con đường quanh Quảng trường Thành Phố - Tượng đài Chiến Thắng. Bởi có sáu ngả hội tụ người đến cái nơi được gọi là trung tâm thành phố này để vào nhà văn hoá thành phố, để uống cà phê ở khách sạn Biệt Điện, để tham quan công trình kiến trúc cổ toàn bằng gỗ quý của Toà tổng Giám mục địa phận Buôn Ma Thuột, để vào toà nhà Biệt Điện của Bảo Đại bây giờ là Bảo tàng các dân tộc Việt Nam ở Đắc Lắc, để đứng chuyện trò ở không gian xanh mát đầu đường Ngô Quyền…Các dân tộc khắp nơi trên đất nước Việt Nam cũng được mời lên tham dự lễ hội khiến phố xá Buôn Ma Thuột thật nhiều màu sắc bởi những bộ y phục truyền thống của họ. Những bộ cồng chiêng của các sắc tộc khắp nơi cũng được chở đến xếp hàng sau cánh gà khán đài sân vận động thành phố. Chắc chắn lễ hội được tổ chức ở sân vân động thành phố rồi. Người ta không chỉ thấy trên đường phố những du khách trong và ngoài nước, các sắc tộc mà còn có cả những ca sỹ, diễn viên, người mẫu. Nghe nói có một cuộc thi giữa những hoa hậu, hoa khôi của cac vùng miền để chọn ra một người đẹp nhất lễ hội nữa. Công ty Ban Mê của Y Moan cũng tất bật phục vụ cho lễ hội. Lẽ dĩ nhiên, Y Moan không phải tự nhiên mà tài trợ chính cho lễ hội. Mục đích của Y Moan là quảng bá cho thương hiệu của hắn. Trên đường phố và trong sân vận động cũng nhan nhản tên thương hiệu của công ty hắn. Trước lễ hội cả tuần, Y Moan đã tổ chức những cuộc picnic cho từng đoàn du khách đi vui chơi đây đó mà trên mỗi tấm vé đều có mang tên thương hiêu của hắn.
A Ma Yun đã lên trước lễ hội một ngày để vui chơi cho thoả thích. Biết Duy đang làm ở công ty Y Moan, A Ma Yun đến tìm rồi cả hai ra uống cà phê trước cổng công ty Ban mê. Được một lúc thì một nhân viên của Y Moan đem ra đưa cho Duy một tấm vé mời hai suất đi chơi ở Thác Trinh Nữ. Thấy công trình cũng gần xong rồi, Duy rủ A Ma Yun đi cho vui. A Ma Yun rất thích. Thế là cả hai phải  theo một nhóm du khách cũng đi chơi thác Trinh nữ do công ty Y Moan tổ chức.
Từ phố Buôn Ma Thuột theo quốc lộ 14, đi Dak Nông hướng về Sai Gòn chứ không phải về nhà ngoại Duy ở hướng đi Kon Tum. Thác Trinh Nữ chỉ cách huyện Cư Jut vài cây số. Thác cuồn cuộn chảy bên dòng Sêrepôk với những tầng lớp đá cao, nhiều hang động đẹp và đủ thứ hình thù. Một cảnh núi non sông nước thật sinh động, thuần khiết, hoang sơ và mộng mị thiên đường. Nhưng cũng có thể nói đây là một cái thác nguy hiểm. Những tảng đá lởm chởm, dòng nước chảy siết và độ cao dựng đứng cũng đã bẫy chết không ít người. Bởi thế mới có lời đồn đại rằng: Mỗi năm ở đây thường chết một cô gái còn trinh cho nên người ta gọi là thác Trinh Nữ. Thật ra thì còn có một câu chuyện truyền miệng khác nữa: Xưa kia, có một trinh nữ đã gieo mình xuống dòng thác để giữ trọn tình yêu…
Khi đến thác Trinh Nữ thì cả nhóm được uống rượu cần trước khi cởi voi băng qua thác. Một thanh niên đem một ché rượu nhỏ chỉ có hai chiếc vòi đến cho Duy và A Ma Yun. Duy chợt giật mình nghĩ vì sao lại có sự biệt đãi này. Lại nhắm vào Duy và A Ma Yun, những người mà Y Moan muốn phải giữ im lặng. Duy để ý nhóm du khách thì chỉ vài người là du khách thật sự, còn lại thì thấy toàn là vẻ mặt gian manh hết. Nghĩ rằng nếu mình không uống ché rượu này thì bọn họ cũng tìm cách thủ tiêu mình, Duy nói nhỏ với A Ma Yun: Cứ giả bộ hút rượu vào trong miệng nhưng đừng có nuốt rồi che miệng nhả hết xuống thác. A Ma Yun chẳng hiểu chuyện gì thì Duy nói tiếp: “Cứ làm theo đi, bộ chưa hiểu bụng dạ của Y Moan sao!”. Nói xong, Duy hút một ngụm, rồi đợi một lúc thì cúi xuống che miệng và nhổ hết xuống thác. A Ma Yun thấy thế cũng làm theo. Cả hai cứ tiếp tục như thế cho đến khi ché rượu gần cạn thì lăn ra nằm mê man. Vài người thật sự là du khách thì được cho cởi voi đi trước qua bên kia thác rồi.  Vừa thấy Duy và A Ma Yun nằm ngã xuống, những người mà Duy nghi là du khách dỏm vội chạy đến khiên Duy và A Ma Yun ném xuống thác cho dòng nước cuốn trôi đi. Duy thật không lường trước về điều này, bởi nghĩ bọn chúng mà đã thấy mình và A Ma Yun gục xuống thì lo sợ bị phát hiện nên chắc chắn sẽ nhánh chóng rời khỏi chỗ đó mà thôi. Còn độc hơn, bọn chúng quăng Duy và A Ma Yun ngay đoạn thác nước sắp đổ xuống vực.
Duy thấy mình bị cuốn xoáy lăn lóc trong dòng nước rồi hụt hẫng chơi vơi và một cú va đập thật mạnh vào người. Đinh hít thở một hơi dài thì thấy mình đã chìm nghỉm thật sâu và dường như dòng nước đẩy mình đi đâu thật xa. Khi Duy trồi lên mặt nước để thở thì thấy một thác nước đổ xuống rầm rì, sừng sững phía trước. Biết là mình vừa rơi từ trên con thác này xuống mà chưa chết, Duy hú hồn. Duy nhìn quanh để tìm A Ma Yun. Thì ra A Ma Yun cũng lội lên ngồi trên  một tảng gần đó với gương mặt đang còn hoảng hốt.
- Ơ Giàng..Mình sợ quá mà! Cái thằng Y Moan là cố giết mình rồi! Nếu không có mày biết trước thì chắc cũng đã chết vì rượu rồi đó.
- Mình cũng đoán thế thôi chứ đâu có biết trước. Chắc là trong rượu có thuốc độc!
- Nhưng sao cái thằng Y Moan muốn giết mày chớ? Nó có biết mày thích con ma H’ Nhiêu đâu?
Nói đến đây A Ma Yun thấy choáng váng và Duy cũng thế. Duy nói:
- Chết rồi, tuy mình nhả hết rượu độc ra, nhưng cũng còn dính chút trong miệng. Chắc là xuống bụng rồi!
Cả hai vội tìm cách đón xe trở lại phố Buôn Ma thuột. Từ thác Trinh Nữ về phố khoảng 20 cây số nên chưa tới một giờ sau thì Duy và A Ma Yun đã đến trước cổng bệnh viện Đắc Lắc rồi. Tuy thế cả hai cũng gần như đi không nổi nữa. Tại phòng cấp cứu, Duy gặp H’ Lang. A Ma Yun thì quá biết H’ Lang ở trong buôn mình. Thế là cả hai được H’ Lang quan tâm chăm sóc và được y bác sỹ cho uống nước thuốc súc ruột thì khoẻ lại. H’ Lang cho biết cả hai chỉ bị nhiễm độc nhẹ thôi. Khi Duy và A Ma Yun khoẻ hẳn thì trời đã gần tối. Lúc này H’ Thi từ Sài Gòn lên vui chơi với lễ hội cồng chiêng cũng đã ghé đến bệnh viện gặp H’ Lang. Thế là cả bọn rủ nhau đi tham dự lễ hội. Duy muốn tìm gặp Y Moan để hỏi cho ra lẽ vì sao hắn ám hại mình nên định bụng đến chỗ diễn ra lễ hội thì sẽ ghé qua công ty Ban Mê tìm hắn. 
Trên đường phố, từng đoàn người, từng nhóm người kéo nhau về sân vận động Buôn Ma Thuột. Đủ các tầng lớp, đủ nam nữ già trẻ, đủ các hội đoàn và đủ các sắc áo người dân tộc J’Rai, B’râu, Churu, M’ nông, Êđê, Mạ, Sêđăng, Bahnar, Thái, Nùng, Chăm, Katu…Còn tại sân vận động thì cờ xí, băng rôn, quảng cáo đủ màu sắc giăng mắc khắp nơi. Những cái loa có công suất lớn đặt ở nhiều nơi quanh sân vận động luôn phát ra những giai điệu Tây Nguyên. Một khán đài cho quan khách tham dự với những hàng ghế bọc vải màu đỏ đen như màu áo váy truyền thống của người Êđê. Phía giữa sân gần khán đài, người ta làm một cái bục gỗ hình vuông cao chừng 50 phân, nhưng rộng đến 200 mét vuông để biểu diễn cồng chiêng. Những dàn cồng chiêng đủ loại chất liệu như đồng, bạc…có cả đá nữa, đã được xếp đặt theo sắc tộc của mình cạnh bên khán đài. Những nghệ nhân nâng niu, chùi rửa, chăm sóc cồng chiêng của mình như chăm sóc những người thân yêu. Có nghệ nhân vẫn còn chỉnh chiêng bằng hai cái búa nhỏ. Nghệ nhân Gia Rai còn nghề hơn, họ búng hoặc gõ ngón tay phải lên mặt chiêng. Khi âm thanh đang rung lên, họ vừa lắng tai nghe vừa liền úp bàn tay trái lên mặt chiêng. Họ nhẫn nại như thế suốt cả buổi để chỉnh chiêng. Một điều ngạc nhiên ở đây nữa là cứ tưởng nói đến cồng chiêng thì chỉ có ở các bộ tộc Tây nguyên mà thôi. Ai dè có cả dàn công chiêng 12 chiếc, 18 chiếc của người Kinh đến từ Binh Định, Quảng Nam nữa. Nghe nói những nghệ nhân dàn cồng chiêng người kinh này họ rất tự hào vì đã sản xuất ra cồng chiêng cho các sắc tộc anh em Tây Nguyên sử dụng. Lễ hội cũng vươn ra khỏi tầm quốc gia về những dàn công chiêng tham dự, bởi người ta thấy có cả dàn chiêng của Lào, Campuchia, indonexia... Một điều thú vị nữa là có những dàn công chiêng chỉ có một chiếc, hai chiếc hoặc ba chiếc. Dàn hai chiếc là của người B’ râu. Họ gọi là chiêng chồng, chiêng vợ. Nhưng thú vị nhất là dàn chiêng ba cái có tên Tru, Trơ và Tê, nghĩa là Mẹ, cha và con, của ông Ma rớt - cha của A Ma Yun. Ma Rớt rất tự hào về những dàn cồng chiêng của mình, bởi ông còn một dàn sáu chiếc nữa.
Khi A Ma Yun dõi mắt tìm những dàn công chiêng của buôn mình thì Ma Rớt đang cố kéo xê dịch dàn ba chiếc và bất ngờ sụp ngã. A Ma Yun vội chạy đến đỡ lên rồi cắn nhằn khi thấy một cái chiêng bị móp chút xíu. A Ma Yun cằn nhằn là phải vì hắn rất quý cái dàn chiêng này. Khi thi rớt đại học, buồn quá, A Ma Yun theo học chỉnh chiêng của một già làng người Sêđăng và được già làng đó đích thân về Binh Định đặt mua cho A Ma Yun cái dàn chiêng này. Ma Rớt cũng buồn vì ông nói dàn chiêng này có Giàng trú ngụ như dàn chiêng Tha một chiếc. A Ma Yun nắm bàn tay phải lại rồi đánh vào chiêng bị móp hai cái và nghiêng tai lắng nghe. Rồi A Ma Yun bật dậy chạy đến dàn chiêng Gia Rai, mượn nhóm nghệ nhân này một cái búa nhỏ. Khi trở lại, A Ma Yun gõ gõ búa nhè nhẹ lên mặt chiêng, rồi vừa nắm bàn tay phải đánh lên mặt chiêng vừa nghiêng tai sát vào chiêng, lắng nghe. Một lúc sau, A Ma Yun nhìn Ma Rớt cười và nói:
- Hay hơn luôn rồi đó chơ! Đêm nay cha “gọ chieng pơi” (mời chiêng nói) nghe! “gọ tha pơi” (mời tha nói) cho hay đó!
- Phải cúng cho cái chiêng ăn, phải cúng cho cái chiêng uống, phải cúng cho Giàng làm chứng nữa đó. Mà tao không có cái tiền đâu mà!
Nghe thế, Duy móc túi đưa cho Ma Rớt vài trăm ngàn đồng rồi nói:
- Đi mua đồ về cúng để Giàng phù hộ chơi cho hay nha!
- Không có hay bằng cái thằng con A Ma Yun của tui đâu mà!
Thấy còn lâu mới diễn ra lễ hội, Duy nói với A Ma Yun, H’ Lang và H’ Thi ở đó chờ mình. Thế là Duy đi nhanh đến công ty Ban Mê.
Vừa bước vào phòng Y Moan là Duy đã thấy Loan, Mã Liên Huy, Hứa Văn Hoà và ông Vincent. Mã Liên Huy đang cãi vã với Y Moan điều gì còn Loan và ông Vincent thì ngồi lặng thinh. Vừa thấy Duy, Loan mừng vui còn Y Moan thì ngỡ ngàng, hoảng hốt. Y Moan vừa nói vừa vội đứng dậy để đi:
- Tui mời các vị lên đây để tham dự lễ hội. Ngoài chuyện vui chơi với lễ hội thì đề nghị không đề cập gì đến chuyện khác. Bây giờ, tui rất bận rộn, không thể ngồi đây cãi cọ vô ích lắm đó. Các anh chị cũng biết tui là nhà tài trợ chính cho lễ hội rồi mà!
Mã Liên Huy tức tối nói:
- Nhưng anh phải để cho ông Vincent đây xem cái nồi đồng!
Y Moan hoảng hốt khi nghe Mã Liên Huy nói toạt ra điều mà hắn không muốn cho ai biết. Rồi hắn bật cười:
- Tui giao kèo với anh chứ có biết ông Vincent này đâu mà!
Ông Vincent bỗng nói:
- Nếu anh này không bằng lòng thì Mã Liên Huy phải trả các khoản tiền vay của tôi lại cho tôi ngay.
Mã Liên Huy đứng bật dậy chỉ vào mặt Y Moan và quát:
- Anh phải trả chứ không phải tôi đâu! Không có tiền thì phải giao tài sản bất động sản, văn phòng cho thuê, hàng hoá của anh tại Sài Gòn. Anh nên nhớ tôi cầm cán chứ không cầm dao đằng lưỡi như anh đâu!
Y Moan ú ớ một lúc rồi dịu giọng:
- Thôi được rồi, để qua lễ hội tui sẽ cho ông Vincent xem. Đêm nay tui rất bận rộn đó!
Y Moan nói xong vội bỏ đi nên Duy cũng chẳng hạch hỏi gì được hắn. Loan đến bên Duy:
- Anh đã xong công trình chưa?
Duy gật đầu. Loan nói tiếp:
- Y Moan có đưa nhiều vé mời ngồi trên khán đài đây, anh đi với bọn em đến xem lễ hội nha!
- Anh có một số bạn đang chờ. Thôi để anh đi cùng với các bạn anh. Còn em cứ ngồi trên khán đài với các ông đây cho vui!
- Đi với nhau cho vui nghe! – Ông Vincent thân mật vỗ vai Duy – Chúng ta đã hẹn gặp nhau nơi vùng đất này rồi, còn nhớ không?
- Dạ nhớ chứ!
Thế là tất cả cùng nhau đến sân vân động. Nhưng khi đến sân vận động thì Loan, Mã Liên Huy, Hứa Văn Hoà và ông Vincent lên ngồi trên khán đài, cách chỗ Y Moan vài hàng ghế. Y Moan ngồi hàng ghế thứ hai với một số quan chức trong tỉnh. Còn Duy đứng phía bên trái, gần bục diễn với A Ma Yun, H’ Lang và H’ Thi.
Sau những diễn văn, thủ tục, giới thiệu gì gì đó xong thì lễ hội bắt đầu. Cả sân vận động từ từ chìm trong bóng tối bởi những bóng đèn điện cao áp, những bóng đèn điện màu từ từ tắt hết. Nhưng chỉ vài phút sau, hàng ngàn ngọn đuốc bừng sáng lên bập bùng lung linh. Rồi một tiếng đọc Khan đơn độc, rền rền, văng vẳng như âm thanh kỳ bí dội về từ đại ngàn sâu thẳm; Một cảm giác linh thiêng như xuyên qua tâm tư của mỗi người. Không gian như hùng vĩ mà thinh lặng, như dữ dội mà cháy ngầm, như hoành tráng mà giản dị. Một già làng Êđê, vận khố, ra giữa bục diễn cúng Giàng, vái trời đất, mời chiêng ăn uống và xin phép chiêng cho trình diễn. Trong lúc đó, những dàn chiêng chờ lên bục diễn cũng có một người, chắc là nhóm trưởng hoặc già làng cũng cúng vái với dàn chiêng của họ như vị trên bục. Vừa xong nghi thức này thì một hồi tù và rúc lên như một hiệu lệnh và một tràng cồng chiêng kéo dài trong nền nhạc reo rắc của tiếng đàn T’ rưng. Kế đến dàn cồng chiêng Gia rai và dàn Bahnar lên bục trình diễn như một cuộc thi thố tài năng. Mỗi dàn 12 chiếc. Mỗi người đánh một chiếc như một nốt nhưng phải hoà nhập thành một tiết tấu, phải kết hợp thành giai điệu, thành bè, không thì rối loạn nhịp phách, âm thanh hoảng loạn. Họ tái hiện lễ đâm trâu, mừng  được mùa lúa, mừng đám cưới…Tiếng cồng chiêng của Gia rai thì trầm hùng, giục giã; Tiếng cồng chiêng của Bahnar thì ngân nga khắp đại ngàn. Nghe như một sự hào hùng trổi dậy; như chìm vào sự thiêng liêng của núi rừng, lễ hội, săn bắn, làm rẫy…Dàn công chiêng Gia rai chơi các bài Juan, Trum, Vang; Còn dàn cồng chiêng Bahnar đánh các bài Xa Trăng, Atâu, Tơ roi. Tiếp đến là dàn cồng chiêng của người Sêđăng lên trình diễn. Dàn cồng chiêng này tấu lên những âm thanh trầm hùng, mạnh mẽ như giục giã tinh binh xông trận, kèm theo một tiếng đọc vang vọng như kể chuyện với thần linh rằng: “Thuở xa xưa thú dữ tràn về phá rẫy bái, buôn làng. Con trai Sêđăng cùng với dân buôn làng không thể nào tiêu diệt được những con thú hung tợn này. Thế là họ cầu Giàng. Bỗng có 10 vật tròn tròn như mặt trời từ to đến nhỏ từ dưới đất trồi lên. Dân buôn làng gõ vào vật ấy thì phát ra âm thanh nghe khác nhau. Vật tròn phát ra âm thanh trầm hùng, vật càng nhỏ phát ra âm thanh ngân nga vang vọng. Thế là họ đồng thanh gõ lên những khúc thăng trầm nghe như thác đổ, như sóng cuộn khiến thú dữ hoảng hốt bỏ chạy vào rừng sâu...”. Kết thúc phần trình diễn của dàn cồng chiêng Sêđăng thì một vài ca sĩ nổi tiếng lên bục hát những bài ca Tây Nguyên và giới thiệu 10 cô gái đẹp đã lọt vào vòng chung kết cuộc thi người đẹp Tây Nguyên. Sau đó, 5 cô được chọn vào vòng thi ứng xử. Và cuối cùng một cô được lên ngôi người đẹp nhất Tây Nguyên. Sau cuộc thi người đẹp, công chiêng Tây Nguyên lại biểu diễn tiếp tục. Người ta thấy Già làng Y Mút và Ma Rớt khệ nệ khiêng dàn chiêng 6 chiếc, dàn chiêng 3 chiếc và một cái trống lên bục diễn. Có lẽ là họ đại diện cho phần trình diễn công chiêng của dân tộc Êđê chăng? Ma Rớt nhìn quanh tìm A Ma Yun. Ông bực mình vì vừa mới thấy A Ma Yun đây thì lại biến đi đâu mất rồi. Ông nhìn tới chỗ dân làng buôn Lung đang đứng cũng chẳng thấy A Ma Yun. Biết Ma Rớt tìm A Ma Yun, bọn Y Ru đang đứng gần đó chỉ tay tới bọn Duy. Đúng là khi thấy A Ma Yun, Ma Rớt chạy đến và nói lớn:
- Mày không lên đánh cái chiêng thì ai đánh chớ?
- Có già làng và cha đánh rồi đó!
- Tao đánh không hay! Già làng yếu rồi, đánh cũng không nhiều đâu!
Duy đẩy A Ma Yun lên và nói:
- Lên đi mà, có sao đâu!
- Hãy cho người ta biết tài nghệ đi A Ma Yun! – H’ Lang nói
- Chơi hay đi rồi H’ Lang mê thì mai mốt H’ Lang bắt về làm chồng đó! – H’ Thi nói.
H’ Lang nắm tay lại đánh vào vai H’ Thi về câu nói đùa, trong lúc A Ma Yun đã theo Ma Rớt lên bục diễn rồi. Sau khi vái chiêng xong thì già làng Y Mút đánh vào dàn ba chiêng một tràng và Ma rớt liền đánh vào trống một cái ngay hồi chiêng của Y Mút vừa dứt.  Thế là A Ma Yun xoay người như múa đánh vào dàn sáu chiêng cái tiết tấu truyền thống mừng lễ hội một cánh nhịp nhàng, điệu nghệ. Sau một phút, A Ma Yun lại chuyển qua tiết tấu truyền thống mừng được mùa lúa mới một cách rộn ràng, vui tươi. Cả sân vận động vỗ tay khen ngợi vũ điệu và tiết tấu của A Ma Yun. Nhưng người ta bị cuốn hút hơn khi Ma Rớt và Y Mút đã thấm mệt đứng qua một bên nhường chỗ cho A Ma Yun biểu diễn một mình với cả hai dàn chiêng chín cái và một cái trống lớn. Đúng ra cồng chiêng Tây Nguyên là hình thức hợp tấu tập thể bằng cách nghe nhau, quyện tâm hồn vào nhau theo một nguyên tắc nhất định. Có lẽ như nó xa rời với cái tôi của nghệ sỹ. Nhưng A Ma Yun đã vượt qua điều đó chăng? Tiếng cồng chiêng của A Ma Yun lúc này như âm thanh của trời đất, rừng núi vừa thiêng liêng vừa độc đáo; Khi thì như đang nói chuyện với thần linh, khi như đang dâng tràn yêu thương. Chín cái chiêng của A Ma Yun trở thành chín nốt nhạc, tạo nên những âm giai quảng 9. Còn dùi đánh chiêng của A Ma Yun thì bít da hai đầu, chứ không phải một đầu bít để đánh còn đầu kia để cầm như thường thấy. A Ma Yun cầm gần giữa dùi rồi đánh đầu nọ bên chiêng nảy ngay đầu kia bên trống, nghe liền mạch rất thú vị như tiếng trống bas. A Ma Yun đánh lên những giai điệu, tiết tấu khác nhau khi thì dịu dàng say đắm, khi thì trầm hùng mạnh mẽ; lúc vui, lúc buồn; lúc nhịp nhàng lúc hoảng loạn,  làm cho người nghe đầy tràn cảm xúc. Người ta càng ngạc nhiên hơn khi A Ma Yun đánh lên cả những tiết tấu đương đại như soul, Rock, pop ballad…Cả không gian lễ hội như lắng lại để nghe tiếng cồng chiêng của A Ma Yun nổi trên nền nhạc réo rắc của tiếng đàn T’ Rưng. Một số cô gái dân tộc Êđê, Bahnar bị cuốn hút đã lên bục xếp hàng nhảy múa theo nhịp điệu cồng chiêng của A Ma Yun. Năm cô gái tốp đầu trong đó có cả cô vừa đạt danh hiệu người đẹp nhất Tây Nguyên cũng hoà vào nhảy múa với các cô gái Êđê, Bahnar…Bỗng từ đâu, một cô gái cũng ăn vận áo váy như người dân tộc Êđê nhưng không phải loại vải thổ cẩm truyền thống như ta thường thấy, mà nó mềm mại thướt tha, xuất hiện giữa vòng múa của các cô gái dân tộc và người đẹp với gương mặt lạnh lùng. Cô gái nhảy múa uyển chuyển sinh động với những động tác quyến rũ lạ lùng mà lại đúng theo như nhịp điệu cồng chiêng của A Ma Yun và giai điệu tiếng đàn T’ Rưng. Cả Duy, A Ma Yun và Y Moan đều sửng sốt thốt lên: “H’ Nhiêu!”. Duy nhìn lên khán đài thì thấy Y Moan đã đứng bật dậy. Nhưng chẳng hiểu sao hắn ngồi xuống lại và móc điện thoại di động ra. Duy nhìn về phía bọn Y Ru để xem bọn hắn đang làm gì. Đúng là Y Ru đang nghe điện thoại. Chắc chắn là hắn đang nói chuyện với Y Moan. A Ma Yun thấy cô gái ở trong ngôi nhà của Y Moan mà mình nghĩ chắc là con ma H’ Nhiêu bỗng nhiên xuất hiện nhảy múa những vũ điệu thật đẹp theo tiếng cồng chiêng của mình thì càng hào hứng hơn. A Ma Yun tấu lên những giai điệu nhanh hơn, cuồng nhiệt hơn. Thế là như một chất men say cuốn hút, H’ Nhiêu quay cuồng với những vũ điệu quyến rũ mà hầu như chưa một người dân tộc Tây Nguyên nào thấy. Cũng đúng thôi, đây là những vũ điệu mà cô tự chế, tự tập để giải buồn khi một mình ở trong rừng. Lúc ở trong rừng, ngoài những âm thanh cây lá, gió mưa, sông suối và thú hoang ra thì hàng ngày cô vẫn thường nghe tiếng cồng chiêng từ các buôn làng vọng đến. Thế là cô múa theo cho đỡ buồn. Múa mãi cô thấy điệu múa Xoang đơn giản quá, cứ nắm tay nhau nhún chân bước tới rồi lại nhún bước lui, nên cô nghĩ ra thêm những động tác khác nữa để múa cho thấy hứng thú. Múa riết rồi thuần thục luôn. Lúc này cả lễ hội như say mê theo từng động tác sinh động của H’ Nhiêu. Hình như cái gì trên cơ thể cô cũng chuyển động: Những ngón tay úp xoè; Từng mảng da, thớ thịt dậy sóng; Bộ ngực phập phồng; Cặp mông nhấp nhô; Bờ vai nhún nhảy. Nhất là đôi chân trần khi khép khi hở thật quyến rũ. Người ta tưởng chừng như tóc tai cô đang phất phơ trong gió là cô đang nói chuyện với thần mặt trời; Còn đôi bàn tay cô vung vít  là như đang tuốt lúa; Chân cô dậm dật là cô đang gọi thần đất; Ngực cô ưỡn lên, miệng cô mở ra là gọi thần nước; Cả thân hình cô uốn lượn như dòng suối chảy qua ghềnh thác là cô đang khao khát yêu đương. Dường như ai cũng ngây ngất. Ai cũng thấy vũ điệu thật là độc đáo, mới lạ và quyến rũ. Đến lúc này người ta dồn hết tới bục diễn để xem H’ Nhiêu múa. Các cô gái múa xoang và năm người đẹp đã giạt ra một bên để xem và ngưỡng mộ H' Nhiêu. Loan ở trên khán đài cũng chạy xuống tìm Duy rồi đứng bên cạnh Duy luôn. Duy quá lo lắng cho H’ Nhiêu nên không để ý gì đến chuyện chung quanh nữa. Lúc này bọn Y Ru đang chực chờ ở phía dưới bục. Nếu không có công an, bảo vệ làm rào chắn chung quanh bục diễn thì chắc bọn hắn đã nhảy lên bắt H’ Nhiêu rồi. Loan áp sát vào Duy và kề miệng vào tai Duy rồi nói:
- Cô gái múa đẹp quá anh há!
Tự nhiên có một đôi trai gái tình tứ trước mặt mình khiến H’ Nhiêu chú ý và nhận ra Duy. Cô thấy ngoài cô gái rất thân mật với Duy thì có cả H’ Lang và H’ Thi bạn mình nữa. Lòng dạ cô tự nhiên tràn ngập nỗi buồn. Lúc chiều tối, tự nhiên nhớ Duy quay quắc, cô muốn trốn thoát khỏi ngôi nhà của Y Moan cho rồi. Khi nhìn qua cửa sổ, cô thấy Y Moan ăn mặc chỉnh tề và chuẩn bị đi đâu đó. Cô nghĩ thường như thế thì Y Moan không về tối hôm đó. Thế là đợi cho Y Moan đi khỏi một lúc thì cô cũng thoát ra ngoài ngôi nhà của Y Moan luôn. Cô định đi suối buôn Lung nữa, nhưng khi ra quán cà phê thì không thấy ông Hiếu đâu. Đang buồn thì cô nhận thấy sao hôm nay người ta đổ xô về phố đông quá. Thế là cô cứ theo họ lên phố để xem chuyện gì. Đến sân vận động thì cô mới biết là lễ hội cồng chiêng. Khi nghe tiếng cồng chiêng thì tay chân cô đã muốn múa. Rồi nhìn lên bục diễn thấy A Ma Yun đang đánh cồng chiêng một cách cuồng nhiệt. Thế là cô không kiềm chế được lòng mình nữa. Khi cô nhảy lên bục diễn thì hàng rào công an, bảo vệ thấy cô nhảy điêu luyện quá tưởng cô là một diễn viên lên biểu diễn nên họ chẳng ngăn cản. Lúc này A Ma Yun thấy vũ điệu H’ Nhiêu tự nhiên rời rạc, tưởng là cô đã thấm mệt nên chuyển qua tiết tấu chầm chậm. Thế là vũ điệu của H’ Nhiêu cũng buồn theo đúng với tâm trạng của mình luôn. Rồi cũng chính hồn chiêng quyện với vũ điệu buồn man mác này khiến H’ Nhiêu xúc động. Quá xúc động, H’ Nhiêu cất tiếng hát. Cô vừa hát những lời mà cô thường hát khi ở trong rừng vừa đưa tay lột mặt nạ ra. Cô nhất định phải cho Duy biết cái vẻ đẹp của cô. Phải làm cho Duy thích cô hơn là thích cô gái kia:
Ơ… thần mặt trời!
Sao cứ đuổi em vào trong tăm tối.
Như con trăng chạy về phía núi
Để cho thú dữ chực muốn nuốt trôi
Để cho bão bùng dập vùi hoa rơi
Có khi nào tội tình em không
Có khi nào xót xa em không
Em cũng biết yêu như mọi người
cũng biết đau như cành lá
cũng biết buồn như con suối
cũng biết giận hờn như gió mây
Hay thần mặt trời ghen tức em thôi
Chắc thấy ngực em có ngọn lửa tình
 
Ơ.. thần mặt trời
Bây giờ em đâu còn sợ đêm đen
đâu còn sợ u tịch
đâu còn sợ rắn rít
Vì trong em đã có một thần mặt trời
Bùng cháy dữ dội thiêu đốt ác quỷ
Dịu dàng ấm áp xanh đẹp cỏ cây
Ơ..còn gì hơn…
Có gì hơn anh thần mặt trời trong lòng em không
Cả lễ hội bật lên tiếng reo kinh ngạc khi H’ nhiêu lột mặt nạ quăng đi. Họ sững sờ trước vẻ đẹp thanh thoát quyến rũ của H’ Nhiêu. Làn da trắng mịn trong bộ váy mềm mại khiến gương mặt H’ Nhiêu toả sáng đầy quyền năng. Cô đẹp như một thiên thần xuống làm mềm lòng ác quỷ.  Đã thế, mái tóc đang xoã bay trong gió khiến cô có cái vẻ lung linh mộng mị. Không ai nhắc ai, tự nhiên mọi người lại nhìn qua cô gái vừa đạt danh hiệu người đẹp nhất Tây Nguyên để so sánh. Thế là người đẹp nhất Tây Nguyên trở nên lu mờ. Tuy Duy, A Ma Yun và Y Moan chẳng lấy làm kinh ngạc lắm, nhưng cả ba cũng xúc động trước vẻ đẹp của H’ Nhiêu. Còn H’ Thi, H’ Lang, già làng Y Mút, Ma Rớt, dân làng buôn Lung và cả nhiều người đã từng thấy H’ Nhiêu ở suối buôn Lung rồi thì bật lên tiếng kêu sửng sốt: “Ơ..Giàng ơi…con ma H’ Nhiêu!”. Thế là dân làng buôn Lung và những người lâu nay có đến suối buôn Lung mong chờ H’ Nhiêu xuất hiện để xin cứu giúp bỗng nhiên chen chúc nhau chạy ập đến bục diễn. Hàng rào công an, bảo vệ trở nên bất lực. Duy nhảy lên bục chạy đến H’ Nhiêu và thế là H’ Nhiêu ào tới ôm chầm lấy Duy, úp mặt vào ngực Duy, khóc nức nở:
- Hãy mang em đi anh ơi! Em vừa thấy Y Moan trên khán đài!
Duy kéo tay H’ Nhiêu nhảy xuống bục diễn rồi chen vào đám đông để chạy thoát ra bên ngoài. Nhưng vừa ra gần đến cổng sân vân động thì H’ Nhiêu thét lên: “A.. đừng đánh anh Duy!” khi thấy Y Moan, Y Ru và bọn “tay chân” của Y Moan ập đến sau lưng Duy rồi một thằng đã vung khúc cây phang vào người Duy. Không còn kịp nữa, Duy gục xuống ngất đi.
Y Moan cùng bọn Y Ru nhanh chóng đẩy H’ Nhiêu lên xe ô tô của bọn hắn đang chờ bên ngoài rồi cho xe chạy nhanh về ngôi nhà của hắn. H’ Nhiêu khóc rấm rứt vì lo cho Duy. Cô không biết A Ma Yun, H’ Lang và H’ Thi có chạy theo ra để cứu Duy không. Liếc nhìn Y Moan một cách căm tức, H’ Nhiêu tự nhủ: “Mình thà chết chứ không bao giờ lấy cái thằng này đâu!”.
Vì quá bực bội, Y Moan cũng quên mất là phải để xe bên ngoài những căn nhà gỗ như thường khi. Hắn cho xe chạy thẳng đến cổng nhà luôn nhưng hắn cũng không thèm gọi Ó đen hay H’ Lên ra mở cổng vì đang còn tức tối hai người này đã để cho H’ Nhiêu thoát ra khỏi ngôi nhà của hắn. Hắn bảo Y Ru xuống mở cửa mà quên rằng thường thì Ó đen hoăc H’ Lên ở bên trong mới mở cửa được. Y Ru thì chưa lần nào biết đến ngôi nhà này lẫn những gì bên trong ngôi nhà này nên cứ xuống đẩy cổng vào. Ai ngờ cổng mở dễ dàng mà Y Moan cũng không để ý. Ngay cả chuyện hắn về mà chẳng thấy đàn chó ra chào đón như thường lệ, hắn cũng không nhớ ra luôn. Hắn cứ mãi lo chăm chăm hạch hỏi, dằn vặt H’ Nhiêu:
- Cô đang lo lắng cho hắn ơ! Không ngờ cô đã lừa dối tui mà! Sao cô lại quen được với thằng Duy hả? Yêu hắn từ lúc nào chơ? Tui hỏi cô thì cô nói không biết, ai ngờ cô yêu hắn lâu rồi chơ!  Nhưng sao cô lại ra khỏi được ngôi nhà này? Tui đối xử như thế mà cô  phản bội tui đó. Cô có biết cô là vợ tui không…
Y Moan kéo H’ Nhiêu xuống xe rồi bảo bọn Y Ru lái xe trở về công ty. Y Moan đẩy H’ Nhiêu xuống căn hầm mà hắn cất giữ cái nồi đồng và cái chân đế trong căn nhà mới xây.
- Y Moan này không dễ dàng để cho cô rơi vào tay thằng khác đâu mà!
Thấy H’ Nhiêu cứ lặng thinh, Y Moan xuống giọng:
- Anh yêu em lắm H’ Nhiêu ơi! Tất cả những gì anh làm là đều vì em đó chớ. Sao mà em lại phản bội anh được…
Y Moan nhào đến ôm chầm lấy H’ Nhiêu. Hắn thề nhất định đêm nay hắn sẽ cưỡng hiếp H’ Nhiêu cho thoả mãn cái sự thèm muốn thân xác cô bấy lâu nay chứ không chờ đến khi H’ Nhiêu bằng lòng cưới hắn nữa. H’ Nhiêu vùng vằng rồi đạp Y Moan một cái khiến hắn ngã ra. Nhưng hắn lại bật dậy nhào đến ôm lấy H’ Nhiêu nữa. Hắn điên cuồng giật tung áo váy của H’ Nhiêu làm lộ ra cả thân thể trắng mịn của cô. H’ Nhiêu hoảng hốt cắn vào tay trái hắn. Đau quá, Y Moan vung tay phải hết sức tát một cái thật mạnh vào mặt H’ Nhiêu khiến H’ Nhiêu loạng quạng ngã quỵ xuống đất và ngất đi. Hắn đặt H’ Nhiêu nằm thẳng lại rồi cởi hết áo váy H’ Nhiêu ra. Thân hình trắng mịn, cân đối gợi cảm của H’ Nhiêu phơi bày hết trước mặt Y Moan khiến hắn thích thú. Hắn nghĩ đêm nay hắn sẽ chìm đắm trên bộ ngực mịn màng hồng phấn này, sẽ say sưa ngụp lặn trong những đường nét cong cong lên xuống quyến rũ này. Y Moan vừa đinh cởi quần thì chợt thấy cánh cửa của cái hầm nhỏ bên góc phòng mà hắn xây để cất cái nồi đồng và cái chân đế cặp ngà voi bị ai cạy ra. Hắn hoảng hốt chạy lại mở toang cánh cửa. Cái nồi và cái chân đế đã biến đi đâu mất rồi. Hắn vùng dậy chạy ra ngoài gọi bà H’ Lên và Ó đen. Bây giờ Y Moan mới nhận ra những điều khác thường ở trong ngôi nhà hắn. Đàn chó của hắn, mỗi con tự đi tìm một góc nhà hoặc dưới một gốc cây để nằm chết. Bà H’ Lên và Ó đen cũng bị trói tay chân, nhét vải vào miệng và nằm gục trong bếp mà chưa biết còn sống hay chết. Y Moan chạy ra ngoài những căn nhà gỗ gọi bọn “tay chân” của hắn thì chỉ còn hai tên lớn tuổi đang say xỉn ở nhà còn hầu hết là đã đi xem lễ hội cồng chiêng. Y Moan tức quá quát tháo ầm ĩ và quyết lần này sẽ đuổi việc hết bọn này. Hắn lôi đầu hai tên đang xỉn dậy đi theo hắn ra khu rừng phía sau ngôi nhà hắn để tìm kiếm cái nồi đồng và cái chân đế.
Duy sau khi bị đánh gục xuống bất tỉnh thì A Ma Yun, H’ Lang, H’ Thi cũng vừa kịp chạy đến. Còn Loan thì bị lạc giữa đám đông nên quay lại khán đài với ông Vincent và Mã Liên Huy. A Ma Yun cõng Duy ra đường định gọi xe chở Duy đến bệnh viện thì Duy tỉnh lại. Không thấy H’ Nhiêu đâu, Duy hỏi:
- H’ Nhiêu đâu?
- Bọn tui chạy đến thì có thấy H’ Nhiêu đâu chớ! – A Ma Yun nói.
Duy vẫy tay gọi một xe ôm rồi nói:
- Mình phải chạy gấp đến ngôi nhà của Y Moan!
A Ma Yun nghe thế cũng gọi một chiếc xe ôm khác. Duy giục ông xe ôm:
- Chạy xuống cây số 3, về quốc lộ 21, nhanh đi anh!
Hai xe ôm chở Duy và A Ma Yun phóng đi để lại cho H’ Lang và H’ Thi một sự ngơ ngác chẳng hiểu gì.
Duy và A Ma Yun chạy nhanh vào bên ngoài hàng rào ngôi nhà của Y Moan thì thấy cánh cửa cổng đang mở toang mà trong sân chẳng thấy con chó nào. Ngay lúc bình thường thì trong những căn nhà gỗ có lảng vảng mấy tên “tay chân” của Y Moan thì bây giờ cũng không thấy. Quá nóng ruột, sợ Y Moan bắt H’ Nhiêu về hành hạ khi hắn đã thấy Duy và H’ Nhiêu ôm nhau trên khán đài, Duy chạy xông thẳng vào nhà của Y Moan luôn. A Ma Yun thấy vậy cũng chạy theo Duy. Thấy cánh cửa nhà mới xây của Y Moan đã hé mở, Duy lẻn vào. Khi thấy chung quanh vắng lặng, Duy đinh chạy ra tìm nơi khác thì nghe tiếng rên nho nhỏ lọt ra từ dưới nền nhà. Duy chú ý thấy một khe hở như cánh cửa bên chân tường giáp với nền nhà. Thế là Duy đến lật cánh cửa lên và thấy một bật thang đi xuống. Vừa xuống khỏi bật thang, Duy đã thấy H’ Nhiêu đang nằm loả thể ở đó. Duy mặc áo váy lại cho H’ Nhiêu rồi ẵm H’ Nhiêu chạy nhanh ra khỏi ngôi nhà của Y Moan. A Ma Yun thấy Duy ẵm H’ Nhiêu chạy đi thì cũng chạy theo. Duy vội nói:
- Chạy ra trước gọi một chiếc taxi dùm đi nhanh lên A Ma Yun!
A Ma Yun phóng chạy nhanh ra trước Duy. Ra tới lộ 21, A Ma Yun vẫy gọi một chiếc taxi. Xe taxi vừa trờ tới thì cũng đúng lúc Duy ẵm H’ Nhiêu ra đến đầu hẻm. Thế là taxi đưa cả ba về phố Buôn Ma Thuột. Duy đưa H’ Nhiêu vào trú trong một khách sạn. Lúc này H’ Nhiêu đã tỉnh lại. Cô tự nhiên vui khoẻ hơn khi thấy Duy đang ở bên cạnh mình.