Chương 8 (tt)

Chỉ 4 tháng sau tuyển cử, phe hữu khuynh đột nhiên mất hết quyền bính và một đại tá nhỏ thó trong quân lực hoàng gia 26 tuổi với gương mặt non choẹt, lên nắm quyền, tuyên bố các phần tử hữu khuynh và các cố vấn Mỹ của họ là kẻ thù dân tộc.
Đại tá Kong Lê chỉ huy tiểu đoàn 2 nhẩy dù thuộc quân lực hoàng gia. Được công nhận là đơn vị ưu tú nhất quân đội, tiểu đoàn 2 được mệnh danh là “lữ đoàn lửa.” Đã nhiều lần tiểu đoàn nêu gương anh dũng trong các cuộc giao tranh với Cộng Sản, cả trong vùng núi non trùng điệp Sầm Nứa, nơi Kong Lê có 2 chuyên viên chống phiến Cộng Phi Luật Tân, thuộc CIA trực tiếp cố vấn và trong rừng rậm phía Nam Lào, khu vực cán chảo.
Tiểu đoàn 2 Dù do Mỹ thành lập. Kong Lê thụ huấn một khóa học đặc biệt ở trường Biệt Động Quân Đội Mỹ tại Phi Luật Tân để chuẩn bị cho ông chỉ huy một đơn vị thiện chiến. Ông không thấy quá trình cuộc huấn luyện là một kinh nghiệm đẹp. Ông cảm thấy các huấn luyện viên coi người Lào như một sắc tộc hạ đẳng. Điều này làm ông suy nghĩ. Trên bối cảnh toàn cầu, Lào chỉ là con chốt trong Chiến Tranh Lạnh. Người Mỹ chẳng tử tế gì với nước Lào hoặc nhân dân Lào. Từ đó, Kong Lê mưu đồ đảo chánh. Ông đã có kinh nghiệm làm đảo chánh vì đã 1 lần, Phoumi dùng “tiểu đoàn lửa” chiếm đóng các công sở dịp đảo chánh Giáng Sinh. Sau này, Phoumi còn cho Kong Lê biết kế hoạch (do CIA soạn thảo)chiếm đóng Vientaine. Mọi sự được tính toán từng chi tiết. Phoumi không hề ngờ rằng Kong Lê có thể phản mình vì viên đại tá trẻ Kong Lê cưới cháu gái Phoumi làm vợ.
Coong Le và Vàng Pao
Kong Lê ở Vientaine đầu tháng 8 năm 1960, sau một trận đánh cam go ở miền Nam Lào. Tiểu đoàn của ông đóng quân trong những lều bẩn thỉu trên một bãi lầy ngoại ô thành phố. Kong Lê phàn nàn về tình trạng tồi tệ của doanh trại và binh sĩ chưa được trả lương quá 2 tháng. Ông được hứa hẹn cung cấp vật liệu xây cất doanh trại nhưng chờ mãi không thấy. Thay vào đó, tiểu đoàn được lịnh trở lại chiến trường Vang Viêng phía Tây Bắc thủ đô đương đầu với Pathet Lào. Đơn vị của ông đã chiến đấu liên tục suốt 1 năm và là đơn vị thực sự chiến đấu trong hàng ngũ các lực lượng quân đội hoàng gia. Lịnh tiếp tục chiến đấu là giọt nước làm tràn bát nước đầy.
Ngoại trừ lực lượng cảnh sát, Vientaine không có đơn vị nào khác bảo vệ. Các viên chức cao cấp chính phủ cũng như các tướng lãnh quân đội luôn ở Luang Prabang.Vua Sisavang Vong đã chết 1 năm trước sau 54 năm trị vì. Thái tử Savang Vatthana kế vị trong buổi lễ đăng quang sơ sài ở chùa Hotmam Sapha vào tháng 10 năm 1959, với đông cung thái tử ngồi bệt trên thảm trong chiếc áo dài trắng giản dị, đối diện các nhà sư, các em hướng đạo và các nhà ngoại giao lột giày, xếp bằng trên nền chính điện. Chỉ có một nghi thức còn lại để hoàn tất lễ đăng quang: Lễ hỏa táng đức vua Sisavang Vong đã băng hà. Trong khi Kong Lê giận dữ trên bãi lầy ngoại ô Vientaine, hầu như mọi thành phần chính trị, quân sự Lào tụ họp trong cung điện hoàng gia ở Luang Prabang để tham dự lễ quốc táng.
Ngày 9 tháng Tám năm 1960, binh sĩ Kong Lê chiếm đài phát thanh, các công sở, nhà máy điện Vientaine và phi trường. Chiếm đoạt đài phát thanh là mục tiêu quan trọng nhất cho cuộc đảo chánh. Kong Lê đã phân phát radio mua bằng viện trợ Mỹ cho binh sĩ thuộc cấp.Truyền lịnh hành quân qua làn sóng truyền thanh, ông chỉ huy các trung đội, tiểu đội lần lượt tiến chiếm các mục tiêu. Một đơn vị chiếm trại binh Chinaimo ngoại ô Vientaine và trưng dụng các thiết vận xa, chiến xa ở đó. Một đơn vị đặc phái đến tòa lâu đài của tướng Sounthone Patthammavong, tổng tham mưu quân lực hoàng gia, đặt ông dưới sự quản thúc tại gia. Chỉ có sự chống đối ở trại quân đội. Hai binh sĩ bắn vào lực lượng Kong Lê và bị hạ sát.
Toàn thể cuộc hành quân diễn ra vài tiếng đồng hồ. Kong Lê đọc diễn văn trước quốc dân trên đài phát thanh, trình bày lý do đảo chánh:”Lãnh đạo chính phủ và lực lượng võ trang đã hơn 1 lần tuyên bố rằng những kẻ hối lộ, tham nhũng, sống trên mồ hôi nước mắt kẻ khác và những kẻ trục lợi trên sự thiệt hại của người khác phải bị trừng trị. Nhưng những kẻ xấu này vẫn tiếp tục tồn tại. Khi Kong Lê nói, quân xa đi khắp ngả đường thành phố, phân phát truyền đơn lên án những người hợp tác với Mỹ là những kẻ phản quốc “người bán chúng ta cho Mỹ.”
Hai ngày sau, trước một đám đông ngồi trên các dãy ghế của sân vận động Vientaine, Kong Lê biện hộ chủ trương trung lập là con đường chắc chắn dẫn đến hòa bình cho “tổ quốc chúng ta,” mà sau này ông cắt nghĩa là một chủ nghĩa bài Mỹ hiểm độc. “Người Mỹ mua chuộc chính phủ, các tướng lãnh, gây chiến tranh và chia rẽ trong chúng ta.” Kong Lê nhấn mạnh rằng việc đánh đuổi kẻ bán nước ra khỏi tổ quốc càng sớm càng tốt là bổn phận của chúng ta.” Để tăng cường ủng hộ, ông thả tù và ra lịnh cho các phạm nhân, một số ít chính trị phạm còn lại toàn tội phạm hình sự, diễn hành các đường phố, mang những biểu ngữ chống Mỹ.
Lo ngại sự an toàn của công dân Mỹ, Hoa Thịnh Đốn ra lịnh triệt thoái 700 nhân viên dân sự, quân sự và gia đình của họ. Một số người sợ những xe hơi của họ bỏ lại sẽ bị phá hoại, mang theo cả xe hơi lên phà băng qua sông Mekong, đến Thái Lan, 6 xe một chuyến, do USAID (US Agency for International Development), cơ quan phát triển quốc tế Mỹ tổ chức và điều hành việc vận chuyển. Khi người Mỹ khởi hành, Kong Lê dùng đài phát thanh làm diễn đàn riêng lăng mạ các bộ trưởng chính phủ về tội tham nhũng. Trong bầu không khí đầy đe dọa, tất cả các quan chức cũ tránh khỏi thủ đô. Một số ít cần phải ra đường, họ để xe hơi và tài xế ở nhà và tự lái một chiếc xe cũ mượn tạm của ai đó làm phương tiện di chuyển. Sự khích động trên đường phố và những công kích hằn học trên đài phát thanh diễn tả cái tầm hạn hẹp chính trị của Kong Lê. Không biết làm thế nào thể hiện chủ nghĩa trung lập, ông ta giao cho Souvanna Phouma việc lập nội các chính phủ.
Hoa Thịnh Đốn dĩ nhiên hoảng sợ về những cuộc biểu tình bài Mỹ, đặc biệt không hài lòng với Winthrop Brown, người kế nhiệm đại sứ Smith ở Lào. Cuối cùng Brown và Smith cũng thuộc loại cá mè một lứa. Việc giao du thân mật với Souvanna Phouma và có thiện cảm với phe nhóm trung lập được coi như nguyên nhân gây đảo chánh. Ông ta cần được thay thế bằng một đại sứ khác sau một thời gian thích hợp. Ngay bây giờ, chỉ có một giải pháp duy nhất là ngưng viện trợ kinh tế cho Lào và chờ thời.
Sarit Thanarat, thủ tướng Thái Lan và bà con của Phoumi có ý đồ sâu xa hơn. Ông huy động binh sĩ nhẩy dù chuẩn bị tiến chiếm thủ đô Lào. Các viên chức Mỹ hay tin, khuyên Sarit hủy bỏ cuộc hành quân ấy. Tuy nhiên, Hoa Thịnh Đốn bằng lòng cho Sarit phong tỏa bến phà Nong Khai là mạch máu kinh tế Vientaine. Hàng chục ngàn tấn hàng viện trợ Mỹ trên lộ trình Lào chất đống ở các nhà kho Bangkok, Thái Lan. Nạn thiếu hụt thực phẩm ngày một trầm trọng ở Vientaine và các thành phố lớn khác. Ngoại trừ một tỉnh là Savanakhet, bộ tư lịnh lực lượng Phoumi. Sarit bảo đảm hàng hóa và vật liệu quân sự tiếp tục đến tay Phoumi, vừa là bà con, vừa là đồng minh chống Cộng.
Souvanna quay sang Sô Viết yêu cầu viện trợ. Máy bay vận tải Nga nườm nượp hạ cánh xuống phi trường Wat Tay chở đầy thực phẩm. Sau đó, một tòa đại sứ Sô Viết cấp tốc mọc lên ở thủ đô và với khinh hoàng của người Mỹ, Souvanna bắt đầu đàm phán với Pathet Lào.
Vì đại sứ Brown không được tin cậy, cựu đại sứ Graham Parsons, một kẻ thù của ý tưởng trung lập, được triệu hồi đến Vientaine để nói chuyện cùng Souvanna. Parsons tìm ông thủ tướng Souvanna từ nhà riêng cho đến văn phòng, khuyên ông chấm dứt thỏa hiệp với Cộng Sản và cho phép phe nhóm khuynh hữu chống Cộng có mặt trong chính phủ. Dù Souvanna từ chối không chịu cắt đứt đàm phán với Cộng Sản, ông đồng ý cho thành phần hữu khuynh trong nội các. Sự nhượng bộ này đủ thuyết thục bộ Ngoại Giao Mỹ ủng hộ chính phủ Souvanna.
Phoumi nắm quyền.
Mặc dù Hoa Thịnh Đốn chính thức bằng lòng, CIA đánh giá tân nội các không thể chấp nhận được. Desmond FitzGerald, giám đốc ngành công tác mật của cơ quan, bật đèn xanh cho Gordon Jorgensen, tân giám đốc phân bộ CIA tại Vientaine, lập mưu lật đổ chính phủ. Để chứng tỏ tài năng, Jorgensen dò tìm trong các tướng lãnh hữu khuynh quân lực hoàng gia và chọn Phoumi Nosavan, dày dạn kinh nghiệm đảo chánh, mưu đồ một cuộc phản đảo chánh, đuổi Souvanna và Kong Lê ra khỏi chính quyền.
Phoumi Nosavan ở Savanakhet thuộc khu vực cán chảo với binh sĩ quân khu III và cố vấn bởi Jack Hasey, một cựu lính viễn chinh Pháp nay làm việc cho CIA. 4 nhân viên phòng thẩm định chương trình viện trợ (PEO) đến bộ tư lịnh của Phoumi hội thảo, đặt kế hoạch phản đảo chánh. Liền sau đó, các chuyên viên phản phiến loạn đến từ quân đội Thái Lan. CIA tiếp tế quân phục, vũ khí, đạn dược, thiết giáp và trọng pháo. Mọi thứ đều đầy đủ và sẵn sàng. Phoumi còn có sự ủng hộ của tất cả các chỉ huy trong quân đội, đã không được trả lương từ khi Mỹ cắt viện trợ.. Phoumi có tiền trả lương mà chính phủ nợ họ, nguồn từ CIA, mang đến Savanakhet bằng trực thăng, xếp thành từng xấp Mỹ kim đựng trong hộp khẩu phần tác chiến cá nhân ration C.
Tháng 12 năm 1960, chỉ 4 tháng sau cuộc đảo chánh của Kong Lê, Phoumi dẫn quân lên Vientaine, đi cùng với một toán binh sĩ Mỹ. Đoàn quân của ông đến ngoại ô Vientaine nhằm ngày 13 tháng 12. Trận chiến diễn ra suốt 36 giờ quanh khu vực một nhà thờ Công Giáo. Binh sĩ Kong Lê chiếm tầng hai ngôi trường thuộc khuôn viên nhà thờ. Lính Phoumi ở trong nghĩa trang bên kia đường, nấp bắn đằng sau những bia mộ.
Bị đánh bật ra khỏi trường học, lực lượng Kong Lê rút lui vào thủ đô. Trận chiến trên đường phố mang một sắc thái riêng của Lào. Cả hai phe mặc quân phục giống nhau, do Mỹ cung cấp. Để phân biệt bạn thù, quân đội Phoumi đeo băng tay trắng và binh sĩ Kong Lê đeo băng tay đỏ. Dân chúng thủ sẵn băng tay trắng và đỏ chờ dịp đeo tùy theo tình hình chiến trận.
Phoumi có đại bác 104 ly không giật do Mỹ cung cấp. Kong Lê có trọng pháo của Sô Viết và pháo thủ Bắc Việt điều khiển. Cả hai phe bắt đầu khai hỏa những cỗ súng lớn này. Cuộc pháo kích sát hại 600 dân sự và làm đổ nát hoàn toàn những khu phố thủ đô. Sự tàn phá chỉ làm chậm việc không thể tránh khỏi. Bị áp đảo quân số và nguy cơ bị tràn ngập, Kong Lê chôn mìn phá sập cư xá nhân viên Mỹ. Sau đó ông tập họp 1200 binh sĩ cùng với trọng pháo Sô Viết chạy lên hướng Bắc về phía Vang Vieng.
Phoumi hoàn toàn làm chủ tình thế. Giống như thường xảy ra ở Á Châu, Mỹ ủng hộ lầm người. Phoumi chỉ là một kẻ đầy tham vọng. Dù gia đình ông giàu nhất Savanakhet, ông vẫn không thuộc hoàng tộc và điều này ngăn trở con đường danh vọng của ông. Chỉ còn lại con đường quân đội. Phoumi được OSS (tiền thân CIA) huấn luyện và trở nên một chiến sĩ tự do trong tổ chức Lào Issara. Souphanouvong đã chiêu dụ ông gia nhập Pathet Lào nhưng Phoumi cho rằng ông là một quân nhân chuyên nghiệp, không muốn dây dưa chính trị, Souphanouvong giúp ông gặp gỡ Việt Minh. Phoumi được Việt Minh huấn luyện chiến tranh du kích 2 năm, chuẩn bị một cuộc đời chiến sĩ cách mạng. Nó là một động cơ nghề nghiệp chứ không phải ý thức hệ. Rồi thì năm 1949 Phoumi đứng trước một chọn lựa đầy định mạng. Chính phủ Lào Issara trở về Lào và những cựu chiến sĩ tự do được sát nhập vào quân đội quốc gia của Pháp. Là một kẻ cơ hội chủ nghĩa, điều quan tâm duy nhất của ông là theo phe thắng, nhưng lúc này khó mà biết giữa Việt Minh và Pháp, ai thắng ai bại. Nghe kể lại, Phoumi rút thăm bằng 2 cọng rơm, rút phải cọng dài, và về Vientaine thay vì sang Hà Nội.
Người Pháp cho ông làm chức hạ sĩ quan, thăng cấp trung úy năm 1950 và 4 năm sau lên thiếu tá. Khi người Mỹ thay thế, Phoumi mau chóng nắm chức tham mưu trưởng quân đội hoàng gia, một thăng tiến nhanh như sao xẹt nhờ vào liên hệ bà con. Bộ trưởng Quốc Phòng, Kou Voravong là bà con Phoumi. Sarit Thanarat, một tướng lãnh cao cấp nhất Thái Lan (và sau này cai trị Thái Lan) cũng có liên hệ huyết thống với Phoumi với chú trọng đặc biệt tới binh nghiệp của Phoumi.
Thành công trong binh nghiệp, Phoumi không để ý đến chính trị cho đến khi hoàng tử Boun Oum chọn ông làm tùy viên quân sự. Một hoàng tử dong dỏng cao, khắc khổ, thừa kế ngai vàng của vương quốc Champassak, nay không còn nữa. Ông là một mẫu người được ký giả Mỹ ưa chộng, mô tả ông là John Wayne của Lào. Cảnh quan chính trị lúc ấy là Boun Oum đang là ngôi sao sáng và Phoumi bám vào bâu áo của ông. Nhưng sự liên hệ sớm trở thành con chó vẫy đuôi. Phoumi học cách ra vẻ chống Cộng điên cuồng để lấy lòng người Mỹ và được trả công hậu hĩnh. Với sự ủng hộ của Mỹ và nhất là CIA, Phoumi không cần sự đỡ đầu của hoàng tử Boun Oum nữa. Tấn tuồng cuối cùng chấm dứt sự giám hộ của Boun Oum là bổ nhiệm vị hoàng tử làm thủ tướng, dùng Boun Oum như một con rối do mình điều khiển đàng sau và làm dụng cụ tuyên truyền cho chủ trương quân phiệt của ông.
Ngay sau cuộc đảo chánh, cố vấn Mỹ của Phoumi thỉnh cầu ông truy kích Kong Lê và tiêu diệt lực lượng ông ta, nhưng Phoumi từ chối. Ông muốn tận hưởng men chiến thắng với những lễ hội liên hoan. Ông cũng không muốn rời Vientaine trong tay viên sĩ quan đại biểu, đại tá Kouprasith Abhay. Abhay đóng vai trò chính trong cuộc đảo chánh, đóng góp lực lượng riêng của mình trước khi Phoumi đến. kẻ này là một đồng minh nhưng cũng đầy tham vọng. Sợ Abhay sẽ giải phóng thủ đô một lần nữa nếu mình vắng mặt, Phoumi muốn củng cố quyền lực trước khi rời Vientaine ra chiến tuyến.
Sự lần lữa khiến Cộng Sản có thời gian tiếp xúc Kong Lê và chiêu dụ ông vào hàng ngũ của họ, không phải với tư cách một đảng viên Cộng Sản nhưng như một đồng minh chống Phoumi vả phe nhóm khuynh hữu của hội đồng bảo vệ quyền lợi quốc gia (CDNI, Committee for the Defense of the National Interest.) Sô Viết bắt đầu không vận các tiếp liệu quân dụng cho lực lượng Kong Lê và Pathet Lào. Theo ước lượng của tình báo Mỹ, người Nga thực hiện 184 phi vụ tiếp tế. Một viên chức Sô Viết sau này tiết lộ rằng đó là chiến dịch tiếp vận quy mô nhất của Mát Cơ Va kể từ Đệ Nhị Thế Chiến. Người Nga chuyên chở vũ khí cũng như đặc công Bắc Việt. Trọn đại đội binh sĩ chính quy Bắc Việt hòa nhập vào lực lượng nhỏ bé của Kong Lê, bộ chỉ huy đặt tại mép Nam Cánh Đồng Chum.
Dù Phoumi được thụ huấn quân sự rất nhiều, gồm cả trường đại học chiến tranh cao đẳng của Pháp, ông ta không phải là một nhà chiến thuật khéo léo. Khi ông ta bắt đầu chuyển quân truy nã phe trung lập, ông thực hiện với nhịp độ nhàn nhã, di chuyển 65 dặm trong vòng 29 ngày. Tốc độ này một phần do Phoumi đổ thừa cho đoàn chiến xa do Mỹ viện trợ, dẫn đầu đoàn quân. Việc này buộc ông lệ thuộc vào tình trạng con đường vốn thích hợp với xe bò hơn xe tăng, tạo cơ hội cho Kong Lê có thì giờ chôn mìn chống chiến xa dọc con đường truy kích.
Cuộc tiến quân của Phoumi cũng chậm lại bởi lòng ngại chiến đấu của binh sĩ. Có nhiều tường trình không căn cứ về những sư đoàn Bắc Việt, gồm sư đoàn 316 từng tham chiến trận Điện Biên Phủ, tiến vào Lào. Việc chạm trán với vài thành phần Bắc Việt trong lực lượng Kong Lê là chuyện khác nhưng viễn ảnh đụng độ với các sư đoàn chính quy thiện chiến Việt Nam khiến binh sĩ và sĩ quan quân đội hoàng gia Lào chỉ muốn quay lại Vientaine cho an toàn.
Có nhiều vụ đào ngũ. Một đơn vị dẫn đầu bằng chiến xa di chuyển chậm chạp trên lộ 13, lọt ổ phục kích gần Hin Heup. Đội quân tăng tốc độ và thoát khỏi ổ phục kích với thiệt hại nhẹ. Tiến thêm 5 cây số, đội quân lại lọt vào ổ phục kích khác. Lần này địch quân nhắm kỹ hơn và thiệt hại nhiều hơn. Sau này vị chỉ huy đội quân tường thuật:”Viên sĩ quan tình báo của tôi quyết định rằng Vientaine có nhiều cái vui hơn sự hiểm nghèo dọc đường 13 và hắn ta biến mất.” Khi chiến trận gia tăng cường độ, sự biến mất trở nên truyền nhiễm, đặc biệt các đơn vị không có sĩ quan chỉ huy, những kẻ ở lại hậu phương, la cà trong các ổ điếm mỗi ngày. Sự việc có thể khác đi nếu có các vị chỉ huy tài giỏi, can trường, dù các cố vấn Mỹ trên chiến trường không ngăn được nhận xét “không thể cứu vãn được sự bất tài – và thường hèn nhát – của quân đội hoàng gia Lào.
Tâm trạng này không qua tai mắt báo chí. Cuối tháng Một năm 1961, một bài báo trong tạp chí Time mô tả trận đánh như một quân đội gồm 30000 binh sĩ được Mỹ yểm trợ bị một lực lượng gồm 300 người do một cựu đại úy quân đội hoàng gia chỉ huy, đánh đuổi. Phoumi không thể thắng trên chiến địa nhưng ông có thể cấm tạp chí Time lưu hành trên đất Lào.
Tù binh Mỹ đầu tiên.
Cường độ chiến tranh chậm lại vào tháng Hai, tạo cơ hội cho 2 bên củng cố lực lượng. Để biết rõ địch tình, Mỹ dùng máy bay trinh sát SC-47 cải tiến để chụp hình Cánh Đồng Chum. SC-47 sau gần một tháng quần đảo trên cánh đồng chụp hình bằng máy chụp K-17 hiện đại và dùng máy dò sóng tìm kiếm tín hiệu hướng dẫn máy bay vận tải Ilyushin-14 của Sô Viết, lên xuống phi trường Xiêng Khoảng. Triệt hạ đài phát sóng này là ưu tiên số một. Ilyushin chuyên chở từng kiện AK-47, xe tải quân sự Molotova, thiết giáp, và phòng không 37 ly tìm mục tiêu bằng ra đa, được các chuyên viên kỹ thuật Bắc Việt đi theo để sử dụng.
Hình ảnh từ những chuyến bay trinh sát cho thấy Cộng Sản không chỉ tăng cường sức mạnh của họ. Một lực lượng viên chức cũng xâm nhập vào Cánh Đồng Chum. Sô Viết đã cất một tòa đại sứ nhỏ ở Khang Khay. Người Trung Hoa có một trụ sở kinh tế và văn hóa ở Khang Khay cầm đầu bởi 1 sĩ quan Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân. Khiêm nhượng hơn, nhưng cũng rõ rệt, là một trạm thông tin nhỏ của Bắc Việt tọa lạc ở cuối khu thương mại ở Phong Savan, gần bịnh viện dã chiến mới của Bắc Việt.
Ngày 23 tháng Ba năm 1961, trinh sát cơ SC-47 lại bay trên cánh đồng dò tìm tín hiệu hướng dẫn không lưu Sô Viết. Khi máy bay bay qua Phong Savan, súng phòng không mới viện trợ khai hỏa bên dưới. Một viên đạn trúng vào cánh phải máy bay làm cháy bình xăng. Lửa cháy lan về phía thân máy bay. Phi hành đoàn đổ xô tìm trang bị nhẩy dù. Chỉ có đại tá Lawrence Bailey Jr. chui lọt qua cửa trước khi cánh máy bay đứt lìa và SC-47 chúi mũi xuống mặt đất.
Bailey không là một thành viên trong phi hành đoàn. Phận sự của ông trong chức vụ tùy viên quân sự là lái chiếc máy bay 2 động cơ Beechcraft, chở đại sứ Brown và các nhân viên đại sứ khác đi họp ở Thái Lan và Nam Việt Nam. Bailey quá giang chiếc SC-47 đi Sài Gòn khi chiếc Beechcraft của ông đang được tân trang máy mới. Chuyến bay được coi như nhàn rỗi, một lướt qua cánh đồng chụp vài tấm hình và dò xét tín hiệu rồi thẳng hướng Sài Gòn. Bailey là người duy nhất đeo dù vì chỉ có 1 dù lưng trên máy bay. Phi hành đoàn thích dù ngực hơn vì dễ mặc và ít vướng. Dù này chứa ở cánh. Xui xẻo là cánh SC-47 gẫy rời trước khi phi hành đoàn cần đến dù.
Khi Bailey nhẩy khỏi phi cơ, ông bị lọt vào trong những mảnh vụn máy bay trên không. Một mảnh máy bay va vào hông trái, làm ông gẫy tay. Không thể điều khiển dù, ông phó mặc cho luồng gió. Ông đặt chân lên một bãi cỏ, cạnh một con trâu. Con trâu hoảng chạy để lại mình ôngnằm ngửa trên cánh đồng. Chân ông sưng lên khiến ông không thể đứng được. Chỉ còn 1 tay lành lặn, ông dùng dây dù cột cánh tay gẫy vào ngực.
Một máy bay xuất hiện ở chân trời, bay theo đường bay tìm kiếm. Đó là chiếc DeHavilland L-20 Beaver phái đến tìm kiếm chiếc SC-47. Chiếc Beaver biến mất mà không thấy Bailey. Vài giờ sau, Bailey nghe tiếng binh sĩ nói chuyện. Khoảng hơn chục người xuất hiện trên đỉnh đồi. Họ thuộc lực lượng Trung Lập của Kong Lê, hầu hết là thiếu niên, sợ Bailey hơn là Bailey sợ chúng. Toán binh sĩ cẩn thận bao vây Bailey.
Sau khi đè nén được hoảng sợ bằng cách bắn thị uy, bọn lính lục soát, tịch thu bóp, dao, thuốc lá và giày. Bọn lính cười khoe nhau chiến lợi phẩm. Chúng đưa Bailey đến bịnh viện dã chiến Bắc Việt ở Phong Savan. Ở đó, Bailey được bó bột cánh tay gẫy và chăm sóc các vết thương khác.
Bailey nằm ở nhà thương một tuần. Khi ông mơ màng trên giường dưới ảnh hưởng thuốc giảm đau, một sĩ quan tình báo thẩm vấn ông về vị trí Đệ Thất Hạm Đội và những chuyện khác ông không biết. Bailey chơi trò sáng tác ra những lời khai, mỗi ngày lại khai khác nhau. Một phái viên Tin Hoa Xã đến phỏng vấn và giảng cho Bailey về chủ nghĩa Đế Quốc Mỹ.
Khi bác sĩ bịnh viện quyết định ông đã hồi phục đủ sức khỏe để di chuyển, Bailey được bay đến Sầm Nứa và nhốt trong một phòng giam canh gác cẩn mật với chế độ ăn uống chết đói. Suốt vài tuần, sĩ quan Pathet Lào đến thẩm vấn về tin tức chiến tranh. Sau đó các sĩ quan này biến mất để lại Bailey lẻ loi với lính gác mà ông đoán là những dân quê trong quân phục hơn là binh sĩ chuyên nghiệp. Bailey là tù binh Mỹ đầu tiên của Pathet Lào và họ không biết phải làm gì với tù binh. Suốt hơn 1 năm rưỡi sau đó ông bị giam trong gian phòng chật hẹp, canh gác cẩn mật nhưng hoàn toàn bị bỏ quên không ai đoái hoài.
Vụ SC-47 bị bắn hạ làm Hoa Thịnh Đốn mất đi khả năng duy trì một nguồn tin tình báo đều đặn về hoạt động địch, rất cần thiết cho những quyết định về chính sách đối phó. Hoa Thịnh Đốn mau chóng thay SC-47 bằng phi cơ phản lực RT-33, hiện đại hơn, ít nguy hiểm hơn. Những hình chụp từ RT-33 tiết lộ Cộng Sản tiếp tục dồn nhân lực, vật liệu cho một trận đánh lớn.
Cuộc tấn công mới của Cộng Sản.
Cuộc tấn công khởi động vào đầu tháng Tư năm 1961. Thành phần tham dự gồm binh sĩ Kong Lê và 7 tiểu đoàn Bắc Việt, Pathet Lào dễ dàng đè bẹp lực lượng Phoumi trong mỗi trận đánh. Phoumi tháo lui một cách hỗn loạn về phía thủ đô. Trong vòng 1 tháng, Cộng Sản chiếm hầu hết Cánh Đồng Chum và chuẩn bị làm đường dẫn đến 5 tỉnh Bắc Lào.
Sự thất thủ Cánh Đồng Chum là một lo ngại nghiêm trọng vì nó là 1 trong số ít ỏi khu vực Bắc Lào có thể sử dụng xe tăng Sô Viết. Nó còn là trục lộ giao thông chính trong hệ thống đường sá thô sơ của Lào, đặt địch quân trong tư thế kiểm soát tất cả giao thông đường bộ Bắc Lào và khai thông một nối kết với Bắc Việt ( Đường 6, 7 chạy từ biên giới Bắc Việt tới Cánh Đồng Chum). Có một nguy cơ khác nữa. Phía Tây cánh đồng, đường 7 nối với đường 13, dẫn đến Luang Prabang và Vientaine. Nếu Cộng Sản kiểm soát ngã tư này, họ có thể tổ chức tấn công thủ đô chính trị quốc gia hay chuyển sang hướng Bắc tiến chiếm đế đô của vương quốc.
Như thể đoán trước sự lo ngại của Mỹ, trong tuần lễ thứ hai của cuộc tấn công, Pathet Lào và Trung Lập Kong Lê chiếm Sala Phu Khun ở yếu điểm chiến lược nơi đường 7 và 13 giao nhau. Phoumi bị dồn vào chân tường. Cố vấn Mỹ cũng thế. Theo lịnh trực tiếp của tổng thống Kennedy, Phòng Thẩm Định Chương Trình Viện Trợ bỏ cái vỏ khoác dân sự, công khai đảm đương vai trò Cố Vấn Quân Sự Mỹ (MAAG, US Military Assistence Advisory Group). Biệt kích Mỹ cởi bỏ bộ đồ thể thao, mặc vào bộ quân phục và dẫn đầu binh sĩ hoàng gia Lào nhập trận.
Trong một cuộc hành quân không kỵ (dùng trực thăng câu xe tăng đến trận địa) trực thăng CIA vận chuyển cố vấn biệt kích Mỹ và 2 tiểu đoàn Lào đến Muong Kassy, Bắc Vientaine, truy cản địch quân, đã tiến qua Sala Phu Khun, tạo áp lực lên đường 13. Hai trung đoàn Lào được bố trí làm lực lượng hậu tập nhưng ngày theo ngày trôi qua, địch càng gần mà 2 trung đoàn chưa thấy tăm hơi đâu cả. Cô lập và thiếu quân số, sĩ quan biệt kích không còn cách nào hơn là ra lịnh rút lui.
Xa hơn về hướng Nam, cố vấn Mỹ dùng mọi cách thúc đẩy 2 trung đoàn Lào tiến đến địa điểm hậu tập theo kế hoạch. Đến ngày 22 tháng Tư, 2 trung đoàn chỉ vừa đến Vang Vieng. Ở đó 1 trung đoàn Pathet Lào có chiến xa yểm trợ xáp chiến với quân chính phủ và tràn ngập thị trấn. Cố vấn Mỹ cố gắng tổ chức cuộc triệt thoái chiến thuật nhưng binh sĩ Lào bỏ chạy tán loạn trong hoảng sợ, bỏ lại cố vấn Mỹ vối quân địch.
Đại úy Walter Moon và toán biệt kích trong xe thiết giáp dẫn đầu các trung đoàn khi Cộng Sản tung một đợt tấn công. Đạn pháo kích rơi vào đoàn quân. Có cả súng cá nhân bắn từ 2 bên đường. Moon nhìn cả trung đoàn chạy từ đường lộ vào rừng, bỏ lại toán cố vấn Mỹ. Ông quày xe tăng hướng Nam, chạy thẳng vào ổ phục kích. Đạn súng máy và lựu đạn sát hại 2 người trên xe và làm xe chết máy. Moon và trung sĩ Orville ballenger bỏ xe nhảy xuống hố. Lính Pathet Lào bao vây xung quanh. Trong vòng vài ngày, Moon và Ballenger ở Lat Hoang trên Cánh Đồng Chum, nhốt trong một trạm viện trợ nông nghiệp USAID (US Agency for International Development, cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ). Vì Moon nhiều lần âm mưu bỏ trốn, Cộng Sản xử tử ông. Ballenger trở thành tù binh chiến tranh.
Khi Pathet Lào bận rộn truy quét quân đội hoàng gia và bắt giữ tù binh Mỹ, Bắc Việt tấn công cứ điểm phòng ngự của quân hoàng gia gần Paksane, một thị trấn ven sông. Giống như ở vang Vieng, lính chính phủ bỏ chạy về phía mekong. Sự thảm bại nhục nhã lần thứ 2 này làm tiêu tan mọi kỳ vọng của Mỹ về khả năng ngăn chận Cộng Sản của quân đội hoàng gia Lào.
Hồi trước, tháng Chín năm 1959, Phòng Thẩm Định Viện Trợ bắt đầu huấn luyện, trang bị cho du kích Hmong. Phòng Thẩm Định Viện Trợ đã thiết lập một trung tâm huấn luyện gần Khang Khay trên Cánh Đồng Chum và cố vấn Mỹ làm việc với các đơn vị Hmong trên chiến trường. Vang Pao chỉ huy một trong những đơn vị này, một chức vụ mới sau khi mất chức tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 10 bộ binh. Đầu năm 1960, cố vấn Mỹ chọn Vang Pao làm chỉ huy các lực lượng bộ tộc Hmong. Để gia tăng uy tín của ông với Hmong, Phòng Thẩm Định Viện Trợ trực thăng vận thực phẩm, tiếp liệu cho Vang Pao dùng phân phối cho các cộng đồng Hmong.
Sự đầu tư của Phòng Thẩm Định Viện Trợ vẫn tương đối nhỏ so với tài nguyên khổng lồ cung ứng cho quân đội vô tích sự hoàng gia Lào. Tất cả viện trợ ấy cạn dần sau cuộc đảo chánh của Kong Lê. Mọi nỗ lực viện trợ dồn cho lực lượng Phoumi ở Savanakhet và nhu cầu hành quân tấn công nhóm Trung Lập ở Vientaine. Nó gây ấn tượng cho Vang Pao rằng người Mỹ là một nguồn yểm trợ khó tin cậy và nếu cần có một quân đội Hmong, ông phải tự mình xây dựng nó, không nhờ vào Mỹ.