ĐÔI ĐIỀU VỀ GIA ĐÌNH VÀ VĂN HÓA GIA ĐÌNH

Gia đình có thể chỉ là một tập hợp nhỏ, gồm hai vợ chồng với một hai đứa con. Cũng có thể là một tập hợp lớn gồm nhiều thế hệ: ông bà, cha mẹ, các con, các cháu, các chắt. Ngày xưa, “tam đại đồng đường”, “tứ đại đồng đường” – nhiều thế hệ sống chung dưới một mái nhà, là điển hình của những gia đình mẫu mực thời xưa.
Ngày nay, do sự phát triển nhiều mặt, quan niệm về gia đình có thể khác trước. Nhưng bất kể thế nào, con người sinh ra, ai cũng cần có một GIA ĐÌNH. Không gia đình là biểu hiện của sự bất hạnh.
Không gia đình con người rất khó trưởng thành theo đúng nghĩa một con người. Những đứa trẻ sớm mồ côi, bị ném vào xã hội, thì “chúng là cái mồi rất tốt cho những tật xấu thói hư” (NHỚ NGHĨ CHIỀU HÔM – Hồi ký của giáo sư Đào Duy Anh. NXB Văn nghệ TP HCM. 2003). Và nếu như sinh ra, lập tức đã không có gia đình, không có người MẸ cho bú mớm, ôm ấp vỗ về…, con người đó sống làm sao được?. Nhà phân tâm học D. Winnicott nói: “một trẻ sơ sinh – con người ấy không tồn tại”. Còn Gerard Poussin, giáo sư tâm lý học, người Pháp thì viết: “Con người không tự mình sáng tạo ra (mình) cũng không tự mình tạo dựng được cuộc sống (của mình)”.
Gia đình là môi trường sống đầu tiên và quan trọng nhất của mỗi con người. Tiếp mới đến xã hội. Và ngay khi con người hòa nhập vào cuộc sống xã hội để mưu sinh, để khẳng định mình, để làm “ông nọ bà kia”, thì gia đình vẫn luôn là môi trường không thể thiếu được. Trước mọi sóng gió cuộc đời, gia đình phải luôn luôn là cái cảng an bình nhất, là “tổ ấm” hạnh phúc nhất, là nơi chia sẻ mọi nỗi buồn vui, sự thành đạt cũng như nỗi bất hạnh…
Nhưng gia đình ấy là gia đình như thế nào chứ?
Một gia đình mà “Nhà kia lỗi phép, con khinh bố; mụ nọ chanh chua, vợ chửi chồng” (Thơ Trần Tế Xương); một gia đình mà bề trên sống không mẫu mực, không hết lòng vì con cháu,… Một gia đình mà đồng tiền ngự trị lên mọi giá trị tinh thần, văn hóa, đạo đức… – “gia đình” ấy đã tự đánh mất vai trò của mình, “gia đình” ấy không còn nguyên cái nghĩa sơ đẳng của một gia đình.
Ngày xưa, để tạo dựng một gia đình, cha ông ta đưa ra rất nhiều quy chuẩn: “Gia giáo” hay “Gia huấn” là cách thức giáo dục con cháu của từng gia đình, trong đó, nội dung chủ yếu là giáo dục về đạo đức, phẩm chất một con người. Đa số “con nhà có gia giáo” đều trở thành những “người tử tế”. “Gia lễ” là những quy định chặt chẽ về đường ăn nết ở của mỗi thành viên trong gia đình: ngôn ngữ trong nói năng, cử chỉ điệu bộ, cách ăn mặc phục sức… trước và với từng cấp bậc các thành viên trong gia đình phải như thế nào cho phải phép. Bề trên khác, “ngang bằng phải lứa” khác, không thể “cá đối bằng đầu”, “cá mè một lứa” được! Khổng Tử nói: “Đạo đức nhân nghĩa, phi lễ bất thành”. Gia giáo và gia lễ của từng gia đình có thể khác nhau, nhưng tựu chung đều sử dụng “ngũ luân” làm nội dung cơ bản. Trong đó người ta lấy chữ “Nhân Từ” để dạy cho bậc làm cha mẹ; lấy chữ “Hiếu” dạy cho con cháu; lấy chữ “Nghĩa” dạy cho kẻ làm chồng; lấy chữ “Đoan chính” dạy cho người làm vợ; lấy chữ “Lương” (hiền lành) dạy cho anh, chị; lấy chữ “Đễ” (nhún nhường) dạy cho các em.
Muốn thực hiện được “gia giáo”. “gia lễ” thì phải có “gia pháp”.. Gia pháp nhằm bảo vệ, đề cao uy thế của người chủ gia đình (“nghiêm đường”); đồng thời duy trì sự thống nhất chung trong nếp sống gia đình.
“Gia phong” (hay còn gọi là nếp nhà) là cái lề thói mà mỗi thành viên trong gia đình phải noi theo; là bản sắc văn hóa của một gia đình. Giáo sư Đào Duy Anh coi gia phong là sự tổng hòa những thành quả của gia giáo, gia lễ, gia pháp. Gia phong giúp chuẩn bị một cách tốt nhất cho mỗi một con người, để họ trở thành hữu ích, khi hòa nhập vào môi trường xã hội.
Mấy chục năm nay chúng ta đã nói rất nhiều và cũng đã làm rất nhiều về “xây dựng gia đình văn hóa mới”. Nhưng hình như “nội dung cốt lõi” của một gia đình văn hóa mới, lại chưa cụ thể? Đã có rất nhiều gia đình được tặng danh hiệu “gia đình văn hóa mới”. Bản thân người viết bài này cũng đã có lần đi xa mấy tháng trở về, bỗng nhiên được ông tổ trưởng dân phố mang đến cho một tấm bằng công nhận và một cái phích nước nóng Rạng đông có in dòng chữ “tặng gia đình văn hóa xuất sắc” – danh hiệu dành cho những gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa ba năm liền. Trong khi đó, hai năm trước, gia đình tôi chưa hề được bầu chọn lấy một lần (vì nhiều lý do, trong đó có lý do hay đi xa với con, không tham gia thường xuyên các hoạt động đường phố). Tôi có đem điều ấy hỏi những người có trách nhiệm, thì được trả lời: “cấp ủy, mặt trận và các đoàn thể đã nhận xét, thống nhất biểu quyết, bác không phải băn koăn”. Cũng có thể hiểu: chẳng qua chẳng có ai chịu nhận, thì cấp ủy, đoàn thể đành ép cho gia đình tôi, là người vắng mặt, cho hết chối từ! Nhận thì thấy mình “dơ” quá; đem trả lại thì sợ phật ý cấp ủy và các đoàn thể. Đành chọn cách đem một số tiền tương đương giá chiếc phích nước, ùng hộ công quỹ, để khỏi mang tiếng “tham”. Riêng giấy khen thì vì đã ghi rõ tên gia đình tôi, nên không thể “xung công” được; mà đem treo lên thì cứ ngượng ngượng thế nào ấy, vậy thì đem cất kỹ một chỗ là hơn cả!..
Đã có một thời hế cứ nói đến cái gì thuộc xã hội cũ, người ta đều cho là lạc hậu, là phải xóa bỏ. Gia giáo, gia lễ,… cũng chung số phận đó. Người ta lầm tưởng có thể dùng “giáo dục xã hội” thay thế cho giáo dục gia đình. Vai trò gia đình bị hạ thấp. Đoàn thể mới là nơi giáo dục và rèn luyện con người mới. Dẫn đến cha mẹ mất đi vai trò người “gia trưởng”, vai trò “tấm gương”. Con cái chỉ tuân theo những gì “xã hội” giáo dục. Thậm chí có lúc, con gọi bố đẻ bằng “đồng chí”; rồi con cái “phê phán” cha, mẹ, ông, bà là “cổ hủ lạc hậu”, là “lỗi thời”!... Chữ “hiếu” vẫn còn nhắc đến trong lớp người trẻ tuổi, nhưng là “hiếu với Dân”, tức với một đối tượng rất chung chung, rất “xã hội”.
Thiết nghĩ, nếu cái GIA PHONG cũ không còn thích hợp với cuộc sống mới, xin hãy tìm ra cho được một “khuôn mẫu mới” cho một gia đình kiểu mới. Khuôn mẫu này nhất định phải hơn hẳn cái “gia phong” cổ lỗ kia, góp phần xây dựng một xã hội văn minh, như phương hướng mà Đảng ta đang lãnh đạo Đất nước ta. Tại sao thế? Bởi vì, nói như Phan Bội Châu: “Nhà tức là cái nước nhỏ, nước tức là cái nhà lớn”. Nhà (gia) không bao giờ là chuyện riêng trong nội bộ một gia đình.
Thiết nghĩ, Xây dựng VĂN HÓA GIA ĐÌNH phải bắt đầu từ bên trên, chứ không phải từ dưới. Nghĩa là phải dạy cho người làm cha, mẹ cách thức và đạo lý làm cha, mẹ - khi người ấy đóng vai trò phụ huynh. Rồi phải dạy chính họ cách thức làm con, em – để họ biết nêu gương sáng cho chính con em họ. Thậm chí còn phải làm ngược lại, dạy cách làm tròn phận sự con em trước, rồi mới dạy đến cách làm cha mẹ. Phải làm cho gia đình trở thành nền tảng đạo đức của xã hội. Trách nhiệm này thuộc nhiều tổ chức, nhưng trước hết, không thể không nói đến vai trò của ngành giáo dục, ngành văn hóa.
“Nhà tức là cái nước nhỏ, nước tức là cái nhà lớn”. Chân lý đó cần được ghi nhớ.