Chương 9 (tt)
Đại tá Billy phát hiện Vang Pao.

Cuộc đời binh nghiệp của Vang Pao.
Vang Pao 1960
Vang Pao thăng cấp liên tục khi Pháp nắm chính quyền, lên đến chức đại úy trong vòng vài năm. Các chỉ huy Pháp lưu tâm đặc biệt đến ông, mặc những phản đối của các sĩ quan Lào, cho rằng dân tộc hạ đẳng Hmong không thích hợp với chức vụ sĩ quan quân đội. Vang Pao được huấn luyện cao đẳng sĩ quan và thăng cấp mau chóng, đôi khi sĩ quan Pháp trả lời giùm những bài thi  viết bằng tiếng Pháp để đảm bảo lỗi chính tả không cản trở con đường binh nghiệp của ông. Nhưng sau khi Pháp về nước, 4 năm trôi qua khi quân đội hoàng gia đang xây dựng và cải tổ, thay thế sĩ quan Pháp bằng sĩ quan Lào. Một sớm một chiều, những sĩ quan trung cấp Lào trở thành tướng lãnh. Những trung úy quèn bỗng nhiên thành đại tá. Trung sĩ thành trung úy và đại úy. Trong lúc đó, Vang Pao vẫn nguyên chức đại úy.
Thành kiến sắc tộc một phần là nguyên do. Với sắc tộc Lào nắm quân đội, ít binh sĩ người thiểu số được thăng cấp cao. Đây là một thực trạng của người Khmu và Hmong, ô nhục trong văn hóa Lào như dòng giống man rợ. Đã lên cấp đại úy, Kong Lê là một ngoại lệ trong hàng ngàn người Khmu trong quân đội. Khi Vang Pao lên chức thiếu tá, ông có vẻ không thể được thăng cấp cao hơn nữa – vì một lý do khác hơn là thành kiến chủng tộc.
Vang Pao đã bị kỷ luật cuối năm 1959 vì biển thủ tiền lương binh sĩ Hmong thành lập hồi đầu năm như lực lượng dân quân tự vệ do ông chỉ huy. Đơn vị này là một phần của Phòng Thẩm Định Viện Trợ (PEO) dành cho người thiểu số. Biệt kích Mỹ huấn luyện binh sĩ Hmong sử dụng vô tuyến và vũ khí hiện đại. Những phần tử của đơn vị được trả lương hàng tháng, nhưng Vang Pao giữ vài tháng lương của họ.  Một binh sĩ gặp Vang Pao chất vấn lương bổng bị ông bắn vào chân.
Sự kiện này là việc đầu tiên trong bản liệt kê dài về cung cánh đối xử tàn bạo của Vang Pao làm hoen ố cuộc đời binh nghiệp của ông. Nếu không, ông có một sự nghiệp quân sự sáng chói không thua những danh tướng trong lịch sử thế giới. Sau này khi chỉ huy quân đội Hmong của mình, ông xử bắn một số sĩ quan ngay tại chỗ. Ông bắn 1 người giữa trán về tội bán gạo CIA cho Pathet Lào và bắn vào ngực một sĩ quan khác can tội ăn cắp tiền lương binh sĩ  không có phép của ông. Vang Pao đối xử với tù binh cũng tàn nhẫn không kém. Ông bỏ họ trong thùng phi 55 gallons chôn dưới đất, một kiểu tra tấn tâm lý các tù binh Bắc Việt và Pathet Lào, buộc khai báo thông tin về đơn vị của họ. Vang Pao gửi những tù binh khác đến trung tâm thẩm vấn của ông ở Pha Khao, nơi họ bị tra tấn tàn nhẫn trước khi bị xử bắn. Năm 1965, khi một nhân viên CIA “đòi hỏi” Vang Pao cho phép chuyên viên thẩm vấn Mỹ lấy cung tù binh, Vang Pao mang tù ra, bắn tại chỗ trước mặt người Mỹ.  CIA hiểu và thay đổi thái độ. “Thưa trung tướng, ý  tôi muốn nói là tôi thành thật biết ơn nếu ông cho phép chúng tôi thẩm vấn tù binh.”
Nhưng năm 1959 Vang Pao chưa tiến xa hơn đến mức làm mọi việc mà không bị khép tội. Lúc ấy, Boussarath chỉ huy quân đội tỉnh. Ông lỗ mãng ra lịnh Vang Pao trả tiền lương cho binh sĩ Hmong mà Vang Pao cố tình giữ vài tháng. Sự khiển trách công khai trước hàng quân khiến Vang Pao đem lòng căm giận. vài ngày sau, 30 binh sĩ của Vang Pao phục kích Boussarath khi ông đến Lat Houang bằng xe jeep. Boussarath tống ga thoát chạy khi nghe tiếng súng đầu tiên. Đạn bắn đuổi theo ghim lỗ chỗ vào xe. May mắn, ông đến Lat Houang bình an vô sự.
Boussarath liên lạc vô tuyến với Vientaine báo cáo âm mưu ám sát. Tướng Ouane Rattikone, tổng tham mưu trưởng quân đội, bay đến Xiêng Khoảng sáng hôm sau để gặp Vang Pao. Theo một tường thuật, sau khi đọc cáo trạng, Vang pao phủ phục trước vị tướng, khóc lóc thảm thiết, xin thứ tội. May cho Vang Pao, ông không bị cách chức. Có lẽ một phần vì hình ảnh thống hối hèn hạ, nhưng có lẽ nhờ vào sự can thiệp  của biệt kích Mỹ  đang chịu trách nhiệm huấn luyện du kích Hmong. Dù thế nào, sự cố làm hoen ố danh  tiếng Vang Pao với tư lịnh tối cao quân đội hoàng gia.  Cảm giác chung là cuộc đời binh nghiệp của vang Pao đã chấm dứt.
Vang Pao không chấp nhận phán quyết này. Ông từ chối chức tư lịnh quân khu II mà không thăng cấp do Phoumi đề nghị. Sĩ quan hoàng gia tài năng rất hiếm. Ông tin rằng nếu ông từ chối, ông sẽ được thăng cấp. Vang Pao nhận 200000 kip tiền lương binh sĩ, trở lại lat Houang để xem có thể biến đổi binh sĩ Lào  dưới quyền thành một đơn vị chiến đấu hiệu quả và thử họ trên chiến trường. Cơ hội không bao giờ đến.
 
Vang Pao ở Nam Chat.
Vang Pao đã theo dõi tình hình chuyển quân của Kong Lê trên Cánh Đồng Chum và được biết ý định của Kong Lê là tấn công doanh trại quân đội hoàng gia ở Nam Chat. Vang Pao chuyển tin tức tình báo này lên Vientaine và được lịnh chỉ huy doanh trại ấy chống cự với phe Trung Lập. Vang Pao không trả lời cho đến khi được thăng cấp mà ông cho là ông xứng đáng.
Dù cơ hội thử thách binh sĩ ở Lat Houang không còn nữa, trung tá Vang Pao bây giờ đối đầu với một thử thách lớn lao hơn: Biến binh sĩ chưa từng chiến đấu ở Nam Chat trong tư thế sẵn sàng ứng chiến với cuộc tấn công sắp đến. Dưới cặp mắt kinh hoàng, ông thấy doanh trại hỗn loạn hoàn toàn. Đại tá Don Sasorith Sourith, tư lịnh quân khu II có mặt trong trại và đang trong trạng thái bấn loạn. Ông ta vừa được tin 3 tiểu đoàn Bắc Việt vừa phối hợp với lực lượng Kong Lê. Sourith cho rằng Nam Chat sẽ thất thủ và sẵn sàng tháo chạy. Tinh thần chủ bại của ông lan truyền khắp trại. Binh sĩ Lào sẵn sàng bỏ chạy với trái pháo đầu tiên rót vào căn cứ.
Có 2 khẩu đại bác 105 ly trong trại. Vang Pao ra lịnh cho sĩ quan pháo binh dời 2 khẩu súng vào vị trí gần phi trường chuẩn bị phản pháo. Viên sĩ quan đột nhiên quên hết những năm huấn luyện và trả lời ông ta không biết sử dụng trọng pháo 105 ly. Vang Pao chửi viên sĩ quan hèn nhát  và tự mình chuyển đại bác vào vị trí tác chiến.
Căn cứ cần thêm thời gian để tổ chức phòng thủ. Vang Pao chất 6 thùng chất nổ lên một trực thăng cứu thương và ra lịnh cho phi công bay về Lat Ngone, một làng cách trại 6 dặm. Chiến xa Kong Lê phải sử dụng cây cầu  của làng để qua sông.  Nếu phá cầu,  đoàn cơ giới sẽ bị trì hoãn nhiều giờ. Viên phi công trực thăng giúp 1 tay xuống những thùng chất nổ. Xong xuôi, viên phi công đứng chờ Vang Pao mang chất nổ xuống cầu, gắn ngòi nổ, đốt ngòi và chạy. Thành phần dẫn đầu của Kong Lê vừa xuất hiện khi cây cầu bắn tung lên không trung.
Khi Vang Pao trở lại Nam Chat, ông thấy đại tá Sourith và hầu hết binh sĩ đã trốn mất. vang Pao tìm được 5 tình nguyện quân giúp ông đặt 2 cỗ đại bác lên 2 xe Dodge và 200 trái đạn, chở lên ngã tư đường 7 và đường 4. Ở đây, Vang Pao chờ quân Kong Lê. Có tiếng động cơ rầm rì từ xa trong đám bụi mù. Vang Pao khai hỏa về phía đoàn quân đang tiến. Ông giữ các khẩu đại bác bắn liên tục, kéo dài 200 viên đạn trong vòng 4 tiếng đồng hồ.
Hết đạn, ông trở lại Nam Chat, lúc này không một bóng người. Mỉa mai cho Vang Pao là ngày ông thăng cấp trung tá, ông không có người lính nào để chỉ huy hết. Ông ăn mừng cấp bậc mới bằng cách một mình khiêng mìn và một mình bắn đại bác. Không có lính để chỉ huy, ông đành theo đoàn binh sĩ hoàng gia, viên chức chính phủ và cả tỉnh trưởng Kham Sai rút lui dọc theo đường 4, một con đường đất gập ghềnh thiếu tu bổ.
Đại tá Sourith  đã lấy lại phong độ sau khi bỏ binh sĩ ở Nam Chat chỉ huy cuộc triệt thoái.. Khi đoàn quân đến làng Tha Vieng, ông tập họp tàn quân độ 2 tiểu đoàn lập một tuyến phòng thủ rồi dẫn tất cả số còn lại, đa số dân sự,  chạy về hướng Nam, lập thêm tuyến phòng thủ thứ hai ở Tha Thom, cách Tha Vieng 15 dặm.
 
Thành lập quân đội riêng.
Vang Pao là 1 trong các sĩ quan ở lại tuyến phòng thủ Tha Vieng. Để củng cố vị trí, ông tung thám báo đến những làng Hmong lân cận chiêu mộ tình nguyện quân.Ông có ngay 1000 người và gia đình của họ tụ họp và sẵn sàng chiến đấu. Bây giờ ông đã bắt liên lạc vô tuyến với tướng Phoumi, hứa sẽ tử thủ phòng tuyến và yêu cầu một ân huệ. Gia đ2nh vang Pao ở Tha Vieng. Ông muốn di tản gia đình lên Vientaine bằng máy bay.Phoumi tiếp xúc CIA tìm phương tiện. Hôm sau, một trực thăngcủa hàng không Air Rmerica đến đón các vợ và con Vang Pao đi Vientaine.
Dù tình nguyện quân Vang Paochính thức là lực lượng phụ thuộc của phòng tuyến Tha Vieng của Sourith, Vang Pao bắt đầu nẩy ý tưởng dùng họ như  nòng cốt của quân đội Hmong tương lai. Ông chỉ phải nhắn Touby, Yang Youa Tong, Thao Sao Chia để khởi sự. Nếu ông đánh Cộng Sản theo cách của ông với những chiến sĩ du kích Hmong kiên cường, ông có thể đánh bại chúng. Nó cũng có lẽ là cơ hội duy nhất có thể  làm lu mờ Phoumi và những tướng lãnh Lào đánh giặc sau bàn giấy.
Nhiều năm, thực tế phũ phàng làm giao động lương tâm Vang Pao, một khó chịu trong đầu khó có thể quên. Đó là cơ hội duy nhất ghi đậm dấu trong quân sử  bằng cách lãnh đạo Hmong trên chiến trường. Nó gây hứng khởi cho ý tưởng tái lập lực lượng du kích Malo. Dù thế, Vang Pao không thể  bỏ rơi nguyện vọng để đạt thành tích xuất sắc chỉ huy binh sĩ Lào trong quân đội chính quy. Nó là một tham vọng dai dẳng hướng dẫn ông, đi ngược với lý trí, nhận lời Phoumi chỉ huy binh sĩ Lào, đầu tiên ở Lat Houang, sau đó ở Nam Chat. Cũng dễ cắt nghĩa quyết định này. Binh sĩ Lào có thể chiến đấu tốt  nếu có chỉ huy giỏi. Họ từng chiến đấu tốt dưới sự chỉ huy của Pháp ngày xưa và trong vài trường hợp đơn lẻ, dưới sự chỉ huy của một số sĩ quan Lào tài giỏi. Trong thâm tâm, ông còn biết binh sĩ Lào không chấp nhận dưới quyền chỉ huy một sĩ quan Hmong như ông, dù là sĩ quan giỏi.
Trước khi gia nhập quân đội, Vang Pao đã phục vụ 4 năm trong ngành cảnh sát quốc gia do Pháp điều hành. Nguyên thủy nó là tổ chức cảnh sát quốc gia nhưng cuối thập niên 1940, nó cải biến thành lực lượng bán quân sự chống phiến Cộng. Công tác mới của cảnh sátcho vang Pao cơ hội thăng tiến binh nghiệp. Ông được bổ nhậm đồn trú ở bót cảnh sát Muong Ngan, gần biên giới Việt Nam. Đại úy Fret, chỉ huy  đồn cảnh sát nhận ra ngay phụ tá của mình là một biệt kích bẩm sinh. Fret để Vang Pao tự do hành quân du kích chống Pathet Lào và Bắc Việt. Chỉ huy 1 trung đội Hmong, Vang Pao diệt gọn một đơn vị Việt Minh và tịnh thu những tài liệu tiết lộ tổ chức Việt Minh  và hoạt động của họ trong khu vực. Để tưởng thưởng, Fret dành một chỗ cho Vang Pao trong trường huấn luyện ứng viên sĩ quan quân đội hoàng gia Lào.
Sau khi tốt nghiệp, Vang Pao đến trình diện đại đội 14 bộ binh ở Muong Hiem. Nhờ đồn trú trong khu vực Hmong, công tác của ông là tổ chức, phát triển mạng lưới tình báo ở các làng và tuyển mộ tân binh Hmong  cho quân đội.  Ngày xưa các viên chức chính phủ đã hạ độc giếng nước, Vang Pao phải mất một thời gian để lấy lại lòng tin của dân làng. Cuối cùng hệ thống tình báo cũng thành lập và 73 Hmong đã đầu quân. Trộn lẫn tân binh Hmong vào đại đội  gây căng thẳng sắc tộc. Ngươìi Lào đòi thuyên chuyển đi  nơi khác. Chỉ huy trưởng đại đội, đại úy Cocosteguy, giải quyết bằng cách chia Hmong thành 1 đơn vị đặc biệt  trong đại đội, do Vang Pao chỉ huy.
Sự kiện này báo trước khó khăn cho tương lai nghề nghiệp của Vang Pao trong quân đội. Nếu Lào không chịu khoác chung áo lính với Hmong, họ chắc chắn bất tuân sự chỉ huy của một sĩ quan Hmong. Có lẽ đây là thời điểm phát hiện của ông, một phát hiện đen tối rằng ông không thể thành công rực rỡ trong binh nghiệp nếu chỉ huy những đơn vị Lào. Hoặc sự phát hiện đến trễ hơn: Sau khi đại đội 14 giải tán; binh nghiệp của ông tạm dừng lại khi ông chỉ huy Hmong; sau khóa huấn luyện đặc biệt ở Phi Luật Tân và trở lại quân đội chỉ huy trường huấn luyện hạ sĩ quan ở Khang Khay sau khi đảm nhận chức chỉ huy một đơn vị  đa số người Lào, tiểu đoàn 10 bộ binh quân lực hoàng gia.
Từ khởi đầu ấy, binh sĩ Lào tiểu đoàn 10 không muốn nhận lệnh từ vị chỉ huy Hmong. Vang Pao đã phát huy quyền hạn của mình đến cực điểm trong cuộc truy kích tiểu đoàn 2 Pathet Lào làm phản và có những âm hưởng sau đó. Sau cuộc hành quân, binh sĩ của ông hùng hổ và rồi làm loạn. Vang Pao sợ cho tính mạng mình. Tạm rời chức vụ, ông tạm trú với 1 đơn vị biệt kích Mỹ ở Khang Khay. Sau đó, ông được giao phó tiếp tục công việc với tình nguyện quân Hmong.
Nếu Vang Pao được an bài để chỉ huy Hmong, ít ra họ cũng là những chiến sĩ du kích thiên bẩm và du kích chiến là Vang Pao tin rằng ông có năng khiếu. Năm 1952, tốt nghiệp trường sĩ quan Dong Hene, người Pháp gởi Vang Pao sang Hà Nội 2 tuần để quabn sát sự vận hành của bộ tổng tham mưu quân đội Pháp. Những gì ông thấy gây trở ngại cho ông. Người Pháp khư khư vào những mưu lược cổ truyền và những trận đánh kinh điển, loại chiến tranh dẫn đến bại trận Điện Biên Phủ. Với cương vị hạ sĩ quan cảnh sát, Vang Pao dẫn Hmong chiến đấu và đánh bại người Việt Nam dùng chiến thuật du kích, một tài năng thiên bẩm của sắc tộc Hmong. Ông tìm ra những địa thế hiểm trở, và dụ kẻ địch mạnh hơn vào ổ phục kích. Khi nào trận chiến có vẻ thất thế, ông rút lên núi, đi 6-8 dặm một giờ, đôi khi không nghỉ suốt vài ngày. Địch quân sẽ bỏ cuộc vì không thể theo kịp hoặc sẽ lọt vào nơi Vang Pao chọn sẵn, quá mệt mỏi để phát hiện mình lọt bẫy.
Các sử gia quân sự đặt tên chiến lược này là chiến thuật Fabian, 1 kỹ thuật dùng 2000 năm trước bởi một danh tướng La Mã tên Quintus Fabius Maximus, cũng có tên là Cunctator (người hoãn binh). Vị tướng này không chịu giao chiến với quân địch mạnh hơn chio đến khi quân Carthaginians mệt mỏi vì truy kích. Nhưng Fabius thành công 1 lần bởi vì Hannibal không thể trông cậy vào tiếp viện. Bắc Việt không phải Carthage vốn cách La Mã 1 đại dương mà sát bên nách Lào và khả năng tiếp viện hầu như vô tận. Chống lại Bắc Việt, chiến lược Fabian có thể thắng các trận chiến nhưng không thể thắng cuộc chiến tranh.
Cuối cùng quyết tâm xây dựng quân đội riêng,  Vang Pao gởi thông điệp cho Yang Youa Tong và Thao Sao Chia mời họ đến Tha Vieng. Ông muốn hội ý một lần chót trước khi ra lịnh cho Hmong trên Cánh Đồng Chum di dân đến 7 yếu điểm chiến lược bao quanh cánh đồng. Kế hoạch của ông là dùng binh sĩ Hmong  dưới quyền ở Tha Vieng làm nòng cốt cho lực lượng du kích Hmong tương lai.  Sau khi lập căn cứ cho binh sĩ, ông bắt đầu tổ chức, huấn luyện các tình nguyện quân tụ họp ở các cứ điểm cũ của du kích Malo.
Ngay lúc này, nhu cầu cấp bách nhất  là vũ khí. Thung lũng Tha Vieng phẳng và rộng, lý tưởng cho một phi trường. Vang Pao huy động 300 dân làng lân cận san các bờ đê ngăn ruộng, lấp chỗ trũng làm phi trường. Khi lao công làm việc, Vang Pao gọi cho Phoumi ở Savanakhet yêu cầu tiếp tế vũ khí, tiếp liệu quân trang quân dụng cho tân binh. Ông cam kết với Phoumi rằng luôn trung thành với quân đội và Hmong của ông vẫn là một thành phần trong quân đoàn của đại tá Sourith và nếu vũ khí, tiếp liệu có thể phân phối đến Tha Vieng, Hmong sẽ là lá chắn bảo vệ lực lượng Sourith ở Tha Thom.
Vang Pao không hy vọng nhiều từ Phoumi. Mọi thứ đều đổ dồn cho Sourith ở Tha Thom: tiếp liệu, trọng pháo, binh sĩ tăng viện. Ông nghi rằng Phoumi và các tướng lãnh khác ở Vientaine đã có chủ ý  thí bỏ lực lượng Hmong ở Tha Vieng và như thế, gửi tiếp liệu đến Tha Viêng cầm bằng đổ tiền của xuống sông xuống biển. Điều Vang Pao không được biết là Phoumi bị áp lực từ tòa đại sứ cũng như CIA buộc phải chuyển nhượng bớt  vật liệu cho các lực lượng bán quân sự. Vài ngày sau khi Vang Pao xin vũ khí và tiếp liệu, 1 đại tá Thái Lan và một viên chức Mỹ  dung mạo kỳ cục với cái đầu vuông có vẻ to quá so với cần cổ; nói giọng Texas và tự giới thiệu là đại tá Billy.
 
Đại tá Billy và lực lượng Không Cảnh.
Không cảnh Thái Lan
William "Bill" Lair bắt đầu công tác dã ngoại ( tức công tác rời bàn giấy đi thực tế tại hiện trường) năm 1951 ở Bangkok, Thái Lan. Ông quan tâm đặc biệt về chống phiến loạn và thuyết phục thượng cấp ở Thái Lan cho phép ông làm việc với người Thái để phát triển một lực lượng biên phòng chính quy. Lực lượng này được đặt tên là Tuần cảnh không viện (PARU, The Police Aerial Reinforcement Unit. Từ bây giờ xin gọi tắt là lực lượng Không Cảnh). năm 1960, nó tiến triển thành một đơn vị bán quân sự thiện chiến nhất Đông Nam Á. 
Bộ chỉ huy Không Cảnh đặt bản doanh ở Hua Hin, một thị trấn hải cảng cực nam bán đảo Thái Lan, một khoảng cách xa từ địa bàn hoạt động của họ nơi vùng bắc Thái Lan. Tại đó có những ngọn núi dùng làm địa hình huấn luyện người thiểu số, đa số là Thái Lan Hmong, sử dụng vũ khí và kỹ thuật chiến đấu phòng thủ biên giới chống thổ phỉ và phiến cộng. Chiến dịch thành công vượt bực mà các viên chức CIA gọi lực lượng không cảnh này là một tuyệt phẩm của họ. Lực lượng không cảnh được đỡ đầu trực tiếp từ Desmond Fitz Gerald, giám đốc Viễn Đông Sự Vụ CIA và tổng giám đốc CIA, ông Allen W. Dulles. Cả hai viên chức này không quản ngại bỏ thì giờ thị sát các bộ chỉ huy của tổ chức.
Cuối năm 1950, lực lượng Không Cảnh đã hầu như hoàn tất mục tiêu bình định vùng Bắc Thái Lan và Lair (nhắc lại lần chót, nhân viên CIA đặc trách huấn luyện lực lượng Không Cảnh dưới quyền Desmond Fitz Gerald, giám đốc Viễn Đông Sự Vụ)  không còn việc gì để làm. Ông nẩy ý định huấn luyện người thiểu số miền núi tại Lào (thay vì Thái Lan đã bình định). Năm năm trước, tướng Phao Siyanon, tư lịnh Không Cảnh Thái đã đề nghị ý kiến này lúc Không Cảnh còn mang tên là Vệ binh hoàng gia (Royal Guards). Lúc ấy kế hoạch của Phao Siyanon không ai ủng hộ vì không tìm đâu ra ngân sách. Coi như quá nhiều tham vọng quyền bính, Phao Siyanon bị huyền chức và buộc phải lưu vong. Bây giờ đến lượt Lair đề xuất ý kiến này.
Lair có thêm uy tín khi CIA yêu cầu ông sử dụng lực lượng Không Cảnh Thái Lan làm cố vấn quân sự cho quân đội Phoumi Nosavan trong cuộc đảo chánh Giáng Sinh 1960 tại Vientiane. Với hoàn cảnh thuận lợi, Lair thuyết phục Gordon Jorgensen, giám đốc CIA tại Lào, cho phép Không cảnh Thái làm việc với người thiểu số Lào. Lair biết rằng PEO (Programs Evaluation Office, tổ chức CIA ngụy trang thành một văn phòng theo dõi tình hình cứu trợ người thiểu số) đã huấn luyện người Hmong từ năm 1959. Lair nói rằng việc dùng Không Cảnh Thái tại Lào, được việc hơn lại ít tốn kém hơn. Hơn nữa, Thái giống Lào về ngoại hình nên có thể che mắt thế giới rằng CIA không trực tiếp nhúng tay vào. CIA biết trước rằng Lào sẽ trung lập. Sau này, ngày 11 tháng 6 năm 1962, đại biểu 14 nước trong đó có Mỹ, Nga, Pháp đã ký kết một hiệp ước công nhận Lào trung lập và phải rút hết người ngoại quốc khỏi Lào trong vòng 75 ngày.
Trong lúc Gordon Jorgensen còn do dự, Lair đơn phương lập một văn phòng Không Cảnh Thái tại Vientiane và duy trì lực lượng này tại Lào để yểm trợ tướng Phoumi Nosavan (lập trường quốc gia hữu khuynh) chống đảo chánh tại thủ đô Lào, sẵn sàng hành động một khi Gordon Jorgensen gật đầu chấp thuận. Lair cũng xúc tiến việc tìm gặp các lãnh tụ Hmong để thăm dò sự hợp tác của họ. Hồi còn ở Thái Lan, Lair đã nghe tiếng một sĩ quan can trường, tài giỏi trong quân lực hoàng gia Lào (Royal Laotian Army). Xin bạn đọc nhớ tên vị sĩ quan này. Ông tên Vang Pao. Một mãnh tướng làm thay đổi cuộc chiến Đông Dương, một khắc tinh của tướng Vũ Lập, Lê Trọng Tấn, Võ Nguyên Giáp và là một sát tinh của các sư đoàn 312, 316, 325 bộ đội Bắc Việt. Lair ngỏ ý với các viên chức CIA ở Lào rằng ông muốn diện kiến Vang Pao. Ngày 31 tháng 12 năm 1960, sau vụ đảo chánh của tướng Phoumi  với sự trợ giúp ngầm của Không Cảnh Thái đánh đuổi lực lượng chủ trương trung lập của tướng Kong Lê đêm Giáng Sinh, Lair được thông báo là Vang Pao đang trú quân tại một nơi gọi là Tha Vieng. Lair xin phép Gordon Jorgensen đi gặp Vang Pao. Gordon Jorgensen cho phép nhưng không cho phép Lair ở qua đêm tại Tha Vieng. Người Mỹ không muốn Cộng Sản bắt được Lair làm tù binh, nhân chứng sống về sự can thiệp trắng trợn của Mỹ.
Lair tổ chức một toán 5 người thuộc Không Cảnh Thái đến Tha Vieng bằng trực thăng và chỉ thị họ thông báo ngay nếu tìm được Vang Pao. Phần Lair thì ở lại Vientiane chờ tin từ đại tá Pranet Ritchenchai, tư lịnh Không Cảnh Thái. Qua hôm sau, Pranet tìm được Vang Pao. Lair nhảy lên trực thăng và gặp Pranet tại Tha Vieng.
Vang Pao gặp Lair trong bộ quân phục kaki, giầy vải và chiếc mũ rộng vành, quân trang tiêu chuẩn của biệt kích Pháp (lúc này Pháp đã về nước theo hiệp ước Geneve sau thất trận Điện Biên Phủ). Ở Vang Pao rất dễ nhận thấy toát ra một niềm tự tin sôi sục. Với Lair, Vang Pao là một Thành Cát Tư Hãn quy mô nhỏ. Sau một vòng thị sát quanh dinh trại, Lair hỏi Vang Pao rằng ông có thể tuyển mộ được bao nhiêu tay súng. Vang Pao đã chuẩn bị từ trước bằng cách liên hệ với hai phụ tá đặc trách tuyển mộ ở khắp bản làng, Youa Tong Yang và Sao Chia Thao. Vang Pao trả lời rằng ông có thể có ít nhất 10 ngàn tay súng.
Lair tràn ngập tin tưởng. Ông đã thấy hàng trăm Hmong cặm cụi sẻ đất san đồng làm phi đạo, những toán du kích đeo súng săn, răm rắp thi hành chỉ thị Vang Pao. Mọi người cật lực làm việc cho Vang Pao. Có lẽ Vang Pao chiêu mộ hàng chục ngàn người. Lair hỏi Vang Pao cần những thứ gì. Vang Pao đưa ra một liệt kê: 5 ngàn súng cá nhân, một số súng máy, tiếp liệu và quân trang cho binh sĩ với một số phụ trội cho những tân binh dự kiến. Lair gật đầu nhưng không hứa hẹn gì cả.Ông đã cộng tác với đại tá Pranet Ritchenchai, tư lịnh không cảnh Thái hàng chục năm vùng bắc Thái. Chưa bao giờ họ thấy một vị chỉ huy như Vang Pao. Với con mắt nghề nghiệp, Vang Pao là một ước ao chỉ có trong mơ, nay trở thành sự thật.
Trở về Vientiane, Lair đi thẳng đến trụ sở CIA để nói về Vang Pao với Jorgensen, giám đốc CIA tại Lào. Tại đấy Lair may mắn gặp cả Desmond Fitz Gerald, giám đốc Viễn Đông Sự Vụ CIA nữa. Fitz Gerald đấn Vientiane hội ý với Jorgensen về vai trò  CIA trong tương lai tại Lào. Đó là một sự kiện bất ngờ ngoài dự tính.
Lair nói với Fitz Gerald về Vang Pao và bày tỏ mối tin tưởng rằng viên đại tá Hmong này có thể tổ chức một đạo binh du kích với quân số đáng kể, một lực lượng mà Bắc Việt chưa từng thử sức.  Dùng chiến thuật đánh và rút lui, du kích Hmong sẽ gây cho Bắc Việt một trở ngại khó chống đỡ, một kẻ địch khó thanh toán. Tiếp tế cho lực lượng này chắc ít tốn kém hơn quân đội chính quy hoàng gia Lào, vừa hèn nhát vừa tham nhũng. CIA có thể trang bị Hmong các loại vũ khí thặng dư thời đệ nhị thế chiến. Không Cảnh của Lair, tất cả người Á Châu nào hao hao giống người Lào, có thể huấn luyện họ. Nó chắc chắn phải là một công tác mật toàn hảo. Người Mỹ không bao giờ nhúng tay vào. Người Mỹ vô can. Hoàn toàn chối tội.
Fitz Gerald tỏ vẻ quan tâm nhưng cũng lo ngại. Nó mang ý nghĩa một hướng chiến lược mới của CIA tại Lào và chính sách mới của chính phủ Mỹ. Qua hôm sau, Fitz Gerald nói với Lair rằng ông thích đề nghị của Lair và yêu cầu Lair đệ trình một đề án. Lair tức tốc gởi một công diện 18 trang phác họa kế hoạch của ông. Lair không mong mỏi sẽ được trả lời ngay. Trái với dự đoán, Lair nhận được điện văn phúc đáp trong vòng vài ngày. CIA đã đệ trình lên Eisenhower, lúc này trong thời kỳ gần hết nhiệm kỳ tổng thống, thỉnh cầu chấp thuận. Eisenhower bằng lòng. Điều này đủ thuyết phục Allen Dulles, tổng giám đốc CIA, với tư cách cá nhân, chấp thuận kế hoạch. Chiến dịch được đặt tên là "Momentum", "Động Lượng".
Nó bắt đầu như một chương trình thử nghiệm. Lair được ủy quyền huấn luyện, trang bị cho 1 ngàn binh sĩ. Ông phải tự lo liệu lấy, không có sự giám sát cũng như chịu trách nhiệm với thượng cấp. Ông cũng không có bổn phận báo cáo mỗi ngày cho văn phòng CIA ở Vientiane hay Bangkok. Ngân sách điều hành được trích ra từ một tài khoản đặc biệt do ông kiểm soát. Nếu công việc trôi chảy, ông có quyền huấn luyện, trang bị cho nhiều đợt tuyển mộ tân binh Hmong theo kế hoạch.
Quá nóng lòng khởi sự, Lair trở lại Tha Vieng gặp Vang Pao thêm một lần nữa. Lần này, Youa Tong Yang và Sao Chia Thao, 2 sĩ quan đặc trách tuyển mộ tân binh và vài tộc trưởng khác cũng hiện diện. Vai trò 2 sĩ quan này rất quan trọng. Họ có uy tín với Hmong khắp nơi. Chính Vang Pao không thể tuyển mộ Hmong nếu không có họ. Tất cả mọi người buộc Lair, nhân danh chính phủ Mỹ, đưa ra những bảo đảm cho Hmong nếu Hmong ủng hộ kế hoạch quân đội du kích của Vang Pao. Lair hứa hẹn vũ khí, tiếp liệu, huấn luyện nếu Hmong chiến đấu hữu hiệu trong công cuộc chống Pathet Lào và Bắc Việt. Ngoài ra, Lair cũng hứa hẹn một an toàn khu nếu Hmong và Mỹ hoàn toàn chiến bại.
Lair bàn thảo với Fitz Gerald vấn đề "an toàn khu" trước khi ông ta rời Vientiane bay về Washington. Lair khuyến cáo Fitz Gerald rằng nếu CIA bảo trợ một quân đội du kích Hmong, CIA có bổn phận cung cấp một an toàn khu, nơi Hmong có thể nương náu nếu rủi ro chiến cuộc không được như ý muốn. Trong đầu của Lair, nơi đó là tỉnh Sayaboury nằm phía tả ngạn sông Mekong, một dẻo đất thuộc Lào, tuy ở những nơi khác, phía bên trái sông Mekong đều thuộc lãnh thổ Thái Lan. hai nước dùng con sông làm biên giới thiên nhiên. Sẽ có cuộc thương lượng với chính phủ Thái cho phép Hmong trú ngụ và bảo vệ họ trong trường hợp Cộng sản vượt sông tràn sang Sayaboury truy kích họ. Đó chỉ là  ý kiến. CIA không hứa như vậy và Lair cũng không được quyền hứa như vậy. An toàn khu đó chỉ là bánh vẽ. Tuy nhiên, Lair trái lịnh thượng cấp. Ông ta hứa bằng miệng rằng sẽ dành riêng tỉnh Sayaboury cho Hmong. Hmong ngây thơ, mê say một quốc gia độc lập, lại một lần nữa như nhiều lần trong lịch sử, đổ xương máu chiến đấu cho Mỹ, tin tưởng vào an toàn khu của một đồng minh phản trắc. Và Vang Pao, "đấng cứu độ" bộ tộc Hmong, đem cả dân tộc mình gồm non 200 ngàn người đối chọi với hơn 70 ngàn bộ đội Bắc Việt, chặn đứng các sư đoàn 325,  316, 312 của tướng Vũ Lập, sau này là tướng Lê Trọng Tấn suốt hơn 15 năm máu lửa.
Các tộc trưởng Hmong muốn lời hứa phải rành rành trên giấy trắng mực đen. Lair thảo một bản thỏa ước hứa hẹn nội trong vài ngày sẽ cung cấp vũ khí, đạn dược trang bị cho 500 binh sĩ. Lair, Vang Pao, Youa Tong Yang, đại tá Pranet (không cảnh Thái) cùng ký tên trên thỏa ước đó. Mặc dầu văn kiện này không đề cập gì đến "an toàn khu" nhưng nhiều Hmong suy diễn thành Mỹ đảm bảo một vương quốc Hmong độc lập nếu Hmong thắng Cộng Sản và một an toàn khu nếu thua. Dần dần niềm tin vào thỏa ước ấy ngày càng lan rộng đến nỗi tất cả Hmong thiết tưởng nó là một sự kiện chắc chắn, không cần bàn cãi. Năm 1997, Hmong tị nạn trên đất Thái, đang trong nguy cơ trục xuất về Lào, gửi một lá thơ cho tổng thống Bill Clinton, kính cẩn nhắc nhở  đến văn kiện ký kết với đại tá Billy Lair ( Họ nói là vào tháng 11 năm 1959. Thực ra,nó nhằm tháng Giêng năm 1961) rằng chính phủ Mỹ sẽ chăm lo cho Hmong vì sự hợp tác chống Cộng với Mỹ trong chiến tranh tại Lào. Như đã hèn nhát bỏ rơi quân dân miền nam Việt Nam trước đây, Clinton chối bỏ trách nhiệm với họ, viện cớ văn kiện không đả động gì đến bổn phận Mỹ sau chiến tranh.
Ý tưởng an toàn khu là lỗi của Lair vì ông ta cố ý hứa hẹn bằng miệng rằng chính phủ Mỹ sẽ thu xếp một chốn dung thân cho Hmong nếu cần thiết. Tuy thế, Vang Pao cũng chịu một phần trách nhiệm. Vì lý do chính trị, Vang Pao khuyến khích Hmong tin lời hứa miệng của có giá trị chính thức, cổ võ nó như lợi khí yểm trợ cho quân đội của ông, bảo đảm với những người còn ngờ vực rằng nếu Mỹ thất trận và chúng ta gặp nguy hiểm – không thể dung thân ở Lào – Mỹ sẽ tìm chỗ cho chúng ta nương náu. Sau này khi ý tưởng “an toàn khu” không còn là lợi khí chính trị nữa, Vang Pao ém nhẹm chuyện ấy. Nhưng với Lair, nó vẫn còn là một cối đá đạo đức đè nặng lên lương tâm của ông hằng nhiều năm. Đôi khi, ông muốn thể hiện lời hứa ấy nhưng lần nào cũng bị Vang Pao ngăn trở vì e rằng một an toàn khu ở Sayaboury sẽ xoi mòn quyết tâm Hmong trong công cuộc chiến đấu.
Khác với lời hứa an toàn khu, lời hứa một quốc gia Hmong độc lập không đến từ miệng của Lair. Một trong những câu hỏi đầu tiên Lair hỏi Vang Pao trong cuộc gặp gỡ ban đầu là ông ta muốn tự trị về chính trị hay không?  Washington muốn Lào vẹn toàn lãnh thổ và không Cộng Sản chứ không bị chia cắt cho Hmong và không muốn CIA bảo đảm cho một phong trào Hmong ly khai. Đỡ khổ tâm cho Lair, Vang Pao tuyên bố trung thành với hoàng gia và chối bỏ mọi quan tâm đến ý tưởng tự trị. Có lẽ đây là cảm giác thực sự của Vang Pao lúc ấy. Sau đó ít lâu, khi thấy vấn đề tự trị có thể động viên Hmong yểm trợ quân đội của ông, Vang Pao dò xét ý tưởng ấy và cổ động niềm tin  rằng Mỹ sẽ thành lập một quốc gia Hmong tự trị khi Cộng Sản bị đánh bại, tạo ấn tượng rằng điều này cũng được ghi trong thỏa ước tưởng tượng  với Mỹ.
Như Lair đã hứa hẹn, CIA  phân phối vài thùng vũ khí và 4 máy liên lạc vô tuyến đến Tha Vieng cùng với một hướng dẫn viên Mỹ cắt nghĩa cách sử dụng. Số vũ khí ấy chỉ đáp ứng một phần nhỏ cần thiết và quá trễ. Bắc Việt đã đánh hơi, lần mò đến. Ngày 13 tháng Giêng năm 1961, lực lượng Kong Lê (trung lập) phối hợp với lực lượng Pathet Lào, các bộ phận của sư đoàn 325 Bắc Việt tiến gần Tha Vieng để dàn các khẩu đại pháo. Không có đại bác và không yểm, Vang Pao bất đắc dĩ rút lui. Ông định xuôi nam về Tha Thom để nhập với lực lượng của Sourith (quân đội hoàng gia Lào). Quyết định này trì hoãn sự thành lập quân đội du kích Hmong đến vô tận.
Đó là lần cuối cùng Vang Pao do dự trong vấn đề ấy. Khi ông biết Tha Thom cũng bị tấn công và gắng hết sức bám trụ dù có chiến đấu cơ T-6 do phi công Thái Lan yểm trợ, ông củng cố quyết tâm và dẫn đoàn du kích vào núi. Sắt thép đã đúc khuôn.
 
Cuộc chiến không thể thắng.
Khi  được biết rõ ràng quân đội hoàng gia Lào hoàn toàn không có giá trị quân sự gì, quay lại với Hmong là điều không tránh khỏi. Đó là chính sách cố hữu trong chính quyền Eisenhower tin cậy vào những lực lượng bản xứ để chống lại phiến cộng ở Lào. Chỉ còn phương pháp cuối cùng tránh khỏi thất bại là đưa quân đội Mỹ sang tham chiến, điều không thể chấp nhận. Eisenhower không chống đối đưa quân tham chiến ở nước ngoài, nhưng chống những cuộc viễn chinh không thể thắng. Ông nhận xét vấn đề tiếp vận (Cộng Sản gọi là hậu cần) trong cuộc chiến ở vùng rừng rậm không có biển như Lào sẽ bị sa lầy như cuộc chiến ở Đại Hàn. Eisenhower đắc cử nhờ vào lời hứa chấm dứt chiến tranh ở Đại Hàn. Ông không muốn rời chức vụ sau khi đưa nước Mỹ vào cuộc chiến khác ở đông nam Á.
Ngũ Giác Đài cũng thối chí không kém về việc đưa quân sang Lào, nhưng với những lý do khác. Quốc hội đã cắt giảm ngân sách quốc phòng sau chiến tranh Đại Hàn. Cùn nhụt vì chuẩn bị cho cuộc xung đột với Sô Viết ở Âu Châu, bộ tư lịnh hỗn hợp  muốn điều độngtài nguyên quân sự ít ỏi  vào mục đích nàythay vì lãng phí nó vào cuộc chiến tranh xa xôi ở Á Châu. Do đó, ý tưởng người Lào tự phòng thủ  rất thuyết phục.
Ngay  cả lịch sử cũng biện hộ cho việc sử dụng lực lượng bản xứ. Trong thế kỷ 20, phiến quân chỉ đắc thế một khi chống lại quân đội thực dân. Dấy loạn chống lại chính quyền địa phương phòng thủ bởi dân cư địa phương hay những nhóm chủng tộc lớn luôn không hiệu quả (trừ trường hợp Trung Hoa năm 1949 và Cu ba năm 1959). Một cách khả dĩ, một quân đội gồm toàn chủng tộc Lào, chính phủ hoàng gia Lào sẽ khẳng định xu thế lịch sử.
Tất nhiên hiệu năng đen tối của quân lực hoàng gia Lào đúng hơn, chọc thủng một lỗ hổng trong lý lẽ này. Trông cậy vào lực lượng Hmong thế chỗ lực lượng Lào là không đếm xỉa những bài học lịch sử. Họ chiếm non 15/100 dân số. Thêm vào đó, họ là sắc dân bị khinh miệt vì kỳ thị chủng tộc, khó lòng hưởng sự ủng hộ của đại đa số quần chúng. Tuy nhiên, sự bắt buộc thành lập một quân đội bản xứ hữu hiệu đã thu hoạch được đầy đủ sức tiến khiến các suy xét thầm kín này bị bỏ mặc.
Tốt nhất là tách rời những đơn vị Hmong với quân đội chính quy, không chỉ  để ngăn cách họ khỏi ảnh hưởng tham nhũng của quân đội hoàng gia, mà còn bảo đảm họ nhận được một cách thỏa đáng mọi nỗ lực yểm trợ nơi chiến trường, vì sĩ quan Lào không cần che giấu sự khinh bỉ người Hmong, sắs dân họ coi như hạ đẳng. Mối ác cảm này không dẫn đến khả quan trong các cuộc hành quân  hỗn hợp. Nhưng ly cách Hmong có nghĩa  tạo ra một quân đội hoàn toàn độc lập, một thực thể chính trị lẫn quân sự CIA phải chịu trách nhiệm một mình và tách rời nó khỏi chính quyền hợp pháp quốc gia. Đối với thế giới, tình trạng độc lập này sẽ nâng đỡ cảm tưởng rằng quân đội Hmong là lực lượng đánh thuê, chiến đấu không phải vì ái quốc mà chỉ vì bổng  lộc. Dù điều này đúng một phần nào, nó cũng đúng rằng Hmong trả một giá quá đắt cho món nợ quân sự.
Phẩm chất chính yếu làm nổi bật du kích Hmong vượt trội lực lượng hoàng gia Lào là tính hiếu chiến. Nếu địch thủ hèn nhát như binh sĩ chính phủ Lào thì đó là một ưu điểm khổng lồ cho Hmong nhưng binh sĩ Bắc Việt cũng thiện chiến và có phần kỷ luật hơn Hmong. Nói chung là kỳ phùng địch thủ.
Trong khi có nhiều trường hợp Hmong phô bày dũng cảm trong chiến đấu hơn Việt Nam, nó chỉ ảnh hưởng  đến kết quả riêng biệt của trận chiến, không phải toàn thể cuộc chiến. Chỉ có những cuộc chiến cổ điển trong lịch sử mà thắng bại trong một trận chiến chủ yếu với hai bên đụng độ trực tiếp với toàn lực quyết định thắng bại tối hậu của cuộc chiến. Chiến tranh Lào thì khác hẳn. Nó là cuộc chiến hiện đại, không phải chỉ trên bình diện kỹ thuật quân sự tối tân mà còn hiện đại ở chỗ nó là cuộc chiến ủy thác giữa hai thế lực Sô Viết và Mỹ.
Trong sự tương tranh giữa Mỹ và Sô Viết, không bên nào dám trực diện nhau trên chiến trường, càng không dám dùng vũ khí hạch nhân. Chỉ một lần năm 1962, trong khủng hoảng hỏa tiễn ở Cu Ba, Mỹ và Sô Viết suýt vi phạm nguyên tắc này vì cả hai đều liều lĩnh một cách rồ dại. Để tránh tình trạng đó tái diễn, xung đột giữa 2 siêu cường quốc phải có trái độn bởi những quốc gia uỷ nhiệm. Lý tưởng nhất là 2 quốc gia ủy nhiệm; kém lý tưởng hơn, giữa một siêu cường và một uỷ nhiệm quốc. Học thuyết chiến tranh hạn chế, đề xướng năm 1950 bởi các lý thuyết gia quân sự (hầu hết là các khoa học gia vật lý) ít hoặc không có kinh nghiệm, trở nên chính thống  đầu thập niên 1960, buộc quân đội hiệu chính lại cẩm nang phục vụ chiến trường nhằm loại trừ chiến thắng là mục tiêu chiến tranh. Trái tim của học thuyết chiến tranh hạn chế là ý tưởng tiệm tiến chủ nghĩa. Trong cuộc xung đột ủy nhiệm, mức gia tăng cường độ chiến tranh (gọi là leo thang) phải phát triển từ từ cho địch thủ có thời gian tái thẩm định quyết tâm và cơ hội đàm phán một giải pháp kết thúc chiến tranh.
Có 2 vấn đề với tiệm tiến chủ nghĩa.  Đầu tiên, nó gây hiểu lầm: thiếu ý chí chiến đấu và chiến thắng địch. Đây là nhận định của Bắc Việt về Mỹ trong cuộc chiến ở Lào và Việt Nam, thúc đẩy họ tiếp tục chiến đấu và bác bỏ mọi giải pháp ngoại giao. Bắc Việt tin rằng họ có thể thắng và chiến thắng của họ sẽ là một kiểu mẫu nhằm đánh bại quân đội Tây phương khắp thế giới thứ ba. Võ nguyên Giáp phát biểu:” Nếu nó chứng tỏ có thể đánh bại cuộc chiến tranh đặc biệt thử nghiệm tại nam Việt bởi đế quốc Mỹ, nó có thể cũng bị đánh bại ở khắp nơi.”
Nan giải thứ hai  với tiệm tiến chủ nghĩa là nó bất kể thực tế chính trị. Các nhà lãnh đạo độc tài không phải tuyển cử, vì vậy khó khơi dậy mối bất mãn vì hoang phí tài nguyên cũng như từ quần chúng có con em tử trận. Những nhà lãnh đạo ở quốc gia dân chủ phải đối đầu với cử tri mỗi nhiệm kỳ. Trung bình nếu cuộc chiến kéo dài quá 3 năm, những chất vấn gai góc được nêu lên. Tiếp tục chiến tranh có thể gây chống đối và rối loạn chính trị. Đây là bài học của Pháp tại Việt Nam Cử tri Pháp đánh bại những quân đoàn viễn chinh chứ không phải Việt Minh. Chính khách Pháp đã chậm trí khôn để học thuộc lòng bài học này. Chỉ 4 năm sau Điện Biên Phủ,  Pháp suýt bị rơi vào cuộc cách mạng trong cuộc chiến thuộc địa khác, lần này ở Algeria. Nó dẫn đến cuộc đảo chánh đưa Charles de Gaule nắm quyền.
Hà Nội hiểu vấn nạn này hơn những kẻ làm chính sách ở Washington. Tin rằng Bắc Việt chỉ là một quốc gia nhược tiểu, lạc hậu và nghèo đói, tổng thống Johnson cam kết với cử tri rằng Mỹ đã được an bài để thắng cuộc chiến. “Bởi vì chúng ta chiến đấu cho những giá trị và nguyên tắc hơn là chiến đấu giành lãnh thổ hay thuộc địa, sự kiên trì và nghị lực của chúng ta vô tận.” Henry Kissingerđoan quyết với niềm tin “Chúng ta mạnh đến mức Hà Nội không thể đánh bại chúng ta về mặt quân sự.” Bắc Việt không cãi sự xác nhận này, họ chỉ coi như không thích đáng.
Mao Trạch Đông dạy rằng có 3 giai đoạn trong chiến tranh nhân dân. Giai đoạn đầu còn thiếu thốn, phiến cộng áp dụng chiến thuật du kích để tránh tiêu hao lực lượng bởi cường địch. Để phát triển khỏi giai đoạn này, phiến cộng phải động viên quần chúng ở thôn quê để có được tài nguyên và làm chủ một nguồn nhân lực lớn lao cho quân đội. Trong giai đoạn hai, phiến cộng phối hợp du kích chiến và quy ước chiến hạn chế. Giai đoạn bacơ sở tài nguyên phải bành trướng sâu xa hơn và quân sự phát triển thành một đạo quân quy ước hiện đại. Lúc đó phiến cộng mới ngang nhiên chiến đấu với kẻ địch một cách bình đẳng và đạt thắng lợi.
Binh pháp Mao thành công ở Trung Hoa, nơi người Tàu chiến đấu với người Tàu. Nhưng du kích Hồ Chí Minh đương đầu với quân đội ngoại quốc, không phải Việt Nam, một kích thước thêm vào Mao chưa hề đối phó. Hồ Chí Minh tin rằng kích thước dôi trội này đã đánh bại Pháp và sẽ  đánh bại Mỹ. Trao đổi với một nhà ngoại giao Ba Lan năm 1963, Hồ dự kiến Mỹ phải rút khỏi Việt Nam vì mệt mỏi, ngã lòng, biết rằng họ sẽ không đạt được mục tiêu mà người Pháp đã theo đuổi và thất bại, sẽ dẫn đến  một tỉnh thức mới, cảm xúc mới.” Giáp phát biểu đơn giản:” Dân chủ không sở đắc phương tiện chính trị và tâm lý trong trường kỳ kháng chiến.”
Chiến lược Hồ là khai thác nhược điểm này bằng những chiến thuật cắt xén để khai thác “những mâu thuẫn trong hàng ngũ địch.” và nhân đó làm mạnh cảm xúc phản chiến  ở Mỹ. Một chiến thuật được Việt Cộng áp dụng là bắn vào lính Mỹ ngoài bìa làng để Mỹ pháo kích. Nó gây căm thù trong dân làng và những tin tức về thương vong dân sự gợi phong trào phản chiến Mỹ. Sô Viết nhận thấy chiến lược Hồ đủ thuyết phục để giao phó cho KGB trách nhiệm cung cấp tin tình báo những lượng định tình hình chính trị ở Mỹ, giúp Bắc Việt uốn nắn chính sách quân sự đạt tối đa hiệu quả chính trị.
Bằng chiến tranh chính trị, Bắc Việt không cần  đánh bại Mỹ mặt quân sự. Bắc Việt chỉ phải chịu đựng bền bỉ. Cử tri Mỹ sẽ đảm đương mọi phần còn lại.
Nhược điểm chính trị Mỹ đặt Hmong vào thế bất lợi sinh tử. Thời gian và dân số  ở về phía Cộng Sản. Nếu Bắc Việt chỉ tiếp tục ở Lào, người Mỹ sẽ rút và bỏ rơi Hmong. Năm 1969, Mỹ đã tỏ dấu bỏ cuộc. Nixon gọi là “hòa bình trong danh dự.” Đó là danh xưng dành cho quần chúng Mỹ. Mục đích giống như Pháp đã đạt được ở Algeria, “triệt thoái vì chính sách chứ không phải sụp đổ,” rút quân tùy nhịp độ và tùy thời đểm tự chọn như thể giảm thiểu cường độ chiến tranh chứ không phải quy hàng.
Ngay cả nếu như Mỹ không triệt binh, dân số Hmong cũng quá ít để kéo dài cuộc chiến lâu hơn Bắc Việt. Khoảng 300 ngàn Hmong ở Lào, so với 20 triệu bắc Việt. Quân đội Vang Pao chưa bao giờ quá 40 ngàn. Đầu thập niên 1970, số tử vong đã vét cạn thanh niên Hmong trong hạn tuổi nên một nửa quân số lực lượng du kích Vang Pao là người Thái Lan. Mặt khác, quân số Bắc Việt lên đến lên đến 250 ngàn người khoảng đầu thập niên 1960 và cuối thập niên, 500 ngàn binh sĩ. Đa số cán binh này được phân bổ khắp chiến trường miền Nam nhưng một quân số hơn 60 ngàn ở lại Lào, bổ sung, tăng cường với đầy đủ sức mạnh  hơn một thập kỷ.
Các lãnh đạo Bắc Việt chấp nhận chiến đấu ở Lào thêm một thập niên nữa nếu cấn thiết. Năm 1969,  các chiến lược gia quân sự nghiên cứu dân số các làng mạc khu Tây Bắc, giáp giới Lào, trải dài từ Mộc Châu cho đến biên giới Trung Cộng. Tính theo đầu người, họ ước tính có đủ em bé sơ sinh, trẻ con, thiếu niên bảo đảm cho nguồn nhân lực đủ bổ sung cho 10 ngàn tử vong chiến trường ở Lào mỗi năm suốt 14 năm nữa.
Pôn Pốt, lãnh tụ khát máu của Miên Cộng (Kampuchia), hoang tưởng mỗi binh sĩ Khmer đỏ có thể dễ dàng hạ sát 50 chiến binh Bắc Việt, do đó có thể  đánh bại Việt nam trong một trận chiến toàn lực. Chỉ trong 2 tuần tháng Giêng năm 1979, một cuộc xâm lấn của Việt Nam tàn nhẫn đập tan ảo tưởng ấy. Vang Pao không hề thưởng thức ảo tưởng như vậy, nhưng ông hy vọng những chiến thắng mang tính quyết định sẽ làm cho Bắc Việt tử bỏ mộng xâm lấn Lào. Hà Nội không hề nghĩ như vậy. Khả năng chịu đựng tổn thất lớn lao trong một trận chiến quy mô là chiến lược then chốt của Cộng Sản.  Giống như tại Việt Nam, cuộc chiến Lào là chiến tranh tiêu hao nhưng với một tương đối thiếu nhân số về phía Hmong. Vang Pao nhờ vào không lực Mỹ bù vào khiếm khuyết ấy.  Nó chỉ trì hoãn cái  thất bại không thể tránh. Năm 1969, Vang Pao trưng binh cả trẻ con Hmong để bổ sung các cấp trong hàng ngũ quân đội của ông.
Có một truyện cổ tích về cuộc chiến giữa bầy cào cào và bầy khỉ. Cào cào tràn ngập lãnh thổ bầy khỉ như một đám mây. bầy khỉ đuổi đánh bằng gậy, nhưng cào cào nhảy lên đầu bầy khỉ và trong lúc hăng máu, bầy khỉ đập đầu nhau cho đến chết. Khi còn lại một con khỉ cuối cùng, vì quá đói vì dùng sức trong trận đánh, nó bắt đầu ăn cào cào hàng ngàn con rồi đến hàng ngàn con nữa cho đến khi bể bụng chết.
Quá nhiều lính Bắc Việt cho Hmong tiêu hóa.
 
Khởi sự.
Sau khi bỏ Tha Vieng, Vang Pao dừng quân ở Pha Khao, một làng núi mép Nam Cánh Đồng Chum nơi có một phi đạo thô sơ, có thể đón nhận vũ khí và tiếp phẩm. Lair đã để lại một đơn vị Không Cảnh Thái Lan cho Vang Pao. Trưởng toán Không Cảnh liên lạc vô tuyến với Lair cho biết vị trí mới của họ và xin thêm vũ khí, đạn dược. Vũ khí và thêm một Không Cảnh khác giúp việc huấn luyện.
Hàng nhiều năm Không Cảnh dùng một khóa học 3 ngày huấn luyện các binh sĩ thiểu số. Khóa học tuy ngắn nhưng hiệu quả. Người Thái Lan vẫn dùng hệ thống huấn luyện này cho người Hmong ở Pha Khao. Ngày đầu tiên học về sử dụng súng trường carbine M-1. Ngày thứ nhì cách sử dụng súng cối, bazookas và súng máy. Ngày cuối cùng thực tập phục kích.
Một phần của huấn luyện phục kích là giăng giây  gài lựu đạn. Binh sĩ mãn khóa đầu tiên thực tập giăng lựu đạn bẫy chung quanh căn cứ theo lịnh Vang Pao. Ngày hôm sau, một toán tuần tiễu Pathet Lào mò vào khu vực và vướng lựu đạn. Khóa sinh Hmong dùng vũ khí mới đuổi bắt Cộng Sản giữa lằn đạn. Địch bỏ chạy, bỏ lại vài người chết  và bị thương. Lair có mặt chứng kiến cuộc phục kích. Có vẻ như chiến dịch Động Lượng có kết quả.
Địch quân đã biết vị trí của mình, Vang Pao dời bộ chỉ huy lên hướng Bắc cách Pha Khao vài ngọn núi, đến một chỗ gọi là Pa Dong. Làng Pa Dong một thời là  địa điểm thu mua thuốc phiện của ban thu mua nha phiến Pháp. Người Pháp đã xây cất một phi trường nhỏ để phi cơ có thể vận chuyển thuốc phiện đến nhà kho ở Sài Gòn. Phi trường vẫn còn đó nhưng cây cối đã mọc lấp. Vang Pao huy động dân làng, hầu hết đàn bà, trẻ con sửa sang lại phi đạo. Trong vòng vài ngày, máy bay CIA bắt đầu thả dù vũ khí: carbines thời Đệ Nhị Thế Chiến, Garands M-1, trung liên BAR (Browning Automatic Rifles), súng cối và hỏa tiễn cá nhân (bazookas)- đủ trang bị cho 2 đại đội. Không Cảnh Thái Lan chia 200 binh sĩ Hmong thành 2 đại đội, cấp tốc huấn luyện 3 ngày và trao 2 đại đội này cho Vang Pao. Liền tức thì ông tung quân về hướng Nam thành phố Xiêng Khoảng để xem họ có thể làm được gì. Chỉ vài ngày, họ phục kích một đoàn quân Pathet Lào, hạ sát 15 mạng.
Phấn khởi, Vang Pao muốn có thêm nhiều đơn vị. Yang Youa Tong và Thao Sao Chia đã bắt đầu tổng động viên, dời hàng ngàn Hmong đến 7 yếu điểm chiến lược định sẵn. Vang Pao liên lạc vô tuyến với Yang Youa Tong và Thao Sao Chia yêu cầu gởi tân binh đến Pa Dong thụ huấn quân sự. Hàng trăm tình nguyện quân từ mọi khe núi đổ về căn cứ. Người tị nạn ở rải rác trên Cánh Đồng Chum cũng tụ tập nơi đây tránh chiến tranh. Lều và nhà lá mọc  san sát để cung ứng cho cư dân ngày một đông đảo. Hai máy bay Dakota chở đầy vũ khí và tiếp liệu hạ cánh mỗi ngày để bỏ hàng. Như thế vẫn không đủ bắt kịp với làn sóng người tị nạn và tình nguyện quân ùn ùn kéo về. Tất cả đều mang theo gia đình.
Hai nhân viên CIA, Joe Hudachek và William Young đến phụ giúp Không Cảnh. Là huấn luyện viên bộ môn nhẩy dù thời Đệ Nhị Thế Chiến, Hudachek đến đó giúp huấn luyện quân sự. Young đến đó vì khả năng ngôn ngữ. Thêm vào việc nói trôi chảy tiếng Lào, anh còn nói được vài thổ ngữ nữa. Từ tháng Một cho đến tháng Hai, 2 nhân viên CIA và 5 người Thái Lan huấn luyện thêm 5 đại đội nữa.
Giữa tháng Ba, thêm 5 nhân viên CIA đến Pa Dong. Một người tên Anthony Alexander Poshepny, bí danh là “Tony Poe. Là cựu chiến binh thủy quân lục chiến, Poe đã đạt được nghiệp vụ chói sáng trong chức vụ nhân viên dã chiến. Năm 1957, Poe là 1 trong toán 5 người làm việc với phiến quân Sumatra lật đổ chế độ Sukarno ở Nam Dương. Sau khi âm mưu bại lộ, anh sang Tây Tạng tổ chức cho Đạt Lai Lạt Ma trốn thoát. Poe tiếp tục chọc giận các lãnh tụ Bắc Kinh bằng cách huấn luyện lực lượng xung kíchTrung Hoa Quốc Gia xâm nhập Hoa Lục. Cùng với Poe còn có Tom Fosmire, Jack Shirley, Lloyd “Pat” Landry và Thomas Ahern. Fosmire từng làm việc với Poe ở Tây Tạng. Shirley là chuyên viên Không Cảnh, ở trong tổ chức Không Cảnh cũng lâu như Lair. Landry là một nhân viên dã chiến ở Âu Châu và Á Châu. Chỉ Ahern là người mới. Chán bàn giấy CIA ở Vientaine, anh vận động để được phục vụ dã chiến. Đây là công tác dã chiến đầu tiên của anh.
Cùng với 5 CIA là 4 toán Không Cảnh Thái Lan. Công việc tập thể của họ là tiếp xúc với Hmong ở 7 địa điểm chiến lược và thành lập 6 căn cứ huấn luyện mới: 1 ở Ban Na, Bắc Pa Dong; 1 ở Phu Fa, mép tây Cánh Đồng Chum; 3 căn cứ khác, San Tiau, Tha Lin Noi, Muong Ngat ở mép Đông cánh đồng và 1 ở Houei Sa An, Bắc cánh đồng.
Cuối tháng Tư, chiến dịch “Động Lượng” đã võ trang tổng cộng 5000 Hmong và luân phiên thụ huấn chương trình huấn luyện 3 ngày. Đó là một phần nhỏ hơn lực lượng Vang Pao mơ ước muốn có nhưng với Bill Lair, nó đã tạm đủ vì ông muốn mọi sự phải kín đáo, không ai biết. Ông cảm thấy quá nhiều người Mỹ nơi tiền tuyến. Người Mỹ lôi cuốn chú ý, nhất là bọn Bắc Việt. Lair muốn mọi sự giao phó cho Không Cảnh Thái Lan.
Lair quên tiên liệu việc tranh chấp hành chánh giữa CIA và quân đội, khó tránh khỏi khi chương trình phát triển. Quân đội Mỹ, đầu tiên tổ chức Phòng Thẩm Định Viện Trợ (PEO), sau đổi thành MAAG/Laos (Military Assistance Advisor’s Group/Laos – Nhóm Cố Vấn Quân Sự Lào), muốn các toán White Star huấn luyện Hmong. Một số ngân khoản lớn dành cho giai đoạn đầu của chiến dịch Động Lượng lấy từ ngân sách quân đội Mỹ, tạo điều kiện cho bộ Quốc Phòng ép CIA phải nhượng bộ. Tuy nhiên quyết định là do tổng thống. Tai họa vịnh Con Heo do CIA tổ chức vẫn còn ầm ĩ trên mặt báo. Kennedy  trở nên thận trọng hơn với CIA và không muốn CIA hoàn toàn tổ chức lực lượng bán quân sự ở Lào. Ông muốn các toán White Star của quân đội tham gia như một đối trọng với CIA.
Toán White Star đầu tiên, do đại úy Bill Chance đến Pa Dong vào cuối tháng Tư. Bây giờ có rất nhiều da trắng trong căn cứ. Như Lair canh cánh lo ngại, Bắc Việt bắt đầu để ý đến Pa Dong.
 
Edgar Buell.
Hầu như mỗi ngày Vang Pao đáp máy bay trong một phi cơ loại Helio-Courier của Air America, một máy bay chế tạo đặc biệt cho việc cất cánh và hạ cánh bằng phi đạo ngắn (STOL, Short takeoffs and Landings), đến những làng xa xôi để trông coi tổ chức gọi là “những đại đội xung kích”- Những đơn vị cơ động cao có khả năng đánh mau rút lẹ. Cuối tháng Năm, 84 đơn vị được thành lập và bố trí quanh Cánh Đồng Chum. Những đơn vị này hầu hết là trên danh sách. Ít người được huấn luyện quân sự hay vũ trang. Nhân viên CIA, Không Cảnh hay cố vấn  White Star đến các nơi này để trông coi việc xây dựng phi trường để tiếp tế vũ khí, vật liệu quân sự. Mất gần 1 năm các đơn vị xung kích này mới có đủ vũ khí để tự vệ, chứ chưa đủ đảm đương những cuộc hành quân tấn công địch.
Dù vũ khí đến chậm nhưng thực phẩm, quần áo, thuốc men được thả dù đều đặn. Mục đích không hẳn là nhân đạo. 80000 Hmong được huy động để yểm trợ, hay nhập ngũ trong quân đội du kích Vang Pao theo hiệu lịnh của Yang Youa Tong, Thao Sao Chia và sau này, LyFoung Touby. Họ trung thành với 3 người này chứ không phải với Vang Pao. Muốn chuyển sự trung thành đó cho mình, Vang Pao cần ban phát những nguồn lợi cụ thể. Bill Lair hiểu điều ấy và phát động một nỗ lực cứu trợ quy mô qua ngân quỹ của  USAID (Cơ Quan Phát Triển Quốc Tế) do Edgar Buell tổ chức, một  tình nguyện viên lãnh 65 Mỹ kim 1 tháng do cơ quan thiện nguyện quốc tế IVS (International Voluntary Service), một tổ chức tư nhân, chu cấp.
Buell bắt đầu chuyến công tác cho IVS ở Lat Houang, 1 thị trấn 1000 người phía Đông Bắc Cánh Đồng Chum. Buell là nông dân da đỏ, khỏng khoeo, chân vòng kiềng và lùn tịt bằng người Hmong. Ông bỏ nghề nông lúc chưa đến ngũ tuần sau cái chết của vợ. Phiền muộn triền miên vì tình cảnh góa bụa, Buell nghe lời khuyên bác sĩ, tìm một công việc tình nguyện nào đó khuây khỏa. Viên bác sĩ nghĩ đến những công việc xã hội tại địa phương  chứ không phải công tác cứu trợ ở chốn xa xôi hàng vạn dặm như Lào. IVS thuyết phục ông rằng ông có thể làm những việc hữu ích ở cao nguyên Lào, nơi những nông dân nghèo đói, quần quật với mảnh đất bằng những nông cụ thời thạch khí.
Thoạt tiên, công việc của Buell với IVS là giảng dạy kỹ thuật canh nông hiện đại cho Hmong. Nông trại hiện đại do USAID tài trợ đã hoạt động ở Lat Houang. Nông trại có 2 máy cày, máy trồng bắp và máy gặt bắp. Đất nơi ấy đã cạn kiệt màu mỡ vì đã canh tác nhiều năm không chăm bón và do đó, bị bỏ phế từ lâu. Dù thế IVS vẫn trồng bắp, nhìn cây mọc cao đến đầu gối, còi cọc lần hồi rồi chết rụi.
Buell không chống đối kỹ thuật nông nghiệp hiện đại nhưng phải được ứng dụng một cách hợp lý. Nông trại ở Lat Houang không chỉ phí thì giờ, nó còn gieo ấn tượng kỹ thuật tân tiến thật là vô tích sự. Buell tránh  văn phòng IVS và bỏ hết thời gian ra ruộng với nông dân, xem họ làm việc và học ngôn ngữ của họ. Ông chỉ dẫn thợ rèn trong làng cách rèn lưỡi cày gắn vào cái cày bằng gỗ, một cải cách thực dụng khiến mọi người kính trọng. Ông có một xe ủi đất của USAID cấp, ông mướn 1 toán Hmong xây đập bằng đất, dẫn thủy nhập diền và sau này làm 1 con đường dài 20 dặm cũng bằng cái xe ủi ấy. Nhắc lại, ông chỉ lãnh 65 Mỹ kim 1 tháng, vừa đủ ăn uống nhưng không đủ may mặc.
Trong lúc làm đường, Kong Lê chiếm chính quyền và Mỹ cắt viện trợ cho Lào khiến Buell không có tiền trả cho công nhân làm đường lộ. Buell dùng tiền để dành trả lương cho họ và vẫn tiếp tục làm đường. Nhưng khi chiến cuộc lan tràn khắp Cánh Đồng Chum, Buell bỏ việc làm đường, xoay sang cứu trợ nạn nhân chiến tranh. Làm việc với người tị nạn  khiến ông tiếp xúc gần gũi hơn với USAID. Buell biết cơ quan này đầy những nhân viên CIA và nó làm ông khó chịu, nhưng vì tiền của CIA hầu như vô tận và dường như họ muốn cho không dân Hmong. Cảm ơn lòng tốt CIA.
Cuối tháng Một năm 1961, Buell ở Vientaine với các tình nguyện viên IVS khác hoạch định chương trình cứu trợ đặc biệt cho nạn nhân chiến tranh do USAID tài trợ. Cuộc cứu trợ dành cho Hmong của Vang Pao cho nên Buell mới được triệu hồi về Vientaine để hội ý.  Vài tháng trước, trong một cuộc họp với 1 người trong nhóm Vang Pao, Buell được biết  kế hoạch di dân gồm khoảng 200 làng và được xem bản đồ những địa điểm định cư mới. Buell là người Mỹ duy nhất biết các nơi chốn ấy.
Trong vòng 3 tháng, mỗi ngày Buell và các tình nguyện viên khác  chất những bao gạo (96 cân Anh 1 bao), quần áo, thuốc men từ nhà kho ở Vientaine lên phi cơ C-47 rồi theo phi cơ đến các nơi khắp Cánh Đồng Chum. Khi họ bay qua một khu tạm dựng lều của Hmong, Buell buộc giây an toàn vào bụng, đạp những món hàng USAID rơi xuống đám người Hmong vẫy gọi bên dưới.
Chuyến bay đầy nguy hiểm. Chỗ dựng lều tạm của Hmong thường khuất trong những đỉnh núi cao, một chút bất cẩn là máy bay va vào núi. Máy bay còn bị xạ kích bởi những lực lượng bên dưới. Một phi vụ, Buell đếm 27 lỗ đạn trên 2 cánh máy bay. Mùa mưa thì nguy hiểm hơn. Bay trong điều kiện tầm nhìn xa là zero, va vào núi là một đe dọa thường xuyên. 23 nhân viên cứu trợ chết vì tai nạn máy bay va vào núi.
Vài ngày trong công tác, Buell phát hiện 1 nhóm Hmong đi về hướng Nam, không đi về  những chỗ Vang Pao chỉ định. Họ mới chính là những người tị nạn chiến tranh thực sự, không bị Vang Pao cũng như ai xúi giục, và họ đông đến 50000 người. Buell nghe đồn về tin ngừng bắn. Ông hy vọng tin này thành sự thực. Nếu chiến tranh chấm dứt, dù chỉ tạm chấm dứt, ông vẫn còn cơ hội đổ hàng cứu trợ xuống đoàn người khốn khổ, không nhà cửa, không thực phẩm đang chết dần mòn vì đói khát hay bị Cộng Sản tàn sát.
Kong Le
Edgar Buell