Chương 2
Khởi nghĩa.

Khi ngân sách Lào trong nguy ngập triền miên, người Pháp tiết giảm tổng chi phí hành chánh bằng cách lưu dụng các quan lại Lào thuộc triều đình: vua và các đại thần, dưới đó là các quan chủ tỉnh, to lớn và cồng kềnh với làng (bản) hợp lại thành xã (tassengs), xã tụ hợp thành hạt (kongs), hạt thành quận (mường), quận thành tỉnh (khoảng). Mỗi tỉnh được cai trị bằng một tỉnh trưởng (chao khoảng), cái mắt xích đầu trong chuỗi mệnh lệnh từ tỉnh nối xuống quan huyện (chao mường), hạt trưởng (nai kongs), xã trưởng (tassengs) và dưới cùng là các trưởng làng (nai bản).
Theo lý thuyết, tỉnh trưởng chiụ trách nhiệm thẳng với các đại thần trong triều, và chuỗi lệnh lạc từ tỉnh xuống làng không hề đứt đoạn. Nhưng các tỉnh trưởng thường hành động như những lãnh chúa hay sứ quân. Ít khi quan huyện (chao mường) để ý đến luật lệ từ tỉnh, và cũng thế, xã trưởng cai trị xã của họ như thể nó là thái ấp riêng. Nói chung, nó là một hệ thống hành chánh nặng nề, vô hiệu quả và tham nhũng.
Đằng sau cái cấu trúc hành chánh dài thậm thượt này, Pháp đặt một viên gạch hành chánh nhỏ gọn tận chót đỉnh. Cao nhất là viên thống sứ (resident superieur), kế đến là uỷ viên hay còn gọi phổ biến hơn, là công sứ (resident), trụ sở ở các tỉnh, công việc của họ là theo dõi một cách lỏng lẻo và dùng nó để thu thuế và hành xử chính sách thuộc địa. Về binh lực, mỗi công sứ có một liên đoàn lính vệ binh bản xứ (Garde Indigene, chừng 2000 người), một bộ phận quân sự chủ yếu là người Việt, tuyển mộ tại VN.
Đó là một dạng thức thuộc địa chủ nghĩa ít tốn kém, không can thiệp, mô tả bởi một học giả như là một thể thức cai trị “thả nổi một cách hiền hòa trên chót đỉnh của hệ thống hành chánh quan lại cũ... mà nó không cản trở”. Tuy vậy, nó cũng có một khuyết điểm, nhiều thập niên sau người Pháp mới tường tận đó là khuyết điểm gì. Năm 1921, sau một cuộc dấy loạn 4 năm của người Hmong, công sứ Xiêng Khoảng lưu ý rằng “chúng ta gián tiếp thiết lập một giai cấp lãnh đạo trên dân cư, người gạn lọc tất cả các khiếu nại của kẻ kém may mắn thấp kém hơn, gây khó khăn cho chúng ta trong việc hiểu rõ tình cảnh của họ.” Viên công sứ này ám chỉ đến người Hmong khi viết những lời này, vì họ không chịu đựng sự hà hiếp một cách dễ dàng. Sự quan ngại của ông được âm hưởng 10 năm sau bởi một nhà nhân chủng học người Đức, một người thích mạo hiểm sống với người Hmong và thường nhập bọn trong những cuộc săn bắn lớn. Khát vọng độc lập, sự dũng cảm dám thách đố cái chết, lòng yêu chuộng tự do cuồng nhiệt được tôi luyện qua hàng ngàn năm chiến đấu chống lại bọn áp bức có sức mạnh vượt trội, đã làm cho họ khét tiếng như một chiến sĩ đáng nể sợ, sẽ có lẽ gây khó khăn cho thực dân.
Nhiều thập niên người Pháp xao lãng mối nguy cơ này và tin rằng hệ thống hành chánh của họ thực sự làm gia tăng uy tín của họ với các chủng tộc thiểu số trong nước. Đặt người Lào chèn vào giữa người miền núi và chính quyền thuộc địa, nó được thiết tưởng là những oán hờn về sưu cao thuế nặng sẽ chuyển hướng từ người Pháp sang người Lào, kẻ trực tiếp thu thuế. Không ai đếm xỉa đến khả năng chịu đựng áp bức bởi những quan lại bản xứ có thể châm ngòi cho một cuộc khởi nghĩa đổ máu.
Năm 1896 thu nhập chính quyền thuộc địa ở Lào chỉ đạt được 45/100 tổng ngân sách chi tiêu. Để lấp bằng sự chênh lệch người Pháp tăng thuế và nhắm vào việc nhúng tay vào thuốc phiện của người Hmong, sách nhiễu rằng người Hmong đóng một phần thuế bằng thuốc phiện với một giá được ấn định rẻ hơn thị trường rất nhiều. Bất mãn với luật thuế má mới, Hmong cầu cứu sự giúp đỡ nơi các đại tộc trưởng của họ.
Từ xa xưa khi còn ở bên Trung Hoa, Hmong có thói quen tôn trọng các tộc trưởng như những tiểu vương (kaitongs, có sách dịch là thổ hào). Có 3 thổ hào ở Lào là dòng họ Lý, Lo và Moua, cai trị như tam đầu chế với họ Lo, Lo Pa Sy, là đại biểu. Lo yết kiến Kham Huang (sắc tộc Lào), tỉnh trưởng người bản xứ Xiêng Khoảng, khiếu nại về thuế mới. Hoang chuyển hướng sự đổ lỗi cho viên công sứ Pháp vì Huang chỉ có bổn phận thu thuế thôi. Lo Pa Sy thỉnh cầu một cắt nghĩa với viên công sứ nhưng người Pháp từ khước không thảo luận chính sách nhà nước với thủ lĩnh thổ dân thất học. Sau khi cộc cằn đuổi vị thổ hào (kaitong), viên công sứ ra lịnh cho các đơn vị vệ binh bản xứ thâm nhập vào miền núi nhằm đe dọa người Hmong.
Cuộc động binh quả không cần thiết vì người Hmong vốn sợ Pháp, bọn mà Hmong gọi là Pháp quỷ (Fa Kouie). Lo Pa Sy muốn để vấn đề chìm lắng nếu không được viên công sứ nâng đỡ cho một hành động. Tổ tiên ông tỉnh trưởng Huang đã cai trị tỉnh này từ nhiều đời như một thái ấp riêng. Ông ta trung thành nhưng người Pháp vẫn coi ông như giống người hạ đẳng. Huang muốn người Pháp khiêm tốn hơn. Biết rằng người Hmong không thích bị cai trị bởi những ai khác chủng tộc, Huang cam kết một thỏa ước với Lo Pa Sy, hứa hẹn quyền tự trị lớn hơn nếu họ đánh đuổi Pháp ra khỏi tỉnh.
Hmong đầu tiên tấn công quân Pháp ở bản Khang Pha Nien, một đồn binh nhỏ tây bắc Nong Het. sau một chạm súng ngắn ngủi, người Pháp đẩy lui họ. Phiến quân tập trung lại, mộ thêm chiến sĩ và tấn công chỉ huy sở tỉnh ở thành phố Xiêng Khoảng. Hmong trang bị cung tên và súng hỏa mai, chỉ hiệu lực ở tầm bắn gần. Lính bản xứ dưới quyền chỉ huy của sĩ quan Pháp võ trang súng carbine hiện đại, đốn ngã từng đợt Hmong trước khi Hmong tiến gần tầm bắn của họ.
Người Pháp khám phá vai trò của Huang trong cuộc nổi loạn và sa thải ông. Họ nhân nhượng hơn với bộ tộc Mèo (Pháp gọi Hmong là Mèo). Sự hung tợn của các chiến sĩ Hmong làm hoảng kinh các sĩ quan thiện chiến Pháp, ngay cả khi họ thua trận. Trả thù thô bạo chỉ xô đẩy họ vào con đường chiến tranh. Lại có thêm lý do để chắp nối hòa khí với Hmong. Những cánh đồng thuốc phiện trải dài hàng trăm dặm xuyên suốt các triền núi từ Quế Châu, Vân Nam bên Trung Hoa và phủ kín các ngọn đồi đá vôi bắc Lào. Pháp trù liệu một độc quyền kinh doanh ma túy của nhà nước kiểm soát mua, bán, phân phối thuốc phiện khắp Đông Dương.
Viên công sứ Xiêng Khoảng tổ chức cuộc đàm phán hòa bình ở Bản Bản, một làng cách tỉnh đủ xa như một địa bàn không thuộc phe nào, trên lộ 6 để dễ đi lại bằng xe hơi. Sự kiện này khiến viên công sứ có thể về dinh mỗi đêm (cung điện công sứ Pháp nguy nga, đồ sộ so với dinh tỉnh trưởng người bản xứ tọa lạc bên cạnh), nơi ông được đảm bảo một bữa ăn tối sang trọng và một giấc ngủ yên trên giường của mình.
Lo Pa Sy không giữ vai trò gì trong cuộc đàm phán. Mất uy tín vì thua trận bọn lính vệ binh bản xứ (Garde Indigene), nhiệm vụ của ông được thay thế bởi Moua Tong Ger, tiểu vương thị tộc Moua. (xin lưu ý, tôi dịch clan = thị tộc, ví dụ 3 thị tộc lớn Hmong là Lo, Ly và Moua – Ethnic group = bộ tộc, gồm nhiều thị tộc. Ví dụ bộ tộc Hmong có 3 thị tộc lớn là Lo, Ly và Moua.) Moua Tong Ger là một nhà đàm phán giỏi. Cuộc đàm phán kết thúc với một lời hứa giảm thuế và bớt dùng những quan chức trung gian người Lào mà thay vào đó là người Hmong. Moua Tong Ger được phong làm chánh tổng Nong Het, người Hmong đầu tiên trong nước giữ chức vị này. Những Hmong khác giữ chức trưởng làng. Đây là sự kiện quan trọng đáng ghi nhận. Theo hành chánh truyền thống, trưởng làng được thiết tưởng tuyển chọn qua bầu cử và được tư vấn bởi một hội đồng bô lão; nhưng thể lệ này chỉ được áp dụng ở vùng thấp, nơi người Lào cư ngụ. Tại miền núi trên vùng cao, sự tuyển dụng bằng sự bổ nhiệm từ cấp cao, với mọi chức vụ toàn người Lào nắm giữ, hay bởi người Thái thượng du vùng đông bắc, nơi họ là một lực lượng chính trị hùng hậu. Bây giờ, rốt cuộc làng mạc Hmong đã có trưởng làng thuộc bộ tộc mình, bầu bởi mình. Người Hmong cũng có chánh tổng riêng, coi như họ đạt được một thế đứng chính trị và quyền kiểm soát hành chính hạ tầng trong những công việc của họ.
Dù với những nhượng bộ này, trong vòng 20 năm, Hmong lại thêm lần nữa khởi chiến. Sau lưng thực dân Pháp, quan chức Lào thu thuế cho riêng họ một cách bất hợp pháp, tịch thu thuốc phiện, ngựa người Hmong mà không trả tiền. Nó là một mưu toan áp dụng trở lại hệ thống thuế cũ trước thời Pháp bảo hộ: tự tiện và không hạn định, đánh vào người miền núi, gồm không chỉ thuế hộ khẩu giá 2 đồng bạc (đúc bằng bạc) mà còn cống phẩm bất thường như ngà voi, sừng tê giác, thịt nai và thuốc phiện.
Các trưởng làng đệ trình một phản đối với công sứ Pháp, nhưng không hiệu quả. Bất mãn càng tăng vào năm 1916 khi nhà cầm quyền thực dân chính thức tăng thuế vào thuế hộ khẩu từ một lần một năm thành hai lần mỗi năm mỗi đầu người gồm cả trẻ em lẫn người lớn.
Theo quan điểm của thực dân thì thuế đánh vào người Hmong còn quá nhẹ so với người Việt và Cambodia. Trong khi không ai nghĩ người Hmong có khả năng chịu đựng thuế nặng như nông dân Việt, người ta vẫn giả thiết rằng Hmong có thể đảm đương bổn phận thuế như người Cambodia. Hàng năm nông dân Cambodia đóng thuế nhân khẩu cho mỗi đầu người trong hộ cũng như thuế tài sản, gia súc và thuế mua muối, rượu. Người Cambodia cũng phải làm công tác sưu dịch (làm không công cho nhà nước một thời hạn ngắn mỗi năm như một thứ thuế).
Đây là cải cách thuế khóa cuối cùng, ban hành tại Lào năm 1917, gây nên mối bất mãn rộng lớn. Người Pháp cần cưỡng bách lao động để tiết giảm chi phí xây dựng hệ thống đường sá nối Lào và VN. Đường lộ là một nỗ lực vô vọng khác khiến Lào có thể đem lợi cho thực dân. Lý thuyết nền tảng cho kế hoạch phóng đường này mà Pháp mệnh danh là debloquement (mở rộng), rằng phát triển kinh tế có thể được kích thích tại Lào bởi một tiến trình “thẩm thấu kinh tế”. Phát triển giao thông giữa VN và Lào, Pháp hy vọng kinh tế năng động của VN sẽ “bão hòa” Lào.
Nhiều con đường mới băng ngang địa hạt Hmong, và hấu hết công tác sưu dịch lấy phu làm đường từ những làng Hmong ở tỉnh Xiêng Khoảng và Sầm Nứa, nơi các phu phen đã bị đốc thúc nghiệt ngã bởi các viên chức kỹ thuật muốn đạt thành tích mới. Bổn phận các phu sưu dịch thường kéo dài 3 tuần. Một tuần không trả tiền, 2 tuần còn lại được lãnh 28 đồng kíp, đủ trả thuế hộ khẩu cho một gia đình Hmong trong một năm.
Về phần người Hmong chuộng tự do, sưu dịch là một hình thức nô lệ - một sỉ nhục không thể chịu được. Họ cũng khó mà không biết người Lào vùng thấp, ai cũng như nhau, có đủ lợi tức đóng tiền thế cho sưu dịch, đóng ấn bộ tộc Hmong làm công tác phu lục lộ như loại người hạ đẳng. Một số Hmong cảm thấy quá nhục nhã nên di cư khỏi khu vực và không trở lại cho đến khi hệ thống đường lộ hoàn tất năm 1924.
Hmong đã chín mùi cho cuộc dấy loạn. ngày ấy chính là ngày Hmong nghe mệnh lệnh từ Trời và mang đức tin vào chiến trường. Đó là cuộc dấy loạn truyền thống Hmong, xa lạ với Lào nhưng rất quen thuộc bên Trung Hoa, nơi giáo thuyết cứu độ dân tộc Hmong đã biến vài cuộc nổi dậy thành cuộc thánh chiến.
Truyền thuyết cứu độ Hmong.
Thánh chiến Hmong bên Trung Hoa được khích động bởi truyền thuyết một vương quốc Hmong cổ, một thời vinh quang rực rỡ nhưng bị người Trung Hoa tiêu diệt. Nó không phải huyền thoại. Một vương quốc Hmong dậy lên vào thế kỷ thứ năm sau Công Nguyên từ tro tàn đế quốc Hán. Lúc ấy hệ thống tiền tệ Trung Hoa ở trong tình trạng thảm hại. Tiền đúc từ đồng nhưng kim loại ngày càng hiếm quý. Nông dân và thương buôn dùng hàng hóa đổi chác thay vì tiền. Chợ búa ít đi, thương mại điêu tàn và kinh tế suy sụp.
Chính trị cũng phản ảnh kinh tế đổ vỡ ấy. Chính quyền trung ương không còn nữa. Các lãnh chúa độc lập tranh quyền, một số thành công trong giai đoạn như Sima Yan (Tư Mã Viêm?) người đè bẹp đối thủ rồi vô hiệu hóa quân đội của mình bằng cách nấu chảy vũ khí đúc thành tiền dùng tái thiết chính quyền trung ương. Quốc gia trở nên không phòng vệ, Mông Cổ xâm lấn từ mặt bắc, Tây Tạng từ tây nam và Hmong vùng ngũ Hồ vùng Hồ bắc, Hồ Nam kếp hợp thành một liên minh đánh đuổi người Trung Hoa và thực hiện quyền tự trị.
Người Hmong từ lâu bị ức chế dưới sự cai trị của Trung Hoa, người liệt Hmong vào hàng hạ đẳng, không phải do màu da sáng cùng nét giống da trắng của mình, mà vì “họ từ chối không chịu đồng hóa văn hóa Trung Hoa, gọi họ là man di mọi rợ, là Mèo. Vì cảm thấy không có bổn phận tôn trọng quyền của người man rợ, người Trung Hoa hà hiếp Hmong một cách tự do, cướp đất của họ và quyền cai trị họ như một thần dân.
Những quan hệ về dấy loạn của Hmong rải rác trong lịch sử Trung Hoa.Tất cả những tấn tuồng này là những phản ứng chống lại sự áp bức liên tục, nhưng 40 cuộc nổi dậy ghi chép lại từ năm 403 – 561 phản ảnh một cố gắng tinh thuần nhằm chiến đoạt quyền lực chính trị và thực hiện quyền tự trị. Giữa thế kỷ thứ sáu, quan chức Trung Hoa một cách miễn cưỡng thừa nhận một vương quốc Hmong vùng ngũ Hồ, gợi khéo rằng vương quốc này có chức năng liên tục ít nhiều từ lúc bắt đầu thế kỷ thứ năm.
Trung Hoa đứng vững vào cuối thế kỷ thứ bảy và hưng binh chinh phạt Hmong. Trong một trận đánh khủng khiếp, vua Hmong, cùng các tướng đều tử trận. Hai trăm năm tiếp theo, dân Trung Hoa dưới sự bảo vệ của quân đội chiếm đoạt các ruộng vườn Hmong. Giống như dân da đỏ gắng sức lùi làn lũ lụt di dân da trắng, Hmong trả đũa bằng các cuộc tấn công binh lính Trung Hoa. Không khác kỵ binh Mỹ, lính Trung Hoa săn đuổi, tiêu diệt Hmong hàng ngàn người và biện hộ cho cuộc tàn sát như nỗ lực bảo vệ những người khai phá, đem văn minh đến những biên cảnh man dã. Hmong sống sót trong những cuộc tàn sát này rút lui vào vùng rừng núi Quế Châu, Vân Nam, và tây nam Tứ Xuyên, nơi hầu hết sắc tộc Hmong còn cư ngụ đến nay.
Để nuôi sống truyền thuyết, ký ức về một vương quốc cổ xưa lưu truyền qua nhiều thế hệ và sau này, vượt biên giới du nhập đông nam Á. Một thần thoại đi kèm theo truyền thuyết. “Một đức vua Hmong sẽ xuất hiện,...kết hợp lòng dân, tập họp mọi người và lãnh đạo họ chiến thắng bọn áp bức.” Nhân vật huyền thoại ấy là Chue Chao, một vị thần sinh ra bởi một phụ nữ và một thần mang hình dạng con lợn lòi, có quyền phép hô phong hoán vũ, làm địa chấn và tiêu diệt quân Trung Hoa. Theo truyền thuyết, người Tàu suy tôn Chue Chao là hoàng đế, rồi lập mưu giết ông. Giống Chúa Ki Tô, Chue Chao sống lại từ cõi chết. Ông lại cai trị Trung Hoa và bị người Trung Hoa ám toán lần thứ hai.
Thần thoại bảo đảm rằng khi thời điểm đến, Chue Chao sẽ phục sinh lần thứ ba và tái lập vương quốc Hmong. Lần xuất hiện cuối cùng này sẽ được tuyên bố bởi một cứu tinh Hmong, có thể là chính Chue Chao hay cũng có thể là người đại diện, làm những phép thuật. Phép thuật có thể có nhiều hình thức khác nhau nhưng hầu hết những truyền kỳ, có một lá cờ phép và một trinh nữ duy trì quyền năng của lá cờ ấy một khi vẫn còn đồng trinh.
Đấng cứu độ hay vị tiền hô (người rao giảng vị cứu tinh đã xuất hiện) sẽ chứng thật bằng cách phô bày chữ viết Hmong. Một điểm chua xót cho Hmong là họ không có chữ viết và vì thế, họ bịa đặt những câu chuyện nhằm bào chữa rằng sách Hmong mất từ lâu, chứa đựng lịch sử, truyền kỳ, và tôn giáo của họ, chìm dưới lòng sông trong khi chạy giặc Tàu.
Để an ủi, Hmong tự hào cái truyền thống (truyền khẩu), dù họ biết rằng chữ viết là quyền lực. Với loại chữ tượng hình hóc hiểm, người Tàu có thể làm những khế ước và quản trị hành chánh ở một lãnh thổ bao la như Trung Hoa. Không có “quốc ngữ”, Hmong có thể bị xử một cách tùy tiện trước tòa án. Họ không thể đọc một giao kèo hay kiểm chúng nội dung một thỏa ước. Chữ viết làm cho người Tàu lừa gạt người Hmong và đối xử với họ như giống người hạ đẳng. Hmong tin rằng với chữ viết, họ cũng có quyền năng như người Tàu vậy.
Truyền thuyết về đấng cứu tinh gây phấn khởi cho các cuộc nổi dậy qua nhiều thế kỷ, nhưng không cuộc dấy loạn nào đẫm máu, dữ dội như đã bùng nổ vào năm 1854 ở Quý Châu, nam nước Tàu kéo dài suốt 30 năm. Cuộc khởi nghĩa cuớp đi mạng sống của nhiều triệu người, gần như một nửa dân số của tỉnh nếu chúng ta tin sự ước lượng của một học giả Tàu. Tổn thất về phía chính phủ cũng rất cao. hầu hết binh lính bị sát hại, cả trong chiến trận lẫn bịnh tật, đôi khi 10 người chết 9 trong mùa hè, khi côn trùng, sâu bọ sinh sôi nẩy nở nhiều.
Có những lý do kinh tế về cuộc nổi loạn. Nhiều thập kỷ sưu cao thuế nặng và chiếm đoạt ruộng vườn của Hmong của nhà nước đẩy họ đến chỗ tuyệt vọng. Hmong đào mồ gia đình để tìm lại vàng bạc trang điểm cho người chết để mua gạo và đóng thuế. Khi chiến tranh xảy ra, nhiều người trong tình trạng sắp chết đói. Nhưng bất khuất không thôi không đủ cắt nghĩa hết được sức chịu đựng gian khổ và khốc liệt cuộc xung đột, hay tại sao những lãnh tụ Hmong đảm nhận những tước hiệu “Vua của ánh sáng trời (thần quang)”, hay “Đại đế”. Một thủ lĩnh, Tao Xinchun, được đồn đãi là con của một người có phù phép, kẻ khác rao giảng sự đáo lai của thời đại mới – Đó là tất cả những chỉ dấu của Hmong được nung nấu bằng Cứu độ thuyết.
Hmong chiếm những cứ điểm phòng thủ tốt, chỗ thì địa điểm cao với tường thành kiên cố, chỗ thì ngọn núi với sườn dốc đứng mà các quan chức Trung Hoa cho rằng chỉ có khỉ mới leo được. Xuất phát từ những cứ diểm này, Phiến quân vây khổn những thành phố lớn và chiếm dóng những cơ quan nhà nước, có khi lâu hơn một thập kỷ.
Vào lúc đó Bắc Kinh đã bận tâm với loạn quân Thái Bình Thiên Quốc của Hồng Tú Toàn đã nổi dậy ở các tỉnh phía đông, giúp Hmong rảnh tay củng cố lực lượng. Cho đến cuối thập kỷ 1860, chính quyền trung ương đã có điều kiện cử binh bình định Hmong. Quân đội triều đình tràn vào Quế Châu, trang bị súng trường Tây phương mua được của William Mesny, một lái buôn vũ khí người Anh. Mong mỏi các thương vụ tốt đẹp trong tương lai, Mesny tháp tùng binh lính đến Quí Châu để huấn luyện sử dụng vũ khí mới và cùng chiến đấu với họ để chứng minh niềm tin vào hàng hóa của mình.
Quân số đông đảo và vũ khí hiện đại đã đảo ngược ngọn triều. Quân Trung Hoa đánh đuổi phiến quân và cắt đứt đường tiếp vận. Hmong đói khát đành ăn thịt người, càng lúc càng phổ biến đến nỗi những tảng thịt người chưng bày trên các thớt hàng thịt ngoài chợ trên các thị trấn. Năm 1873, hầu hết phiến quân đều đã chết. Hơn 30 năm chiến tranh biến Quế Châu thành đất hoang. Những thành phố lớn hoang phế bao quanh bằng những bức tường đổ nát. Những dân cư sống sót chui rúc ở ngoại ô trong những túp nhà lợp rơm xiêu vẹo lẫn lộn với ngổn ngang tàn phá.
Bước qua thế kỷ 20, Quế Châu vẫn chưa hồi phục từ những tàn phá của chiến tranh thì các nhà truyền giáo Anh giáo (Methodist), dẫn đầu là mục sư Samuel Pollard, đến truyền giáo cho Hmong ở khu vực biên giới Vân Nam và Quế Châu. Mặc dầu tình cảnh khốn khổ của Hmong nơi ấy, chủ thuyết cứu độ chưa mất sức cuốn hút, Pollard sớm nhận thấy điều ấy.
Sứ vụ truyền giáo của Pollard đặt trụ sở ở Zhaotong, một thị trấn biên giới đa số người Lô Lô, nơi họ thu dụng các người Hmong nghèo đói làm tá diền. Một trong những mục đích của Pollard là phân phối Thánh kinh cho Hmong. Dùng một phiên bản có sửa đổi của loại chữ tượng hình được phát minh bởi các nhà truyền giáo trước, Pollard sáng tạo chữ Hmong và in Thánh kinh dùng chữ ấy dùng trong sứ vụ.
Khi tin đồn về Thánh kinh lan rộng, Hmong lũ lượt từng đoàn 10, 20 người để xem chữ viết họ thiết tưởng là chữ của họ mà tổ tiên làm thất lạc trong chiến tranh. Dần dần con số Hmong lên đến hàng trăm người. Pollard ngạc nhiên vì sự thành công này, đặc biệt khi thỉnh thoảng con số Hmong trẩy hội lên đến 1000 người một ngày. Ông coi đó là một thành công ngoài dự đoán so với thời tiết lúc ấy. “Khi họ đến tuyết đã phủ kín mặt đất. Cảnh tượng đoàn người băng qua các ngọn đồi tuyết thật là khủng khiếp. Đông không thể tả”.
Niềm thích thú của Pollard chuyển thành lo sợ khi những bổn đạo tân tòng bắt đầu chuyển dịch câu chuyện Chúa Ki Tô sống lại thành lời tiên tri về sự tái xuất hiện của đấng cứu độ Hmong. Các pháp sư (shamans) Hmong tề tựu, ngơ ngẩn với tiên tri về đấng cứu độ sắp giáng thế, người sẽ cứu Hmong thoát khỏi tay bọn Trung Hoa và Lolo.
Những tin này đem lại sợ hãi cho người Tàu và Lolo ở Zhaotong. bao quanh bởi đám đông Hmong mừng rỡ, và cảm thấy cuộc thánh chiến cận kề, họ buộc Pollard, suýt giết ông, rời cuộc truyền giáo ra khỏi biên giới Quế Châu, ở chỗ gọi là “Cổng đá” (Stone Gateway), một nơi cô quạnh bên sườn núi dâng tặng Pollard bởi những nhà giàu người Lolo tân tòng.
Cũng chủ thuyết cứu độ này khích động Hmong 14 năm sau. Đầu năm 1917, nạn hạn hán giáng xuống vùng tây nam Trung Hoa. Quế Châu, Vân Nam bị nặng nề nhất. Thời tiết xấu kéo dài cho tới năm sau. Mùa màng héo tàn, cuốn bay theo bụi đất và các bao tử quặn thắt vì đói khắp hai tỉnh.
Hmong ở giáp giới Vân Nam, Quế Châu đã phải đào rễ cây đủ loại ăn chống đói khi các nhà truyền giáo Anh giáo thiết lập một quỹ cứu tế cho họ. Sau khi quyên góp một số tiền bạc ở Thượng Hải (khu tô giới Anh) và Luân Đôn, để mua thực phẩm cứu trợ, các nhà truyền giáo phân phối trong những buổi lễ cho Hmong. Thoát chết đói và được rao giảng rằng đó là ân sủng của đức Cứu Thế, Hmong lũ lượt kéo nhau đi rửa tội. Giống như trường hợp Pollard 17 năm trước, Hmong kháo nhau về sự giáng thế cận kề của đấng Cứu Thế người Hmong, theo truyền thuyết, người cứu họ thoát khỏi ách áp bức, bóc lột của Trung Hoa, Lolo.
Một "đấng cứu thế" (không viết hoa) ra đời. Một pháp sư trong khu vực tự xưng đấng cứu thế (true Hmong Mahdi). Lợi dụng sự khích động có sẵn từ các nhà truyền giáo, ông ta tụ tập được một đội quân cứu độ và khởi sự tấn công chính quyền Trung Hoa. Chính quyền Trung Hoa cấp tốc gởi binh lính đến hấu đè bẹp phiến loạn. Khi giao chiến, Hmong thấy rằng súng hỏa mai thô sơ của họ không chống nổi súng carbine của nhà nước. Những tử thi phiến quân la liệt trên chiến trường. Về phía Trung Hoa, chiến thắng được hoàn hảo hơn nhờ bắt sống được viên pháp sư, người cầm đầu cuộc nổi loạn.
Chưa hết. Phiến quân sống sót sau trận chiến tìm cách phá ngục cứu vị pháp sư vào lúc nửa đêm. Lính canh ngục sát thương thêm vài người trong bọn họ và đẩy lui họ. Mọi hành động đều bị chặn đứng, Hmong xoay sang cướp phá một làng người Thái (dân thiểu số, không phải Thái Lan). Họ cướp của, đốt nhà, giết vài người dân làng, xử tử các viên chức Thái làm việc cho chính quyền Trung Hoa. Một chiến lợi phẩm quí giá là họ tìm được một kho chứa toàn vũ khí hiện đại.
Giờ đây tay đã nhuộm máu. Hơn nữa, có trong tay vũ khí hiện đại, phiến quân tuyên bố ý định thành lập một quốc gia Hmong độc lập, không lệ thuộc Trung Hoa. Ngay khi vừa tuyên bố, lính Trung Hoa ập lại từ 4 hướng. Lực lượng dân phòng Thái theo sau, võ trang đầy đủ bởi nhà cầm quyền. Phiến quân không được phép đầu hàng. Theo một phúc trình của Pháp, cuộc đàn áp cực kỳ dã man, đẫm máu.
Một phiến quân sống sót người Lolo (vâng, một ít người Lolo theo phiến quân), chạy sang Lào, định cư gần Sam Thong. Câu chuyện về cuộc khởi nghĩa, tô điểm với bùa phép thần bí, ghi khắc sâu đậm chủ thuyết cứu độ trong nhận thức Hmong.
Câu chuyện bắt đầu với sự giáng sinh của một em bé sơ sinh Hmong, có phép thuật chữa lành vết thương và làm người già trẻ lại. Hmong phủ phục dưới chân em bé để nghe lời tiên tri về một vương quốc Hmong và chiêm ngưỡng cái lọ đựng nước ối (nước trong tử cung sản phụ) được để dành sau khi sinh, một thần dược làm cho ai uống vào sẽ trở nên bất khả chiến bại. Một Hmong tên Yoi Pao tìm thấy lọ thần dược này, uống và được biến thành một lực sĩ xuất chúng, một pháp sư thần thông quảng đại. Yoi Pao có thể nhảy qua nóc nhà, giao tiếp với thần rừng và vong linh tổ tiên và biến hiện những đồ vật bằng đôi bàn tay. Ông ta đi khắp vùng với một con lợn biết nói tên là Chue Chao (Chúa Trời), giữ vai trò cố vấn. Rao truyền giải phóng, Yoi Pao tập hợp các tín đồ và dùng quyền phép hô phong hoán vũ để tiêu diệt bọn quân lính của nhà cầm quyền Trung Hoa tấn công. Ở một thị trấn, ông chẻ đôi đá tảng bằng động tác vẫy đôi tay mở kho vũ khí ngày xưa, phiến quân tìm thấy trong một làng người Thái. Số vũ khí này đủ trang bị cho một đội quân. Hmong không ngớt đạt chiến thắng cho đến khi con lợn biết nói bỏ rơi họ. Tại bờ sông Hồng (người Tàu gọi là sông Yuan), Pao Yoi làm phép cho nước rẽ ra nhưng dòng sông ập lại. Yoi Pao chết đuối. Không người lãnh đạo, số phận Hmong nằm trong tay người Trung Hoa, mặc tình chém giết thỏa thích. Cuộc nổi loạn ấy mệnh danh là cuộc nổi loạn Quế Châu năm 1917
Phụ nữ Hmong