Chương 7 (tt)

Điện Biên Phủ.
Sáng ngày 20 tháng 11 năm 1953, 2 tiểu đoàn Pháp nhẩy dù xuống mép Tây của lòng chảo hình bàn chân người gọi là Điện Biên Phủ. Vị trí này bao quanh bởi các ngọn núi cao, 1 bức tường thành thiên nhiên – hay một cái bẫy – tùy theo quan điểm của bạn. Những thửa ruộng vuông vắn san sát nhau tạo thành từng ô hình học che phủ khắp thung lũng đến tận chân núi. Chỉ có một phá cách hằn lên sự đều đặn hình học này là dòng sông Namyoum chảy ngoằn ngoèo xuống giữa lòng chảo và lộ 41 chạy dọc theo bờ sông, tiếp tục xuyên suốt qua Lào cách đó chỉ 15 dặm.
Trời đã mưa tầm tã suốt hơn 1 tuần khi họ nhẩy xuống. Lượng nước mưa làm mực nước sông Namyoum ngả màu cà phê sữa vì cuốn theo đất cát trên các sườn núi, biến thung lũng thành một biển bùn lầy. Toán quân nhẩy dù khó nhọc vượt qua vũng lội ấy, cất những vị trí phòng thủ chống đỡ những cuộc tấn kích. Điện Biên Phủ là bộ chỉ huy của trung đoàn chính quy 148 biệt lập. Nhưng theo tiên đoán tình báo Pháp, chỉ có một tiểu đoàn của trung đoàn 148 hiện diện tại đó đối đầu với nhẩy dù. Trận chiến kéo dài vài giờ cho đến khi quân Pháp gọi không yểm. Sau khi tổn thất nặng, tiểu đoàn Việt Minh rút về hướng Nam, bỏ Điện Biên Phủ.
Đến cuối tháng gần 2000 lính Pháp được tăng phái vào lực lượng 2 tiểu đoàn ban đầu, và đến đầu năm 1954, thêm 13000 binh sĩ nữa, trong số đó có 200 tình nguyện quân Hmong, đến để xây dựng công sự chiến đấu và một phi trường nhỏ, dài 1000 mét. Toán công nhân xây dựng đặt bộ chỉ huy ở cực Nam thung lũng, lập 5 đồn phòng thủ quanh căn cứ và 4 tiền đồn. Các đồn được đặt tên Claudine, Eliane, Huguette, Francoise, Isabelle, Beatrice, Gabrielle và Anne Marie. Các tên này là danh sách các tình nhân của tư lịnh căn cứ, phản ảnh tính hiếu sắc của ông.
Sự đồn trú Điện Biên Phủ quan trọng với người Pháp vì 3 lý do. Đầu tiên, những đồi núi bao quanh là vùng sản xuất thuốc phiện. Việt Minh đã thu hoạch gần 1 triệu Mỹ kim hàng năm để chu cấp quân đội. Pháp định cắt đứt nguồn lợi này của Việt Minh.
Thứ hai, Cộng Sản dùng lộ 41 làm đường rút quân sang Lào mỗi khi thua trận. Hơn 1 lần Pháp đã bao vây các sư đoàn Việt Minh và để họ rút sang Lào, hy sinh một lực lượng nhỏ cản hậu. Người Pháp cũng muốn Việt Minh ra khỏi Lào. Chỉ vài tháng trước, Việt Minh đã đưa các thành phần thiện chiến của 3 sư đoàn lên lộ 41, phát động cuộc tổng tấn công xâm chiếm. Mặc dù bị đẩy lui, Cộng Sản để lại một lực lượng nhỏ ở các tỉnh Đông Bắc Lào với ý đồ rõ rệt là lập một đầu cầu cho các cuộc xâm lấn mai sau. Các chiến lược gia quân sự Pháp ở Hà Nội kết luận rằng một cứ điểm phòng thủ kiên cố ở Điện Biên Phủ sẽ ngăn chận mọi di chuyển vào Lào, biến sự có mặt của họ tại đây thành vô dụng. Để làm vui lòng các chính khách, Pháp mới ký kết hiệp ước hữu nghị với Lào, cam kết bảo vệ Lào khỏi các cuộc xâm lăng trong tương lai. Bảo vệ lời hứa của quốc gia là bổn phận của quân đoàn viễn chinh Pháp.
Thứ ba và cũng là lý do quan trọng nhất, viên tư lịnh quân đoàn, tướng Henri Navarre, định giương một cái bẫy nhử Việt Minh. Chiếm đóng trong khu vực của Việt Minh, Navarre hy vọng dụ các sư đoàn của Việt Minh xuất đầu lộ diện trong một trận quyết chiến. Với Điện Biên án ngữ ngả đường thông sang Lào, Navarre định triệt đường rút quân của địch và tiêu diệt đoàn quân không ngõ thoát.
Kế hoạch của Navarre là một hành động tuyệt vọng mong đoạt được một chiến thắng càng sớm càng tốt. Công chúng Pháp đã bắt đầu chống chiến tranh. Không phải chỉ mới đây, công dân Pháp từ lâu đã ngờ vực sự khôn ngoan trong việc duy trì nên thuộc địa ở Đông Dương. Từ năm 1947, một thăm dò dư luận toàn quốc tiết lộ rằng 42/100 người Pháp được phỏng vấn nghiêng về giải pháp điều đình với Cộng Sản; 8/100 ngắn gọn muốn rút chân khỏi Đông Dương, chỉ 36/100 muốn tiếp tục chiến tranh bằng mọi giá. Năm 1953, con số phản chiến tăng đáng kể.
Trong đầu óc công chúng Pháp, chiến tranh Đông Dương biến thành la sale guerre (chiến tranh phi nghĩa,) cuộc chiến không vinh dự, một xung đột quá nhiều tổn thất. Sinh viên bắt đầu nhất tề biểu tình chống đối. Thanh niên trốn quân dịch. Tân binh đào ngũ ngay khi được đưa vào hoạt động, một số nhảy khỏi tàu ở cảng Marseilles. Sự tôn trọng các quân nhân xuống đến mức thấp nhất. Hình ảnh công dân Pháp phỉ nhổ vào mặt những quân nhân Pháp hồi hương từ Việt Nam không phải điều hiếm thấy, vì sự tàn bạo của họ đối với người Việt Nam và dù với tàn bạo, họ không thể chiến thắng.
Điềm xấu càng rõ nét là cuộc xung đột quan điểm trong phiên họp Quốc Hội Pháp chỉ 1 tháng trước khi Navarre bắt đầu đưa quân vào Điện Biên Phủ. Trong cuộc bàn bạc, mọi đại biểu thiên về giải pháp đàm phán một cách rõ rệt và chỉ bất đồng ý kiến làm thế nào để thực hiện. Navarre cần một chiến thắng lớn để xoay chiển tình thế.
Đối với Việt Minh, chiến lược của Navarre là một quà tặng Trời cho. Ngay hồi đầu năm 1951, họ đã thăm dò sức mạnh của Pháp trong khu vực, những đồn bót cô lẻ rải rác cuối chặng đường tiếp tế bấp bênh, xa cách các phi trường quân sự. Những thâm nhập trước khiến Cộng Sản kết luận rằng trận quyết chiến tối hậu phải ở trong khu vực cô lập này, nơi người Pháp phải đương đầu với những khó khăn tiếp vận và tiếp viện không thể vượt qua được. Cộng Sản đã và đang kéo dài thì giờ, chờ thời cơ cho cái gọi là trận chiến quyết định. Thời cơ ấy đã đến khi người Pháp ào ạt đổ quân xuống Điện Biên Phủ.
Ý tưởng Điện Biên Phủ bị địch quân áp đảo không hề có trong đầu óc của Navarre. Để hoàn thành điều này, tư lịnh của địch, tướng Giáp phải huy động vài sư đoàn và nhiều cỗ đại pháo. Navarre thấy rằng không thể tưởng tượng một lực lượng như thế có thể vận chuyển qua hàng trăm dặm núi rừng dù chuẩn bị với thời gian vô hạn.
Vậy mà điều này xảy ra. Hàng trăm ngàn dân công đắp đường, 1 ngàn xe vận tải (200 xe do Trung Cộng viện trợ, chiếm được của Mỹ trong chiến tranh Đại Hàn) và 260000 dân công khuân vác gạo, Cộng Sản có thể chuyển vận 230 cỗ trọng pháo, hàng ngàn tấn thực phẩm, hàng trăm ngàn viên đạn lên những đỉnh núi ngó xuống Điện Biên Phủ. Giáp cũng huy động 80000 bộ binh, đủ để áp đảo lực lượng trú phòng, vỏn vẹn 15000 binh sĩ. Nó là sự tương quan lực lượng vô cùng chênh lệch đúng ý muốn của Giáp.
Xa hẳn vùng chiến trường, Hồ Chí Minh nói chuyện với một ký giả Anh trong bộ tư lịnh. Viên ký giả hỏi về tin đồn một trận chiến ở một nơi gọi là Điện Biên Phủ. Trước khi trả lời, Hồ lột cái mũ cối lật ngửa trên mặt bàn. Ông thọc bàn tay xuống lòng mũ. “Điện Biên Phủ là một thung lũng và nó bị bao quanh bởi những ngọn núi. Đoàn quân viễn chinh Pháp ở đây.” Tiếp theo, Hồ lần ngón tay trỏ quanh mép mũ. “Và chúng tôi ở trên những ngọn núi. Họ không thể vượt thoát.”
Giáp mô tả Điện Biên Phủ theo cách của ông. Người Pháp chặt đầu em của ông, treo vợ ông bằng 2 ngón tay cái, tra tấn đến chết và bỏ đói con gái ông chết trong tù. Ở bộ tư lịnh tiền phương trên núi khu vực Điện Biên Phủ, ông cả quyết với ban tham mưu:”Chúng ta chẹn ngang họng quân Pháp.”
Đó là thời cơ lý tưởng cho một chiến thắng quyết định. Trong vòng 1 tháng, Pháp, Anh, Sô Viết và Trung Cộng hội nghị ở Geneva về vấn đề Đông Dương. Đánh bại Pháp ở Điện Biên Phủ sẽ cho phe Cộng Sản ưu thế trên bàn hội nghị.
Người Pháp định tiếp tế quân phòng ngự bằng không vận, nhưng các đại bác phòng không Việt Minh làm cho phương tiện này trở thành nhỏ giọt. Thiếu lương thực, thuốc men, đạn dược, binh sĩ trú phòng chịu đựng các cuộc tấn kích trọng pháo của địch giấu trong các hang động trên núi quanh đồn trại. 3 ngàn trái đạn rót vào tuyến phòng thủ trong vòng 1 giờ. Một binh sĩ trong bịnh viện dã chiến, cặp mắt vẫn còn vẻ hoảng sợ, nói với bác sĩ chuyện xảy ra cho anh ta ở Beatrice, 1 trong những tiền đồn:”Nếu thiếu tá bác sĩ có thể thấy địch, hàng ngàn và hàng ngàn bọn địch, đạp lên những xác đồng đội, chết bởi hỏa lực chúng tôi. Rồi thì hàng ngàn viên đạn trọng pháo – Sau trận pháo kích, một nửa hầm trú ẩn của chúng tôi sụp đổ.
Các cuộc tấn công của Việt Minh theo một chiến thuật đơn giản và giống nhau. Các tổ đặc công mang theo mìn Bangalore (phá hàng rào) hay đeo chất nổ quanh mình, xông vào hàng rào kẽm gai và kích hỏa. Khi chọc thủng một lỗ hổng, binh sĩ nhất loạt xông vào. Đàng sau là quân yểm trợ có nhiệm vụ bắn che cho đội xung phong, cũng vượt qua phòng tuyến nếu đợt tấn công có kết quả, bắn áp đảo cho toán xung phong rút lui nếu thất bại.
Các đợt tấn công biển người tiếp tục mỗi ngày. Các tiền đồn thất thủ. Tổn thất Pháp càng cao. Bịnh viện nhỏ của căn cứ gồm 42 giường, 4 feet sâu dưới lòng đất, không thể chứa hết các thương binh. Các băng ca xếp khít nhau trong chiến hào có mái che chờ giải phẫu. Vì số binh sĩ tử trận quá nhiều, các bác sĩ dã chiến buộc các thương binh, kể cả người bị cưa chân tay mà vẫn có thể cầm súng, trở lại vị trí chiến đấu thay cho người chết.
Gần cuối cuộc chiến, một súng liên thanh 4 nòng, bắn không ngừng suốt vài ngày, vỏ đạn văng ra, chất cao đến 3 feet. Ngày 7 tháng Năm, Pháp tổn thất hàng ngàn người, hàng trăm xác chồng chất như củi súc trên nóc nhà xác, một hố vuông lớn cạnh bệnh viện. Mất tất cả mọi tiền đồn, chu vi căn cứ thu hẹp lại bằng cỡ sân túc cầu. Thuốc men, lương thực, đạn dược cạn kiệt vì thiếu tiếp tế. Tình trạng này, Cộng Sản chỉ việc bước vào tiếp thu doanh trại.
Khi giờ cuối đã điểm, con số binh sĩ Pháp tử trận lên đến non 5000. Việt Minh chất gấp 5 lần con số đó. Thật là tổn thất khủng khiếp để đạt chiến thắng, nhưng Cộng Sản sẵn sàng trả bất cứ giá nào để thắng một trận đánh kết thúc chiến tranh.
Tin bại trận bay đến Geneva nơi cuộc đàm phán đang diễn ra. Nó thay đổi mọi sự và cho Cộng Sản sức thương thuyết họ cần có để chấm dứtsự cai trị Pháp ở Đông Dương. Yếu tố thời cơ của Cộng Sản hoàn toàn chính xác. 
 
Bộ đội Vàng Pao tiếp cứu Điện Biên Phủ nhưng quá trễ. 
Người Mỹ nhúng tay vào Đông Nam Á.
Bại trận ở Điện Biên Phủ buộc Pháp phải nhượng bộ rất nhiều ở Geneva: Việt Nam cắt đôi ở vĩ tuyến 17 và Bắc Việt được thừa nhận như một quốc gia độc lập, tạm thời ngăn cách Cộng Sản ở miền Bắc. Người Mỹ hy vọng đó là một cô lập khu vĩnh viễn dù nó không có vẻ như thế. Cuối hội nghị Geneva, một trong nhóm đại biểu Bắc Việt khoác lác rằng nếu chiến tranh kéo dài 1 năm nữa, Việt Minh có thể chiếm trọn toàn cõi Việt Nam, Lào và Cambodia. Tự tin và ngạo mạn như thế, Việt Minh khó lòng chịu nằm yên ở miền Bắc lâu dài.
Người Mỹ không chịu đựng được chiến thắng của Cộng Sản. Eisenhower lúc này làm tổng thống và cũng quyết tâm như Truman trong vấn đề chống Cộng, minh họa cuộc chiến đấu trong những kích thước vĩ đại:” tự do chống lại nô lệ, ánh sáng chống lại bóng tối.” Eisenhower minh định rằng Mỹ không bị hiệp định Geneva ràng buộc và không nhân nhượng sự gây hấn của Cộng Sản ở Đông Nam Á. Biểu dương quyết tâm này, chỉ 2 thánh sau hiệp định Geneva, Mỹ thành lập Tổ chức Liên Phòng Đông Nam Á. (SEATO, South-East Asia Treaty Organization.)
Trong khi tạo dáng theo khuôn mẫu NATO (Minh ước Bắc Đại Tây Dương) như một tổ chức tương trợ phòng thủ, các thành viên Tổ chức Liên Phòng Đông Nam Á không là đồng minh tự nhiên, liên kết bởi cùng chung biên giới và quan tâm với hiểm họa xâm lăng của Liên Bang Sô Viết. 8 thành viên Tổ chức Liên Phòng Đông Nam Á gồm Mỹ, Úc, Anh, Pháp, Tân Tây Lan, Pakistan, Thái Lan và Phi Luật Tân, chỉ Thái Lan là một nước Đông Nam Á.  Nam Việt Nam, Lào, Cambodia không có tên trong danh sách vì những khoản cấm trong hiệp định Geneva năm 1954. Tổ chức Liên Phòng Đông Nam Á được thiết tưởng vô hiệu hóa khoản cấm này qua minh ước đối phó mọi gây hấn quân sự ở Đông Nam Á. Điều khó khăn là, khác với NATO (Minh ước Bắc Đại Tây Dương), liên minh phòng thủ mới này không có điều khoản nào về quân đội thường trực. Đây là một khiếm khuyết nghiêm trọng và là sự ngầm hiểu rằng Mỹ gánh vác trách nhiệm quân sự, dù chính quyền Eisenhower hăng hái thăm dò các biện pháp khác để không cần đến giải pháp quân sự.
Một năm trước khi Điện Biên Phủ thất thủ, Eisenhwer đã khuyên Pháp huấn luyện, trang bị và tuyển dụng những thành phần trong quân đội quốc gia Việt Nam để chiến đấu chống Việt Minh. Sự làm ngơ của Pháp về đề nghị này, sau này được các chuyên gia quân sự Mỹ coi như một trong những nhân tố góp phần vào sự bại trận của họ. Với sự thành lập khối Liên phòng Đông Nam Á, ý tưởng huấn luyện lực lượng bản xứ đẩy lùi phiến Cộng ở Đông Nam Á lại được lưu ý. Ý tưởng này cộng hưởng với khái niệm tự nhận của Mỹ như kẻ thù của thực dânchủ nghĩa. Cũng vậy, nếu nó thành công, sẽ không cần sự có mặt của quân đội Mỹ trong khu vực.
Bắt đầu năm 1955, Mỹ phát triển các chương trình viện trợ kinh tế, quân sự ở Thái Lan, Nam Việt Nam và Lào. Hàng triệu Mỹ kim đổ ra để tăng gấp đôi quân đội và tăng cường không lực hoàng gia Thái Lan. Tại Nam Việt Nam, tướng John O’Daniel, giám đốc phái bộ cố vấn quân sự Mỹ (MAAG, Military Assistance Advisory Group) đặt kế hoạch xây dựng một quân đội gồm 7 sư đoàn Nam Việt Nam.
Mỹ cũng đã viện trợ cho Lào dưới các điều khoản cam kết trong hiệp ước ký kết năm 1950, nhưng với số lượng nhỏ bé và điều hành theo may rủi. Khi Đại Sứ Charles Yost đến Vientaine năm 1954, chỉ có một viên chức ngoại vụ trong nước, không nhân viên ophụ tá và phải tự đánh máy lấy. Nản hơn nữa, Yost phát hiện tòa nhà Đại Sứ nơi ông sẽ làm việc vừa lắm chuột lại vừa dột.
Năm sau, Hoa Thịnh Đốn ủy nhiệm một cơ quan công tác vụ (USOM, United States Operations Mission) cho Lào. Công việc của USOM là đảm nhiệm điều hành viện trợ cho Lào, dự kiến sẽ tăng một cách đáng kể. Bộ chỉ huy của cơ sở là một cái lều dựng trong một đồng cỏ ở Vientaine. Ngoại trưởng John Foster Dulles tham quan sau đó để điều tra sự tiến triển. Kinh hoảng vì tình trạng thô sơ và nhân viên quá ít ỏi không đủ xử lý công tác, ông lập tức ra lịnh tăng ngân quỹ và thêm nhân viên.
Nhân viên USOM tăng từ 12 lên 82 người. Hàng triệu Mỹ kim thêm vào ngân sách đổ vào trong nước, lên đến 300 triệu tính đến năm 1960, vượt trội viện trợ bình quân đầu người hơn các nước khác. Nó đánh dấu khởi đầu của 18 năm can thiệp quân sự Mỹ, tốn kém hàng tỉ Mỹ kim và lôi cuốn nước Mỹ vào trong cuộc chiến tranh bí mật.
Tạo bất công.
Dù Lào là một nước nông nghiệp, chỉ một phần nhỏ trong hàng triệu Mỹ kim viện trợ cho Lào sử dụng trong nông nghiệp. Giữa năm 1955 – 1959, chỉ non 1.4 triệu dành cho nông trại kiểu mẫu, gia tăng thu hoạch vụ mùa hay cải tạo đất màu. Mặt khác, quân đội hoàng gia Lào nhận 200 triệu Mỹ kim viện trợ. Cuối thập niên 1950 – 1960, quân đội hoàng gia Lào từ một lực lượng 17000 người ô hợp, trang bị kém thành một quân đội hiện đại 25000 tay súng, được cho là một lực lượng quân sự ngoại quốc duy nhất trên thế giới được Mỹ cấp dưỡng hoàn toàn. Phí tổn cho sự phát triển nàylớn hơn con số Hoa Thịnh Đốn muốn thú nhận. Một ngân khoản lớn được chuyển qua CIA theo yêu cầu của bộ Quốc Phòng, ếm nhẹm bớt tổng số chi phí khỏi sự dò xét của Quốc Hội. Hoa Thịnh Đốn còn “rửa tiền” (thủ đoạn làm mất lai lịch ngân khoản) các tài khoản lớn qua chương trình nhập cảng hàng hoá.
Nó như thế này. Thay vì đưa thẳng tiền cho chính phủ Lào, Hoa Thịnh Đốn ký thác ngân hàng Mỹ dưới trương mục bộ Tài Chánh Lào. Điều này làm cho quân lực hoàng gia Lào in những kiện tiền Kip để chi dụng cho phát triển chính phủ và lương bổng quân đội mà không gây lạm phát. Mỗi 35 Kip được in ra, Mỹ ký thác thêm vào 1 Mỹ kim vào trong tài khoản bí mật Lào, chủ yếu nâng đỡ tiền Kip với đồng Mỹ kim theo tỷ giá 35/1. Trương mục phát triển cho quân lực hoàng gia Lào tài sản trị giá trên đồng Mỹ kim, nhờ đó các nhà đầu tư ngoại quốc bán hàng hóa cho Lào và nhận trao đổi bằng đồng Kip.
Chỉ những người bàng quan không nằm trong kế hoạch tài chánh này hoàn toàn không hiểu vì đâu sự phát triển kinh tế Lào được tiếp sức bằng nguồn tiền bạc bí mật cung cấp ngày càng nhiều. Quyền lãnh chúa (quyền in tiền chi dụng cho trái khoản chính phủ) thiết tưởng vô dụng. Nước Đức thử dùng phương sách in tiền đầu thập niên 1920 với kết quả tai hại. Trong thời hạn 2 năm, giá trị đồng Mark của Đức giảm 55000 phần trăm, chủ yếu là mất hẳn giá trị. Chẳng ngạc nhiên, kinh tế Đức sụp đổ. Thí nghiệm thất bại của Đức thiết tưởng là một minh chứng một chính sách rồ dại cho mọi quốc gia mọi thời, dù thế, có vẻ vẫn chính sách in tiền ấy, một cách khó hiểu, mang lại sinh khí cho kinh tế Lào mà không bị hiệu quả xấu.
Thực ra có một công việc nhập cảng hàng hóa thực sự trong kế hoạch rửa tiền ngụy trang dưới chương trình nhập cảng hàng hóa. Người Lào có giấy phép nhập cảng có thể đổi tiền Kip sang đồng Mỹ kim theo tỷ giá 35 trên 1 ở ngân hàng quốc gia Vientaine (do Mỹ thành lập cho chương trình nhập cảng hàng hóa), nơi chính phủ Mỹ ký thác nhiều triệu Mỹ kim bảo đảm cho mọi giao dịch tài chánh, hy vọng Mỹ kim sẽ được dùng để mua sản phẩm ngoại quốc, nhất là sản phẩm Mỹ. Với hàng hóa tuôn đổ vào Lào, và những xe bò chở đồng tiền Kip lưu hành trong nước để mua chúng, mức sinh hoạt ở Lào lên cao, làm Cộng Sản chủ nghĩa mất sức hấp dẫn.
Theo thống kê, lợi tức bình quân tăng mau chóng với gần 86/100 tăng nhờ viện trợ Mỹ. Nhưngthực tế dàng sau những con số thống kê vẽ nên một hình ảnh hoàn toàn khác. Lợi tức thực sự (lợi tức đã điều chỉnh vì lạm phát) của người dân Lào gần các thành phố lớn đều đi xuống. Trong vòng 2 năm, giá gạo tăng 112/100; giá thịt gà tăng 300/100.
Lạm phát có thể dò tìm nguyên nhântrực tiếp vì bộ Tài Chánh tràn ngập đất nước với tiền Kip. Dù một thỏa ước bất chính thức để quản lý việc in tiền Kip theo số Mỹ kim viện trợ, số tiền Kip lưu hành thường xuyên vượt quá tỷ lệ 35/1. Phản ảnh sự bất quân phân này, một thị trường chợ đen mọc lên với tỷ giá trao đổi là 120 Kip ăn 1 Mỹ kim.
Các nhà nhập cảng lợi dụng sự bất tương xứng giữa tỷ giá chính thức và chợ đen để làm giàu. Họ mang 35000 Kip đổi lấy 1000 Mỹ kim để mua hàng hóa ngoại quốc. Hàng hóa này bán ra ngoài thị trường với tỷ giá 120 Kip ăn 1 Mỹ kim. Thu được 120000 từ vốn ban đầu 35000, đổi ở ngân hàng quốc gia được 3400 Mỹ kim, lời 240/100.Nói theo phát biểu của một nhà báo:”Các nhà nhập cảng Lào đã tìm được bí mật chế biến vàng.”
Chỉ một số ít người Lào biết cách hối lộ mới có thể được cấp giấy phép nhập cảng. Người ta hy vọng rằng tăng mức nhập cảng giúp nâng cao mức sinh hoạt, nhưng người dân Lào quá nghèo không đủ sức mua hàng hóa đổ vào trong nước. Ngay cả giới quý tộc giàu có cũng không thấy xe Buicks, Cadillacs, Fords dùng ở chỗ nào vì quá ít đường lộ cho xe chạy. Radio và truyền hình cũng là hàng hóa vô dụng vì lào không có điện lực. Có 1 máy điện nhỏ ở Vientaine chạy dầu cặn, nhưng hoàn toàn dùng thắp sáng đại lộ Lan Xang, đường phố chính của thủ đô. Không có đường giây từ nhà máy điện đến nhà riêng hay công xưởng, nơi thắp sáng bằng đèn dầu mỗi đêm. Vô dụng với người giàu và ngoài tầm tay người nghèo, mọi hàng hóa nhập cảng được chuyển qua sông Mekong bán ở Thái Lan, nơi có sẵn xa lộ tối tân và khán giả truyền hình có thể mở xem vài đài. Ít nhất cũng có vài đài truyền hình ở Bangkok.
Ngay cả tiền dành cho những việc công ích như làm đường sá cũng thất thoát. Hoa Thịnh Đốn dành hàng triệu Mỹ kim cho việc sửa chữa đường sá, nhưng cuối cùng tiền ấy lọt vào túi những thương gia Mỹ, giỏi lừa bịp hơn việc san đất, trải nhựa làm đường. Công ty Universal Construction được thành lập vội vã ở Bangkok bởi 2 thương gia hiểu biết về cách làm ăn trong khu vực. Dùng hối lộ, họ trúng những mối thầu hàng triệu, không xây cất được gì hết và vẫn được cấp thêm khế ước xây cất. Haynes Miller, một thanh tra, phát hiện nhiều điểm bất hợp quy cách và báo cáo về Hoa Thịnh Đốn. Thượng cấp của ông, Đại Sứ Parsons ra lịnh Miller về Mỹ, gán tội vấn đề tư cách cá nhân khiến Miller phải chuyển công tác.
Hoạch định lén lút cấp tiền cho quân đội Lào và phòng vệ bằng cách nâng cao mức sinh hoạt dân Lào, chương trình nhập cảng hàng hóa làm giàu một thiểu số trên sự thiệt thòi của đa số. Tai hại đặc biệt là giới quý tộc trở nên giàu có một sớm một chiều, như cávc sĩ quan cao cấp trong quân đội hay các bộ trưởng trong chính phủ.
Trước thời kỳ viện trợ, khoảng cách giàu nghèo ở Lào nhỏ nhất Đông Nam Á. Những người giàu có không quá giàu và người nghèo không quá nghèo. Điều này là một thành đạt đáng kể của thế giới, nơi các viên chức, theo lời Gunnar Myrdal, kỳ vọng khai thác địa vị của mình để trục lợi cho mình, cho gia đình và cho nhóm của mình.
Chương trình nhập cảng hàng hóa chấm dứt chủ nghĩa biệt lệ Lào (quốc gia giàu nghèo không quá chênh lệch.) Giới quý tộc Lào xây những biệt thự sang trọng bên bờ sông Mekong và di chuyển bằng xe hơi có tài xế lái. Đầy tớ giúp việc nhà ngày càng cao giá đến nỗi lương bổng của họ lên đến 130/100. Trong khi đó, lạm phát gặm mòn múc sinh hoạt của thứ dân Lào, nới rộng khoảng cách giàu nghèo. Năm 1955, một nông dân Lào có thể mang 1 con lợn ra chợ và mang về một cái áo sơ mi cho mình, một cho con và một váy cho vợ. Năm 1957, lạm phát giảm sức mua của ông ta đến mức mang một con lợn ra chợ, ông chỉ mua được một cái áo sơ mi cho chính ông.
Viện trợ Mỹ tạo ra bất công thay vì loại trừ bất công. Tội tham nhũng quá phổ biến khiến chính phủ chỉ thị cho các viên chức chịu khó đi chùa, đi nhà thờ để chứng minh với mọi người rằng công chức chính quyền quan tâm đến đời sống tinh thần hơn lợi lộc vật chất. Cộng Sản không thể tuyên truyền giỏi hơnnếu họ muốn tuyên truyền như thế.
Tham nhũng trong quân đội.
Tham nhũng do viện trợ Mỹ lan từ chính quyền sang quân đội. Tiền không đến tay binh sĩ. Không kể một số rất ít ngoại lệ, trước năm 1954, các sĩ quan trong quân lực hoàng gia Lào toàn là người Pháp. Bây giờ toàn người Lào. Một sớm một chiều, các hạ sĩ quan trở thành đại tá hay tướng. Thiếu hẳn truyền thống quân đội hướng dẫn, nhiều người để cho tư lợi khiển chế sự làm việc.
Quân đội chia thành các tiểu đoàn và lên danh sách lương bổng nhưng các sĩ quan chỉ huy thường không tuyển mộ tân binh để huấn luyện hoặc phục vụ đất nước. Tiền trả cho các lính ma này lọt vào túi các sĩ quan cao cấp. Công án nổi tiếng là trường hợp tướng Kot., tư lịnh quân khu 4 ở miền Nam. Ông cất 2 tòa lâu đài ở Pakse và mua sắm máy cày cho nông trại bằng tiền của thiết tưởng trả cho binh sĩ. Những binh sĩ này không hề có mặt, chỉ có trong danh sách.
Làm đầy danh sách quân nhân và bỏ túi tiền trả cho lính ma là công việc thường xảy ra trong những năm cuối của đế quốc La Mã. Mất nhiều thế kỷ để cho quân đội hùng mạnh nhất thời cổ đắm chìm trong nhũng lạm. Quân đội hiện đại Lào, chỉ non một thập niên, bắt đầu tham nhũng ngay khi có viện trợ quân sự Mỹ. Kỳ diệu nhưng không phải điều kỳ diệu tốt.
Ngay cả khi binh sĩ thực sự tòng quân, họ được huấn luyện rất ít. Theo hiệp định Geneva, 5000 lính Pháp biệt phái cho cơ quan tổ chức cảnh sát hoàng gia(The Mission d’Organization de la Gendarmerie Royale) chịu trách nhiệm huấn luyện quân đội Lào. Hai trại huấn luyện được đặt kế hoạch nhưng chỉ có một hoạt động và luôn thiếu nhân viên điều hành. Đã mất trắng thuộc địa, Pháp không coi việc huấn luyện binh sĩ Lào là ưu tiên. Bất cứ trường hợp nào, binh sĩ Pháp biệt phái cho bộ chỉ huy cảnh sát bận rộn việc bỏ Lào để đối phó vấn đề ở Algeria, nơi các chiến sĩ Ả Rập đối địch với nửa triệu binh sĩ Pháp. Mất Đông Dương, Bắc Phi chính là chỗ thăng tiến binh nghiệp. Tốn thì giờ lo liệu việc giấy tờ thuyên chuyển sang Bắc Phi khiến họ ít thì giờ huấn luyện tân binh Lào.
Người Pháp rốt cuộc thừa nhận sự không tiến triển đối với số phận quân đội Lào năm 1961, khi họ bãi bỏ trại huấn luyện và rút lui quân đội khỏi Lào. Một lực lượng nhỏ còn ở lại, về hưu và trở thành thợ máy, chủ nhà hàng, buôn bán ma túy v.v... Một số ít hơn làm việc cho CIA.
Phòng thẩm định viện trợ (PEO)
Từ khởi đầu, Hoa Thịnh Đốn không định giao cho quân đội Pháp toàn quyền huấn luyện binh sĩ Lào. Để đưa quân đội Mỹ vào bối cảnh, năm 1955 Hoa Thịnh Đốn lập ra văn phòng thẩm định chương trình (PEO, Programs Evaluation Office). Mặt hình thức, nó trực thuộc phái bộ Viện Trợ Hoa Kỳ (USOM, United States Operations Mission), tổ chức quản trị việc phân phối viện trợ kinh tế cho Lào. Trong thực tế, PEO là một chương trình viện trợ quân sự do chuẩn tướng hồi hưu Rothwell H. Brown làm giám đốc cùng với một ban nhân viên gồm các quân nhân chuyên nghiệp, tất cả xóa tên trong danh sách quân đội, và ngụy trang thành nhân viên sở Ngoại Vụ - dù nhiều người trên tay, sau lưng vẫn còn xâm những khẩu hiệu như “Sư đoàn 3 muôn năm,” sự hóa trang không hoàn toàn khéo cho lắm.
PEO thường than phiền về điều khoản trong hiệp định Geneva, giao cho Pháp quyền huấn luyện các đơn vị quân đội hoàng gia Lào. Một trong những than phiền là Pháp không quen với đại liên 12.7 ly của Mỹ và đại bác không giật 57 ly. Nó khó là một phản đối hợp lý vì đại liên 12.7 (còn gọi là đại liên 50) đã là trang bị tiêu chuẩn cho các đơn vị Pháp từ năm 1942 và đại bác 57 ly đã thông dụng từ cuối thập niên 1940. Dù không nói ra, sự thực là Pháp đã bị đánh bại ở Việt Nam, một bằng chứng là binh sĩ Pháp thiếu tư cách huấn luyện quân đội Lào.
Người Pháp không làm công tác huấn luyện nhiều. PEO xác định điều này sau các chuyến thanh sát. Binh sĩ Lào chiến đấu tồi khi đụng trận với Pathet Lào và luôn bị Bắc Việt đánh bại. Thất vọng hơn nữa, tiếp liệu và đạn dược cấp cho các đơn vị chiến đấu không đến tay người lính; tiền bạc tự nhiên biến mất.
Sau 3 năm ngoại cuộc, nhìn người Pháp thờ ơ khơng ngó ngàng gì hết, PEO quyết định nhúng tay trực tiếp. Chuẩn tướng John Heintges, người thay thế Rothwell Brown làm giám đốc chương trình này vào tháng Hai năm 1959, thuyết phục bộ Quốc Phòng cấp cho 500 cán bộ quân sự để huấn luyện và chỉ huy binh sĩ hoàng gia Lào trên các chiến trường. Heitges tuyển mộ một đơn vị binh sĩ Phi Luật Tân thiện chiến, tất cả là cựu quân nhân dầy kinh nghiệm chống phiến Cộng trên lãnh thổ của họ, huấn luyện binh sĩ Lào những kỹ thuật chống phiến loạn. Ông cũng mang lại các toán biệt kích thuộc lực lượng 7 ở trại Bragg. Hoạt động dưới mã danh “Ngôi sao trắng”, họ được chia thành 2 nhóm: một tiểu đoàn chiến đấu tinh nhuệ và một nhóm huấn luyện gồm 12 toán huấn luyện dã chiến (FTT, Field Training Teams). Một toán huấn luyện dã chiến gồm từ 8 đến 12 người, đào tạo binh sĩ Lào và các lực lượng bán quân sự và chỉ huy họ trực tiếp chiến đấu trong các trận đánh.
Biện pháp trực tiếp này cũng không làm tăng khả năng chiến đấu của binh sĩ Lào. Các toán “Ngôi sao trắng” thường thấy tính khí Lào không thích hợp với chiến tranh. Họ làm mọi chuyện để tránh chiến đấu và dùng chiến thuật gây náo động (bắn súng lớn hay gây ồn ào huyên náo khi hành quân) để báo động cho quân địch, hy vọng địch quân sẽ né họ. Lính Lào thuộc 1 toán “Ngôi sao trắng” bỏ chạy khi chiến đấu xảy ra quá thường xuyên đến nỗi một viên chức PEO tặng họ một huy hiệu đơn vị vẽ hình đôi giày quần vợt cho dễ chạy. Sau một tháng thất vọng trên chiến trường, 1 cố vấn Mỹ nhận xét về họ: “Chỉ vài tháng trước, lính Lào chạy quăng vũ khí; bây giờ họ tiến bộ đến mức chạy có mang theo vũ khí.”
Nhưng tình trạng khác hoàn toàn khi “Ngôi sao trắng” huấn luyện người thiểu số. Người thiểu số hăng hái học tập và rất nóng ruột muốn chiến đấu. Đại tá Arthur “Bull” Simons, chỉ huy trưởng “Ngôi sao trắng”, bắt đầu chuyển thêm các toán huấn luyện vào vùng rừng núi Đông Bắc làm việc với người Hmong và cao nguyên Bolovens trong vùng cán chảo Nam Lào huấn luyện bộ tộc Khmu.
Năm 1961 người thiểu số đã chứng tỏ họ là những chiến sĩ ở Lào có khả năng đánh bại Cộng Sản trên trận địa. Trong vùng cán chảo, 5 FTT (toán huấn luyện và chỉ huy) tỗ chức một lực lượng Khmu gồm 600 tay súng thành các đại đội khinh binh. Binh sĩ Khmu truy kích và đánh đuổi Pathet Lào ra khỏi cao nguyên Bolovens. Phấn khởi hơn nữa, là các bộ lạc Hmong miền Bắc Lào. Trong một trận đánh dữ dội ở Cánh Đồng Chum, 1 đại đội Hmong, đụng độ một lực lượng Bắc Việt trội hẳn về quân số và trang bị tối tân hơn, gây tổn thất nặng cho địch. Những thành công này, phóng đại bởi những thất vọng về quân đội hoàng gia Lào, khó mà không nhận biết và cuối cùng buộc các cố vấn quân sự Mỹ giao phó cho quân đội hoàng gia Lào những chiến dịch kém quan trọng và chuyển mọi nỗ lực yểm trợ về phía người thiểu số, đặc biệt người Hmong. Chương sử đẫm máu và định mệnh ác nghiệt giáng xuống dân tộc này kể từ đây.