TẢN MẠN HAI TIẾNG KHÓC – CƯỜI

Người ta, khi buồn: khóc; khi vui: cười. Lẽ thông thường là thế, nhưng không hoàn toàn thế. Có những sự buồn đau đến mức tưởng như không thể chịu đựng nổi, thì lại không thể khóc được; hoặc khóc mà không ra được nước mắt, khóc mà tiếng khóc nghẹn nơi cuống họng. Thậm chí không những không khóc mà bỗng dưng lại bật lên tiếng cười man dại – khóc như thế mới thực sự ghê sợ! Tương tự như vậy, khi vui quá, người ta cười ngặt nghẽo, rồi cười chẩy cả nước mắt nước mũi. Nhưng nếu niềm vui đến quá lớn, quá đột ngột, thì lúc ấy thường chúng ta khóc chứ không cười. Cái “cười” ấy mới chứa biết bao nhiêu là sung sướng, hạnh phúc!
Khóc hay cười đều do bộ não chúng ta chỉ huy. Bộ chỉ huy đó lại bắt nguồn từ thông tin do đôi mắt và đôi tai (thậm chí có khi phải huy động đủ cả năm giác quan) đem đến. Chuyện đáng khóc, mà cười, thì cái cười ấy vô duyên, vô văn hóa, vô đạo đức! Chuyện nên cười, mà khóc, là kẻ yếu đuối, ớn hèn; nếu không thì cũng là sự giả dối!
Khóc cho thân phận mình, đó là lẽ thường. Nhưng con người đôi khi còn khóc cả cho người dưng nữa, như Kiều khóc Đạm Tiên chẳng hạn! Và cũng có trường hợp khóc cho người dưng chỉ để kiếm tiền sinh sống – gọi là khóc thuê! Trường hợp đầu thì tiếng là khóc người dưng, nhưng chính là mượn cớ, khóc cho chính mình. Còn trường hợp sau thì rõ ràng chỉ là khóc cho người mà thôi. Lại có kẻ chả có gì đáng khóc, cũng khóc rên rỉ. Đó là sự khóc giả tạo, thiên hạ gọi họ là những kẻ “thương vay khóc mướn”.
Cười đôi khi còn biểu hiện thái độ khinh miệt: cười khẩy, “cười vào mũi” (ví dụ: “anh làm ăn như thế, không sợ thiên hạ người ta cười vào mũi cho à?”).
Cười hoặc khóc, có thể cùng đám đông, giữa đám đông; nhưng đáng sợ lại là khi ai đó cười một mình, khóc một mình – nếu như chủ nhân tiếng cười, tiếng khóc đó không hề mắc bệnh thần kinh (nghe người tâm thần khóc, cười cũng sợ; nhưng đó là thứ sợ khác!).
Cùng một sự việc mà đôi khi kẻ khóc, người cười; “người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm”. Lại có kẻ, bề ngoài thì cùng khóc với mình, chia xẻ niềm bất hạnh với mình, nhưng bên trong, hắn “múa tay trong bị”, nghĩa là hắn đang cười thầm ta đấy!
Vâng! Cuộc đời mỗi con người chúng ta thường xuyên gắn chặt với sự Cười và sự Khóc, sự Khóc và sự Cười – Từ lúc lọt lòng Mẹ đến khi nhắm mắt xuôi tay. Khoảng giữa hai sự Khóc, Cười ấy, là tất cả sự bề bộn trong lo toan tồn tại, mưu sinh và phát triển.
Cầu chúc cho mọi Người được CƯỜI KHI ĐÁNG CƯỜI, KHÓC KHI KHÔNG THỂ KHÔNG KHÓC. Không ai phải “cười ra nước mắt”; cũng không ai phải “khóc dấm khóc dúi”, “khóc thầm khóc vụng”!
Và câu hỏi từ hàng ngàn năm: tại sao khi vừa thoát thai ra khỏi bụng MẸ, con Người lại khóc? – Đó là tiếng khóc buồn hay tiếng khóc vui? Chưa dễ gì khẳng định được! Còn nếu như bây giờ, có đứa trẻ nào đó sinh ra, không khóc, mà lại … cười, thì điều đó sẽ ra sao nhỉ? – nên mừng hay nên lo đây?!.
Và câu nói dùng cho người đã về với tiên tổ: “mỉm cười nơi chín suối” – là ước nguyện của người sống hay của người chết? Cũng không phải là điều dễ trả lời! ■