Chuơng 16

Không nói ra miệng, nhưng khía cạnh mới nầy của sự thật, một khía cạnh đòi hỏi phải được tìm hiểu khiến chàng trai lo lắng không ít. Theo Giậu cho biết, Bạch Phụng đã mò vào vựa rơm ngay sau khi gã bỏ đi. Có thật như thế không? Hay là Giậu, trong cơn sợ hãi quá độ đã khai liều, đổ vấy lung tung.
Bởi thế cho nên cần phải bàn cãi cẩn thận, chu đáo, trước khi đi gọi Bạch Phụng tới, biết rằng người sẽ đi tìm cô nữ minh tinh điện ảnh ấy phải là chàng. Trường hợp Trọng Minh đi rồi, để Giậu ở lại một mình với bọn ông Lê Phi, khi quay trở lại, chắc chắn y sẽ chỉ còn là một cái xác không hồn. Từ hồi nào, vẫn tin tưởng viên hương quản Đặng Sâm lắm, giờ phút nầy, Trọng Minh cũng bắt đầu cảm thấy nghi ngại ông ta vô cùng. Trong Đặng Sâm luôn luôn có hai con người. Ông sẽ hành động theo mệnh lệnh của người con “Đất nghịch” dân làng Trung Quyết hay theo tinh thần một ủy viên cảnh sát xã, cán bộ duy trì an ninh trật tự công cộng và đại diện cho công lý?
Chàng trai xứ lạ nghiêm trọng, nhìn thẳng mặt viên hương quản:
- Thôi được! Vậy để tôi đi mời Bạch Phụng tới. Nhưng, ông hương quản, xin ông hứa cho một lời: “Không ai được làm gì tên Giậu hết”. Không phải là tôi cố ý che chở cho hắn đâu. Nó khiến tôi kinh tởm cũng như đã làm cho mọi người tại đây kinh tởm. Tội lại còn căm hận gã ghê gớm nữa, vì những lý do gì chắc các vị cũng đã rõ cả. Có điều, tôi mong mỏi là đừng để xảy ra tại đây thêm một vụ cố sát nữa. Nếu các vị cứ tự chuyện, tất cả sẽ phạm vào tội cố sát đấy.
- Vâng, tôi xin hứa với cậu, cậu Minh! Cậu cứ yên trí mà đi. Nhưng cậu chớ nói gì cho cô ta biết vội nhé! Mọi điều, chỉ có riêng bọn mình biết với nhau thôi, nghe!
- Tôi sẽ nghe ông! Đồng ý! Ông có thể yên tâm!
Bước ra ngoài đường, Trọng Minh ưỡn căng lồng ngực hít một hơi dài khoan khoái. Bầu trời đầy sao, cao tít, rộng mênh mông vô cùng tận. Cửa sổ một vài nhà vẫn còn ánh đèn chiếu hắt ra. Trọng Minh ngẫm nghĩ: “Dân làng nầy thức khuya ghê! Chắc họ đang sum họp dưới ánh đèn ấm cúng! Có lẽ mọi người đang nói chuyện công việc làm ăn, mùa màng, mưa nắng … Yên tĩnh lắm, chẳng bao giờ có chuyện gì lôi thôi”. Ý nghĩ đó khiến Trọng Minh mỉm cười, một nụ cười thật buồn.
- Nhưng anh cũng phải cho em biết là anh muốn cái gì chớ?
- Lát nữa sẽ biết. Bây giờ tôi chỉ yêu cầu Phụng có một việc: theo tôi đi lại đằng nầy!
Bạch Phụng đưa tay chỉ chiếc giường trải nệm trắng tinh:
- Đáng lẽ em ngủ rồi đấy nhé!
Vừa nói, Bạch Phụng vừa tiến lại, đưa tay đập nhè nhẹ vào chiếc gối lớn bằng sa-tanh màu hồng. Cử chỉ đó, kèm theo ánh mắt âu yếm khác nào một lời mời mọc thiết tha. Thái độ trìu mến nồng nhiệt của cô gái đụng ngay sắc diện lạnh như băng giá của Trọng Minh, vội vã biến ngay thành lời nói kèm theo một tiếng cười gượng:
- Thôi được! Em cũng chìu anh! … Chìu con người …. bí mật! Nào, đi!
- Ủa, cứ thế mà đi, hả?
Trong phòng riêng, Bạch Phụng chỉ mặc phong phanh mỗi bộ quần áo lót liền quần màu mạ non, may rất sát, để lộ những đường cong no tròn, đẹp khêu gợi.
Trọng Minh cau mầy khó chịu. Chàng chợt nghĩ: “Nơi chốn nầy, không thể đi với một cô gái ăn mặc như thế kia được!”.
- “Cứ thế” là sao, hả anh?
- Phụng mặc thêm áo ngoài vào …..cho khỏi lạnh.
Cô gái văn minh thông minh lắm. Giọng nói của nàng mỉa mai, chua chát:
- Anh làm như sắp sửa lên Bô-Na không bằng!
- Lên đâu thì lên! Quàng thêm chiếc áo ngoài vào thì hay hơn! Mau đi, lâu quá rồi!
Bạch Phụng định nói thêm mấy câu nữa cho hả, nhưng nhìn nét mặt và cử chỉ của chàng trai, nàng ý thức ngay rằng: “Tốt hơn hết là tuân theo”.
Mọi người vẫn ngồi hoặc đứng im tại chỗ. Và có lẽ từ lúc Trọng Minh ra ngoài cho đến giờ phút nầy, không ai nói với ai một tiếng nào. Trong không khí im lặng nặng như chì, họ chờ đợi.
Bạch Phụng bước vào. Cô gái đẹp sững sờ ngạc nhiên khi thấy viên hương quản vai đeo những hai khẩu súng săn, lại thêm bên hông kè kè bao súng lục mở sẵn nút cài. Mọi người thuật sơ lại cho nàng nghe nội dung sự việc.
Giậu vẫn dựa lưng vào cánh tủ, dáng điệu mệt mỏi:
- Thế nào cô Bạch Phụng? Phải đúng cô đã đi vào bên trong vựa rơm buổi chiều hôm ấy không?
Bạch Phụng ngước mắt nhìn gã trai, không trả lời. Nàng ngập ngừng. Nàng đang tìm câu nói hay là nội dung vụ án đã khiến cô gái nghẹn lời.
Gần một phút sau, mọi người hiện diện mới được nghe giọng oanh vàng lọt qua viền môi màu san hô tươi đẹp:
- Xin có lời chia buồn với quý vị! Riêng tôi, thực tình tôi không quen biết các ông các bà ở đây, do đó, không thể có điều gì mâu thuẫn giữa tôi với các ông các bà cả. Anh ….gì kia hỏi có phải tôi đã vào vựa rơm chiều hôm đó không? Tôi không thể nhận là có được, vì điều ấy là sai! Tôi không vào đó!
Bạch Phụng nhận hay không nhận đã bước vào vựa rơm, sự việc ấy chẳng cứu được Giậu, cũng chẳng thay đổi được tình hình mấy tí. Nhưng gã vẫn đặt nhiều hy vọng vào cô gái điện ảnh nhân chứng nầy. Vì thế, khi Bạch Phụng chưa nói hết câu, gã đã quát lên, thịnh nộ:
- Sao? Cô nói sao? Cô bảo tôi nói sai? Trời ơi! Chính mắt tôi đã trông thấy cô bước vào mà!
Quay mặt ngó mọi người, Giậu phân bua:
- Đó! Tất cả đã thấy chưa? Đã thấy rõ ràng là cô ta a tòng, về hùa với gã kia chưa?
Viên hương quản nói với cô tài tử. Giọng ông ta nghiêm trọng:
- Cô cũng đã nhận thấy rõ vụ nầy không phải là chuyện thường. Chúng tôi đang xét định xem có phải chính tên Giậu đã xuống tay giết chết Chi Lan không đó!
- A, vụ đó thì mắc mớ gì đến tôi chứ? Chi Lan! Cô Chi Lan đó thì có cái gì ăn nhằm với tôi kia? Rõ chán chuyện!
Tiếng Giậu cười rằn:
- Cô ta chối đấy!
Trọng Minh từ lúc nào vẫn đứng cạnh Bạch Phụng. Chàng chộp nhanh cổ tay cô gái giật mạnh khiến Bạch Phụng phải xoay người nửa vòng đối diện với mình. Cô gái hốt hoảng trước sắc diện lạnh lùng như gọt vào đá của Trọng Minh. Bàn tay chàng siết mạnh khiến cổ tay nàng đau như muốn gẫy vụn. Nhưng Bạch Phụng vẫn cắn răng không dám kêu lên.
Trọng Minh gật đầu:
- Đúng! Giậu nó nói đúng! Cô nói dối! Riêng tôi, tôi cũng đã biết cô quá rõ, tài nói dối của cô nổi tiếng xưa nay là vô địch. Giờ nọ nối tiếp giờ kia, chúng tôi đang truy trầm, tìm hiểu sự thật, tất cả sự thật, mặc dầu sự thật ấy có kinh khiếp tới mức nào ….. Chi Lan mới 18 tuổi đầu! Cô nên nhớ như thế! …. Đây, trước mặt cha của Chi Lan, mẹ của Chi Lan, những người đang khổ đau cùng cực, tôi thách cô nhắc lại một lần nữa là cô không vào trong vựa rơm chiều hôm đó. Nhắc lại thử coi!
Cô gái văn minh cố gắng không nhăn mặt. Cổ tay vẫn bị Trọng Minh siết chặt. Bạch Phụng không đủ can đảm ngó thẳng chàng trai hoặc bất cứ một người nào khác. Đầu cúi gầm, nàng ta nói lí nhí. Nhưng mọi người ai nấy vẫn im lặng, im lặng tuyệt đối. Do đó, “lời khai” của Bạch Phụng nghe vẫn rõ:
- ….. Tại ….tại tôi ghen với nàng! Tôi không thể chịu được với ý nghĩ: “Chi Lan sẽ chiếm đoạt Trọng Minh của tôi!”
Chàng trai dịu hẳn nét mặt, buông tay ra, nhưng giọng nói của chàng lại càng quyết liệt:
- Rồi! Bây giờ cô nói hết đi!
- Chiều hôm đó, anh có hứa với em là anh sẽ không đến gặp mặt Chi Lan. Nhưng em nghi rằng anh không giữ lời hứa. Bởi thế em mới mò đến vựa rơm để rình … Vả lại, em cũng còn có một việc riêng nữa.
- Việc riêng? Việc gì?
Ông, bà Lê Phi, viên hương quản Đặng Sâm đều lắng tai nghe. Chàng Giậu bất giác liếc nhanh nhìn Trọng Minh. Một cái nhìn hàm súc vẻ biết ơn.
- Việc …đến gặp Chi Lan! Gặp, để nói cho cô ta biết là …..không nên và không yêu anh được đâu vì anh ….đã yêu em! Anh vuột khỏi tay em, nhưng chỉ một thời gian nào đó thôi! Và rồi em sẽ chiếm lại anh cho kỳ được.
Trọng Minh quá lên, cắt ngang lời cô gái:
- Rồi sao nữa? Nói lẹ lên!
Chàng trai sáng suốt lắm. Bạch Phụng lừa dối ai thì được, chớ không thể dối chàng. Cô gái văn minh tinh quái yêu chàng. Tình yêu giả dối đó do động cơ nào thúc đẩy, Trọng Minh đã rõ biết. Nhưng, nghe nàng kể lể dài dòng mối liên lạc tình cảm giữa hai người, chàng trai cũng thấy gai người khó chịu.
- Lúc đó em cũng không biết đích là mấy giờ chiều nữa. Có thể hơn sáu giờ. Em thấy rõ ràng cánh cửa vựa lúa bật mở. Một người đàn ông từ phía trong đi ra, mà lại đi ….giật lùi. Em cứ đinh ninh là anh ấy chứ!
Gã Giậu cũng có vẻ sốt ruột:
- Tôi đấy!
- À, thế ra là anh! ….Tôi chờ cho anh đi xa đã rồi mới ….Nhưng khi tôi bước vào thì …
Không rõ Bạch Phụng “đóng kịch” hay cô ta xúc động thực tình mà bỗng ngưng ngang không nói tiếp.
Trọng Minh quắc mắt:
- Thì ….sao?
- Thì ….. em không còn nói gì với cô nhỏ đó được nữa. Vì cô ta …..đã chết rồi!
Giậu nhảy chồm tới. Gã đụng ngay Đặng Sâm. Viên hương quản khẽ lắc đôi vai. Giậu đã bị hất đẩy về chỗ cũ. Đoạn, ông ta ngó Bạch Phụng:
- À, thấy thế rồi tại sao cô không làm gì hết? Không báo cho ai biết cả?
- Vâng, lẽ ra tôi phải hô hoán, rồi đi báo cho mọi người biết ngay kia đấy. Không hô hoán, không đi báo ngay thành thử mấy hôm sau tôi cứ ân hận mãi. Khốn nỗi lúc đó, lúc đó, vì sợ hãi quá, cuống quít lên không biết làm sao cho phải nữa.
Giậu gào lên:
- Nói láo! Lúc đó Chi Lan vẫn còn sống nguyên mà.
Mặc tình cho Giậu cãi lại, mặc tình cho Trọng Minh bắt buộc phải nói rõ sự thật, Bạch Phụng vẫn giữ nguyên “lời khai”, cương quyết giữ nguyên không thay đổi. Nghĩa là: sau khi Giậu bỏ đi rồi, nàng mới bước vào vựa rơm để trông thấy Chi Lan đã chết ….treo cổ. Nàng sợ quá bỏ chạy, và cũng vì sợ quá đã không dám hô hoán cho ai biết.
Tất cả nội dung lời khai của Bạch Phụng chỉ có thế, giản dị chỉ có thế!
Cô gái nhìn Trọng Minh:
- Tất cả chỉ có thế! Em còn biết gì hơn nữa đâu mà nói thêm. Đó! Anh muốn biết rõ hết sự thật! Em nói hết rồi đó!
Ủy viên cảnh sát Đặng Sâm trừng mắt nhìn Giậu:
- Nếu vậy thì ….
Giậu la lên:
- Không! Tôi không giết nàng mà! Trời ơi!
Lời khai của nữ nhân chứng Bạch Phụng lại có tác dụng trái ngược hẳn ý gã mong muốn. Nghiệt ngã hơn nữa, lời khai đó lại chứng minh giả thuyết của bác sĩ Mã là đúng. Giả thuyết cho rằng: Giậu, vì không hiểu rõ thái độ của Chi Lan đã tưởng lầm rằng nàng khiêu khích, thách đố, nên anh ta đã … Đến khi nhận ra hậu quả vô cùng nguy hại nếu một người thứ ba biết được, Giậu mới xuống tay “sát nhân diệt khẩu”. Đó! Nội vụ án mạng chỉ đơn giản có thế! Các báo hằng ngày vẫn chẳng thường đăng tải hằng hà sa số những vụ cưỡng bức, sát nhân tương tự, những tội ác kinh tởm mà động cơ thúc đẩy không ngoài tình yêu và thù hận đó sao?
Viên hương quản Đặng Sâm nghiêng người né tránh bàn tay của ông Lê Phi:
- Không được, anh Phi! Bây giờ gã thuộc quyền tôi định đoạt! Tôi sẽ giao nó cho pháp luật xét xử.
Trong một phút, lửa hận thù bốc lên ngùn ngụt, người cha đã lao mình tới ông Ủy viên Cảnh sát, giơ tay giật khẩu súng săn. Hai người có thể đi đến chỗ thượng cẳng tay, hạ cẳng chân, dành giựt xâu xé nhau, đập lộn nhau được, nếu Trọng Minh không nhảy ra ngăn kịp. Chàng giang hai tay ôm chặt lấy ông Phi:
- Mong ông biết điều một chút, ông Phi!
Bà Liên lớn tiếng:
- Cái gì? Biết điều? Biết điều đến đâu nữa mới được chứ? Cậu còn muốn nhà tôi biết điều tới mức nào nữa chứ?
Nhưng, nhìn sắc diện chàng trai, biết chắc là sẽ không mảy may hy vọng thuyết phục được, thiếu phụ quay lại nhìn viên hương quản. Giọng nói của bà sắc lạnh:
- Tôi buồn vì anh quá, anh Sâm ạ! Thực thế! Anh khiến vợ chồng tôi thất vọng vô cùng! Có lẽ anh đã quên rồi, anh đã quên hẳn anh là người của chúng tôi rồi, phải vậy chăng?
Trọng Minh nhìn người mẹ. Ánh mắt chàng nghiêm nghị:
- Không! Ông ấy đâu có quên! Tôi biết rõ là ông Sâm không bao giờ quên điều đó cả. Nhưng, việc phán xét, việc kết tội và trừng trị hung thủ là quyền của luật pháp, của Tòa án, của Pháp đình. Không phải là quyền của người dân. Nếu người dân tự động làm các công việc đó thì sẽ không khác gì việc … lấy máu đòi nợ máu, là... phạm vào tội cố sát, pháp luật ắt sẽ nghiêm trị, không tha. Còn em nhỏ Chi Thoa đó, xin ông bà nghĩ tới em, can đảm mà sống cho em mới được.
Trọng Minh nói hăng say, giọng nói chàng tha thiết. Chàng chỉ lo không tìm được đủ chữ mà nói. Mọi người im lặng cảm động đứng nghe. Và tất cả đều sẵn sàng làm theo ý chàng muốn. Tấn thảm kịch, cái chết thê thảm của Chi Lan, chút xíu nữa, khiến chàng là kẻ tử thù của họ, giờ đây lại lôi cuốn được họ đứng về phía chàng, xích lại với chàng gần hơn. Chàng đã cùng chung một mối lo buồn với họ.
Ông Lê Phi buồn bã gật đầu:
- Thôi được! Cũng đành vậy thôi! Không thể làm gì khác hơn! Thời thế nào kỷ cương ấy! Bây giờ không còn như ngày trước nữa. Khổ tâm lắm nhưng chẳng biết sao hơn. Thôi, nầy, Đặng Sâm! Dẫn nó đi lẹ lẹ lên. Đi cho khuất mắt! Nó còn hiện diện tại đây giây phút nào, tôi còn uất hận phút ấy …. Rồi lỡ ra … không tự kiềm chế được … À, mà anh định giải quyết số phận nó ra sao đó?
- Tạm giữ nó đêm nay trong căn hầm đằng tôi. Sáng mai, tôi sẽ dẫn trình nó lên Tòa án tỉnh. Còng tay cẩn thận, anh có thể yên trí.
Dứt lời, viên hương quản rút khẩu súng lục, nắm gọn trong tay, ngón trỏ đặt nhẹ lên cò, hươi mũi súng về phía Giậu:
- Ê đi đi! Gã kia! Nhớ đừng có giở trò gì đó nghe! Nhi nhô chút xíu là tao bắn hạ liền đó, đừng trách!
Giậu nặng nề lê bước. Tới gần cửa ra vào, gã ngoái cổ lại:
- Thật tình tôi không giết Chi Lan mà!
Viên hương quản bước theo sát gót tên hung phạm.
Ông Lê Phi:
- Nầy anh Sâm! Dẫn nó đi, giam cổ nó lại, - ông hạ thấp giọng nói nhanh – Xong đâu đấy, anh quay về đây, tôi nhờ một việc, nghe!
- Việc gì?
- Tôi muốn nói với anh chuyện nầy!
- Được! Tôi sẽ trở lại.
Hai người ra khỏi nhà. Ông Lê Phi đứng dậy, bước tới bên cửa sổ, vặn chốt, mở rộng hai cánh. Ông ưỡn ngực hít vào một hơi thật dài. Trời đêm yên tĩnh, không khí mát rợi.
- Chà! Mát quá!
Họ không còn gì để nói với nhau. Trong phòng còn lại bốn người, người nào người nấy đều có cảm tưởng là mình đang lạc lõng trong một bãi sa mạc. Trọng Minh hất đầu ra hiệu cho Bạch Phụng: “tụi mình về” …
- Anh Trọng Minh!
Trước mặt và chung quanh hai người, xóm làng đều say ngủ. Trên tầng không, sao đêm lấp lánh trông bầu trời xám thẫm hơn. Mảnh trăng khuyết như treo lơ lửng nơi đầu cây thánh giá cao chót vót trên đỉnh tháp chuông nhà thờ.
- Im miệng đi!
Bạch Phụng gần bật khóc:
- Anh giận em vì lẽ gì thế?
- ….. Chi Lan nóng lòng đợi tôi. Thế mà …chỉ vì cô, chỉ vì cô …hừ, chỉ tại cô mà ….giờ đây, Giậu sẽ rũ tù, sống những ngày tàn trong khám lạnh. Nếu buổi chiều hôm đó, tôi đến nơi hẹn thì mọi sự đáng tiếc đã không xảy ra.
Trọng Minh bước mạnh và nhanh. Bạch Phụng cứ phải chạy lúp xúp mới theo kịp. Chàng trai ngoảnh mặt nhìn sang. Người đẹp thoáng rùng mình: đôi mắt Trọng Minh quắc lên trong đêm tối. Chàng quát lớn:
- Để mặc tôi! Cô hãy đi đi! Đi!
Bạch Phụng ngẩn người đứng im. Níu kéo làm gì nữa. Vô ích! Nàng đã mất Trọng Minh vĩnh viễn! Nước mắt dâng lên, tràn ứa bờ mi, cô gái lặng nhìn người con trai đang lầm lũi bước vào đêm tối. Chợt nàng quay nhanh mặt ngó về phía nhà ông Lê Phi …
Rồi, không biết do một động cơ tâm lý nào thúc đẩy, Bạch Phụng xoay người quay đi ngược trở lại.